Hôm nay,  

Đi tìm cái Tâm của nhân vật Tam Tạng, Bát Giái, Hành Giả

21/01/201707:30:00(Xem: 3937)

Đi tìm cái Tâm của nhân vật Tam Tạng, Bát Giái, Hành Giả …
(qua hồi 20 tuồng hát bội Tây Du Ký của Bùi Hữu Nghĩa)

 

 

Nguyễn Văn Sâm

 

 blank

(Trang đầu hồi 20 tuồng Tây Du)

  1. Trước hết xin giới thiệu một truyện thật ngắn, trên internet gần đây:

Thầy tuồng cải lương Nguyễn Chánh Sắt nói với bầu gánh André Thận: ‘Tôi nghĩ dầu mình lấy tích từ truyện Tàu nhưng nên biến nó thành tuồng càng mang màu sắc Việt Nam càng tốt. Diễn viên  cần phải bận quần áo Việt. Đắc Kỷ cũng vậy, Trịnh Ân không miễn trừ, Túy Kiều cũng y chang. Quần áo Việt Nam tuốt luốt!’

André Thận đồng ý. Kẻ coi tuồng phần đông không phản ứng gì. Một nhúm nhỏ gồm quan chức Chủ Quận, Hương Cả, Hương Quản… dựa trên nhiều lý lẽ ra lịnh gánh hát theo kiểu đó thì không cho tới quận tới làng, bèn ngăn sông cấm đường, cản dọa dân chúng.

Bầu Thận rả gánh. Xác gánh lăn lóc trong mưa nắng ở một rạp nhỏ. Đào kép ủ ê, đói khát. Hành nhân ai thấy cũng chép miệng ngậm ngùi.

Lão Đam đương cỡi trâu hát nghêu ngao ‘đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh…’, nghe chuyện, cười bò, té lăn xuống đất, phán: Người cầm quyền nô lệ thế thì dân tộc nó bao giờ thoát Trung được.  Kéo cả nước nó vô vòng nô lệ thôi. Tội nghiệp bao thế hệ sanh sau lũ bợm nầy. (Thoát Trung. ĐG)

Tôi đồng ý hoàn toàn với cụ Nguyễn Chánh Sắt. Nhưng sao tôi lại thường giới thiệu mấy cái gì liên quan với văn chương Tàu như tuồng Tam Quốc Chí, tuồng Tây Du Ký, như truyện thơ Tội Vợ Vợ Chịu, Mà Lòng Tôi Thương…?

Thưa! Vì tôi tha thiết với tác phẩm chữ Nôm quá đỗi nên thích giới thiệu ba cái tuồng và mấy tập thơ truyện bằng chữ Nôm. Khổ nỗi người xưa khi viết tuồng, cũng như khi phóng tác truyện thơ thì cảm hứng từ các truyện của Tàu. Nay nếu ta không khảo sát, không nói về những tác phẩm nầy vì có yếu tố Tàu trong đó thì chúng ta còn lại gì về mặt văn học! Bởi vậy tôi tìm ra cách giải quyết là nói về, nghiên cứu về những tác phẩm do người Việt viết mà không cần biết tới nguyên tác cội nguồn của chúng, lý do là khi người Việt đặt bút viết ra tác phẩm thì họ đã tạo nên bản chất Việt qua ngôn ngữ Việt và gói ghém trong đó chút nào tâm tình tư tưởng của mình. Khảo sát tuồng Tây Du, tuồng Tam Quốc, tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, tuồng Đường Chinh Tây, hay bất cứ tuồng nào, bất cứ truyện thơ nào, kể cả Đoạn Trường Tân Thanh, có nguồn từ Tàu mà không chú ý gì tới nguyên tác, chỉ chú ý đến những điều hay ho trong tác phẩm, những cách nói, ngôn ngữ đặc biệt của người Việt là điều đáng làm. Là tìm lại chút hồn Việt được phả vào trong tác phẩm… Cứ loay hoay, lính quính với nguyên tác ở bên Tàu bên Tây là chuyện mất thời giờ vô ích, xin nhường cho các học giả theo quan niệm tầm chương trích cú xưa, những người thích đi bên lề tác phẩm, bỏ cái chánh đi vào cái phụ khi không đi thẳng vào tác phẩm mà chỉ quanh quẩn với những râu ria của nguồn gốc tác phẩm, của gia tư tác giả….

Trở về tuồng hát bội.

Tuồng hát bội tạo nên những khó khăn cho ai chưa quen với những cách nói đặc biệt như bạch, xướng, thuần bằng tiếng Hán Việt. Cũng vậy vì hát bội là cách diễn tả hành động, mô tả sự kiện bằng lời để diễn, để nói nên hơi dài dòng và thường có đối, người đã quen với văn vần lục bát hơi có chút lấn cấn lúc ban đầu khi đọc. Tuy nhiên văn hát bội có điểm hay là nhiều từ ngữ rất thường nhựt, rất bình dân mà bất cứ thể văn nào, kể cả văn xuôi cũng không thể có.

Tuồng Tây Du bản Nôm đã khó tìm, bản chánh hiện lưu giữ tại Học Viện Viễn Đông Bát Cổ, trên đường Président Vincent, Paris mà không phải ai cũng có điều kiện để được xem. Bởi vậy người phiên âm và giới thiệu chưa có ai, chúng tôi xin đưa ra đây vài ý tưởng hay ho tiềm ẩn theo nhãn quan của mình trong từng hồi, kỳ nầy là hồi 20. Trích dẫn hơi nhiều để người đọc thưởng thức chút ít loại văn chương một thời là món giải trí được ưa thích của người dân miền Nam và miền Trung, nay đã đi vào lãng quên do sự biến thiên của xã hội kéo theo sự biến đổi của quần chúng về sự thưởng ngoạn văn nghệ, văn học.

 

  1. Hồi 20 cũng như những hồi khác, ông Bùi Hữu Nghĩa[1] theo đúng nguyên tác ở phần đại ý.

Thầy trò Tam Tạng từ giả Ô Sào lên đường tiếp tục cuộc hành trình về phía Tây. Bữa kia trời tối, cả đoàn tới một gia trang nọ xin tạm trú qua đêm. Gia chủ và gia đinh quá sợ vì hình dạng của Bát Giái và Hành Giả, nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn khi được giải thích rằng hình dạng kỳ dị nhưng bản chất là tốt vì họ đã xuất gia theo thầy đi qua Tây phương thỉnh kinh. Gia chủ khuyên thầy trò nên đi về phía Đông, đường sẽ dễ dàng hơn. Hành giả xác quyết rằng mình có thể giải quyết bấy kỳ những nguy hiễm khó khăn gì. Trú ngụ qua đêm, hôm sau cả đoàn lên đường và chẳng mấy chốc mà đến núi Hoàng Phong.

Tại đây Tam Tạng bị Mãnh hổ tinh làm kế kim thiền thoát xác, gạt Hành Giả và Bát Giái để lộn về chỗ của trú của Thầy Tam Tạng, bắt Thầy. Tam Tạng bị đem về động yêu trói bỏ đó vì chúa động sợ oai Tề Thiên Đại Thánh, chưa dám làm hổn.

Hồi 20 kết thúc khi hai đệ tử của Thầy Tam Tạng tới cửa động tìm cách phá động để cứu thầy.

Chúng tôi, qua hồi nầy, giới thiệu về con người Tam Tạng, Bát Giái, Hành Giả và một người dân bình thuờng làm chủ gia trang đã tiếp đoán phái đoàn. Giới thiệu chú trọng đến cái tâm của mỗi người.

 

  1. 1.    Tam Tạng:

Thầy Tam Tạng luôn hằng tâm rằng mình đã phủi sạch lòng trần, chỉ nghĩ đến miền Tịnh độ:

Mây đàm vân nhặt bủa,

Trăng trí nguyệt xa soi.

Áng trần duyên dạ đã phủi rồi,

Miền Tịnh độ lòng hằng say tỉnh[2].

Việc Thầy làm bây giờ là thực hiện lịnh của vua đi về phía Tây để thỉnh kinh Phật.

Sang Tây thổ ngửa vâng lượng thánh,

Tôi Đông Đường Tam Tạng là danh

Dĩ nhiên ngoài mạng lịnh của vua, Thầy cũng hết lòng muốn tìm  hiểu kinh Phật và sẽ phát tán kinh đến chúng sanh cho hiểu đạo hơn. Điều đó hoàn toàn chắc chắn tuy rằng Thầy chưa bao giờ nói ra.

Thầy luôn luôn nghĩ đến việc làm sao hoàn tất việc thỉnh kinh để mang về Trường An. Cái tâm nầy có giá trị đối với người lãnh việc để làm tròn nhiệm vụ hay thực hành lý tưởng của mình. Nhưng chính cái tâm khăng khăng hướng về mục tiêu gì đó dầu tốt hay xấu, chưa hẵn là đúng với tư cách của người chân tu an nhiên với mọi sự trên đời. Thêm nữa, ở hồi thứ 20 nầy, cái tâm bình thường của con người như phân vân, giận dữ, lo sợ, bồn chồn …Thầy Tam Tạng vẫn có, vẫn còn. Điều nầy dẫu rằng khó tránh khỏi khi người tu hành còn ở trong cõi thế và còn có cơ khuyếch tán nhiều hơn khi phải đối diện với thực tế quá nhiều khó khăn như trường hợp Thầy Tam Tạng. Dầu nói thê nào đi nữa, cái tâm lo lắng hay chăm chăm vẫn là một điểm đen đối với người đã tu hành từ nhỏ, trái với cái tâm an nhiên cần có của người xuất gia thoát tục mà ngoại cảnh khó xung động được.

Khi Bát Giái lộ lòng trần tục trong việc than đói (Giờ đệ tử đói ghê. Tới nhà ngươi kiếm chác[3] vật chi, Hành lý nọ mới toan gánh nỗi), Thầy la rầy Bát Giái và còn lộ ý quá giận muốn đuổi Bát Giái đi:

Chốn lộ đồ nhiều việc gian nan.

Nếu gia tình ngươi đã nồng nàn,

Thời Phật đạo ắt là thúc liễu[4].

Đường tân khổ ngươi đà không chịu,

Khá về làm cựu sự cũng nên[5].

Ta đọc thấy sự giận dữ của Thầy Tam Tạng trong câu nói nhẹ nhàng nhưng hàm chứa tính cách xua đuổi người học trò nhiều tục tánh. Có thể Thầy nghiêm khắc áp dụng  luật tu, nhưng ở đây là sự nghiêm khắc có pha chút giận dữ trong lời nói. Cái hay của Bát Giái chỗ nầy là đã biết lỗi ngay và không nề hà gì mà quì xuống xin lỗi thầy:

Xin sư phụ chớ hiềm[6],

Tôi không lòng lẫy đẫy[7].

Trước ngửa đội Quan Âm hạnh giới,

Sau thêm nhờ Sư phụ thương tình,

Sang Tây Phương dầu mấy lộ trình,

Tôi cũng chịu không lòng thoái hối[8],

Lời thầy dạy tôi đà biết lỗi,

Nay nhẫn sau đâu dám quai vi[9].

Đến nơi tạm trú, nghe gia chủ khuyên nên đi về phía Đông để khỏi nguy hiễm Thầy không nói gì - chắc là trầm ngâm suy nghĩ. Sau khi Hành Giả ‘quạt cho gia chủ một lèo’, và tuyên bố rằng mình sẽ đãm đương chuyện bão hộ thầy vì mình đủ sức lo chuyện đó, Thầy mới an tâm trai thực. Tuy nhiên trong lòng Thầy vẫn lấn cấn với những điều gia chủ đưa ra. Thầy không bình tâm được. Phải hỏi cho rõ ràng sau khi dùng cơm xong:

Bây giờ đà bình định,

Tôi dám hỏi một lời.

Rằng Tây phương đi chẳng tới nơi,

Sang Đông thổ cầu kinh mới có.

Tai kia nghe tuy rõ,

Lòng nọ nghĩ chưa ra.

Dám xin thí chủ thiệt thà,

Chỉ thị phàm tăng kẻo lạ.

Tôi không thấy điểm son trong câu thú thiệt của Thầy: Lòng nọ nghĩ chưa ra. Té ra Cái tâm thiền định của Thầy giao động vì vài lời nói có tính cách ngôn thí của gia chủ.

Trên đường đi, khi gặp nguy, đồ đệ Hành Giả kêu Thầy ẩn trú ở nơi mà kẻ xấu muốn tấn công cũng khó tìm, ngồi đó niệm Tâm kinh để lòng không lo sợ và có được sự giúp sức của Phật thì thầy quá sợ, gần như là không dám ở một mình, dặn dò gần như van xin đồ đệ đừng bỏ Thầy một mình :

Ngươi tới đó bao giờ trở lại,

Một mình đây (20 5A) sợ nó có qua.

….Người cùng vật chớ nề thành bại,

Đuổi đi xa ngươi kíp trở về.

Cuối cùng Thầy chỉ ngồi một thời gian ngắn rồi nỗi lo lắng, bồn chồn trong dạ khiến thầy bỏ chỗ ngồi, bỏ niệm Tâm kinh, đi ra trông ngóng học trò cho đến nỗi bị mãnh hổ bắt:

Thế đồ đệ đã gần hồi phản,

Ra đường xưa niệm quyển Tâm kinh.

(Tụng đa Tâm kinh, bị cọp bắt…)

Tại sao phải đi ra đường? Vì lòng Thầy còn động, lo lắng về sự thắng thua của đồ đệ, lo lắng về sự nguy hiểm của chính mình. Người viết truyện không khai thác nhiều điều nầy nhưng cũng cho thấy lời tụng Tâm kinh không giúp được loại trừ những nguy hiểm thực tế trước mặt.

Tuy nhiên ta phải kính phục lòng kiên quyết của Thầy Tam Tạng. Mặc dầu nghe ông già kia nói rằng phía Tây có kinh nhưng đường xa xôi hiểm trở, khuyên Thầy nên đi về phía Đông, phía Đông cũng có kinh đường lại dễ dàng, Thầy đã đồng ý với Hành Giả nhứt định tuân thủ lời vua, theo con đường mình đã vạch, tiến về phía Tây với đầy nguy hiểm chực chờ.

Vừng ô góc đông sớm lố,

Bóng thiềm song bắc vừa chinh.

Thầy tớ ta chỉnh đốn đăng trình,

Giả thí chủ sơn gia tự tại.

       …..Dặm bao nài xa trải sơn xuyên,

     Gian nan dễ ngại lòng thiền,

          Trước an dạ chúa, sau đền nợ tôi.

  1. Bát Giái:

Đó là con người bình thường, quá hơn nữa là tầm thường, con người có cái tâm dục, bị sự thúc đẩy của thân xác. Bát Giái thường than đói than cực. Vô nhà người khi thiên hạ đãi ăn thì nhào xáp vô ăn liền trong khi Thầy Tam Tạng nhẫn nha, theo thủ tục của tăng, tụng kinh cúng đền ơn người đã cày cấy để tạo hột gạo hột cơm cho mình ăn hôm nay:

Phép ăn uống nhớ nhà cày trước,

Vậy thánh nhân mỗi phạn tế chi[10].

Mặc tôi cúng dường nhứt thì,

Để tụng trà kinh lại đã.

(Tam Tạng chấp tay, tụng Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa cúng dường chư Phật, dáng rất thành khẩn … Bát Giái đã lua xong một chén)
 

Trong khi đó thì ngay cả trước mặt Thầy mình, Bát Giái lộ ra bộ dạng kẻ tham ăn, kẻ không thể đè nén cơn đói:

Kinh kệ vốn nghề thầy cả,

Kiếm ăn là phận chúng tăng[11].

Ăn mấy chục chén vẫn không đủ, Bát Giái luôn luôn đòi thêm- tượng trưng cho lòng tham vô tận của người bình thường với những ham muốn rất trần tục - khiến người nhà phải thú nhận là hết cơm:

                    Phép làm chủ nói ra thời trá,

Xin khách nhân nhịn miệng đợi cùng.

Thiệt trong nhà nồi chí những thùng,

Cháy cùng nát thảy đều hết tất.

Vậy mà anh chàng còn giận dữ lớn tiếng la ó gia chủ. (Sao giống người có quyền thế đời nay quá chừng chừng…)

Lời nói bây không thiệt,

Mỗ ăn vốn có chừng.

Nãy đến giờ bụng mỗ còn lưng,

Trước sau kể đặng vài mươi bát.

  1. Hành Giả:

Là người điểm đạm, không dễ giận, biết chuyện phải trái. Cũng nhiều khi lý sự nhưng không phải lý sự để giành phần phải về mình mà lý sự để cho người khác thấy một chơn lý mà mình muốn bày tỏ.

Nghe nói gian nan Hành Giả đã quyết liệt nói rằng có tôi, tôi sẽ trừ khử những yêu ma, chương quái, dẹp hết những trở ngại, tôi quyết lòng bão hộ Thầy đi về phía Tây:

Sang Tây phương hiểm trở (20 3B) dầu nhiều,

Gẫm như mỗ tài năng không ít.

Đường dầu gặp sơn cùng thủy kiệt.

Sức mỗ hay một hiểm, sừ hoang.

Đường dầu nhiều yêu quái trở đương,

Tài mỗ biết hàng long phục hổ.

Mấy gian khổ chi sờn sức mỗ,

Rất sờn chăng không kẻ biết min.

Hành Giả là người hăn hái nhứt trong sự bảo vệ Thầy, không từ một hiểm nguy nào để chiên đấu với ma quỷ, cũng không cần sư phụ biết công lao mình. Khi thầy bị bắt thì long xốn xang, đau xót:

Sao Tôn sư mất đó,

Khiến hoảng hốt lòng đây.

Lạc phương nào thầy hỡi là thầy,

Tầm chẳng đặng tớ thêm cực tớ

  1. 4.    Người dân thường.

Người dân thường trong tuồng Tây Du hầu hết là người tốt bụng. Giúp đỡ người cần giúp đỡ không tính toán gì thua thiệt. Thêm nữa họ có lòng mộ đạo tu hành.  Hồi 20 nầy người dân thường là ông lão rất thành tâm, lúc chiều đến, trước cảnh chiều buồn – tôi nghĩ là chiều nào cũng vậy –  buồn, đã ngồi tụng kinh Phật:

Bát ngát hạc về núi cũ,

Bồi hồi ác lại non xưa[12].

Biết lấy chi rửa đặng bụi nhơ,

Bằng trước kỷ[13] niệm Vô Di Phật.

Nghe Thầy Tam Tạng nói mình là kẻ đi về phía Tây để thỉnh kinh, ông khuyên Thầy đi về phía Đông. Lời khuyên nầy cũng là xuất phát từ tấm lòng thiện của ông thôi. Ta có thể hiểu sâu xa hơn là ông nói như là được hướng dẫn của đấng thiêng liêng (trong Tây Du Ký đó là Phật Bà Quan Âm) để thử lòng thầy Tam Tạng.

Đường sang Tây sợ nỗi khôn thông.

Muốn cầu kinh thời phải sang Đông,

Đường đã dễ mà kinh lại có.

(Tam Tạng trầm ngâm…)
 

Sau khi hai bên hiểu nhau, ông không còn sợ hình hài quái dị của Bát Giái, của Hành Giả nữa, ông trở về với lòng hiếu khách cố hữu, lo chuyện trà nước, cơm chay:

Người đã xông pha ngàn dặm,

Dám mời uống dối chén trà.

Truyền gia tiểu trong nhà,

Dọn cơm chay cho sẵn.

…..

Dầu tương cà tưởng dạ chủ nhà,

Mời sư đệ thời qua uống nước.

Vai trò của người dân thường, chủ gia trang hiện diện như một Phật tử bình thường, tu phước bằng bố thí nơi trú ngụ, bố thí cơm nước, và bố thí lời nói. Ông trong thâm tâm, khi khuyên thầy trò Thầy Tam Tạng đi về phía Đông là bố thí một lời khuyên phải theo nhận định của ông. Ông ở đây lâu biết được trên đường đi về phía Tây có núi chớn chở, có yêu quái tài phép sẽ làm hại người nên khuyên. Khuyên làm phước như người bình dân thường làm.

***

3.Hồi 20 nầy, ông Bùi Hữu Nghĩa tuy là theo sát nguyên bản Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân nhưng nhưng đã biết khai thác những điểm đặc biệt để cho người đọc thấy được từng cái Tâm khác biệt của các nhân vật. Đó là điều đáng ngợi khen ngòi bút của một văn tài. Độc giả có thể thấy them cái hay trong cách dùng chữ để mô tả nhân cách qua lời ăn tiếng nói từng nhân vật. Điều nầy cũng đáng cho ta khảo sát, nhưng đó không phải là mục tiêu của bài nầy.

 

Nguyễn Văn Sâm

(Victorville, CA, Jan, 2017)

                                                                           

 

 



[1] Tôi theo thuyết của ông Nam Cư trong quyển Bùi hữu Nghĩa và Tuồng Kim Thạch Kỳ Duyêncho rằng tuồng Tây Du là do Bùi Hữu Nghĩa sáng tác.

[2] Giáo đầu nhân vật giới thiệu mình. Tam Tạng dùng những chữ của nhà Phật về sự tỉnh ngộ: đàm vân, trí nguyệt.

[3] Những từ như kiếm chác không thể nào thấy được trong văn vần. Giá trị của tuồng ngoài những thứ khác còn có điểm giữ được ngôn từ thường dùng hằng ngày của thời đại tuồng xuất hiện.

[4] Nếu nghĩ nhiều đến chuyện gia đình thì Phật đạo sẽ bị bứt bung sớm. Không viên thành được.

[5] Lời thầy khuyên bảo nên về làm cựu sự, tức là về với gia đình, nhà cửa, ăn ngon, vợ hầu trẻ…. Lời thầy nhẹ nhàng nhưng là đuổi đi.

[6] Chớ hiềm đây có nghĩa là đừng để ý, đừng quan trọng điều tôi vừa nói.

[7] Lẫy đẫy: HTC, Xao xuyến, từ xưa. Bát Giái nói mình không ngại khó nhọc đâu. Bản Nôm viết lẫy nẫy,..

[8] Đường sang Tây Phương có xa tôi cũng chịu không thoái thác.

[9] Từ nay về sau không dám làm gì sai trái nữa.

[10] Chữ chi nầy dùng theo văn phạm Hán thế cho những người cày cấy ruộng nương.

[11] Câu nói khá hay! Đúng với nhiều thời đại. Đời xưa mà cũng thế ư?

[12] Chim bay về tổ, mặt trời lặn sau núi. Cảnh chiều hôm. Người nhìn thấy buồn: Bát ngát, bồi hồi. Bát ngát nghĩa xưa là buồn bã, nay nghĩa đã bị biến thái thành ra rộng lớn.

[13] Trước kỷ: Ghế tre. Ghế tạp. đơn sơ.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.