Hôm nay,  

Câu chuyện Nữ Tú Tài

03/01/201700:02:00(Xem: 4714)

Nguyễn Văn Sâm
 

Câu chuyện  Nữ Tú Tài

  

Nguyễn Văn Sâm phiên âm theo bản Nôm do nhà Kim Ngọc Lâu 金玉楼 giữ bản gỗ, khắc in năm Ất Hợi (1875) người Minh hương sống ở tỉnh Gia Định là Duy Minh thị 惟明氏soạn thành truyện, nhà phát hành Hòa Nguyên Thạnh Điếm 和源盛店ở Chợ Lớn nhập và phân phối ở Việt Nam . Bản khắc gỗ thực hiện bên Tàu, tại tỉnh Việt Đông 粤東, xứ Phật Trấn 佛鎮 (Quảng Đông).
 

blank

1.Bìa truyện Nữ Tú Tài bản Nôm Phật Trấn.  2.Trang thứ nhì, tức 1b: Đêm ngày luyện tập thi thơ…)
 

Câu chuyện Nữ Tú Tài theo bản Nôm đơn giản hơn câu chuyện nguyên thủy trong nguyên bản của truyện thứ 34 trong số 40 truyện của tập Kim Cổ Kỳ Quan . Duy Minh Thị khi viết bản Nôm nầy chỉ chí ý đến tình tiết về người nữ Phi Nga mà không để ý đến chuyện văn thơ mở dầu và những điều lòng vòng về gia thế nầy nọ của người nầy người kia đưa ra trong nguyên tác.

Chúng tôi cũng xin tóm lược câu chuyện theo bản Nôm vì phần nầy đã ảnh hưởng lên người Việt bao thế hệ rồi, những tình tiết khác trong nguyên tác đã  trở thành kẻ đứng ngoài  nên không cần phải nói tới.
 

Đời nhà Tống, vào những năm vua thích văn học mà bỏ bê nghiệp võ, quan Tham Tướng (quan võ) họ Văn có người con gái đẹp đẽ tên là Phi Nga  rành nghề cung kiếm. Nàng sống với cha vì mẹ đã khuất núi:

                Họ Văn có Nữ Tú Tài,

                Con quan Tham Tướng tuổi vời xuân xanh.

                Vả thêm quốc sắc khuynh thành,

                Đã hay nghề ngựa lại rành nghề cung.

                Chân thiếu nữ, giả anh hùng[1],

                Trượng phu mấy kẻ địch cùng kém xa[2].

                Đặt tên là ả Phi Nga[3],

                Huyên đường sớm vắng, còn nhà nghiêm quân[4].

Nhưng vì hoàn cảnh xã hội nàng quyết theo đòi cho đến nơi chuyện văn thơ. Vào thời đại của sự trọng nam khinh nữ, nam nhân mới được đi thi nàng Phi Nga quyết định giả trai để đi học với tên là Tuấn Khanh:   

 

                Quần chân, áo chít, cài khuy.

                Trá hình làm đấng nam nhi học hành[5].

Cải danh hiệu đích Tuấn Khanh…

Khi học tại trường nàng làm bạn với hai nho sĩ là Ngụy Soạn Chi và Đỗ Tư Phong, cả ba quyết lòng học để thành tài, không nghĩ gì đến chuyện lập gia đình. Rồi cả ba đều thi đậu Tú Tài, và vẫn cùng nhau học hành.
 

Vì là nữ nên khi Phi Nga giả trai thì chàng trai gái giả Tuấn Khanh rất đẹp trai cho nên hai bạn chú ý cười cợt. Có lần Tử Trung nói rằng nếu Tuấn Khanh mà biến thành con gái thì mình sẽ xin cưới:

Tử Trung nói cợt trình hầu[6] Tuấn Khanh.

Rằng hai ta tuổi xuân xanh,

Đồng niên đồng cán khoa danh cũng đồng.

Chước chi biến dịch thư hùng[7],

Lấy nhau làm vợ làm chồng đẹp đôi.

Soạn Chi cũng không chịu thua:

Soạn Chi thấy nói mỉn[8] cười,

Rằng âm dương vốn khí trời bẩm sanh[9].

Ví mà biến tướng cải hình.

Lấy nhau đây cũng thuận tình cưới cho[10].
 

Tuấn Khanh  nghe hai bạn nói như thế thì lo sợ e rằng mình đã sơ hở trong khi giao  tiếp khiến bị lộ chăng, cẩn thận cách mấy thì ngực vẫn cao và má vẫn hồng:

Dẫu mà khép nép ra vào.

Nương long sai dậy, má đào hây hây[11].

Câu đùa cợt của bạn khiến Tuấn Khanh suy nghĩ và quyết tình chọn một trong hai người  để kết duyên sau nầy nhưng chưa biết sẽ chọn ai.  Tình cờ có một con chim sẻ đậu vừa tầm tay bắn. Tuấn Khanh lấy mũi tên viết vào đó mấy chữ cùng là đề tên thiệt Phi Nga. Khi bắn tên ra Phi Nga nguyện rằng ai bắt được tên kia thì là có duyên nợ với mình, nàng sẽ kết duyên với người đó. Tử Trung bắt được tên nhưng có chuyện gấp phải về nhà bèn trao mũi tên lại cho Soạn Chi:

Chim bay rơi xuống học tràng,

Tử Trung chợt thấy  vội vàng ra xem.

Vô tình ai biết sự gì,

Trông lâu bỗng thấy tùy nhi gọi về.

3a           Cầm tay trao bảo Soạn Chi[12],

Soạn Chi cầm tên lên thấy chữ đề và nghĩ rằng người bắn là một nữ nhân có  tài nên ước muốn được gặp. Tuấn Khanh bảo đó là chị mình và sẽ làm mai mối cho, trong lòng Tuấn Khanh vẫn nghĩ Soạn Chi là người bắt được mũi tên kia, và người nầy đó là lương duyên của mình nên mới đặt chuyện mai mối và đòi có vật gì làm tin. Soạn Chi vui mừng bèn trao ngọc trang như là của sính lễ với người chị vô hình của Tuấn Khanh.

                Sau mà vẹn chữ vu qui,

Thời anh phải lấy vật gì đưa sang.’

Soạn Chi mở tráp vội vàng,

Đưa ngay một chiếc ngọc trang báu kỳ[13].

‘Nàng’ Tuấn Khanh về nhà với tâm sự của nàng Phi Nga: Lòng muốn người khác mà tên lại vào tay người khác. Nàng cho tới lúc nầy vẫn tin như vậy:

Tiếc thay chàng Đỗ Tử Trung,

Đồng niên mà lại nghi dung đức tài.

Cùng nhau muốn kết duyên hài,

Song le tên mắc ở nơi tay người[14].

Thời gian qua, có chiếu của vua cho mở kỳ thi Hội. Hai bạn rủ Tuấn Khanh đi thi nhưng Tuấn Khanh sau khi hỏi ý cha thì được khuyên là thôi vì  thi nữa thì có thể sẽ bị lộ việc giả trai, ở nhà vậy mà chắc:

                Cha rằng con gái nữ hài,

Thi Hương đã đỗ Tú Tài làm hay[15].

Lại đòi Hội thí chi rày,

Phòng khi sự giác[16] nữa mày làm sao?

Âu là giả chước làm cao,

Anh em ai biết sự nào mà nghi.

Đỗ Tử Trung và Ngụy Soạn Chi người thì đậu Trạng Nguyên, người thì đậu Thám Hoa. Trong khi đó nhà quan Tham Tướng lại xảy ra tai biến, ông bị cáo gian và bị bắt hạ ngục. Vua cho Tú Tài Tuấn Khanh được thong thả, Tuấn Khanh mới lo lót cho ngục quan để cha mình khỏi bị hành hạ còn mình thì chuẩn lên kinh đô lo việc kêu oan. 
 

Trong việc đi nầy, Tuấn Khanh được vợ chồng Văn Long đi theo:

                Ba người mưa nắng dãi dầu.

                Một cung, một ngựa, một bầu lân la.

7b           Chẳng nề muôn dặm đường xa,

                Chơn đi miệng niệm Di Đà hộ thân.

Khi tới kinh đô thì chuyện rắc rối xảy ra, khi nhóm Tuấn Khanh tạm ngụ nơi một quán trọ thì bên kia liễu tường có người con gái nhìn thấy chàng trai đẹp mã bèn đem lòng thương trộm yêu thầm :

                Càng nhìn càng nổi trận rào,

Nương long thốn thức, áo bào mưa chan[17].

Biết ai mà đặng thở than,

Chước chi đây đấy giao hoan một phòng[18].

Nàng đánh bạo cho người đến làm quen khuyến dụ lại  còn nhờ ông ngoại mình sang nói chuyện muốn đính kết hôn nhơn. Tuấn Khanh nói dối rằng mình đã có vợ thì cũng không ổn vì người hầu Văn Long lẽo mép bật mí chủ mình chưa có vợ. Tuấn Khanh buộc lòng phải nhận lời và trao ngọc trang cho cô gái họ Cảnh với mục đích sau nầy sẽ gả nàng con gái nầy cho Tử Trung là người  mình vốn có nhiều cảm tình và luôn nghĩ tới:       

                Thấy lời lão tướng cạn cùng[19],

Chàng liền nhớ đến Tử Trung bạn hiền.

Còn không chưa định nhơn duyên,

Mới toan một chước tạm quyền giả danh.

Giải quyết xong, Tuấn Khanh lên đường đi kinh đô, Cảnh tiểu thơ ở lại nhớ thương, van vái cho mọi sự yên xuôi: quanTham Tướng khỏi nạn, chàng Tuấn Khanh đi được bình yên, một tình cảm rất thiệt của người phụ nữ đương yêu:

Ngán thay nỗi Cảnh thư nương,

Từ ngày chịu lễ ngọc trang của chàng.

Ruột tằm đoài đoạn tơ vương,

Tóc mây biếng chải, cơm thường thờ ơ[20].

Mặt hoa quái dạng[21] ngẩn ngơ,

Khúc cầm biếng khải, lá thơ ngại đề[22].
 

13a         Mong cho chàng kíp trở về,

Tạ ơn ông nguyệt, vu qui phỉ nguyền.

Lạy trời kíp giải oan khiên,

Cho quan Tham Tướng bình yên về nhà.

Tuấn Khanh đến gặp Tử Trung để nhờ đưa đơn giải oan cho cha mình,  Tử Trung nhận lời nói rằng  việc khó khăn của bạn, mình sẽ lo tròn.

Tôi xin cứu khỏi nạn nầy,

Gọi là kẻ mỏng người dầy đở nhau[23].

Trong khi Tử Trung đem sớ của Tuấn Khanh vào triều thì Tuấn Khanh  đi dạo chơi kinh kỳ. Tử Trung đến phòng trọ của bạn thấy có cái rương mở và có bản thảo sớ văn với chữ ký của con gái tên Phi Nga. Chàng ta hiểu ý và đã giữ làm đối chứng với Tuấn Khanh sau đó.

Tuấn Khanh thú thiệt mình là Phi Nga và lấy làm tiếc là mình đã nhận ngọc trang của Soạn Chi như là vật đính hôn vì Soạn Chi bắt được cái mũi tên nguyện ước của mình. Tử Trung nói rằng mình mới là kẻ bắt được đầu tiên và đọc lại những chữ Phi Nga viết trên mũi tên. Phi Nga thấy đây  mới thiệt là người có duyên trời với mình nên đồng ý làm vợ của Tử Trung.

Toại lòng hương lửa tưng bừng,

Tạm quyền ông nguyệt, xích thằng xe dây.

Trăng trăng, gió gió mây mây,

Kẻ yêu quốc sắc, người say anh tài.

…….Chàng liền cởi áo cẩm bào,

Thiền quyên sánh với anh hào giao hoan.

Trướng loan nghiêng ngữa gối loan.

Thắm duyên thần nữ, phỉ nguyền văn nhân.

Vui vầy bể ái nguồn ân,

Mưa tuông đĩnh Sở, mây vần ngàn Tương.
 

16b         Khắc giờ hơn nửa ngàn vàng,

Say sưa vẻ nguyệt mơ màng giấc mai[24].

Trong khi vui tình chồng vợ với Tử Trung nàng Phi Nga nghĩ đến tình cảnh của Soạn Chi và sự nhận ngọc trang của mình trước đây nên xin chồng cho mình đi thuyết phục nàng tiểu thơ họ Cảnh để nàng ta đồng ý làm vợ Soạn Chi. Đó là kế lấy ngựa thay trâu hay là di hoa tiếp mộc:

Tôi xin lập một chước mầu,

Tấn xưa lấy ngựa dịch trâu lọ là.

Sau thời gian thuyết phục nàng họ Cảnh cuối cùng rồi thì nàng cũng nhận lời. Sau đó cả hai vợ chồng Tử Trung Phi Nga lại thuyết phục Soạn Chi. Công việc cũng kết quả dầu hơi khó khăn. Trong khi đó thì quan Tham Tướng đã được phục oan trở về làm quan như cũ.

Câu chuyện kết thúc với bốn họ vui mừng. Họ Cảnh và họ Ngụy được kết duyên là do công của họ Văn, nhưng nhờ thế duyên tình của họ Văn không bị tì vết… Bốn bên đều vui mừng..

                Mừng lòng, vã toại sở cầu,

                Người xe chỉ thắm, tôi đem lá vàng.

                Song song anh yến phụng hoàng,

                Cùng nhau mở tiệc lên đàng vinh quy.

Dĩ nhiên ngọc trang đã về trở lại chủ nhân là Soạn Chi. Nàng Phi Nga do đó cùng chồng xin lại mũi tên nhân duyên của mình mà anh nầy còn đang cất giữ, và được trả lại:      

24b         Tử Trung mới hỏi Soạn Chi,

                Ngọc Trang đã hợp, nào thời trúc tên.

                Giao hoàn cho phỉ sở nguyền,

                Các tùy kỳ tiện, mới yên dạ nầy,

                Trúc tên Soạn mới cầm tay,

                Vâng lời bèn mới đưa ngay cho chàng.

Truyện kết thúc với niềm vui của bốn người bốn họ. Từ đó họ đời đời kết thân:

Giao hoàn, bốn họ vang lừng,

Có người khoa mục có nàng thục nhân.

                Đời đời xuân lại thêm xuân

                Dõi truyền Đỗ, Ngụy, Cảnh, Văn, bốn nhà.

Câu chuyện Nữ Tú Tài Di Hoa Tiếp Mộc là câu chuyện của người Tàu, nhưng khi biến thành truyện thơ Nữ Tú Tài lại có những điểm hay ho: có sự nhớ thương tình nhân, có sự lo lắng khi người yêu lên đường lo công việc, có  đoạn tả chuyện vợ chồng mặn nồng nhưng thanh nhã. Về mặt lịch sử, truyện có rất nhiều từ ngữ xa xưa thời người Pháp mới tới mà không phải tác phẩm nào cũng có, nhứt là những tác phẩm thuộc loại làm văn chương bậc cao với quá nhiều từ ngữ Hán Việt cũng như điển tích như Đoạn Trường Tân Thanh, như Hoa Tiên, như Cung Oán Ngâm Khúc….
 

Nguyễn Văn Sâm

(Dec, 2016, Victorville, CA, USA)

 

[1] Chân thiếu nữ  眞少女, giả anh hùng  假英雄: Thiệt là thiếu nữ nhưng tài nghệ giống như nam nhi. (Nữ nhân tài như nam nhi nên gọi là giả anh hùng.)

[2] Tài cô Phi Nga hơn tài nam nhân nhiều.

[3] Ả Phi Nga: Cô gái Phi Nga. Ả tiếng gọi cô con gái, nay còn xót lại trong từ cô ả, ả nhưng nghĩa không còn trong sáng nữa.

[4] Mẹ mất sớm, chỉ còn cha.

[5] Hai câu: Nàng giả trai, mặc quần áo nam nhi.

[6] Trình hầu 呈候: Nói chuyện, thưa chuyện.

[7] Chước chi biến dịch thư hùng 䂨之変易雌雄: Có cách gì biến đổi thành gái và trai. Thư雌, chỉ nữ, hùng 雄chỉ nam.

[8] Mỉn cười 𠲶唭: Nay nói mỉm cười. Tôi dùng mỉn theo Huình Tịnh Của (Mỉn cười: Nhích môi một thí mà cười, không cho thấy miệng cười. Đứa dại hay cười cả tiếng, người khôn mỉn cười. Mỉn cười: Cười chuốm chím) và theo âm chữ Nôm miễn免. Văn quốc ngữ đầu thế kỷ thường dùng chữ mỉn, đặc biệt trong quyển Hiệp Nghĩa Phong Nguyệt 俠義風月của Nguyễn Chánh Sắt, Saigon, 1931 chữ mỉn được xài từ đầu đến cuối, ta không thấy chữ mỉm.

[9] Đoạn nầy cho thấy Tử Trung nói ra lòng ước ao của mình, Soạn Chi điềm đạm hơn không nói ra trước nhưng chẳng chịu thua, cũng nói ra sự kiện mình thích có người vợ như Tuấn Khanh.

[10] Chữ cho nầy chúng tôi đọc theo mạch văn. Nguyên văn viết là chữ tông, 宗 ngờ là nhầm với chữ chu 朱 do hơi giống tự dạng.

[11] Hai câu: Dẫu cẩn thận mấy cũng khó dấu vì ngực nổi lên và má ửng hồng của thiếu nữ khó che đấu.

[12] Một người bắt được một người giữ.

[13] Báu kỳ 宝奇: Của quí giá lạ lung, ít có.

[14] Cũng là ý ở trên, long ‘nàng’ Tuấn Khanh thích người Tử Trung hơn!

[15] Đậu Tú Tài là hay  là tốt rồi. Thôi đừng đi thi them nữa.

[16] Sự giác 事覺: Công việc bị dỡ lỡ ra người ta biết… Những chữ như sự giác , chớ lệ.. là những chữ dùng theo lối xưa mà tác phẩm sau đó không còn thấy nhiều nữa vì khó hiểu.

[17] Hai câu: Nàng càng nhìn Tuấn Khanh càng mê mệt, càng hứng khởi, ngực phập phồng, mồ hôi đổ ra. Tả chân như vậy thì văn gia ngày nay cũng khó qua.  ĐGT nói câu nầy hai chữ nương long có bản khác là cõi lòng: Vậy cụ ĐGT có ít nhất là ba bản Nôm. Tiếc là cụ không đưa lên bản nào khiến ngày nay người đi sau mờ mịt.

[18] Giao hoan một phòng 交歡𠬛房: Nghĩa xưa, lúc tác phẩm xuất hiện, thì nhóm từ nầy có nghĩa là cùng vui với nhau, như uống rượu, ngâm thơ, chơi cờ, chuyện vãn, không có chuyện sex ở đây như nghĩa chữ giao hoan hiện tại.

[19] Cạn cùng 口件 穷: Nói đã hết lời thấu lý, khó nói hơn thiệt khác được.

[20] Tóc mây biếng chải 𩅘𩄲丙扯: Rủ rượi, không chú ý săn sóc mình. Cơm thường thờ ơ 𩚵常蜍於: Cũng chẳng muốn ăn uống.

[21] Mặt hoa quái dạng : Sắc đẹp bị tàn hao đi, không còn xinh tươi nữa. Chắc việc nầy xảy ra không lâu dài, sau đó thì đẹp trở lại….

[22] Khúc cầm biếng khảy 曲琴丙𢭮: Lười chơi đàn. Lá thơ ngại đề 𦲿詩碍題: bỏ làm thơ. Những thú vui tao nhã xưa cũng chẳng hề đụng tới.

[23] Kẻ mỏng người dầy đỡ nhau 几蒙𠊛𠫅扡饒: Kẻ không có thế lực nhờ người có quyền thế giúp đỡ.

[24] Nguyên đoạn tả cảnh ái ân của nàng Phi Nga với Tử Trung nghe thanh nhã dầu nói chuyện chẳng thanh tao!



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Theo cơ quan Tín Vụ Á Châu thì ơn gọi linh mục và tu sĩ ở Trung Cộng đang tăng tiến, bất chấp việc tuyền truyền chủ nghĩa cộng sản vô thần
Mùa Thu ở Hoa Thịnh Đốn kéo dài ba tháng, bắt đầu từ 21 Tháng 9 đến 21 Tháng 12. Mỗi năm cứ sau Halloween
Có một số độc giả nêu thắc mắc về một bản tin trên Việt Báo nói rằng Giáo Hội PGVNTN đã "tan vỡ," và cho rằng chữ này không chính xác.
Một tuần vận động thành công và nhu cầu cần thiết: Dịch các lá thư CS “chửi” Hoa Kỳ, để nộp cho QH, BNG và Hội đồng An Ninh Quốc Gia
Theo nhận xét từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Institute of Directors, một tổ chức qui tụ các công ty thương mại của người Anh
Tôi tên là Nguyễn Phương Anh , giới tính : Nam, ngày  sinh : 11/9/1972 , số giấy chứng minh nhân dân : 011537150 , ngày  cấp 13/10/2004 do công an Hà nội cấp
Kỳ nhông (hay cắc kè giông, caméléon) là một loại bò sát có đặc tính đổi màu da (các lớp vảy) tùy môi trường: giữa đám lá nó biến thành sắc xanh
Còn đúng một năm nữa, Hoa Kỳ sẽ có tổng tuyển cử để dân chúng bầu lên các cấp lãnh đạo của chính quyền liên bang và tiểu bang
Hoà Thượng Thích Quảng Độ thuật lại chuyến viếng thăm của phái đoàn Hoa Kỳ USCIRF... Đó là bản tường trình của nữ sĩ Ỷ Lan
Báo sự thật, số 120, ngày 15-10-1949 có đăng bài viết của Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước Dân chủ; Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.