Hôm nay,  

Nhìn về Truyện Nôm Nữ Tú Tài

01/01/201700:01:00(Xem: 4539)

Nguyễn Văn Sâm
 

Nhìn về Truyện Nôm  Nữ Tú Tài

 

Nguyễn Văn Sâm phiên âm theo bản Nôm do nhà Kim Ngọc Lâu 金玉楼 giữ bản gỗ, khắc in năm Ất Hợi (1875) người Minh hương sống ở tỉnh Gia Định là Duy Minh thị 惟明氏soạn thành truyện, nhà phát hành Hòa Nguyên Thạnh Điếm 和源盛店ở Chợ Lớn nhập và phân phối ở Việt Nam . Bản khắc gỗ thực hiện bên Tàu, tại tỉnh Việt Đông 粤東, xứ Phật Trấn 佛鎮 (Quảng Đông).

 
blank

1.Bìa truyện Nữ Tú Tài bản Nôm Phật Trấn.  2.Trang thứ nhì, tức 1b: Đêm ngày luyện tập thi thơ…)

  

Những gì ta biết về bản văn Nữ Tú Tài.
 

Nữ Tú Tài quốc ngữ.

Truyện thơ Nữ Tú Tài không được học giới biết nhiều vì không nằm trong chương trình Trung học của thời Việt Nam Cộng Hòa, sau 75 thì dĩ nhiên càng không thể có! Tôi chưa đủ điều kiện để rà soát trong hai bộ báo có nhiều tư liệu văn chương việt Nam là Nam Phong Tạp Chí và Tri Tân Tạp Chí có nói gì đến truyện  Nữ Tú Tài hay không. Trong mớ sách về cổ văn xưa chỉ thấy có hai bản Quốc ngữ là bản của cụ Đinh Gia Thuyết (Sàigòn, 1952 ?) và bản của nhà xuất bản Quốc Hoa (Sàigòn, 1960).

blank

  1. Bản Thi Nham Đinh Gia Thuyết.

Năm 1952, cụ Thi Nham Đinh Gia Thuyết ở Huế có soạn, nhấn mạnh trên việc đính chánh và chú thích, quyển Nữ Tú Tài và Bần Nữ Thán. Nhà xuất bản Tân Việt, Sàigòn  in, chắc cùng năm đó hay chậm lắm là một hai năm sau.  Nhà Tân Việt có thói quen chỉ đề giấy phép xuất bản - chẳng hạn số 832/TXB của Nha Thông Tin Nam Việt cho quyển của Đinh Gia Thuyết (ĐGT) -  mà không đề năm. Sách in chung hai tác phẩm, phần Nữ Tú Tài gồm 79 trang, chú thích chú trọng đến việc giải nghĩa từ Hán Việt và những điển tích dùng trong bản văn - phần nầy là điểm son của công trình vì cụ Thi Nham vốn là một nhà Nho lỗi lạc có trí nhớ khá tốt - mà không chú thích về những từ ngữ thuần Việt cổ thường hay gây khó khăn cho người đọc. Những câu thơ trúc trắc do điều kiện cần có của thi pháp hay của ngôn từ thời tác phẩm xuất hiện là bức tường để tác phẩm được đến với quần chúng cũng không được giải thích. Bản của cụ Thi Nham Đinh Gia Thuyết vì vậy chưa giới thiệu được điều hay, điều quí của bản văn cũng như không thể cho người đọc đoán định thời gian ra đời của bản văn. Phần đóng góp của tác phẩm trong trào lưu văn học vào thời nó xuất hiện vì vậy giới hạn  gần như là bị triệt tiêu đi.

Khảo sát cẩn thận bản của Đinh Gia Thuyết, chúng ta thấy rằng mặc dù có thể có nhiều khả năng cụ Thi Nham có trước mắt ba bản Nôm nhưng cụ chọn bản xuất hiện gần đây nhứt, dễ đọc và dễ hiểu nhứt, có thể là bản Phúc Văn Đường in năm Khải Định thứ sáu (1921).
 

Với tinh thần khoa học ngày nay, người khảo sát hay phiên âm bản Nôm phải tôn trọng bản văn tối đa, xét nhiều khía cạnh khi chọn chữ mình nghĩ rằng tương xứng nhứt đối với câu thơ và đoạn văn, cụ Thi Nham có thể đã chọn chữ một cách dễ dãi hay thay đổi chữ đã dùng trong bản Nôm bằng chữ khác dễ hiểu hơn. Không có những bản Nôm cụ Đinh Gia Thuyết dùng, chúng tôi chỉ đưa ra nhận xét nầy bằng chữ có lẽ, nhưng với niềm tin rằng nhiều phần có thiệt khi thấy rằng nhiều chữ hoặc nhiều câu rất khác bản Phật Trấn mà lại rất mới, mới đến độ có thể là đã được sửa chữa. Điều nhận xét nầy càng có lý do hơn khi kiểm điểm lại chúng tôi không thấy vết tích của từ cổ nào cũng như những câu nào gọi là khó hiểu, điều chắc hẵn là phải có, do phong cách viết xa xưa cách đây hơn thế kỷ!

Dầu sao người đi trước cũng mở gai góc cho người đi sau. Khi phiên âm bản Phật Trấn Ất Hợi nầy lắm khi chúng tôi cũng nhờ bản quốc ngữ của Đinh Gia Thuyết để tự tin hơn trong sự phiên âm của mình.

Đặc biệt bản Đinh Gia Thuyết có thêm vài ba đoạn mà bản Phật Trấn không có. Chẳng hạn lúc cuối truyện, bản Phật Trấn kết thúc bằng hai câu:

                        Truyện nầy dầu thiệt dầu ngoa,

                        Cứ trong cựu thuyết dần dà chép chơi.

thì bản Đinh Gia Thuyết có thêm sáu câu nữa:

                        Truyện nầy dù thực dù ngoa,

                        Cứ trong tiểu thuyết diễn mà chép chơi.

                        Miễn là lầm lỗi theo lời,

                        Chẳng ca Bạch Tuyết, chẳng tài Thanh Liên.

                        Ít nhiều chấp chảnh một thiên,

                        Ai chê mặc ý ai khen mặc lòng,

                        Dõi truyền phúc lộc thọ chung,

                        Kim toàn bách phúc, hưởng đồng thiên xuân.


 

  1. Bản của nhà xuất bản Quốc Hoa.

Chắc chắn rằng bản quốc ngữ Quốc Hoa (1960) là bản quốc ngữ Đinh Gia Thuyết được mô phỏng với sự sửa đổi vài từ theo giọng Bắc cho có vẻ mới, vẻ khác. Những chú thích thì không có gì thêm, chỉ tóm lược lại những chú thích của bản Đinh Gia Thuyết mà những chữ Hán kèm theo của bản Đinh Gia Thuyết đã được cho vắng mặt.

Nói theo ngôn từ ngày nay đó là một kết quả của tình trạng ăn theo cho nên có những sai lầm đáng nực cười. Chẳng hạn câu ‘Thấy trong Kim Cổ Kỳ Quan, sách ngoài.’ được giải thích là: sách nước ngoài, chép những chuyện lạ lùng xưa nay. Thiệt ra, không phải là sách nước ngoài mà là ngoại thư, sách không dùng để học thi, sách đọc chơi và quyển mà tác giả đương đọc là quyển Kim Cổ Kỳ Quan.

Một dẫn chứng khác: Vào giờ chót sau khi những hiểu lầm rắc rối đã được giải quyết, ngọc trang đính ước trước đây người tình si Soạn Chi trao cho nữ nhân giả nam nhân Tuấn Khanh được trả lại cho vợ của Soạn Chi,  Tử Trung bèn đòi lại mũi tên ước duyên, trúc tiên, của vợ mình, nói rằng của ai giao trả nấy cho vui lòng mọi người:

                        Tử Trung mới hỏi Soạn Chi:

                        ‘Ngọc trang đã hợp nào thì trúc tiên.

                        Giao hoàn cho phỉ sở nguyền…’

Vậy mà bản Quốc Hoa đành in hai chữ giao hoàn thành giao hoan!  Tôi không nghĩ đó là lỗi typo, mà cho là lỗi do sự hiểu giới hạn của người làm bản Quốc Hoa.
 

Chúng ta chưa thấy thêm bản quốc ngữ Nữ Tú Tài nào khác. Ba bốn nguồn để tác phẩm bình dân dưới hình thức truyện thơ đến được với quần chúng là nhóm ‘sửa lại bổn cũ’ do mấy nhà xuất bản ở Chợ Lớn thực hiện từ thập niên 30 đến thập niên 60 của thế kỷ trước là Phạm Văn Thình, Phạm Đình Khương, Thuận Hòa đều không thấy truyện Nữ Tú Tài.

Ông Xuân Lan, một biệt hiệu khác của nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh, chủ bút tờ Đông Dương Tạp Chí, đã có thời in nhiều truyện thơ xưa, chúng ta cũng không may mắn thấy được Nữ Tú Tài từ công trình của ông.

Nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội trước 1975 thỉnh thoảng có in một hai truyện thơ với chú giải rất uyên thâm như Lưu Nữ Tướng, nhà xuất bản Thuận Hóa ở Huế sau 1975 cũng thế, rất đáng ngợi khen với quyển Mã Phụng Xuân Hương. Vậy mà không thấy tăm dạng Nữ Tú Tài.

Ông Trịnh Xuân Thanh trong quyển Thành Ngữ  Điển Tích Danh Nhân Từ Điển có mục từ Nữ Tú Tài trên trang 778, sau khi tóm lược cốt truyện chỉ lập lại ý kiến của Đinh Gia Thuyết mà ông dùng làm tài liệu và chịu ảnh hưởng: ‘Truyện Nữ Tú Tài chẳng có gì đặc sắc, trọng tâm của tác giả là giới thiệu một người con gái tài kiêm văn võ có hành động như một trang nam tử.’

Gần đây nhứt, tại Sàigòn, nhóm của Th. S. Bùi Văn Vượng khi thực hiện hai tập dầy cợm Kho Tàng Truyện Nôm Khuyết Danh (2000) giới thiệu hơn  hai mươi truyện Nôm cũng không thấy bóng dáng Nữ Tú Tài.

Tiếc thay!
 

Nữ Tú Tài Nôm:

Về mặt Nôm thì Nữ Tú Tài biệt vô âm tín, thời Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa của cụ Mai Thọ Truyền mặc dầu xuất bản được một số lớn tác phẩm Nôm phiên âm có kèm theo bản Nôm nhưng cũng chưa kịp in Nữ Tú Tài… Số phận truyện Nữ Tú Tài, giống như nhiều tác phẩm Nôm khác như Hạnh Thục Ca, Hoa Điểu Tranh Năng, Bần Nữ Thán hay Lưu Nữ Tướng… sẽ bị người đọc không biết đã đành, giới nghiên cứu cũng không có điều kiện để tiếp xúc. Đó là điều đáng buồn cho văn học Việt Nam, mà ai ưu tư khi nghe đến cũng thở dài.

Trong chuyến đi Paris tháng 11 năm 2016 vừa qua, tôi được nhà Hán học Phạm Xuân Hy tặng cho bản sao truyện Nữ Tú Tài mà tôi nghĩ ông đã sao lại từ Thư Viện Trung Ương Pháp, nay là thư viện Mitterant ở Paris. Tiếc là bản nầy, không biết do nguyên nhân từ đâu, mất trang đầu. Chúng tôi thích thú khi được bản Nôm mình chưa từng thấy nên khi về lại Mỹ đã ra công phiên âm và chú thích những từ ngữ và câu văn cần thiết cho người đọc có trình độ văn chương Việt Nam trung bình.
 

Lục trong đám thư tịch sách Hán Nôm ta thấy Nữ Tú Tài được bộ sách Di Sản Hán Nôm Việt Nam cho biết còn có hai bản nữa đang ở Pháp, tại trường Ngôn Ngữ Đông Phương.

Bản  AB 43 Thịnh Văn Đường, in năm Thành Thái Nhâm Dần (1902), 42 trang, ký hiệu: LO. VN. III. 308

Bản  VNb 13 Phúc Văn Đường, in năm Khải Định thứ sáu (1921), 44 trang, ký hiệu LO. VN.IV.471.
 

Chưa có điều kiện tiếp xúc với hai bản nầy mà tôi nghĩ rằng cụ Thi Nham đã dùng để phiên âm quyển sách của mình, tôi tạm làm việc với bản Phật Trấn, in năm Ất Hợi (1875 ?), là bản xuất hiện sớm nhứt, có nhiều từ cổ cũng như cách nói xưa, âm xưa mà lại xuất hiện ở vùng Gia Định

Vậy thì Nữ Tú Tài Nôm trên nguyên tắc có ba bản nhưng cho tới khi chúng tôi đánh máy những dòng nầy thì chỉ có trước mặt độc nhứt một bản mà thôi. Điều đáng mừng là nó rất sạch sẽ, không bị rách hay mất chữ. (Chỉ bị mất trang đầu như đã nói ở trên, nhưng cũng có thể tìm được sau nầy khi tôi có điều kiện sang Paris lần nữa.) Điều mừng thứ hai là bản Phật Trấn nầy ra đời sớm nhất, năm 1875, trong khi hai bản kia xuất hiện sau đó từ 30 đến 50 năm, những vết tích xưa trong bản văn thời tác phẩm được sáng tác vì vậy không còn giữ được nhiều như bản Phật Trấn…

  

Nguyễn Văn Sâm

Victorville, CA, Dec15, 2016

 



.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.