Hôm nay,  

Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (56-59)

25/11/201600:01:00(Xem: 3442)

Chú Giải

Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký

 

Nguyễn Văn Sâm
   

 

(Chuyện 56-59. Sẽ đăng tiếp)

 

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.

Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn

1. Giáo dục về luân lý. Người đọc cẩn thận sẽ thấy những bài học tốt cho cách ở đời, cách xử thế, ứng xử trong trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.

Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).

Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời.

Victorville, CA, tháng 11, 2016

 blank

53. Cọp mắc bẫy, không ai thèm cứu.

 

     Con cọp làm chúa lâm, đến lúc se da cấm cung lại[1], ở nhà không đi đâu. Các loài cầm thú đâu đó nghe tin chúa lâm khó ở[2], thì phép phải tới lui thăm viếng. Con nào con nấy tới thôi đà đủ mặt. Mà chúa lâm cấm cung, thôi, bụng đà đói, nên tính bắt lỗi kẻ vô thăm mà ních thịt[3]. (tr. 76)

     Vậy đầu hết anh chồn cáo vào, thì chú biểu lại gần mà hỏi: Mình đau làm vậy, mà thơm hay là thúi? Thì anh chồn thiệt thà thưa rằng: Thúi. Thì chúa nói sao mầy dám nói tao thúi, tao làm chúa lâm, ngồi trên đầu trên óc thiên hạ mà thúi làm sao? Giẩng gáy[4] lên, chụp anh chồn, mà anh kia lẹ nhảy trái ra khỏi.

     Ra được mới trầm trồ nói:

     _Ý cha chả! Khó lắm!

     Con cò nói:

     _Thôi, cho tôi vô.

     – Vô mà tính nói làm sao cho chảy[5] thì vô. Cò nói không hề gì.

     Bước vô, chúa lâm hỏi: Ai đó?

     Cò thưa: Tôi đây.

     – Xích lại đây cho gần. Chúa cứ hỏi: Chớ ông đau ốm làm vậy, mà ông thơm hay là thúi?

     Cò nói: Thơm.

     Chúa lâm nổi giận nói rằng: Thằng nầy nịnh nầy. Vùng chụp nó mà hụt đi. Cò chạy ra sợ, mặt tái ngắt[6].

     Chuột nghe nói, thì nói: Thôi, để tôi vô. Chúa lâm thấy bóng vào, thì biểu lại gần, rồi hỏi: Chớ sao? Ông đau, mà ông thơm hay là thúi? Chuột nói cũng không thơm cũng không thúi. Thì chúa lại chụp, nói sao có nói bậy. Chuột ra nói lại, ai nấy đều kinh tâm thảy thảy.

     Cách năm bảy bữa, cọp đi rủi mắc bẫy cần vọt bật lên trên khí[7], may gặp chuột đi ngang qua đó.

     Thấy vậy mới hỏi:

     –Ủa? Ông làm gì leo lên trên ấy?

     – Ôi thôi! Đừng có hỏi, ông mắc bẫy rồi, có phương chi cứu với. Chuột mới nói: Tôi cứu thì được: là tôi leo lên ra ngoài chót (tr. 77) vót[8], nhỏ mình nhẹ, không sợ gãy té, rồi tôi cắn dây cho đứt đi thì xong. Mà tôi sợ một điều, là ông sẽ chụp tôi như bữa hổm. Tôi nầy là bao nhiêu, ăn cả lông cũng chưa đủ một miếng, mà hổm[9] ông cũng hằm hằm[10] đi nữa là. Nói vậy rồi bỏ đi mất.

 

54. Ruồi, muỗi, chim sắc với con rùa.

 

     Con ruồi, con muỗi với con chim sắc, rủ nhau đi dạo đồng chơi, ra đậu trên lá sen ở dưới bàu, nước trong mát mẻ lắm. Mới hỏi thăm nhau việc ăn ở thế nào, sướng cực làm sao. Anh ruồi mới nói: Tôi thì là sướng nhứt, có ai ví cho bằng. Tự Thiên tử chỉ ư thứ dân[11], hễ có dọn yến tiệc gì, thì tôi ăn trước hết. Mâm cao cỗ đầy, ăn trên ngồi trước, hưởng trước chúng hết cả.

     Anh muỗi lại nói: Tôi giống gì chẳng hay, chớ mặt son má phấn[12] nào, tôi cũng hưởng hết, sướng lắm.

     Anh chim sắc nói: Tôi cũng sướng nữa: hễ là lúa sớm lúa mùa chi, thì tôi hưởng trước đi hết.

     Con rùa ở đâu dưới, bò lại cũng tranh sướng với chúng. Các con thượng cầm[13] đó mới hỏi: Ừ, (tr. 78) anh sướng làm sao, nói cho tôi nghe với.

     – Tôi ở đây mát mẻ ăn uống vui chơi.

     – Mà anh ăn những vật gì nói nghe thử?

     – Thiếu gì món ăn: hột sen, củ sen, cá rô, cá sặc, cá lóc, cá trê, đủ thứ.

     – Anh nói anh ăn nó, mà sao hãy còn thấy lên đánh móng[14] đầy đi vậy?

     Con rùa nói: Là không, tôi có rau muống, tôi ăn rau muống thôi, tôi không có ăn các thứ ấy.

     Các con thượng cầm mới kêu nhau đi về. Anh rùa ra cầm lại: Khoan đã nào, ở chơi về chi lật đật? Con ruồi mới nói: Thôi, tưởng anh làm sao, cái nầy anh ăn những rau muống không, mấy tôi[15] ở lại làm chi, đến trưa đói bụng chết còn gì?

 

 

55. Con cóc với con chuột.

 

      Con cóc làm bạn với con chuột đã lâu ngày. Mà con cóc bụng dạ tử tế, hay chiêu hiền đãi sĩ[16]. Thường bữa cóc hay đi chợ mua đồ về dọn tiệc mời anh chuột tới ăn uống chơi. Anh cóc thì ở hang, còn anh chuột thì làm ổ trên ngọn cây.

     Bữa kia con chuột mua đồ về dọn ăn, tới mời con cóc lên nhà uống rượu chơi, mà con cóc không biết làm thế nào mà lên cho được. Thì con chuột biểu thì cắn lấy cái đuôi nó mà lên (tr. 79) theo. Tới vừa gần cửa, thì chị chuột trong nhà ra chào: Anh cóc đi dạo trên nầy. Con cóc hả miệng thì sút té xuống chết.

     Khi ấy vợ chồng con chuột nói với nhau, mà cười con cóc rằng: Ba mươi đời thứ bay nhạy miệng[17], thì hay chết[18].

 

56. Hữu dõng vô mưu.

 

     Thằng cày mở trâu ra sắm sửa đi cày. Ra đồng cày đàng kia qua đàng nọ. Trâu mệt đà le lưỡi. Mà mắc cày ruộng gần chơn núi. Khi cày, thì thằng trai cầm cày hò hét, đánh đập thá ví[19] con trâu đà cơ khổ, lại thêm chửi rủa hành hạ quá chừng.

     Con cọp ngồi rình trong bụi, ngó thấy vậy, thì giận lắm. Đến buổi thôi cày, thằng chăn thả trâu ra đi ăn. Con cọp mới lại gần kêu con trâu, mắng nhiếc sao có chịu làm vậy: Mầy có vóc giạc, mạnh mẽ sức lực, lại có hai cái sừng nhọn, là khí giái[20] mầy, sao mầy không cự không chống? Để gằm đầu[21] mà chịu nó? Theo làm đầy tớ cho nó hành phạt mầy? Nó leo nó cỡi lưng cỡi cổ[22] mầy như vậy?

     Con trâu mới nói rằng: Trời sinh muôn vật, mà khôn thì làm sao cũng hơn mạnh thôi. Dầu mầy nữa cũng phải thua nó, huống chi là tao. (tr. 80)

     Con cọp tức giận, mới nói rằng: Tao có nghề[23] trong mình, tao lại mạnh, cho mười nó đi nữa tao cũng làm chết, lựa là một. Con trâu nói: Vậy thì mầy đi lại đây, đặng cho tao kêu nó đánh với mầy cho biết sức. Con trâu mới đi kêu thằng cày lại. Anh trai cày lơn tơn[24] lại nói với cọp rằng: Tao bây giờ đang đói bụng, không có lẽ mà đánh với mầy đặng. Con cọp nói: Vậy thì mầy đi ăn cơm đi, rồi có lại mà đánh với tao. Thằng cày nói: Mầy hay nói láo lắm. Tao bỏ tao về, thì mấy chạy đi mất, còn gì mà đánh? Con cọp nói: Tao chẳng thèm trốn, mầy nói tao dọa kiếp[25]. Mặt nào, chớ mặt nầy có chạy đâu! Thằng cày nói: Như có thiệt làm vậy, thì để tao trói mầy lại đây, đặng tao về tao ăn cơm cho no, rồi tao ra tao mở mầy ra, đặng mầy đánh với tao. Như vậy mới chắc, không thì mầy trốn đi, tao có biết đâu đặng.

     Con cọp ỷ mình mạnh, thì nói: Tao chẳng có sợ gì, trói thì trói. Nó mới để cho thằng cày trói nó xong xả rồi, thằng cày mới chạy đi bẻ cây lại đánh con cọp. Con cọp mắc trói thất thế, vùng vẫy không được, bị đòn[26] mà chết. Con trâu khi ấy mới khẻ miệng[27] con cọp rằng: Tao đã nói với mầy ấy, mầy không muốn nghe tao: mầy ỷ mầy sức lực mạnh mẽ mà thôi. Bây giờ mầy chết là đáng số mầy lắm. Không thương hại lấy một chút.

      Ấy là mạnh mà không mưu, ỷ thế mạnh mà khinh dễ người ta. Có người tuy yếu thế yếu (tr. 81) sức, mà cao mưu, nên nhiều khi thắng được, kẻ mạnh quờn mạnh thế mà thấp mưu[28].

  

 

57. Thầy cho thuốc trừ muỗi.

  

     Người kia bất tài lỡ vận[29], không biết làm chi mà làm giàu. Ngày nọ đi lỡ đàng vào xóm đỗ nhờ[30]. Đi từ sớm mai cho tới trưa, đói đã lủi[31]. Không phép ngồi không mà đợi cơm[32], mới bày chuyện nói mình có phép trừ muỗi. Mà chỗ ấy thì nhiều muỗi lắm.

    Ai nấy nghe, ngồi trông, rồi có xin đem về trừ muỗi, ai xin cũng chịu cho, dọn cơm thầy ăn, rồi thầy vò cơm có cục tròn tròn như hoàn thuốc tiêu, bỏ vô hầu bao. Cơm nước xong rồi, lấy ra mới đưa cho một người một ít viên. Người ta hỏi đem về làm làm sao? Thì thầy mới nói: Hễ khi muỗi cắn, thì sẽ lén mà lấy viên thuốc, mà châm cho trúng nó[33], thì nó chết.

    Té ra thầy nói khào[34] mà nuốt cho qua ba miếng cơm. Rồi từ giã ra đi. No bụng thì thôi, chẳng còn lo ai bàn bạc khen chê gì nữa[35]. (tr. 82)

  

58. Thợ hàn kim.

  

     Có một người cũng có chứng hay nói xạo[36] mà kiếm ăn. Đi tới nhà người ta lạ, tính la lết đó chấyba hột cơm[37]  dằn bụng, mới bày chuyện nói.

     Người ta hỏi anh làm việc chi, thì anh ta nói mình là thợ hàn kim. Trong nhà mừng, lo dọn cơm nước cho chú thợ ăn. Ních cho một bụng cơm no nóc, trầu thuốc[38] tử tế.

     Trong nhà với hàng xóm nghe đem kim lại, cậy thợ hàn giùm. Thợ lãnh lấy hốt cả bụm[39], rồi mới hỏi: Vậy chớ còn mấy cái miểng sứt[40] ra ở đâu, kiếm đem lại đây, tôi hàn mới được.

     Mà đời nào ai lượm cái miểng nhỏ để dành? Té ra tốn một bữa cơm vô lối, chẳng nhờ đặng cái cóc rác[41] gì hết.[42]

 

  

59. Thầy pháp chữa ma mèo.

  

     Lão kia nghèo, đi gặt mướn, vùi lấy lông lúa[43] gặp một lũ con nít bắt thoa[44] cho đứa nầy, đứa kia cùng mình. Nó về nó xót nó ngứa, nổi mày đay[45], sinh ghẻ sinh chốc. Thì lão tới giả đò làm thầy pháp. (tr. 83)

     Cha mẹ mấy đứa con nít nghe nói, chạy tới hỏi thầy có phương chi[46] giùm cho trẻ nhỏ. Thì thầy nói: Nó bị ma mèo khuấy nó[47] đó, giống gì? Bây giờ phải nấu cơm nếp cho nhiều.

     Ai nấy chạy về nấu đem tới. Thầy mới lấy nắn tinh những mèo[48] bằng cổ tay, cổ chơn, để đầu ghế. Rồi biểu múc hai ba thùng nước để đó, biểu đem con nít đến. Thầy đứng dậy hò hét một chặp, rồi mới đọc: Mèo mẻo, mèo meo, mèo đừng ghẹo trẻ, tao bẻ mèo ra, tao tra vào đãy, tao quảy mèo đi... Kim niên, kim nhựt, kim ngoạt, kim thì... kim năng, thỉnh giải[49].

     Đọc rồi bẻ cổ mèo bỏ vào đãy hết. Rồi biểu đem con nít tắm đi thì hết.

     Ba mươi đời thứ xót[50], hễ tắm thì hết, thầy làm lối[51], lấy cơm nếp đem về ăn một bữa lứ lừ[52].

 

 

[1] Se da cấm cung lại: Bịnh nhè nhẹ, ở nhà không đi ra ngoài.

[2] Khó ở: Như chữ se da, bịnh nhẹ.

[3] Ních thịt: Ăn thịt. Tôi nghĩ chữ ních nầy phải viết nít như chữ con nít là trẻ nhỏ chỉ lo biết ăn thôi. Các tự điển đều viết hai chữ khác nhau, chắc là có lý do khác mà kẻ chú giải nầy chưa tìm ra vì học chưa tới.

[4] Giẩng gáy: Xù lông gáy lên, dựng/xửng lông gáy lên. Như nói giẩng tóc, giẩng mày, giẩng tai. HTC đưa thêm một yếu tố mới: Giẩng gáy: Dựng lông gáy như cọp, như ngựa là khi nó làm hung. Giẩng biến thành dựng, xửng, (như từ xửng cồ), hai từ nầy đánh bạt từ giấng đi vào tự điển từ cổ.

[5] Chảy (nói): Nói cho xuôi, không có chuyện gì trục trặc xảy ra. Nói trôi chảy.

[6] Tái ngắt (mặt): Mặt sợ quá hóa xanh, mặt cắt không còn một chút máu!

[7] Bật lên trên khí: Bật lên trên không, bật lên trên. Để ý từ không khí ngày nay dùng chữ không, ngày xưa dùng chữ khí.

[8] Chót vót: Tuối lên tới trên đỉnh. Tuốt trên cao.

[9] Hổm: Hốm ấy, bữa đó.

[10] Hằm hằm: Bộ mặt biểu lộ giận dữ muốn làm điều gì đó ghê gớm lắm.

[11] Tự thiên tử chí ư thứ dân: Từ vua cho đến dân.

[12] Mặt son má phấn: Mặt đàn bà, thiếu nữ.

[13] Thượng cầm: Loài chim. Thứ loại sống nhiều trên bầu trời.

[14] Đánh móng: Đớp móng, ăn móng. Cá lên mặt nước hớp hơi thở tạo ra bong bong nho nhỏ gọi là móng. Huình Tịnh Của có ghi lại nhóm từ cũng khá hay: Cá ăn móng nhâm mặt nước: Cá ăn móng nhiều lắm, thấy đầy ngay trên mặt nước.

[15] Mấy tôi: Bọn chúng tôi.

[16] Chiêu hiền đãi sĩ: Trọng than những người tốt, kẻ hiền. Đây có nghĩa là thân thiện, trọng bạn bè.

[17] Nhạy miệng: Hay nói không phải lúc.

[18] Làm bạn với kẻ xấu, chết nó không thương thì chớ lại còn nói nhiếc!

[19] Thá ví: Điều khiển kêu đi bên phải, bên trái. Đây có nghĩa là điều khiển.

[20] Khí giái: Khí giới. Xưa thường đọc chữ giới bằng chữ giái, như thế giái, Trư Bát Giái…

[21] Gằm đầu: cúi đầu, gục mặt.

[22] Cỡi lưng cỡi cổ: Điều khiển, hành hạ.làm nhục..

[23] Có nghề: Biết cách để thắng nhờ mạnh, nhờ những thế võ…

[24] Lơn tơn: Đi mà không chú ý chung quanh. HTC, Lơn tơn: Bộ lật đật đi một mình. lơn tơn xách gói đi theo.

[25] Đọa kiếp: HTC, tiếng chỉ bậc qua lắm. Trong đoạn nầy chữ đọa kiếp cho ta hiểu là nói láo quá lắm.

[26] Bị đòn: Bị đánh mà không chống trả được, hoặc không quyền chống trả.

[27] Khẻ miệng: Đánh nhè nhẹ vô miệng.

[28] Chuyện nầy và cả chục chuyện khác có ý nghĩa, sau nầy có thấy trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Ảnh hưởng của Chuyện Đời Xưa, cách nầy cách khác lên chúng ta cả mấy thế hệ vô cùng lớn lao.

[29] Bất tài lỡ vận: Bất tài thi không đậu, nghèo cũng hoàn nghèo.

[30] Đỗ nhờ: Xin ở tạm.

[31] Đói đã lũi: Đới tới đi không vững, muốn chúi đầu tới hoài.

[32] Không phép ngồi không mà đợi cơm: Chẳng/Không lẽ ngồi không mà đợi cơm. Cách viết nầy ngày nay không còn thấy nữa.

[33] Châm cho trúng nó: Ịn lên cho trúng nó. Ai đời! Làm sao mà giết được muỗi kiểu nầy.

[34] Nói khào: HTC, Nói khào: Nói chuyện không ăn thua, nói chuyện bá vơ. Nói khào mà kiếm ăn.

[35] Lời nhắn người đọc của TVK!

[36] Có chứng hay nói xạo: Có tật hay đặt chuyện gạt người.

[37]  La lết đó chấy ba hột cơm: La lết ở đó để kiếm chát một bữa ăn. Chấy: Kiếm chát chút ít.G. Hue: Grapiller: thu nhặt, chút đỉnh..

[38] Trầu thuốc: Sau khi mời ăn uống thì cho ăn trầu, xĩa thuốc. Chỉ sự kính trọng.

[39] Hốt cả bụm: Đầy chứa cả bàn tay khum khum. Nhiều quá!

[40] Mấy cái miểng sứt: Đầu kim gảy kia… Hình như chỗ nầy ông TVK dùng chữ không đúng!

[41] Cái cóc rác: Chẳng đáng một chút tí tẹo nào. Chẳng có gì, như nói cái cóc khô. Văn chương chẳng phải bợm mèo quào. Danh phận chẳng qua cái cóc rác. (Học Lạc)

[42] Cũng là lời bình luận!

[43] Vùi lấy lông lúa: Người chú giải không hiểu rõ hành động nầy! Tiếc quá.

[44] Thoa: Xoa, gãy nhè nhẹ.

[45] Nổi mày đay: Nay nói nổi mề đay. Da dị ứng nổi lên từng chỗ dầy giống như cái mề đai. Một bịnh ngoài da lành tính do dị ứng mà có. HTC: Mày đay: Mận mụt nổi ngoài da, làm cho phải ngứa ngẩm khó chịu, như nó không lặn thì có khi làm ra đơn phong.

[46] Phương chi: Cách gì.

[47] Ma mèo: Cái nghề thầy pháp là đặt chuyện ma nầy ma kia!

[48] Nắn tinh những mèo: Nặn toàn mèo là mèo. Tinh: Toàn là.

[49] Thỉnh giải: Xin cứu giúp. Câu nầy ông ta đặt bụng ra cho có, chưa chắc là câu của thầy pháp.

[50] Ba mươi đời thứ xót: Ối, cái chuyện xót mà… Cài dòng xót, nó..

[51] Làm lối: HTC, Làm lối: Làm bộ làm tịch, làm mặt giỏi, làm phách, dối giả.

[52] Lứ lừ: Mệt nghĩ, ở đây là no cành hông luôn.



.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.