Hôm nay,  

Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (49-52)

23/11/201600:01:00(Xem: 3379)

Chú Giải

Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký

 

Nguyễn Văn Sâm
   

 

(Chuyện 49-52. Sẽ đăng tiếp)

 

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.

Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn

1. Giáo dục về luân lý. Người đọc cẩnthận sẽ thấy những bài học tốt cho cách ở đời, cách xử thế, ứng xử trong trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.

Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).

Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời.

Victorville, CA, tháng 11, 2016

 

blank

49. Ba anh dốt làm thơ.

 

     Có ba anh học trò dốt, ngồi nói chuyện với nhau. Mới nói: Mình tiếng con nhà học trò, mà không có làm thơ làm phú với người ta, thì té ra mình dở lắm. Mấy người kia mới nói phải. Hè nhau[1] làm ít câu chơi.

     Anh thứ nhứt thấy con cóc ở trong hang nhảy ra, mới làm câu mở như vầy:

Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra.

     Người thứ hai tiếp lấy:

Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó.

     Người thứ ba:

Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi.

     Lấy làm hay lắm. Rồi nghĩ lại giựt mình, vì trong sách nói: Hễ học hành giỏi, thì sao cũng phải chết. Cho nên tin như vậy, mới biểu thằng tiểu đồng ra đi mua ba cái hàng đất[2] để dành cho sẵn đó.

     Tiểu đồng lăng căng[3] đi mua, ra ghé quán uống nước, ngồi xớ rớ[4] đó. Có anh kia hỏi nó đi đâu? Mua giống gì[5]? Thì nó nói: Ba thầy tôi thông minh trí tuệ làm thơ hay lắm, sợ lời sách quở[6], có khi không sống, nên sai tôi đi mua ba cái hòm.

     – Mầy có nghe họ đọc thơ ấy không?

     – Có.

     – Mà có nhớ, nói lại nghe chơi, coi thử sức nó hay làm sao! (tr. 70)

     Thằng tiểu đồng mới nói: Tôi nghe đọc một người một câu như vầy:

Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra,

Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó,

Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi.

     Anh kia nghe tức cười nôn ruột, mới nói với tiểu đồng: Mầy chịu khó mua giùm cho tao một cái hòm cho luôn trót thể[7].

     Tiểu đồng hỏi: Mua làm chi? Lão nọ mới nói: Tao mua hờ[8] để đó, vì tao sợ tao cười lắm, có khi cũng chết theo ba thầy làm thơ đó nữa.

 

50. Bốn anh học trò đặt thơ trong chùa.

 

     Bốn anh học trò đi đường, ghé vào chùa chơi. Ngồi coi ba bàn thấy tượng đồ treo thờ đó, mới rủ nhau làm ít câu thơ chơi.

     Anh thứ nhứt thấy tượng Quan Đế, thì mở rằng:

Hớn vương ăn ớt mặt đỏ gay!

     Người thứ hai thấy tượng Quan Bình, thì đặt:

Bên kia Thái tử đứng khoanh tay.

     Người thứ ba ngó quanh ngó quất, thấy tượng Châu Xương, thì đặt rằng:

Thằng mọi râu rìa cầm cái mác. (tr. 71)

     Còn anh thứ bốn ngó ra, thấy con hạc đạp lưng qui, thì thêm:

Ngoài nầy cò quắm đạp cần thay[9].

 

51. Học phép hà tiện.

 

     Anh kia đi tìm thầy dạy học phép hà tiện. Tới nhà thầy, hỏi thầy phải mua chi mà làm lễ cúng tổ. Thầy mới biểu đi mua một cái bánh tráng mà thôi, đừng có mua gì nữa mà tốn tiền.

     Nó mới đi chợ mua một cái bánh tráng, lại có mua một con gà, ôm về. Thầy nó thấy gà thì la: Cái thằng dại, ai biểu mua gà làm chi cho uổng của? Học trò mới thưa với thầy: Tôi tính làm vầy mới mua gà: là khi bẻ bánh tráng mà ăn, thì làm sao cho khỏi rớt vụn vằn xuống cũng uổng, nên mua con gà, để phòng khi có rớt mảnh mún[10], thì nó lượm nó ăn, lớn lên thì bán được lời.

     Thầy nghe nói lý ấy, thì nói: Thôi, mầy hà tiện quá cha tao[11] đi rồi, còn đi học gì nữa?

 

52. Thiên lực, không phải nhơn lực.

 

     Ông kia làm quan tước phẩm cũng đã cao. Mà bởi công mình có chí học hành, chớ (tr. 72) chẳng phải là nhờ có ai đùm bọc nưng đỡ[12] mà làm nên. Cho nên đề một tấm biển hai chữ Nhơn lực treo giữa nhà. Mà người vợ bé cũng là tay hay chữ, ra vô thấy chữ Nhơn lực, thì giận chịu không được.

      Bữa ấy chồng cô ấy đi việc quan khỏi, ở nhà cô ấy bắt thang lên, thêm vào hai ngang[13], mà sửa ra chữ Thiên lực. Chồng về ngó trực lên thấy Thiên lực, thì hỏi trong nhà ai mà cải chữ thiên làm vậy. Thì người vợ bé ra chịu sửa[14]. Ổng lại hỏi: Chớ sao mà nói Thiên lực? Cô ấy thưa rằng: Người sinh ở thế, mạng hệ ở trời, mọi sự cũng nhờ mạng trời dạy, trời khiến mới nên. Có ai mà bởi sức riêng mà làm nên được đâu?

      Ông ấy mới nói: Có ở đâu: Tao đây cực khổ từ bé đến lớn, lo học hành hết hơi hết sức, mới ra làm vậy, nào có thấy sức trời giúp chi mô? Ơ, mầy nói làm vậy thì thôi, để coi thử cậy sức trời có xong gì không cho biết[15].

      Ổng đuổi cô ấy đi, lấy áo quần với đồ nữ trang lại hết. Để cho cái áo cái quần rách xài xể[16] bận mà đi. Vậy cô ấy ra thắp đèn nhang khói, mà vái với trời, xin: hễ chính ngọ tôi ra đàng mà gặp một người đờn ông nào, thì ấy là chồng tôi, được mà gởi tấm thân mà nhờ.

      Khấn vái xong xả, ra đi. Đi tới cái cầu vừa trưa đứng bóng, gặp một người đang câu cá, bộ quê mùa dốt nát, rách rưới túm trước túm sau[17], (tr. 73) mới lại mới hỏi: Chú kia, chú ở đâu mà đi câu đó, nhà chú ở đâu? Người câu cá mới xớ rớ[18] thưa: Tôi nghèo khổ, ngày đi câu cá, tối về ngủ trong hang đá, có che ba cái lá khô kia kìa.

     Vậy cô ta xách gói vào hang ở đó, nấu cơm nấu nước dọn dẹp tử tế, có mâm trên mâm dưới bỉ bàng[19]. Anh kia tới buổi cuốn câu vác về nghỉ. Bước vào hang thấy mâm cao cỗ đầy, thì lấy làm lạ lắm. Cô kia mới mời chú chàng ngồi lên trên, còn cô ấy ngồi dưới.

     Ăn rồi cô ấy mới nói sự tình trước sau, lại bày lời mình khấn vái xin gặp ai đang chính ngọ, thì lấy người ấy làm chồng. Vậy bây giờ thiếp đã thề nguyền làm vậy, xin chàng cho thiếp theo mà làm vợ. Người kia nói rằng: Phận tôi khác, phận cô khác. Cô là người dung nhan tài sắc, tôi là đứa bá vơ khốn nạn[20], làm làm vậy sao xứng. Cô kia rằng: Chẳng hề gì đều ấy mà lo, việc trời đã định vậy, thì hay vậy.

     Chồng cứ lệ cũ, thường bữa vác cần câu đi câu cá. Vợ ở nhà dọn dẹp, sắm áo sắm quần cho chồng mặc, đêm lại vợ khuyên chồng thôi đi câu đi. Đem tiền bạc ra, biểu đi chơi bời, tới đám tới đình cho quen, cho biết việc đời, lịch thiên hạ sự[21] với người ta.

     Anh ta đã dốt lại khờ, chiều theo ý vợ, cột tiền đi chợ búa quán xá chơi. Ngửa nón ra, mua bún mắm nêm[22], đứng mời ai nấy, không ai ăn. Giận mình có của, mời người không ai thèm. (tr. 74) ăn, mà vợ căn vặn biểu đi làm quen làm lớn[23] với người ta. Vậy mới mua thêm đồ, vào chùa gần đó nghỉ, thấy tượng phật nhiều, thì lại mời ăn. Tượng ngồi trơ trơ mặt địa[24], không ừ hử nói đi nói lại gì hết. Nổi nóng mới lật ngửa các tượng ấy xuống, lấy bún mắm nêm đút trây[25] cả miệng cả mồm: Khinh người ta chi làm vậy? Ở sao bất lịch sự quá!

     Xong rồi bỏ phật nằm ngửa nằm nghiêng đó, xách nón về. Mà phật linh. Người ta vô chùa cúng, thấy tượng ngã chinh chòng[26], thì lo thưa với làng với xã. Thiên hạ tới coi đông nức[27], mà dựng dậy không được. Phật hờn trì xuống[28] không chịu dậy, lại cho ôn dịch chết dân trong làng nhiều lắm.

     Làng báo với quan địa hạt, quan lại báo bộ[29]. Vậy vua giáng chỉ: Hễ ai dựng tượng lên được, thì cho chức quan lớn. Người vợ thấy yết thị dán, về học lại với người chồng. Chồng nói: Tưởng là chi, cái điều dựng phật, thì tao làm dư đi chớ, tao lật xuống đó. Hôm trước tao mua bún thịt bánh trái đem vào đó ăn, thấy các ổng tử tế mời họ ăn, họ làm lẽ[30], tao giận, tao vật họ xuống, tao nhét đồ ăn và đổ rượu cho họ đó. Vợ hỏi: Có chắc làm vậy hay không? Lão chồng[31]: Sao lại không chắc? Hổm tao vật họ xuống đó tao đi, bữa sau tao vào nữa, thấy còn nằm, tao dựng dậy tao lại mời nữa. Họ cũng cứ miếng cũ làm đời làm lẽ[32], tao giận tao lật vật họ xuống lại. (tr. 75)

     Vợ mới biểu chồng ra đình, đánh mõ lân[33] cho làng xóm tựu lại, cho có đông người ta coi, rồi chịu ra mà dựng tượng lên. Vậy nó dựng dậy được. Thiên hạ mừng rỡ khen ngợi.

     Ít bữa tờ tư về tỉnh, tỉnh cụ sớ[34] về bộ, bộ làm sách tấu. Vua ban phong quờn cao lộc cả[35], lại triệu về dẫn kiến[36]. Thình lình đâu xa ngựa quân gia tới hang người ở, lều tranh chiếu rách, thấy hai vợ chồng nghèo cui cút[37], một ngày tới tối những đi câu cá mà ăn. Bây giờ vinh vang võng giá dù lọng tử tế.

     Tới kinh vào chầu cả hai vợ chồng. Khi ấy người chồng cũ cô ấy cũng chầu đó. Liếc ngó thấy vợ bé mình, khi xưa bởi cải chữ Nhơn lực, mà đặt Thiên lực, mà mình đuổi đi, bây giờ nhờ thiên lực, mà nên cơ hội nầy, thì mới biết mình đặt chữ quấy.

 



[1] Hè nhau: Cùng nhau, xúm nhau làm chuyện gì chung hay làm một lượt.

[2] Hàng đất: HTC, Hòm để mà chôn. Không biết có phải làm bằng đất hay không! Xin được mách.

[3] Lăng căng: Cử chỉ vội vã.

[4] Ngồi xớ rớ: Ngồi lơ ngơ vì không ai nói chuyện với.

[5] Mua giống gì: Mua thứ gì, cách nói xưa.

[6] Sách quở: Người xưa dị đoan cho rằng mình hay giỏi quá, hơn cả sách thì thần sách quở làm cho mình bị bịnh, có khi phải chết. Tin tưởng của người làm biếng!

[7] Mua giống gì: Mua thứ gì?

[8] Mua hờ: Mua dự phòng có việc cần dùng đến.

[9] Cần thay: Bản in sai thành cầy thay. Đọc hoài mà không thông sau nhớ trực lại là con cần thay, nhờ mày mò theo quyển tự điển của Huình tiên sinh: Con cần thay: Loài rùa; trấng nó ngon, vua Cao-mên có lệ cấm dân không đặng ăn phải để dành cho vua. G. Hue: Con cần thay là loài rùa sống trong sông và con cần đước là rùa sống ở ao hồ,

[10] Mảnh mún: Những miếng nhỏ do vật gì bể ra. HTC có từ manh mún. Manh mún: Rã ra từ miếng nhỏ mọn. Mảnh mún là danh từ và mảnh mún là trạng từ chỉ thể cách.

[11] Quá cha tao: Hơn tao nhiều lắm.

[12] Đùm bọc nưng đỡ: Bao biện giúp đỡ trong công việc làm.

[13] Thêm hai ngang: Chữ nhơn 人 thêm hai nét ngang 二 thành chữ thiên 天 .

[14] Ra chịu sửa: Đi ra nhận là mình đã sửa chữ. Văn xưa không mấy rõ ràng.

[15] Để ý vợ chồng xưng hô mầy tao như vậy. Đây không phải là lời quan nói với dân. Trong Chuyện Đời Xưa có nhiều chỗ vợ chồng xưng hô ‘thân mật’ kiểu nầy.

[16] Rách xài xể: Rách quá chừng đổi. HTC không có từ nầy.

[17] Túm trước túm sau: Quần áo vá chằn vá chịt.

[18] Xớ rớ: Đứng không yên, coi bộ bối rối không biết phải làm gì. HTC, Xớ rớ: Thơ thẩn, không có chuyện mà mần. Đi ra đi vô, không có công chuyện mần. Đây mang nghĩa bối rối.

[19] Bỉ bàng: Đầy đủ. Nói về thức ăn là nhiều.

[20] Bá vơ khốn nạn: Chẳng ra gì, nghèo khổ.

[21] Lịch thiên hạ sự: Giao tiếp với bên ngoài để biết cách sống. Lịch sự. Từng trãi trong giao tiếp.

[22] Cũng là điều đáng chú ý về sinh hoạt ngày xưa.

[23] Làm quen làm lớn: Nay nói quen lớn, tức quen nhiều người sang giàu.

[24] Trơ trơ mặt địa: Chẳng nhúc nhích.

[25] Đút trây: Đút ăn nhưng làm cho người được đút dính đầy mặt, mũi.

[26] Chinh chòng (ngã): chênh chòng, ngã nghiêng, ngã xó. G.Hue có chữ chênh chòng: sens dessus dessous. HTC, cắt nghĩa rộng hơn: Chinh chòng: Bộ nghiêng đầu này, vòng đầu kia không yên một mực; bộ không tề chỉnh. Nằm chinh chòng thì nắm gác tay, gác chơn không xuôi xả.

[27] Đông nức: Đông thiệt đông. từ đông nức quá hay!

[28] Trì xuống: Kéo xuống lại, chống lại lực kéo lên. Như đứa nhỏ trì xuống không chịu cho ẳm lên.

[29] Quan lại báo bộ: quan chức trình lên cấp Trung ương.

[30] Làm lẽ: Ra vẽ mình không muốn khi được mời, thỉnh.

[31] Lão chồng: Người chồng, như nay ta nói ông chồng, thằng chồng, không có nghĩa là người chồng già.

[32] Làm đời làm lẽ: Nghĩa như chữ làm lẽ. Tiếng làm đời sanh ra tiếng làm trời hiện đương được sử dụng.

[33] Mõ lân: Cái mõ có tạc hình con lân (tỏ sự may mắn), như mõ cá  là mõ tạc hình con cá (tỏ sự cần mẫn trong việc canh phòng, báo tin). Xưa người ta đánh mõ để báo tin hay để kêu gọi dân làng tụ họp. Thành ngữ: Réo mõ không bằng gõ thớt: Dân không hào hứng đến họp hành nhưng hào hứng khi nghe có chuyện động dao động thớt (có tiệc tùng, ăn uống). 

[34] Cụ sớ: Dâng sớ về vua, trình văn thơ lên quan chức ở Trung ương.

[35] Quờn cao lộc cả: Chức tước lớn, quyền nhiều.

[36] Dẫn kiến: Triều kiến nhà vua; giới thiệu với khán giả.

[37] Cui cúc: Đơn độc, không kẻ thân ở cạnh kề. Côi cúc. Nguyễn Đình Chiểu: Cui cúc làm ăn, riêng lo nghèo khó (Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc) .



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
Việt Nam là một quốc gia có nhiều danh lam thắng cảnh, với niềm tự hào về nòi giống Rồng Tiên, một nền văn hóa đa dạng và một dân tộc siêng năng
Nhiều người vẫn tưởng đảng Cộng sản Việt Nam càng ngày càng vững tiến lên Xã hội Chủ nghĩa, ai ngờ đảng viên, báo chí lại đang có khuynh hướng
Một ngày trước khi tướng Phú tuyên bố Ban Mê Thuột thất thủ, hôm 12-3 -1975 Hạ Viện Mỹ biểu quyết cắt 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.