Hôm nay,  

Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (40-43)

21/11/201600:01:00(Xem: 3130)

Chú Giải

Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký

 

Nguyễn Văn Sâm
   

 

(Chuyện 40-43. Sẽ đăng tiếp)

 

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.

Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn

1. Giáo dục về luân lý. Người đọc cẩn thận sẽ thấy những bài học tốt cho cách ở đời, cách xử thế, ứng xử trong trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.

Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).

Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời.

Victorville, CA, tháng 11, 2016

 blank

40. Làm tỉnh được việc, rộn không xong

 

     Có ông kia giàu có, mà nhà ở cheo leo một mình giữa cái cù lao[1]. Bữa ấy nước ròng, ăn cướp rủ nhau tới đánh, ghe nó đà áp vào tứ phía. Trong nhà bấn loạn[2] sợ đà té đái, mà ông chủ gượng làm oai, họa may nó có kiêng nó đi đi chăng, mới làm bộ kêu trẻ thức dậy thắp đèn.

     Trẻ thưa:

     _Có ăn cướp nó đà vây bốn phía.

     Ông chủ nói:

    _Vậy thì càng hay, may cha chả là (tr. 61) may! Bấy lâu nay trông cho các ảnh tới một chuyến, mà không thấy! Thôi, bay mở cửa ra hết cho khoảng khoát.

     Các bợm[3] ở dưới ghe nghe nói, thôi đà nổi ốc cùng mình[4]: Mẹ ôi! Lão nầy có khi tài lắm đây bay? Không biết cơ mưu nó làm sao mà mình dám vô... Thôi, chi bằng ta lui đi chỗ khác.

    Hè nhau chống ghe đi ráo[5].

 

41. Nước tới trôn mới nhảy

 

    Thuở ông Thượng trấn Nam Kỳ lục tỉnh, thì thiên hạ bằng yên[6]. Trộm cướp, gian giảo tịnh vô không có. Là vì người có oai lắm, người là bộ, mà tính khí cang cường, oai dõng nghiêm nhặt, binh dân ai nấy đều khiếp vía. Hễ dạy chém thì chém, không ai dám cãi lịnh. Quờn người lớn đặng tiền trảm hậu tấu.

Bữa kia người đang nghỉ trưa, mới biểu đem chém thằng kia ở phòng trà. Rồi người thức dậy, bộ buồn bực. Tới buổi ra khách, đứa tội nhơn bị án tử hồi nãy dẫn ra, mà nó lấy cái gáo múc nước kẹp dưới háng ra, nhảy cà tứng trước mặt ông ấy. Thì ổng tức cười, hỏi nó làm gì vậy? Nó mới gởi: Bẩm lịnh ông lớn, tôi nói (tr. 62) đã cùng, nước tới trôn mới nhảy, biết sao bây giờ. Thì ông lớn tha nó đi.

 

 

42. Trâu mọt chảy nước

 

     Thằng cha kia[7] nghèo, dại đặc không biết làm một cái gì hết. Nghe người ta nói nghề làm ruộng, thì khá chắc ăn. Vậy nó mới vác tiền đi coi trâu mà mua. Đi cùng xứ, tối ngày vác tiền về. Vợ nó hỏi: Chớ đi mua trâu, làm sao một ngày trọn, mà không đặng con nào hết? Nó mới nói: Trâu hiếm lắm, thiếu gì? Mà lựa không được con nào nên thân mà mua, con nào con nấy mọt ăn, chảy nước ra hết. Là vì nó ngó thấy trâu đái, nó nói trâu có mọt, chảy nước dưới bụng.

 

 

43. Trần Miên Khố Chuối

 

Thuở xưa có một anh học trò khó, tên là Trần Miên[8] Khố Chuối, con nhà khó khăn, mà hay siêng năng cần quyền[9] việc học hành, nghèo là quá đỗi nghèo, áo quần xơ xải[10] rách te rách (tr. 63) nát, vá trăm cật, lấy là chuối mà đóng khố. Theo chịu lòn học trò giàu, mà nhờ hột cơm rớt, ăn những cơm thừa cá cặn. Chúng bạn chẳng nghĩ hân hủi[11] đày đọa tất tưởi bắt quét trường, múc nước, mài mực. Tối tăm đèn dầu chẳng có, theo nhờ sáng trăng cùng là nháng đốm đốm[12] mà coi mà học, đêm ngày sôi kinh nấu sử chẳng nệ khó nhọc.

Đến buổi mở hội thi, thì chúng bạn tựu trường, anh ta cũng theo ôm trắp[13] cho chúng mà đi. Ai nói là tên học trò? Tưởng là đệ tử theo phò các thầy quần dài áo rộng. Mà nhờ hoàng thiên bất phụ độc thơ nhơn[14], phát phước thì đậu, sau được vinh vang. Còn mấy anh em bạn thì rớt hết.

Ở đời có kẻ giả dại qua ải cứ thủ phận, bèo theo bèo, sen theo sen[15], lần hồi mà trời độ vận[16] lập thân nên. Con nhà học trò cũng nên lấy đó mà bắt chước, lấy đó mà suy hai chữ thạnh suy, là đường con tạo hay đi với đời.

 

 

[1] Cù lao: Đảo nhỏ.

[2] Bấn loạn: HTC, Bối rối quá. Bộ lăng xăng, rối rắm.

[3] Các bợm: Các tên ấy, mấy thằng đó.

[4] Nổi ốc cùng mình: Sợ quá, mình mẩy nổi ốc ở chưn lông

[5] Ráo (đi): Đi hết. Vài động từ có tiếng ráo đi theo trở thành nghĩa mạnh hơn, có nghĩa hết như mua ráo, bán ráo, xài ráo, đổ ráo. Tiếng ráo đi trước danh từ có nghĩa khô: ráo nước mắt, ráo mực…

[6] Bằng yên: Thái bình, bình yên.

[7] Thằng cha kia: Người kia, chú kia. Cách nói thằng cha, con mẹ nay trở thành tiếng khinh thị thường thấy ở chợ búa.

[8] Miên: Đọc cách khác của Minh vì tránh tên của ông lớn nào đó. Trong Nam trước đây có cậu hai Miên là con của tồng đốc Phương, và thơ Cậu Hai Miên nói về nhân vật nầy.

[9] Cần quyền: Siêng năng, chịu khó.

[10] Xơ xải: HTC, Rách rã, tơi bời, tan tác.

[11] Hân hủi: Bạc đãi, ăn hiếp. Nay nói hất hủi.

[12] Nháng đốm đốm: Ánh sang chớp tắt của com đơm đớm.

[13] Trắp: Cái hộp vuông dùng chứa đồ vật ít ít. Học trò xưa có trắp để đựng sách vỡ…

[14] Hoàng thiên bất phụ độc thơ nhơn: Trời không bạc đãi người đọc sách.

[15] Bèo theo bèo, sen theo sen: giữ phận mình nghèo, không lân la đua đòi với người giàu.

[16] Trời độ vận: Nhờ trời giúp nên thành công.



..

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thứ Ba hàng tuần là ngày họp của hội đồng thành phố San Jose và tối ngày 20.11.2007
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.