Hôm nay,  

Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (28-32)

18/11/201600:01:00(Xem: 3574)

Chú Giải

Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký

 

Nguyễn Văn Sâm
   

 

(Chuyện 28 – 32. Sẽ đăng tiếp)

 

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.

Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn

1. Giáo dục về luân lý. Người đọc cẩnthận sẽ thấy những bài học tốt cho cách ở đời, cách xử thế, ứng xử trong trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.

Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).

Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời.

Victorville, CA, tháng 11, 2016

 blank

28. Thằng ăn trộm gà bỏ quần mà chạy.

 

     Có một đứa ăn trôm vặt. Tối đầu canh hai, anh ta lót cót đi rình bắt gà. Động, gà vịt kêu lên, chủ nhà hay, lén để rình chụp mà bắt nó. Nó mới được một con gà cồ, xách đi, gà kêu choác choác, nó bóp hầu bóp họng cũng không thôi la.

    Túng thế mới bỏ vào ống quần, cột túm miệng ống lại. Chẳng ngờ chủ la lên rượt theo. Chú chàng càng chạy, gà càng la, không biết làm làm sao cho nó nín. Chúng theo riết, tuột quần bỏ lại mà chạy.

     Té ra gà bắt không được, mà lại mất quần, lỗ vốn bị gai ô rô, cắt một bữa, cũng trầy trụa ra hết cả mình.

 

29. Thằng ăn trộm được mời uống nước trà.

 

     Một đứa ăn trộm nghề, mới chạng vạng anh ta lòn bóng[1] vô, leo lên trên trính[2] phía khu đĩ nhà[3], ngồi đó, chờ trong nhà ngủ đặng có xuống mà khuân đồ. (Tr 41) Chủ nhà có ý, đến chừng dọn dẹp đóng cửa đi ngủ, thì biểu trẻ nấu nước pha uống, ngó trực lên khu đĩ, thấy anh bợm ngồi tòn ten đó, thì làm tỉnh kêu trẻ lấy chén thêm. Rồi biểu trẻ lại mời anh ngồi trên trính xuống, uống ít chén nước cho ấm. Bợm ta chưng hửng[4] tuột xuống, lại lạy ông chủ xin tha. Thì ông chủ nói: Tôi tha làm phước, mà đừng có léo tới đây nữa[5], mà tôi bắt tôi nạp đi đó.

 

30. Ông Cống Quình.

 

     Truyện ông Cống Quình đậu trạng, có nhiều điều pha lửng[6] trớ trêu tức cười.

     Bữa kia có một người ở xa tìm tới kinh vào chầu vua, đem dưng cho người một mâm trái trường thọ. Mới đem vô, nói chưa xong, ông Cống Quình lại lấy lột ăn phức[7] đi. Vua thấy ổng làm điều vô phép, sỉĩ hổ cho vua, thì ngài dạy đem mà chém đi.

     Ông ấy quì xuống tâu rằng: Tâu bệ hạ, muôn muôn tuổi, nay tôi tôi hỗn hào vô lễ, mà Bệ hạ đòi chém, thì là đáng lắm. Muôn tâu bệ hạ cho tôi nói một ít lời cho cặn kẽ, rồi tôi sẽ ra chỗ pháp trường: trái nầy gọi là trái trường thọ, mà sao (tr. 42) tôi ăn vô chưa khỏi cổ đà thấy chết? Vậy thì nó là trái đoản thọ mới phải. Vua nghe được tha ông đi[8].

     Bữa khác, vua ngự đi chơi, quân gia binh lính chầu chực hầu hạ, thiên trùng vạn điệp[9]. Ông Cống Quình đi tắm ngó thấy, lật đật chạy đút đầu vô bụi giơ đít ra. Vua ngự ngang qua thấy mới hỏi ai. Cống Quình quì xuống tâu: Tôi nghe ngài ngự, tôi núp không kịp, nên phải làm làm vậy, tục nói: hễ giấu đầu thì ra đuôi.

     Trong nội, vua có nuôi một con mèo, có cột cái xích bằng vàng. Cống Quình vô ra ôm quách[10] về nhà, lấy xích vàng ra, cột dây nuôi ở nhà. Mà thường ổng biểu đem hai dĩa, một dĩa thịt thà[11], còn một dĩa, thì cơm nguội trộn với đầu tôm xương cá[12], hễ nó lại nó ăn dĩa đồ ngon thì đánh, nên nó quen đi cứ dĩa đồ hèn mà ăn mà thôi.

     Vua tiếc con mèo, sai đi kiếm táo tác[13], kiếm không ra. Người ta nói có ngó thấy Cống Quình nuôi con mèo giống in con mèo của vua, có khi nó đó[14]. Vậy vua cho đòi ông Trạng tới, hỏi con mèo. Ổng nói một hai không phải. Vậy ổng bắt con mèo đem tới, biểu quân đem hai dĩa cơm, một dĩa đồ ngon, một dĩa đồ quấy quá[15]; mèo của vua thì thường ăn đồ mĩ vị, ngon lành, mà của tôi đâu đồ ngon mà cho ăn, ăn những cơm nguội cơm ngặm, mắm muối quấy quá vậy thôi, nếu (tr. 43) nó ăn dĩa đồ ngon, thì thật là của ngài, mà như nó ăn đồ hèn, thì nó là của tôi chắc.

     Đem ra, thì con mèo tập đã quen, cứ lại dĩa cơm nguội mà ăn, thì Cống Quình vỗ tay cười, Ậy! Của dân sự nghèo nàn thì nó như vậy! Ôm mèo về mất.

     Bên Tàu qua đi sứ, đem dưng vua một cái ve thủy tinh, liền không có miệng, mà trong có nước, xin hỏi làm làm sao, mà lấy nước cho được. Vua cùng đình thần bối rối không biết giải làm sao. Vậy đòi Cống Quình tới, hỏi tính làm sao. Cống Quình mới nói: Tưởng là giống gì khó lắm, việc nầy liệu được mà. Vua mới giao cho anh ta đem về. Sáng ngày lợt xợt[16] vô. Vua ra lập trào rước sứ Tàu cho đặng giải việc hỏi. Ông Cống Quình tay xách dùi đục[17], tay cầm cái ve của sứ đem qua. Vua phán hỏi. Cống Quình quì xuống: Muôn tâu lịnh thiên tử, Tàu hỏi làm thế nào lấy nước ra cho được? Vậy hễ muốn lấy cho được nước, thì phải đánh mới được. Và nói và đập, bể cái ve đi.

     Năm sau, sứ đem một con trâu có tài báng lộn[18] ăn hết[19] các trâu bên Tàu. Đem qua hỏi coi thử An Nam có trâu nào giỏi hơn chăng. Vua đòi Cống Quình tới hòi, coi thử tính làm sao.

     Cống Quình vào chầu. Vua phán: Đó bây giờ Tàu người ta đem con trâu báng giỏi nhứt có tài, coi thử mình có đem ra cự, Trạng tính làm sao? (tr. 44)

     - Muôn tâu Bệ hạ, có khó chi, để tôi về tôi tính, xin sứ để ba bữa. Ông Trạng về biểu bắt con nghé nhỏ còn bú, nhốt riêng nó ra, đừng cho bú ba bữa.

    Tới ngày sứ đem trâu tiếng Tàu[20] ra, ông Cống Quình dắt con nghé ra. Vua ngự ra, sứ bộ cùng triều đình tựu tới coi. Thả trâu lớn của Tàu ra, nó hăng đứng nghinh đó, Cống Quình thả trâu nghé ra. Nó nhịn bú đã ba ngày, khát sữa, thấy trâu lớn tưởng là trâu mẹ, lăng căng[21] chạy lại xúc xúc[22] dưới bụng nơi sau háng, trâu Tàu nhột[23] chịu không đặng, chạy mà tránh cho khỏi kẻo nó rúc ruột. Càng chạy, nó chạy theo xúc, cong lưng chạy miết dài. Cống Quình đứng vỗ tay la: Trâu Tàu thua rồi! Trâu An Nam ăn rồi! Thèm đem trâu lớn đâu, sức con nghé con, ốm tong ốm teo, mà trâu kia còn phải thua nữa là!

    Bước qua năm sau, Tàu giận thấy mình thua trí người An Nam, mới sai sứ đem một cây gòn đẽo bào bằng gốc bằng ngọn, lại kéo sơn đôi ba nước, mất da mất thịt cây đi hết, ở giữa có đề hai chữ: Túc tử. Đem qua đố An Nam biết là tên cây gì, lấy chữa đó, mà bàn cho ra tên. Lại đố biết đầu nào gốc, đầu nào ngọn.

    Các quan hiệp nghị mời Cống Quình tới hỏi: Sao, ông tính nói cái ấy đặng hay là không? Cống Quình chịu, lãnh về nhà tính. Sáng ngày ra, vua ngự, lập ban cho sứ vào chầu, Cống Quình (tr. 45) vào quì xuống tâu: chữ túc là lúa, chữ tử là con, là hễ, còn lúa con ăn con no con mập, hết lúa con mòn con gầy, thì là cây gòn[24]. Còn việc nói đầu nào gốc, đầu nào ngọn, thì xin xuống mé sông tôi sẽ coi.

     Vua quan cùng các sứ thấy đều theo xuống theo mà nghe nói. Dạy khiêng cây xuống. Ông Quình mới thả day ngang qua sông[25], thì nó phải day trôi theo giọt nước[26], đầu nào day trước ấy là đầu gốc.

     Đến sau vua sai ông Cống Quình đi sứ bên Tàu. Nhằm khi có các anh tấn sĩ[27] mới đậu. Thấy sẵn[28], lại nghe tiếng Cống Quình giỏi văn chương chữ nghĩa lắm, vua mới mời Cống Quình thử chơi ít bài, mấy tấn sĩ có tài làm thơ làm phú lẹ, hễ nhảy lên ngựa cầm viết lia, nhảy xuống thì đã rồi.

    Cống Quình cũng không sợ, chịu ra thi. Dẫn ngựa voi ra nghiêm trang tử tế, phát viết, mực, giấy má xong rồi, nghe hiệu trống đánh một cái, thì ai nấy nhảy lên ngựa. Cống Quình nhảy lên lấy viết huây huây ba cái lăng nhăng líu quíu, rồi nhảy xuống hô: Rồi! Người ta chưa ai rồi hết, đem vở lại nộp!

    Quan giám khảo coi không ra, hỏi chớ Cống Quình viết giống gì lăng nhăng coi không được. Cống Quình nói: Chữ bên tôi tháu[29] làm vậy đó, như ngài coi không đặng, để tôi viết lại chữ thảo hay là chơn tự cho ngài coi. Vậy mới viết thơ cũ thuộc lòng cho họ coi. Họ lấy cho được thứ nhứt. (tr. 46)

     Bữa kia quan Thừa tướng Tàu dọn tiệc, mời Cống Quình tới uống rượu chơi một bữa. Đàng sá đâu đó có đào hầm, để gạt cho Cống Quình sụp mà chết, kẻo để Tàu chịu thua An Nam xấu hổ, chiếu bông nệm gấm trải liệt địa cùng đàng[30].

     Ông Thừa tướng tới nhà mời và rước Cống Quình. Ra tới đàng có trải nệm bước xuống mời Cống Quình đi bộ cho mát, biểu Cống Quình một hai đi trước, Cống Quình không chịu. Nhường cho quan Thừa Tướng rằng: Tiên vi chủ, hậu vi khách 先 爲 主 後 爲 客. Quan thừa tướng mời gãy lưỡi[31] cũng không được, túng[32] phải ra đi trước, Cống Quình khôn, cứ bước theo dấu chơn Thừa Tướng thẳng tới nhà, khỏi sụp vào đâu hết.

     Ngày kia Cống Quình vui, muốn khuấy chơi[33] các quan triều một bữa. Chửng[34] mới viết thiệp cho mời các quan tối tựu tại nhà uống rượu chơi.

     Mặt trời chen lặn, võng giá các quan lải rải[35] tới. Cống Quình mua rượu nhiều, ve chén bày ra bộn bàng[36], còn biểu quân ở đàng sau nhà bếp cứ bằm thớt[37] hoài. Nghe bằm lộp cộp lạc cạc hoài. Các quan tưởng có khi Cống Quình dọn trọng thể[38] lắm. Chẳng ngờ cũng không thấy dọn chi.

     Cống Quình ngồi cầm khách, cứ rót rượu mời các quan, một chặp lại hối: trẻ coi lo dọn thoáng[39] đi bay. Nó dạ rân. Cứ thỉnh thoảng rót rượu mời uống khan hoài, các quan đã xoàng (tr. 47) xoàng đi hết, thì càng vui càng nói chuyện inh sình[40]. Cống Quình lại càng rót rượu đưa cho ông nầy ông kia; dập thêm hoài[41].

     Ngồi uống khan làm vậy cho đến hết nửa canh hai. Ông nào ông nấy, thôi say mèm, nằm thài lai[42] ra đó hết. Quân hầu đi theo, thì đã cho về hồi chiều hết rồi.

     Vậy ông Cống Quình biểu quân trong nhà ra đưa các quan về, lại dạy nó tráo dinh hết, tới đâu thì biểu mở cửa đem thẳng vào giường kẻo ngài say đã mê mết[43] rồi. Quân dạ dàn võng giá ra[44]. Võng các ông đem lộn dinh hết.

     Đến sáng ngày ra, ai nấy thức dậy ngó sao mùng mền khác lạ không phải nhà mình, xẻn lẻn[45] ra về ai về dinh nấy, biết bị Cống Quình khuấy chơi rồi, căm căm trong bụng[46]  giận ông Cống Quình.

     Mà ông Cống Quình ngoan[47] lắm chạy đón các quan đang đi vô chầu, nói: Cơ khổ[48]! Tệ quá! Hôm qua cầu vui uống rượu cầm chừng chờ trẻ nó dọn ăn, mà mắc bụng đói say sớm làm không ai ăn hết, thấy các ông say tôi hối quân võng các ông về kẻo để khuya nhiễm mù sương có khi khốn. Té re các ông báo tôi, thôi hôm nay thịt cá ê hề ăn không hết.

     Cách năm mười bữa, Cống Quình xin cấm chợ ba bữa để cho ổng phơi sách. Thiên hạ đồn Cống Quình phơi sách đâu đó rủ nhau đến coi. Đến bữa ấy ổng biểu quân đem chiếu trải giữa chợ, cổi (tr. 48) quần cổi áo ra nằm giữa đó. Người ta hỏi: Ủa! Nghe nói ngài phơi sách, mà sao ngài làm làm cái gì vậy! Ổng mới chỉ cái bụng ổng nói: Sách ở trong bụng, chớ sách ở đâu?

     Ông Cống Quình thường hay đi đó, mà ổng không có trả tiền, tháng kia qua tháng nọ ổng cũng không có trả. Quân đưa đò[49] nó mới đòi ổng, ổng nói: Thôi để mai mốt tao trả cho. Ổng về mua tre mua lá, chở ra giữa dòng sông, cất lên một cái chòi, viết ba chữ dán vào đó: Chửi cha đứa nào coi về học lại.

     Thiên hạ nghe ông Cống Quình làm gì lạ không biết, thì đua nhau tới đó mướn đò ra coi. Coi rồi vô, kẻ khác hỏi chớ giống gì vậy? Ai nấy đều nói: Nói không được, hãy ra đó mà coi lấy. Đò đưa đà không lập[50], lấy tiền cũng đã mê.

     Dỡ chòi rồi, quân chèo đò, nó còn đòi tiền ông Cống Quình nữa. Ổng mới nói: Bay mắc tao bây giờ thì có chớ, mà bay lại theo đòi tao nữa? Vậy chớ ai làm cho bay đặng mối mấy bữa đó?

     Chuyện Cống Quình còn nhiều điều dễ tức cười, mà như nói tinh những chuyện ấy[51], thì nó mất vui mất hay đi. Để xen chuyện nầy chuyện kia nhiều thứ thì hay hơn. (tr. 49)

 

31. Con chó với con gà.

 

     Con chó đi gặp con gà trống mới chào, rồi nói: Tôi trông cho gặp anh một chuyến mà hỏi một chuyện. Con chó mới hỏi: Trời phú tính cho anh hay, chớ phải chơi sao! Sao lại biết canh ba, lại khi gần sáng dậy mà gáy, ngày ngày cũng vậy. Con gà nói: Cái là trời đã phú tánh hễ tới chừng thì gáy.

     Rồi con gà mới hỏi: Còn như anh làm sao anh biết có người ta đi mà sủa?

     – Vốn cái tâm tôi thuộc đất: hễ động đất thì động tới tâm tôi, nên tôi biết.

     – Mà khi anh nằm dưới đất thì làm vậy, chớ như khi anh nằm trên ván thì biết sao được mà sủa?

      _ Chừng tôi ở trên ván, nghe chúng sủa, thì tôi bắt chước sủa hùa theo mà thôi.

 

32. Bốn anh thầy chùa làm phước mà phải chết.

 

     Có một thằng nài giữ voi, cắc cớ cỡi voi đi ngang qua thấy buồng dừa xiêm nạo, đánh đòng đeo đó mà bẻ[52], chẳng ngờ con voi nó đi tuốt đi, bỏ anh ta lại tòn teng đó[53]. May đâu bốn anh (tr. 50) thầy sãi đi qua, thằng chăn voi khóc la xin các thầy cứu. – Mô phật! Biết sao bây giờ! Thôi, ta lấy áo nhựt bình[54] ta, mà nằm bốn người bốn chéo, cho nó buông xuội xuống rớt vào trong ấy, thì khỏi giập xương.

     Nó ở trên nó buông tay rớt xuống, mắc cao quá, cái áo nó thụng lại mạnh quá, bốn cái đầu trọc cụng lại với nhau, đâu lại thêm cái buồng dừa rớt chụp lên trên, chết tươi đi, cả bốn thầy.

     Thằng chăn voi sống, không biết làm sao mới vác bốn cái thây ma đem về, để sau buồng. Đem ra một thây nằm đàng trước, chạy đi mướn người ta chôn. Giá cả xong rồi mới hỏi: Tôi nói trước với anh em, có chôn thì chôn cho tử tế, huyệt cho sâu! Anh tôi sống chẳng lìa tôi, vì thương tôi quá, nay chết rồi, sợ có khi cũng không muốn lìa, lại ảnh là người tu, có khi có phép.

    Các ảnh vác mai vác xuổng đi ra đào, nghề làm mướn trông cho mau rồi, về lấy tiền, mới đào sơ sài cạn cạn vậy, vác quách ra[55] dập lại, khỏa đất không dện[56]. Lăng căng về đòi tiền.

     Chủ đám ra đón nói: Cơ khổ! Các anh làm tệ quá, tôi đã nói trước, làm cho người ta, thì làm cho đáng ăn đồng tiền người ta. Đó, về đó mà coi. Làm sao ảnh lót cót[57] về nằm đó?

     Các ảnh về thấy nằm đó. Lạ dữ nầy! Vác ra lịch ịch[58], đào chôn nữa, mà trời đã gần tối, lật đật đắp lại đó, bỏ về hỏi tiền. Mới quày về thấy (tr. 51) anh chủ đám chạy ra kêu: Các anh thật bất nhơn quá! Đó, chôn chưa kịp khỏa đất, ảnh đã trở về nằm trỏng. Vào đó mà coi.

     Các ảnh giận lụm cụm[59], lại vác ra chôn nữa. Chôn vừa rồi, lại thấy chủ chạy ra la lối om sòm. Các ảnh nói: lạ nầy, mấy tôi đào sâu dữ lắm mà, mà còn dậy mà về được? Vác ra. Đào huyệt sâu hơ sáu bảy thước mới bỏ xuống dện diệt[60] tử tế. Thôi chuyến nầy chắc, dậy không được dâu. Kéo nhau về lấy tiền.

     Đi ngang qua cái cầu ngang, trời tối mờ mờ, thấy anh thầy sãi ở đâu ngồi ỉa đó[61]. Nó giận đã sẵn, nó mới chưởi: Mẹ cha thử! Về làm sao, về hoài về hủy đi vậy cà! Đạp anh thầy cho một đạp, rớt chủm[62] dưới sông, uống nước chết đi.

 



[1] Lòn bóng: Theo những chỗ không có ánh sang mà đi vô đâu…

[2] Trính: Cây đòn ngang nối liền hai khu đĩ.

[3] Khu đĩ: Trên vách nhà phía sát nóc phần hình tam giác là khu đĩ.

[4] Chưng hửng: Ngạc nhiên vô cùng.

[5] Đừng léo tới đây: Chớ có vát mặt tới, đừng léo hánh đến…

[6] Pha lửng: Chọc phá thiên hạ.

[7] Ăn phức: Ăn liền tức khắc, ăn ngay.

[8] Lý luận hay nhưng nếu bị vua giam vô ngục hay phạt đánh bổng thì nói sao cho khỏi đây!

[9] Thiên trùng vạn điệp: Đông vầy.

[10] Ôm quách: Ôm liền, bắt đại. Nguyên bản của Trương Vĩnh Ký in sai thành ôm quác nên rất khó hiểu.

[11] Thịt thà: Thịt cá, nói chung là thức ăn ngon.

[12] Đầu tôm xương cá: Nói chung là thức ăn dở, cơm thừa canh cặn…

[13] Kiếm táo tác: Tìm khắp nơi. Kiếm tìm tở mở.

[14] Có khi nó đó: Có thể là nó.

[15] Quấy quá (đồ ăn): Thức ăn không ngon, bậy bạ cho có ăn để mà sống. Làm quấy quá là làm cho có chừng, không đàng hoàng. Nói quấy quá vài ba câu là nói chẳng ra gì nói xho xong, cho có..

[16] Lợt xợt (đi) vô: Đi vô lẹ làng, mau mắn. HTC, Lợt xợt: Bộ đi tới một bề, bộ đi săn (sái) chưn, bộ đi xăm xúi; đi trờ tới, đi lỡ bước.

[17] Dùi đục: Khúc cây tạp dùng để đập vật gì. Khúc cây xấu không dùng làm việc gì khác. HTC, Dùi đục: Cán đục, đồ đóng nhỏ, khúc cây vắn vắn để mà đóng vỗ cái đục. TN: Dùi đục chấm mắm nên.

[18] Báng lộn: Trâu bò lấy sừng chem. Nhau.

[19] Ăn hết: Thắng tất cả.

[20] Trâu tiếng Tàu: ?

[21] Lăng căng: vui vẻ chạy tới. HTC cắt nghĩa là bộ vội vã.

[22] Xúc xúc: Theo văn cảnh thì ông Trương Vĩnh Ký muốn nói nút nút. Các từ điển không thấy chữ xúc xúc.

[23] Nhột: HTC, Nhột (n.): Nghe rờ rẩm nhẹ nhẹ ngoài da, bắt phải nôn phải tức cười; bị chọc léc.

[24]  Giải thích kiểu nầy nói chơi thì được nhưng lý luận không ổn chút nào.

[25] Thả day ngang qua sông: thả cây nằm ngang với nước song.

[26] Trôi theo giọt nước: Trôi theo dòng nước.

[27] Tấn Sĩ: Tiến Sĩ, xưa học vị Tiến Sĩ là cao nhứt, mỗi kỳ thi ba người Tiến Sĩ cao nhứt được gọi là Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa.

[28] Thấy sẵn: biết trước, nghe trước, có kinh nghiệm về điều gì trước đó. Cách viét nầy rất khó hiểu đối với ngày nay.

[29] Chữ tháu: Chữ viết mau, ẩu, khó coi.

[30] Liệt địa cùng đàng: Khắp nơi. Truyện Tàu có Liệt Địa Trận là trận rất lớn, đại quy mô bày ra để giết gọn địch quân.

[31] Mời gãy lưỡi: Mời nhiều lần, mời cách thiết yếu lắm.

[32] Túng: Tức túng thế, không còn cách nào khác.

[33] Khuấy chơi: Phá chơi. Chọc chơi cho vui.

[34] Chửng: Chừng ấy? Thiệt tình tôi chưa chắc cái nghĩa nầy.

[35] Lải rải: Lai rai, lài rài, rải rác.

[36] Bộn bàng: Nhiều lắm, nhiều tới dư thừa.

[37] Bằm thớt: Để thịt trên thớt mà bằm cho nhuyển.

[38] Trọng thể: Lớn, nhiều, quan trọng.

[39] Dọn thoáng: Dọn (cổ bàn) mau ra. Từ nầy bây giờ không còn nghe nói nữa, chỉ còn nghe thoáng, đi thoáng qua

[40] Inh sình: Inh ỏi, ồn ào, om sòm.

[41] Dập thêm hoài: Rót đầy hoài hoài.

[42] Thài lai (nằm): Nằm sãi tay sãi chưn, nằm mệt mõi. HTC viết thài lai, G. huê vuết thài lài.

[43] Mê mết: Tôi nghĩ là bản in của ông Trương sai. Đúng ra là mê mệt mà Ông Huình cắt nghĩa là mệt nhọc, bất tỉnh. từ mê mệt ngày nay đã sang nghĩa khác, trai phong lưu đều biết.

[44] Dàn võng giá ra: Sửa soạn những thứ ngày xưa để đưa rước các quan lớn.Võng để nằm cho chúng khiên và giá để che nắng  che mưa.

[45] Xẻn lẻn: Mắc cở.

[46] Căm căm trong bụng: Giận thầm, để bụng giận mà không nói ra.

[47] Ngoan lắm: Khôn lắm.

[48] Cơ khổ: Tiếng đầu câu ngõ ý tiếc cho ai sự gì.

[49] Quân đưa đò: Những người đưa đò. Quân tiếng chỉ số nhiều cho người, không phải quân lính. chữ quân lính cũng có nghĩa là những người lính.

[50] Đò đưa đà không lập: ? Tôi thiệt tình không hiểu chữ lập nầy. Có thể là: Đò đưa đà không kịp? Có thể lắm!

[51] Nói tinh những chuyện ấy: Nói toàn mấy chuyện đó. Tinh có nghĩa là ròng, thuần, toàn

[52] Cỡi voi, giữ voi cũng là sinh hoạt thời đó, nay không còn. Người lớn tuổi hơn tôi vài chục tuổi nói đường Chi Lăng của thời VNCH trước đây là Đường Voi Đi. Nghe thì biết vậy chớ chưa tìm được bằng chứng sách vỡ.

[53] Tòn teng: Treo lủng lẳng chưa rớt xuống.

[54] Áo nhựt bình: HTC cắt nghĩa là áo của sư hay ni thường mặc. Cũng chưa hình dung được ra làm sao!

[55] Vác quách ra: Vác liền ra, vác vội vội vàng vàng.

[56] Khỏa đất không dện: Lấp đất lại không nện. Làm việc chon cất vội vội vàng vàng.

[57] Lót cót: Nay nói lót tót. Lục đục đi trở về.

[58] Vác lịch ịch: Mang vác nặng nề nên đi đừng khó khăn.

[59] Lụm cụm: Bộ già cả, lum khum.

[60] Dện diệt: Dện, nện. Đánh đập xuống cho đất cứng lại.

[61] Thầy sãi ở đâu ngồi ỉa đó: Ông sư ở đâu đến đó ngồi bài tiết.

[62] Rớt chủm: Rớt cái ùm xuống nước.



.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.