Hôm nay,  

Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký 24-27

14/11/201600:02:00(Xem: 4350)

Chú Giải

Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký

   

Nguyễn Văn Sâm
      

 

(Chuyện 24 – 27. Sẽ đăng tiếp)

   

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.

Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn

1. Giáo dục về luân lý. Người đọc cẩnthận sẽ thấy những bài học tốt cho cách ở đời, cách xử thế, ứng xử trong trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.

Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).

Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời.

Victorville, CA, tháng 11, 2016

 

blank

24. Tích hang ông Từ Thức.

 

     Ở ngoài Bắc có một cái hòn tự nhiên bốn bề đá dựng[1], đêm ngày sóng tạt bổ ầm ầm[2], người ta đặt tên là hang ông Từ Thức.

     Do cái chuyện nó người ta bày thế nầy:

     Thuở xưa kia, vua tính xây một cái thành chỗ đồng nội kia, thình lình chỗ ấy có mọc lên một cây vô danh, bông lá lạ thường, đã xinh mà lại thêm thơm nữa. Ai nấy đều định phải đem dưng cho vua. Vậy mới cho dân canh giữ nhặt nhiệm[3], kẻo sợ người ta hái bông đi. Thiên hạ đồn dực[4], đâu đó rủ nhau tới coi.

     Tiên ở tại hòn nói trước nầy, cũng đua nhau đi coi. Mà có nàng Giáng Hương, tiên xinh tốt, lại gần rờ rẫm[5] cái hoa, rủi rụng xuống. Quân lính mới bắt lấy đó. Xúm lại xin[6], nói gãy lưỡi[7] cũng không tha.

     Vừa may có ông Từ Thức là ông quan lão[8] nghe đồn cũng đi tới coi cho biết. Bước vô, thấy bắt buộc làm vậy, thì hỏi lính: Tội tình chi mà (tr. 36) bắt trói người ta lại, người ta là con gái mà bắt làm gì tội nghiệp vậy? Tha người ta đi.

     Lính bẩm: Bẩm ông, cô nầy ở đâu không biết, tới coi lấy tay nưng[9] cái hoa, nó rụng xuống nơi tay, tôi bắt cổ[10] lại đây, bây giờ ông dạy tôi tha, tôi có dám tha ở đâu? Ông Từ Thức mới cởi áo đưa cho thằng lính, cho nó đặng nó tha nàng Giáng Hương đi.

     Sau về nhà, ông Từ Thức mới nhớ mường tượng hình nhan nàng con gái mình cứu, trong lòng nó bắt khoăn khoái[11] nhớ thương, ước cho đặng gặp mặt lại mới phỉ lòng. Ra vô bâng khuâng tư tưởng, ăn chẳng ngon, nằm chẳng ngủ. Thao thức cả đêm, đang chừng nửa đêm, lồm chồm[12] chổi dậy kêu một đứa thổi lửa, thắp đèn, rồi ổng cuốn gói xuống chiếc xuồng ong[13], cầm giầm bơi đi, đi bơ vơ chẳng biết đi đâu. May đâu, đi trợt tới hòn tư bề đá dựng đứng, lại có cái cửa vô, cứ xăm xăm đi tới hoài. Ngó trước thấy nàng Giáng Hương ra rước. Vô cung, ở đó vui vẻ đủ no mọi đàng[14].

     Đến bữa nàng Giáng Hương phải đi chầu bà Chúa tiên, thì đóng cửa lại dặn ổng[15] ở nhà làm gì thì làm, mà đừng có mở cái cửa sau mà khốn[16], đến nữa phải trở về, không được ở đó nữa.

     Dặn dò trước sau phân minh, nàng ấy ra di. Ông Từ Thức ở nhà nghĩ hoài: Mẽ[17]! Nầy! Không biết ý làm sao mà biểu đừng mở cửa sau? Có khi (tr. 37) bên kia có giống gì[18] xinh tốt quí báu hơn bên nầy, nên cổ cấm mình vậy chăng? Lục tặc[19] đem vùng mở phức ra[20].

     Ngó thấy thế gian, khi ấy mới nhớ nhà. Vậy các tiên ở đó nghe động đất thì biết, nên về đuổi ông Từ Thức về, không cho ở nữa.

     Tưởng là mới đâu vài ba bữa, ai hay về kiếm nhà không được. Nhớ chắc chỗ cũ vào hỏi thì chẳng thấy một ai quen biết, hỏi thăm nhà ông Từ Thức, thì họ nói họ không biết, cũng không có nghe tên ấy bao giờ. Hỏi mấy ông già, bà cả, thì người ta nói: Thuở trước đời vua kia vua nọ, thì có ông quan lão tên là Từ Thức, mà ổng chết đã hơn ba bốn trăm năm nay rồi, còn ở đâu?

 

25. Cọp bị đá.

 

     Anh kia còn nhỏ trai[21], hay cầu vui[22] theo chúng bạn. Bữa ấy đi chơi tối, khuya về kêu cửa. Ở nhà thì có nuôi một con chó vện[23] lớn. Bữa ấy có con cọp tới rình nằm ngoài cửa. Anh ta đi chơi về, lợt xợt vô[24], thấy mập mờ, trời thì tối, tưởng là con chó vện, nên co chơn đạp cho một đạp lăn cù[25]: Chó mèo gì tối nó ngậm câm chẳng thèm sủa? (tr. 38)

     Con cọp giựt mình, thình lình thất kinh cong đuôi chạy mất. Vào nhà thấy con chó vện hãy còn, mới biết là cọp, giựt mình nổi ốc[26]. Từ ấy về sau, tởn không dám[27] đi đêm nữa.

 

26. Cọp mắc đuôi trong bụi dừa nước.

 

     Trong Rạch Giá, Gò Quao[28] cọp nhiều quá chừng, lỉnh nghỉnh[29] trong rừng như chó vậy, hai bên bờ sông đầy những dừa nước, còn trên bờ thì rừng tràm, chỗ người ta đi ăn ong.

     Bữa kia có hai người chống xuồng đi bẻ dừa nước non mà ăn, thế chuối chát[30]. Người ở trước mũi, thì ở xứ khác tới đi buôn, lâu nay chưa biết cọp ra làm sao, còn người sau lái, là người cố cựu đó.

     Ghé xuồng vào bụi dừa rậm, chẳng hay có con cọp đi đâu, mắc kẹt cái đuôi ở trong bẹ dừa giựt không ra, ngồi đó chịu phép.

     Anh trước mũi bước lên đốn dừa, thấy vàng khè, mừng tưởng là con chồn cáo, chạy nắm đuôi kéo. Tay thì kéo, miệng thì la: Lại tiếp, anh, tôi đã nắm được đuôi con chồn cáo lớn dữ lắm. Anh kia lật đật chạy lên, thấy cọp dội lại[31]: Hủy! Cọp đó, anh, không phải chồn đâu. Rồi sợ xô xuồng đi. (tr. 39) Anh kia ở đó, không biết liệu làm sao, buông nó ra, thì ngoái, nó chụp mình, mới cứ trì hoài đó. Con cọp thì đau giựt giựt mãi, mà không ra.

     Một hồi lâu cọp cũng mệt, mà người cũng mệt mỏi tay quá vùng buông phứt. Con cọp giựt được, nhảy ào cong lưng chạy miết[32] về rừng.

 

27. Ăn trộm và cọp rình nhà.

 

     Hai thằng ăn trộm đi rình nhà, lại có con cọp cũng tới rình bắt heo. Trời tối mờ mờ, anh kia tò mò lại chỗ con cọp ngồi, tưởng là thằng đi với mình, lại giõ miệng: Nầy! Họ còn thức hay là ngủ? Lại vỗ vai nó một cái, vỗ nhằm đụng lông lá xồm xàm, giựt mình nhảy trái chạy đi mất.

     Còn con cọp thình lình chúng vỗ vai cái bốp, thất sắc cũng chạy đi mất. Thằng rình góc nghe chạy thịch thịch, tưởng là chúng hay chúng rượt, cũng vụt chạy ra.

    Anh kia chạy trước, nghe sạt sạt sau lưng, tưởng là cọp đuổi theo, càng chạy mau lắm. Con cọp chạy giữa nghe lộp độp sau lưng, ngờ là chúng rượt theo, lại càng nhảy nai hơn nữa. Hồn vía mất hết, ai mạnh đàng nào chạy đàng nấy. (tr. 40)

 



[1] Bốn bề đá dựng: Bốn bên đều là đá cao ngất.

[2] Sóng tạt bổ ầm ầm: Sóng đánh mạnh vỗ vào ầm ầm.

[3] Canh giữ nhặt nhiệm: Canh giữ nghiêm nhặt.

[4] Thiên hạ đồn dực: Người ta đồn om lên, đồn rần. HTC viết là đồn rực và định nghĩa là nói om, nói rân. G. Hue viết như Trương Vĩnh Ký.

[5] Rờ rẫm: Rờ với sự nâng niu sung sướng. Nàng tiên thích cái hoa đó quá!

[6] Ấy là các tiên cùng đi với Từ Thức.

[7] Gãy lưỡi (nói): Năn nĩ hết lời, hết sức.

[8] Quan lão: Ông quan, tiếng gọi tang bốc, không phải là quan già.

[9] Nưng cái hoa: Bợ cái bông lên, nâng lên.

[10] Cổ: Cô ấy.

[11] Khoăn khoái: Nhớ lắm. Từ xưa không phải khoan khoái chữ thường dung hiện giờ.

[12] Lồm cồm chổi dậy: Đương nằm bỗng chống tay ngồi dậy mau mắn.

[13] Xuồng ong: Xuồng nhỏ chỉ dùng cho một người ngồi.

[14] Đủ no mọi đàng: Đầy đủ mọi thứ. Để ý chữ no ngày xưa có nghĩa là đầy đủ, nhiều.

[15] Ổng: Ông ấy.

[16] Mà khốn: Mà bị nguy hại. Bị gặp chuyện không may.

[17] Mẽ: Tiếng đầu câu tò sự ngạc nhiên và tự hỏi. Như tiếng Oh! của Pháp.

[18] Giống gì: Thứ gì, chuyện gì.

[19] Lục tặc: Theo giáo lý nhà Phật sáu thứ: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, điều khiển bởi 6 phần trong con gười ta là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, làm cho người có khuynh hướng thụ hưởng khiến khó tu hành nên được gọi là sáu giặc. Trong dân gian, người bình dân hiểu lục tặc là sự tò mò không chính đáng.

[20] Lục tặc đem vùng mở phứt ra: Ta nên hiểu câu nầy như sau. Sự tò mò khiến ông ta mở liền cánh của ra, không nghĩ ngợi gì.

[21] Còn nhỏ trai: Thanh niên, con trai còn trẻ.

[22] Hay cầu vui: Ham vui.

[23] Chó vện: Chó có nhiều sọc lông vàng. Vện, HTC, Chó vện: Chó văn xiên xiên mà dài.

[24] Lợt xợt vô: Đi vô mà không chú ý gì tới chung quanh.

[25] Đạp lăn cù: Đạp khiến đối tượng ngã lăn.

[26] Nổi ốc: Sợ quá, trên da ở mỗi chơn lông nổi lên những chấm nhỏ, người ta kêu là ốc.

[27] Tởn không dám: Sợ, chừa không dám nữa. Nay ta nói tởn hay không dám. Không cần dùng cả hai.

[28] Gò Quao, cũng như nhiều vùng khác của Lục Tỉnh ngày xưa có nhiều cọp. Gia Định Nhất Thống Chí của Trịnh Hoài Đức có nói nhiều chuyện về cọp ở Gia Định. Những nơi xây dựng thônlàng trên đất cao thường có địa anh là gò: Gò Đen, Gò Dầu, Gò Kén, Gò Dưa. Gò Chén.

[29] Lỉnh nghỉnh: Nhiều quá, nói về thú, khi nói về loài bò sát thì người ta nói lểnh nghểnh.

[30] Sinh hoạt nầy cũng rất hay khó thể tìm ở đâu: Ăn dừa nước non thế chuối chát mà phải chống xuồng đi vô rừng để kiếm.

[31] Thấy cọp dội lại: Đương chạy tới, thấy con cọp nên lật đật ngừng lại. Dội lại: Đương làm chuyện gì mà ngừng lại không làm vì nhận thấy bất lợi gọi là dội lại.

[32] Chạy miết: Chạy không ngửng nghỉ.


..

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.