Hôm nay,  

Nguyễn Du Đi Qua Thương Ngô

06/11/201600:49:00(Xem: 3952)

NGUYỄN  DU  ĐI QUA THƯƠNG  NGÔ  
  

TS PHẠM TRỌNG CHÁNH
  

               Theo  huyền thoại người xưa : Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, Bích Hải, Thương Ngô là những cảnh thần tiên. Bài  Phụ kê có câu :

               Bồng Lai, Phương Trượng thôi ngôi, Triêu du Bich Hải, mộ hồi Thương Ngô. (Non Bồng, núi Trượng cao cao, Sớm ra Bích Hải, chiều vào Thương Ngô). Những cảnh Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, Bích Hải ngày nay chúng ta không còn tìm thấy dấu vết nơi nào, có lẽ vì theo huyền thoại cửa vào Đào Nguyên đã khép kín, chỉ còn Thương Ngô, nơi đó thi hào Nguyễn Du đã đi qua làm hai bài thơ Đường luật : Thương Ngô tức sự, Thương Ngô mộ vũ và 15 bài thơ  bảy chữ bốn câu :  Thương Ngô trúc chi ca trong Bắc Hành Tạp Lục.  Đoàn Nguyễn Tuấn cũng viết ba bài thơ về Thương Ngô trong Hải Ông thi tập.

                Thương Ngô là nơi vua Thuấn du hành, nơi phương Nam và mất ở đó, hai bà phi  Nữ Anh và Nga Hoàng, con gái vua Nghiêu, thương khóc nước mắt rơi trên khóm trúc tạo thành loài trúc có đốm. Nơi đây có núi Cửu Nghi, còn gọi là Thương Ngô Sơn có chín ngọn,  núi ở huyện Ninh Viễn tỉnh Hồ Nam.. Ta thử tìm về địa danh Thương Ngô và những địa danh : Tầm Giang, Ngô Thành, Tam Sở, Cửu Nghi, Tương Đàm, Quế Lâm, Quảng Đông, các Văn Xương, các Thiên Phi, Hành Dương, núi Kê Lung, qua thi ca Nguyễn Du, để xác định con đường Thương Ngô nhà thơ đã đi qua trong hai chuyến du hành năm 1788 và năm 1813.

                Bài Thương Ngô Mộ Vũ : Vũ trệ Tầm Giang hiểu phát trì (Mưa giữ lại ở Tầm Giang sáng lên đường muộn). Tầm Giang là tên gọi đoạn sông dài 170 km thuộc sông Châu Giang là đoạn thượng du của Tây Giang. Nó là hợp lưu của Kiềm Giang và Úc Giang tại Quế Bình (Quý Cảng, Quảng Tây) chảy tới Ngô Châu.  Nơi đây nó hợp lưu với sông Quế Giang thành sông Tây Giang, chi lưu của nó là Đại Hoàng Giang từ hướng nam chảy về hợp lưu gần Ngô Châu. Ngô Thành là thành Ngô Châu, nằm ở bờ sông Châu Giang thuộc tỉnh Quảng Tây . Bài Xuân Dạ của  Nguyễn Du trong Thanh Hiên thi tập  có nhắc đến địa danh Nam Đài, Long Thủy. Long Thủy là một con sông nhỏ nằm ở thị trấn  Long Châu , cũng trên hệ thống sông Tây Giang.

               Quế Lâm là thành phố thủ phủ tỉnh Quảng Tây. Quế Lâm nổi danh với câu : Quế Lâm cảnh đẹp nhất trần gian. Cảnh non nước Quế Lâm đứng đầu thiên hạ, nay là một thành phố 5 triệu dân. Tây giáp Liễu Châu, Nam giáp Ngô Châu.  Quế Lâm có sông Quế Giang chảy qua, còn gọi là sông Lý Giang, hai bên bờ sông là núi đá vôi, cảnh đẹp, các tranh thủy mặc vẽ núi sông xuất phát từ vùng này.

               Năm 218 TCN tướng nhà Tần, Đồ Thư đem quân xuống đánh chiếm miền Nam Trung Quốc bị  tử trận thảm bại, nhưng tướng công binh là Sử Lộc đã hoàn thành xây dựng kênh Linh, nối liền sông Lý Giang, Quảng Tây với sông Tương. Đo đó có thể dùng đường thủy từ Quảng Đông, Quảng Tây đến sông Trường Giang và đường kênh Đại Vận Hà đào từ đời nhà Đường  nối các con sông lớn Giang Nam.

               Năm 214TCN nhà Tần sai tướng Triệu Đà và Nhâm Ngao trở lại bình định Quảng Tây. Sau khi nhà Tần sụp đổ, Triệu Đà (257TCN-137TCN) xưng đế lập nước Nam Việt (207TCN-136TCN) đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Châu ngày nay).  Khi Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán năm 202TCN, sai  sứ Lục Giả đến Nam Việt thuyết phục. Triệu Đà bỏ đế hiệu và thần phục nhà Hán.        

                              Sông Tương dài 856 km bắt nguồn từ Lâm Quý, Quảng Tây chảy vào Động Đình Hồ, Hồ Nam. Từ huyện Đông An thành phố Vĩnh Châu chảy ra hướng Bắc, nhận nước từ các sông Tứ Thủy, Thạch Kỳ Hà, Tiêu Thủy, Ứng Thủy Bạch Thủy. Tại Hành Dương nhận thêm nước từ sông Chung Thủy và Lỗi Thủy. Tại Lục Khẩu nhận thêm nước từ sông Lộc Thủy. Tại Tương Đàm nhận thêm nước từ Liên Thủy. Từ Trường Sa nhận thêm nước từ Lưu Dương Hà, Lao Lực Hà. Tại Vọng Thành nhận nước từ Vi Thủy. Đến huyện Tương Âm chia làm hai dòng chảy vào Hồ Động Đình. Sông Tương là con đường thủy thiên nhiên tiện lợi nối liền từ Quảng Tây đến Vũ Hán.

               Sông Tương được nhiều người biết đến khi học Kinh Thi : Quân tại Tương Giang đầu, Thiếp tại Tương Giang thủy, Tương Giang bất tương kiến, Đồng ẩm Tương Giang thủy. Chàng ở đầu sông Tương, Thiếp ở cuối sông Tương, Sông Tương không gặp mặt, Cùng uống nước sông Tương.

               Sông Tương nổi tiếng với Tiêu Tương Bát Cảnh. Tám cảnh đẹp sông Tiêu Tương gồm : Sơn tự vãn chung, Giang thiên mộ tuyết, Tiêu Tương dạ vũ, Sơn thị tình lam, Viễn phố quy phàm, Ngư thôn tịch chiếu, Bình sa lạc nhạn, Động Đình thu nguyệt. Các sứ thần Việt Nam  ngang qua sông Tương thường làm thơ tả cảnh mưa trên sông Tương. Sông Tương ảnh hưởng nhiều đến văn học Việt Nam. nhiều nhà thơ như Phạm Đình Hổ chưa bao giờ sang Trung Quốc cũng viết thơ Tiêu Tương Bát Cảnh. Nữ sĩ Tương Phố thời tiền chiến lấy bút hiệu có nghĩa là một bến Phố trên sông Tương. Bản nhạc Ai về sông Tương của Thông Đạt (Văn Giảng) là bài hát được nhiều người hát và yêu thích nhất, nhưng tác giả chưa bao giờ đến sông Tương.

               Sông Tương đi qua các thành phố  lớn : Toàn Châu, Vĩnh Châu, Lỗi Châu, Hành Dương, Trường Sa, Tương Âm. Các nơi đều có những thắng cảnh, những nhân vật văn hóa lịch sử :  Núi Hồi Nhạn, nơi chim nhạn bay đến đây dừng chân, nằm trên bãi cát  rồi bay trở về có cảnh Bình sa lạc nhạn. Toàn Châu nơi có chùa Tương Sơn ngôi chùa lớn nhất Trung Quốc, Vĩnh Châu có nhà cũ của Liễu Tông Nguyên, nơi ông bị biếm trích trấn nhậm và viết bài :  Lời người bắt rắn, Trường Sa nơi Giả Nghị bị biếm trích. Huyện Tương Âm nơi có sông Mịch La hợp lưu hai sông Mịch, La nơi Khuất Nguyên từ trầm về sau còn gọi là Khuất Đàm.. Sông Tương đi qua nước Sở thời Chiến Quốc. Tam Sở là Đông, Tây và Nam Sở.

                Các sứ thần Việt Nam khi đi cống sứ  Bắc Kinh đều dùng con đường thủy này. Vì ngày xưa chưa có cầu, mỗi lần vận chuyển đồ cống phẩm lên thuyền xuống thuyền mất cả ngày. Dùng thuyền tiện lợi, do đó nhiều  trạm tiếp đón sứ thần nghỉ lại đêm  nằm dọc theo bờ sông Tương. Nguyễn Du thời trai trẻ (1787-1790) từng đi con đường này : Giang Bắc, Giang Nam cái túi không. Nguyễn Du mang danh hiệu  nhà sư Chí Hiên đi nhờ các thuyền buôn, vác thanh trường kiếm trên vai như các nhà sư phái Thiếu Lâm, bảo vệ các thuyền buôn và tụng kinh cầu mua may bán đắt. Đến nơi có chùa, hay thắng cảnh nhà sư dừng chân ngắm cảnh, ăn ở, trú tại một ngôi chùa tụng kinh Kim Cương làm công quả. Hành trang Nguyễn Du mang theo bên mình là quyển Kinh Kim Cương Chú Giải của Lê Quý Đôn. Nhà sư Chí Hiên đã tụng kinh nghìn lượt tức ba năm, và đi muôn dậm mũ vàng chiều nắng xế, gần 5000km, từ Vân Nam, qua Liễu Châu, đến Quế Lâm theo sông Tương, đi qua, Tương Sơn Tự, Nhạc Dương Lâu, Hoàng Hạc Lâu rồi từ Vũ Hán, theo sông Hán  đi Trường An rồi đi theo sông Trường Giang vào kênh Đại Vận Hà đi Hàng Châu. Sau khi gặp lại Nguyễn Đại Lang tại Miếu Nhạc Phi, nơi đây Nguyễn Du làm 5 bài thơ,  nhà thơ cư ngụ chùa Hổ Pháo, đối diện Tây Hồ nối liền bởi con đê Tô, nơi đây Từ Hải tức Minh Sơn Hoà Thượng từng tu hành. Tại Tây Hồ, Hàng Châu Nguyễn Du đã say mê Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, truyện  Tiểu Thanh Ký của Từ Sĩ Tuấn và thương cho số phận những cô gái Hồng nhan đa truân. Nguyễn Du và Nguyễn Đại Lang cùng đi  Yên Kinh (Bắc Kinh) trở về Hoàng Châu gặp Đoàn Nguyễn Tuấn trong sứ đoàn Tây Sơn, Đoàn viết hai bài thơ ghi lại cuộc gặp gỡ này trong Hải Ông thi tập. Sau đó  Nguyễn Du lại về Long Châu và trở về Thăng Long.

               Thương  Ngô  ngày nay thuộc huyện  Ngô Châu tỉnh Quảng Tây, nằm trong  khu tự trị dân tộc Tráng (còn gọi là Choang, hay Tày, Nông, Nùng). Trong thơ Nguyễn Du, Thương Ngô vùng Việt  Đông. Người  Hán  gọi các dân tộc phía Nam sông Dương Tử là Bách Việt : Đông Việt phía Tây Trung Hoa, Dương Việt phía Bắc Giang Tô, Âu Mân ở tỉnh Chiết Giang Phúc Kiến. Nam Việt tỉnh Quảng Đông, Tây Âu tỉnh Quảng Tây, Lạc Việt tỉnh Phúc Kiến. Dân tộc Tráng ngày nay khoảng 18 triệu người là dân tộc thiểu số đông dân nhất trong 55 dân tộc Trung Quốc sau người Hán. Đông Việt hay Việt Đông  thời xưa là một vùng rộng lớn ngày nay thuộc  tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Hồ Nam.

                Dân tộc Tráng(hay Choang, Tày, Nùng, Nông) ngày nay còn giữ tiếng nói, phong tục viết chữ Nôm, 42% dân chúng chỉ nói tiếng Tráng, phần còn lại nói được hai thứ tiếng Tráng và Trung. . Tôi đã lần theo bước chân Nguyễn Du trong Bắc Hành Tạp Lục đi thăm vùng này.. Đi thuyền theo dòng sông Lý Giang, hai bên bờ là núi đá vôi , núi đá vôi từ vùng này chạy thẳng xuống Vịnh Hạ Long nước ta. Cảnh trí tương tự cảnh tại Ninh Bình, Hoa Lư, đường  suối Yến vào  như Chùa Hương. Hàng trăm ngọn núi hình thù quái dị, người Trung Quốc cũng đặt những tên tựa như tên các hòn núi Vịnh Hạ Long… Khác hẵn với các vùng khác của Trung Quốc, đến đây tôi thấy gần gủi, một quê hương Việt Nam : cũng lũy tre làng, người cày ruộng lúa nước với con trâu cái cày, chuồng lợn,  nhà dán hai câu đối đỏ phía trước, phụ nữ ăn trầu, cảnh trí giống như các làng quê miền Bắc Việt Nam. Đến đây  tìm lại không gian  nước Việt thời Việt Vương, Câu Tiễn, về Phạm Lãi, Tây Thi  thời Xuân Thu Chiến Quốc, về nước Nam Việt của Triệu Đà thời Tần, về Nùng Trí Cao thời Lý. Lý Thường Kiệt từng đánh sang vùng này, châu Ung, châu Khâm.  Vua Quang Trung từng có  ý cầu hôn công chúa con Vua  Càn Long và xin hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây.. Sử liệu nước ta về vùng này thật hiếm hoi.

               Nguyễn Du đã thay đổi nơi sinh của Từ Hải, quê Hấp Huyện tỉnh An Huy trở thành Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông. Việt Đông là quê hương Nguyễn Đăng Tiến tước  Quản Vũ Hầu, quyền trấn thủ Thái Nguyên thay Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Khản  trong Lê Quý Kỷ Sự của Nguyễn Thu, tức Nguyễn Đại Lang trong Thanh Hiên Thi Tập của Nguyễn Du, Cai Gia trong Hoàng Lê Nhất Thống chí của Ngô Văn Gia phái, Cai Già trong Lịch Triều Tạp Kỷ của Ngô Cao Lãng..

               Các bài thơ Thương Ngô mộ vũ và Thương Ngô trúc chi ca, Nguyễn Du làm khoảng năm 1788 trong thời gian ba năm đi giang hồ Trung Quốc (1787-1790) vì có những chi tiết : Thuyền con khó vượt miền Hoa Hạ. Khi đi sứ Nguyễn Du, sứ đoàn gồm 27 người, hàng trăm rương hòm đồ cống phẩm, các địa phương tổ chức tiếp đón, vận chuyển, bảo vệ quân lính hàng trăm người ;  có một vị tướng Trung Quốc chỉ huy từ Mạc Phủ Ải Nam Quan đến Bắc Kinh và trở về, quan Chánh Sứ không thể đi chiếc thuyền con. Bài 6 Thương Ngô Trúc Chi ca : Không trăng không đuốc nhìn đâu thấy. Khi đi sứ qua các nơi các trạm dừng chân, đèn đuốc thắp sáng rực cả trăng sao. Bài 8 Thương Ngô Trúc Chi Ca có câu : Hẹn bác xóm Đông thuyền để sẵn. Các Thiên Phi đến cúng thắp nhang. Nếu Nguyễn Du đi sứ thì quan Chánh Sứ không thể hẹn bác hàng xóm phía Đông đi thắp nhang các Thiên Phi được. Bài 12 Nhất đời áo vải khách chơi xuân, Khi đi sứ quan Chánh Sứ không mặc áo vải mà mặc áo bào gấm thêu trang trọng.

               Bài Thương Ngô tức sự, Nguyễn Du viết  năm 1813 khi đi sứ : Vua Nghiêu Thuấn đi tuần ở phương nam không trở về nữa. Vua  chết ở núi  Thương Ngô, Hồ Nam. Hai bà phi khóc, nước mắt rưới vào khóm trúc thành loại trúc vết lóm đóm. Hai bà vợ của vua Thuấn, con gái vua Nghiêu là Nga Hoàng và Nữ Anh nghe tin chồng chết, đi tìm, khóc nước mắt rỏ vào những cây trúc bên dòng sông Tương nơi hai bà nhảy xuống từ trầm. Vỏ trúc rây nước mắt trở thành loại trúc đốm (ban trúc). Dấu cũ từ nghìn năm trước xa xôi. Điều sách chép rành rành nay hiện rõ trước mắt. Lụt mới đổ về nước cao thêm ba thước. Mây nổi che không còn trông rõ núi Cửu Nghi. Núi ở huyện Ninh Viễn tỉnh Hồ Nam, có chín ngọn cao vút, mây phủ dầy đặc, khó nhìn rõ. Xa xa nghe tiếng đàn tỳ bà nhưng đành phải từ tạ.. Vì khách áo xanh đang trên đường nghìn dậm, không thể quay lại. Nguyễn Du ngồi trên thuyền đi qua Thương Ngô nghe vẳng trên sông tiếng đàn tỳ bà đưa lại, tiếng đàn hai bà phi , ông liên tưởng đến tiếng đàn tỳ bà trên bến Tầm Dương trong bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị ( (772-846) đời Đường, nhưng chàng Tư Mã Giang Châu đang trên đường ngàn dậm không thể quay lại làm bài ca cho người gảy khúc đàn đó nên đành chia tay.

               Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đại Vũ là những vị vua huyền thoại buổi ban đầu lịch sử Trung Quốc thời cổ đại. Họ được thần thánh hóa thành những vị vua đạo đức, kiểu mẫu muôn đời. Thực tế chỉ là những tù trưởng liên minh các bộ lạc vài chục ngàn dân. Thời đại ban đầu hình thành cơ cấu tổ chức cai trị sơ khai ấy quyền lãnh đạo các bộ lạc không lưu truyền cho con cháu mà lưu truyền cho người hùng mạnh nhất kế vị.

               Vua Thuấn tên là Trọng Hoa, thuộc bộ lạc Hữu Ngu, sinh ra ở Diêu Khư, về sau lấy  chữ Diêu làm họ. Mẹ là Ốc Đăng, cha là Cổ Tẩu lấy vợ khác sinh ra Tượng. Dù bị mẹ con Tượng và Cổ Tẩu đối xử không tốt. Thuấn vẫn một mực hiếu thuận giữ đúng đạo làm con. (Chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu)

               Danh tiếng Trọng Hoa được bộ lạc nể phục nên khi trưởng thành, ông được bầu làm thủ lĩnh bộ lạc. Ông đem bộ lạc quy thuận Đế Nghiêu (2337-2258TCN)và được Nghiêu gã cho hai người con gái, được tặng cho nhiều lương thực và gia súc. Bộ lạc Hữu Ngu dưới sự lãnh đạo của ông ngày càng hùng mạnh, trở thành liên minh cột trụ dưới quyền Đế Nghiêu. Khi Nghiêu già yếu. Thuấn được nhường ngôi, được gọi là Đế Thuấn hay Nghiêu Thuấn,  ông đặt thủ đô tại Bồ Phần, hay Bồ Bản (Sơn Tây).

               Theo Trúc Thư niên kỷ, cuốn sử biên niên đời Ngụy thời Chiến Quốc, lại viết khác. Thuấn giam  vua Nghiêu ở Bình Dương rồi cướp lấy ngôi vua. Thuấn giam Nghiêu không cho Đan Chu là con trưởng gặp cha.

               Vua Thuấn sai Cổn trị thủy, Cổn không thành công bị hành hình. Thuấn dùng con Cổn là Vũ trị thủy. Vũ thành công. Thuấn nhường ngôi cho Vũ thành vua Đại Vũ lập nên nhà Hạ. Thuấn mất năm 2184 TCN.

TỨC CẢNH THƯƠNG NGÔ

Nghiêu Thuấn chơi Nam chẳng trở về,

Hai bà phi khóc trúc xanh nhòa.

Dấu xưa nghìn thuở còn đâu đó,

Trang sử một thu trước mắt ta.

Lụt mới đổ về ba thước nước,

Mây giăng mù mịt Cửu Nghi mờ.

Tiếng  tỳ văng vẳng xin từ tạ,

Nghìn dậm áo xanh khách khó qua.

Nguyên tác  phiên âm Hán Việt :

THƯƠNG NGÔ TỨC SỰ

Ngu Đế nam tuần cánh bất hoàn,

Nhị phi sái lệ trúc thành ban.

Du du trầm tích thiên niên thượng,

Lịch lịch quần thư nhất vọng gian.

Tần lạo sơ thiêm tam xích thủy,

Phù vân bất biện Cửu Nghi san.

Tầm thanh dao tạ tì bà ngữ,

Thiên lý thanh sam bất nại toàn.

               Bài Mưa chiều Thương Ngô, Nguyễn Du viết : Mưa giữ lại ở Tầm Giang sớm mai lên đường muộn. Xế chiều thành Ngô Châu vẫn còn mưa lâm dâm. Đầy sông nước lụt tràn cả ra đất Tam Sở. Mây nổi từng mảng lớn ở núi Cửu Nghi . Chiếc thuyền nhỏ hẹp khó qua được miền đất Hoa Hạ. Vùng Trung Châu các cựu kinh đô Trung Quốc. Tóc dài đuôi sam, biết rõ dáng người Di, Mãn Châu. Nhà Thanh người Di cai trị Trung Quốc, các quan lại phần lớn đều là người Di Mãn Châu. Trời chiều sóng yên, Tương Đàm còn xa, Chén rượu đầu thuyền viếng hai bà Ph :i Nga Hoàng, Nữ Anh vợ vua Thuấn.

MƯA CHIỀU THƯƠNG NGÔ

Mưa giữ Tầm Giang,  sáng muộn đường,

Thành Ngô chiều xuống, phất mưa tuôn.

Nước tràn Tam Sở đầy sông nước,

Mây kín Cửu Nghi mờ mịt buông.

Thuyền con khó vượt miền Hoa Hạ,

Tóc sam dài tết bính  Di  nhân.

Trời xuống Tương Đàm xa gợn sóng,

Đầu thuyền chén rượu viếng hai nàng.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

THƯƠNG NGÔ MỘ VŨ

Vũ trệ Tầm Giang hiểu phát trì,

Ngô thành bạc mộ thượng phi phi.

Nhất giang tân lạo bình Tam Sở.

Đại bản phù vân trú Cửu Nghi.

Trách trách tiểu chu nan quá Hạ,

Sam sam trường phát tự tri Di.

Bình ba nhật mộ Tương Đàm viễn,

Bôi tửu bằng lan điếu nhị phi.

               Mười lăm bài thơ Thương Ngô Trúc Chi Ca, là một tuyệt tác, như mười lăm bài thơ trên nét vễ chấm phá bức tranh sơn thủy, tả cảnh vùng  Thương Ngô qua các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam. Nguyễn Du đi thuyền từ Tầm Giang đến thành Ngô Châu,  vào Quế Lâm, trên sông đầy thuyền Quảng Đông, nhà thơ  theo sông Lý Giang vào kênh Linh nối liền sông Tương và  đi từ đầu sông Tương đi Vĩnh Châu, qua núi Cửu Nghi tỉnh Hồ Nam, qua Hành Dương, Trường Sa   đến cuối sông Tương, Động Đình Hồ. Bài thơ cho thấy Nguyễn Du tham dự Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 Âm Lịch, có hội đua thuyền  tưởng niệm Linh Quân  tức  Khuất Nguyên ở cuối sông Tương.. Nguyễn Du viết:

               Vừa mới  lụt ở Quế Lâm, thị trấn trên sông Quế Giang thủ phủ tỉnh Quảng Tây. Nhà bè nổi cao như muốn lên tận trời.  Sau trưa gió đông càng thổi gấp. Thuyền Quảng Đông qua lại nhiều không đếm được.

               Ban đêm đèn sáng choang trên gác Văn Xương. Gác thờ Văn Xương Đế quân coi việc học và Văn học. Một ánh sáng lạnh lẽo buổi chiều hắt lên từ mặt nước  bóng như gương. Thuyền chơi qua lại không biêt bao nhiêu chiếc. Đầy sông vang lên tiếng hát chèo thuyền.

               Mưa cứ rơi tầm tả, mây vơ vẫn. Sắc núi Cửu Nghi (Hồ Nam) không trông được rõ. Nơi chôn vua Thuấn không có gò mộ. Tiếng đàn trên mặt nước nghe như tiếng đàn của hai bà phi.

               Lầu gác trên núi xanh tầng này nối tầng khác. Ban ngày nhìn thấy khói ráng hồng buổi chiều, ban đêm trông thấy đèn. Chùa cổ không có tên, khó hỏi thăm. Trong tầng núi cao đầy mây trắng che dày, có nhà sư nằm ngủ.

               Đôi chèo tung sóng hoa, thuyền lướt nhanh như bay. Xem đua thuyền rồng xong mãi tối mới về. Mặt lạ gặp nhau không tránh né. Hàm răng hạt bầu hé cười, vì thấy ta là người Nam Di.

               Một tiếng pháo trúc nổ tỏa khói lưu hoàng, Kinh động đàn chim nhạn bay vút lên từ bãi cát.(Cảnh Bình sa lạc nhạn gần núi Hồi Nhạn). Vời trông chốn đi về ở phía ven trời, từ Thương Ngô đi lên phía Bắc hẳn là đến Hành Dương. Hành Dương thuộc tỉnh Hồ Nam nằm hai bên bờ sông Tương Giang, cách Trường Sa 160 km về phía Nam ngày nay dân số hơn 7 triệu ngưởi.

               Sông lớn sóng nổi mênh mông mịt mờ không bờ bến. Dăm ba thuyền khách chơi lướt nhanh giữa màn đêm. Không có trăng, không có đèn, nhìn chẳng thấy gì. Chỉ nghe tiếng đàn tỳ bà từ trên nước vọng đến. (Tiếng đàn hai bà phi Nga Hoàng, Nữ Anh).

               Núi Kê Lung (Lồng Gà) ở ngay giữa lòng nước. Muôn khoảng khói sóng đều mênh mang mờ mịt. Hẹn với bác hàng xóm phía đông đem đầy đủ thuyền và mái chèo. Cùng nhau lên thắp hương trên Các Thiên Phi. Thiên Phi Các là nơi thờ hai bà phi Nga Hoàng và Nữ Anh. (Các là nơi thờ phượng, nhỏ, nhà Hoạn Thư –Thúc Sinh có Quan Âm Các trong vườn)

               Phía Bắc thành, hoa lựu núi đã đỏ càng đỏ thêm. Phía nam thành, liễu rủ không chế ngự được gió. Tơ bay, hoa rụng không ai để ý. Một đêm theo dòng nước trôi đến Quảng Đông.

               Ống điếu bằng loại trúc đốm dài thước hai. Bình trà bốc lên mùi hương Vũ Tiền; loại trà ngon hái trườc tháng cốc vũ tức tháng ba. Thuyền qua lại không hỏi han gì nhau. Một mình ngồi dựa bên cửa sổ thuyền, đúng là cô gái đang giận chồng.

               Mười chiếc thuyền rồng bày hàng chữ nhất. Khua thanh la, đánh trống viếng Linh Quân   (Khuất Nguyên 352-281 TCN). Cô gái cài hoa mãi xem cuộc vui. Nhảy ra đầu thuyền không tránh người (lên xuống). Khuất Nguyên trầm mình sông Mịch La là một con sông nhỏ chảy vào sông Tương.

               Thuyền bằng gỗ đường, chèo bằng gỗ lan suốt ngày rộn rịp. Qua qua lại lại không biết bao nhiêu lần. Nhớ lấy dăm ba chiếc thuyền có kết hoa trang trí. Khách chơi phong lưu bậc nhất ấy là bọn áo vải.

               Những cây dương liễu ở dọc thành mềm mại vô cùng. Lá lá, tơ tơ chưa vào thu. Ta thích nhìn thấy chúng lay động trước gió. Lúc chúng điên cuồng nhất chính là lúc tinh thần cốt cách của chúng cao đẹp nhất.

               Quần là dài lướt thướt, áo lụa chẻn mỏng. Búi tóc cao cao cài trâm chim thúy vũ. Được bạc nhét đầy túi tiền. Thì dù anh biết mình vô phúc, cũng cứ tiêu tiền để đến với cô gái ấy. Đoạn thơ này nói về các cô gái thanh lâu.

               Đuôi thuyền treo đèn lồng dài bốn thước. Đầu thuyền, vẽ hình con cọp đen sì. Trên lá cờ vải viết hai chữ  Tuần Sông. Chỉ cật vấn thuyền chơi thôi, không bắt kẻ gian.

CA ĐIệU TRÚC CHI

KHI QUA ĐẤT THƯƠNG NGÔ

1

Quế Lâm lụt mới nước sông trôi,

Dâng mãi  nhà bè muốn  tận trời.

Trưa xế gió Đông  càng thổi gấp,

Quảng Đông  xuôi ngược rộn thuyền trôi.

2.

Ban đêm đèn sáng gác Văn Xương,

Trăng lạnh ngời lên bóng tựa gương.

Qua lại thuyền chơi bao chiếc  đến,

Đầy sông vang vọng tiếng ca thuyền.

3.

Mưa rơi tầm tả mây giăng mờ,

Sông núi Cửu Nghi xa bóng mơ.

Vua Thuấn nơi chôn không mộ đất,

Hai Phi nước vọng tiếng đàn tơ.

4.

Núi xanh lầu gác vút  tầng không.

Sương khói ban ngày, đèn tối chong.

Chùa cổ không tên nào biết hỏi,

Núi cao,  sư ngủ trắng mây giăng.

5

Tung sóng đôi chèo thuyền đẩy nhanh,

Thuyền rồng xem đấu tối  chiều xong,

Gặp nhau mặt lạ không cần tránh,

Thấy khách Nam Di cười hở răng.

6.

Nổ vang pháo trúc khói lưu hoàng,

Bãi cát tung bay, nhạn mấy hàng.

Nhìn phía chân mây chừng nẻo đó,

Thương Ngô lên bắc ấy Hành Dương.

7.

Sóng lớn sông dài chẳng bến bờ,

Thuyền chơi dăm chiếc chong đèn khuya.

Không trăng không đuốc nhìn đâu thấy,

Văng  vẳng tỳ bà bến nước mơ.

8.

Kê Lung núi mọc trong dòng nước,

Muôn khói sóng bay mờ mác  mang.

Hẹn bác Xóm Đông thuyền để sẳn.

Các Thiên Phi đến thắp hương nhang.

9.

Bắc thành lựu núi đỏ thêm đỏ,

Liễu rủ nam thành không ngăn gió.

Tơ rụng hoa bay ai biết hay.

Trôi đến Quảng Đông một đêm đó.

10

Điếu trúc thước hai bằng trúc đốm,

Vũ Tiên trà quý ngát bình hương.

Thuyền đi qua lại không ai hỏi,

Bên cửa thuyền ai gái giận chồng.

11.

Mười chiếc thuyền rồng bày chữ nhất,

Khua thanh la, trống viếng Linh Quân.

Gái cài hoa cúc xem vui hội,

Nhảy xuống đầu thuyền chắn bước chân.

12.

Nhộn nhịp chèo lan, thuyền gỗ đường,

Qua qua lại lại biết bao lần.

Thuyền hoa dăm chiếc không quên được,

Áo vải nhất đời vui khách xuân.

13

Ven thành dương liễu rủ xanh mơ,

Thu chửa sang, xanh rờn lá tơ.

Ta thích lá bay vờn trước gió,

Bay cuồng cốt cách thật nên thơ.

14

Quần áo lụa là trông thướt tha,

Tóc cài trâm thúy, búi cài hoa.

Có tiền, có bạc là mong tới,

Vô phúc nữa chăng cũng đắm sa.

15

Bốn thước đèn lồng treo cuối thuyền,

Hình vẽ đầu thuyền con cọp đen,

‘Tuần Sông ‘ hai chữ trên cờ vải.

Cật vấn thuyền chơi, chẳng hỏi gian.

bản dịch  thơ Nhất Uyên.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

THƯƠNG NGÔ TRÚC CHI CA

(Thập ngũ chương)

1

Quế Lâm tân lạo dũng trường xuyên,

Thủy ốc bằng cao dục hướng thiên.

Ngọ hậu đông phong xuy cánh cấp,

Vãng lai vô số Quảng Đông thuyền.

2

Văn Xương các thượng dạ đăng minh,

Nhất phiến hàn quang xạ thủy tinh.

Lai vãng du thuyền bất tri  số,

Mãn giang tế phát trạo ca thanh.

3.

Vũ tự bàng đà vân tự si.

Cửu Nghi sơn sắc vọng trung nghi.

Ngu Vương táng xứ vô khâu mộ,

Thủy diện duyền thanh tự nhị phi.

4.

Thanh sơn lâu các nhất tằng tằng,

Trú kiến yên hà dạ kiến đăng.

Cổ tự vô danh nan vấn tấn,

Bạch vân thâm xứ ngọa sơn tăng.

5.

Lãng hoa song trạo tật như phi,

Khán bãi long chu để mộ qui.

Sinh diện tương phùng vô úy tị,

Hồ tê vi lộ tiếu Nam Di.

6.

Nhất thanh liệt trúc tán lư hoàng,

Kinh khởi sa đinh nhạn sổ hàng.

Thiên tế dao chiêm qui khứ xứ,

Thương Ngô bắc thướng định Hành Dương.

7.

Trường giang phá lãng diểu vô nhai,

Tam ngũ du thuyền sấn dạ khai.

Vô nguyệt vô đăng khán bất kiến,

Tỳ bà thanh tự thủy trung lai.

8.

Kê Lung sơn tại thủy trung ương,

Vạn khoảnh yên ba cộng diểu mang.

Tương ước đông gia cụ chu tiếp,

Thiên Phi các thượng cộng phần hương.

9.

Thành bắc sơn lựu hồng cánh hồng,

Thành nam thùy liễu bất câm phong.

Nhứ phi hoa lạc vô nhân quản,

Nhất dạ thùy lưu đáo Quảng Đông.

10.

Ban trúc yên đồng xích nhị trường.

Trà âu phù động Vũ Tiền hương.

Nhất lai nhất vãng nhân vô vấn,

Độc ỷ thuyền song chính hận lang.

11.

Thập chích long chu nhất tự trần,

Xao la qua cổ điếu Linh Quân.

Hoàng hoa khuê nữ tham hành lạc,

Khiêu xuất thuyền đầu bất tị nhân.

12.

Đường chu lan tiếp nhật tân phân,

Vãng vãng lai lai bất yếm tần.

Ký thủ họa thuyền tam ngũ chích,

Tối phong lưu thị bố y nhân.

13.

Duyên thành dương liễu bất thăng nhu,

Diệp diệp ti ti vị cập thu.

Hảo hướng phong tiền khán dao duệ,

Tối điên cuồng xứ tối phong lưu.

14.

Trường quần tập tập duệ khinh tiêu,

Vân kế nga nga ủng thúy kiều.

Doanh đắc quỉ đầu mãn nang khẩu,

Bằng quân vô phúc dã năng tiêu.

15.

Thuyền vĩ đăng lung tứ xích can,

Thuyền đầu họa hổ hắc ban ban.

Bố kỳ thượng tả ‘Tuần Hà ‘ tự,

Chỉ cật hoa thuyền, bất cật gian.

Paris 5-11-2016

PHẠM TRỌNG CHÁNH

 



.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đầu năm 1976, tôi tham gia cộng tác với Trung Tâm Nghiên Cứu Luật Pháp thuộc Bộ Tư Pháp trong Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam
Quốc nạn Hoàng sa - Trường Sa đang diễn ra.  Trong nước, ngoài nước cùng thức tỉnh.  Vì sao ra nông nỗi này "  Làm thế nào để thoát nạn, giành lại đất, biển
Điều được phô trương sau 5 ngày họp  Đòan đã phản ảnh “ là ''hơi thở" của đoàn viên thanh thiếu niên cả nước”, thật ra rất hời hợt và vô trách nhiệm.
Suốt 75 năm qua, CSVN lúc nào cũng tìm đủ mọi cách để trương ngọn cờ máu trên lãnh thổ Hồng Lạc. Hiệp định Genève năm 1954 chia cắt VN thành hai miền riêng
Chúng ta đang ở vào mấy ngày cuối của năm 2007. Qua năm 2008, kinh tế thế giới sẽ ra sao và sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào"
Chỉ còn một vài ngày nữa hết năm cũ bước sang năm mới 2008, chúng ta thử kiểm điểm lại thành quả CDD/Washington
Trong sự kiện Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa đã dấy lên một cơn thịnh nộ của người dân Việt Nam. Riêng Việt Cộng thì muốn che đậy hành vi
Hằng năm, cứ vào tháng mười hai dương lịch, mọi nhà trên nước Mỹ đều náo nức, bận rộn trưng bầy đèn đuốc
Đầu tháng 12 năm 2007, khi nhà nước Việt Nam tiết lộ và lên tiếng phản đối quốc hội Trung quốc thông qua quyết nghị thành lập thành phố Tam Sa
Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Thế Vũ, Đỗ Nam Hải, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Trọng Khiêm, Trương Văn Ba, Nguyễn Chính Kết, Nguyễn Quốc Quân
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.