Hôm nay,  

Chú Giải: Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (15-18)

04/11/201600:05:00(Xem: 3355)

Chú Giải

Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký

 

Nguyễn Văn Sâm
   

 

(Chuyện 15, 18)

 

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.

Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn

1. Giáo dục về luân lý. Người đọc cẩnthận sẽ thấy những bài học tốt cho cách ở đời, cách xử thế, ứng xử trong trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.

Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).

Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời.

Victorville, CA, tháng 11, 2016

 

 

15. Bốn anh tài.

 

     Hai ông bà son[1], con cái không có. Khấn vái hết sức. Sau trời độ vận[2] sinh[3] được một đứa con trai. Mà nó ăn hung quá[4], bung kia chảo nọ[5] ăn cũng hết, càng lớn lại càng ăn nhiều lắm. Hai ông bà làm không đủ cho nó ăn. Túng thế[6] mới tính mưu với nhau, mà đưa nó đi cho rồi, (tr. 26) kẻo để chịu không nổi. Vậy hai ông bà kêu nó vô, mà nói với nó: Con bây giờ thì cũng đã khôn lớn, mà cha với mẹ thì tuổi tác đã cao, gần đất xa trời, yếu đuối làm gì không đặng mà nuôi con, thuở trước nhà ta còn đang hào cường[7], cha có cho hoàng đế bên Tàu mượn và vàng và bạc[8] hơn bảy mươi muôn lượng[9]; thì bây giờ mình túng[10], không phép ngồi bó tay mà chịu nghèo.

     Con liền chịu, sắm sửa ra đi.

     Đi ra ngoài bãi biển gặp ông Khổng lồ, đang tát biển, thì lại hỏi thăm: Anh làm chi mất công mất linh làm vậy? – Anh khéo hỏi không? Trong đời có một mình tôi mà thôi, không ai dám bì, chẳng tin lại xách thử cái gàu mà coi: tôi đố anh dở cho nổi. Anh kia lại xách thử gàu múc nước tát: _ Nhẹ hều[11] đi giống gì?

     Khổng lồ không dè có người mạnh mẽ, tài tình hơn mình làm vậy, kết nghĩa làm anh em. Rồi anh ta bày chuyện mình đi. Rủ ông Khổng lồ đi theo có bạn.
 

Hai anh em dắt nhau đi lên trên núi, gặp một người vạm vỡ [12], to xương, lớn vóc, mới hỏi: Anh làm gì ở rừng bụi chèo queo[13] một mình: Đi với qua đây mà chơi, coi ra còn có vị hơn. Anh ở núi nói: Tôi có một tài ngồi lại trên đảnh núi[14], thổi làm dông làm gió cho ngã cây ngã cối chơi vậy.
  

– Nào, làm đi coi thử, nào! Anh ta mới búng má[15] thổi một hơi. Cây cối gì đều rạp (tr.27) xuống hết. Vậy hai ông kia biểu: Thôi thì đi với tôi qua Tàu đòi bạc mà chơi. Đàng kia coi khá mòi[16], ừ, cuốn áo[17] ra đi.
     

     Đi cách vài ba ngày đường, lại gặp một lão dị kỳ tướng[18] gánh voi trên núi. Mới lại mới hỏi: Chớ anh làm giống gì lục thục[19] ở trên rừng vậy? Anh kia đứng ngừng lại nói: Tôi đi lên rừng cao, đi bắt voi trói giò, gánh về để rục[20] lấy một hai cây ngà bán kiếm tiền ăn.

     – Thôi mà, về lấy áo đi với mấy đứa tôi qua bên Bắc Thảo[21] đòi bạc đem về chia nhau ăn.

     – Ừ, có vậy cũng may.

     Bốn bà con dắt nhau đi. Tới nơi, gởi dộng[22] vô trong nội một cái thơ đòi bạc nợ. Vua cho quan ra coi thử ai mà đi đòi nợ đó. Ra thấy bốn người dị hình dị dạng ở bên An Nam qua. Thì vua dạy dọn yến tiệc đãi tử tế. Mà các ảnh ăn hung quá, cung đốn theo thường không đủ.

     Vua tức mình lo mưu hại quách[23] nó đi, để nó khuấy rối. Dọ coi thì anh nào cũng tài tình hết, sợ có khi các ảnh làm nhăng mà khốn[24]. Vậy mới hạ chỉ dạy dọn yến, lại đặt binh gia để phục mà hủy cho được.

     Bốn bợm ta thấy léo[25] rồi, ăn thì ăn, mà ngó chừng kẻo nó vô thình lình mà khó giải.

     Nó nghe hiệu lịnh, nó ào nó vô, thì anh làm gió thổi lên một hơi, nó rập xuống[26] hết. Vậy về báo với vua rằng: Tính thế không xong: sức mới có một anh ra cự, mà quan quân binh lính (tr. 28) rả ra hết, huống chi bốn bợm[27] ra một lượt, thì ắt là nó ăn ta đi[28], nó giết hết.

     Vậy vua bàn với triều đình phải mở kho mà trả bạc cho nó. Dầu mình không có mắc nợ gì mặc lòng, nó đòi bao nhiêu, thì giao cho nó bấy nhiêu, đặng cho nó đi đi cho rảnh, để nó khuấy rối giờ.

     Vậy mới kêu vô mà giao bảy mươi muôn lượng bán kim bán ngân (nủa vàng nửa bạc), thì các ảnh chia nhau một người một gánh, gánh đi hểu hểu[29]. Ai nấy thấy đều thất kinh hồn vía.

 

16. Bạn học trò, một người đậu, một người rớt.

 

     Hai anh em bạn kết nghĩa với nhau đã lâu. Có một anh tốt phước[30] đi thi đậu về làm quan vinh vang tử tế, mà bụng không được tốt mấy, mắc tham tâm[31] mà quên nhơn ngãi. Bữa kia anh học trò lỡ vận[32] tới dinh đi thăm, cậy quân vô bẩm, nó ra nó nói ngài giấc ngài ngơi. Đợi không được, lại về bữa khác cũng tới làm vậy, thì ngài lại mắc việc khác không ra khách được[33], là vì thấy tới mặt không, không có lễ mễ[34] gì, nên lánh đi. Anh kia lẻo đẻo[35] tới hoài đã năm ba phen, mà không có gặp mặt, thì về mua một con heo choai[36], quay vàng lườm để vô mâm bưng tới. Quân vô (tr. 29) bẩm, ngài nghe nói có lễ mễ lật đật mang áo ra.

    Chào hỏi sơ sài lếu láo[37] ba tiếng, biểu quân cầm một miếng trầu, châm một điếu thuốc đem lại đưa cho. Anh ta lãnh lấy xăm xúi đem lại nhét trong miệng con heo. Rồi đứng vòng tay lạy con heo ba lạy: Giã ơn mầy, vì bởi nhờ mầy, nên tao mới vào đặng cửa quan, mà thăm bạn cũ tao. Rồi bỏ ra về một thể[38], chẳng thèm tới lui nữa.

 

17. Trên vua dưới tôi.

 

      Thằng hề kia ra giễu một chặp, rồi mới hỏi thằng kia: Đố mầy biết, trên vua dưới ai? Thằng kia nói: Trên vua thì dưới các ông hoàng chớ ai?

     – Không phải.

     – Không, thì trên vua dưới các quan tứ trụ, cũng là triều đình chứ ai?

     – Cũng không nữa, nói bậy.

    Thằng kia mới giận hỏi: Vậy chớ mầy nói ai?

     – Tao đây chớ ai? Trên vua dưới tao.

     – Ấy! Anh này phạm thượng bay[39]!

     – Không, thật làm vậy chớ. Nầy, để tao nói cho mầy nghe: Ngày xưa tao túng tiền xài, chạy đi hỏi người này bốn năm quan, chạy đi hỏi người kia đôi ba quan, không ai cho. Túng tao mới đi vay. Họ bắt tao làm tờ tạm đứng điểm chỉ[40]. Mướn học trò làm tờ[41], trên đề niên hiệu, thì là ngài Đức vua đứng, (tr. 30) còn dưới kế lấy đó[42], thì tao đứng. Có phải là trên vua, dưới tao không?

 

18. Đút sáp cho cọp ăn khỏi chết[43].

 

      Thằng hát bội[44] kia nó giễu cái này xâm[45] những quan hay ăn hối lộ: Ý cha chả hôm trước tôi đi ăn ong[46] về, gặp ông cọp, tưởng đà xong đời[47] đi rồi.

     _ Hủy! Vậy thì còn gì mầy?

     _ Mà may, tao có vác một bó sáp trên vai, tao mới chảng hảng[48] ra, tao đút sáp ra đàng sau, ổng chạy theo ổng táp, mắc nhai sáp, tao chạy trợt đi khỏi. Xí hụt[49]!

 



[1] Ông bà son: Cặp vợ chồng trẻ, hiểu là cưới nhau không lâu lắm.

[2] Trời độ vận: Gặp may mắn. Hên.

[3] Thỉnh thoảng ta gặp trường hợp dùng chữ khác với chữ trogn Nam thường dùng như thế nầy, như chữ ném, chữ chú nghỉ trong chuyện thứ 14.

[4] Ăn hung quá: Ăn nhiều quá, ăn dữ quá xá. Hung đi sau động từ  tạo nên nghĩa nhiều, lắm như đánh hung cải hung, giãy dụa hung lắm…

[5] Bung kia chảo nọ: Các nồi lớn nhỏ đựng nấu thức ăn.

[6] Túng thế: Hết cách.

[7] Còn đang hào cường: Lúc khá giả, lúc có của ăn của để.

[8] Và vàng và bạc: Vừa vàng vừa bạc. Cách nói và… và nay nói vừa… vừa thấy rất nhiều trong chuyện Đời Xưa.

[9] Bảy mươi muôn lượng: Cách nói xưa của bảy trăm ngàn lượng. Muôn: Mười ngàn. Học Lạc nói xách mé người bạn giàu keo kiệt khi dùng chữ muôn (10 000) để nói chữ muông (thú vật): Tôi khó anh giàu đã hóa muôn.

[10] Túng (tiền): Lúc thắt ngặt không có tiền chi dụng. Túng (thế): Hết cách. Bí lối giải quyết

[11] Nhẹ hều: Nhẹ tênh.Nhẹ hễu.

[12] Vạm vỡ: thân thể cường tráng, bắp thịt rắn chắt.

[13] Ở rừng ở buội chèo queo: Ở cô độc trong rừng

[14] Đảnh núi: Đỉnh núi, chóp núi.

[15] Búng má: Phùng má lấy hơi.

[16] Coi khá mòi: thấy có vẽ được, ưng ý.

[17] Cuốn áo: Sửa soạn, chuẩn bị quần áo để đi đâu.

[18] Dị kỳ tướng: Hình dáng lạ lùng. tướng tá lạ lùng.

[19]Lục thục: HTC, Lục thục: Thủng thỉnh, chẫm rải, lần lần, kế theo. Tôi nghĩ là Ông Petrua Ký muốn diễn tả ý nhởn nhơ. Chữ lục thục khiến ta nhớ đến chữ lúc thúc, mà HTC định nghĩa là: Lui cui, lục đục, xây ra xây vô trong một chỗ. Vậy thì lục thục mang nghĩa vui thích ở chỗ vắng trong khi lúc thúc chỉ sự cô độc cũng ở chỗ vắng vẻ.

[20] Để rục: Để cho rữa nát mất thịt còn trơ xương. Nấu thịt cho rục là nấu tho thiệt là mềm.

[21] Bắc thảo: HTC rất ích lợi khi cho từ nguyên của chữ nầy: Bắc thảo: Nó là Bắc-đẩu, nói theo tiếng Phúc-kiến. Tên xứ ở bên Trung-quấc. Hàng bắc thảo, hiểu là hàng tốt.

[22] Gởi dộng: N:hắn gởi. Dộng là nói với kẻ bề trên, như nói với vua, với quan lớn.

[23] Quách (hại) Giết nó ngay đi.

[24] Làm nhăng mà khốn: Họ đành ta, hại ta thì ta rất nguy hiểm.

[25] Léo: Mưu chước.

[26] Rập xuống: Ngả rạp xuống.

[27] Bợm: Người.

[28] Ăn (nó ăn ta đi): thắng trong cuộc đánh nhau, cờ bạc, tranh giải, thi tuyển…

[29] Hểu hểu: Nhẹ hều nhẹ huể.

[30] Tốt phước: May mắn nhờ phước đức ông bà để lại. Quan niệm xưa về sự thi đậu, sự làm quan, chuyện gặp hên…

[31] Tham tâm: Lòng tham.

[32] Lỡ vận: Vận không may, chẳng thi đậu hay làm nên chuyện gì…

[33] Không ra khách được: Chẳng thể ra tiếp khách.

[34] Lễ mễ: Vật làm lễ cho người nào đó để mong cầu cạnh hay tỏ lòng tôn kính.

[35] Lẻo đẻo: Đi tới chỗ nào hay đi theo ai hoài hoài.

[36] Heo choai: Heo vừa vừa, không lớn không nhỏ.

[37] Lếu láo: Làm chuyện gì cho có, miễn cưỡng, chẳng thiết tha.

[38] Bỏ ra về một thể: Bỏ ra về thẳng, bỏ đi một nước, chẳng cần quay mặt lại.

[39] Bay/bây: Tiếng ở cuối câu chỉ nghĩa ngạc nhiên mà muốn nói cho người khác nghe. Ở đây cùng tác dụng của chữ ha ngày nay. Thằng nầy phạm thương ha!

[40]Điềm chỉ: Lăn tay, lăn tay để lấy dấu như chữ ký ngày nay.

[41] Làm tờ: Làm tờ cam đoan, làm giấy cam kết. Xưa người biết chữ ít nên cần giấy tờ gì phải mướn người có học (học trò) làm giùm. Thơ tuồng hát bội Trương Ngộ có một đoạn dài mô tả rõ ràng chuyện làm tờ…

[42] Dưới kế lấy đó: Nay nói gọn hơn nhiều: kế đó; ở dưới; kế ở dưới, dưới đó…. thường không cần chữ lấy.Ghi nhận nầy để cho thấy cách nói hơn trăm năm trước đến nay đã thay đổi nhiều.

[43] Bài nầy tôi đọc lại hai ba lần mới hiểu hết ý nghĩa. Tại sao lại là thằng đi ăn ong? Sáp giống như thứ gì?

[44] Thằng hát bội: Cách nói khinh thị nầy là theo quan niệm xưa, chắc là phổ thông chớ không riêng gì của Petrus Ký.

[45] Xâm (nói): Nói xa gần để chọc mà người nghe khó lòng bắt bẻ. HTC, Nói xâm: Nói lời châm chích, xóc hông, nói bài biếm.

[46] Đi ăn ong: Đi lấy mật ong trong rừng.

[47] Xong đời: Chết

[48] Chàng hảng: Đứng bẹt hai chưn ra.

[49] Xí hụt: Tiếng ngạo cười rằng bắt không được, chụp không trúng.




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau năm 1975, bộ đội Bắc Việt thường khoe với nhân dân miền Nam về kỹ thuật chiến đấu cao độ của các phi công Bắc Việt là "máy bay của ta
Trong một thông cáo báo chí phổ biến ngày hôm 3-12-2007, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Đảng Việt Tân) đã tố giác nhà cầm quyền CSVN
Theo bản tin khẩn cấp ngày hôm Thứ Hai, vào hồi 11 giờ 20 phút công an TP Sài Gòn phối hợp cùng công an quận Gò Vấp
Từ giữa năm 2006 đến cuối năm 2007, Hà Nội đã tạo được nhiều thành công trên lãnh vực thương mại và bang giao quốc tế
Theo tin của anh Huỳnh Hữu Nhiều, bào đệ TT Thích Thiện Minh thì dưới sự điều động của Trung tá CA Huỳnh Thanh Tứ, phó CA thị xã Bạc Liêu
Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, là luật pháp tối cao của quốc gia, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Hiến pháp đề ra chính thể của quốc gia
Trong tuần qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý tới phản ứng giận dữ của Chính quyền Bắc Kinh sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma của dân tộc Tây Tạng
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Việt Minh thừa cơ nước đục thả câu phục kích đám tàn quân Pháp chạy trốn sang Tầu tịch thu được nhiều súng đạn
Tôi thực sự không thoải mái khi thấy ông Scott Marciel, Phụ tá Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao đặc trách về Đông Á phát biểu trong cuộc điều trần trước Tiểu ban
Người Ý vốn nổi tiếng là có máu nghệ thuật cao, từ văn chương, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, đến âm nhạc... Ai có dịp qua Ý thăm các kho tàng nghệ thuật đều để ý
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.