Hôm nay,  

Tổng Thống Ngô Đình Diệm: độc tài hay nhân trị?

02/11/201614:15:00(Xem: 5707)
Tổng Thống Ngô Đình Diệm: độc tài hay nhân trị?
  
Nguyễn Quang Duy
  
Tổng thống Ngô Đình Diệm người có công sáng lập Việt Nam Cộng Hòa, công định cư hàng triệu người Bắc di cư, công đưa miền Nam từ chiến tranh sang một thời kỳ vàng son nhất trong lịch sử cận đại, công xây dựng nền tảng kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội cho miền Nam tự do.
Bên cạnh đó không ít người cho rằng ông Diệm độc tài, gia đình trị và đàn áp Phật giáo. Bài viết nhìn vào hoàn cảnh chính trị nhận định, phân tích, làm rõ vấn đề, để rút ra bài học.
   
Thời thế tạo Thủ Tướng
Bài viết đăng trên talawas trước đây: “Một lựa chọn dân chủ trong quá khứ: Hoàng đế Bảo Đại - Thủ tướng Ngô Đình Diệm” (http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14621&rb=0302) đã chứng minh chính Quốc Trưởng Bảo Đại chọn ông Diệm làm Thủ Tướng với sự đồng thuận của tất cả các tôn giáo, các phong trào chính trị và đảng phái quốc gia.
Đánh giá về ông Diệm Quốc Trưởng Bảo Đại cho biết: “Trước đây tôi đã dùng ông Diệm, tôi biết rằng ông ta vốn khó tính. Tôi cũng biết về sự cuồng tín, và tin vào đấng cứu thế. Nhưng trong tình thế này, không còn có thể chọn ai hơn.
Thật vậy, từ nhiều năm qua, người Mỹ đã biết ông, và rất hâm mộ tính cương quyết của ông. Trước mắt họ ông là nhân vật có đủ khả năng đối phó với tình thế, vì vậy Washington sẵn sàng hổ trợ ông.
Nhờ thành tích cũ, và nhờ sự có mặt của em ông, đang đứng đầu Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc, ông được nhiều nhà quốc gia cuồng nhiệt ủng hộ, các vị này từng làm đổ chính phủ Tâm và chính phủ Bửu Lộc.
Tóm lại nhờ cương quyết và cuồng tín, ông là người chống cộng chắc chắn. Đúng vậy, đó là người của hoàn cảnh.
Vua Bảo Đại còn cho biết vì hoàn cảnh bấy giờ ông Diệm phải đương đầu với Pháp và Việt Minh cộng sản nên chính nhà vua đã trao toàn quyền quân sự, chính trị và cả ngoại giao cho ông Diệm.
   
Thời thế tạo Quốc Trưởng
Trên thực tế quân đội, cảnh sát và các giáo phái vẫn chịu ảnh hưởng nhiều ở người Pháp, của vua Bảo Đại và không muốn chia sẻ quyền lực với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Hoa Kỳ vì muốn loại người Pháp khỏi Đông Dương nên quyết định viện trợ trực tiếp cho chính phủ Ngô Đình Diệm, giúp ông Diệm kiểm soát được quân đội, dẹp được Bình Xuyên và các giáo phái.
Việc thống nhất các lực lượng quân sự của ông Diệm được các đảng chính trị nhiệt tình ủng hộ, nhưng lại va chạm đến quyền lợi những người đang nắm quyền lực quân đội, cảnh sát, giáo phái và với Quốc Trưởng Bảo Đại.
  
Mâu thuẫn đã được giải quyết bằng việc trưng cầu dân ý “Truất phế Bảo Đại và khai sinh Đệ nhất Cộng hoà”, nói đúng hơn là việc trưng cầu dân ý chọn Bảo Đại hay chọn Ngô đình Diệm.
Ông Lâm Lễ Trinh, nguyên Bộ trưởng Nội vụ (1955-59), cho biết việc truất phế Bảo Đại là một việc làm hoàn toàn ngoài ý muốn của ông Diệm, thậm chí lương tâm ông Diệm cảm thấy đã phạm tội khi quân.
Ông Huỳnh Văn Lang Tổng giám đốc Viện Hối Đoái kiêm Tổng bí thư Liên chi bộ Đảng Cần Lao, và nhiều người trực tiếp lật đổ Bảo Đại cũng đã xác nhận ông Diệm không có ý định lật đổ Bảo Đại.
Ngay chính Cựu Hòang Bảo Đại cũng nhận định “Việc ông ta lật tôi là do sức ép của chính trị.
Ông Diệm xuất thân từ gia đình quan lại, được đào tạo bài bản để làm quan, thế nên ông không hề sửa soạn để có ngày phải giữ vai trò Quốc Trưởng và Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa.
Ông Diệm có vài năm sống tại Hoa Kỳ, nhưng thời gian quá ngắn để ông có thể hiểu thấu được người Mỹ và guồng máy dân chủ của Hoa Kỳ, và vì thế guồng máy công quyền Đệ Nhất Cộng Hòa rất khác khuôn mẫu công quyền Hoa Kỳ.
    
Quyền Lực tập trung trong tay Tổng Thống
Những người hoạt động chính trị bên cạnh ông Diệm đều là những người nhiều kinh nghiệm chống cộng. Họ tin rằng muốn thắng được cộng sản phải xây dựng một chính quyền Trung Ương mạnh, một lãnh tụ có quyền lực,…
Từ đó thay vì xây dựng một một guồng máy công quyền pháp trị họ hướng đến việc xây dựng một hệ thống nhân trị quyền lực tập trung trong tay Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Theo họ ông Diệm cần được biết đến như một nhân vật được đa số tuyệt đối quần chúng ủng hộ. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý bị nhiều người tố cáo là gian lận, với con số tuyệt đối 98,2 phần trăm dân chúng muốn ông Diệm thay Bảo Đại làm Quốc Trưởng.
Bản thân ông Lâm Lễ Trinh và ông Huỳnh Văn Lang cũng cho rằng kết quả kia là thiếu trung thực.
  
Theo Hiến pháp 1956 Tổng Thống lãnh đạo Quốc dân, được quyền chọn và bổ nhiệm từ Chánh án Tòa Phá án, Chủ tịch Viện Bảo Hiến, các bộ trưởng Chính phủ, các chức vụ trong Quân Đội,… đến Tỉnh trưởng, Quận trưởng, Xã trưởng.
Quốc hội thì chỉ có một viện duy nhất. Quyền lực Quốc Hội bị lấn áp bởi quyền uy của tổng thống.
Chính ông Diệm đã chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý và cùng Quốc Hội soạn ra Bản Hiến Pháp, sau đó việc suy tôn Ngô Tổng Thống trở thành Quốc sách, chứng tỏ ông Diệm chấp nhận vai trò hạt nhân trong nền Đệ Nhất Cộng Hòa.
Càng nhiều quyền lực thì trách nhiệm càng nặng nề đổ lên ông Diệm. Để hoàn thành trách nhiệm ông phải chia sẻ quyền lực với những người thân cận, gần gũi và trung thành với ông.
    
Thời nhân trị đã qua.
Vì muốn tập trung quyền lực, ông Diệm đã bị nhiều đảng chính trị và nhiều chính trị gia đối lập chống lại.
Nhiều người trước đây từng ủng hộ ông Diệm lên cầm quyền nhưng rồi không đồng thuận với ông về phương cách cầm quyền. Nhiều người phải bỏ nước ra đi, bị cô lập, bị tù, có người chết trong tù…
Sáng ngày 26/4/1960, một nhóm gồm 18 nhân sỹ ra Tuyên cáo Caravelle, nêu các sai lầm của chính phủ về chính trị, hành chính, xã hội, quân sự, tạo tình trạng bất mãn trong dân chúng, làm giảm tiềm lực đấu tranh chống cộng, đòi thực thi dân chủ, chấm dứt gia đình trị, và cải cách thể chế.
Tuyên cáo Caravelle là một biến cố chính trị vì nhóm nhân sỹ dám thách thức quyền lực của Tổng Thống, đa số sau đó bị bắt giam và bị tra tấn.
Việc chống lại chiến tranh du kích, thay vì bổ nhiệm người địa phương, Tổng thống Diệm lại sử dụng người thân cận vào các vai trò lãnh đạo địa phương, nên không được dân cộng tác, có nơi còn chống lại.
Nạn bè phái và lạm quyền của giới chức địa phương tạo tình trạng bất mãn trong dân chúng và cơ hội cho du kích cộng sản tồn tại và phát triển.
Không có bằng chứng chính quyền đã ra lệnh đàn áp Phật giáo hay thiếu tự do tôn giáo tại miền Nam. Nhưng việc đối xử thiên vị giữa các tôn giáo đã xảy ra ở cả chính quyền trung ương lẫn địa phương.
  
Sự thiên vị tôn giáo gây bất mãn và vào ngày 6/5/1963 bùng nổ khi chính quyền ra lệnh cấm treo Phật kỳ trong lễ Phật đản tại Huế, và sau đó dẫn đến cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo.
Ông Diệm giữ vai trò Tổng tư lệnh tối cao của các lực lượng quân sự, nhưng không có kinh nghiệm quân sự và rất ít ảnh hưởng trong quân đội.
Đa số tướng lãnh đều xuất thân từ quân đội Pháp, vì thế sự thăng thưởng và bổ nhiệm người của ông Diệm gây không ít bất mãn trong quân đội.
Ngày 11/11/1960, các sỹ quan chỉ huy binh chủng Nhảy Dù, cùng một số chính trị gia tấn công dinh Độc Lập, đòi ông Diệm cải tổ toàn diện cơ cấu lãnh đạo quốc gia để xây dựng lại chính nghĩa và nâng cao hiệu năng chiến đấu của quân dân miền Nam.
Cuộc đảo chánh không thành nhưng rõ ràng ông Diệm không còn kiểm soát được Quân Đội.
Ngày 27/2/1962, Trung úy Phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử đã bay 2 chiếc Skyrider A-1 ném bom Napalm và bắn rocket vào dinh Độc Lập với mục đích giết ông Diệm nhưng không thành.
Ngày 1/11/1963, các tướng lãnh lại đảo chánh, lần nầy họ thành công. Ngày hôm sau, 2/11/1963, ông Diệm và ông Nhu bị bắt và bị thảm sát.
   
Tại sao người Mỹ lật đổ ông Diệm?
Không có bằng chứng người Mỹ đã đưa ông Diệm về chấp chính. Thậm chí họ còn muốn lật ông ngay khi ông còn làm Thủ tướng. Nhưng lại có nhiều bằng chứng cho thấy cuộc đảo chánh 1/11/1963 có bàn tay người Mỹ nhúng vào.
Vai trò của Tổng thống trong Bản hiến pháp 1956, việc tấn phong ông Diệm làm Tổng thống và Quốc hội Lập Hiến biến thành Quốc hội Lập pháp là đi ngược với tinh thần lập hiến, cộng hòa và dân chủ theo khuôn mẫu Hoa Kỳ.
Người Mỹ đánh giá một thể chế là dân chủ khi thể chế đó tồn tại đối lập, không có tù chính trị và báo chí không bị kiểm soát.
Với Người Mỹ chính quyền Ngô Đình Diệm là một chính quyền độc tài gia đình trị vì ông Diệm sử dụng những người thân cận và gia đình trong việc điều hành quốc gia.
  
Người Mỹ viện trợ cho miền Nam là nhằm ngăn chặn làn sóng xâm lược của cộng sản. Ông Diệm phần không được hỗ trợ của của các tướng lãnh Quân đội. Khi cộng sản nổi dậy ở nông thôn, người Mỹ không còn tin ông Diệm có thể thực hiện việc ngăn ngừa cộng sản một cách có hiệu quả.
Trên thực tế ông Diệm chỉ tập trung vào đối nội, mặt đối ngoại không được ông coi trọng. Nhiều tòa đại sứ là nơi đày ải người quốc gia không theo ông. Nên việc ngoại giao và đối phó với truyền thông quốc tế thời Đệ Nhất Cộng Hòa không được tốt lắm.
Người Mỹ đe dọa nếu không có những cải cách về chính trị và quân sự họ sẽ cắt viện trợ nhưng ông Diệm xem thường lời đe dọa.
Người Mỹ biết rõ nhờ thành quả kinh tế nên ông Diệm được dân chúng ủng hộ, và do đó thực lực của ông vẫn còn. Nếu người Mỹ không trực tiếp nhúng tay vào lật đổ ông Diệm thì các tướng lãnh và chính trị gia đảo chánh không thể nào lật đổ được ông.
Người Mỹ không chủ trương giết anh em ông Diệm, nhưng các tướng lãnh Quân đội sợ nếu hai ông còn sống sẽ đảo ngược thế cờ và khi đó họ sẽ bị trừng trị nặng nề.
  
Chuyện ông Diệm và ông Nhu đi đêm, hoà giải, ve vãn, bắt tay, đầu hàng,… hay mắc lừa phe cộng sản nên bị Hoa Kỳ lật đổ là câu chuyện không có bằng chứng. Xin xem bài viết trước đây “Quanh chuyện cành đào Hồ Chí Minh gửi vào Nam” (http://www.talawas.org/?p=26427).
Một thể chế Cộng Hòa nhân trị xây dựng chung quanh một con người, dù người đó có vì nước vì dân như tổng thống Ngô Đình Diệm, là một thể chế cộng hòa thiếu bền vững.
Bài học này đã được rút ra trong việc xây dựng nền Đệ Nhị Cộng Hòa với tam quyền phân lập trên nguyên tắc kiểm soát và đối trọng giữa các nhánh quyền lực.
Sau khi cộng sản sụp đổ các quốc gia Đông Âu và Liên Xô đều đã theo thể chế cộng hòa và tương tự Việt Nam sẽ thế. Đây cũng là bài học cho chúng ta khi Việt Nam có tự do dân chủ.
  
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
2-11-2016


.

Ý kiến bạn đọc
04/11/201604:36:02
Khách
Hãy so sánh sự độc tài của NĐD.với những lãnh tụ chống Cộng châu Á
cùng thời với ông thì thực tế ông còn kém hơn nhưng bọn Mỹ nhúng tay
vào vì họ thực sự không biết hoàn cảnh và tình hình nước VN.ta vừa ra
khỏi cuộc chiến tranh với Pháp.
Đó là lỗi lầm lớn nhất của người Mỹ với cách hành xử nước lớn đối với
các nước nhỏ.Thời đó,NĐD.độc tài là không những hiểu được mà còn
rất cần thiết vì dân trí ta còn khá thấp và CS.cố chiếm Miền Nam với bất
cứ giá nào nên đã kích động tuyên truyền lôi kéo để lập "liên minh chống
độc tài NĐD." bao gồm những kẻ bất mãn thích làm vương làm tướng và
một thành phần đầy đố kỵ trong nhóm cực đoan Phật giáo vốn có nhiều
đảng viên CS.ẩn núp trong hàng ngũ mình !
Bài viết trên chỉ nhìn ở mặt ngoài để nhận định mà không biết những âm
mưu và thủ đoạn bên trong của Mỹ muốn chủ động chỉ đạo cuộc chiến.
03/11/201621:45:45
Khách
Nếu ông Diệm có tâm và có tài thì tại sao lại để cho anh em của ông lộng hành đến thế? Ngô Đình Cẩn ở miền Trung tác oai tác quái. Gia đình tôi bị bắt buộc phải theo đạo Thiên Chúa. Cha tôi không nghe theo liền bị bỏ tù hơn ba tháng. Những người cuồng tín cùng tôn giáo với ông luôn tôn sùng ông như thần thánh. Theo tôi, độc tài gia đình trị của ông Diệm cúng là một nguyên nhân cho Việt Cộng tuyên truyền, khai thác, lợi dụng để chúng có cơ hội tiến đến độc tài đảng trị ngày nay. Hiện tại, có vài websites mang màu sắc tôn giáo của Ngô đình Cẩn ngày xưa; họ chủ trương chống Cộng nhưng lại gây hiềm khích với những tôn giáo khác. Họ còn dùng những ngôn từ thiếu giáo dục để công kích những người không đồng ý với họ. Chống cộng kiểu này chỉ có lợi cho Cộng Sản. Tóm lại, đường lối cai trị của ông Diệm không tạo ra được tinh thần đoàn kết dân tộc.
03/11/201618:45:37
Khách
Những lời phê bình khen ngợi tổng thống Ngô Đình Diệm từ các giới Việt- Mỹ mà Quang Phan nêu ra đã bị trang mạng Người Việt Boston chống Cộng giả hiệu xóa sạch ngày 31/10/16.
Trang mạng DCV- mà tác giả Nguyễn Quang Duy thỉnh thoảng đăng bài- cũng thuộc loại chống Cộng giả hiệu. Bạn tôi cả tháng nay nhiều lần định gửi vào các trích đoạn từ các sách viết về Lenin, Stalin, Mao trạch Đông và Hồ chí Minh cũng bị DCV không cho đăng.

Nhưng tôi tin rằng Việt Báo không chống Cộng giả hiệu .
03/11/201614:29:36
Khách
The probloem is not dictatorship or democratic. It is how to buils a stong, powerfull country in the future, saying twenty years from that time. Look at powerfull asian contries such as Korean, Singapoe, Taiwan. Did they start from a dictator leader? Yes- It really depends on level of education of people. If you try to build a democratic country, always depend on another country to survive of economy then it will completely collapsed some day, especially when the sponsor country is a capitalist ( business). That sponsor country has to growth itself, therfore it will try to look for a better business deal.
03/11/201613:44:54
Khách
Bài viết phiến diện . cần đọc thêm sử sách , thông tin đáng tin cậy . đến nay vẫn còn nhiều người hiểu sai , hiểu lầm và cố tình không muốn hiểu sự thật về cố Tổng Thống Ngô đình Diệm và gia đình, thì mất miền Nam Việt Nam Cộng Hòa quả là điều không lạ ! Thế mới biết bọn Cộng Sản tuyên truyền giỏi thật !
03/11/201603:34:15
Khách
Trong cuốn ” Year of Renewal”, tác giả là cựu ngoại trưởng Kissinger đã viết rằng nếu tổng thống Kennedy chịu nghe lời tổng thống Ngô Đình Diệm, thì Hoa Kỳ đã không thiệt hại trên 58 ngàn quân nhân ở Việt Nam, đã không cuốn cờ một cách nhục nhã chưa từng thấy trong lịch sử Hoa Kỳ, và rằng thì Miền Mam Việt Nam sẽ còn tồn tại cho đến khi khối Cộng sản Đông Âu tan rã và Nga Sô sụp đổ, và biết đâu, Việt Nam đã được thống nhất trong tinh thần quốc gia và dân tộc, như Đức quốc.
03/11/201603:31:48
Khách
Trong cuốn sách The Lost Mandate Of Heaven, tác giả Geoffrey Shaw dựa vào các tài liệu được giải mật từ các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ như cơ quan tình báo CIA, Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, Tòa Bạch Ốc, v.v… để trình bày một cách khoa học diễn tiến các sự kiện thực tế đưa đẩy đến cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Tác giả Geoffrey Shaw lên án chính quyền Tổng Thống John F. Kennedy vào năm 1963 đã quyết định lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm bằng cách xúi dục một cuộc đảo chánh vào ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, do một nhóm tướng lãnh Việt Nam tổ chức, mà người cầm đầu là Đại Tướng Dương Văn Minh.
Tác giả kết luận là sai lầm của chính quyền Kennedy đã làm mất đi cơ hội duy nhất có thể chiến thắng được Cộng Sản tại Việt Nam và hậu quả vô cùng tai hại là đã khiến cho Hoa Kỳ bị lún sâu vào cuộc chiến, làm chết hơn 58,000 chiến binh Hoa Kỳ và nhiều thế hệ người Mỹ bị “hội chứng Việt Nam” cho tới nay vẫn chưa hoàn toàn hồi phục nổi.

(Tiến sĩ Geoffrey Shaw : Phụ tá giáo sư về lịch sử học cho trường Ðại Học Quân Sự Hoa Kỳ. Viết nhiều tác phẩm và đi thuyết trình rộng rãi về sự dính líu quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam và Trung Ðông. Hiện là chủ tịch Alexandrian Defense Group, một nhóm “nghiên cứu chiến lược” (think tank) về chiến tranh chống nổi dậy).
03/11/201603:29:54
Khách
Mười bảy năm sau khi ông Diệm mất, cựu hoàng Bảo Đại vẫn giữ sự qúy mến dành cho ông Diệm từ trước. Vẫn gọi ông Diệm là người “thông minh, liêm khiết”, và là “người yêu nước, chết trong khi thi hành nhiệm vụ” bảo vệ tổ quốc. Ông cũng xác nhận ông Diệm không thề với ông, cũng không thề trung thành đối với ông. Mà là thề trước tượng Chúa, thề trung thành với tổ quốc.
03/11/201603:27:31
Khách
Tư cách và tài năng của các tướng đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm ?

***(Cựu tổng thống) Trần Văn Hương – trong nhóm Caravelle năm 196 chỉ trích ông Diệm – : Những tướng lãnh hàng đầu đã quyết định giết anh em ông Diệm sợ hãi đến chết được. Họ biết rất rõ họ là những kẻ chẳng có tài cán, đức độ hay hậu thuẫn chính trị gì, dù một chút cũng không có, nếu để Tổng Thống và ông Nhu sống, hai ông sẽ trở lại cầm quyền một cách ngoạn mục mà họ không có cách gì ngăn cản được.

***Cựu đại sứ Bùi Diễm – đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng- :Thực sự ra mà nói thì mặc dù tôi thuộc lớp người chống chế độ ông Diệm, nhưng mà tôi cũng phải thành thực công nhận rằng, ông ấy là người yêu nước. Ông ấy là người trong sạch. Ông ấy đóng góp nhiều cho việc xây dựng miền Nam thành một quốc gia khá qui củ, nền nếp, uy tín: không thua kém gì các nước khác trong vùng vừa lấy lại nền độc lập.
03/11/201603:25:54
Khách
Tư cách và tài năng của các tướng đảo chánh chế độ Ngô Đình Diệm ?

***Nguyễn chánh Thi- âm mưu đảo chánh năm 1960- phê bình về cuộc đảo chánh 11/63: Những tướng lãnh làm đảo chánh 1/11/1963 hầu hết là manh động theo lệnh ngoại bang, không có lý tưởng cách mạng. Cho nên lũ đầy tớ giết chủ đi rồi, thì loạng quạng không biết làm gì, chỉ chờ quan thầy ra lệnh tiếp. mà quan thầy thì mù tịt tình hình, lệnh lạc đưa ra đầu Ngô mình Sở, không mạch lạc gì cả, đất nước hiện nay bị coi là vô chủ”.

***3/1977: Nguyễn cao Kỳ: Nhưng điều sai lầm là họ loại bỏ Diệm và thay ông ta bằng một đám tướng lãnh ngu xuẩn hơn cả ông Diệm. Ít ra ông Diệm còn có một lý tưởng nào đó để phục vụ, chứ nhóm tướng lãnh thay thế ông ta chẳng có lý tưởng nào hết .
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.