Hôm nay,  

Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (7-10)

27/10/201600:01:00(Xem: 4053)
Chú Giải
Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký

 

Nguyễn Văn Sâm

(Chuyện 7, 8, 9, 10, sẽ đăng từ từ tiếp theo)

  

C:\Users\Admin\AppData\Local\Temp\Temp1_ChuyenDoiXua (1).zip\ChuyenDoiXua\#_Page_005.jpgC:\Users\Admin\AppData\Local\Temp\Temp2_ChuyenDoiXua (1).zip\ChuyenDoiXua\#_Page_009.jpg

.

(Hình trang đầu quyển Chuyện Đời Xưa, những sách quý như thế nầy ngày trước chủ nhơn Vương Hồng Sển (có chữ ký tên và triện) cắp ca cắp củm giữ gìn nay lưu lạc tứ tán như đàn ong bể ổ. NVS)

    

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.

Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? Chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn

1. Giáo dục về luân lý. Cho người đọc thấy những bài học tốt d ùng trong cách ở đời, cách xử thế, ứng xử v ào trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.

Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).

Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời. Bản đánh máy được cẩn thận dò theo bản in năm 1914. (NVS)

Nguyễn Văn Sâm (Victorville, CA, tháng 11, 2016)

 

 

7. Đặt lờ trên ngọn cây

 

     Có một lão kia[1] nghèo không biết lo phương nào, mà làm cho ra tiền, mà ăn qua tháng ngày với người ta. Than thở nói to nói nhỏ với vợ. (tr. 14) Vợ nó nói rằng: Cực thì thôi[2]! Có một mình anh dở làm vậy! Người ta sao lanh lợi khéo lo khéo liệu[3]. Chồng mới nói: tao mạnh giỏi[4], làm giống gì cũng được hết; ngặt[5] có một đều không ai chỉ vẽ cho mà mần. Thì vợ nó nói: Thôi để tôi biểu cho mà mần, đi mua ít cái lờ, mà đi đặt cá mà ăn. Thằng chồng khờ nói: Biết ở đâu có cá mà đem mà đặt? – Có khó gì đều ấy! Coi chỗ nào nhiều cứt cò[6], đem tới đó, mà đặt thì trúng. – Ừ, vậy tao làm được.

    Sáng ngày ra, lăng căng[7] xách tiền đi mua đó[8] mua lờ. Vác rựa đi coi chỗ, thấy trên cây bần[9] kia trắng những cứt cò, mừng, về vác lờ đem tới, leo lên đặt trên ngọn cây[10].

 

8. Nhơn vật đạo đồng

 

     Ông Trương Thủ Chỉ, đi câu dọc gành[11], thấy một cặp cua đi ăn với nhau. Rủi sao con cua cái tới kỳ lột, non da non thịt, yếu đuối đi không đặng. Con cua đực đi tha mồi về cho ăn. Nằm ngoài giữ kẻo cua khác tới ăn giành đi.

     Đến khi cua cái cứng gối[12], thì cua đực mừng vợ đã mạnh. Mà kế lấy[13] mình lại lột, rát rao[14] đau đớn quá, nằm một chỗ. Cua cái vô tình[15], không (tr. 15) nghĩ tình cũ ngãi xưa, bèn bỏ không màng đến[16], chẳng thèm tới lui thăm viếng. Cứ đi chơi bời, ngồi lê đôi mách[17], dạo xóm cả ngày. Chẳng những làm vậy mà lại rủ chúng bạn tới ăn thịt cua đực non da yếu gối.

     Ông Trương Thủ Chỉ thấy vậy, thì gẫm việc đời, mới than rằng: Nhơn vật đạo đồng[18]!

 

9. Nói láo mắc[19] nói láo

 

     Có một thằng đi xứ xa về nói chuyện: Tôi ngó thấy một chiếc tàu lớn và dài quá chừng. Cha tôi thuở hai mươi tuổi, mà bắt trước mũi[20] mà đi ra sau lái, đi mới tới cột buồm giữa đã già bạc râu bạc tóc, chết giữa chừng, không đi tới lái.

     Thằng kia nghe nó nói láo làm vậy, thì mới nói: Vậy chưa mấy! Cho bằng tao, tao đi rừng cao[21], tao thấy một cái cây cao lớn quá chừng quá đỗi! Từ gốc chí ngọn, chim bay mười năm chưa tới.

     – Mầy đã nói láo quá cha tao đi nữa[22], có lẽ nào mà có? Thì thằng kia lại nói: Ấy! Như không có, thì lấy cây ở đâu mà làm cột buồm, mà đóng chiếc tàu mầy nói với tao đó, cho được? (tr. 16)

 

10. Láo dinh láo quê[23]

 

     Hai đứa kia có một tài đi nói láo mà ăn mà thôi. Một đứa láo dinh, một đứa láo quê. Hai đứa đi đàng gặp nói chuyện với nhau, đâu vừa đến cái sông, mới rủ nhau mà tắm cho mát, kẻo trời nóng nực lắm. Thằng điếm quê muốn nói láo, mà gạt thằng kia chơi, thì buộc năm tiền vào lưng, không cho thằng kia thấy, mới lặn xuống dưới nước một hồi, rồi trồi lên, tay xách năm tiền, mà nói rằng: Anh này. Tôi xuống dưới, tôi gặp hai ông tiên ngồi đánh cờ tướng với nhau, tôi ngồi ghé[24] lại tôi coi. Thì hai ông cho tôi năm tiền biểu tôi thì đi đi, đừng có coi nữa. Tôi mừng xách tiền trồi lên.

     Thằng kia biết nó nói láo, thì tính bề lật độ[25] nó chơi, nên mới nói: Để tôi lặn xuống, tôi coi thử, có khi các ổng sẽ cho tôi[26] chăng. Nó mới lặn xuống quào dưới bùn, lấy miếng sành[27] rạch mặt cho trầy ra, rồi trồi lên kêu thằng kia: Anh ơi! Tôi xuống gặp hai ông tiên đó, mà họ giận, họ nói: Tao đã cho thằng trước năm tiền, biểu về mà chia nhau, sao mầy còn xuống đây làm chi nữa? Thì họ lấy bàn cờ mà quăng lả mặt[28] tôi đi đây[29]. (tr. 17)

     Té ra điếm mắc điếm: thằng kia phải chia cho nó hai tiền rưỡi; ăn trọn một mình không đặng[30].

 



[1] Lão kia: Người kia, cách nói nầy như nói thằng cha kia, cha kia…không có nghĩa là một người già.

[2] Cực thì thôi: Nhóm chữ chỉ sự xót thương, tội nghiệp. Cơ khổ.

[3] Khéo lo khéo liệu: Biết tính toán, biết lo xa.

[4] Mạnh giỏi: Có sức khỏe.

[5] Ngặt: Cái khó khăn. HTC, Ngặt: Nguy hiểm, gian nan, túng cùng hết thế.

[6] Cứt cò: Cò kiếm ăn, tìm chỗ có nhiều cá, thường đậu trên cây gần đó, ỉa cứt, dính trắng cây, nông dân có kinh nghiệm biết chỗ nước ở đó có cá.

[7] Lăng căng: Vội vã, lo túi bụi. Nay ta nói lăng xăng mặc dầu thời Petrus Ký hai từ nầy đều được dùng.

[8] Đó (cái): Dụng cụ để bắt cá.

[9] Bần (cây): Loại cây mọc mé nước, có nhiều ở vùng sông nước miền Nam, trái chua chua chát chát, con nít nhà quê thường bẻ ăn cho vui miệng khi đi tắm song, leo cây… CD: Bần gie đơm đớm đâu sáng ngời./ Lỡ duyên tại bậu trách trời sao đang.

[10] Thường trong dân gian ngày trước có nhiều chuyện như cười ngạo người khuyết tật, Petrus Ký ở đây chỉ ghi lại bằng giọng văn của ông. Nên đọc chuyện nầy để hiểu rằng lời dặn không rõ ràng thì người nghe dễ hiểu sai lệch hơn là để ý đến sự thiếu thông minh của người khờ khạo mà cười ngạo.

[11] Gành (cái): Chỗ đất gie ra bên mé biển, như Gành Ráng, gành Hào.

[12] Cứng gối: Nói đàn bà sau khi sanh để một thời gian thì mạnh trở lại. Đây chỉ cua cái, vỏ cứng lại sau khi lột.

[13] Kế lấy: Kế đó, sau đó.

[14] Rát rao: Rát, rát lắm.

[15] Vô tình: Không có tình cảm với ai. Nay nói vô cảm, chữ vô tình chỉ nói về trường hợp vô ý, không để ý

[16] Không màng đến: Chẳng để tâm đến.

[17] Ngồi lê đôi mách: Đi xạo sự đằng nầy đằng nọ. Nay nói là đi tám chuyện, đi buôn chuyện.

[18] Nhơn vật đạo đồng: Tánh người và tánh thú vật có điều giống nhau. Chuyện nầy gần đây được viết thành bài ca Vọng cổ rất hay. Thiệt ra một vài trường hợp chứ không phải là tất cả. Ông Trương Vĩnh Ký có qua bi quan chăng?

[19] Mắc: bị, bị thua.

[20] Bắt trước mũi: Từ đằng trước mũi mà đi tới.

[21] Rừng cao: Rừng nhiều cây cao lớn.

[22] Quá cha tao đi nữa: Hơn cha tao nữa. Nay  nói: quá cha tao, hơn cha tao, quá cha tao nữa, hơn cha tao nữa. Tiếng đi trong câu nầy đã bị biến mất.

[23] Láo dinh láo quê: Nói láo ở thành phố, ở nông thôn.

[24] Ngồi ghé: Ngồi chỉ để một phần đít lên ghế thôi, tỏ ý kính trọng người đương ngồi ở đó

[25] Lật độ: Làm cho lòi chành, làm cho thấy bên kia là sai trái mà cứ nói mình phải. HTC đưa ra một nghĩa khác nữa: Lật độ: Phá việc tức ngang. Đàng gái lật độ, không chịu gả con.

[26] Sẽ cho tôi: Chia cho tôi.

[27] Miếng sành: Miểng sành, mảnh bể của chai lọ, đồ sứ…

[28] Lả mặt: Rách mặt.

[29] Tôi đi đây: Tôi đây. Cũng cũng như nhiều câu nói khác, chữ đi nay đã bị biến mất

[30] Ăn trọn một mình không đặng: Câu nầy không đúng với sự kiện trong chuyện vì thằng kia đem tiền của mình ra mà đùa giai.



..

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau năm 1975, bộ đội Bắc Việt thường khoe với nhân dân miền Nam về kỹ thuật chiến đấu cao độ của các phi công Bắc Việt là "máy bay của ta
Trong một thông cáo báo chí phổ biến ngày hôm 3-12-2007, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Đảng Việt Tân) đã tố giác nhà cầm quyền CSVN
Theo bản tin khẩn cấp ngày hôm Thứ Hai, vào hồi 11 giờ 20 phút công an TP Sài Gòn phối hợp cùng công an quận Gò Vấp
Từ giữa năm 2006 đến cuối năm 2007, Hà Nội đã tạo được nhiều thành công trên lãnh vực thương mại và bang giao quốc tế
Theo tin của anh Huỳnh Hữu Nhiều, bào đệ TT Thích Thiện Minh thì dưới sự điều động của Trung tá CA Huỳnh Thanh Tứ, phó CA thị xã Bạc Liêu
Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, là luật pháp tối cao của quốc gia, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Hiến pháp đề ra chính thể của quốc gia
Trong tuần qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý tới phản ứng giận dữ của Chính quyền Bắc Kinh sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma của dân tộc Tây Tạng
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Việt Minh thừa cơ nước đục thả câu phục kích đám tàn quân Pháp chạy trốn sang Tầu tịch thu được nhiều súng đạn
Tôi thực sự không thoải mái khi thấy ông Scott Marciel, Phụ tá Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao đặc trách về Đông Á phát biểu trong cuộc điều trần trước Tiểu ban
Người Ý vốn nổi tiếng là có máu nghệ thuật cao, từ văn chương, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, đến âm nhạc... Ai có dịp qua Ý thăm các kho tàng nghệ thuật đều để ý
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.