Hôm nay,  

Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký - chuyện 3 và 4

21/10/201600:02:00(Xem: 5126)
Chú Giải
Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký
 
Nguyễn Văn Sâm
  

(Chuyện 3, 4)

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.

Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn

1. Giáo dục về luân lý. Người đọc cẩnthận sẽ thấy những bài học tốt cho cách ở đời, cách xử thế, ứng xử trong trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.

Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).

Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời.

Victorville, CA, tháng 11, 2016

 
blank

               3. Con cóc tía với con cọp và con khỉ

 

    Con cọp bữa nọ đi ngang qua góc rừng chỗ hang con cóc tía ở. Con cóc thấy con cọp đi làm vậy, thì sợ e cọp làm nhăng[1] bắt mình, mà ăn đi chăng. Nên mới lo mưu trừ, làm cho cọp đừng có léo đến[2] tới lui đó nữa? mới lên tiếng hỏi rằng: Ai đi đó? đừng có đi qua đây nữa mà chết. Chú cọp nghe hỏi, liền ứng tiếng hỏi lại: Ai hỏi vậy?

    Anh cóc mới nói: Tao đây, tao là cóc tía, mầy không biết danh tao sao? Cọp giận: Chà! Mầy hình vóc bằng cổ tay, mầy lại có mầy tao mi tớ với tao nữa[3]! Mầy lại giỏi quá tao à[4]; tài nghề gì mầy, mà mầy xấc[5]? Ấy! Mầy bất quá tài nhảy mà thôi, mà tao coi thì nhỏ, mà tài gì, tài gì cũng đủ miếng[6].

     Cọp mới thách ra nhảy thi[7], coi thử ai nhảy xa cho biết. Cóc chịu. Ra tới mương cái[8], gạch mức đứng ngang nhau mà nhảy. Cóc khôn mới làm tài hay[9], nói với cọp: Thôi, tao không thèm đứng ngang mầy nữa, tao thụt lui lại sau, tao chấp[10] (tr. 9) đó. Cọp khi nhảy, thì đập đuôi vài cái, rồi mới nhảy. Cóc quỉ[11] hả miệng mới ngậm lấy đuôi cọp. Nhảy qua bên kia, quất đuôi mạnh, cóc văng ra đàng trước xa; mới lên tiếng: Tôi đây. Anh cọp thấy mình thua, bèn xuống vai dưới[12] chịu đầu: Thật anh có tài! Tôi là tài, mà anh lại tài quá hơn tôi nữa.

    Anh cóc thừa thắng, mới nói rằng: Tôi đã nói ấy! Tài gì tài gì[13], tôi cũng chẳng thua ai. Tôi bắt sống cọp tôi ăn, này coi đây thì biết. Hả miệng ra, thấy đầy những lông cọp. Cọp thấy thất kinh, cong đuôi chạy mất. Vùi đầu vùi óc[14], bất kể là giống gì, cứ chạy mãi.

     Con khỉ ở trên cây thấy cọp chạy hào hển[15], kêu giựt lại hỏi: Việc chi mà chạy dữ vậy? Cọp mới nói:  _Thôi thôi, đừng hỏi, để cho tôi chạy, kẻo nó theo kịp chết đi giờ.  – Mà giống gì, nói cho tôi hay với? Cọp sợ đã sảng hồn[16], nói:  _ Cái con chi, quên tên đi, nhỏ nhỏ mà da nó nhám...  – Ờ, thôi, biết rồi; con cóc phải không?  Ừ, phải đó. – Sao anh dở vậy? Anh sợ nó, mà chạy cho nó dể ngươi nữa? Bẻ cổ nó đi như chơi[17] chớ.

     - Anh đã đánh phách[18]!   – Ấy, không tin đem tôi tới, tôi vật nó như vật nhái[19] cho mà coi.   – Ý, đừng, đừng chớ! gạt tôi rồi báo hại tôi giờ[20].  – Không đâu; nói thiệt đó. Có sợ tôi gạt, thì để tôi bứt dây, tôi buộc đậu cật tôi lại với lưng anh[21]. Anh đem tôi đến đó, tôi hủy nó đi[22] cho anh coi.

    – Ừ, có vậy, đi thì đi. (tr. 10)

     Khi rút dây cột xong xả, cỡi cọp tới nơi con cóc ở. Con cóc khôn mới hỏi: Ai vậy? Anh khỉ đó phải không? Khỉ ừ. Cóc mới nói: Anh mắc mưu cọp rồi đó. Nợ mười hùm chưa đủ, một thấm chi? Nó thế mạng đó. Cọp nghe làm vậy càng sợ đâm đầu chạy miết dài, chạy đà không kể cây cối, gai gốc, bờ bụi gì hết.

     Khỉ phần thì va đầu vào cây, phần lại cụng xương sống giập đầu, nằm nhăn răng. Cọp mệt quá, đứng ngừng lại nghỉ cẳng, ngó trực lại, thấy khỉ nằm chinh chòng[23] nhăn răng ra, thì giận, mà nhiếc[24] rằng: Hết đánh phách chưa bậu? Đã báo người ta cho đến sức[25], lại còn cười nữa chớ.
    

4. Thằng chồng khờ

 

    Có hai vợ chồng. Vợ thì ít oi[26] thiệt thà, chồng thì khùng khùng dại dại, khờ không đi[27], không biết chuyện gì hết. Vợ nó có mang[28]. Tới ngày nằm bếp[29]. Sẵn nó có nghe người ta nói: hễ là chó đẻ thì dữ lắm, thường thường hay cắn. Nó mới nghĩ, nó giựt mình: cha chả! Vợ mình đẻ có khi nó dữ lắm. Sức chó mà còn làm vậy, huống chi người ta[30]. (tr. 11) Nên khi nó đem cơm cho vợ, thì nó đứng xa xa, không dám léo lại gần[31], tay thì cầm một cái cây, bộ tướng dị kỳ.

    Vợ nó thấy vậy, thì tức cười. Nó in trí đã sẵn[32], nó mới nói trong mình nó[33]: ấy! Họ nói thật: hễ đẻ thì hung[34]: chưa gì, nó đã nhăn răng muốn làm dữ. Ơ, muốn làm dữ thì cho làm dữ nghé[35], nó vác cây, lại nó đập vợ nó một cây. Con ấy non da yếu gối[36] chạy không kịp, chết tươi tại giường cữ[37].
   


[1] Làm nhăng: Làm chuyện gì không đúng, ở đây là ăn thịt cóc.

[2] Léo đến: Tới nơi nào. Léo hánh. Nay không còn dùng chữ léo đi một mình nữa.

[3] Mầy tao mi tớ (với ai): Nói chuyện ngang hàng hoặc coi thường người đối thoại.

[4] Giỏi quá tao: Hay hơn tao. So sánh ngày nay ít dùng chữ quá mà dùng chữ hơn.

[5] Xấc: Làm tàng, làm mặt bãnh. HTC: Ỷ mình, cậy thế, càng ngang, không biết kính vì ai.

[6] Tài gì, tài gì cũng đủ miếng: Có nhiều cách thế trổ tài để thắng. Trong nghề võ người có nhiều miếng thua kẻ đủ miếng nhưng hay hơn kẻ chỉ có một vài miếng nghề. Thời Trương Vĩnh Ký nói tài gì tài gì, nay nói tất cả tài hoặc hết cả mọi tài. Cũng vậy thời nầy nói ban mai, ban mai có nghĩa là mỗi buổi mai

[7] Thách nhảy thi: Thách để đua coi ai nhảy hay hơn. Thách: Thách đố.

[8] Mương cái: Mương lớn. Trong vườn, nước vô ra nhiều mương nhỏ nhờ có mương cái chuyển nước. Để ý mương cái khác với cái mương.

[9] Làm tài hay: Ra vẽ mình hay hơn người khác. Nhóm chữ nầy tương tợ với làm tài khôn, làm tài lanh

[10] Chấp (ai): chịu thiệt thòi, không kể, không tính. Trong cuộc thi, trong cá độ chấp là chịu cho phe kia hơn mình một vài chi tiết nào đó khi nghĩ rằng chấp như vậy mình vẫn thắng: chấp điểm, chấp tiền, chấp đi tiên, chấp đá trước, chấp chạy trước. Xưa có đánh chấp cây là cho địch thủ cầm cây mình chơi tay không. Đọc chấp sách là đọc thuộc lòng không cần mở sách….

[11] Cóc quỉ: Cóc lém lỉnh, tinh ma.

[12]Xuống vai dưới: Chịu là mình dở hơn đối thủ.

[13] Tài gì tài gì: Cách nói xưa của bất cứ tài gì.

[14] Vùi đầu vùi óc: Cắm đầu cắm cổ (đi, chạy, học hành, làm việc..)

[15] Hào hển: Thở không ra hơi. Mệt đứ đừ.

[16] Sảng hồn (sợ): Sợ thất kinh hồn vía nên quên tuốt. Sợ tới tên con cóc cũng không nhớ nó là con gì.

[17] Như chơi: Dễ dàng.

[18] Đánh phách: Nói miệng tài.

[19] Vật như vật nhái: Vật rất dễ dàng, không chút nào khó khăn. Trương Vĩnh Ký quá hay khi cho con khỉ nói như vậy vì nhái với cóc cũng cùng một thứ loại.

[20] Báo hại tôi giờ: Báo hại tôi bây giờ. Chữ bây/bi đã được nuốt.

[21] Đậu cật tôi lại với lưng anh: Cột hai đàng lưng đâu nhau. Cật: lưng. Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng/ Ngàn thu vẹn tiết gái Giang Đông. (Tôn Thọ Tường) Cật ngựa: Lưng ngựa. Chỉ Tôn Phu Nhơn xách gươm lên ngựa đi theo chồng. Đậu có nghĩa là chung lại, như ở đậu, đậu tiền (tiếng trong cờ bạc). Đâu có nghĩa hai đàng ráp lại, đối mặt, như gà nhà đâu mặt đá nhau. HTC: Đậu mối: Làm cho hai mối đâu lại. Ta thấy hai chữ đậu và đâu nghĩa gần giống nên ngày nay tiếng đậu cật đã được thay bằng đâu cật.

[22] Tôi hủy nó đi: Tôi giết, tôi diệt nó. Xóa sổ nó. Làm cho nó biến đi.

[23] Nằm chinh chòng: HTC, Chinh chòng: Bộ nghiêng đầu này, vòng đầu kia không yên một mực; bộ không tề chỉnh. Nằm chinh chòng thì nằm gác tay, gác chơn không xuôi xả. Khỉ chết nhăn răng, ngay đơ tay chưn thì nằm chinh chòng là phải.

[24] Nhiếc: Mắng; nhiếc mắng là rầy trách nhẹ hơn chưởi.

[25] Báo người ta cho đến sức: Hại người ta đã đời. Hại cho nhiều.

[26] Ít oi: Ngây thơ, dễ dãi, ít nói. Ít oi thiệt thàHTC, Chất phát, quê mùa, ít ăn ít nói, không biết đua tranh, không hay làm hung dữ, làm quỉ quái.

[27] Khờ không đi: Khờ quá chừng chừng, khờ quá mạng.

[28] Có mang: Có bầu, có chửa.

[29] Nằm bếp: Sanh đẻ. Trước đây, độ 6, 70 năm trước, khi sanh đẻ người đàn bà thường được đốt cho một lò than để dưới gầm giường sưởi ấm nên thời gian nầy gọi là nằm bếp.

[30] Nó khờ nên nghĩ là chó cũng như người.

[31] Không dám léo lại gần: Chẳng dám léo hánh tới.

[32] In trí sẵn: Trong trí đã nghĩ rằngmsự thế là như vậy

[33] Nói trong mình: Nghĩ thầm, nói thầm.

[34] Hễ đẻ thì hung: Hễ đẻ thì dữ. Khái niệm nầy quá sai. Hung: Dữ.

[35] Nghé: Như nghen, hen, hén, ha. Âm cuối câu chỉ có cảm xúc mạnh, tùy theo người mà âm nầy thay đổi.

[36] Non da yếu gối: Người xưa tin đàn bà mới sanh rất ương yếu.

[37] Giường cữ: Giường nằm của đàn bà mới sanh con. Cữ rất nhiều thứ cho chồng, cho người đàn bà đẻ, cho người thân tộc. Cữ là cấm kỵ không phải sanh đẻ. Từ nằm cữ, ở cữ với nghĩa sanh đẻ là hiểu theo nghĩa liên hệ đến sự việc khiến cho nghĩa ban đầu bị phôi pha đi. Cũng vậy người ta nói nằm lửa, nằm bếp để chỉ sanh đẻ.


..

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.