Hôm nay,  

Nữ Quyền trong Sáng tạo Gió O: Phồn thực, Tự do, Hoang đường

13/10/201607:50:00(Xem: 4455)

Nữ Quyền trong Sáng tạo Gió O:

Phồn thực, Tự do, Hoang đường

 

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

 

(Bài nói chuyện trong buổi trang http://gio-o.com/
kỷ niệm 15 năm tại hội quán Lạc Cầm, Westminster, California
hôm Chủ Nhật 9 tháng 10/2016)

 
blank

(Hình chụp lại từ Youtube)

 

Xin trân trọng kính chào quý vị,

 

Ít tháng trước, khi Cô Nguyễn Vũ Khuyên ngon ngọt dụ tôi góp lời về nữ quyền trong cái ngày hiếm hoi quý báu mang tên Dó Oi này, tôi đã bồng bột nhận lời, và còn nông nổi định dùng ký âm gió để thưa chuyện với quý vị. Nhưng tôi sợ là khi tôi nói xong, quán Lạc Cầm sẽ no gió, căng phồng lên thành quả khinh khí cầu lơ lửng trên bầu trời Bolsa la nuit, thì thật là khó xử cho Ban Tổ Chức. Thôi thì tôi xin dùng tiếng Việt, một ngôn ngữ mà tôi học bốn mươi mấy năm rồi vẫn chưa thạo.

 

Tôi cũng xin nói ngay với các liền anh, là tuy tôi nói về nữ quyền trong sáng tác Gió-O, nhưng không ở vị thế đối lập với nam quyền, mà trong tương quan cộng hưởng. Ở nhà, tôi có diễm phúc làm thiểu số giữa bốn người nam tôi rất yêu, ba người trẻ nhất còn măng sữa. Nên các liền anh có thể an tâm, hãy coi tôi như đồng minh dài hạn.

 

Kính thưa quý vị,

 

Nữ quyền là gì? Một cách tóm tắt, nữ quyền là quyền của phái nữ được chọn, được sống, và được thể hiện bản thân mình theo lý tưởng và nhận thức của chính mình. Trong phần trình bày ngắn hôm nay, tôi trân trọng đặt nữ quyền Gió-O trên cái kiềng ba chân: Phồn thực, Tự do, Hoang đường.

 

  1. 1.     PHỒN THỰC

 

Nữ quyền Gió-O phồn thực, như thiên nhiên và con người, tự ngàn đời vẫn truyền sinh. Tính cách phồn thực của nữ quyền Gió-O được thể hiện ở nhiều mặt, từ những ngọn gió sáng tạo do cộng tác viên thổi vào nhà ảo, cho đến quá trình chuyển gió của Chủ biên. Xin nhắc đến bốn điểm sau: độc lập, trợ duyên, đa dạng, và tương sinh.

 

1a. Độc lập:

Thứ nhất, vì độc lập, nên Gió-O mở rộng cửa cho nhiều chiều hướng sáng tạo và hình thức sáng tạo khác nhau. Phong cách độc lập của trang này và của Chủ Biên hỗ trợ cho sự chọn lựa độc lập của độc giả. Tôi muốn mượn nguyên lý trao đổi sinh khí trong đông y để nói về điều này – khi độc giả đối diện với phong cách độc lập của Gió O, họ cũng sẽ đến gần hơn với phong cách độc lập của họ, nhất là nếu độc giả đó cũng là một người làm công việc sáng tạo. Sự độc lập này kích thích sự độc lập ở người bước vào nhà ảo Gió O.

 

Nói đến nữ quyền, thì không thể không nói đến mẫu tính, và sự phồn thực được thể hiện rõ rệt nhất qua khả năng sinh sản của phái nữ, cũng như trong việc sáng tạo của mọi giới. Trong căn nhà Gió-O có vị quản gia khó tính nhưng dân chủ, tôi xin gọi là O Gió. Trong vai trò Chủ biên, O Gió luôn tôn trọng những xu hướng dị biệt, miễn là tác phẩm có chất sáng tạo. Cho nên, mùa nào, gió ấy. Đủ thứ Gió - gió chướng, gió hè, gió thu, gió đông, gió mùa. Và hôm nay, còn có Dó Oi, ngọn gió hiếm hoi của mười lăm năm tụ lại. Ở Gió-O, người thưởng lãm không chỉ thấy hoa tươi, mà thấy cái đẹp của cả hoa đang úa tàn; không chỉ thấy thanh xuân mà còn nghe tiếng thời gian gõ nhịp lên da thịt; gặp cả tĩnh và động; biết cả mất và được. Mọi mặt của đời sống được thổi đi qua những tác phẩm văn chương và nghệ thuật tạo hình. Với Gió-O, người sáng tạo sống thật nên nghệ thuật không xa vời đối với đời thường.

 

1b. Trợ duyên:

Thứ hai, nữ quyền trong sáng tạo Gió-O được phồn thực nhờ những trợ duyên. Có nhiều cách truyền sinh tuỳ theo loài và giống. Trong thiên nhiên, cây cối nhân giống qua nhiều cách, có khi bằng hạt, có khi bằng chính lá hay cành nhỏ từ thân cây mẹ, hay nhờ những đám cháy rừng. Trong cõi sáng tạo Gió-O, sự sống phồn thực được thụ phấn, nở hoa, kết quả nhờ vào một đôi tay và khối óc luôn miệt mài làm công việc trợ duyên: đó là đỡ đẻ cho hàng ngàn hàng vạn sáng tác, đưa trí huệ từ miền riêng của tác giả đến cõi chung của người xem, người đọc. Đôi tay ấy là đôi tay của một người mẹ, một người mẹ đôi khi bị mang tiếng là dữ (tôi nghĩ nghiêm túc và rõ ràng thì đúng hơn), nhưng mà dư tình yêu đối với chữ nghĩa và thừa nhiệt huyết với sáng tạo. Đó là người đầu tiên gây lấy gió trên Gió-O.com, mà tôi gọi ở trên là O Gió.

 

Mỗi tuần, O Gió chọn những hạt giống tốt, gắn cánh vào, mở cửa ảo, và thả chúng bay xuống trần gian. Mỗi cái cánh một màu, một kiểu (Chủ biên luôn chọn hình cho mỗi bài và pha màu cho mỗi tựa). Nhưng những gì chúng ta thấy trên Gió-O.com không phản ánh hết cái vất vả của O Gió. Đôi khi, O lùng sục trên mạng được tấm hình ưng ý, nhưng không thấy ghi nguồn, nên đành dùng hình khác. Một cách làm việc rất rạch ròi, nhất quán, và tốn công. Tôi không biết làm thế nào để O Gió có thể xếp giờ mỗi tuần cho công việc của người chủ biên: xem những bài vở mới, hồi âm cho người gởi, ghi lại những nhận xét của mình trong thư Chủ biên, tìm hình đưa vào bài, lo phần kỹ thuật, và nhiều công việc khác. Mà đã mười lăm năm như vậy. Một sự miệt mài mà thật sự chỉ có đam mê tột cùng, nghị lực, tâm huyết, và quyết tâm vô tận mới làm được. Mà một ngày trong cõi Gió bằng vạn ngày ở trần gian. Thế mới biết, mười lăm năm ấy biết bao là tình!

 blank

1c. Đa dạng:
Thứ ba, nữ quyền Gió-O phồn thực ở chỗ đa dạng của sáng tạo.
Nếu quý vị nào sống ở vùng có tuyết, chắc đã thấy tuyết rơi. Tuyết không rơi theo một hướng. Còn gió thì thường thổi theo một hướng, nhưng Gió-O thì không. Cõi người là một canvas không biên giới, trãi dài vô tận để Gió tự do tung tăng nhảy múa. Nhờ đó, những sáng tác chọn lọc của nhiều cây bút, tay ảnh, hoạ sĩ, ca nhạc sĩ làm cho Gió-O phong phú và lạ lẫm. Chủ biên có thể ví như người thích sưu tầm, nhưng không tự giới hạn mình, mà xông pha đi khắp nơi, ngược về nẻo cũ, lui tới chốn mới, để gửi đến độc giả những ngọn gió thơ mộng làm họ phiêu bồng, lẫn những trận cuồng phong, phô bày những gì thực tế và phũ phàng nhất của kiếp người và cảnh đời. Khi người viết nổi giận đủ thì mới có thể viết hết và viết thật những gì mình không chấp nhận và đả phá. Đây không phải là điều dễ dàng, vì khi viết, là người cầm bút đã tự đưa mình vào 'thế hiểm,' bộc bạch tỏ lộ cõi lòng. Trên đời, không phải ai cũng dám nói thật (những điều mình nghĩ). Điều này lại càng khó hơn trong cõi viết. Và vì sự độc lập của Gió-O, và nhờ O Gió trợ duyên, mà sức sáng tạo của cộng tác viên được đa dạng, vì họ không cảm thấy mình phải tự ép mình vào một cái khuôn nào cả. Trên trang Gió-O.com trong mười lăm năm qua, có hơn 2,000 bài thơ, không bài nào giống bài nào; hơn 200 câu chuyện; 500 bài tản mạn; 400 bài nghiên cứu dịch thuật và biên khảo; và phỏng vấn, và nhạc, và đọc, và tranh, và hoạ, và nhiều nữa.

 

Chúng ta có thể thống kê số bài viết, hình ảnh, tác phẩm đã được đưa lên Gió-O trong mười lăm năm qua, để thấy sự đa dạng của sáng tạo tụ về đây. Nhưng tôi muốn nói đến những dấu lặng mà không ai có thể thống kê được - những dấu lặng cần thiết và quan trọng trong quá trình sáng tác của cả Chủ biên và từng cộng tác viên, nhất là phái nữ. Những bữa cơm khét vì mải viết bài, những đêm mất ngủ trốn chồng trốn con đi đọc Gió-O, những ngày vật vờ vì bị Gió hành, những nụ cười thật vì những tao ngộ qua cõi ảo Gió-O.com. Những điều làm cho cuộc sống đa dạng hơn, khi ta nhận ra mình đã “phải Gió.”

 

1d. Tương sinh/Tái sinh:

Thứ ba, tương sinh, tái sinh. Tính phồn thực của nữ quyền Gió-O còn nằm ở chỗ, những cơn gió thổi từ Gió-O được chiết nhánh đi vào những trang mạng khác. Sức sáng tạo ở Gió-O truyền lực cho những sinh hoạt văn chương khác, những trang mạng khác. Tôi đã thấy nhiều nơi trích đăng và ghi rõ nguồn: từ Gió-O. Trong semiotics, còn gọi là sign theory, một thuyết quan trọng trong nhân chủng học, thì Charles S. Pierce (1839-1914) cho rằng mỗi tín hiệu trong cuộc sống đều có thể mang đến sự sống cho một tín hiệu khác (a sign can give life to another sign).

 

Người ta nói nhiều về vẻ đẹp của phụ nữ. Nhưng tôi nghĩ, họ nhầm cả. Cái đẹp không chỉ ở mắt ở môi, ở tóc mai, ở má lúm. Đẹp cũng không chỉ trí huệ, đam mê. Nơi đẹp nhất của người nữ, đối với tôi, là đôi bàn tay. Người đàn bà đẹp vì đôi tay họ mang đến sự sống cho cuộc đời: sự sống tinh thần và sự sống vật chất. O Gió biết rứa, nên với hương giữa bàn tay, O cầm "chữ đến giữa đời." Một ngọn gió sẽ khơi nguồn cho một ngọn gió khác, và người gây gió đầu tiên của Gió-O đã lôi kéo những người khác cùng chế mây, gây gió với mình. Gió-O chắp cánh cho những sáng tạo cá nhân. Gió nối với gió, mây kết vào mây. Để vào tuổi mười lăm! Ôi thiếu nữ xuân thì! Tuổi thật đẹp và cũng rất nguy hiểm cho những ai đến với nàng. Nên khi thấy trang Gió-O, người ta nên tự nhắc chính mình: 'Enter at my own risk.' Vì không sớm thì muộn, người bước vào sẽ thấy mình cũng đang là gió phiêu linh tứ cõi.

 

Hơn nữa, nữ quyền Gió-O không chỉ nằm ở chỗ thúc đẩy những sáng tác mới tại hải ngoại, đặc biệt của phái nữ, mà còn tái sinh những mảng văn chương chưa từng được gọi tên, như dòng thơ tình nam trước 1975. Tại sao sáng tác của nam lại thể hiện nữ quyền? Trước hết, đó là sự cộng hưởng, vì sáng tác của nữ không nhất thiết phải đối lập với sáng tác của nam. Từ góc nhìn của một người sinh sau mốc điểm tháng Tư 1975, tôi cho rằng tình yêu tuy là một xa xí phẩm trong thời chiến, nhưng còn hiện hữu, và hiện hữu như một cứu cánh giữa thời lửa khói, chứ trong thời hậu chiến, thì tình yêu đã bị xoá sổ. Trong thời đại của thanh niên xung phong, chính quyền hô hào thanh niên đi công trường, đi nông trường, tẩy chay nữ tính, ruồng bỏ tình yêu. Khi tôi lớn lên ở Gò Công vào thập niên 80, thì tình yêu bị quốc hữu hoá. Tôi nhớ các anh chị lớn hơn tôi đi nghĩa vụ quân sự, đi thanh niên xung phong, đi học chính trị, chứ không nhớ họ đọc thơ tình hay hát tình ca. Tình yêu đôi lứa đã bị đưa đi học tập cải tạo thời đó. Chuyện mộng mơ yêu đương không có trong ngôn ngữ đời thường khi thế hệ chúng tôi đang học làm người. Và ở thế kỷ 21 hôm nay, bao thiếu nữ phụ nữ Việt chưa từng được chọn tình yêu, vì họ đã bị Nhà Nước quy hoạch vào công trình xuất khẩu lao động vĩ đại và cơn sóng thần hôn nhân môi giới đã làm vỡ bờ Thái Bình Dương ở những vùng quê nghèo hẻo lánh. Việc Gió-O sưu tầm dòng thơ tình nam trước 1975, đối với tôi, là một tuyên ngôn của quyền yêu và của quyền làm người.

 blank

  1. 2.     TỰ DO

 

Bây giờ, tôi xin nói đến cái chân thứ hai của nữ quyền Gió-O, đó là tính tự do. Trên trang Gió-O, người ta có thể tìm thấy nhiều bài viết rất mạnh và thẳng, không dễ nuốt cho tất cả độc giả. Nhưng như tất cả những món ăn kén người khác, những sáng tác này đòi hỏi người đọc phải dám đi vào Gió-O với một tâm thức mở, và dám để cho Gió cuốn mình đi, đến đâu thì đến. Nghĩa là, phải tự cởi trói cho mình khi đi vào Gió-O, để mình bước ra khỏi mình, và thấy những góc nhìn khác. Tự cởi trói cho mình là điều tối cần thiết trong sáng tạo, vì nếu không, mình sẽ tự lập lại chính mình, và tự chôn mình trong cái hố của cũ kỹ, sáo rỗng. Điều này không nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải đồng ý với những gì mình đọc được, xem thấy, mà khơi gợi sự tôn trọng lẫn nhau trong sáng tạo và khả năng thưởng thức cái đẹp dù nó không phải là tông của mình.

 

Lại cũng có những bài thơ, bài viết, chủ đề ảnh rất lạ mà đối với tôi, là những ‘công án’ trong Thiền đường sáng tạo, không để cho người đọc tự dễ dãi với mình trong việc đọc và nghĩ. Vì là Thiền đường, nên Gió-O làm được một việc, là để cho người sáng tác lẫn người thưởng lãm được tự do, tự toại, và mặc tình đi theo vòng xoắn ốc của kẻ nhập Thiền. Mỗi người sẽ có một kinh nghiệm riêng khi vào Gió-O, tùy mình chọn Thiền hành hay Thiền tọa, tùy mình muốn chạm vào vũ trụ mênh mông, hay lắng nghe một lời đá gọi. Đó là một sự cộng hưởng táo bạo, đầy phiêu lưu, và đòi hỏi can đảm. Nếu không cố tình chống cự, người đọc sẽ dễ dàng bị 'cảm Gió' và sẽ quay lại thường xuyên để được cuốn đi và cuốn đi nữa, đến những phương trời mới, cho dù trên đường đi, có đạp trúng gai, hay va vào vách núi. Nói đến chuyện đi, thì tôi nhớ đến bài ru em sau đây:

 

Đi đâu cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam

Ví dầu tình có dở dang

Thì cho thiếp đón đò ngang thiếp dìa

 

Thưa quý vị, cái điệu hò ru con miền Nam này, nghe sao mà não nuột! Bài ru con truyền kiếp ấy không chỉ là tiếng vọng của quá khứ. Ít năm trước, tôi đưa chồng về thăm quê, vẫn gặp nhiều cô gái mang tâm trạng này: bị động, nhịn chịu, cam phận thiệt thòi, lệ thuộc. Tôi cảm nhận được cái tình tự của quê hương trong điệu hát, nhưng không chấp nhận cái thân phận bế tắt của người phụ nữ trong bài ru này. Họ dấn bước ra đi theo tiếng gọi tình yêu, nhưng đường đi thì vô định mà đường về quá bấp bênh. Bước chân của họ chưa có tự do thật sự.

 

Có một bức hình ghi lại một cuộc mít tinh của phụ nữ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Đứng ở những hàng đầu là các nữ sinh áo dài trắng, phía sau rất đông sinh viên học sinh, cả nam lẫn nữ. Một biểu ngữ rất lớn được căng lên ở phía trên với dòng chữ, “Có giải phóng phụ nữ Việt-Nam mới xây dựng được một xã hội tiến bộ.” Biểu ngữ này, đến hôm nay vẫn là một sự nhắc nhở cần thiết tại quê nhà. Tôi cho rằng, tính nữ quyền trong sáng tạo Gió-O giúp mở ra cánh cửa vào một tâm thức tự do, để người sáng tác có thể thấy mình không bị cản trở bởi khuôn vàng thước ngọc, bởi định chế văn hoá, bởi những chủ nghĩa tiêu cực, bởi những gì ‘đã-có' mà có thể độc lập suy nghĩ và chọn lựa cho chính mình, để đi đến những gì mình ‘muốn-có.’ Nhờ đó, sáng tạo là một trong những con đường khai phóng để phái nữ có thể diễn đạt và làm chủ nữ quyền.

 blank

  1. 3.     HOANG ĐƯỜNG

 

Cái chân thứ ba: tính hoang đường trong nữ quyền Gió-O. Cái hoang đường này, tôi đọc thấy trước hết ở Mai Thảo, cũng trong cùng bài thơ mà O Gió chọn hai câu để treo trên cửa ảo:

 

            Chế lấy mây, và gây lấy nắng

            Chế lấy, đừng vay mượn đất trời

 

Hoang đường, là vì chẳng phải Nguyễn Bính đã nói 'nắng mưa là chuyện của trời' sao? Làm mây làm gió là công việc của Tạo Hóa. Chế lấy mây lấy gió là làm gì? Phải chăng là muốn làm trời? Bài thơ này có một cái tựa rất đẹp, “em đã hoang đường từ cổ đại.” Và đây là hai câu tôi muốn nhắm tới, trong khổ thứ tư, ngay sau hai câu thơ trên:

 

Em đã hoang đường từ cổ đại

Anh cũng thần tiên tự xuống đời

 

Từ cổ đại là từ lúc nào? Mười lăm năm trong cõi ảo đã đủ cổ đại chưa? Ở đây, Mai Thảo rất khéo, đã để cho người nữ chủ động, và để cho người nam cộng hưởng. Vì em đã hoang đường tự thưở nào, cho nên anh cũng làm thần tiên để:

 

Đôi ta một lứa đôi tài tử

Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi

 

Cộng hưởng, nhưng vẫn độc lập để không gây ra sự lệ thuộc cho nhau. Và như vậy, tính hoang đường trong nữ quyền Gió O cũng gắn liền với tính độc lập và với tính phồn thực qua sự cộng hưởng. Hoang đường đã quy tất cả về một mối.

 

Như hôm nay. Chúng ta đang nói về một thế giới ảo có những sáng tạo thật. Hoang đường, vì một O Gió đơn thân độc mã gầy dựng nên một cõi sáng tạo, dù vẫn mang trên vai gánh nặng gia đình. Hoang đường, vì mấy ai đem tiền của, công sức để mở sân chơi cho người khác, mà chính bản thân mình thì cũng hai vai bao trách nhiệm đời thường của một người nữ da màu ở một nước Mỹ của thế kỷ 21? Hoang đường, vì Gió O vẫn gặp tường lửa ở nơi mà O Gió quyết liệt muốn vào để tiếp hơi cho những ngọn gió khác. Tôi luôn có con mọn trong sáu năm rưỡi nay, nên đối với tôi, ngày dính vào đêm, ngày này tan vào ngày khác, không kịp thở. Ở một cách nào đó, trong hoàn cảnh riêng, O Gió hầu như luôn có con mọn trong suốt hai mươi mấy năm qua. Tại sao O Gió lại đặt thêm một gánh trên vai khi đời sống hằng ngày đã đủ nặng? Tôi đặt câu hỏi này không để trả lời, vì tất cả quý vị có mặt ở đây ắt đều đã biết lý do. Tôi muốn hỏi, để lập lại tính hoang đường trong chọn lựa và hành động của O Gió: sự hoang đường của chế mây, gây gió, của một cánh chim đơn lẻ bay ngược thời tiết để gieo lộc trên những vùng sáng tạo và chữ nghĩa mới ở hải ngoại, khơi màu cho văn chương nữ và thổi lên những luồng gió mới, ngay cả những trận cuồng phong.

 

Như hôm nay. Chúng ta nói chuyện hoang đường, truy tầm ảo ảnh. Vậy chúng ta bị Gió ám? Hay chúng ta cũng ám Gió? It takes two to tango. O Gió đã dám bước vào cõi hoang đường, làm chuyện hoang đường, nhưng nếu không có sự hoang đường cộng hưởng từ hàng trăm tác gỉa (văn, thơ, ảnh, họa, nhạc, hát, dịch, etc) thì sự hoang đường của O chỉ là một con gió đơn độc. O Gió hoang đường, khiến những người vào Gió-O cũng tơ tưởng chuyện hoang đường. Theo cái kiểu “Anh cũng thần tiên tự xuống đời.” Cho nên một trang văn chương như Gió O là thực thể của một ý tưởng hoang đường, một cuộc chơi liều lĩnh, một dấn thân đầy bản lãnh, và những đáp trả tuyệt vời.

 

Góp lấy mây và gây lấy gió, trong một nghĩa thực tế nhất, là công việc mà Lê Thị Huệ đã làm trong mười lăm năm qua với trang mạng Gió O. Mà đúng là mạng ảo, vì những chúng ta thấy được trên mạng, chỉ là nhân ảnh mờ xa của bao tâm hồn ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở nơi chữ nghĩa và tư duy còn bị đô hộ mang tên Việt Nam. Ảo, vì chúng ta chỉ thấy ánh sáng cuối đường hầm, mà không nhìn thấu được đường hầm dài vô tận - con đường hầm của hàng trăm ngàn giờ ngồi đọc từng bài, khõ từng chữ, hỏi từng người, hồi âm từng độc giả, liên lạc mỗi cây bút. Con đường hầm ấy có thể là một lộ trình cô đơn và chắc không thiếu cam go. Ở Thụy Sĩ, cái xứ ít dân ít đất vào bậc nhất nhì thế giới, lại có một con đường hầm dài nhất thế giới, mất mười hai năm để xây. Con đường hầm Gió O đã mất mười lăm năm để xây, và tôi mong sẽ còn đi tiếp. Mà chỉ một kỹ sư xây dựng bạo gan trì chí Lê Thị Huệ tiếp tục cán đán. Thấy như vậy, người làm sáng tạo có tâm sẽ muốn góp gió để đường hầm đó được nối đi mãi.

 

Cho nên, O Gió hoang đường, như Maika đến thăm trái đất từ hành tinh Gurun, như Hoàng Tử Bé (của Antoine de Saint-Exupéry) đến từ tiểu hành tinh B612. Quý vị nào còn ở lại Việt Nam sau 1975 chắc còn nhớ Maika, cô bé đến từ những đám mây (lúc đó, Đài truyền hình dịch là “Cô bé từ trên trời rơi xuống,” nhưng tôi thích tựa tiếng Anh hơn, “She Came From the Clouds”). Đây là một truyện phim đơn sơ nhưng hấp dẫn, ly kỳ, và dễ thương. Nó rất đời và rất người. Phim truyện khoa học viễn tưởng được chiếu trên truyền hình nhiều tập cho thiếu nhi, được sản xuất năm 1978 và chiếu tại Việt Nam năm 1981. Nếu quý vị có dịp xem lại bộ phim Maika gần bốn mươi năm sau, chắc quý vị sẽ đồng ý với tôi là phim diễn ra một cách từ tốn nhưng thu hút, câu chuyện lôi kéo từ đầu đến cuối, được lồng trong tâm tình của trẻ thơ hồn nhiên với những nụ cười ý nhị. Maika là một chấn động cho thế giới tuổi thơ Việt Nam thời đó, lúc mà phim ảnh hầu như không có. Bộ phim được thuyết minh qua màn hình nhỏ trắng đen, dù phim gốc là phim màu, vì thời đó, hầu hết TV màu đã đi vượt biên khỏi Việt Nam.

 

Phim ET được ra đời chỉ vài năm sau đó tại Mỹ, mùa hè 1982, với doanh thu 973 Triệu đô, nhưng phim ET không được chiếu trên màn hình nhỏ ở Việt Nam thời đó (vì Mỹ ra lệnh cấm vận với Việt Nam từ 1975 đến 1994), và nếu có được chiếu, thì kỹ thuật quá tân kỳ của điện ảnh Hollywood sẽ tạo nên một khoảng cách với khán giả trong đời sống hậu chiến tem phiếu gạo tiền tại Việt Nam. Phim tập Maika gần gũi đối với tôi vì kỹ thuật dàn dựng còn thô sơ hơn rất nhiều so với phim ET, và nó phản ảnh đời sống dưới một chế độ xã hội chủ nghĩa tại Slovakia (tuy hư cấu) thời đó, vốn có nhiều điểm tương đồng với đời sống tại Việt Nam sau 75.

 

Khi Maika đáp xuống vùng Čabovce, thì mọi làn sóng trong vùng đều bị nhiễu. Đường dây điện thoại không hoạt động được. Maika đến, làm chấn động cuộc sống của một thành phố, gây hào hứng cho mọi người, làm cho người ta nghĩ đến những điều tưởng như không thể xảy ra. Maika có cách nói rất riêng của mình, staccato, chữ rời, đều đều, không lên xuống giọng. Chẳng hạn, nếu nói về O Gió của chúng ta, Maika sẽ sờ vào bộ nhớ ở thắt lưng và nói từng chữ rời và rõ: “Chủ-biên-trang-mạng-gió-o, tự-lê-thị-huệ. Xinh-gái-khó-tính-mê-sáng-tạo-thích-cô-đơn.”

 

Tôi nhắc đến Maika vì cô và O Gió giống nhau ở nhiều điểm. Thứ nhất, Maika biết bay. O Gió cũng bay khắp nơi, gom mây, chọn gió, và chuyền sáng tạo. Thứ hai, Maika có một đặc điểm là khi đôi mắt toả sáng, thì cô thu hình và chiếu đi khắp nơi. Đôi mắt của O Gió cũng thu hình bài vở vào tim và dùng kỹ thuật điện tử để chiếu lên mạng. Thứ ba, và tôi nghĩ đây là điểm mà O Gió và Maika giống nhau nhất, là Maika chỉ làm điều cô thích, và không để bị ai chi phối. Một thái độ độc lập hoàn toàn.

 

Thời đó, thế giới đang nô nức bay vào vũ trụ. Trẻ con cũng mơ mộng chuyện làm phi thuyền (giả) để bay (thật) vào không gian. Trong phim Maika, tôi thích nhất là cảnh các ‘phi hành gia' wannabe, những người bạn nhỏ của cô, được Maika phi thân để lái ‘phi thuyền’ được làm từ một ống sắt dài để đi chơi. Hôm nay, bên cạnh Maika Lê Thị Huệ, chúng ta còn có thêm Maika Nguyễn Vũ Khuyên, người đã cùng NAT đảm đương mọi việc cho ngày Dó Oi. Tôi đề nghị là sau chương trình đêm nay, ai thích thì cùng nhau đi tìm một ống nhôm dài để cho hai Maika Lê Thị Huệ và Nguyễn Vũ Khuyên chui vào. Mỗi chúng ta sẽ tìm một sợi dây để cột mình vào ống nhôm này để hai Maika chở chúng ta đi phi hành quanh bầu trời Bolsa la nuit.

 

  1. 4.     ĐỂ KẾT

 

Kính thưa quý vị,

 

Nữ quyền trong sáng tạo Gió-o là một đề tài lớn. Với thời gian ngắn ngủi, tôi chỉ có thể đặt một nụ hôn lên dòng suối nữ quyền lấp lánh chảy trên trang mạng gió-o.com trong suốt 15 năm qua, hay chỉ có thể đưa ngón tay chỉ về hướng cầu vồng và thử gọi tên những sắc màu nữ quyền ẩn hiện trên trang mạng này, để rồi chính quý vị lắng nghe tiếng suối và thưởng lãm cầu vồng đó theo cách riêng của mình.

 

Tôi xin kết bằng cách đặt lại vị trí của mình, một người nữ gốc Việt làm công việc sáng tạo tại hải ngoại, trong tương quan với nữ quyền của những người phụ nữ tại Việt Nam, như một thách đố cho bản thân tôi và có thể cho Gió-O nữa. Nếu tôi là một người mẹ có ba con còn đang măng sữa, nhưng không ở Quận Cam, mà ở Vũng Áng, thì tôi sẽ viết gì? Đường sinh cũng tắt mà đường tử cũng tận rồi! Những người mẹ có con nhỏ ở Việt Nam bây giờ không có chọn lựa: chính quyền độc, môi trường độc, thức ăn độc, văn hoá độc, giáo dục độc, hoàn cảnh sống ‘cực độc.’ Tất cả đều độc ở mức độ vô phương cứu chữa. Vậy thì, nếu là một trong những người mẹ đó, tôi sẽ viết cái gì!? Tôi có còn gì để viết không? (Trong khi ở thập niên 1960, nhiều phụ huynh còn ngần ngại cho con gái đi du học đại học ở Châu Âu, thì hôm nay, một số cha mẹ có khả năng tài chánh đã thà đưa con còn rất nhỏ đi học ở nước ngoài, chấp nhận xa con, nhưng để cho con mình một tương lai và cơ hội làm người.)

 

Được làm công việc sáng tạo là một đặc quyền cho bất cứ ai ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đây là một chọn lựa không phải ai cũng có được, vì nó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh sống và môi trường sáng tạo. Khi sáng tác, tôi vẫn hỏi chính mình: những gì tôi viết ra có ý nghĩa gì, nhất là với ý thức nữ quyền trên cái kiềng ba chân mà tôi vừa lược qua? Tôi nghĩ, Chủ biên Gió-O nhận thức sâu sắc về đặc quyền này. Qua một trao đổi email vài năm trước, O Gió cho biết O đang rất sốt ruột vì những cộng tác viên trong nước gặp tường lửa, không vào trang Gió được để thấy bài của họ đã được đăng. Tôi đã cảm kích tấm lòng tận tuỵ của O Gió, và cho rằng, O đã làm như Daw San Suu Kyi kêu gọi, đó là: hãy dùng tự do bạn để thúc đẩy tự do của chúng tôi.

 

Gió-O là một tiếng gọi, một quyến rũ, một cuộc chơi mở, mà chắc bị lắm người giận yêu vì thường bị Gió đập cửa, làm họ mất ăn mất ngủ, nên ngày vật vờ, đêm lồng lộng. Chúng ta không bị cuốn theo chiều gió, mà chính chúng ta đang là gió. Để cùng nhau thổi, càng thổi thì thấy chân trời càng rộng. Trong mười lăm năm qua, Gió-O đã hội tụ một thế giới sáng tạo độc lập, rõ ràng, đa dạng không chỉ về mặt nữ quyền. Hôm nay, quý vị là hiện thân bằng xương bằng thịt của một phần thế giới sáng tạo đó. Mâm cơm sáng tạo hôm nay chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc chơi mừng mười lăm năm Gió-O, vì đã có rất nhiều món ăn thịnh soạn được bày ra trên mạng trong suốt mấy tuần qua. Mong sao sẽ còn nhiều nữa những ngày Dó Oi, để luồng gió nóng Gió-O tiếp tục tiếp sức cho những người làm sáng tạo gốc Việt có thể cưỡi gió đi khắp thế giới, nhất là những người vẫn còn kẹt lại đằng sau bức tường lửa. Và đến một ngày nào đó, khi O Gió trở về với miền hoang đường Hà Tĩnh - mà nay đã hoang tàn, như Maika trở về hành tinh Gurun, như hoàng tử bé trở về hành tinh B612, thì tôi tin rằng, tinh hoa của Gió-O sẽ còn ở lại mãi với cõi người, sẽ mãi là luồng gió nóng, để những người lướt gió tìm được cao độ và tiếp tục bay. Những ảnh hưởng của Gió-O sẽ còn tiếp tục thổi lồng lộng trên cõi sáng tạo của những người có chung di sản quý báu là tiếng Việt.

 

Chọn lựa viết tiếng Việt là một chọn lựa đắt đỏ nhưng cần thiết đối với tôi. Như người tỵ nạn năm 1975 thèm nước mắm, như người Việt ở những vùng xa xôi hẻo lánh tại hải ngoại thèm nghe tiếng Mẹ đẻ. Nhưng tiếng Việt đó không phải là một di sản bất biến. Người ta dễ dàng thấy cá chết đầy biển, đầy sông, nhưng có mấy người nhìn ra được dòng sông tiếng Việt bị nhiễm độc, những thảm hoạ Formosa chữ nghĩa, mà biết phải làm sao để khử độc và mang dòng sông ấy về lại thâm thuý tinh hoa sáng tạo?

 

Kính thưa quý vị,

 

Khi nhận lời mời của Cô Nguyễn Vũ Khuyên, tôi đã xin phép nói ít vì, “Đứa tập làm thơ như tôi thì ngại nói. Bắt nó nói nhiều là ác với nó.” Nhưng tôi đã nói nhiều mà vẫn chưa trọn ý. Ý tại ngôn ngoại. Tôi chỉ xin gợi lên ba điều liên quan đến nữ quyền trong sáng tác Gió-O, nhưng tin chắc mỗi quý vị, trong tương quan của mình với Gió, cũng đã liên tưởng đến rất nhiều điều khác. Và nếu được như vậy, thì điều đó đã khẳng định ba tính chất trong sáng tạo Gió-O mà tôi gợi ra: phồn thực, tự do, và hoang đường.

 

Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào quý vị.

.



..

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.