Hôm nay,  

NGUYỄN DU QUA MỘ ÂU DƯƠNG TU (1007-1072)

04/10/201611:25:00(Xem: 4423)

               Nguyễn Du  qua mộ Âu Dương Tu  trong khi đi sứ năm 1813, thời gian từ 9-8 đến 22-8 năm Quý Dậu, khi đi ngang qua tỉnh Hà Nam, cựu  kinh đô Khai Phong tức Đông Kinh nhà Tống. Âu Dương Tu là một trong 10 văn hào lớn nhất Trung Quốc : Khuất Nguyên,Tư Mã Thiên, Đào Uyên Minh, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Hàn Dũ, Âu Dương Tu, Tô Thức, Tào Tuyết Cần. và một trong 8 nhà văn lớn thời Tống : Đường Tống  Bát Đại Gia : Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Vương An Thạch, Tăng Củng.

                Trước mộ văn hào Âu Dương Tu, Nguyễn Du  đã xúc động viết bài thơ : Mộ ông Âu Dương Văn Trung. Âu Dương Tu là một nhà thơ trử tình xuất sắc, một ngòi bút sử gia chính trực, một mẫu mực của người quân tử ngày xưa. Sớm đỗ đạt, làm quan cao. Suốt đời theo đường lối ngay thẳng không để lại điều gì để đáng ân hận. Nghìn năm qua chốn suối vàng còn vang tiếng danh. Một trong những việc ngay thẳng của Âu Dương Tu để lại tiếng danh là việc bênh vực nhà cải cách chính trị Phạm Trọng Yêm(989-1052).

                Nguyên  Phạm Trọng Yêm, Phó Tể Tướng đứng đầu chủ trương cải cách chế độ quan liêu, chế độ ruộng đất, công chính xã hội, bài trừ tham nhũng,  tích cực chống  lại giặc Tây Hạ bên ngoài, nhưng gặp phải sự phản đối của phe Tể tướng Lữ Di Gián. Phạm Trọng Yêm bị vu hại, bị biếm đi  Nhiêu Châu (nay là Bá Dương, tỉnh Giang Tây). Âu Dương Tu cùng một số đại thần dâng thư lên Hoàng đế nhà Tống, xưng tụng Phạm Trọng Yêm là người chính trực dám nói, làm quan thanh liêm, xin giữ lại ông ở lại triều đình. Nhưng Gián quan là Cao Nhược Nột không có lương tâm nói rằng Phạm Trọng Yêm đáng bị biếm. Âu Dương Tu viết thư trách mắng Cao Nhược Một :

                « Trước đây tôi nghe người ta nói ông là một người quân tử, chính trực có học vấn, nhưng tôi hoài nghi. Cái gọi là chính trực đó là không thể co mình lại, có học vấn đó là có thể phân biệt được thị phi. Ông thân là Gián quan, đối với việc Phạm Trọng Yêm bị biếm lại không thể nói những lời công chính, tôi thấy ông không phải là bậc quân tử. Phạm Trọng Yêm cương chính hiếu học, bác cổ thông kim, trong triều ngoài nội ai ai cũng đều công nhận. Ông ấy chỉ đắc tội với Tể tướng. Ông thì sợ Tể tướng, ham tiếc chức vị bản thân, vì hám lợi mà không dám nói những lời công chính. Ông làm như thế, còn mặt mũi nào mà đi gặp các vị đại thần ? Còn có tư cách gì vào triều xưng là Gián quan. Tôi xem ra ông là người không biết ở nhân gian có những việc đáng hổ thẹn. »

                Năm 1036, Cao Nhược Nột và Lữ Di Gián báo thù trục xuất Âu Dương Tu ra khỏi kinh thành, giáng chức xuống làm huyện lệnh Di Lăng (nay là Nghi Xương, tỉnh Hà Bắc). Mãi đến mấy năm sau triều đình trọng dụng lại Phạm Trọng Yêm, Âu Dương Tu mới được trở về triều đình.

(Trích :  Bất tri nhân gian hữu tu sỉ sự. trong Trung Quốc thành ngữ cố sự tổng tập. tập I, chủ biên Đường Kỳ. Trường Xuân. Thời Đại văn nghệ xuất bản xã. 2004 )

                 Nguyễn Du có ý gì khi nói nơi nấm mộ con người danh tiếng ngay thẳng đó, nay là nơi chứa chuột và chồn cáo ? Đời nay (thời Nguyễn Du) không có ai ngay thẳng, chính trực, tài năng như Âu Dương Tu chăng ? Nguyễn Du chỉ thấy loài chuột hôi tanh lợi dụng danh tiếng Âu Dương Tu để đục khoét, gậm nhắm, phá phách.  Nguyễn Du chỉ thấy loài chồn cáo, điêu ngoa xảo quyệt,  lợi dụng danh tiếng người ngay thẳng. Nguyễn Du đứng trước mộ Âu Dương Tu :  có những cội tùng cao, có  cỏ chỉ mọc quanh mộ, tại sao còn hỏi cây tùng và cỏ chỉ mọc nơi nào ? phải chăng Nguyễn Du muốn nói đến những thi ca, văn chương tuyệt tác của Âu Dương Tu ngày nay không ai biết tới, mà chỉ nghe người tiều phu và trẻ mục đồng hát những bài vè, bài đồng dao  dưới nắng tà.

                Âu Dương Tu là ai ? mà đứng vào hàng ngũ bênh vực nhà cải cách, chống tham nhũng, bè phái, theo lẽ phải, không sợ bạo lực, không sợ bị biếm trích. Văn chương ông như thế nào ? lời thi hào Nguyễn Du khen ngợi  và nhắc nhở : kẻ nào là chuột cáo nơi gò cỏ thu mộ Âu Dương Tu ? không khéo rồi chúng ta chỉ, là tiều phu, mục đồng dốt nát không biết tới văn chương tuyệt tác của Âu Dương Tu.

                Bia cao năm thước  dựng bên đường. Mộ cổ triều Tống có ghi tên họ Âu Dương. Suốt đời theo đường lối ngay thẳng, không để lại điều gì đáng ân hận. Nghìn xưa chốn suối vàng còn nức mùi hương. Một gò cỏ thu thành nơi chứa chuột chồn.. Đứng trong hàng tám văn hào lớn lừng tiếng văn chương. Cây tùng cao và cỏ chỉ mọc ở nơi nào ? Người  tiều phu và trẻ mục đồng ca hát dưới chiều tà.

MỘ  ÔNG ÂU DƯƠNG VĂN TRUNG

Năm thước mộ bia dựng cạnh đường,

Ghi  tên Triều Tống, mộ Âu Dương.

Suốt đời ngay thẳng không ân hận,

Chốn suối vàng thu nức mãi hương.

Một nấm cỏ thu nơi chuột cáo,

Tám văn hào lớn tiếng văn chương.

Tùng cao, cỏ chỉ nơi nào nhỉ ?

Mục đồng, tiều hát dưới tà dương.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

ÂU DƯƠNG VĂN TRUNG CÔNG MỘ

Ngũ xích phong bi  lập đạo bàng,

Tống triều cổ mộ ký Âu Dương,

Bình sinh trực đạo vô di  hám,

Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương.

Thu thảo nhất khâu tàng thử hạc,

Danh gia bát đại thiện văn chương,

Trường tùng chỉ thảo sinh hà xứ ?

Tiều mục ca ngâm quá tịch dương.

                Âu Dương Tu (1007-1072) tên tự là Vĩnh Thúc, hiệu Túy Ông. Quê Lư Lăng, tỉnh Giang Tây. Nhà nghèo, mồ côi cha, nhờ mẹ dạy, khắc khổ học tập.  Năm 1030, 24 tuổi đỗ đầu Tiến sĩ. Giữ chức quan Hàn Lâm học sĩ, Xu Mật Viện Phó sứ, Tham tri Chính sự. Dưới thời vua Tống Thần Tông giữ chức  Binh Bộ Thượng Thư..  Tính tình trung trực, làm quan không được lòng bọn quyền quí , nhiều lần bị giáng chức, vẫn hết lòng can vua đừng ruồng bỏ người hiền tài. Khi mất được đặt tên thụy là Văn Trung. Là nhà văn lớn nổi tiếng, nhà thơ lớn, nhà Sử học, Chính trị gia, nhà làm từ xuất sắc. Khởi xướng cách tân văn học, chống lại những trường phái thơ văn hình thức, ủy mị đương thời. Chủ trương văn chương phải Minh Đạo (sáng lẽ đạo) và Trí Dụng (thiết thực).Ông khai sáng thể loại thơ Thi thoại, bình luận ghi chép các cuộc luận bàn các thi nhân. Cuốn Lục  Nhất Thi thoại là quyển thi thoại đầu tiên với các bài nổi tiếng :  Thu Thanh Phú, Túy Ông đình ký, Mai Thánh Du thi tập tự, Bằng đảng luận. Có nhiều thành tựu trong tản văn, thơ, từ, Âu Dương Tu được tôn là Hàn Phi  đương thời và có nhiều ảnh hưởng đến văn học đời Tống.

                Âu Dương Tu tự xưng là Lục Nhất Cư sĩ (6 cái một) : Một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bầu rượu, một thân già. Âu Dương Tu là người chấm thi Tiến sĩ  lấy đỗ Tô Thức tức  Tô Đông Pha.

Tác phẩm sử học nổi tiếng của ông còn có :  Tân Đường Thư, Tân Ngũ Đại Sử. là hai trong số Nhị Thập Tứ Sử, 24 bộ sử hàng đầu Trung Quốc.

                Thơ Âu Dương Tu nhẹ nhàng sâu lắng, thâm trầm, tinh tế, ta thử đọc vài bài thơ tiêu biểu của ông được đánh giá là tuyệt tác trong văn học Trung Quốc.

                Bài Điệp Luyến Hoa, Hoa nhớ bướm,  tả tâm trạng người khuê phụ trông chồng đi xa :

                 Ngồi trong khuê phòng, trong đình viện  vắng chàng nên thấy sâu thăm thẳm. Nhìn cây dương liễu mông lung sương khói mờ. Từ lầu cao nhìn ra phố xá trướng rèm nhiều không đếm nỗi . Người đi như trẩy hội cỡi ngựa mang hàm ngọc, yên vàng. Riêng nàng không thấy nẽo Chương Đài nơi, nơi  trường đình bẻ cành liễu phất vẫy  tiễn chàng đi . (Kiều : Ai về nhắn liễu Chương Đài, cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay). Cuối tháng ba mưa dầm gió mạnh. Khép cánh cửa chiều hoàng hôn, không có cách gì lưu lại nổi mùa xuân. Mắt lệ nhớ chàng hỏi hoa, hoa chẳng nói. Những cánh hoa đào rơi rụng tung bay hơn cả lá vàng mùa thu.

                Xao xác gió đưa cánh hoa phất vào mặt. Sương khói lên dày cây liễu xanh. Tuyết nhẹ bay phơ phất. Mưa ngớt hơi sương chưa thấm lạnh. Sầu xuân muốn uống rượu cho quên cơn buồn. Bên gối bức bình phong vẽ núi non che sóng biếc. Thắp ngọn đèn hoa, khoác áo lạnh lông chim thúy vũ. Đêm dài ngồi trông ngóng. Lặng lẽ ngồi lên vén bức màn gấm. Đầu ngọn hoa lê thấy vầng trăng sáng.

                Ai bảo khi nhàn rỗi không còn tình yêu ? Mỗi độ xuân sang, mỗi tối bên hoa, chuốc chén rượu buồn. Soi gương thấy mình nhan sắc trông vàng võ. Xanh mịt bờ đê liễu rũ tơ. Muốn hỏi cơn sầu về có nhớ chuyện cũ năm năm đó. Đứng trước cây cầu nhỏ một mình cô đơn trước gió, nhìn trăng treo rừng thẳm thầm hỏi :  người yêu giờ nơi đâu ?

                Mấy độ mây bay biền biệt, quên bay về.  Chẳng biết mùa xuân tàn vội. Sau khi khí hàn thực tới, trăm cỏ ngàn hoa nở rộ. Nhà ai vẫn ngóng đợi mùa xuân. Ứa lệ tựa hiên lầu tự hỏi. Đôi én bay về phải  chăng là báo hiệu ngày gặp nhau. Bối rối lòng xuân, buồn như liễu rũ sầu. Nơi nào trong mộng để tìm thấy nhau ?

                Gái Việt hái sen bên bờ sông thu. Tay áo nhẹ nhàng bay, đôi xuyến vàng ẩn lộ trong sương mù. Bóng hoa in bóng nước lồng bóng dung nhan, Lòng nhụy hoa cùng tơ cuốn sen bối rối như lòng. Khe đỏ nơi dầu thác chiều sóng gió. Sương nặng, khói nhẹ. Không thấy bạn tới. Nghe thấp thoáng tiếng ca khách chèo từ xa. Nhớ nỗi buồn ly biệt ở phía Nam sông.

                Từ họa các (phòng vẽ) tới lui, mùa xuân lại hết. Đôi én cùng bay đi, liễu rũ, đào rụng phai tàn. Mưa nhỏ đầy trời và gió đầy viện. Mi sầu mùa thu không ai thấy. Một mình đứng tựa lan can, lòng như náo loạn. Cỏ thơm tốt tươi, lòng đau đáu nhớ tời bờ sông Nam, (sông Nam tượng trưng cho quê hương do bài thơ Dữu Tín). Trăng gió vô tình, người thay đổi. Cuộc chơi xưa (với chàng) như giấc mộng, chỉ còn lại ruột gan như đứt lìa.

               

ĐIệP LUYẾN HOA

Bài I

Đình viện sâu sâu, sâu biết mấy,

Dương liễu khói mờ,

Trướng rèm không đếm nỗi,

Hàm ngọc, yên vàng trẩy hội mơ.

Lầu cao nào thấy nẽo Chương Đài,

Cuối tháng ba mưa gió cuồng xô.

Khép cửa hoàng hôn,

Chẳng níu nổi xuân tàn,

Mắt lệ hỏi hoa hoa chẳng nói,

Cánh hồng rơi rụng tựa thu sang.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

ĐIệP LUYẾN HOA

Kỳ 1

Đình viện thân thâm thâm kỷ hử ?

Dương liễu đôi yên,

Liêm mạc vô trùng sổ.

Ngọc lạc điêu an dã xứ,

Lâu cao bất kiến Chương Đài lộ.

Vũ hoạch phong cường tam nguyệt mộ,

Môn yểm hoàng hôn,

Vô kế lưu xuân trú.

Lệ nhãn vấn hoa, hoa bất ngữ,

Loạn hồng phi quá thu thiên khứ.

Bài 2

Gió đưa rơi rụng, mặt hoa bay,

Liễu xanh sương khói dày,

Tuyết nhẹ rơi phơ phất,

Mưa dứt hơi sương thấm lạnh thay !

Sầu xuân  bệnh rượu cơn buồn đến,

Bên gối, núi bình phong che sóng cao.

Đèn hoa,  áo thúy,

Đêm dài trông ngóng,

Lặng lẽ ngồi lên vén trướng đào,

Đầu ngọn hoa lê trăng sáng treo.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Kỳ 2

Diện toàn lạc hoa phong đãng dạng,

Liễu trùng yên thâm,

Tuyết nhứ phi lai vãng,

Vũ hậu kinh hàn do vị phóng,

Xuân sầu tửu bệnh thành trú trướng,

Chẩm bạn bình sơn vi bích lãng.

Thúy bị hoa đăng,

Dạ dạ không tương hướng,

Tịch mịch khởi lai khiên tú hoảng,

Nguyêt minh chinh tại lê hoa thượng.

Bái 3

Tình yêu  sao  bỏ khi nhàn rỗi,

Mỗi độ xuân sang,

Nỗi buồn còn đó,

Mỗi tối bên hoa chung rượu buồn.

Soi gương nhan sắc trông vàng võ,

Xanh mượt bờ đê  liễu rũ tơ,

Muốn hỏi sầu về,

Chuyện cũ năm năm đó,

Cầu nhỏ một mình trơ trước gió.

Trăng treo rừng thẳm người đâu hở ?

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Kỳ 3

Thùy đạo nhàn tình phao khí cửu ?

Mỗi đáo xuân lai,

Trù trướng hoàn y cựu,

Nhật nhật hoa tiền thương bệnh tửu.

Bất từ cảnh lý chu nhan sấu.

Hà bạn thanh vu đê thượng liễu,

Vị vấn tân sầu,

Hà sự niên niên hữu,

Độc lập tiểu kiều phong mãn tụ.

Bình lâm tân nguyệt nhân quy hậu.

Bài 4:

Mấy độ mây bay biền biệt mãi.

Quên lãng bay về,

Chẳng biết xuân tàn vội,

Trăm cỏ ngàn hoa tiết lạnh tới.

Nhà ai còn ngóng đợi xuân xa ?

Ứa lệ tựa hiên lầu tự hỏi ?

Đôi én bay về,

Có chăng cùng tương hội,

Bối rối lòng xuân liễu rũ sầu.

Gặp nhau trong mộng, biết tìm đâu ?

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

Kỳ 4:

Kỳ nhật hành vân hà xứ khứ ?

Vong khước quy lai,

Bất đạo xuân tương mộ.

Bách thảo thiên hoa hàn thực lộ.

Xuân xa hệ tại thùy gia thụ ?

Lệ nhãn ỷ lâu tán độc ngũ,

Song yến lai thì,

Mạch thượng tương phùng nhủ.

Liêu loạn xuân sầu như liễu nhứ.

Y  y  mộng lý vô  tâm xứ ?

Bài 5

Hồ  thu,  gái Việt hái hoa sen,

Tay áo nhẹ nhàng,

Sương lộ đôi vòng xuyến.

Bóng nước dung nhan lồng bóng hoa !

Lòng nhụy, tơ sen cùng rối bời,

Thác đầu Khe Đỏ chiều sóng gió.

Sương nặng khói nhẹ,

Thời chẳng thấy bạn tới.

Thấp thoáng chèo ai vọng tiếng ca.

Nỗi buồn ly biệt sông Nam nhớ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Kỳ 5

Việt nữ thái liên thu thủy bạn,

Trách tụ khinh la,

Ám lộ song kim xuyến.

Chiếu ảnh trích hoa họa tự diện,

Phương tâm chỉ long ty tranh loạn,

Khê xích than đầu phong lãng vãn.

Vụ  trọng yên khinh,

Bất kiến lai thời bạn,

Ẩn ẩn cao thanh quy trạo viễn,

Ly sầu dẫn trước  Giang  Nam ngạn.

Cựu du như mộng không trường đoạn.

Bài 6

Gác vẽ đi về xuân đã qua,

Đôi én đồng bay,

Đào phai tàn, liễu rũ,

Mưa nhỏ đầy trời, gió đầy viện,

Mi sầu thu lại không ai thấy,

Mình tựa lan can lòng rối bời,

Cỏ thơm xanh mướt,

Vẫn nhớ tời bờ sông Nam,

Trăng gió vô tình,  người thay đổi,

Cuộc chơi xưa  như mộng, ruột tơi bời.

bản dịch Nhất Uyên

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

Kỳ 6

Họa các quy lai xuân hựu vãn,

Yến tử song phi,

Liễu nhuyến đào hoa thiển.

Tế vũ mãn thiên,  phong mãn viện.

Sầu mi liễm tận vô nhân kiến,

Độc ỷ lan can tâm tự loạn,

Phương thảo thiên miên,

Thượng ức Giang Nam ngạn,

Phong nguyệt vô tình nhân ám hoán.

Cựu du như mộng không trường đoạn.

                Bài THANH THU PHÚ , bài phú Tiếng Thu được xem là một kiệt tác của Âu Dương Tu, trong văn học Trung Quốc :

BÀI PHÚ TIẾNG MÙA THU

                Âu Dương Tử đang đêm đọc sách. Nghe thanh âm từ hướng Tây Nam. Bổng cả kinh mà nói rằng: Mới nghe thưa thớt rì rào lan xa, bỗng dưng kinh động phong ba. Lại như mưa gió đổ sa ầm ầm. Va vào mọi vật trên đường, nghe như tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Lại như tiếng quân đi chống địch, miệng ngậm tăm im tiếng mà đi. Chẳng nghe thấy hiệu lệnh gì, tiếng người tiếng ngựa quân đi rầm rầm.

Bảo đồng tử: Tiếng gì như thế ? Hãy ra sân mà thử xem sao ?

Đồng tử thưa :  Trăng sao sáng tỏ. Dòng sông Ngân rực rỡ trên cao. Ban đêm chẳng có người nào. Chắc là tiếng ấy ở vào khóm cây.

Ta rằng : Ôi hỡi ! thương thay ! Đó là tiếng thu về rồi đó. Thu mênh mang đã về nhanh thế !

Vẻ thu bao trùm, sắc thu ảm đạm, khói thu tản mát, mây thu tụ hội. Thu không trong trẻo, một trời dịu dàng. Khí thu run rẩy châm tràn thịt da. Ý thu tiêu điều, núi sông tịch liêu.

Tiếng thu là thế, thảm thiết thê lương, réo gào giận giữ. Cỏ xanh đang mơn mởn um tùm. Cây đang xanh ngát trông thích mắt. Chỉ trông phút chốc, thu lướt qua cỏ liền đổi sắc, cây liền xơ xác. Làm cho tàn tạ, rơi rụng là thu. Khí thu cùng khắp, bạo lực có thừa.

Ôi mùa thu như hình bóng vậy ! Thu theo mùa thuộc về âm. Thu theo hành thuộc về kim. Thu kéo về như thể đoàn quân.

Thế mới nói: Nghĩa khí đất trời lấy tiêu sát làm tâm. Vạn vật trên đời, xuân đến sinh sôi, thu về trái chín.

Ôi mùa thu như là nhạc vậy : Thu là cung thương, chủ âm ở Tây, Di làm điệu nhạc, vận vào tháng Bảy. Âm thương là thương tổn vậy. Điệu Di là diệt đi thôi. Vật quá già thì bi thương đến. Vật đã quá thịnh phải chịu tàn suy.

Ô hô ! Thảo mộc vô tình đến mùa thu thi tiêu điều ! Người ta là động vật duy nhất linh thiêng, trăm lo trăm lắng, xúc động trong tâm. Muôn việc làm cho thân hình tiều tụy. Động chính trong lòng, tinh thần xao xuyến. Huống hồ, lực bất tòng tâm, trí lo chẳng đủ.

Nên như: Cây khô còn vẻ son hồng, tóc đen đà điểm bạc.

Hơn thế nữa: Chẳng phải là thân vàng đá. Sao muốn cùng cây cỏ tranh hơn. Nghĩ xem ai làm hại mình. Làm sao còn hận tiếng thu.

Đồng Tử chẳng lời, gục đầu mà ngủ. Những nghe bốn phía tiếng côn trùng rỉ rả, hùa theo nỗi lòng than thở của ta.

Nguyên văn phiên âm Hán Việt:

THU THANH PHÚ

Âu Dương Tử phương dạ độc thư. Văn hữu thanh tự Tây Nam lai giả. Túng nhiên thính chi viết:

Dị tai !  Sơ tích lịch dĩ tiêu táp, hốt bôn đằng nhi phanh vi, như ba đào dạ kinh, phong vũ sâu chí, kỳ xúc ư vật dã, thung thung tranh tranh, kim thiết giai minh, hựu như phó địch chi binh, hàm mai tật tẩu, bất văn hiệu lệnh, đãn văn nhân mã chi hành thanh.

Dư vị đồng tử:

Thử hà thanh dã ? nhữ xuất thị chi ?

Đồng tử viết:

Tinh nguyệt hiệu khiết, minh hà tại thiên, tứ vô nhân thanh, thanh tại thụ gian.

Dư viết :

Y hy ! Bi tai !  Thử thu thanh dã, hồ vi hồ lai tai !  Cái phu thu chi vi trạng dã, kỳ sắc thảm đạm, yên phi vân liễm, kỳ dung thanh minh, thiên cao nhật tinh, kỳ khí lật liệt, biêm nhân cơ cốt, kỳ ý tiêu điều, sơn xuyên tịch liêu. Cố vi thanh dã, thê thê thiết thiết, hô hiệu phấn phát, phong thảo lục nhục nhi tranh mậu, giai mộc thông lung nhi khả duyệt, thảo phất chi nhi sắc biến, một tao chi nhi diệp thoát, kỳ sỡ dĩ tồi bại linh lạc giả, mãi nhất khí chi dư liệt.

Phù thu hình quan dã, ư thì vi âm, hủ binh tượng dã, ư hành vi kim. Thị vị thiên địa chi nghĩa khí, thường di túc sát nhi vi tâm.  Thiên chí sinh vật, xuân sinh thu thực, cố kỳ tại lạc dã, thương thanh chủ tây phương chi âm, di tắc vi thấy nguyệt chi luật. Thương thương dã, vật ký lão nhi bi thương, di lục dã, vật quá thịnh nhi đương sát.

                Ta phù ! Thảo mộc vô tình, hữu thì phiêu linh, nhân vi động vật, duy vật chi linh. Bách ưu cảm kỳ tâm, vạn sự lao kỳ hình, hữu động hồ trung, tất dao kỳ tinh, nhi hướng tư kỳ lực, chi sở bất cập,  ưu kỳ trí sở bất năng, nghi kỳ ác nhiên đan giả vi cảo mộc, y nhiên hắc giả vi tinh tinh. Nại hà phi kim thạch chi chất,  dục dũ thảo mộc như tranh vinh !  Niệm thùy vi chi tường tặc, diệc hà hận hồ thu thanh !

Đồng tử mạc đối, thay đầu nhi thụy, đãn văn tứ bích trùng thanh tức tức, như trợ dư chi thán túc.

                Bài Xuân Nhật Tây Hồ Ký viết ở Hàng Châu, gửi ông Pháp Tào họ Tạ. Uống rượu mà gặp bạn hiểu mình thì ngàn chén cũng còn ít. Nói chuyện mà không hợp nhau thì nói nửa câu cũng thấy nhiều. Mới biết bên hồ nâng chén rượu. Sẽ nhớ đến người đi vạn dậm nơi chân trời xa.

BÀI KÝ NGẢY XUÂN TÂY HỒ

Ngàn chung tri kỷ vẫn chưa vừa,

Nói nửa câu thừa kẻ chẳng ưa.

Mới biết bên hồ nâng chén rượu,

Vạn dậm chân trời nhớ bạn xưa.

bản dịch  Nhất Uyên

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

XUÂN NHẬT TÂY  HỒ

Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiếu,

Thoại bát đầu cơ bán cú đa.

Dao tri hồ thượng nhất tôn tửu,

Năng ức thiên nhai vạn lý nhân.

                Bài ĐẠP SA HÀNH. Âu Dương Tu viết :  Nơi quán nghỉ, hoa mai đã tàn. Cầu bên khe suối lá liễu lăn tăn. Cỏ thơm gió thổi, cương ngựa ruổi dong. Nỗi buồn chia ly càng xa càng không biết là vô cùng. Chảy dài không dứt như dòng nước mùa xuân. Từng tất ruột mềm, rưng rưng tràn đầy nước mắt. Lầu cao chớ ra đứng tựa lan can. Tầm mắt nhìn xa tít, đó là núi xuân. Người đi ở ngoài núi xuân đó.

ĐẠP SA HẢNH

Mai  tàn quán khách,

Liễu rũ suối cầu.

Gió thoảng cỏ thơm, cương ngựa ruỗi rong mau.

Nỗi buồn ly biệt sầu vương nặng.

Cuồn cuộn dòng xuân nước chảy tràn.

Tấc  dạ bâng khuâng,

Rưng rưng giọt lệ.

Lầu cao chớ tựa hiên xa ngóng,

Núi xuân xa tít tận trời xa,

Bên kia núi biếc bóng người qua.

Bản dịch Nhất Uyên

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

ĐẠP SA HÀNH

Hậu quán mai tàn,

Khê kiều liễu tế.

Thảo huân phong noãn dao chinh bí,

Ly sầu tiệm viễn tiệm vô cùng.

Điều điều bất đoạn như xuân thủy,

Thốn thốn như trường,

Doanh doanh phấn lệ,

Lâu cao mạc cận nguy lan ỷ,

Bình vu tận xứ thị xuân san,

Hành nhân cánh tại xuân san ngoại.

                THÁI TANG TỬ  gồm bốn bài thơ Âu Dương Tu viết tại Tây Hồ ở Hàng Châu. Bài thơ những nét chấm phá tuyệt bút như bức tranh thủy mặc :

                Qua mùa hoa nở cảnh Tây Hồ thật đẹp, cánh đào hồng rụng rơi rắc đầy, lất phất tơ bay. Liễu rũ ngoài hiên gió lay động suốt ngày. Cuộc ca hát đã tàn, người chơi xuân đã về. Xuân vắng mới hay, khi rèm buông xuống. Có đôi chim én bay về trong mưa rơi.

                Giữa mùa xuân mưa tạnh cảnh Tây Hồ thật đẹp. Trăm hoa đua màu sắc,  bướm bay loạn, ong  ồn ào. Trời ấm trong sáng dục muôn hoa nở. Chèo lan uyển chuyển thuyền dần xa khuất. Ngỡ là cảnh thần tiên. Ánh sáng nhấp nhô trên làn sóng. Hồ rộng gió lộng, văng vẳng tiếng sáo ai.

                Thuyền xinh chèo nhẹ, cảnh Tây Hồ thật đẹp. Nước biếc nhấp nhô. Cỏ mượt trên đê dài, (Hồ Tây có hai con đê, đê Bạch do nhà thơ Bạch Cư Dị lúc làm Thứ sử Hàng Châu cho xây đắp bao quanh hồ  và đê Tô do nhà thơ Tô Đông Pha, lúc làm Thứ sử cho nạo vét hồ, đắp băng ngang từ chùa Hổ Pháo, nơi Từ Hải tức Minh Sơn Hoà Thượng từng tu hành đến Miếu Nhạc Phi, nơi Nguyễn Du viết 5 bài thơ) Ẩn hiện theo thuyền tiếng sáo ai. Gió yên nước phẳng lì như ngọc lưu ly. Chẳng nghĩ  đến thuyền đi, sóng gợn lăn tăn. Kinh sợ, chim trời trên bãi cát vụt thoát bay.

                Ngồi thuyền uống rượu trên Tây Hồ thật tuyệt. Kèn sáo vui vầy . Tay chuyền cho nhau chén rượu ngọc. Hết lắc  sóng im thuyền như ngủ say. Dưới đáy nước mây trôi qua, con thuyền như lướt bóng. Trời nước thật trong, trên trời dưới nước như  lưu  thông với nhau. Cứ ngỡ giữa hồ, có một trời khác riêng dành cho ta.

THÁI TANG TỬ

Bài I

Mùa xuân hoa nở đẹp Tây Hồ,

Cánh hồng rơi rắc,

Lất phất bay tơ,

Liễu rũ ngoài hiên, ngày gió lộng.

Sênh ca tàn cuộc, khách chơi đi.

Xuân vắng mới hay,

Rèm the buông xuống,

Đôi én bay về trong mưa rơi.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

THÁI TANG TỬ

Kỳ 1

Quần phương quá hậu Tây Hồ hảo,

Lang tịch tàn hồng,

Phi nhứ mông lung,

Thùy liễu lan can tân nhật phong.

Sinh ca tán tận du nhân khứ,

Thủy giác xuân không,

Thùy hạ liêm lung,

Song yến quy lai tế vũ trung.

Bài 2

Mùa xuân mưa tạnh đẹp Tây Hồ,

Trăm hoa đua sắc,

Bướm lượn, ong vi vo.

Trời trong ấm dục muôn hoa nở.

Chèo lan nhẹ lướt bóng thuyền trôi.

Ngỡ cảnh thiên thai.

Soi trên sóng nhẹ,

Gió lộng hồ xa tiếng sáo ai ?

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Kỳ 2

Xuân thâm vũ quá Tây Hồ hảo,

Bách hoa tranh nghiên,

Điệp loạn phong huyên,

Tình nhật thôi hoa noãn dục nhiên.

Lan kiêu họa khả du du xứ,

Nghi thị thần tiên,

Phản chiếu ba gian,

Thủy khoát phong cao tương quản huyền.

Bài 3

Thuyền nhẹ chèo lan đẹp Tây Hồ,

Nước biếc nhấp nhô,

Đê dài cỏ mượt,

Ẩn hiện theo thuyền tiếng hát mơ.

Gió yên nước lặng tựa lưu ly,

Chẳng biết thuyền lay,

Lăn tăn sóng gợn,

Kinh sợ chim trời vụt cánh bay.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

Kỳ 3

Khinh chu đoản trạo Tây Hồ hảo,

Lục thủy uy dĩ,

Phương thảo trường đê,

Ẩn ẩn sinh ca xứ  xứ tùy,

Vô phong thủy diện lưu ly hoạt,

Bấc giác thuyền di,

Vi động liên y,

Kính khởi sa cầm lượt ngan phi.

 

Bài 4

Ngồi thuyền uống rượu thú Hồ Tây,

Kèn sáo vui vầy,

Trao chuyền chén ngọc.

Sóng lặng thuyền êm êm ngủ say.

Đáy nước mây trôi thuyền lướt bóng.

Trời nước trong thay

Soi bóng tỏ  bày,

Cứ ngỡ hồ riêng, trời nước mây.

Bản dịch Nhất Uyên

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Kỳ 4

Họa thuyền tái tửu Tây Hồ hảo,

Cấp quản phồn huyên,

Ngọc trản thôi truyền,

Ổn phiếm bình ba nhiệm túy miên,

Hành vân khước tại hành chu hạ,

Không thủy trừng tiên,

Phủ ngưỡng lưu liên,

Nghi thị hồ trung biệt hữu thiên.

                Bài TỲ BÀ ĐÌNH, Âu Dương Tu qua bến Tầm Dương nơi có Tỳ Bà Đình  nơi thi hào Bạch Cư Dị, đời Đường, từng bị biếm trích ra đây, ông viết bài Tỳ Bà Hành, một áng thơ tuyệt tác: Lạc Thiên Bạch Cư Dị từng bị biếm trích ở ven sông. Chỉ biết than thở với trời lệ ướt thắm khăn. Qua đây mới biết mình có trọng tội hơn cả Bạch Cư Dị, bị biếm trích đến Di Lăng, nơi hẻo lánh  tỉnh Hà Bắc cách xa  nơi biếm trích Bạch Cư Dị đến ba nghìn dậm (gần 1500km).

                Bạch Cư Dị đỗ tiến sĩ năm 800, làm quan chức Tả Thập Di. Do việc hạch tội việc Tể tướng Vũ Nguyên Hành bị hành thích, Ngự sử Bùi Độ bị hành hung, ông bị bọn gian thần đầy làm Tư Mã Giang Châu. Năm 822-824 làm thứ sử Hàng Châu, năm 825-826 làm thứ sử Tô Châu. Sau được triệu về kinh làm Thái tử Thiếu Phó, năm 842 về hưu hàm Thượng thư bộ Hình, mất ở Lạc Dương. (Nguyễn Du có bài Bùi Tấn công mộ, viết về Bùi Độ, từng làm Tể tướng 30 năm khi qua thăm Chiêu Lăng ở Trường An trong thời  trẻ đi giang hồ Trung Quốc 1787-1790.)

TỲ BÀ ĐÌNH

Lạc Thiên từng biếm trích ven sông,

Than thở  với trời  lệ thắm khăn.

Nay mới biết mình vì tội lớn,

Thêm ba nghìn dậm trích Di Lăng.

Bàn dịch thơ Nhất Uyên

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

TỲ BÀ ĐÌNH

Lạc Thiên tằng trích thử giang biên,

Dĩ thán thiên nhai thế huyễn thiên.

Kim nhật thủy tri dư tội đại,

Di Lăng thử khứ cách tam thiên.

                Xã hội Trung Quốc đã có những nhà cải cách chính trị xuất sắc, từ Tô Tần, Khuất Nguyên, Quản Trọng thời Chiến Quốc đến Giả Nghị thời Hán. Đời Đường có Bùi Độ, Bạch Cư Dị.. Đời Tống có Phạm Trọng Yêm, Âu Dương Tu, Vương An Thạch.. Nhưng lý do gì,  các nhà cải cách thường bị biếm trích, đi đày. Các nhà cải cách Trung Quốc  không tạo dựng được các cơ cấu nền tảng dân chủ dài lâu làm cho xã hội tiến bộ: như Angora, Lycée, Sénat, Accadémie.. của Hy Lạp thời Cổ đại,  đến Đại Học, Viện Nghiên Cứu, Tự Do Báo Chí, Đối lập Xây dựng Tây Phương. Xã hội Trung Quốc dậm chân một chỗ suốt ba ngàn năm. Xã hột Trung Quốc là một cuộc đấu tranh thường trực giữa trung thần và nịnh thần. Giữa người cải cách và người thủ cựu. Gặp vua hiền, tôi sáng thì nước thịnh, gặp vua u tối kẻ nịnh làm loạn thì suy vong, do đó  hết tan rồi hợp, thịnh vượng rồi tàn suy không lâu dài,  hết độc tài này đến độc tài khác. Lý do gì mà Nhật Bản với Minh Trị Thiên Hoàng đã thành công, với một giai cấp Samourai ủng hộ, từ bỏ cung kiếm lao vào kinh doanh công thương nghiệp, học thuật nhanh chóng đưa nước Nhật một xứ sở đất không rộng không có nhiều tài nguyên thành một cường quốc kinh tế. Nước ta, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ chỉ mới là bản Điều Trần,  với Phan Chu Trinh: Cải cách dân chủ, Nâng cao dân trí, Chấn hưng công thương nghiệp, Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh,  cải cách Phan Chu Trinh chỉ ở dạng thử nghiệm trong một vài nơi chưa bao giờ là tư tưởng chủ đạo của đất nước. Ngày nay nước ta trông chờ gì ở những nhà  cải cách và sức mạnh thủ cựu? Nước ta có một bản điều trần nào, có một kế hoạch nào để làm nên sự hưng thịnh đất nước, hay trôi nổi theo dòng thời cuộc, nhắm mắt đi theo con đường mà chẳng biết đi về đâu ? hay trông đợi tìm ra” Người cỡi ngựa” ?

                Đọc văn học Trung Quốc, chúng ta trân trọng những nhà cải cách Trung Quốc, tấm lòng cương trực ngay thẳng không lùi bước trước việc lưu dày, biếm trích trong hoàn cảnh nào cũng “Lo trước cái lo của thiên hạ, và vui sau cái vui của thiên hạ “ của Phạm Trọng Yêm. Cụ Hồ cũng không dặn dò gì hơn là lập lại câu nói của Phạm Trọng Yêm và Quản Trọng. Ngày nay đem xử tội, tù đày những người nhiệt huyết  “Lo trước cái lo thiên hạ và vui sau cái vui thiên hạ” là đi ngược lại lời dặn dò cụ Hồ. Điều quan trọng không phải là trấn áp những người nhiệt huyết, mà xây dựng những cơ cấu dân chủ, làm nền tảng lâu dài cho việc lo trước cái lo của thiên hạ. Lo trước cái lo thiên hạ không phải làm một trọng tội, mà chuyện bình thường, là bổn phận của người trí thức, của Kẻ Sĩ trước sự hưng vong của đất nước: Lo nhân dân mất niềm tin, lo xã hội không còn đạo đức, lo những con chuột đục khoét tài nguyên, tài sản quốc gia, lo những con cáo lường gạt nhân dân, lo cho biển đảo bị lấn chiếm, lo cho những ngư dân không còn đánh cá được trên biển của mình, lo cho nguồn hải sản bị tiêu diệt, lo cho tương lai tàu bè máy bay muốn đi ra biển mình phải xin phép, lo cho dân trí quan trí còn thấp kém, lo cho đồng bằng bị nước mặn lấn chiếm sẽ mất đi 1/5 lãnh thổ, lo cho nhân dân ruộng lúa sẽ  không đủ ăn, lo cho công nghiệp còn yếu kém, lo cho nhân dân mỗi khi bệnh tật là sạt nghiệp, phải đút lót từ ngoài cổng đến phòng bệnh. Bao nhiêu là mối lo, có thể nào để mối lo ấy trên vài nhân vật chính trị, tổ chức đảng ? Làm chính trị không phải là lo hết mọi việc, thâu tóm quyền lực vào cho mình cho bè đảng mình mà phải mở rộng cơ cấu, tự do dân chủ để mọi người cùng lo mưu cầu hạnh phúc. Chính trị tại các nước tiên tiến nhẹ nhàng vì họ chỉ là người điều hợp, phân phối nơi thừa qua nơi thiếu, thiết lập đạo luận, kích thích kinh tế tăng trưởng, soạn thảo và theo dõi  và điều hành những kế hoạch. Cái đáng sợ của một đất nước là ngày nào mọi người dân đều thờ ơ với đất nước, xã hội không còn đạo lý, không còn lý tưởng : cha mẹ bán con gái làm nô lệ tình dục xứ người chỉ vì  5 000 đô la, người giàu có, tài năng tìm cách bỏ đi ra nước khác sinh sống. Nước non ai muốn buôn bán gì, ai chết thây kệ, chẳng quan hệ gì đến mình !   Làm người lãnh đạo, được người phê phán chỉ trích nên mừng vì đất nước có những người biết “lo trước cái lo của thiên hạ”, nên lắng nghe và biết cái sai của mình để sửa đổi. Chuyện Trung Quốc có ai thô lỗ dốt nát hơn anh hào trưởng Lưu Bang ? giật cả  giải mũ đội đầu của nho sĩ và đái lên: “Ta ngồi lưng ngựa mà được cả thiên hạ, há cần đến bọn nho sĩ ”, nhưng khi nghe lời phải mọi việc đều biết phục thiện nên thành công lập nên nhà Hán cai trị  400 năm. Có ai mạnh bạo, đánh giặc giỏi hơn Hạng Võ, nhưng ỷ sức mình, quân lực mình không biết nghe lời ai, chỉ tiếng sáo Trương Lương đội quân cả triệu người bỏ trốn, cùng đường trước sông  Ô Giang chỉ còn biết tự vẫn.

                Đọc thơ Thi hào Nguyễn Du trước mộ Âu Dương Tu, nhắc nhở chúng ta có những con chuột, con cáo ẩn nấp trên ngôi mộ. Những con chuột tham nhũng to lớn, vẫn đục khoét xã hội Trung Quốc, những con cáo làm hàng giả để trục lợi, bỏ cả chất mélamin độc hại trong sữa cho trẻ em cho sữa đặc giống như sữa các nước  Tây Phương, những chất độc trong cả thịt con heo, trong rau trái ăn mỗi ngày khiến cho người Trung Quốc chỉ tin tưởng sữa và thịt sản xuất ở Âu Mỹ..  Những con cáo, con chuột ấy không chỉ ở Trung Quốc mà tràn lan qua  cả nước ta.

Paris, 4-10-2016

PHẠM TRỌNG CHÁNH

*Tiến sĩ  Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đảng CSVN đang rối beng lên về tình trạng cán bộ tham nhũng quyền lực, nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến dân te tua. Tình trạng này được báo của Trung ương đảng “vạch áo cho người xem lưng” cả trong hai lĩnh vực...
Số lượng người nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ cao kỷ lục đang khiến cho hệ thống nhập cư vốn đã quá tải càng thêm phần căng thẳng. Dữ liệu mới đây của chính phủ cho thấy các viên chức biên phòng đã thực hiện 2.05 triệu vụ bắt giữ trong năm tài chánh kết thúc vào tháng 9. Đây là năm thứ hai liên tiếp mà số vụ bắt giữ như vậy cao hơn 2 triệu. Trong quá khứ, các con số tăng và giảm dựa trên những thay đổi quan trọng về kinh tế và chính sách, như các đợt suy thoái kinh tế và siết chặt biên giới trong thời kỳ đại dịch. Nhưng chưa bao giờ số vụ bắt giữ vượt quá 1.7 triệu, và cũng chưa bao giờ duy trì ở mức cao như vậy trong mấy năm liên tục.
Hai việc đang làm cho Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng mất ăn mất ngủ là “tình trạng xa rời Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” và “tham nhũng quyền lực” ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ chống tham nhũng, thanh tra và thi hành kỷ luật...
Lúc còn tại thế, có lúc ông Phạm Văn Đồng đã phải đối diện với một câu hỏi khó: “Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về sự kiện thuyền nhân hồi 1975, nhất là hồi 1978, 1979… Về nguyên nhân và trách nhiệm trong những sự kiện ấy, với những hiện tượng bán bãi thu vàng và khá nhiều tầu, thuyền bị hải tặc bão tố và chìm trong đại dương…
Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ báo cáo thường niên trước Quốc hội: Những diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc...
Tại sao chính sách Hoa Kỳ phải giúp đỡ những quốc gia khác, kể cả những quốc gia chống đối quyền lực của Hoa Kỳ? Có anh hàng xóm tức giận muốn qua đốt cháy nhà mình, mình lại đem tiền qua giúp đỡ; đôi khi lại mang con qua xây dựng hàng rào, chuồng gà, sơn quét nhà cửa cho anh ta. Chuyện thật ngược đời. Đảng Cộng Hòa nói: Không được. Đảng Dân Chủ nói: Được. Đáng giúp đỡ. Còn bạn, nghĩ sao? Ngày 18 tháng 10 năm 2023, Hãng thông tấn ABC News đưa tin: “Chính quyền Biden đang soạn thảo gói viện trợ nước ngoài trị giá 100 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ cho Israel cũng như các ưu tiên an ninh hàng đầu khác.” Dự thảo này phải được quốc hội phê chuẩn. Chắc hẳn sẽ gặp khó khăn vì Đảng Cộng Hòa giữ đa số ở hạ viện. 100 tỷ là số tiền khá lớn, trong lập luận của đảng Cộng Hòa, tại sao không dùng số tiền này để phát triển kinh tế nước Mỹ? Xây dựng những công trình nội địa mang lợi ích đến cho người dân? Trong lập luận của đảng Dân Chủ, giúp người tức là tự giúp mình
Lại một lần nữa, cộng đồng tình báo quốc tế cho thấy khả năng dự báo hoàn toàn sai lạc khi nhận định rằng xung đột Trung Đông không có dấu hiệu leo thang trong khi chiến tranh Ukraine đang tiếp diễn. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn khi thiếu chuẩn bị các biện pháp phòng thủ cần thiết, vì ông tin tưởng tuyệt đối ưu thế quân sự của 170.000 quân Do Thái so với 40.000 chiến binh Hamas. Chính ông Ehud Barak, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng 80% dân chúng cũng đồng quan điểm, cho rằng Thủ tướng Netanyahu phải chịu trách nhiệm chính trị cho thảm hoạ hiện nay.
Thái độ chán học Mác và ngán nghe theo lời Bác dậy lan tràn trong sinh viên, học viên các trường Đảng đã làm cho tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng tăng cao đe dọa sự tồn vong của chế độ...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.