Hôm nay,  

Oan Oan Tương Báo Trong Lịch Sử

17/09/201600:00:00(Xem: 6392)
Có những mối thù giữa cá nhân và cá nhân, hay giữa tập thể và tập thể gây ảnh hưởng tới lịch sử một dân tộc hay tới cả nhân loại. Nguyên nhân gây ra hận thù nằm trong năm loại: Lời nói sỉ nhục, hành động sỉ nhục, hành động chiếm đoạt tài sản, hành động giết hại, hành động tà dâm.

A/ Giữa cá nhân và cá nhân:

Câu chuyện 1: Trong thời Đức Phật còn đang truyền đạo tại nước Ma Kiệt Đà, Vua Tần Bà Sa La hay Bình Sa Vương là vị vua đầu tiên qui y với Đức Phật. Ngay khi nghe xong bài pháp về Túc Sanh truyện (Maha Narada Kassapa), vua đã đắc quả Thánh Nhập Lưu là Tu Đà Hườn (Sotapattiphalacittam) (Xem sách "Đức Phật và Phật Pháp"--Tác giả Narada Maha Thera--Dịch giả Phạm Kim Khánh--1964--Ấn bản 2001--Thích Ca Thiền Viện --Chương 11: Những Đại Thí Chủ Trong Hàng Vua Chúa---Trang 200-205).

Thái tử A Xà Thế nghe lời xúi giục của Đề Bà Đạt Đa âm mưu giết vua đoạt ngôi. Mặc dù âm mưu bại lộ, vua không trị tội mà còn nhường ngôi cho con. Ngay khi lên ngôi, A Xà Thế hạ lệnh giam vua cha vào ngục, cố ý bỏ cho chết đói. Vợ vua Tần Bà Sa La là Vi Đề Hi, mẹ A Xà Thế, mỗi lần vào thăm chồng phải tắm gội sạch sẽ, trét lên mình một món đồ ăn làm bằng bột, mật ong, đường, sữa để nuôi vua. A Xà Thế biết được, ra lệnh cho một tên thợ cạo vào xén gót chân vua, xát dầu và muối và bắt vua đi trên lửa nóng khiến vua chết vô cùng đau đớn.

Nhưng trước khi A Xà Thế được tin vua cha chết thì đã hay tin hoàng hậu vừa hạ sanh một hoàng tử. A Xà Thế vui mừng, lần đầu tiên trong đời có cảm nghiệm hạnh phúc được làm cha. Nhưng ngay lúc đó A Xà Thế bỗng liên tưởng đến vua cha và hoảng hốt hỏi mẹ ngày xưa khi sinh con ra cha có hạnh phúc không? Bà Vi Đề Hi ràn rụa nước mắt kể lại rằng vua cha là một người cha tốt vô cùng. Khi còn nhỏ A Xà Thế bị mụn nhọt trên đầu ngón tay làm đau nhức suốt ngày đêm, vua cha đã ngậm, mút và nuốt hết máu mủ tanh hôi cho con khiến con khỏi bệnh.

A Xà Thế kêu to lên: "Hãy chạy mau, thả ra ngay lập tức người cha yêu quý của trẫm".

(Sách đã dẫn)

Nhưng đã muộn rồi. Nỗi hối hận dày vò khiến A Xà Thế tìm đến xin Đức Phật dạy cho pháp giải tội đại bất hiếu. A Xà Thế trở thành một Phật tử thuần thành, một vị vua hộ pháp lỗi lạc. Sau khi Phật nhập Niết Bàn, chính ông đã hỗ trợ cho 500 vị A la Hán kiết tập kinh điển lần thứ nhất.

Luận giải: Đề Bà Đạt Đa đã nói những điều gì khiến A Xà Thế nuôi lòng sân hận đưa đến hành động giết cha?

Để trả lời câu hỏi này, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm kể lại sự tích "A Xà Thế giết cha" chi tiết hơn.(Xem sách: Kinh A Di Đà và Kinh Quán Vô Lượng Thọ"--Soạn giả: Thích Thiền Tâm---Kinh Ấn Tống --- 2002-- Nhà In Number-One Printing, California).

Chánh hậu Vi Đề Hi cao tuổi mà chưa sanh hoàng nam. Vua đi cầu thần khắp nơi, cuối cùng nghe lời một tướng sư nói có một tiên nhân đang tu hành ở núi Tỳ Phú La sau ba năm sẽ chết và tái sanh làm thái tử. Vua đến yết kiến vị tiên nhân và yêu cầu tiên nhân xả thân sớm, nhưng tiên nhân nói chưa đến thời khắc tái sanh. Vua nóng lòng sai người giết tiên nhân. Lúc hấp hối, tiên nhân thề sẽ tái sanh làm thái tử và sẽ giết vua trả thù. Ngay sau khi tiên nhân chết, hoàng hậu có thai. Đến kỳ sanh nở, vua cho mời các tướng sư đến đoán điềm tốt xấu. Các tướng sư đều đoán hoàng hậu sẽ sanh con trai nhưng từ trong bào thai đứa bé đã mang sẵn mối oán cừu với cha, cho nên ngày sau sẽ làm hại vua. Vua lo sợ bèn dặn cung nữ lúc hoàng hậu hạ sanh hãy giả vờ làm cho hài nhi rớt xuống đất cho chết. Ai ngờ khi rớt xuống đất, đứa bé chỉ bị gãy ngón tay út mà thôi. Vì thế tên A Xà Thế - Ajatasattu- có nghĩa Vị Sanh Oán, cũng có nghĩa Chiết Chỉ. Vị Sanh Oán là có oán cừu lúc chưa sanh ra. Chiết Chỉ là gãy ngón tay.

Khi Đề Bà Đạt Đa có tham vọng cướp ngôi Giáo Chủ tăng đoàn của Đức Phật Thích Ca muốn có hậu thuẫn của vua chúa, nên đến gặp thái tử A Xà Thế khuyến dụ thái tử giết vua cướp ngôi. Ông ta kể cho thái tử nghe câu chuyện bí mật cung đình khi thái tử mới sanh ra bị vua cha tính giết nhưng không chết chỉ bị gãy ngón tay út. Nghe kể xong, thái tử nổi lòng thù hận với vua cha và quyết tâm cùng Đề Bà Đạt Đa âm mưu giết cha cướp ngôi.

Câu chuyện dựa trên thuyết tái sanh oan oan tương báo để giải thích một sự kiện lịch sử. Tất nhiên người có óc khoa học thực nghiệm chỉ suy luận dựa trên những dữ kiện có thể kiểm chứng được: ngón tay út của hài nhi bị gãy, Đề Bà Đạt Đa quả có âm mưu với A Xà Thế, Bình Sa Vương quả có bị giam cầm cho đến chết, hoàng hậu Vi Đề Hi quả có thỉnh Phật thuyết về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà.

Điểm quan trọng nhất trong chuỗi các sự kiện là lòng sân hận muốn giết cha để cướp ngôi. Lòng sân hận đó đi kèm với lòng tham quyền lực. Trong lịch sử Việt, Trung Hoa, hay thế giới không thiếu gì những thảm kich cha giết con, con giết cha, anh em giết nhau vì quyền lực. Cùng huyết thống mà còn như vậy huống hồ dị nhân ngoại tộc, như trường hợp cùng lý tưởng như Stalin và Trostky cũng phải âm mưu trừ khử nhau. Ý chí quyền lực có lẽ là động lực mạnh mẽ nhất khiến cho các bản ngã tranh chiến nhau đến chết (lutte à mort,struggle to death).

Câu chuyện 2: Trong lịch sử Việt Nam có lưu truyền câu chuyện về một mối thù oan oan tương báo giữa hai nhân vật lịch sử nổi tiếng, Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường. Ngô Thì Nhậm (1746-1803) sinh quán tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, con của Ngô Thì Sĩ cùng làm quan to triều Lê Trịnh, thời chúa Trịnh Sâm Tĩnh Đô Vương (1768-1782) và vua Lê Hiển Tông (1740-1786).. Ông đỗ Tiến Sĩ năm 1775, nổi tiếng là danh sĩ Bắc Hà. Năm 1782 khi chúa Trịnh Khải lên ngôi Đoan Nam Vương, Ngô Thì Nhậm phải chạy trốn khỏi triều đình vì có liên quan đến vụ án năm Canh Tý 1780 khiến Trịnh Khải bị tù. Mãi cho đến năm 1787 khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai để giết Vũ Văn Nhậm rồi mới chiêu hàng các quan cũ triều Lê Trịnh, trọng dụng Ngô Thì Nhậm.

Khi ấy Đặng Trần Thường (1759-1813) sinh quán huyện Chương Đức Hà Nội cũng là người khoa bảng, muốn làm quan với nhà Tây Sơn, đến xin Ngô Thì Nhậm tiến cử. Nhìn vẻ khúm núm của Thường, Ngô Thì Nhậm nói: "Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh giúp vua cai trị đất nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác" (Xem Wikipedia). Thường xấu hổ ôm mối hận thù ra về, tìm đường vào Nam theo chúa Nguyễn Ánh, lập được nhiều công to làm đến Binh Bộ Thượng Thư. Khi chúa Nguyễn Ánh diệt xong nhà Tây Sơn vào năm 1802, bắt tất cả cựu quan nhà Lê đã hàng và làm việc cho Tây Sơn ra trình diện và giao cho Đặng Trần Thường phạt đánh roi trước nhà Văn Miếu. Các quan khác chỉ bị đánh bằng roi thường, riêng Ngô Thì Nhậm bị Đặng Trần Thường thâm thù nên bị đánh bằng roi tẩm thuốc độc, về nhà it lâu thì chết năm 1803.

Nhưng trước khi chết, Nhậm làm một bài thơ gởi cho Thường đại ý nói số phận của Thường rồi sẽ giống như Hàn Tín bị Lữ Hậu vợ Hán Cao Tổ giết thôi. Quả nhiên mười năm sau Thường bị vua Gia Long bắt bỏ ngục và chết năm 1813.

Luận giải: Lời sỉ nhục của N T Nhậm tạo nên mối hận thù trong lòng Đ T Thường. Khi phát ra ác khẩu đó, N T Nhậm không hề nghĩ rằng mình đã gieo mầm chết cho chinh mình mười mấy năm sau. Cả hai vị đều là những nhà trí thức bậc cao. Lẽ ra nhà trí thức bên chiến thắng phải gạt bỏ thù riêng, nhìn lợi ích chung của dân tộc mà trọng dụng nhân tài Ngô Thì Nhậm mới phải vì Ngô Thì Nhậm đã có công lớn với đất nước trong công cuộc chiến đấu chống quân xâm lựợc nhà Thanh năm 1789.

B/ Giữa cá nhân và tập thể:

Khi Đức Phật còn tại thế, vua nước Kosala cũng là một đại thí chủ. Vua Ba Tư Nặc lấy một người cung phi thuộc gia tộc của giòng Thích Ca, sanh ra hoàng tử Tỳ Lưu Ly (Vidudabha). Nhà vua không biết rằng người cung phi này là con của một nô tỳ. Khi hoàng tử lớn lên về thăm quê ngoại, cả hoàng gia Thích Ca đối xử với chàng như một người thuộc giai cấp bần hàn. Hành động sỉ nhục đó đã tạo nên mối hận kinh khủng trong lòng hoàng tử. Hoàng tử nuôi chí báo thù. Khi đã đủ trưởng thành, văn võ song toàn, hoàng tử lập mưu cướp ngôi, đầy vua cha vào một ngôi đền hoang vắng ngoại kinh đô và bỏ đói cho đến chết. Sau đó hoàng tử cất binh đánh thành Ca Tỳ La Vệ giết hết nam nhân của giòng Thích Ca (Sách đã dẫn: Đức Phật và Phật Pháp).

Luận giải: Xã hội Ấn Độ phân chia ra bốn giai cấp rõ rệt:

- Giai cấp Bà La Môn cao nhất gồm những tăng lữ có khả năng trí thức và có quyền giảng Kinh Phệ Đà, thực hành những nghi lễ tế tự thiêng liêng

- Giai cấp Sát đế Lỵ gồm vua chúa và tướng lãnh nắm quyền chánh trị quân sự làm hậu thuẫn cho giai cấp Bà La Môn.Hai giai cấp này thuộc giòng giống A Ry En đến chinh phục Ấn Độ và trở thành chủ nhân của đất nước.

- Giai cấp Vệ Sá Ly gồm thường dân sĩ, nông, công, thương hoạt động trong lãnh vực kinh tế xã hội phuc vụ vật chất cho hai giai cấp thống trị.

- Giai cấp Thủ Đà La gồm hàng tiện dân làm nô lệ, ở mướn,làm thuê hay ăn xin. Lớp người này

vốn là thổ dân Ấn Độ bị chinh phục bởi giống A Ry En.

(Xem sách: "Phật Học Tinh Yếu--Hòa Thượng Thích Thiền Tâm--Tập I-Thiên thứ nhất--Chương nhất--Tiết IV).

Sự phân chia giai cấp này chứng thực một chân lý lịch sử: kẻ thắng làm chủ thống trị, kẻ bại làm nô, bị trị. Hoàng tử Tỳ Lưu Ly, giòng giõi của giai cấp nô lệ đã phục thù cho giai cấp mình theo luật oan oan tương báo. Chủ sẽ biến thành nô, nô sẽ biến thành chủ sau một chuỗi những tranh chiến sanh tử.Tuy nhiên hoàng tử chỉ giết được một số người mà khong thủ tiêu được cả giai cấp.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã phê phán hành động của hoàng tử Tỳ Lưu Ly.Trong chương IV, Mục II nhan đề: "Hỏi về việc bác không có nhân quả bị sa mãi vào địa ngục---về nghiệp chung, nghiệp riêng ", Tôn giả A Nan bạch Phật:"Như Đại vương Tỳ Lưu Ly, Tỳ Khưu Thiện Tính. Lưu Ly vì giết họ hàng Cù Đàm, Thiện Tính vì nói càn tất cả các pháp đều rỗng không mà thân sống sa vào địa ngục A Tỳ". Đức Phật không chủ trương dùng bạo động để san bằng giai cấp, mà tìm cách nâng người thuộc giai cấp dưới lên ngang hàng hay vượt hơn người thuộc giai cấp trên. Một trong mười đại đệ tử của Phật là tôn giả Ưu Ba Ly xuất thân từ giai cấp Thủ Đà La được Đức Phật thâu nhận làm đệ tử, tu tập chứng được quả Thánh cao nhất, A La Hán, nổi tiếng là vị tăng trì giới đệ nhất.

C/ Mối Thù Giữa Hai Giòng Họ:

Trong lịch sử Việt Nam, mối thù giữa hai họ Trịnh Nguyễn đã làm cho con cháu hai họ kéo theo nhân dân hai miền Nam Bắc giết nhau hơn hai trăm năm. Khi nhà Hậu Lê, khởi nghiệp từ năm 1428 với vua Thái Tổ Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh, đến năm 1527 bị mất vào tay họ Mạc, nhiều trung thần đã gầy dựng lại cơ đồ nhà Lê gọi là nhà Lê Trung Hưng kéo dài mãi tới năm 1786 mới chấm dứt. Người có công lớn nhất là quan Hữu vệ Điện Tiền Tướng Quân An Thành Hầu Nguyễn Kim. Năm 1532 Nguyễn Kim lập vua Lê Trang Tông làm vua đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng để nêu cao chánh nghĩa chống với nhà Mạc. Năm 1539 Ông tìm được một tướng giỏi là Trịnh Kiểm, gả con gái là Ngọc Bảo. Năm 1545 Nguyễn Kim chết, binh quyền vào cả tay Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm có gian ý thoán ngôi nhà Lê nhưng còn sợ hai người em vợ là hai mãnh tướng trong triều, Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Kiểm âm mưu giết Nguyễn Uông để trừ vây cánh. Nguyễn Hoàng sợ, nói với chị là Ngọc Bảo xin anh rể cho vào trấn vùng Thuận Hóa là nơi biên địa thường bị nước Chiêm Thành quấy rối. Năm 1558 Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa mở mang bờ cõi, mở đầu cho cơ nghiệp nhà Nguyễn chống nhau với nhà Trịnh.

Khi Trịnh Kiểm mất vào năm 1570, con là Trịnh Tùng lên thay. Trịnh Tùng là vai cháu gọi Nguyễn Hoàng là cậu. Hai cậu cháu trở thành thù địch vì tranh giành quyền lực khiến cho tám đời chúa Trịnh tiếp theo gây chiến tranh liên miên với chín đời chúa Nguyễn làm chết biết bao nhân tài non trẻ của dân tộc.

Luận giải: Nguyễn Hoàng có hai mối hận với họ Trịnh, một là thù giết anh, hai là thù họ Trịnh cướp công đoạt chức. Công chính phù Lê diệt Mạc đáng lẽ thuộc về Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng, nhưng con cháu Nguyễn Hoàng ở phương Nam chỉ được phong tước Công (Đoan Quốc Công) còn con cháu Trinh Kiểm lại được phong Vương (Bình An Vương Trịnh Tùng). Từ tham vọng của một người biến thành mối thù của cả giòng họ. Hai giòng họ tranh chiến biến thành nội chiến của cả dân tộc. Giả sử mỗi bên hòa hiếu xứ nào xây dựng xứ đó thì hai trăm năm đủ để dân tộc giàu có thịnh vượng không bị ngoại xâm chà đạp.

D/ Mối Thù Giữa Hai Dân Tộc:

Mối thù sinh tử giữa hai dân tộc Pháp Đức là một trong những nguyên nhân đưa đến hai cuộc đại chiến thế giới. Từ năm 1815 cho đến 1870 liên bang Đức gồm có 39 tiểu quốc mà hai nước lớn nhất là Phổ và Áo. Năm 1862, vua William I của Phổ bổ nhiệm Bismarck (1815-1898) làm thủ tướng nhằm dùng võ lực thống nhất nước Đức dưới quyền lãnh đạo của Phổ (Xem sách: World History, Perspective on the Past---Nhà xuất Bản D.C Heath and Company-1992--Nhiều Tác Giả--trang 559: Chiến Tranh Pháp Phổ). Cho tới năm 1867 nhiều tiểu quốc ở phía bắc nước Đức đã chịu sự lãnh đạo của Phổ sau khi Phổ đánh bại nước Áo năm 1866.

Từ 1852 dân Pháp chịu sự cai trị độc tài của Hoàng Đế Napoleon đệ Tam, một người cháu bất tài của Hoàng Đế Napoleon đệ Nhất nhưng lại muốn bắt chước chú tạo nên những chiến công oanh liệt. Bismarck muốn đánh Pháp để lấy thanh thế thu phục nốt những tiểu quốc miền Nam. Năm 1870, nhân có việc đại sứ Pháp qua triều đình Phổ bàn về vấn đề kế vị ngôi vua ở Tây Ban Nha, Bismarck đã dùng một thủ đoạn chính trị để kích cho Pháp gây chiến. Bismarck ngụy tạo bản thông tin báo chí theo đó vua William dệ I và đại sứ Pháp lăng mạ sỉ nhục lẫn nhau. Công chúng hai quốc gia phẫn nộ. Ngày 19 tháng 7 năm 1870 nước Pháp tuyên chiến với Phổ. Bismarck đã chuấn bị từ lâu cho cuộc chiến tranh này, nên chỉ trong hai tháng đã bắt được hoàng đế Pháp làm tù binh. Bốn tháng sau Paris thất thủ. Pháp thua trận phải bồi thường chiến phí 5 tỉ Phật-lăng, phải cắt hai tình Alsace và Lorraine cho Phổ. Hai tỉnh này có nhiều mỏ than và mỏ sắt. Ngày 18 tháng Giêng năm 1871, tại điện Versailles, vua William I làm lễ đăng quang Hoàng Đế của Đế quốc Đức gọi là The Second Reich. Người dân Pháp chịu một cái nhục quốc thể, một lòng căm thù Đức mặc dù chia rẽ nhau về chính trị, thề sẽ lấy lại hai tỉnh bị mất. (Sách đã dẫn, trang 560).


Mối thù đó đã được trả sau khi Đức thất trận trong thế chiến thứ nhất 1914-1918. Ngày 28 tháng 6 năm 1919, phái đoàn nước Đức bại trận đến ký hiệp ước đầu hàng trong "Hall of Mirrors of Versailles, the same room in which the German had forced the French to sign a humiliating treaty in 1871" (Sách đã dẫn, trang 635).

Pháp đã lấy lại hai tỉnh Alsace và Lorraine, nhưng hiệp ước Versailles đã ép nước Đức quá đáng khiến cho sau này Hitler dựa vào đó để gây cuộc đại chiến thứ hai 1939-1945. Đầu tháng 6 năm 1940, quân Hitler đánh bại quân Pháp, chiếm Paris. Ngày 16 tháng 6 năm 1940, Pháp phải lập chính phủ bù nhìn Petain để ký hiệp ước đầu hàng. Hitler đòi hỏi chính phủ Pháp phải đến làng Compiegne gần Paris, ở trong cùng toa xe lửa mà ngày xưa người Đức đã bị ép đến ký hiếp ước đình chiến sau khi thất trận Thế Chiến thứ nhất. "Hitler walked from the railroad car giddy with triumph" (Sách đã dẫn, trang 711).

Luận giải: Hai dân tộc Pháp Đức quả là có oan oan tương báo. Xét cho cùng, lòng tham của cải và quyền lực quá đáng là nguyên động lực gây ra mọi thảm kịch. Học giả Nguyến Hiến Lê viết về hành xử của các nhà lãnh đạo Anh, Pháp trong hội nghị Versailles sau Thế Chiến I như sau: “Vậy hội nghị Versailles đã thất bại, các chính khách Anh Pháp đã không hiểu phép xử thế này: đừng bao giờ bắt người khác chịu những điều người ta khôngchịu nổi" (Lịch Sử thế Giới--Nguyễn Hiến Lê--Nhà xuất Bản Văn nghệ--Californina -- 1994 -- trang 697).

Trong đời thường cũng vậy, xử ức người khác thì coi chừng sẽ tức nước vỡ bờ. Chính vì khi lửa tham và lửa sân bùng lên thì lý tri con người bị mờ ám trong bức màn vô minh nên bao bi kịch và thảm kịch đã xẩy ra.

E/ Tương Tranh Quốc Cộng Trong Lịch Sử Trung Hoa

Gần một thế kỷ trước, từ 1921 đến 1949 đã xảy ra cuộc tương tranh đẫm máu giữa đảng Cộng Sản Trung Hoa và Quốc Dân Đảng Trung hoa với ba lãnh tụ nổi tiếng thế giới: Tôn Văn (TV 1866-1925), Tưởng Giới Thạch (TGT 1887-1975) và Mao Trạch Đông (MTĐ 1893-1976).

Học giả Nguyễn Hiến Lê đã chía ra năm thời kỳ tương tranh (Xem sách "Sử Trung Quốc--xuất bản lần đầu năm 1983 tại Sài Gon---In lại năm 2006 tại Sài gòn --Nhà Xuất Bản Tổng Hợp---Cuốn III--Phần IV--từ trang 563 đến trang 683):

1-Thời Kỳ thứ Nhất: 1921-1925: Tôn Văn kết minh với Đảng Cộng Sản Nga.

Cách mạng vô sản thành công ở Nga năm 1917 thì năm 1921 Nga thành lập Đảng Cộng Sản Trung Hoa với ba lãnh tụ ban đầu: Trần Độc Tú, Mao Trạch Đông, Trương Đại Lôi. Năm 1922, Tôn Văn bị quân phiệt Quảng Châu Trần Quýnh Minh mưu giết phải chạy trốn lên Thượng Hải. Quốc Dân Đảng của ông không được các nước Anh, Mỹ Pháp Nhật giúp nên ông tìm cách kết minh với đảng Cộng Sản Nga. Nắm lấy cơ hội, Nga phái Borodine,một đảng viên cộng sản sang gíup Tôn Văn đào tạo huấn luyện cán bộ và thuyết phục Tôn Văn cho đảng viên cộng sản được gia nhập Quốc Dân Đảng. Thế là Tôn Văn tự rước lấy tai họa vào mình khiến cho sau này Tưởng Giới Thạch phải dùng biện pháp sắt máu để gạt bỏ cán bộ cộng sản ra khòi đảng.

Đầu năm 1925 các quân phiệt miền Bắc như Đoàn Kì Thụy, Phùng Ngọc Tường, Trương Tác Lâm lật đổ chính phủ Băc Kinh, mời Tôn Văn lên thủ đô bàn việc thống nhất đất nước. Việc chưa thành thì Tôn Văn chết vì ung thư ngày 12 thang 3 năm 1925 để lại gia sản là một nước Trung Hoa ngập trong máu oan cừu.

2-Thời kỳ thứ hai: 1926-1928: Tưởng Giới Thạch Diệt Quân Phiệt, Trục Cộng Sản.

Sau khi Viên Thế Khải chết tháng 6-1916, nước Trung Hoa rơi vào tình trạng rối loạn, tranh chiến giưa các đốc quân, mỗi người chiếm một địa phương, tuyên bố tự trị hay độc lập, bắt lính, đánh thuế bừa bãi khiến dân chúng Trung Hoa chịu bao cảnh đau khổ. Nổi tiếng nhất ở phương Bắc có các tướng quân bộ hạ cũ của họ Viên là Đoàn Kì Thụy, Phùng Ngọc Tường, Trương Tác Lâm. Ở phương Nam có các quân phiệt Đường Kế Nghiêu chiếm tỉnh Vân Nam, Lục Minh Đình chiếm tỉnh Quảng Tây...Các tướng quân này phần lớn vô học, giàu có vì cướp bóc của dân, có tiền gởi vào ngân hàng của ngoại nhân, mua khí giới của ngoại nhân,lại sống xa xỉ, dâm dật, khi thua trận thì vào các tô giới ngoại nhân ẩn náu. Như Trương Tác Lâm hợp tác với Nhật rồi sau cũng bị Nhật giết. Ngô Bội Phu vùng Hà Bắc thì cấu kết với đế quốc Anh Mỹ.

Tưởng Giới Thạch có công diệt quân phiệt nhưng lại mở ra cuộc phân tranh mới khốc liệt hơn. Năm 1920 ông gia nhập Quốc Dân Đảng, năm 1923 được Tôn Văn cử sang Nga học võ bị trong sáu tháng, khi về nước lập ra trường võ bị Hoàng Phố ở Quảng Châu. Tháng 6 -1926 ông được đảng đề cử làm Tổng Tư Lệnh Quân Quốc Dân Cách Mạng, ban lệnh động viên tiến quân Bắc Phạt. Chiến dịch bắt đầu từ tháng 7-1926, chiếm hết những thành phố quan trọng như Vũ Hán, Thượng Hải, Nam Kinh và sau cùng Bắc Kinh vào tháng 5-1928.

Song song với cuộc Bắc Phạt, TGT dùng một thủ đoạn chính trị "vô song" để trục xuất những đảng viên cộng sản ra khỏi Quốc Dân Đảng vì tháng 12-1926 phe cộng sản trong Quốc Dân Đảng ở Vũ Hán âm mưu truất quyền Tư Lệnh quân đội của Tưởng (Sđd, trang 619). Ngày 12 tháng 4-1927 TGT ngầm thỏa thuận với giới đại tư bản và giới xã hội đen ở Thượng Hải giết hàng ngàn đảng viên cộng sản, diệt tan mọi cơ sở đảng và chiếm Thượng Hải dễ dàng. Hai ngày sau, chiếm Nam Kinh và thành lập một chình phủ quốc dân mới không có cộng sản. Ngày 15 tháng 7-1927, chính phủ Vũ Hán do Uông Tinh Vệ cầm đầu cũng ra lệnh trục xuất đảng viên cộng sản và hợp nhất với chính phủ Nam Kinh.

Thế là TGT vừa thành công trong việc diệt quân phiệt, vừa loại trừ thành phần cộng sản trong đảng mà TV đã lỡ lầm cho gia nhập vì mắc mưu Borodine. Ngày 9 tháng 10-1928 TGT được bầu làm Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật.

3-Thời Kỳ thứ ba: 1927-1937: TGT truy quét Cộng Sản ra khỏi Trung Nguyên:

Thời kỳ này chia thành hai giai đoạn:

a/ Giai đoạn 1927-1930: Theo đúng lý thuyết Mác, các cố vấn Nga chỉ đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa dựa vào giai cấp công nhân thợ thuyền thành thị làm nòng cốt đấu tranh. Nhưng giai cấp công nhân ở Trung Hoa thời kỳ này còn quá lỏng lẻo nên những cuộc nổi loạn đều thất bại. Nặng nhất là vụ nổi loạn của thợ thuyền Quảng Châu tháng 12 -1927 với 4000 đảng viên và 100 cố vấn Nga bị giết, cùng với vị hiệu trưởng trường quân sự Công Sản Kirischeff. (Sđd, trang 627). Năm 1930, lãnh tụ CS Lý Lập Tam chỉ đạo một cuộc nổi loạn ở Trường Sa cũng thất bại, bị Liên xô cách chức rút về Nga.

b/ Giai đoạn 2: 1931-1937: Mao Trạch Đông làm lãnh tụ đảng Công Sản Trung Hoa

Từ 1925, MTĐ đã chú tâm vào giai cấp nông dân ở quê hương mình là Hồ Nam. Ông đã nhìn ra hướng đi đúng của cách mạng vô sản ở Trung Hoa là phải dựa vào giai cấp nông dân làm nòng cốt chứ không phải thợ thuyền. Năm 1931, ông tạm bỏ thành thị, rút về miền rừng núi của các tỉnh Giang Tây, Hồ Nam, Phúc Kiến huấn luyện nông dân trong các mật khu, rồi tập hợp các mật khu đó thành lập chính phủ Công Hòa Xô Viết đầu tiên tại Thụy Kim Giang Tây, bầu MTĐ làm chủ tịch với sự cộng tác của các lãnh tụ nổi tiếng như Chu Ân Lai, Chu Đức, Bành Đức Hoài. Thế là từ năm 1931 Trung Hoa có hai chính phủ Quốc Cộng tranh hùng sinh tử.

Tháng 10-1933, TGT tổng tấn công căn cứ Giang Tây, MTĐ thua, phải chạy trốn suốt một năm trời từ tháng 10-1934 cho đến 10-1935 mới thoát được đến Diên An Thiếm Tây, miền tây bắc Trung Hoa. Cuộc trốn chạy đó được mệnh danh lả cuộc Trường Chinh chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Khởi đầu số người theo Mao là 100,000,khi đến Thiểm Tây chỉ còn 20,000.

4/ Thời kỳ thứ 4: 1937-1945: Quốc Cộng Liên Hiệp Chống Nhật.

Trong suốt cuộc Đại Chiến Thế Giới lấn thứ hai, hai chính phủ Quốc Cộng chỉ liên hiệp chống Nhật trên danh nghĩa. Hai bên luôn dùng những thủ đoạn để tấn công lẫn nhau.

TGT đã di tản chính phủ từ Nam Kinh lên Trùng Khánh, còn MTĐ vẫn cố thủ ở Diên An.

5/ Thời Kỳ thứ 5: 1946-1949: MTĐ đánh đuổi TGT ra Đài Loan

Sự thối nát trong chính quyền QDĐ ở Trùng Khánh đã khiến cho TGT thua MTĐ.Ngày 1 tháng 10-1949 MTĐ tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, chủ tịch là Mao Trạch Đông.

Luận Giải: Cuộc tranh hùng Mao-Tưởng gợi nhớ đến cuộc "Hán Sở Tranh Hùng" 2000 năm trước (206-202 BC). Một trong hai đối thủ phải chết nếu không muốn trở thành nô lệ cho kẻ chiến thắng. Lưu Bang thắng Hạng Võ chẳng phải giai cấp nào thắng giai cấp nào, Mao thắng Tưởng chẳng phải giai cấp nông dân thắng giai cấp thị dân. Trong lịch sử Trung Hoa đã có biết bao lần chia rẽ loạn lạc rồi có bao nhiêu lãnh tụ có tài thống nhất đất nước như Tần Thủy Hoàng, Dương Kiên nhà Tùy, Lí Uyên nhà Đường, Triệu Khuông Dẫn nhà Tống, Chu Nguyên Chương nhà Minh. Dân Trung Hoa từ tầng lớp nông dân, thương nhân, cho đến trí thức lúc thì theo lãnh tụ này lúc theo lãnh tụ khác. Ngay cả khi ngoại tộc là Mãn Thanh làm chủ Trung Hoa người dân cũng ngoan ngoãn phục tùng trong hai trăm năm. Nếu nhà Thanh mà còn có những vua giỏi như Khang Hy, Ung Chính, Càn Long thì chưa chắc dân Trung Hoa đã muốn lật đổ.

Bằng chứng là những nhà trí thức như Khang Hữu Vi(1857-1927), Lương Khải Siêu(1873-1929) vẫn chủ trương bảo hoàng.

Đảng Cộng Sản tự gán cho mình nhãn hiệu "Ý thức của giai cấp vô sản" thực sự đã trở thành giai cấp thống trị mới, một hoàng tộc kiểu mới như học giả Nguyễn Hiến Lê viết "Vậy triều đình của Mao không khác gì triều đình hủ lậu thời quân chủ: Hoàng Hậu-Giang Thanh- ham quyền hành, muốn theo gót Từ Hi thái hậu, còn hoàng đế (Mao) thì bỏ ý thức hệ cộng sản mà trở về truyền thống cũ truyền ngôi lại cho con mặc dầu là con nuôi(Hoa Quốc Phong "lên ngôi" năm 1976)(sđd: trang 740-741). Hoàng tộc kiểu mới của đảng Cộng Sản Bắc Triều Tiên cũng vậy.

Danh hiệu "Đảng Cộng Sản là ý thức lãnh đạo của giai cấp vô sản" hoàn toàn vô nghĩa hoặc tự mâu thuẫn khi đảng trở thành một chế độ phong kiến kiểu mới và phải ăn bám phụ thuộc vào kẻ thù tư bản để sống còn.

F/ Mối Thù Của Bầy Tôi Bị Vua Cướp Vợ

Năm 1527 Mạc Đăng Dung giết hai vua Lê (Chiêu Tông và Cung Hoàng) chiếm ngôi tự xưng là Thái Tổ nhà Mạc lấy niên hiệu Minh Đức, truyền đến đời thứ năm là Mạc Mậu Hợp (1562-1592). Mậu Hợp lên ngôi lúc mới hai tuổi nên quyền chính vào cả tay các quyền thần. Khi trưởng thành, Mậu Hợp say mê tửu sắc bỏ bê việc triều chính.

Đầu năm 1592, con của Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng làm Quan Tiết Chế (Tổng Tư Lệnh quân đội) của Triều Lê Trung Hưng đem quân đánh thành Thăng Long, Mậu Hợp phải trốn qua phía bắc sông Nhị Hà. Sau khi san bằng các hào lũy vây quanh thành, Trịnh Tùng rút quân về Thanh Hóa. Mậu Hợp trở về Thăng Long, càng hoang dâm vô độ. Một tướng giỏi thủy quân của nhà Mạc là Bùi Văn Khuê có người vợ đẹp tên Nguyễn thị Niên vốn là em gái của hoàng hậu. Thị Niên thường vào cung thăm chị. Mậu Hợp mê nhan sắc Thị Niên, ngầm tính kế giết Bùi Văn Khuê để cướp vợ. Khuê biết được toan tính của vua bèn làm phản, ngầm cho con trai qua bên phủ Tiết Chế Trịnh Tùng xin hàng. Trịnh Tùng mừng lắm ban cho Khuê tước Mỹ quận công. Khuê quay lại đánh Mậu Hợp. Cuối năm 1592, Mậu Hợp thua chạy, bị bắt, ngậm ngùi than rằng:

"Nghiệp chướng quá sâu! Nay cầu làm một người dân thường cũng không thể được. Tội lỗi cũng vì tổ tiên đã làm sự giết vua cướp ngôi đến nỗi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vậy. Mong tướng sĩ dẫn tôi đến trước hoàng đế để bày tỏ thực tình. Đó là lòng tôi rất mong muốn." (Xem sách "Đại Việt Thông Sử--Lê Quý Đôn (1726-1784)--Bản dịch Việt Ngữ của Trúc Viên Lê Mạnh Liêu --Sài Gòn -trước 1975--In lại năm 1993 tại Việt Nam--Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Đồng Tháp---Nguyễn Khắc Thuần hiệu đính ---trang 258). Mậu Hợp bị treo sống ba ngày, sau đó bị chặt đầu, hai con mắt bị đóng đinh, bêu ra ngoài chợ.

Luận giải: Hành động tà dâm của Mậu Hợp đã gây mối hận thù nơi bầy tôi và dẫn tới cái chết thê thảm. Lời than của Mạc Mậu Hợp, một ông vua từng hưởng phú quý trong 30 năm, biểu lộ sự phản tỉnh muộn màng về tội lỗi mà ông phải gánh quả báo cho cả dòng họ.

Kết luận: Những mối oan cừu gây nên thảm kịch trong đời thường hay trong lich sử rốt cuộc đều bắt nguồn từ những khuynh hướng xấu ác trong tâm con người: tâm tham, tâm sân, tâm si.

Tuy nhiên trong tâm con người cũng có những khuynh hướng lành thiện giúp cho con người phản tỉnh về những lỗi lầm để xây dựng một cộng đồng nhân loại tốt đẹp hơn. Sách Vi Diệu Pháp Toát Yếu của Phật Giáo (Abhidhammattha Sangaha-- Tác giả Bhadanta Anuruddhacariya--Dịch giả Anh ngữ Narada Maha Thera---Dich giả Việt ngữ: Phạm Kim Khánh--Ấn bản của Thích Ca Thiền Viện, California) liệt kê 25 khuynh hướng lành thiện và chỉ có 14 khuynh hướng xấu ác (sđd; trang 98-99). Thí dụ Trí tuệ phá si ám (vô minh), Tàm Quí chống vô tàm vô quí, lòng từ bi hỉ xả chống lòng thù hận ghen ghét xan tham, lòng ngay thẳng nghịch với lòng mưu mô xảo trá, chánh ngữ loại trừ ác ngữ...

Chính nhờ những khuynh hướng lành thiện này mà bây giờ các nước Âu Châu mới thành lập Cộng Đồng Âu Châu để ngăn ngừa những cuộc thế chiến, dẹp bỏ lòng tham thực dân đế quốc của thế hệ cha ông trong những thế kỷ trước.

Westminster CA ngày 17 tháng 9 năm 2016

Đào Ngọc Phong

Ý kiến bạn đọc
18/09/201601:53:44
Khách
Bai viet rat hay cho nguoi doc khong biet nhieu ve lich su VN, nhu toi, co mot hieu biet tong quat ve nhung vua chua VN da qua. Nhung tiec thay, lich su do da van con tiep dien theo mot hinh thuc khac.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.