Hôm nay,  

Cơ Duyên Với Y-Võ-Nhạc Hoàng Hạc

10/08/201605:31:00(Xem: 5634)

CƠ DUYÊN VỚI Y-VÕ-NHẠC HOÀNG HẠC

blank
Biểu diễn Hoàng Hạc tại Úc
.
Một buổi sáng mùa Xuân Chủ Nhật 1/11/2015 đẹp trời, tôi mon theo dòng người: già lụ khụ có, trung trung có, lớp trẻ trung nhí nhảnh vô tư có, dân trí thức khoa bảng có, lớp thường dân lao động như tôi có, gần 300 người, đều hăm hở chen chân vào Hội Trường Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Sydney để xem, nghe cho thỏa chí tò mò và có thể học hỏi thu lượm gì được ích lợi cho sức khỏe về đề tài: Giới Thiệu Lớp Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc! Cái tên nghe khá dài và lạ! Dài là vì các tên của các môn khí công khác “ngắn” hơn: Thái Cực Quyền, Bát Đoạn Cẩm, Yoga, Thiền, Pháp Luân Công, Dịch Cân Kinh... Và lạ vì có thêm từ “Thể Dục”. Như vậy là phải vận dụng cơ bắp rồi! Đã vậy, khi nghe giới thiệu là có kết hợp Y- Võ- Nhạc, “Y và Nhạc” thì OK, còn Võ, ắt hẳn sẽ làm nản lòng các cụ cao niên!

Và Khán giả đã nghĩ gì, sau khi nghe thầy Phạm Gia Cổn, Chưởng Môn, sáng lập viên môn TDKCHH, diễn giảng, các slideshow minh họa cộng thêm phần phụ diễn thực tiễn của các Hoàng Hạc viên?


Nhiều tràng pháo tay tán thưởng, nhiều lời khen, và rồi nhiều câu hỏi tới tấp, vừa thắc mắc vừa “tra tấn” ông Chưởng Môn. Tất cả đều được giải đáp thỏa đáng. Và rồi buổi ăn nhẹ trong lúc giải lao do chị dược sĩ Mai Ánh Tuyết khoản đãi và chị cũng là người phát không cho khán giả 150 DVD: Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc. Ra về, ai cũng mong đợi ngày khai giảng lớp Khí Công độc đáo này (Độc đáo ở chỗ: dễ thuộc, dễ tập, và thực sự hiệu quả. Già, trẻ, lớn, bé, ai cũng có thể tập được mà không gặp khó khăn gì. Điều này, tôi đã cảm nghiệm được trong 5 tháng qua, nhờ được dịp phụ thầy Bảo giúp các HH thực hành TDKCHH).


Nhưng, lại nhưng, tôi cảm thấy tức anh ách! Vì trong bốn câu hỏi, có câu: “Thưa thầy, em hỏi câu này có hơi tham lam, sau khi học xong 7 thế Hoàng Hạc căn bản thì khi nào mới được học tiếp 18 thế HH khác?”.  Ông chưởng môn này là võ sư có khác, liền phán đùa: “Cậu quá tham lam thật đấy. Học 7 thế cho thật thuần thục cái đã. Nó đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và liên tục đấy”. Tôi cảm thấy tưng tức vì khi nhìn qua các thế tập, tôi biết là tôi sẽ học dễ dàng. Vì tôi đã học và tập Thái Cực Quyền qua video rồi thì học thêm 18 thế HH, có gì khó đâu. Nhưng thầy Cổn đã nói rất đúng (Tôi sẽ trình bày phần này sau).


Rồi Khán giả đã làm gì khi đã có trong tay đĩa DVD DKCHH?


Chủ nhật, mùa hè 24/1/2016 lúc 10:30 sáng là ngày đầu khai giảng Lớp Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc Sydney, tôi cũng lần mò đến địa điểm sinh hoạt, gần nhà thầy Bảo, huấn luyện viên TDKCH. Tôi nghĩ vì địa điểm khá xa, và một số vị muốn học lại không theo dõi thông báo nên hôm đó chỉ có khoảng 30 người.


blank
Một góc nhìn trong tổng số 50 HH viên ở tuần lễ thứ nhì sau tuần khai giảng
.

Chủ nhật kế tiếp có tới 50 vị, con số đáng mừng!

Đúng như thầy Cổn nhận định, học viên nữ vẫn bám trụ, trung thành với lớp học, số học viên nam giảm dần sau khi họ đã nắm bắt được 7 thế căn bản và dựa vào DVD đã nhận, họ tự tập ở nhà, cho đỡ mất thì giờ, theo lời của một số đấng mày râu giải thích!  Một phần, vì trùng giờ đi chùa học thiền, nên không đến lớp HH được. Thi thoảng các vị đó cũng ghé lại tập chung với nhóm vì nhớ ông thầy Bảo hiền hòa, dễ thương chăng?


Điều này làm tôi nhớ tới vị linh mục nói nửa đùa, nửa thật rằng: nam giới có ba hồn, bảy vía, trong khi nữ giới có ba hồn và chín vía lận. Nữ hơn nam 2 vía nên tinh thần của nữ mạnh hơn nam! Hèn gì các ông hay bỏ cuộc. Do đó, khi chúng ta nghe hồi chuông báo tử của nhà thờ, nếu là nữ, chuông sẽ đổ 9 tiếng, còn là nam thì chúng ta chỉ  chuông đổ 7 tiếng thôi. Hy vọng là câu nói đùa cho vui. Xin các HH nam đừng tự ái nhé.


blank
Huấn luyện viên Trần Bảo

.

Tôi đã đến và gắn bó với lớp TDKCHH như thế nào?


Sau lần giải phẫu thoát vị bẹn (Henias) cả 2 bên, bác sĩ khuyên nên ngừng tập võ, gyms và chọn loại thể dục nhẹ nhàng thích hợp với tuổi hạc (nếu cho rằng trên 65 là HẠC). Lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa nghe sao thật buồn! Tôi đành mày mò vào các trang web dạy về khí công, rồi mua đĩa DVD về tự tập Bát Đoạn Cẩm, rồi Dịch Cân Kinh và sau nữa là Thái Cực Quyền (Tài Chí), môn nào tôi cũng tiếp thu khá dễ dàng. Có điều để đạt tới mức tinh diệu thì hoàn toàn chưa, dù tôi đã thường xuyên đi bộ, và tập Thái Cực Quyền được 2 năm rồi. Sức khỏe tốt, nhưng có điều gì đó tôi vẫn thấy chưa hài lòng! Tại tinh thần cầu toàn? Hay tại vì mình tự tập, không có người chuyên nghiệp hướng dẫn nên tập sai? Để kiểm tra lại, tôi đến một vài lớp tập Tài Chí (Thái Cực Quyền) của người Hoa, hòa mình tập theo, thì được các huấn luyện viên khen ngợi là tập đúng phương pháp rồi!!! Thế nhưng ông bạn của tôi, người có thâm niên luyện khí công, nói rằng, chiêu thức đi đúng nhưng khí lực chưa “vào” được trong máu huyết, các ngón tay chưa cảm thấy rưng rức tê thì chưa đạt tới mức diệu năng của khí công. Nghe hơi thoái chí, nhưng tôi vẫn cứ tìm hiểu và vẫn tiếp tục tập...


Cơ duyên đã đến.


Khi tiếp cận và tìm hiểu sâu về TDKCHH, nhất là đọc phần nhận định của các bác sĩ, dược sĩ, các võ sư lão thành và xem những cuộc phỏng vấn thầy Cổn (xin được phép gọi tên thầy theo phong tục VN nghe thật thân thương) trên Truyền Hình, tôi thật sự thích thú, và muốn học tập môn khí công này.


Phỏng theo DVD của chị Ánh cho, theo sự hướng dẫn của thầy Cổn trong đĩa DVD, sau hai ngày, tôi đã thoải mái Bấm, Vòng, Vươn, Buông. Tôi chỉ chờ dịp có lớp đào tạo HLV Hoàng Hạc là ghi danh ngay theo lời thầy Cổn đã loan báo: Ai muốn trở thành HLV/HH hãy liên lạc với HLV Trần Bảo. Tôi đã ghi tên. Chờ mòn mỏi cho đến ngày đọc được thông báo Mở lớp dạy TDKCHH, tôi sắp đặt giờ giấc để tham dự khóa học.

Như đã trình bày ở phần đầu, ngày đầu tiên, gần 30 người. Sau 30 phút học, thấy có vài vị lúng túng khi tập, tôi quên bén mình là người cũng mới học thôi, đến sửa lại vài thao tác cho “đúng”. Rất may các vị đó hân hoan làm theo không một chút thắc mắc. Hú vía!


Cho đến tuần thứ ba, tôi được lọt vào cặp mắt xanh của chị Ánh, đề nghị thầy Bảo cho tôi làm phụ tá, dù tôi chưa trải qua khóa đào tạo TDKCHH nào. Chính vì vậy mà có chuyện sửa lưng nhè nhẹ của một học viên, người cũng đang tập Tài Chí. Thấy anh ấy vòng tay sai (ở tư thế thứ hai, góc khuỷu tay phải quặp xuống 90 độ), tôi “hăng hái” cầm tay anh, nhẹ nhàng giải thích và uốn nhẹ khuỷu tay anh ấy xuống. Chuyện gì đã xảy ra? Anh hơi bực mình, nhưng cũng từ tốn nói: “Anh để tôi từ từ tập, tôi biết anh tập nhiều hơn tôi nhưng cơ thể mỗi người mỗi khác, hãy để nó tự thích ứng. Cám ơn anh”. Tôi hơi ngượng, liền nói lời xin lỗi, đồng thời cũng nhận ra rằng “nhiệt tình cộng ngu dốt là phá hoại” (Bởi vì, sau ngày đó, anh không đến lớp tập nữa. Buồn!). Nhưng sau đó, khi thấy tôi xăng xái chỉ giúp người này, sửa thế hộ người kia. Cuối giờ tập, anh đến gặp tôi và xin lỗi vì cách từ chối hơi quá sự giúp đỡ vừa rồi. Bài học tôi rút ra được là khi huấn luyện người khác, HLV không được nắm tay, chân của học viên để chỉnh sửa nhất là học viên khác phái!


Thầy Bảo cũng không ngoại lệ, khi thầy chỉ cách uốn vòng khuỷu, khớp cổ tay. Có thể học viên đông quá, thầy khớp chăng, nên thầy dặn rằng tay quý vị phải “co vào rồi co ra”. Lập tức thầy bị một chị học viên “Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao” sửa ngay. “Ối giời, co vào thì phải duỗi ra chứ. Sao lại nói “co ra”. Chị tập đứng kế bên thấy kỳ, bèn “Suỵt, nói khẽ chứ, ai lại sửa lưng ông thầy”. “Thầy thì thầy, nói sai phải sửa cho đúng chứ”. Thầy Bảo nghe tuốt tuồn tuột, nhưng thầy cười hiền hòa và vui vẻ chỉ tiếp. Điều đáng nói là sau lần đó, tôi chưa hề nghe thầy Bảo nói sai một lần nào nữa. Vui!

Vẫn chị “thẳng như ruột ngựa” đó, sau giờ tập, có một học viên than là bị đau đầu gối nên bấm ngón chân để nhón, vươn thì thấy hơi khó chịu. Tôi chỉ cách tập giảm đau đầu gối cho học viên đó. Thấy điệu bộ cách tập là lạ, chị lướt tới hỏi “Làm như thế có ích lợi gì chứ?”. Tôi mắc cười, nhưng làm nghiêm nói, chị chờ một chút, giúp vị này xong, tôi sẽ giải thích rõ ràng (vì biết chị hay bắt lỗi chữ nghĩa). Người thẳng tính là người nóng tính, chị cũng vừa bắt chước làm theo, vừa nói  “Không sao, cứ tập theo, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”. Có lẽ, một phần, vì vậy mà tôi trân quý lớp HH này chăng???


Tôi đạt được gì sau hơn 5 tháng tập và dạy TDKCHH?


Tôi thuộc loại hơi, hơi thôi, khó ngủ, vậy mà mình đã chìm “sâu” trong giấc ngủ tự lúc nào cũng không nhớ. Chỉ nhận ra rằng, khi nhà tôi, vốn người dễ ngủ, nhưng vì nhiều hôm bị căng thẳng không còn ngon giấc điệp nữa, than với tôi. Tôi cười khì và nói: “Nếu em tin, anh sẽ chỉ em tập vài thế ‘vòng ra, vòng vào, vươn buông tí đỉnh’, sẽ ổn thôi”. Xin được nói là nhà tôi không thích một tí gì về thể dục, thể thao và cả khí công nữa. Nhưng lần này, có khác. Nhà tôi nói “Thì anh cứ chỉ để tập thử đi”. Được bạn đời nhận lời, tôi vui lắm, bèn dốc lòng chỉ điểm. 5 phút thôi, tôi cũng không nghĩ là nó “work”. Nhưng, thầy Cổn ơi, đêm đó, vợ nhà em ngủ ngon lành, thậm chí trộm vào có khiêng đi chắc cũng không thức giấc. Có thể vì mấy hôm trước mất ngủ, phần lại tin vào môn khí công này và “thành tâm” tập nên sự thể như thế đó. Thật thú vị!


Một HH nữ, tên Vân, trẻ, có tập thiền, cách đây 3 tuần, hỏi tôi: “Không biết là em có tập sai phương pháp không, vì khi tập được một lúc, lưng nóng ấm lên. Lần nào cũng xảy ra y hệt như vậy”. Rất thích thú, tôi hỏi lại: “Còn các đầu ngón tay, cô có cảm giác gì không?”. “Tập thêm vài lần nữa, em thấy bàn tay cũng ấm lên và các đầu ngón tay tê tê”. Người bạn thân của cô, chị Kim Oanh, nháy mắt nói nhỏ: “Vân có tập thiền đó thầy”. Ngộ ra điều mà tôi thắc mắc từ lâu khi tập Tài Chí (khí không thâm nhập được trong huyết quản) tôi phấn khởi chúc mừng cô Vân nhanh chóng đạt hơn tôi một bậc (lưng ấm, tay tê. Còn tôi, chỉ tê tê như có luồng điện ở các đầu ngón tay thôi. Nhưng khi bị phân tâm thì hiệu ứng tê biến mất) vì cô Vân nhờ tập thiền, lúc tập, dù chỉ có bảy thế HH căn bản thôi, biết Vươn, Buông đúng thì, nên tập có kết quả. Tôi hỏi thêm: “Khi tập, tâm và thân, cô điều khiển ra sao?”. Cô cho biết là “Khi tập, em hoàn toàn chú tâm và theo dõi từng động tác em di chuyển, ngoài ra em không còn để ý tới ngoại vật nữa”. Đúng là thiền!


Trở lại điều thầy Cổn nói “Học 7 thế cho thật thuần thục cái đã. Nó đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và liên tục đấy”. Thầy khuyên rất đúng! Tôi càng tập càng say mê, động tác càng dịu dàng, tinh thần càng thơ thới. Nhất là khi càng huấn luyện các HH, tôi lại càng rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu để giúp học viên tập luyện hữu hiệu hơn. Rõ ràng, theo lời nhà tôi nhận xét: “Dạo này trông anh yêu đời, luôn cười vui, trẻ trung lắm”. Nghe mà sướng trong lòng, vì mình biết vợ nói thật lòng, không hề biết nịnh chồng (thật ra tôi cũng có thường cười, vui đấy chứ!).


Dựa vào lời nhắc nhở của thầy Cổn và bằng vào kinh nghiệm bản thân, khi tập khí công, khi chuyển dịch các động tác phải thật nhẹ nhàng, không gò bó, khi buông phải thật sự buông (thả lỏng), quý vị sẽ có cảm giác khác lạ ở đầu các ngón tay. Thậm chí ở lưng. Điều mà thầy Cổn tâm đắc là đừng quên mở nhạc nhẹ, dõi theo tiếng du dương của cung bậc để tâm không chạy lung tung, thì mới không uổng công tập. Mỗi sáng, trừ ngày mưa và ngày Chủ Nhật (ngày sinh hoạt với lớp HH Sydney) tôi đi bộ vài vòng ở Park, rồi trụ lại một khoảng không gian của riêng mình, thả hồn theo tiếng nhạc, thong thả vòng vươn 7 thế rồi 18 thế, tạm thời quên hẳn mọi chuyện và hầu như không mảy may bận tâm đến những người đi bộ tập thể dục chung quanh Park, những vị tò mò đứng ngắm nhìn Hạc Vàng đang chuyển dực đây. Thật sướng!


Vì sao tôi lại gắn bó với lớp TDKCHH?


Là những người Việt tha hương, tụ lại vào mỗi sáng Chủ Nhật để tập Khí công Hoàng Hạc. Họ là các cụ cao niên, là những vị sắp bước vào tuổi hạc, là những người còn đi làm, đi học. Họ đến công viên Cabra Vale để trau luyện sức khỏe, để chia sẻ nhưng điều thú vị cần phải nói. Những vị này thành tâm học tập, nhất nhất nghe theo sự hướng dẫn của HLV chỉ dẫn và rất quý trọng HLV.


blank
Một góc ảnh, ngày khai giảng 24/1/2016, thầy Bảo “ban huấn từ”
.

Có lần, vì tôi phải đổi shift làm (Chủ Nhật, từ 6:00Am), báo tin là không thể tiếp tục giúp thầy Bảo và nhóm HH được nữa. Cả nhóm vừa ngạc nhiên vừa buồn vì như mình đánh mất một cái gì thật thân thương. Họ nói, vậy chúng ta dời ngày tâp qua ngày Thứ Bảy, như quý vị biết, Thứ Bảy là ngày ai cũng bận rộn chạy Show, người phải đi chợ, người phải trông cháu, chở cháu học thêm, người phải đi nhà thờ, chùa... và trên hết là chị Ánh, cột trụ của lớp không tham dự được. Do đó việc dời ngày là chuyện không thể. Thế rồi email gửi tới, luôn kèm theo niềm hy vọng tôi sẽ tiếp tục trở lại với nhóm. Đọc mail mà lòng trĩu nặng. Không ngờ là các HH nặng tình nặng nghĩa như vậy. Tôi bấm gan lên xin ban Giám Đốc đặc cách cho đổi shift vào ngày Chủ Nhật thôi, từ 6:00AM thành 11:00AM với lý do: làm việc Thiện. Và tôi đã được ban Giám Đốc OK.


Ngày trở lại được các HH ân cần chào đón. Thật vui, thật ấm lòng, và tôi cũng đã mời gọi được thêm hai HH mới nữa. Không biết họ sẽ trụ lại với nhóm bao lâu?


Thêm nữa, những email của thầy Cổn, của chị Thục Nguyên, chị Kiều Hạnh càng khuyến khích mình phải đáp cánh xuống thảm cỏ Hoàng Hạc thôi.


Hoàng Hạc Nghĩa

Sydney, 8 July 2016


.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài báo của phóng viên Martin Wisckol ghi nhận là năm 2000 chỉ có một vị dân cử gốc Việt tại Quận Cam. Vậy mà bây giờ có tới 10 dân cử gó6c Việt, trong đó 4 người mới thắng cử
Ở Việt Nam, năm 2006 ghi nhận hai sự kiện quan trọng nổi bật. Một là, Việt Nam được gia nhập WTO. Hai là, tổng thống Hoa Kỳ George Bush sang thăm Việt Nam nhân Hội nghị APEC 14
Sáng nay tiết trời Hà nội lạnh, không khí bị phủ một lớp sương mờ, không có ánh mặt trời. Ngày đầu tiên của năm 2007
Nhưng nếu không có sự đụng chạm giữa các nền văn minh, thế giới chúng ta cũng đang đối đối đầu trước một sự đụng chạm khác. Học giả Dominique Moĩsi, một cố vấn thâm niên của
Thời gian thắm thoát trôi, mới đó mà đã 22 năm kể từ ngày các Anh vĩnh viễn ra đi. Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại có rất nhiều đổi thay, nhưng các anh nào có biết! Hôm nay nhân ngày giỗ
tôi mong là từ năm nay, Hà Nội nên có chính sách văn minh hơn với người dân của mình. Đó là bình thường hóa quan hệ với người Việt Nam chứ đừng chỉ có sợ người ngoại quốc...
Gerald R. Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, lên nắm quyền sau khi Tổng Thống Richard Nixon 
Tổng thống Ford là một người tử tế. Nhưng thiếu mưu mô... Trong một số báo đầu năm, chúng ta nên nói về chuyện tử tế. Không có gì tử tế hơn là nói về nhân vật đang được quốc táng
Căn cứ Khe Sanh nằm lọt giữa một thung lũng, các ngọn đồi bao bọc chung quanh, do đó đây không hẳn là một vị trí có thể quan sát bao quát hết các vị trí địch.
Vấn đề dự án xây Chùa Quan Âm tại Garden Grove đã trở thành một đề tài được đề cập đến
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.