Hôm nay,  

Việt Nam Sẽ Khủng Hoảng Năm 2005

22/12/200400:00:00(Xem: 13489)
Việt Nam có thể gặp biến động kinh tế, xã hội và chính trị trong năm tới... Năm tới vì vậy có thể là một năm bản lề, với nhiều thay đổi lớn lao từ kinh tế dội ngược lên.
Ngày 21 tháng 12, đài Á Châu Tự Do đã phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về viễn tượng biến động này như sau.
Hỏi: Thưa ông, sau khi trình bày về tình hình kinh tế toàn cầu trong đó có các nước Đông Á, hôm nay chủ đề của cuộc trao đổi là lượng định về tình hình Việt Nam. Trước hết, xin ông xác định về vị trí Việt Nam trong khu vực Đông Á này.
-- Chúng ta dùng ý niệm Đông Á để nói về toàn khu vực Á châu Thái bình dương, là nơi có khá nhiều khác biệt mà mình cần thấy để nắm vững cơ sở so sánh. Trong khu vực, ta có Nhật Bản là quốc gia công nghiệp hoá hàng đầu của thế giới. Kế tiếp, ta có nhóm tôi xin gọi là “tân hưng”, bốn nước đã hoàn thành việc kỹ nghệ hóa, chủ yếu tại Đông Bắc Á, gồm Nam Hàn, Đài Loan và Hong Kong, và ngoại lệ là Singapore. Sau đó có bốn nước đang phát triển, chủ yếu tại Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. Trong khu vực Đông Á, có Trung Quốc và Việt Nam là hai nước tôi xin gọi là “tân tòng”, là đang học theo kinh tế thị trường. Sau cùng, còn một nhóm các nước tạm gọi là nhỏ như Mông Cổ, Cambốt, Lào, Papua Guinea hay quần đảo Solomon.
Hỏi: Nói về sức mạnh kinh tế tại Đông Á, dù sao Việt Nam vẫn được khen là có tốc độ tăng trưởng cao nhất nhì khu vực, thậm chí nhất nhì thế giới. Ông nghĩ sao về điều này"
-- Khi nghe giới chức Việt Nam và vài định chế tài chính quốc tế ngợi ca Trung Quốc và Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, ta cần nhìn vào toàn cảnh, và trong trường kỳ. Nói chung, các nước có đà tăng trưởng cao nhất đều ở trong nhóm quốc gia nghèo nhất, vì khởi đi từ mức thấp nhất; còn các xứ đã hoặc đang phát triển, gồm có Nhật Bản, nhóm “tân hưng” và bốn nước đang phát triển ở Đông Nam Á lại có đà tăng trưởng thấp hơn. Chả phải ngẫu nhiên mà mức sống càng cao thì đà tăng trưởng càng thấp so với xứ khác. Về đại thể thì mức sống dân cư tại Việt Nam bình quân chỉ bằng một phần ba các nước Đông Á. Nhìn ra ngoài thì mức lợi tức này còn thua bình quân của các nước nghèo trên thế giới. Thua gần một phần ba. Nôm na, nếu lợi tức đồng niên của một người Việt được khoảng 400 Mỹ kim một năm thì số trung bình của các nước nghèo ở khoảng 580 đồng. Kết luận sơ khởi là Việt Nam vẫn thuộc loại nghèo nhất; nếu đạt tốc độ tăng trưởng là 7% thì mỗi năm một người trong dân số hơn 80 triệu chỉ có thêm chừng ba chục bạc, mỗi ngày thêm tám xu. Cách đây 40 năm, ngay giữa thời chiến tranh, miền Nam Việt Nam có mức sống ngang bằng với Nam Hàn, Đài Loan hay Thái Lan. Ngày nay, Việt Nam đang cố bắt kịp đà tụt hậu ấy so với các xứ kia sau khi là nước tân tòng theo kinh tế thị trường, nhưng vẫn lẹt đẹt vì là kiểu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Có nhìn như vậy thì mình mới khỏi bị say nước đường khi được các định chế quốc tế khen ngợi.
Hỏi: Chúng tôi được biết là ông có tham gia vào một nhóm nghiên cứu tiến trình cải cách kinh tế tại Việt Nam từ cả chục năm qua và nhóm nghiên cứu này vừa công bố tài liệu tổng kết dưới dạng một cuốn sách Anh ngữ do nhà M.E. Sharpe xuất bản. Ông có thể cho biết sơ lược về tài liệu này chăng"
-- Cuốn sách này xuất bản vào năm 2005, là kết quả của một công trình nghiên cứu từ 1992 đến gần đây, do nhiều chuyên gia Hoa Kỳ và Việt Nam cùng thực hiện. Bản thân tôi có tham gia vào phần tổng hợp và biên tập, với một tiểu luận về cải cách ngân hàng. Việc nghiên cứu là do sáng viện William Donner tài trợ nhằm đánh giá thành quả cải cách tại Việt Nam để tiến ra kinh tế thị trường. Trong một dịp khác, ta có thể trở lại đề tài này.
Hỏi: Trở về kinh tế Việt Nam vào năm qua, ông có lượng định sơ lược như thế nào"
-- Năm 2004 đang kết thúc tương đối là một năm tốt đẹp với kết quả tăng trưởng là giúp cho một thành phần dân chúng thoát khỏi cảnh bần cùng. Ý niệm bần cùng này thực ra rất tương đối, dựa trên mức sống hay mức tiêu thụ nhiệt lượng tối thiểu trong một ngày để sinh tồn, để khỏi chết đói, khoảng 150 Mỹ kim một năm cho một người. Hơn 10 năm trước, tỷ lệ bần cùng này là 57% dân số, nay chỉ còn gần 30% dân số thôi. Đó là về mặt tích cực; nhưng kết quả ấy vẫn chưa đồng đều và đa số dân cư trong các vùng cao và vùng sâu vẫn thuộc loại bần cùng, mỗi ngày chỉ có chừng bốn hào, tính bằng đô la. Khi nói đến một số thay đổi tốt đẹp tại Việt Nam, chủ yếu là tại thành thị có giao tiếp với thế giới bên ngoài, ta không nên quên khởi điểm cực thấp và nếp sinh hoạt bần cùng của một phần dân số bị thoát khỏi tầm nhìn của thế giới bên ngoài. Ngoài nét đại cương ấy, thì năm qua, cùng cả khu vực Đông Á, Việt Nam đạt kết quả tích cực là không bị khủng hoảng lớn về kinh tế hay chính trị xã hội, nhưng biến động vẫn có thể xảy ra năm tới.
Hỏi: Nhưng biến động có thể xảy ra từ bên trong hay do bên ngoài, và cơ chế kinh tế Việt Nam như thế nào mà lại gặp biến động như vậy"

-- Về đại thể, Việt Nam vẫn bị hai loại khiếm hụt song hành là bị bội chi ngân sách và nhập siêu về ngoại thương, mua nhiều hơn bán. Số thất nghiệp ít được nói ra, mà vẫn khoảng 7% dân số lao động, tức là ba triệu người, vì cơ cấu dân số rất trẻ và số người tham gia thị trường lao động rất cao trong khi kinh tế chưa kịp tạo thêm công việc làm mới. Ngoài ra, phải nói đến một tình trạng thường bị giới kinh tế quốc tế lãng quên là nạn dư dôi lao động, nạn thất nghiệp trá hình, là hoàn cảnh khiếm dụng của người có sức lao động mà không làm hết thời gian. Trung bình từ 40 đến 45% dân số lao động ở nông thôn, từ 12 đến 15 triệu người, đang gặp cảnh đó. Năm qua, cùng với dịch cúm gia cầm và hiệu ứng ngoại nhập vì giá thương phẩm và dầu khí gia tăng, Việt Nam bị lạm phát mạnh. Nhân đây, tôi xin trả lời một số thính giả trong nước là khi nói đến tỷ lệ tăng trưởng, thí dụ như 7% một năm, ta nói đến đà tăng trưởng thuần, sau khi gia giảm yếu tố vật giá. Tuy nhiên, thống kê về sản xuất thường được thu thập và khai thác chậm hơn hiệu ứng của giá cả vốn tác động lập tức, cho nên con số tăng trưởng phải thường xuyên điều chỉnh lại.
Hỏi: Bây giờ, ta xin chuyển qua phần dự đoán về tình hình kinh tế năm tới. Ông vừa nói là Việt Nam có thể gặp biến động kinh tế, xã hội và chính trị trong năm tới, vì sao vậy"
-- Trước khi tìm hiểu về tình hình năm tới, ta có thể tóm lược về các nhược điểm trong cơ cấu xã hội thì sẽ đoán ra những rủi ro. Việt Nam có một dân số trẻ mà bị khiếm dụng, là làm không hết thời gian, bị thất nghiệp hay thiếu việc làm. Dân số trẻ này lại không được giáo dục và đào tạo cho thích hợp với yêu cầu của kinh tế nên về dài nạn dư dôi lao động này vẫn khó giảm. Có việc làm mà làm không hết thời, làm kém hiệu năng vì thiếu tay nghề chẳng hạn, là loại vấn đề vừa xã hội vừa kinh tế và dễ gây ra vấn đề chính trị và văn hoá. Hãy xem tình trạng băng hoại xã hội trong giới trẻ ngày nay thì rõ. Vấn đề chính trị thì còn giải quyết được trong vòng một chục năm, vấn đề văn hoá thì di hại nhiều thế hệ.
Hỏi: Trong cảnh ấy, việc kinh tế Việt Nam mở cửa ra ngoài có giải quyết được gì không"
-- Có mà không. Lý do là kinh tế Việt Nam vẫn có đặc tính hướng ngoại, với hai phần ba số thu nhập là do trao đổi với bên ngoài, vì vậy, thăng trầm của thị trường quốc tế lại lập tức tác động mạnh vào mức sống người dân. Mà sự thăng trầm này sẽ có trong năm tới vì thứ nhất nạn suy trầm tại Đông Á lẫn nạn suy thoái thậm chí khủng hoảng tại Trung Quốc, và thứ hai, sức cạnh tranh rất kém của Việt Nam khi các nước khác đều bung khỏi những giới hạn về mậu dịch trong khuôn khổ WTO. Nôm na là năm tới, các lân bang đều thoát khỏi hạn ngạch hay thuế nhập khẩu, Việt Nam thì chưa vì không kịp gia nhập tổ chức WTO vào thời hạn đầu năm 2005. Năm qua, số đầu tư và sản xuất cho thị trường nội địa của Việt Nam có gia tăng khả quan hơn năm ngoái, nhưng vẫn chưa đủ để kéo kinh tế ra khỏi suy trầm vì vị trí quá lớn của khu vực sản xuất cho thị trường nước ngoài. Sự trông đợi của mọi người vào xuất nhập khẩu và thị trường quốc tế có thể gây bẽ bàng, là điều Đông Á đã thấy trong vụ khủng hoảng 97-98 mà Việt Nam thì chưa, vì là nước tân tòng.
Hỏi: Giải pháp kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa không giúp ích gì cho những chấn động ngoại nhập này hay sao"
-- Trên nguyên tắc, cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa đáng lẽ phải dẫn tới việc ưu tiên cứu giúp thiểu số bần cùng, để đa số còn lại được sinh hoạt tự do. Ở đây, ta có nghịch lý ai cũng thấy là nạn tham nhũng, chứng bệnh thâm căn cố đế của hệ thống kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong tiến trình công khai hoá sổ sách và tính toán kinh tế để gia nhập WTO, người ta mới phát giác nhiều vụ tham ô ở cấp cao trong chính quyền. Vì cơ chế chính trị hiện hành, mấy vụ đó mới chỉ là mặt nổi của vấn đề chứ tham nhũng nay đã là thuộc tính của chế độ chính trị, nên ăn sâu đến cấp cao nhất. Tôi xin lấy thí dụ đơn giản là tổng sản lượng của 80 triệu dân sản xuất ra một năm ở khoảng 40 tỷ đô la, nếu có tăng trưởng chừng 7% thì một năm dân ta có thêm gần ba tỷ, chưa kể là cộng đồng hải ngoại vẫn gửi về chừng ba tỷ rưỡi mỗi năm. Trong khi đó, thiểu số có chức có quyền hàng năm vẫn bỏ túi hàng tỷ bạc nhờ tham nhũng. Nghịch lý ấy không thể kéo dài. Y như tại Trung Quốc, biến động kinh tế có thể sẽ dội ngược thành khủng hoảng chính trị.
Hỏi: Nếu có thể, xin cho một câu tổng kết về những triển vọng hay rủi ro của năm tới.
-- Nếu tổng kết thì tôi xin nêu ra hai vấn đề nằm ngoài kinh tế mà vẫn chi phối sinh hoạt của người dân trong trường kỳ là sự suy sụp văn hoá và ô nhiễm môi sinh, nói chung là nạn ô nhiễm môi trường sinh sống, từ đạo đức xã hội đến khí trời và điều kiện sản xuất. Những vấn đề này có nguyên nhân sâu xa là chính trị, với hậu quả kinh tế lâu dài là Việt Nam tiếp tục là nước nghèo, dù có đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất nhì thế giới. Mà tốc độ này sẽ sút giảm trong năm tới. Có tăng thì chỉ có lạm phát và tham nhũng. Năm tới vì vậy có thể là một năm bản lề, với nhiều thay đổi lớn lao từ kinh tế dội ngược lên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nơi có thể xuất hiện loại giải pháp lý tưởng như vậy sẽ là ở miền Nam, môi trường cởi mở, thiết thực, đã tiếp cận với thế giới bên ngoài từ hơn trăm năm nay
Những ngày tháng  vừa qua, xã hội VN đã có bước đổi thay rất lớn, mang một tính chất bước ngoặt cho việc xây dựng xã hội
Mấy tuần lễ này, giữa cái vui tưng bừng của Lễ Giáng Sinh, của ngày đầu năm mới 2008, và cũng là những ngày rạo rực đón Tết Con Chuột
Thực tế, nếu chỉ nói hay viết về một chương trình ca vũ nhạc kịch với những giọng ca điêu luyện hay các điệu vũ quyến rũ, và ngay cả màn thoại kịch
Trong những ngày lưu  lạc tha hương, hai tiếng “Quê hương” như một nhắc nhở đêm ngày, những hình ảnh thân thương
Câu hỏi thời thượng trong mùa bầu cử tổng thống hiện nay là: Hillary Clinton (Dân chủ, New York) hay Barack Obama (Dân chủ, Illinois)"
Chúng tôi nhận được bài viết này do một nhân vật ở Hà Nội gửi. Chính ông cho biết mỉnh là một giáo sư tiến sĩ đang giảng dậy tại một Đại học ở Hà Nội
Những dịp chuyển sang một năm mới, một thế kỷ mới, một ngàn năm mới, con mắt mỗi người tự nhiên mở rộng tầm nhìn
Hoa mai là loại hoa nở đầu tiên trong mùa Xuân. Nói đến mùa Xuân người ta liên nghỉ đến hoa mai
Khoảng 80 Tăng Ni Cư Sĩ đã họp Đaị Hội Bất Thường tại Quận Cam các ngaỳ cuối tuần qua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.