Hôm nay,  

Chống Tự Do Thương Mại Và Toàn Cầu Hóa

04/08/201600:00:00(Xem: 5428)

...Giới chính trị gia Mỹ cảm được sự bất mãn của dân chúng nên cũng phất cờ chống toàn cầu hóa...

Cuộc tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ chính thức mở đầu sau khi Đại hội của hai đảng lớn là Cộng Hòa và Dân Chủ hoàn tất vào tuần qua. Chi tiết kinh tế đáng chú ý nhất cho nhiều nước là cả hai ứng viên dẫn đầu của tranh cử đều chống Hiệp định Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương. Chẳng những thế, người Mỹ không chỉ chống tự do thương mại mà dường như còn chống cả hiện tượng toàn cầu hóa xưa nay vẫn được ngợi ca. Vì sao lại có hiện tượng lạ lùng đó? Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm câu giải đáp sau đây với kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông và quý thính giả, hai chính đảng lớn của Hoa Kỳ đã kết thúc Đại hội và cuộc tranh cử Tổng thống của nước Mỹ bước vào giai đoạn toàn quốc cùng với việc bầu lên nhiều chức vụ dân cử khác trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày Thứ Ba mùng tám Tháng 11 tới đây. Về kinh tế thì người ta ngạc nhiên khi chương trình hành động của hai đảng có sự đồng thuận duy nhất là cùng chống lại Hiệp định Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Thưa ông, Tổng thống Barack Obama thuộc đảng Dân Chủ đã ký văn kiện này và thiết tha kêu gọi Quốc hội khóa 114 sớm thông qua trước khi ông mãn nhiệm vào năm tới. Không ngờ là đa số Dân biểu Nghị sĩ Dân Chủ lại không đồng ý và bất ngờ hơn nữa là đảng Cộng Hòa xưa nay thường ủng hộ tự do mậu dịch cũng hoài nghi Hiệp định TPP và người sẽ đại diện đảng ra tranh cử tổng thống là doanh gia Donald Trump lại còn kịch liệt phản bác văn kiện này và mọi thỏa thuận quốc tế của Hoa Kỳ. Coi vẻ như một chuyện gì đó rất lạ đang xảy ra trong xã hội Hoa Kỳ. Ông giải thích thế nào về hiện tượng kỳ lạ này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cô nêu vấn đề rất đúng vì đây không là phản ứng của một thiểu số tức là các chính trị gia mà chúng ta còn có thể thấy một trào lưu phổ biến và đáng ngại là nhiều người thất vọng với tự do mậu dịch và còn xoay ra chống lại trào lưu toàn cầu hóa. Chúng ta sẽ phải từng bước phân tích hiện tượng này để hiểu ra nhiều vấn đề sẽ gặp trong mấy năm tới.

- Thứ nhất, như chúng ta đã trình bày trong một chương trình vào đầu Tháng Sáu, chỉ có một thiểu số là quan tâm và có lập trường rõ rệt về tự do mậu dịch. Cuộc khảo sát ý kiến đầu năm nay cho thấy có 58% ủng hộ tự do mậu dịch và 34% thì chống. Cuộc khảo sát ngày 29 vừa qua cho thấy chỉ có 33% dân Mỹ là đặc biệt quan tâm đến ngoại thương nhưng trong số này thì tới ba phần tư, là khoảng 25% những người trả lời, thì quyết liệt chống và chỉ có 8% ủng hộ thôi. Tức là dân Mỹ vừa có một sự chuyển dịch tâm lý rất mạnh trong có năm tháng trời do tác động của một thiểu số quan tâm và tích cực tranh đấu cho lập trường chống tự do mậu dịch. Ta biết là vào mùa tranh cử thì các chính khách đều chú ý đến ước vọng của cử tri nên cần bày tỏ lập trường theo hướng đó. Nhưng thật ra vấn đề không chỉ là tâm lý hời hợt hay nhất thời của người dân mà là một chuyện gì sâu xa và nghiêm trọng hơn vậy.

Nguyên Lam: Nguyên Lam cố học cách phân tích tâm lý xã hội của ông để hiểu ra các vấn đề kinh tế và chính trị trong tương lai. Thưa ông, vật thì có chuyện gì mà ông cho là sâu xa và nghiêm trọng hơn tâm lý hời hợt của người dân?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin đề nghị là ta đi qua ba cấp độ khác nhau thì mới thấy vấn đề.

- Cấp thứ nhất là tự do thương mại hay tự do mậu dịch, là việc tự do trao đổi mua bán giữa các nước với nhau mà không bị cản trở như hàng rào quan thuế hay hạn ngạch nhập khẩu. Khi được trao đổi tự do như vậy thay vì theo chính sách bảo hộ mậu dịch và ngăn sông cấm chợ thì việc buôn bán phát đạt sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho người mua lẫn kẻ bán, ít ra về lý thuyết. Như vậy, bước đầu của tự do thương mại là thuế thấp và không hạn chế. Đa số người dân ở mọi nơi đều có thể ủng hộ việc đó.

- Cấp thứ hai thì rắc rối hơn một chút, đó là hiệp định tự do thương mại và đầu tư giữa các nước với nhau, điển hình là Hiệp định TPP. Văn kiện này không chỉ quy định là các nước đồng ý hạ thấp quan thuế biểu và hạn ngạch để gia tăng việc buôn bán mà lại có tham vọng lớn lao hơn. Đó là lập ra một hệ thống thỏa thuận chi tiết về các lĩnh vực đầu tư, thuế vụ, lao động, môi sinh, công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, về chuỗi tiếp liệu mà các nước có thể mua bán với nhau trong tiến trình sản xuất như trong một nền kinh tế thống nhất. Sau bảy năm bàn cãi, đại biểu 12 nước trên vành cung Thái Bình Dương đã thỏa thuận về cả trăm lĩnh vực chi ly để bảo vệ quyền lợi của mọi thành phần kinh tế xã hội của mình ở nhà. Kết quả là văn kiện này cao hơn một chục cuốn từ điển vì dầy tới 5.500 trang đầy thuật ngữ chuyên môn khó hiểu. Nếu gật đầu thông qua văn kiện này thì từng nước sẽ phải sửa đổi luật lệ bên trong để từ nay tuân thủ mọi cam kết với các nước kia. Hậu quả là nhiều người có thể ủng hộ tự do mậu dịch mà nghi ngại và chống đối Hiệp định TPP vì nó đòi hỏi nhiều thay đổi quá phức tạp.

Nguyên Lam: Sau khi ông phân biệt hai tầng tiếp cận từ thấp đến cao, có lẽ thính giả của chúng ta mới hiểu vì sao người ta có thể đồng ý với nguyên tắc tự do thương mại mà lại e ngại Hiệp định TPP. Nguyên Lam nghĩ tới là đã thấy sợ vì nếu đi vào kinh doanh thì làm sao mình biết được và hiểu ra từng chi tiết đã cam kết với các xứ khác? Nếu trong những cam kết đó mà ngành này có lợi, ngành kia phải thay đổi thì tất nhiên là có người ủng hộ và có người chống! Bây giờ, thưa ông Nghĩa, cái cấp độ thứ ba ông muốn nói là gì?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ một nguyên tắc lý tưởng là buôn bán không hạn chế mà tiến lên cái thế hợp tác gần như toàn diện với 11 nước khác, ta có thể thấy mức độ phức tạp và hậu quả lợi và hại tùy theo lĩnh vực. Trên cùng là sự kiện muốn ăn thì phải chia và phải chấp hành điều lệ mới để thỏa mãn yêu cầu của các đối tác kia. Người không hiểu thì thấy cuộc sống và việc kinh doanh của họ bị ai đó chi phối. Bây giờ mình tiến lên cấp độ hợp tác toàn cầu khi xứ khác lại có sức cạnh tranh cao hơn nhờ lợi thế tương đối của họ thì nhiều người thấy sợ. Thực tế thì họ đã bị vượt qua và có khi bị đào thải vì cạnh tranh không nổi trên cấp độ toàn cầu!

Nguyên Lam: Như vậy, thưa ông, cấp độ thứ ba có phải là toàn cầu hóa hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta nhìn trong viễn ảnh dài thì có thể thấy ra cái giá của tiến bộ. Trong từng nước, khu vực canh nông bị công nghiệp vượt qua rồi ngành chế biến tạo ra bao công ăn việc làm trong nửa thế kỷ lại mất dần vai trò thống trị vào tay khu vực dịch vụ, hay vào tay xứ khác, v.v…. Những tiến bộ ấy có cải thiện cuộc sống của đa số mà cũng dẫn tới hiện tượng đào thải những ai tiến quá chậm. Thí dụ kia là như đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ vượt Đế quốc Anh để thành đại gia thế giới về thép, sau đó vài chục năm kỹ nghệ thép Mỹ bị Nhật đánh bại vì tốt mà rẻ hơn, rồi chính Nhật lại bị điêu đứng về thép Nam Hàn trong từng đợt cải tiến ngày càng nhanh hơn. Khi bị thua sút thì ngành thép cầu cứu chính phủ trợ giúp hoặc ngăn cản sự cạnh tranh của thép ngoại, v.v… Vì thế nước nào cũng có thể đề cao tự do mậu dịch mà vẫn ngấm ngầm bảo vệ một số khu vực mình cho là chiến lược. Khi ấy, các nước phải cố thỏa thuận việc hợp tác theo cái hướng nếu chưa công bằng thì cũng bình đẳng hơn, gọi là “khó người khó ta, dễ người dễ ta”.

- Nhìn cách khác thì sau Thế chiến II và nhất là từ khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, thế giới bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, hay “kinh tế nhất thể hóa” trên phạm vi toàn cầu, và đấy là cuộc cách mạng về sản xuất theo quy luật thị trường đã đem lại một sự thịnh vượng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Thế rồi sự tiến hóa hàm nghĩa đào thải còn xảy ra với tốc độ cao hơn nhờ cách mạng về công nghệ tin học từ vài chục năm qua và gây quá nhiều thiệt hại.

Nguyên Lam: Các kinh tế gia chỉ ra từ đầu thế kỷ 19 là khi mở rộng việc mua bán tự do thì xứ nào cũng tự nhiên tìm ra ưu thế sản xuất của mình để có món hàng rẻ và tốt nhất bán cho xứ khác hầu mua về mặt hàng rẻ và tốt nhất của họ và cuối cùng thì mọi người đều có lợi. Thưa ông, sự thể có phải là như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là đúng như vậy về lý thuyết. Về thực tế thì mỗi quốc gia lại có nhiều khác biệt bên trong nên khi chạy đua để tìm lợi thế sản xuất tương đối của mình, không phải là ai cũng thành công. Vì thế kinh tế phải đi với chính trị để nhà nước can thiệp qua chính sách hầu tìm ra và khai thác lợi thế, hoặc nâng đỡ các thành phần yếu kém.

- Khi hiện tượng toàn cầu hóa bùng nổ, ta thấy là có thành phần được lời và thành phần bị lỗ. Thành phần hưởng lợi thì có khả năng phối hợp toàn cầu, là đại doanh gia của các tập đoàn quốc tế có quan hệ gắn bó với chính quyền các nước. Thành phần bị lỗ, hoặc bị đào thải vì tiến hóa không kịp thì cho rằng toàn cầu hóa hứa hẹn thịnh vượng mà đợi mãi không thấy. Họ bất mãn và quy trách cho 1) các tập đoàn lớn luôn luôn có lợi trong các hiệp định tự do mậu dịch, 2) cho giới lãnh đạo và 3) cho quốc tế ở những cam kết mờ ám mà họ không hiểu được. Vì thế, từ việc phản đối Hiệp định TPP, nhiều người phản đối luôn cả trào lưu toàn cầu hóa.

Nguyên Lam: Câu hỏi cuối và trở lại cuộc tranh cử năm nay tại Hoa Kỳ, theo như ông nhận định thì sự phản đối đó chỉ mang tính cách chính trị nhất thời hay sẽ gây hậu quả lâu dài hơn?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi e là vụ này nghiêm trọng và có hậu quả lâu dài vì không chỉ Mỹ mới gặp mà là hiện tượng lan rộng như ta đang thấy tại Âu Châu. Thứ nhất, người dân nói chung hết tin vào chính quyền và các đảng phái truyền thống vì quá nhiều khó khăn kéo dài từ năm 2008. Đó là chuyện khủng hoảng niềm tin chúng ta đã nói từ nhiều năm trước. Thứ hai, một hậu quả bất ngờ của toàn cầu hóa là những cam kết siêu quốc gia trên đền thờ của sự thịnh vượng mà người bị thua thiệt không được hưởng nhưng phải cúi đầu vái. Thứ ba, đáng kể không kém là tự ái dân tộc trước những cam kết quốc tế quá xa lạ. Ta có thể gọi đó là chủ nghĩa quốc gia chống lại trào lưu hội nhập quốc tế. Hậu quả về kinh tế có thể là tinh thần bảo hộ mậu dịch, hoặc may lắm tìm sự hợp tác song phương thu hẹp sau khi đả phá sự hợp tác quốc tế hay siêu quốc gia. Giới chính trị gia Mỹ cảm được sự bất mãn của dân chúng nên cũng phất cờ chống toàn cầu hóa và sẽ gây vấn đề với các xứ khác. Ngay năm nay, các dân biểu nghị sĩ phải ra tranh cử sẽ ưu tiên lo cho việc tái đắc cử hơn là nghe theo lời kêu gọi của Tổng thống mà thông qua Hiệp định TPP. Và Quốc hội khóa 115 lại còn bảo hộ nặng hơn nữa. Tôi không mấy lạc quan là vì vậy.

Nguyên Lam: Nguyên Lam và ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đảng CSVN đang rối beng lên về tình trạng cán bộ tham nhũng quyền lực, nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến dân te tua. Tình trạng này được báo của Trung ương đảng “vạch áo cho người xem lưng” cả trong hai lĩnh vực...
Số lượng người nhập cư trái phép vào Hoa Kỳ cao kỷ lục đang khiến cho hệ thống nhập cư vốn đã quá tải càng thêm phần căng thẳng. Dữ liệu mới đây của chính phủ cho thấy các viên chức biên phòng đã thực hiện 2.05 triệu vụ bắt giữ trong năm tài chánh kết thúc vào tháng 9. Đây là năm thứ hai liên tiếp mà số vụ bắt giữ như vậy cao hơn 2 triệu. Trong quá khứ, các con số tăng và giảm dựa trên những thay đổi quan trọng về kinh tế và chính sách, như các đợt suy thoái kinh tế và siết chặt biên giới trong thời kỳ đại dịch. Nhưng chưa bao giờ số vụ bắt giữ vượt quá 1.7 triệu, và cũng chưa bao giờ duy trì ở mức cao như vậy trong mấy năm liên tục.
Hai việc đang làm cho Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng mất ăn mất ngủ là “tình trạng xa rời Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” và “tham nhũng quyền lực” ngay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ chống tham nhũng, thanh tra và thi hành kỷ luật...
Lúc còn tại thế, có lúc ông Phạm Văn Đồng đã phải đối diện với một câu hỏi khó: “Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về sự kiện thuyền nhân hồi 1975, nhất là hồi 1978, 1979… Về nguyên nhân và trách nhiệm trong những sự kiện ấy, với những hiện tượng bán bãi thu vàng và khá nhiều tầu, thuyền bị hải tặc bão tố và chìm trong đại dương…
Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ báo cáo thường niên trước Quốc hội: Những diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc...
Tại sao chính sách Hoa Kỳ phải giúp đỡ những quốc gia khác, kể cả những quốc gia chống đối quyền lực của Hoa Kỳ? Có anh hàng xóm tức giận muốn qua đốt cháy nhà mình, mình lại đem tiền qua giúp đỡ; đôi khi lại mang con qua xây dựng hàng rào, chuồng gà, sơn quét nhà cửa cho anh ta. Chuyện thật ngược đời. Đảng Cộng Hòa nói: Không được. Đảng Dân Chủ nói: Được. Đáng giúp đỡ. Còn bạn, nghĩ sao? Ngày 18 tháng 10 năm 2023, Hãng thông tấn ABC News đưa tin: “Chính quyền Biden đang soạn thảo gói viện trợ nước ngoài trị giá 100 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ cho Israel cũng như các ưu tiên an ninh hàng đầu khác.” Dự thảo này phải được quốc hội phê chuẩn. Chắc hẳn sẽ gặp khó khăn vì Đảng Cộng Hòa giữ đa số ở hạ viện. 100 tỷ là số tiền khá lớn, trong lập luận của đảng Cộng Hòa, tại sao không dùng số tiền này để phát triển kinh tế nước Mỹ? Xây dựng những công trình nội địa mang lợi ích đến cho người dân? Trong lập luận của đảng Dân Chủ, giúp người tức là tự giúp mình
Lại một lần nữa, cộng đồng tình báo quốc tế cho thấy khả năng dự báo hoàn toàn sai lạc khi nhận định rằng xung đột Trung Đông không có dấu hiệu leo thang trong khi chiến tranh Ukraine đang tiếp diễn. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn khi thiếu chuẩn bị các biện pháp phòng thủ cần thiết, vì ông tin tưởng tuyệt đối ưu thế quân sự của 170.000 quân Do Thái so với 40.000 chiến binh Hamas. Chính ông Ehud Barak, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng 80% dân chúng cũng đồng quan điểm, cho rằng Thủ tướng Netanyahu phải chịu trách nhiệm chính trị cho thảm hoạ hiện nay.
Thái độ chán học Mác và ngán nghe theo lời Bác dậy lan tràn trong sinh viên, học viên các trường Đảng đã làm cho tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng tăng cao đe dọa sự tồn vong của chế độ...
Nhà báo Xuân Ba kể lại: “Đêm chuyển về sáng một ngày tháng tư năm một ngàn chín trăm tám tư, Vũ Bằng thều thào với Long kiếm cho ba cái điếu?! Trời đất, bệnh nặng vậy mà hút chi? Nhưng ông cứ kéo cái điếu về phía mình kéo một hơi rồi ho sặc sụa... Vũ Bằng sau hơi thuốc dim lim vẻ như khỏe lại? Nhưng rồi cứ lịm dần, lịm dần... Nhà văn Vũ Bằng trút hơi thở cuối cùng lúc bốn giờ ba mươi sáng. Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần!”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.