Hôm nay,  

Chuyển Hàng

28/07/201609:41:00(Xem: 8008)

 [The Committed, short story by Viet Thanh Nguyen
- "The Summer 2016" of Ploughshares Journal]
 
Chuyển Hàng
 
Lê Tùng Châu dịch
.
  
Buổi sáng trước khi rời đi, chúng tôi tặng Dì một món quà từ Indonesia, một gói cafe Luwak, là một trong bốn gói trong túi đồ nghề của Bon. Cà phê chồn hả? Dì nói vẻ ngạc nhiên phấn khích. Lúc ngồi ở bàn ăn, chúng tôi đã thưởng thức cà phê rồi, pha từ những hạt café Arabica đem xay máy của Dì. 

Đây là một đặc sản của Indonesia, tôi nói. Con chồn ăn hạt cà phê sống rồi thải ra qua đường bài tiết, thế là nhà vườn cà phê bèn lọc lấy những hạt này. Người ta nói qua bao tử chồn, hạt cafe được dậy hương một cách độc đáo. Dì phá lên cười làm tôi hơi động lòng vì cafe Luwak khá là đắt tiền nhất là với những kẻ tị nạn như bọn tôi. Duyên do là từ một trong những đệ tử thân tín của Boss, anh đã tìm gặp chúng tôi một ngày trước khi bọn tôi rời nhà ra đi, đưa ba gói Luwak làm quà cho vị quý nhân của anh ở Paris. Boss rất khoái cà phê này, anh nói. Mũi anh húng hiếng, râu ria xồm xoàm, cặp mắt đen thui trông y chang nét đặc trưng của mắt con chồn trong ảnh ngoài bao bì gói cafe. Boss đòi phải là loại đặc biệt. Bon và tôi ráng cóp nhặt chút tiền còn lại mà vốn hai đứa cũng đã nhẵn túi để mua gói Luwak thứ tư mà Dì hiện đang cầm trên tay. Ôi, người làm vườn khốn khó! bà vừa chun mũi vừa thốt lên. Nhưng cũng là một cách mưu sinh vậy. Rồi như thấy mình hơi hớ lời trong câu nói, Dì tiếp, nhưng nhất định loại này thơm ngon lắm. Sáng mai Dì sẽ pha một tách, ồ không, cho Dì và cháu nữa. Gật đầu về phía tôi, Dì hẹn sáng mai, lúc ấy chắc Bon đã ở bên Boss rồi.

Bình tâm lại khi ngày rạng lên, Bon ngỏ lời cảm ơn thịnh tình hiếu khách của Dì và không nhắc gì đến chuyện quái quỷ đã chia rẽ họ hồi đêm qua khi Bon nhìn thấy tấm ảnh Hồ Chí Minh trên mặt lò sưởi nhà Dì. Ở đoạn đời trước, khi là một sát thủ thuộc quân đội Nam Việt Nam, nếu thấy hình ảnh như vầy chắc anh sẽ giết Dì ngay. Thực tế bây giờ anh giữ được thái độ điềm đạm nhã nhặn là cả một sự tiến bộ, một dấu hiệu cho thấy Kinh đô Ánh sáng có lẽ đã cảm hóa được anh chỉ qua một lần chạm mặt. Chúng tôi rời căn hộ chung cư Dì ở, theo hướng Dì chỉ dẫn đi thêm qua một khối nhà để đến trạm xe điện ngầm Voltaire, trên đường đi dừng lại vào một hàng thuốc lá để mua mấy gói và một cặp xì gà Cuba dành ăn mừng khi đặt chân đến Paris. 

Tôi bắt đầu lo việc nhập vào lớp học nơi trường Pháp, cũng không khó lắm, hễ cần gì chỉ việc nói "Tôi muốn ..." hay "cảm ơn", được nhiều người giúp đỡ chỉ dẫn với nụ cười nhã nhặn thân thiện. Sau bao cam go sống còn có lúc tưởng như chìm hẳn trong lòng địa ngục vào thời bị giam trong trại tù cải tạo dựng lên trùng điệp ở Việt Nam, tới một hòn đảo hoang vu lạc lõng không một bóng người, rồi thoát ra tới vành ngoài địa ngục khi đến được trại tị nạn ở Indonesia, cuối cùng chúng tôi cũng đã đặt chân đến vùng đất văn minh nhất mọi chốn. Nơi đây người ta chỉ việc bước ra khỏi nhà là mua được trái cây tươi, rau quả ở chợ, mua bánh mì mới ra lò hoặc bánh ngọt mới làm tại các cửa tiệm, hay thăm thú hàng thuốc lá xem xì gà Cuba vốn bị cấm bán ở Mỹ (nơi tôi có sống qua một thời gian). Trong khi ở Mỹ, một người Mỹ trung bình chính là sản phẩm của một chuỗi mắt xích của nền công nghiệp tiêu thụ sinh ra một vòng khép chặt chẽ và đầy thế mạnh nhờ đó anh ta hoặc cô ta mới lấn át được chúng tôi là người Việt, thì ở Paris con người chiếm một vị thế khiêm tốn hơn, kém tính quy mô máy móc hơn. Điều đó thực hơn khi người ta bất chấp màu da trắng da đen, hay màu khác như tôi, thậm chí da sạm nắng màu be của người Bắc Phi hoặc người Ả Rập mà cho tới lúc đó tôi chưa hề thấy bao giờ. It ra, tự nhiên tôi không bị cảm giác lạc lõng ở những nơi không toàn người da trắng, hay ít nhất là vắng hẳn người da trắng, trong khi mình đang mang màu da pha trộn di truyền từ cha Pháp mẹ Việt. 

Quận XI là một bản sao đa sắc hơn Paris mà trên bưu ảnh cũng như điện ảnh thấy toàn tài tử người da trắng. Còn cái nôi của giới diễn xuất của Hollywood ở Mỹ lại như là một nơi tập trung chủ yếu cư dân người da trắng, không kể lác đác một ít đầy tớ, nô lệ, hay người Ấn buồn rầu thì mảng màu đơn sắc này như thể một đồng tình lộ liễu chứng minh rằng một lời nói dối có thể được nhiều người tin là thật.
Ngay cả khi không nghe một chữ tiếng Anh nào, cũng không thấy bóng dáng du khách nào trên đường phố hay là tận nơi những góc khuất trong xe điện ngầm, tôi cũng không cảm thấy lạc lõng. Vừa có thực mà cũng vừa ngược đời là ngay cả khi tôi có thấy lạc lõng đi nữa, cảm giác đó lại là một cái gì khiến tôi dấy lên một mối xúc cảm hướng thượng và tích cực. Mang kiếp con hoang, tôi đã sống trong tình trạng lạc lõng quá lâu đến nỗi chấp nhận bị gạt ra rìa mới đúng thực là chỗ của mình. Thêm vào đó, tôi ham học hỏi, mà người ta không sao học hỏi được gì nhiều nếu cứ ru rú ở nhà. Đời sống dễ dãi làm mụ mị đi tâm trí, trong khi muốn trí lự sắc bén thì nhất định phải nếm mùi lang bạt rày đây mai đó. Cũng chẳng khác gì ngay cảnh các tàu điện ngầm này. Trước đây cả Bon và tôi đều chưa từng đi xe điện ngầm bao giờ, nay trông dòng người xuống xe rồi băng tỏa vào các tòa nhà đem lại cho chúng tôi một cảnh tượng vừa mới lạ vừa quen thuộc, hệt như cuộc sống thường nhật của đồng bào tôi ở quê nhà thậm chí còn nhiều đấu tranh khốc liệt hơn nữa.

Địa hình lộ trình ngầm lạ lẫm làm chúng tôi mất phương hướng, nhưng rồi theo chỉ dẫn của Dì và lần theo các dấu chỉ trong tàu điện ngầm, chúng tôi cũng đổi chuyến được tại trạm Nation (3) rồi đổi lần nữa tại trạm Place d'Italie trước khi xuống tàu ở trạm Porte d'Ivry. Đi trên đường, chúng tôi mới lấy làm lạ từ dư âm của các đoàn tàu, mùi nước tiểu dai dẳng cùng nhiều người hát rong, bán hàng rong hiện diện tại các trạm dừng. Có lẽ chúng ta đã kỳ vọng là không gian ngoài đường hay cả trong các đường hầm cũng thơm tho sạch sẽ và cư dân sẽ không đến nỗi phải làm lụng những công việc tầm thường vật lộn như thế để kiếm sống nơi Kinh đô Ánh sáng. Tuy nhiên, cũng không phải sốc cho lắm khi thấy dân Paris còn như vầy, khi ta đã sống ở Los Angeles rồi, nơi được sánh như cái gọi là Thế Giới Thứ Ba còn hơn cả những tự truyện tưởng tượng của Hollywood, để thấy ít ra cái xó xỉnh bị đẩy ra khỏi chốn phồn hoa đô thị này cũng còn đỡ. 

Bây giờ bọn tôi phải tự tìm trong Quận mười ba, tìm khu người châu Á, hoặc phố Tàu, vốn nghe đầy những chuyện thêu dệt đồn đại thời còn ở trại tị nạn. Ở trại, nhiều người tị nạn luôn miệng bàn tán nhắc đến các quốc gia đồng minh của nước mình mà nhiều đồng hương khác đã được chuyển đến trong các chuyến trước chúng tôi – như Bá Linh, Sydney, Vancouver, đại loại như vậy. Quận mười ba Paris chỉ đứng thứ nhì sau quận Cam (Orange County), California, mà tôi đã biết quá rõ qua thời lưu trú ở Mỹ lúc trước. Gần như tức thì vừa rời khỏi nhà ga tàu điện ngầm, là chúng tôi đã nhìn thấy những gương mặt quen thuộc đồng chủng, là người Tàu hay người Việt, qua nghe ngóng ngôn ngữ trao đổi của họ nói ra một cách tự nhiên. Hầu hết các gương mặt đã vừa xấu vừa chẳng có gì nổi bật, nhưng dù sao vẫn yên lòng hơn. Lớp người hạng trung, bình thường của bất kỳ chủng tộc nào cũng không thể làm nên một hình mẫu dễ coi, và vẫn biết sự xấu xí chỉ đem lại định kiến không tốt, nhưng tính hiền lành chơn chất của đồng bào mình vẫn hơn. Thế nên bày ra cái phong tục tập quán của người mình ở đây có lẽ là lạc điệu nơi Kinh đô Ánh sáng này nhưng vậy mà vẫn nghe lòng hai chúng tôi ấm hẳn lên. Còn nữa, người châu Á có xu hướng lê chân hơn là sải bước khi đi bộ thế nhưng đàn ông lại bước đi trước bỏ mặc phụ nữ phía sau kham nhẫn ôm đồm mang vác hết cả các thứ đồ đạc mua sắm; và đơn cử thêm chuyện nữa, phong cách lịch thiệp của họ biến đâu mất, cứ hay lấy tay bịt một bên mũi này rồi hỉ mũi văng qua lỗ mũi kia, có lần của nợ ấy suýt nữa là văng trúng chân tôi, chỉ còn cách có một hoặc hai bàn chân. Thật gớm quá, quả vậy, nhưng cũng dễ rửa sạch nếu có một trận mưa, hoặc nhiều trận mưa mới có thể cuốn sạch bao lớp lớp vung vãi bẩn thỉu như vậy.

Bọn tôi tìm đến một cửa hiệu xuất nhập cảng trên mấy con đường nhỏ nằm quanh Boulevard Leningrad, không xa siêu thị Tang Frères là mấy, nơi này về sau bọn tôi sẽ đến với nguyên một danh sách các thức mua sắm do Dì kê ra. Hãng buôn xuất nhập cảng này có niêm yết thông báo cho biết có thể dùng tiếng Pháp, tiếng Trung hoa, và tiếng Việt Nam: dịch vụ của họ bao gồm các chuyển vận về nước các loại bưu kiện, thư tín và điện tín, mà họ bảo là chuyển niềm hy vọng về. Bên trong, phía sau quầy, xếp lớp trên dãy kệ từ sàn suốt lên đến trần chồng lên nhau bao nhiêu là hộp và gói đồ. Một trong hai nhân viên đang tiếp chỉ có một khách hàng, đó là một người đàn ông tóc bạc đỏm dáng, thắt nơ và áo khoác họa tiết xương cá, họ nói với nhau bằng một thứ tiếng Pháp điệu đàng, đang bàn bạc phí vận chuyển về quê nhà ba hộp đồ đang nằm trên quầy. Các hộp có nhãn hàng mới với hình ảnh minh họa dàn âm thanh Sony gồm loa, kệ để cassette, và bộ chỉnh tần, món này giới trẻ rất khoái mang ra góc phố hay bãi đỗ xe và làm ồn lên không gian đang yên tĩnh, đồng thời gợi cho người già nhớ lại một thời son trẻ. Anh có chắc gởi chúng đi được chứ? quý ông nói. Chắc chắn, thưa chú, anh nhân viên đáp. Mới thoạt nhìn cứ tưởng có gì ửng đỏ trên mặt anh, nhìn kỹ lại, thì ra là chỗ vỡ của các mụn trứng cá. Lúc nào tụi cháu cũng gởi đi được thưa chú, chẳng bị mất một gói nào bao giờ. Từ trên ghế sau quầy, anh nhân viên còn lại đưa mắt nhìn chúng tôi và nhấm nhẳn chào.

Tôi cho anh hay tôi tìm gặp Boss. Anh nhân viên này tuy không có mụn nhưng lại kém đẹp trai hơn so với đồng nghiệp, đáp là Boss không có ở đây, đấy thực ra chỉ là vì anh ta là thuộc hạ và phải nói với chúng tôi những gì được phép nói. Bọn tôi là những người từ Pulau Galang đến, Bon tiếp. Ông ấy đang chờ hai chúng tôi. Anh nhân viên làu bàu lần nữa, rồi mới từ từ rời khỏi ghế một cách chậm chạp như thể người bị bệnh trĩ, và biến mất sau dãy ngăn kệ. Anh chàng có mụn trao biên nhận cho quý ông đỏm dáng và bắt đầu dán nhãn lên các hộp, hộp nào cũng có cùng địa chỉ là Cần Thơ. Coi được không ông? quý ông quay qua hỏi tôi. Tôi muốn gửi tiền nhưng ông biết đó, gởi tiến dễ sinh chuyện lắm. Tôi thấy kiểu đó không được. Ông gởi những dàn âm thanh nổi về nhà cho người thân đem ra chợ đen bán lại, tình trạng này tôi đã chứng kiến trong những ngày tháng nằm dầm ở nhà của người tài công ở Sài Gòn chờ thuyền để vượt biên. Rồi khi thấy trong xóm có người may mắn đi lãnh hàng từ bưu điện về nhà, thì những món ấy là nguyên cớ cho chòm xóm dấy lên bao ghen tị và nghi ngờ, vì trong khi những gói quà giúp họ trang trải đời sống thì đồng thời họ cũng tự nhận mình có quan hệ họ hàng với người của chế độ cũ đang tị nạn ở ngoại quốc.

Anh nhân viên không có mụn quay trở lại và bảo: Ông ấy đang đợi các anh.


Đi ra sau quầy, bước xuống một lối đi, rồi qua lớp cửa là văn phòng, quyện mùi oải hương xịt phòng, vải sơn lót sàn và trên tường điểm tô các poster lịch sexy ảnh của dàn người mẫu Hồng Kông trong những thế chụp hở hang. Tháng Mười năm 1985. Từ sau chiếc bàn kim loại, Boss đứng lên bước ra chào và bọn tôi gần như không nhận ra ông. Hồi ở trại tị nạn, ông hốc hác và rách rưới như bao người khác, tóc tai xù xì, một chiếc áo sơ mi nâu che tấm thân suy bại giữa hai xương vai nhô ra nhọn hoắt, trên người chỉ còn mỗi đôi dép lào mỏng dính. Tóm lại hồi đó, ông đúng là một dân tị nạn, tiến gần với giống người trung cổ Neanderthal hơn là người văn minh, ít nhất là trong mắt của những ai còn được xếp loại là văn minh. Còn bây giờ ông mang giày da, quần ủi li thẳng tắp, mặc áo thể thao polo, trông tự nhiên giản dị của các lớp thị dân ở về nhánh bên Tây của nhân loại, tóc rẽ đường ngôi gọn gàng có thể đặt một cây bút chì vào chỗ rẽ. Hồi còn bên nhà, ông là tay trùm lợi tức trong ngành buôn gạo, nước uống soda, và dầu mỏ, chưa kể đến một số mặt hàng khác trên thị trường chợ đen. Sau khi thay ngôi đổi chủ, người cộng sản đã nẫng nhẹ của ông biết bao nhiêu trong khối gia sản đồ sộ kia, nhưng những tay chuyên gia xào nấu đó đã ra tay bòn rút đi quá nhiều quá vội màu mỡ từ ả mèo béo này. Trước nguy cơ chết ngắt vì trắng tay nếu tiếp tục ở lại, ông đã bỏ trốn, sống sót, và tới đây, chỉ cần có một năm để gầy dựng sự nghiệp trở lại và tái xuất giang hồ.

Cả ba cũng tay bắt mặt mừng với thủ tục nghi thức đàn ông như ôm thân thiện và vỗ tay vào lưng. Chấp nhận ở thế dưới theo thứ lớp trong đàn, Bon và tôi đem trao ông ba gói Luwak do đệ tử ông đưa như một thứ cống nộp. Thế là chuyện vui bắt đầu, nào là thuốc lá Pháp, uống rượu táo Calvados của vùng Normandy bằng ly Snifter. Kiểu uống và phong cách uống rượu chứng tỏ tài nghề pha chế của Boss bây giờ phong phú hơn so với thời còn ở quê nhà, hồi đó thúc uống ưa chọn của cánh đàn ông thường chỉ có Cognac pha với soda thêm ít nước đá dùng trong ly Highball to bự. Khi bọn tôi bảo hồi nào tới giờ chưa đem cho ông thứ cafe giá trị như loại cafe chồn như vầy, thì ông đã khéo gượng cười, cầm con dao mở thư lên thò vào khe gói mở thử một gói, trút ra lòng bàn tay mớ hạt nâu bóng, và càng lấp lánh hơn dưới ánh sáng của cây đèn bàn.

Tôi không uống cà phê, ông nói. Trà thì được còn cà phê mạnh quá.

Chúng tôi nhìn hạt cafe tội nghiệp, mũi dao nhọn đang ép vào bụng nó. Boss lăn hạt điệu nghệ giữa các ngón tay cho đến cuối cùng nó nằm giữa ngón cái và ngón trỏ, rồi lấy phần nhọn của dao cạo nhẹ. Phần màu nâu rơi ra khỏi hạt như một lớp sơn, rồi để lộ ra màu trắng bên dưới. Không phải ta cần phải có màu, ông nói. Thực ra nó chỉ là màu nhuộm thực vật. Không hề gì đâu dù anh có đưa lên mũi. Ông mở gói thứ hai, trút ra hạt khác và chà nó xước một tí màu ra và lại để lộ chút màu trắng bên dưới. Kiểm phẩm đã xong, ông nói. Anh chớ có tin hết vào đệ tử. Chuyện thực tế là nguyên tắc thực nghiệm và không bao giờ tin đệ tử. Ông mở ngăn kéo lấy ra một cái búa như thể chiếc búa lúc nào cũng nằm trong ngăn bàn. Hạt cafe khi bị nhát búa đập, nó vỡ vụn thành mớ bột mịn. Ông lấy ngón tay chấm vào chỗ bột trắng có nhuốm tí nâu, và liếm nó. Thoáng nhìn lẹ qua thấy chiếc lưỡi hồng của ông làm tôi giật nẩy người. Bài thử nghẹt mũi tốt nhất đấy, ông bảo. Nhưng tôi có người lo việc đó. Hay là anh làm? Muốn thử không?

Bọn tôi lắc đầu. Ông lại làm một cái cười gượng và nói, các chàng trai giỏi ghê! Rồi ông mở gói thứ ba, lắc ra hạt cafe khác, đặt nó trên bàn, và đập nó bằng búa một lần, hai lần, ba lần. Hạt không bể. Ông cau mày và đập nó một lần nữa mạnh tay hơn, nhưng kết quả vẫn y nguyên. Thế là ông vung tay đập hạt cafe với một cú đập mạnh làm cây đèn bàn nhảy dựng lên như thể nó cũng biết ngạc nhiên, và khi ông nhấc đầu của búa lên khỏi bàn, chúng tôi không thấy mớ bột trắng mịn mà là các lớp vỏ cong vỡ ra, các mẩu vỡ có màu nâu đến tận trong lõi. Chết tiệt, Bon lẩm bẩm. Bạn biết rồi đó, Boss vừa nói vừa đặt nhẹ cái búa xuống bàn. Ông ngả người trên ghế, khóe môi giật nhẹ như vẻ thích chí của kiểm toán viên phát hiện ra trò lừa đảo. Hey, các chàng trai, ông thốt lên, Tôi nghĩ rằng chúng ta có chuyện rồi đây.

Với cả bọn, tất nhiên ông muốn nói tới "các anh" tức là hai chúng tôi.

Quả là danh Boss bất hư truyền mà chả ai biết ông tên gì, hoặc có biết cũng chẳng ai dám to mồm. Không biết bố mẹ ông có biết tên ông không, vì ông xuất thân là một trẻ mồ côi, nên có khi họ chưa đặt tên cho trẻ trước khi ném nó qua tường của trại cô nhi cũng nên. Quý Sơ trong cô nhi viện có đặt tên Thánh cho ông, nhưng cũng không ai biết chắc cô nhi viện đó tên gì. Ông đã trốn khỏi viện cô nhi lúc mười hai tuổi, vì không chịu đựợc các bài Thánh giáo, rồi những ngày ăn kiêng lặp đi lặp lại chỉ có cháo với một vài mảnh thịt lợn khô, việc ngược đãi trẻ mồ côi có xuất xứ người Hoa, không ai chịu nhận về làm con nuôi... Nhưng nếu không có tên tuổi không phả hệ không giấy tờ, và chỉ mới mấy tháng tuổi thì làm sao ai biết em bé này là người Hoa? Bởi do dáng vẻ của ông mà ra. Màu da nhợt nhạt, hai mắt không đồng, khuôn mặt bầu bầu – chỉ cần một lần nhìn qua là người ta biết đứa trẻ mồ côi đó là người Hoa liền, ngay các Sơ cũng phải đồng ý rằng trông nó giống hệt, chỉ có điều lạ là sao người Hoa lại phải buộc từ bỏ đứa con trai? Để lý giải điều gì đã xảy ra, tất cả mọi người cuối cùng đồng ý rằng cậu ấy không chỉ là một đứa trẻ mồ côi mà còn là đứa con không hợp pháp, ngoài giá thú nữa. Đây là lý do tại sao Boss xử rất tốt bụng với trẻ mồ côi, và lý do tại sao một số khá lớn thuộc hạ của ông toàn là trẻ mồ côi, có khi họ được Boss cứu có khi do cha mẹ trẻ mang tới cho Boss khi nghe tiếng tăm ông.
Đồng thời, có tin đồn là có nhiều trẻ con khắp Sài Gòn rất giống ông, hoặc do các bà đã có chồng hoặc do các bà mẹ đơn thân sinh ra. Dù là chính bản thân mình là một trẻ mồ côi nhưng ông từ chối gặp hoặc hỗ trợ bất kỳ những trẻ con ngoài giá thú. Hành vi này không có gì lạ lắm ít ra là đối với ông. Cũng như bao người, mà có lẽ với tất cả mọi người cũng nên, cái bản ngã của con người ta được hình thành như một chiếc tàu ngầm viễn du trong vùng nước tâm thức rộng lớn mênh mông, từ nơi sâu thẳm đó thảng hoặc nó mới nổi lên, đó là một sự thể bất khả tri đối với tha nhân, nhưng với chính ta thì vẫn hằng biết. Không tự biết mình cũng có tính quan yếu sống còn y như tự biết rõ mình vậy, một sự cân bằng tinh tế được duy trì thông qua tính kiên trì dày dạn và những lớp vách ngăn, và, gặp lúc khủng hoảng sinh tử, việc quyết đoán ngăn ra những phòng nào có người phải chết nhằm hy sinh cho lợi ích của người sống là loại quyết định mà ông làm không chỉ một lần. Vì vậy, hễ với bất kỳ trường hợp trẻ em nào thì cũng đều được nhận. Chỉ những ai chẳng làm được điều gì mà chính mình hằng mong cho trẻ em, đều ham hố một quyền năng sáng tạo mà họ đã không thủ đắc được. Người đó chẳng cần đến một thứ di sản nào khác ngoài di sản mà ông ta đã vun vén cho bản thân, chỉ có mỗi một thứ giá trị đó mà thôi.

Cũng như bao người khác, trời sinh thân ta có hai con mắt, tự mình lại chỉ nhìn thế giới thông qua có một bên của cắp kính tiềm vọng đó. Tầm nhìn xuyên suốt tập trung của ông mang cả điểm mạnh và điểm yếu, vì trong khi chịu mất thời giờ nghiên cứu những thứ gì đâu chẳng ai biết, thì ông lại lơ là thiếu sót ở những mảng phụ thuộc. Qua cặp kính tiềm vọng kia, ông đã suy xét kỹ hai người ngồi trước mặt mình và cả quyết rằng họ - tức là hai đứa tôi - không phải là loại kẻ cắp chỉ một số tiền tạm gọi là nhỏ. Còn với số tiền rất lớn, thì có, bất cứ ai có cơ hội cũng không từ. Nhưng họ đâu có ngu để liều mạng đánh đổi mối quan hệ đang có lợi với ông để lấy một chút lợi lộc có nửa kilogram cocaine, trừ khi họ là những tên nghiện, trường hợp đó thì tính logic đã không còn nghiệm đúng phương trình được nữa rồi. Ông biết rượu và thuốc lá mới là món họ thích, nhưng đã quen biết nhau nhiều tháng từ lúc lênh đênh trên thuyền, rồi trên đảo, và sau nữa là trại tị nạn, quả thực đâu dễ gì tiếp cận thân thiết với những hai tên nghiện mà thể nào chúng cũng gây ra lắm chuyện hoặc ít phi pháp hoặc nhiều ăn hại, không lẽ lấy sơn phết lên lấy keo dán lại mà lấp hết đi bộ nhớ trong tế bào não hay sao. Nghe kỹ họ giải trình mọi sự xong, ông tin chắc rằng rất có thể họ đã vô tình đưa nhầm gói Luwak của mình cho bà Dì gàn dở của tên con hoang kia. Ông cũng tự hỏi không biết nàng có đẹp không, hay ít ra là có coi được không, không biết nàng mập hay ốm, hay mặc váy hay quần dài, và không biết nàng thuộc loại dễ nhai hay khó nuốt? Với những phụ nữ không chồng, ông thừa dạn dày kinh nghiệm để biết họ thường gồm đủ cả hai mặt, tuy dễ dụ nhưng lại khó giữ bền, họ rất kỹ tính và ưa thay đổi khó lường. Nghĩ tới bà Dì không chồng làm ông cười thầm trong bụng. Từ lâu ông đã làm chủ hoàn toàn không cho những gì bên trong xuất lộ thành những biểu hiện ra bên ngoài, rồi cũng từ cái cười thầm đó làm ông nghĩ nên chọn lối khu xử thế nào với hai cậu đang ngồi trước mặt. Ông tự nhủ nên kiếm một nụ cười dễ coi, diễn nó lên trên mặt cho họ thấy, và nói: Nói gì đây nhỉ. Thôi, các cậu về ngày mai mang gói Luwak kia quay trở lại đây. Chuyện nhỏ, phải không?

Họ chịu trả lời vâng, dù biết rằng trên thực tế đó không phải là chuyện nhỏ tí nào. Có người cứ trả lời chịu khi thực lòng đúng là chịu nhưng cũng có những người lại đáp không dù trong lòng quả thực là có. Với những ai không biết về ông, thì ông coi như đó là sự phân nhiệm để cho họ biết ông là ai và họ cần phải đáp ứng như thế nào. Hai người này thì quá biết ông, và họ hiểu rằng nếu ông không còn tin họ vụ nửa kilogram cocaine kia thì cũng chẳng thể còn tin nơi họ bất cứ điều gì. Ông diễn lại nụ cười trên mặt rồi viết hai địa chỉ lên một mảnh giấy và đưa nó cho người đàn ông chột mắt, người duy nhất vào lúc đó ông có chút e dè, bảo anh ta đi tới chỗ làm và chỗ ở. 
Họ làm cạn chỗ Calvados rồi bắt tay ông cáo từ, để ông lại một mình với mớ cocaine, chai Calvados, gói thuốc lá, cái gạt tàn đầy, ba cái ly Snifters không, và chiếc búa. Ông giũ bỏ cocaine và cà phê ra khỏi đầu óc, cầm chiếc búa trong tay, ông thấy thích vì nó nặng, đem lại cảm giác thăng bằng, và thanh tao. Ông đã mua nó ở một cửa tiệm bán đồ sắt chẳng bao lâu sau khi đến Paris, cùng với một hộp đinh nữa. Khi đi đến bất cứ nơi nào thì điều đầu tiên ông thích mua hoặc lấy cắp, nếu không có mang theo sẵn, là một cái búa. Cái búa tuy là một dụng cụ đơn giản tầm thường nhưng đó là điều duy nhất ông luôn cần có cùng với trí tuệ, để thay đổi thế giới.

July 28, 2016
The Committed, short story by Viet Thanh Nguyen - "The Summer 2016" of Ploughshares Journal 
 [Chuyển Hàng - Lê Tùng Châu dịch]
Link: https://letungchau.blogspot.ca/2016/07/chuyen-hang.html?max-results=10

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu không hiểu rõ giá trị truyền thống của các tôn giáo bạn, thì chúng ta rất khó bày tỏ lòng kính trọng các tín ngưỡng khác biệt
Người ĐẠT ĐẠO phải trong sạch trong tư tưởng ảnh hưởng đến lời nói và việc làm. Cần phải gạt bỏ ngay hạt nhân xấu vừa nảy mầm
Dân chúng Mỹ lại một lần nữa tưng chào mừng Ngày Sinh Nhật thứ 231 năm của quốc gia trẻ trung Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Trong hoàn cảnh đất nước hiện tại, chiến tranh đã chấm dứt từ năm 1975, nhưng sau 32 năm dưới chế độ CS, người dân Việt Nam trong nước vẫn chưa được hưởng
Phim ảnh Việt Nam thời gian này ra nhiều về số lượng cũng như về chất lượng
Sau 1954 ba tôi rời nơi chôn nhau cắt rún, tạm xa gia đình vì sinh kế.
Bài viết này được đúc kết bởi cảm xúc có được sau hai ngày tham dự Hội Nghị Quốc Tế Về Tiếng Việt (HNQTVTV) do Viện Việt Học (1) tổ chức
Công cuộc cứu trợ nạn nhân Sóng Thần ở Nam Á là một nỗ lực quốc tế lớn lao, chưa từng thấy trên thế giới. Nó cũng làm nổi bật một điểm rất đặc biệt
Có thể nói cuộc biểu tình của đồng bào Mỹ tho ở Saigon là một cuộc biểu tình lớn nhứt và lâu nhứt của đồng bào Miền Tây đòi hỏi đất đai
Vào những ngày cuối cùng của tháng 4/1975, trong khi những người lãnh đạo tối cao của quốc gia và quân đội tìm mọi cách để ra đi
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.