Hôm nay,  

Du Tử Lê Và 8 Năm Quân Ngũ Tại Cục Tâm Lý Chiến, Ở 2 Bis Hồng Thập Tự, Sài Gòn

02/07/201600:00:00(Xem: 8223)
Ghi chép của Vương Hồng Anh

*Đôi điều về KBC 3168, 2 bis Hồng Thập Tự Sài Gòn

Trong bài viết “Du Tử Lê, những ngày ở KBC 3168” đăng trên Việt Báo vào cuối tháng 11 năm 1998, chúng tôi có nói qua về Cục Tâm Lý Chiến, mà khu bưu chính (KBC) có danh số là 3168. Doanh trại của đơn vị này đặt tại 2 bis Hồng Thập Tự từ năm 1955. Đây là một địa chỉ bưu chính giao dịch hành chính của đơn vị với các cơ quan dân sự và số 2 bis có một “lịch sử” của nó. Theo tài liệu quân sử của Bộ Tổng Tham Mưu và lời kể của một số niên trưởng đã làm việc tại doanh trại này từ thời gian doanh trại được hình thành, thì trước năm 1955, đường Hồng Thập Tự có tên là Chasseloup Laubat, và địa chỉ bưu chính số 2 là khu xưởng của ngành công chánh, còn 2 bis là doanh trại của một đơn vị của quân đội Liên Hiệp Pháp. Vào khoảng cuối năm 1956, Nha Chiến Tranh Tâm Lý tiếp nhận doanh trại này và xây dựng thêm một số khu nhà mới. Cũng cần ghi nhận rằng đầu tháng 2 năm 1954, trong kế hoạch phát triển quân đội Quốc gia Việt Nam, Bộ Quốc phòng cho thành lập Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Tác Động Tinh Thần và Chính trị (tới tháng 9 năm 1956 thì cải danh thành Nha Chiến Tranh Tâm Lý). Đến cuối năm 1964, Tổng cục Chiến tranh Chính Trị được thành lập, quy hợp các nha Chiến Tranh Tâm Lý, Nha An Ninh Quân Đội, Nha Xã Hội Văn Hóa, các nha đổi thành cục, đồng thời tổng cục này lập thêm Cục Chính Huấn và các Nha Tuyên Úy Phật Giáo và Tin Lành( nha Tuyên Úy Công Giáo đã có từ trước). Riêng Nha Chiến tranh Tâm Lý cải danh thành Cục Tâm Lý Chiến, tổng chỉ huy 5 tiểu đoàn Tâm Lý Chiến, 5 Đại Đội Dân Sự Vụ hoạt động tại 4 Vùng Chiến Thuật và Biệt khu Thủ Đô. Cuối năm 1966, các tiểu đoàn Tâm Lý Chiến và Đại Đội Dân Sự Vụ sát nhập thành các Tiểu đoàn Chiến tranh Chính Trị trực thuộc Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị. Cục Tâm Lý Chiến chỉ còn cơ quan trung ương gồm có Khối Kỹ Thuật ( điều hành các phòng Điện Ảnh, Vô Tuyến Truyền Hình, Thông tin Báo chí, Văn Nghệ, Ấn Họa, Đài Phát thanh Quân Đội, Nhật Báo Tiền Tuyến) và các khối Kế hoạch, Hành chính, Tình Báo Tâm Lý Chiến, quân số từ hơn 3 ngàn quân nhân, chỉ còn khoảng 500 người vào cuối năm 1966.

*Khi Du Tử Lê thuyên chuyển về Cục Tâm Lý Chiến

Cũng vào cuối năm 1966, một số Tổng Nha, Nha thuộc Bộ Quốc phòng được tái tổ chức, quân số của những đơn vị này, dược bổ sung cho các Cục thuộc Tổng Cục Chiến tranh Chính Trị và Tổng Cục Tiếp Vận. Riêng Khói Kỹ Thuật Cục Tâm Lý Chiến đã tiếp nhận khoảng 30 quân nhân, bổ sung cho các phòng Điện ảnh, Vô Tuyến Truyền Hình, Thông Tin Báo Chí, và Đài Tiếng Nói Quân Đội. Trong số các quân nhân bổ sung cho Phòng Thông Tin Báo Chí có Trung úy Đặng Tràn Huân (cấp bậc cuối cùng: Thiếu tá), Trung úy Lê Cự Phách ( tức là nhà thơ Du Tử Lê, khoảng 2 năm sau, nhà thơ này được thăng cấp đại úy), Thiếu úy Dương Vy Long ( tháng 11 năm 1967 trở thành dân biểu Hạ Viện), Thượng sĩ Phan Bá Thuần Hậu (bút danh là Anh Thuần). Riêng về Trung úy Lê Cự Phách, ban đầu được điều động về Cục Chính Huấn, nhưng sau đó, Cục Tâm Lý Chiến có trình văn xin hoán chuyển về Cục Tâm Lý Chiến,1 sĩ quan khác của cục được điều động thay thế Du Tử Lê ở Cục Chính Huấn.

Khi Du Tử Lê về phòng Thông tin Báo Chí, thì người viết bài này đang phụ trách ban “Phim thời sự” của phòng Điện ảnh vàVô Tuyến Truyền Hình, và đồng thời là sĩ quan Biên tập chương trình Truyền hình Quân đội trung ương do Cục Tâm Lý Chiến đảm trách. Tôi gặp Du Tử Lê lần đầu tại Phòng Thông Tin Báo Chí khi anh vừa đi làm phóng sự chiến trường từ Vùng 2 Chiến thuật trở về. Họa sĩ Mai Chửng, bạn cùng khóa 21 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức với tôi, lúc đó phụ trách về kỹ thuật trình bày của phòng này đã giới thiệu tôi với Du Tử Lê. Sau đó, tôi, Mai Chửng và Du Tử Lê trở thành bạn thân. Và vào giữa năm 1967, thì tôi xin thuyên chuyển về Phòng Thông Tin Báo Chí theo gợi ý của Du Tử Lê và Mai Chửng.

*Những chuyện về Du Tử Lê ở phòng Thông Tin Báo Chí

Khi tôi thuyên chuyển về Phòng Thông Tin Báo Chí, thì quân số của phòng có gần 20 người, trong đó có hơn 10 sĩ quan. Phòng này chiếm nguyên một ngôi nhà trong đó có 1 phòng rộng dành cho phụ tá trưởng phòng và các sĩ quan, 1 phòng dành cho tòa soạn bán nguyệt san Chiến sĩ Cộng Hòa, 1 phòng dành cho bộ phận văn thư và 1 phòng dành cho vị trưởng phòng là Đại úy Nguyễn Đạt Thịnh ( cấp bậc cuối cùng là Trung tá). Khi tôi trình diện trưởng phòng, Đại úy Thịnh đã phân nhiệm tôi vào nhóm Phóng viên lưu động tại 4 vùng chiến thuật để viết phóng sự chiến trường và các tin quân sự cho nhật báo Tiền Tuyến ( do số phóng viên cơ hữu của nhật báo rất ít chỉ phụ trách các phần tin thời sự chính trị, xã hội). Riêng Du Tử Lê, công việc chính là biên tập các bài viết của độc giả gửi về cho bán nguyệt san Chiến sĩ Cộng Hòa, và bản tin thời sự quân đội của nhật báo Tiền Tuyến, Trong trường hợp chiến trường tại các vùng chiến thuật sôi động, thì Du Tử Lê được diều động tăng cường cho nhóm phóng viên chiến trường, và vùng chiến thuật mà anh thường đến là Vùng 2 Cao nguyên.


Trong một năm phục vụ tại phòng Thông Tin Báo Chí, trước khi tôi tình nguyện thuyên chuyển về bộ chỉ huy một trung đoàn tân lập ở chiến trường Quảng Trị-Thừa Thiên, tôi đã chứng kiến nhiều sự việc liên quan đến con người Du Tử Lê, xin được ghi lại sau đây:

*Du Tử Lê và những người khách từ xa đến

Vào những năm 1967, 1968, hàng ngày, ở cửa phòng trực của doanh trại Cục Tâm Lý Chiến, thường có khách xin vào Phòng Thông Tin Báo Chí để gặp một số phóng viên, biên tập viên, với nhiều lý do khác nhau.. Người có nhiều khách nhất là Du Tử Lê, những người khách này thường từ xa về, có người từ Huế, Đà Nẵng vào, có người từ Cao Nguyên xuống, có người từ miền Tây lên, Họ gặp Du Tử Lê để trao đỏi về một bài thơ, bài viết của tác giả đăng ở các tuần báo xuất bản tại Sài Gòn, Những người này được tòa soạn các tòa báo đó hướng dẫn rằng “ cứ đén 2 bis Hồng Thập Tự xin gặp Du Tử Lê ở phòng Thông Tin Báo Chí”. Mỗi lần gặp như thế, Du Tử Lê phải nói nhỏ với Đại úy Phạm Huấn, phụ tá trưởng phòng, xin ra ngoài để đưa khách đi uống nước. Khoản tiền tiếp khách của Du Tử Lê nếu cuối tháng cộng lại cũng chiếm một phần lớn tổng số tiền nhuận bút của các tuần báo trả cho anh.

Trong số những người khách bốn phương đó, có nhiều người còn nhờ Du Tử Lê, qua sự quen biết rộng với các bạn bè ở Không quân, xin cấp giấy vận chuyển bằng phi cơ vận tải quân sự để trở lại địa phương sau chuyến đi Sài Gòn. Một trong những người bạn ở Không quân đã “gánh giùm” cho Du Tử Lê việc này là anh Phan Lạc Giang Đông, lúc đó là quân nhân phục vụ tại Bộ Tư lệnh Không quân.

Không chỉ giúp bạn về vận chuyển, có những trường hợp Du Tử Lê còn tìm chỗ tạm trú cho bạn trong thời gian người này ở Sài Gòn. Chiếc Vespa của anh đã chở không biết bao nhiêu người bạn từ bốn vùng chiến thuật, ngao du Đô Thành.

*Vài câu chuyện về tình bạn của Du Tử Lê

Trong số thi hữu, văn hữu của Du Tử Lê, có vài người (mà vì sự tế nhị xin miễn nên tên) gặp nhiều khó khăn trong đời sống, và mỗi lần từ xa về Sài Gòn, đã được Du Tử Lê tự nguyện lo luôn tiền tiêu vặt, ăn uống, và những chuyện như thế Du Tử Lê không kể với ai.. tôi biết được là do chính do những người đó kể lại với tất cả sự cảm kích về tình bạn của Du Tử Lê.

Trước năm 1975, tôi gặp Du Tử Lê lần cuối vào mùa Hè năm 1973. Thời gian đó, Du Tử Lê phụ trách tòa soạn nguyệt san Tiền Phòng của Phòng Thông Tin Báo Chí. (báo dành cho sĩ quan). Tôi xin phép vào Sài Gòn trong 1 tuần để dự kỳ thi chứng chỉ cử nhân chuyên khoa Nhân Văn. Tôi đã ở lại nhà của Du Tử Lê trong khu cư xá Bưu Điện trong 3 ngày đầu, do nhà bạn gần trường thi. Sau đó, tôi về nhà người cậu để thăm bà con. Khi từ giả bạn, tôi nói rằng mùa hè năm sau, tôi sẽ về lại Sài Gòn để dự kỳ thi hoàn tất chương trình Cử nhân, Nhưng lời hứa đó đã không thực hiện được vì vào mùa Xuân năm 1974, tôi thuyên chuyển về Đà Nẵng, và do công việc tại đơn vị mới quá nhiều, nên tôi đành tạm gác việc thi cử. Tháng 12 năm 1974, khi tôi đang phụ trách Phòng Tâm Lý Chiến của một sư đoàn Bộ binh, vị Tướng Tư lệnh Sư đoàn muốn phổ biến một bài viết về chiến công của Sư đoàn trên nhật báo Tiền Tuyến. Tôi đã cử một sĩ quan đem bài viết về Sài Gòn kèm lá thư của tôi gửi cho Du Tử Lê nhờ bạn chuyển cho nhật báo Tiền Tuyến. Khi giao thư. tôi hỏi người sĩ quan: “Cậu có biết nhà thơ Du Tử Lê không”. Sĩ quan này trở lời ngay: “Em rất thích thơ của Du Tử Lê, nhưng chưa có dịp gặp ông ta”. Sau lần đó, tôi không có dịp để liên lạc với nhà thơ lớn này.

Gần 9 năm sau, vào cuối năm 1981, từ trại tù trở về Sài Gòn, cuộc sống của tôi vô cùng khó khăn, Trước khi được một người bạn bão lảnh vào dạy Toán tại một Trung tâm luyện thi Đại học, trong ba năm đầu, tôi phải làm đủ nghề để mưu sinh. Nhà tôi ở gần Cầu Thị Nghè, mỗi lần đạp xe ngang 2 bis Hồng Thập Tự, tôi đều nhìn vào doanh trại Cục Tâm Lý Chiến của ngày tháng cũ, vào lúc đó đã trở thành một “cơ quan nhà nước”, mà lòng ngậm ngùi. Toàn cảnh của doanh trại có nhiều thay đổi nhưng cái hồn xưa vẫn còn đó.

Tháng Sáu năm 1995, trước ngày rời Sài Gòn để sang Mỹ theo diện H.0, tôi đã đạp xe đi ngang 2 Bis Hồng Thập Tự, và đã dừng lại ở bên đường hơn một phút. Tôi đã nhìn toàn cảnh doanh trại ngày xưa lần cuối, tôi mường tượng khu nhà của Phòng Thông Tin Báo Chí, lòng bùi ngùi nhớ đến những người lính muôn năm cũ, những người bạn của đơn vị đầu tiên trong đời quân ngũ của tôi, và sáng ngời lên trong tâm tưởng là nụ cười hiền hậu của Du Tử Lê mỗi lần thấy tôi từ chiến trường trở về.

 Đêm thứ Sáu 24 tháng Sáu năm 2016

Vương Hồng Anh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hai cuộc thử nghiệm  lòng  dân cùng xẩy ra một ngày, ở hai lục địa khác nhau nhưng có cùng một bài học về dân chủ  cho đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên các báo mạng ra ngày 27-11-2007, và cả báo truyền khẩu quán cóc vỉa hè, xe ôm, hớt tóc dạo... tất cả đều luân lưu những bản tin
Hội Đồng Giám Sát Quận Cam đã vinh danh ông Nguyễn Nam Lộc vì đã hoạt động liên tục 32 năm qua
Trong dịp ra mắt CD "Lá Rơi Bên Thềm” của Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở Paris, Tuyết Mai được dịp gặp gỡ một số nghệ sĩ tài danh ở đây
Vào giữa tháng 11, 2007, báo chí loan tin: Mới đây, 20.000 công dân của Hiệp hội Những người ăn chay ở Pháp
Tôi đã quan sát sự tương quan giữa nền kinh tế của Việt Nam và vấn đề tham nhũng tại đó trong nhiều năm qua. Chính tôi nhìn thấy nhà nước cộng sản
Vào đầu năm tới, một hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề "Việt Nam, một ngôi sao đang lên". Hội nghị do tạp chí chuyên đề nổi tiếng
Sau khi thành công chế tạo bom áp nhiệt, một loại vũ khí quan trọng đã giúp giảm thiểu số tử vong của binh sĩ Hoa Kỳ
Vì thời tiết ẩm ướt đang đến, các giới chức tiểu bang và liên bang thúc giục cư dân tiểu bang California bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn năm 2007
Sau năm 1975, bộ đội Bắc Việt thường khoe với nhân dân miền Nam về kỹ thuật chiến đấu cao độ của các phi công Bắc Việt là "máy bay của ta
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.