Hôm nay,  

"Sóng Gió Loạn Giang Hồ"

28/06/201600:00:00(Xem: 12144)

Tựa bài viết này là ý kiến của một độc giả về cột báo này. Kẻ viết này không khỏi… phì cười và rất vui. Nghe như văn phong Kim Dung, nhưng rất thực tế và rất tốt vì như vậy chứng tỏ cột báo này đã tạo nên được những tranh luận sôi nổi rất cần thiết cho cộng đồng ta làm quen với tự do tư tưởng và tự do ngôn luận kiểu Mỹ.

Từ mấy năm nay, trang mạng Việt Báo (Việt Báo online) có dành chỗ cho quý độc giả góp ý. Đây là việc làm vừa có tính tôn trọng ý kiến độc giả, vừa giúp rất nhiều cho tác giả các bài viết. Các ý kiến, bất kể xây dựng hay đả phá, khen hay chê, đều có cái ý nghiã và ích lợi của nó. Cá nhân kẻ viết này luôn luôn chăm chỉ đọc những ý kiến này để hiểu mình đã đúng chỗ nào, sai chỗ nào, có cái gì mình đã không nhìn thấy, để có dịp cải tiến, viết bài chu đáo hơn về sau. Tuy không thể mỗi lần lại lên tiếng cảm tạ, nhưng thật sự rất trân trọng những ý kiến đóng góp, kể cả những chỉ trích sai lầm, những sỉ vả thiếu nghiêm chỉnh.

Nói đi cũng phải nói lại. Nếu những phê bình của độc giả giúp cho tác giả thấy những thiếu sót của mình, thì ngược lại, nó cũng cho thấy không ít độc giả có nhiều hiểu lầm, sai sót quan trọng. Hiểu lầm về quan điểm của tác giả cũng như hiểu lầm về vai trò và trách nhiệm viết báo. Xin quý độc giả cho phép tôi giải thích rõ ràng quan điểm riêng về vấn đề này. Trước hết, xin bàn về nguyên tắc.

Viết báo có hai cách: một là viết (hay đọc) "báo cáo" về tin tức thời sự, và hai là bình luận những tin tức đó. Chỉ cần phân định được hai vai trò này là mọi người đều hiểu rõ ngay cách làm việc và trách nhiệm của hai chức năng này.

BÁO CÁO TIN TỨC

Người "báo cáo" tin tức, nghiã là người đọc hay viết tin thời sự, phải trung thực 100%, chuyện có sao nói vậy hay viết vậy, không thêm mắm thêm muối, không có ý kiến cá nhân, không khen chê, không phóng đại, không che dấu, không thanh lọc, không tự ý kiểm duyệt. Đây mới đúng là trách nhiệm của các "nhà báo", thường được gọi là ký giả, hay phóng viên, hay những người viết tin trên báo, đọc tin trên đài phát thanh hay trên TV.

Đây là chuyện cực kỳ khó khăn vì thông thường, nhà báo, ký giả, phóng viên cũng đều là "người" với đầy đủ hỷ nộ ái ố, thường khó kềm chế xúc động cá nhân, khó có thể hành xử như cái máy thu thanh hay thu hình được. Con người mà muốn thành cái máy, không dễ chút nào.

Ta sống trên đất Mỹ lâu năm, đều đã có dịp chứng kiến những nhà báo nổi tiếng nhất của Mỹ như Walter Conkrite, Dan Rather của đài truyền hình CBS, hay Tom Brokaw của NBC, v.v.... Họ gây dựng nên tên tuổi qua cả một đời làm báo cáo trung thực. Vậy chứ vẫn có lúc không tự kềm chế được, bị cảm xúc cá nhân chi phối, như Dan Rather ghét TT Bush con, tung tài liệu phiạ về ông này lên TV mà không kiểm chứng trước, để rồi phải từ chức.

Tuyệt đại đa số các nhà báo Mỹ loan tin rất trung thực, họ không phiạ tin. Nhưng cái mánh là lựa tin để công bố. Những tin bất lợi cho quan điểm của mình thì ỉm đi, trong khi tung lên hàng đầu những tin có lợi cho quan điểm của mình.

Một cách khác nữa là lựa ngôn từ để viết hay đọc báo cáo. Như việc hầu hết các cơ quan truyền thông dòng chính chạy tít về vụ khủng bố Orlando là "Orlando shooting", để nhấn mạnh đây là vụ giết người bằng súng, chiả mũi dùi vào việc sở hữu súng, không phải vào chuyện khủng bố Hồi giáo tấn công, đúng ý của chính quyền Obama. Họ có thể chạy tít "khủng bố Hồi giáo tấn công" nhưng họ không làm vậy vì có dụng ý.

Thực tế cho thấy truyền thông dòng chính Mỹ không khách quan. 80% các phóng viên và bình luận gia các cơ quan truyền thông lớn tự nhìn nhận mình có quan điểm cấp tiến, đã ủng hộ tiền cho ứng viên Obama trong các cuộc tranh cử tổng thống của ông này. Một số lớn tin bất lợi cho TT Obama bị truyền thông lờ đi không công bố. Phần lớn tin công bố và bài bình luận đều có lợi cho TT Obama, nếu không ca tụng thì cũng tìm cách bào chữa cho ông. Nếu quý độc giả chỉ theo dõi truyền thông dòng chính Mỹ, sẽ có một cái nhìn khá méo mó về hiện tình nước Mỹ, và có thể sẽ thắc mắc nhiều chuyện.

Chuyện cụ thể nhất: hầu hết các đài TV và báo đều nức nở ca tụng Obamacare, nhưng ngược lại, gần 60% dân Mỹ vẫn chống Obamacare. Sao lạ vậy?

Nước Mỹ thật ra có hai loại truyền thông: a/ truyền thông dòng chính, tức là các đài TV và báo chí lớn bao phủ cả nước như các đài ABC, CBS, NBC, CNN, FOX,… và các báo lớn như New York Times, Washington Post, hay Los Angeles Times; và b/ truyền thông địa phương, tức là báo và đài TV của các tiểu bang và thành phố nhỏ hơn.

Theo các cơ quan nghiên cứu, truyền thông lớn hầu hết đều có khuynh hướng cấp tiến, đi song song với khối cấp tiến DC, và thường bài bác khối bảo thủ CH, chỉ có đài FOX và báo Wall Street Journal là có khuynh hướng bảo thủ. Trong khi truyền thông địa phương thì lại có khuynh hướng bảo thủ và trung thực hơn vì họ cần độc giả và khán giả địa phương, mà nhóm này, tuyệt đại đa số là dân trung lưu, nhìn thấy vấn đề chung quanh mình một cách thực tế hơn, chẳng hạn như họ thấy rõ chính họ đang bị kẹt với Obamacare, phải trả bảo phí cao hơn, bị đổi bác sĩ, v.v…

BÌNH LUẬN TIN TỨC

Dễ làm hơn và rõ nét hơn là bình luận tin tức. Tức là dựa vào một diễn biến thời sự nào đó rồi viết bài phê bình, đưa ý kiến của mình ra.

Dĩ nhiên, điều kiện bắt buộc là những diễn biến bàn đến phải là có thực, không được bóp méo, cạo sửa, hay phiạ ra. Có sao cứ để như vậy. Rồi tha hồ bàn ra tán vào, hoàn toàn tùy theo ý kiến cá nhân. Mà ý kiến cá nhân thì tất nhiên rất khó có thể khách quan, thường rất thiên vị, có đúng, có sai, có người đồng ý, có người không đồng ý.

Bất cứ một chuyện gì, một diễn biến nào, cũng đều có nhiều cách nhìn khác nhau tùy vị trí mỗi người. Đồng tiền có hai mặt, hai người đứng đối diện nhau sẽ nhìn thấy hai hình ảnh khác nhau, có thể tranh cãi đến ngày tận thế cũng không có kết luận ai nhìn đúng, ai nhìn sai.

Đi vào chính trị thì càng phức tạp gấp bội. Kinh tế chỉ huy và kinh tế thị trường, cái nào hữu hiệu? Nhà Nước vú em hay tự lực cánh sinh, cách nào phải? Đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hoà, đảng nào đúng? Bảo thủ hay cấp tiến, hướng nào thích hợp? Cũng như màu xanh và màu đỏ, màu nào đẹp hơn, đây là loại câu hỏi không bao giờ có câu trả lời cuối cùng.

Thiên hạ thường có thái độ chủ quan phiến diện, cái gì hợp ý ta là đúng, là phải, cái gì không hợp ý là sai, là xấu. Giải quyết như thế nào?

Có hai cách giải quyết. Một là giải quyết theo kiểu Hitler, Staline, Mao, Hồ, Pol Pot, họ Kim,... rất dễ khi có quyền hành: bịt miệng, bịt mắt, che dấu, bắt nhốt, tù đầy, giết. Không có những quyền này thì đành... chửi bới, nhục mạ đối phương. Hay như một độc giả đã từng sống nhiều năm dưới chế độ CSVN, quen mô thức của xứ công an trị, đã đòi "vả vào miệng" kẻ viết này, còn bóng gió mớm ý chuyện cho ăn đạn?!

Cách thứ hai là cách mà may mắn cho chúng ta đang sống ở Mỹ, là dân chủ kiểu Mỹ, chấp nhận có khác biệt chân thành giữa người và người, và tôn trọng quyền lên tiếng của tất cả mọi người. Anh và tôi có quyền suy nghĩ khác nhau, và đều có quyền nói lên ý kiến khác biệt của mình, thậm chí thuyết phục người khác chia sẻ ý kiến với mình, đồng ý với mình. Cái quyền đó, nôm na ra gọi là quyền tự do ngôn luận mà đại văn hào và nhà cách mạng lớn của Pháp Voltaire đã định nghiã không thể nào rõ hơn, đại khái "tôi có thể không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ tranh đấu đến chết để anh có quyền nói những gì anh muốn nói". Voltaire không đòi "vả vào miệng" ai hết.

Căn bản của bình luận là chia sẻ ý kiến chủ quan cá nhân, không khách quan mà lại rất thiên vị của mình với độc giả. Bình luận gia cũng không phải là quan tòa có trách nhiệm phân xử cho công bằng. Mà nói cho ngay, nếu bình luận chung chung theo kiểu "việc này tuy đúng nhưng cũng có chỗ sai" hay ngược lại, "việc này tuy sai, nhưng cũng có chỗ đúng" thì tóm lại chỉ là nói chuyện ba phải, gọi là bình luận "huề vốn".


Quý độc giả theo dõi truyền thông Mỹ đều thấy rõ về phần bình luận, bên hữu có những Charles Krauthammer (Washington Post), Bill OReilly (Fox News), bên tả có những Andrew Sullivan (New York Times), Chris Mathews (MSNBC), v.v... Những người bình luận này đều có quan điểm và lập trường rõ nét, tuyệt đối không có chuyện bàn luận chung chung, ba phải, vì chức năng của người bình luận không cho phép họ có quan điểm ba phải. Đánh TT Obama thì đánh ra trò, bênh thì cũng bênh tới bến.

QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN

Bây giờ xin phép thưa chuyện về quan điểm cá nhân của kẻ viết này.

Quý độc giả đều thấy bài viết của tôi nằm trong mục Bình Luận. Có nghiã là tôi không phải là người báo cáo tin tức, không đưa tin gì hết, chỉ bình luận thôi. Tin tức và diễn biến đều có thật 100%, tất cả quý độc giả đều có thể kiểm chứng qua bất cứ nguồn gốc nào (trang mạng các cơ quan truyền thông, Google, Wikipedia, v.v…), nếu có điểm sai, kính xin chỉ giáo, tôi sẽ kiểm chứng lại, nhận lỗi và sửa sai nếu cần.

Khi một diễn biến nào đó xẩy ra, thiên hạ thường muốn hiểu vấn đề rõ hơn, muốn có người lên tiếng nhận định, phê bình, bàn ra tán vào để họ thấy được mọi góc cạnh. Rồi họ sẽ xét lại, cân nhắc những ý kiến khác biệt đó, để đi đến kết luận cho riêng mình.

Thực tế, có vài vấn đề rắc rối đối với cộng đồng tỵ nạn ta. Thứ nhất là một số lớn dân tỵ nạn thế hệ đầu không thông thạo Anh ngữ, cho dù có rành Anh ngữ, cũng đầu tắp mặt tối đi cầy hai ba jobs, chỉ có thời giờ đọc một tờ báo, hay nghe một hai đài TV là nhiều, không có dịp đọc và nghe nhiều nguồn tin; thứ nhì là khi theo dõi tin qua truyền thông Mỹ thì hầu hết truyền thông dòng chính có vẻ thiên vị, nhất trí phản ánh quan điểm của khối cấp tiến, của chính quyền Obama, tức là chỉ có thông tin một chiều; và thứ ba, một số lớn bài viết về chính trị Mỹ trên các báo Việt ngữ cũng chỉ là những bài dịch từ truyền thông cấp tiến một chiều đó. Mà nhiều khi dịch rất... lạ lùng. Như gần đây có bài viết về "Presidential Surveillance Program", tức là một chương trình do tổng thống ra lệnh và chỉ đạo nhằm theo dõi khủng bố, nhưng được dịch là "Chương Trình Dò Xét Tổng Thống"!

Những rắc rối này không giúp cho dân tỵ nạn chúng ta thấu hiểu tường tận vấn đề, không nhìn được hết mọi khiá cạnh, tức là không đầy đủ yếu tố để cân nhắc mọi chuyện.

Hiểu được nhu cầu đó, kẻ viết này mới quyết định viết bài bình luận. Không phải để chứng minh mình mới là người hiểu đúng vấn đề, mà chỉ là một cách giúp cho quý độc giả thấy được một khiá cạnh khác của vấn đề, một cách nhìn khác với truyền thông dòng chính cấp tiến. Rồi quý độc giả toàn quyền tìm hiểu và so sánh với những ý kiến khác, rồi nhận định cho chính mình.

Một độc giả đã nhận định "Nhưng chúng ta đọc những lời bình luận đó [của Vũ Linh] phải tự suy nghĩ cho chính cá nhân mình". Không thể nào chính xác hơn.

Có một độc giả khuyên kẻ viết này "đừng nên nói quá". Xin hỏi thế nào là nói quá? Tới đâu là vừa phải, tới đâu là quá, tới đâu là chưa đủ? Có phải đó cũng chỉ là yếu tố hoàn toàn chủ quan, đối với người này là quá, đối với người kia là chưa đủ, có phải vậy không ạ?

Trong mấy năm qua, tôi đã nhận được nhiều lời khen, khuyến khích, rất lấy làm cảm kích. Nhưng cũng nhận được rất nhiều ý kiến chỉ trích, nhiều khi với những thậm từ rất... khó nghe, nhất là qua hộp thư email riêng. Nhẹ nhất là "chuyên ăn bã miá voi CH, bưng bô CH, liếm … Mỹ trắng, tay sai đế quốc, phản bội đồng hương, vừa ngu vừa dốt, bị Fox News đầu độc, chưa nên người, ăn cơm quốc gia thờ ma CS (?), làm mất nước VN (?), bồi bút viết thuê, ăn tiền của tài phiệt, …". Về cái điểm tố giác cuối cùng, ước gì có thật thì khoẻ biết mấy! Những sỉ vả nặng hơn thì … không thể viết lên đây được.

Quý độc giả toàn quyền có những nhận định trên, tự do tuyệt đối. Các độc giả khác sẽ có dịp nhận định theo ý riêng của họ.

Tôi chưa bao giờ dám nói mình là chân lý, chỉ là cống hiến quý độc giả một cách nhìn nữa thôi. Tác giả dĩ nhiên hiểu rõ có nhiều độc giả không chia sẻ quan điểm, đọc sẽ không vui, thậm chí bực mình. Nếu không đồng ý, hay nếu thấy lý luận không vững, dẫn chứng sai, quý độc giả toàn quyền đưa ý kiến phản bác một cách nghiêm chỉnh, không cần phải dùng thậm từ sỉ vả hay nhục mạ cá nhân kẻ viết. Càng phản bác nghiêm chỉnh, càng giá trị vì càng giúp độc giả hiểu rõ thêm vấn đề, cũng như giúp cho tác giả thấy cái sai của mình. Chứ nhục mạ nhảm nhí, phiạ chuyện bôi bác cá nhân, đòi "nên câm cái mồm lại đi", hay dọa bắn giết (?!) thì chẳng khác gì mình đuối lý, chỉ còn cách làm bậy chửi bậy cho đỡ tức thôi.

Như đã có dịp bàn qua trên cột báo này, dân tỵ nạn qua đây mấy chục năm, nhưng tựu chung lại, vẫn không ít người không có một khái niệm đúng đắn về tự do tư tưởng hay tự do ngôn luận. Đại để cứ khác ý mình là không ngu thì cũng gian hay "không nên người", và viết bài chỉ để lừa lọc thiên hạ kiếm chút cơm cháo gì đó, bồi bút viết thuê đánh mướn.

Thậm chí có độc giả lại còn chất vấn việc Việt Báo là "báo lá cải" khi đăng những bài của kẻ viết này. Có lẽ vị độc giả đã sống quá lâu dưới chế độ CSVN quen đọc báo một chiều nên không hiểu rõ tự do ngôn luận và tự do báo chí là gì. Việc Việt Báo cho đăng tất cả các bài viết nghiêm chỉnh thuộc mọi khuynh hướng là cách tốt nhất giúp độc giả có dịp nhìn vấn đề dưới đủ khiá cạnh khác nhau, đó chính là mục tiêu cao cả của báo chí trong một xứ dân chủ, sao lại là "báo lá cải"?

Công bằng mà nói, nhiều độc giả cũng bị "ảnh hưởng nặng" bởi truyền thông cấp tiến Mỹ. Khối cấp tiến Mỹ phần lớn là trí thức khoa bảng, tự cho mình là thông thái, luôn luôn có cái nhìn tự kiêu tự mãn, mục hạ vô nhân, tự cho mình là "đỉnh cao trí tuệ" và miệt thị khối bảo thủ đối lập là Mỹ ruộng hay cao bồi làng, một lũ ngu dốt, hủ lậu, giả dối, hay gian ác. Không ít độc giả cũng bị lây cái bệnh tự mãn đó, và đã không e dè chửi tôi là ngu vì không suy nghĩ giống họ. Có vài độc giả còn đấm ngực thình thịch khoe bằng đại học của mình nữa!

Qua những bài viết từ nhiều năm qua, quý độc giả đều thấy rõ hơn ban ngày, không có gì dấu diếm hết: tác giả có quan điểm chính trị, kinh tế và xã hội khá bảo thủ tuy chưa là bảo thủ quá khích hay cuồng tín. Những người bảo thủ đọc sẽ thấy thích thú vì hợp ý. Những người cấp tiến nhưng đầu óc cởi mở có thể đọc để mở rộng tầm mắt, xem người khác nghĩ gì. Còn nếu như đọc mà bực mình vì nghịch nhãn nghịch nhĩ thì không nên đọc.

Nói chung, những quan điểm bảo thủ này gần với lập trường và chính sách bảo thủ của CH hơn là DC, do đó, điều dĩ nhiên là phần lớn các bài viết của tác giả có khuynh hướng không ủng hộ các chủ trương và quyết định cấp tiến của Dân Chủ và của TT Obama. Đó là căn bản của vấn đề.

Không có chuyện cố tình bôi lọ hay ca tụng đảng nào, mà cũng chẳng nịnh bợ gì ai vì thực tế, có nịnh cũng chẳng ăn cái giải gì. Cũng chẳng có chuyện vớ vẩn ăn tiền của ai hết. Cả hai đảng đều chẳng có dư tiền trả cho mấy anh viết báo địa phương cỡ như tôi. Cái văn hoá tham nhũng mang từ Việt Nam qua đã đưa nhiều người đến những suy nghĩ cái gì cũng là tiền mua chuộc.

Tôi cũng chẳng có liên hệ xa gần gì với đảng CH hay đảng DC. Chỉ là nghĩ sao viết vậy thôi. Trong giai đoạn bầu cử hiện nay, cột báo này đã chỉ trích cả bà Hillary lẫn ông Trump.

Hy vọng cột báo này tiếp tục "gây sóng gió loạn giang hồ" vì đó là cách tốt nhất để dân tỵ nạn chúng ta trước hết có dịp hiểu quyền tự do ngôn luận nhiều hơn, và sau đó, hiểu chính trị Mỹ rõ hơn.

Một câu hỏi thay lời kết: tại sao chúng ta không thể khác biệt quan điểm mà vẫn tôn trọng nhau, vẫn không cần phải dùng thậm từ bôi bác, nhục mạ hay hăm dọa cá nhân nhau? (26-06-16)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
09/08/201622:43:13
Khách
Người Việt Nam mình do ảnh hưởng từ TQ hàng nghìn năm mà cũng học theo thói gia trưởng, thích áp đặt ý kiến của mình lên người khác. Dù qua Mỹ vài chục năm thì bản tính này cũng ko thể thay đổi, may ra thế hệ sau sinh ra và lớn lên ở Mỹ sẽ cởi mở hơn, bớt cái thói áp đặt của thế hệ trước sinh ra ở VN,
Cháu đang ở VN, rất thích đọc các bài viết của bác Vũ Linh cũng như bác Nguyễn Xuân Nghĩa, thậm chí còn lục lại đọc hết các bài viết cũ từ nhiều năm trước.
Mong bác mạnh khỏe, sống vui vẻ để có tinh thần
tiếp tục viết nhiều bài hơn!
02/07/201602:57:30
Khách
Thưa chú Vũ Linh,
Cháu tên Nguyễn Hải Thanh từ Hải Phòng Việt Nam. Cháu biết chú Vũ Linh qua Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa có trang blog Dainamaxtribune. Đọc các bài viết của chú giúp cho cháu có cái nhìn khác và có thêm kiến thức về nước Mỹ. Cảm ơn chú nhiều!
01/07/201602:55:15
Khách
Hì hì hì... tui có bằng Tiểu Học Gia Định (chợ Bà Chiểu, gần Lăng Ông) và ở Mẽo từ năm 1972. Càng hiểu rỏ chính trị Mẽo thì càng có lợi cho dân tị nạn và cái quyền lợi của lá phiếu, đảng nào cũng được. Tui đang làm kg công cho xứ Mẽo, ngồi xét giấy tờ những ai đi bỏ phiếu... thấy có những cái buồn cười.
1. Tí nửa bị mất Job vì cho ông già và cậu bé 5 tuổi vào cái phòng bỏ phiếu mà bà Boss theo đúng thủ tục Tự Do kg cho, sợ thằng bé kg chơi với ông Ngoại nó vì kg bấm nút nó muốn???
2. Một anh thanh niên Mẽo hỏi tui... "ủa tui tưởng ông nầy là trong đảng CH?" trời đất hởi, theo nguyên tắc tui chỉ được quyền chỉ dẫn anh ta cách bỏ phiếu thôi. Mô Phật, Amen
Bác VL, tiến lên bác tài... cứ lái xe tự do mà coi chừng cảnh sát... hahaha.
30/06/201613:03:15
Khách
Dù sao cũng phải công nhận VL đã có nhiều tiến bộ. Đã nhìn nhận được rằng do bản tính thích bảo thủ, nên bình luận luôn nghiêng về CH; bởi CH chủ trương bảo thủ nhiều hơn. Thôi thì cũng tạm chấp nhận mặc dù nghe ngụy biện chẳng suông tai tí nào.

Thật vậy, là một đấng minh quân hay một nhà lãnh đạo Quốc gia, anh minh: Việc lo cho sức khỏe của toàn dân từ kẻ ăn không ngồi rồi cho đến người trâm anh, tài phiệt. Đó là trách nhiệm và bổn phận của người chăn dân Vương đạo, không phân biệt gái trai, già trẻ, nghèo hèn hay người giàu sang phú qúy.

Nó có từ thuở con người biết tập hợp lại, nương nhau mà sống, hầu chống chọi với thú dữ, thiên tai, bệnh tật....Vậy nó thuộc dạng bảo thủ hay cấp tiến? Chắc chắn là thuộc dạng bảo thủ rối, thế sao VL lại chống và nhục mạ Obama là Tổng thống có công nhất nước Mỹ- tạo nên được cái bảo hiểm sức khỏe cho toàn dân mà 43 đời Tổng thống trước không làm được.

Rồi CH cũng như VL đã lẻo mép dựng chuyện như nước lã khuấy nên hồ:
Rằng thì là TT Obama là TT tệ hại nhất trong 43 đới TT trước đây.
rằng thì là Obamacare sẽ ngốn hết tiền của lớp trẻ đóng cho qũy an sinh xã hội.
Rằng thì là qũy ASXH sẽ sạch bóng vào năm 2035 vì Obamacare.
Rằng thì là người già đã về hưu cũng sẽ bị cắt giảm thậm tệ tiền hưu trí bởi Obamacare chiếm đoạt qũy ASXH giúp cho đám lười biếng, ăn không ngồi rồi, vô tích sự có được Obamacare chăm sóc.
Từ đó cả trẻ lẫn già phải dồn phiếu cho CH sao cho cả White house là Tổng thống CH lẫn Quốc hội lưỡng viện đều CH chiếm đa số mới mong tu chính, triệt phá được Obamacare đả thành luật.

Tiền bỏ ra lo cho sức khỏe của toàn dân thì được CH và VL tính từng xu, bằng khua môi múa mỏ, mọi giá phải triệt phá; còn lấy ( mượn ) sạch qũy An sinh XH để đốt vào chiến tranh đa số là phi nghĩa thì lại được vinh danh, rằng thì là làm cho thế giới khiếp sợ vai anh chị trên trường quốc tế.

Thưa qúy độc giả, chỉ mới chứng minh sơ về dạng bảo thủ mà miệng VL nói nghiêng về, tay lại viết chống, thì đã quá tải dành cho người góp ý. Xin được gởi vào, xong sẽ viết tiếp, phân tích nhóm từ đòi vả vào miệng nó đúng sai thế nào!
30/06/201600:05:13
Khách
Cu muoi bai viet cua VL thi het 11,xin loi,ca muoi ,deu chi trich dang dan chu,tham chi TT duong kim.VL noi,VL lam cong viec binh luan...nhung toi thay VL lam cong viec 'chi trich'la dung nhat.
29/06/201619:39:10
Khách
Agree with Vu Linh that we need to present the news on both the positive and negative sides since news could carry the positive and negative aspects. From that the readers could well see the advantages as well of the disadvantages and may utilize them to their current circumtances.
29/06/201606:37:31
Khách
Đồng ý với tác giả về phần viết về báo cáo tin tức nên trung thực. Tuy nhiên, câu sau này trong phần viết về bình luận tin tức: "Căn bản của bình luận là chia sẻ ý kiến chủ quan cá nhân, không khách quan mà lại rất thiên vị của mình với độc giả" hình như là không hoàn toàn đúng lắm. Bình luận có thể thiên vị dựa theo cảm quan, thiên về bên hữu hoặc thiên về bên tả, nhưng cũng có thể đứng trong vị thế khách quan để bình luận vấn đề một cách độc lập với cảm quan mà không bị cho rằng là ba phải. Ví dụ, không lý bình luận rằng trong các nhiệm kỳ, các chính trị gia dân chủ không làm được điều gì hay mà chỉ có chính trị gia cọng hòa mới làm được điều hay mà thôi, hoặc ngược lại? Chúng ta có thể cổ võ cho những điều hay hoặc phê bình những điều dỡ mà chính trị gia dân chủ làm được, hoặc chúng ta có thể bình luận về những chính trị gia cọng hòa cũng như vậy. Tóm lại, chỉ gợi ý rằng khi bình luận cố gắng càng khách quan thì bài bình luận của tác giả càng có giá trị hơn.
28/06/201619:57:38
Khách
Tác giả, trong phần cuối bài, đã viết:

"Hy vọng cột báo này tiếp tục "gây sóng gió loạn giang hồ" vì đó là cách tốt nhất để dân tỵ nạn chúng ta trước hết có dịp hiểu quyền tự do ngôn luận nhiều hơn, và sau đó, hiểu chính trị Mỹ rõ hơn."

Vậy chúng ta, độc giả, nên tích cực đưa ra ý kiến của mình trong tinh thần thượng tôn cá nhân và biết rằng:

"Create Excitement But Don't Get Excited - Tạo Thích Thú Nhưng Đừng Quá Trớn."

làm phương châm trong lúc bình.


P.S: Chân thành cám ơn tác giả đã không giận mà còn ngược lại.
28/06/201619:55:37
Khách
Đại đa số dân Việt nam đã trải qua đau thương mất mát, tan nhà nát cửa, mất nước, ra đi cũng vì một thứ không gì khác hơn là CHÍNH TRỊ. Thế mà khi đến Mỹ có cơ hội tự do chính trị lại tiếc thay nhiều người không có thời gian nghiên cứu, có người vì tiếng Anh yếu kém, có người vì “tam độc” nẩy mầm nên bị truyền thông hoặc mánh lới chính trị thuộc hạng siêu đã dẫn dắt, cấy trồng thành kiến thiên lệch chết cứng một bên (bias) nên thật khó mà chấp nhận những sự thật không vừa ý dù là sự thật khác quan dưới ánh mặt trời. Đối diện sự thật không theo ý mình thì uốn lưỡi trành tréo, chỉ thiên chỉ địa … Khổ thật! mặt khác, khó trách có người chưa hiểu nền tảng chính trị đa đảng của HK dựa vào nguyên tắc cơ bản nào mà tồn tại, Bảo Thủ là gì và Cấp Tiến là gì, Center là gì... hoặc đi đến cực đoan của mỗi bên, đi thái quá bên trái (tả khuynh), thái quá bên phả (hữu khuynh) mỗi bên sẽ dẫn xã hội đi về đâu và hình thái xã hội ấy sẽ ra sao, thế mà cứ nói càn, chửi đại, thậm chí chẳng khác đổ rác lên đầu người viết dám nói lên ý kiến khác với mình.
Những bài viết của VL có giá trị về thông tin vả giúp ích rất nhiều cho cộng đồng. Vui lắm thay, nước sẽ trong hơn sau cơn lũ mà VL đã xả nguồn.
Mong VL tiếp tục viết giúp đời! Cảm ơn thật nhiều!
28/06/201618:55:32
Khách
Tác giả VL viết quá đúng, đây là nước Mỷ tự do ngôn luận mà, nếu mình không cùng quan điểm với người viết thì đừng đọc đâu ai cấm..
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.