Hôm nay,  

Kịch Bản Lạ: Ứng Viên Mới

07/06/201600:00:00(Xem: 8680)

...biết đâu sẽ là... ông Kasich đấu với ông Biden?

Một thăm dò mới nhất: hơn 20% dân Mỹ muốn thấy có một ứng viên khác ngoài bà Hillary và ông Trump ra tranh cử. Chuyện gì lạ vậy?

Từ trước đến giờ, ai cũng biết bà Hillary chắc chắn sẽ được đảng DC đề cử, dù bị 56% dân Mỹ ghét. Đảng CH không chịu thua, tìm cách bầu cho ra ông Trump với 62% dân Mỹ không ưa (73% theo CNN!). Vấn đề của tháng Mười Một này là xem ai dành được giải thưởng độc nhất vô nhị "ai ít bị ghét hơn ai". Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 200 năm của Mỹ, lại có chuyện lạ lùng là cả hai ứng viên chính đều bị đa số dân ghét như vậy.

Một thăm dò khác cũng mang nhiều ý nghiã không kém. Được hỏi tại sao bầu cho bà Hillary thì hơn 50% cử tri của bà cho biết "vì không muốn ông Trump đắc cử". Cũng với câu hỏi tương tự thì 60% cử tri ủng hộ ông Trump cho biết "vì không muốn bà Hillary đắc cử". Nói cách khác, họ bầu cho người này vì ghét người kia.

Không có gì mới lạ vì cả nước từ mấy tháng nay đều đã biết những cái tốt hay không tốt về hai ứng viên chính này. Rõ ràng một người thì không đáng tin tưởng, tham vọng và tham tiền, mánh mung xảo quyệt đủ kiểu, cốt sao làm tổng thống thôi, người kia thì là mỵ dân thời cơ nhìn thấy kẽ hở, khai thác để chui qua trong khi chẳng có chính sách hay lập trường gì ráo, có vẻ nguy hiểm lạ thường.

Bên CH, những tai to mặt lớn của đảng phân hoá công khai. Người thì vì quyền lợi đảng đành phải chấp nhận ông Trump, người thì ủng hộ vì quyền lợi cá nhân mơ chức vị nào đó do TT Trump sẽ ban cho, người khác nữa thì muốn đứng ngoài lề, cuối cùng là những người nhất quyết tẩy chay ông Trump.

Chia rẽ vì rất nhiều người nghĩ ông Trump là bảo thủ mạo danh. Mà chia rẽ cũng vì nghi ngờ khả năng thắng cử của ông Trump. Ngay trong hàng ngũ CH cũng đã có rất nhiều người nhất quyết không bỏ phiếu cho ông Trump, như vậy làm sao ông này hạ bà Hillary được?

Bên DC, khác với bên CH, hầu hết cấp lãnh đạo đảng đứng sau lưng bà Hillary, nhưng một số lớn cử tri nồng cốt của đảng như trí thức cấp tiến trẻ và giới thợ thuyền vẫn không chấp nhận bà. Đại hội đảng mới đây của tiểu bang Nevada đưa đến gần như ẩu đả tay chân giữa hai phe Hillary (guồng máy đảng) và Sanders (cử tri hạ tầng).

Rõ ràng là cả hai đảng đều đang đối phó với một cuộc khủng hoảng nội bộ khi cử tri hạ tầng đi một hướng, cấp lãnh đạo đi hướng ngược lại. Một bên thì ứng viên được lãnh đạo ủng hộ nhưng cử tri hạ tầng chống, một bên thì ứng viên bị lãnh đạo bác bỏ nhưng cử tri ào ào ủng hộ. Không giống như bên xứ "đỉnh cao trí tuệ" các ứng viên được lãnh đạo "giới thiệu" rồi cử tri răm rắp tuân hành.

Tình trạng này cũng phơi bày ra ánh sáng khuyết điểm khổng lồ của dân chủ kiểu Mỹ: trong gần 350 triệu người mà lại chỉ lựa ra được hai người tệ hại và ít hậu thuẫn như vậy. Câu hỏi đặt ra là mô thức dân chủ này tại sao đã gạt qua những người thực sự có tài, có đức, để chỉ còn lại những người tài yếu đức kém mà vẫn muốn hay dám ra vác ngà voi. Mô thức chọn lựa đại diện đảng cực rườm rà, tốn cả trăm triệu, kéo dài hơn cả năm trời mà kết quả như vậy sao? Chưa kể mai này, sau khi tốn thêm cả tỷ bạc, một trong hai người tệ hại nhất này sẽ là tổng thống.

Trong tình trạng chéo cẳng ngỗng này, cả hai đảng loay hoay tìm giải pháp tốt đẹp hơn. Ai cũng nghĩ đến một kịch bản "cứu nguy" giúp cho nước Mỹ tránh được cả hai mối họa Hillary và Trump: một ứng viên thứ ba, thậm chí có một ứng viên thứ tư hay thứ năm nữa nhẩy ra tranh cử, với hy vọng chỉ cần người đắc cử sẽ không phải bà Hillary hay ông Trump.

Bên DC, cụ xã nghiã Bernie Sanders nhất định không bỏ cuộc, thất bại trong đảng DC, rất có thể sẽ ra tranh cử với tư cách độc lập. Bên CH, khối bảo thủ không chấp nhận ông Trump, cũng có thể đưa một ứng viên khác ra tranh cử. Tức là ta có thể có tới 4 ứng viên, chưa kể cả vài chục ứng viên ruồi bu khác.

Mới nghe thì có vẻ hoang đường. Nhưng nhìn kỹ, không phải là không thể xẩy ra.

Phải nói cho ngay, trong các cuộc bầu tổng thống, thiên hạ chỉ chú tâm vào hai ứng viên của hai chính đảng. Do đó, nhiều người tưởng lầm cuộc tranh cử chỉ có hai người. Thực tế, trong mỗi cuộc bầu tồng thống đều có cả mấy chục, có khi cả trăm ứng viên, tuyệt đại đa số vô danh, ứng cử tại một vài tiểu bang, phần lớn vì thích khoe tên mình trên báo cho vợ con và bạn bè xem, nhưng cũng có người muốn tranh đấu cho một quan điểm hay một quyền lợi địa phương nào đó, hay là đại diện của một đảng vớ vẩn nào đó, như đảng Xanh –Green Party, đảng Tự Do – Libertarian Party, hay đảng CS Mỹ.

Trong lịch sử cận đại, đã có vài trường hợp có một ứng viên thứ ba có tầm vóc, nhưng cùng lắm, họ cũng chỉ đóng được vai trò phá bĩnh, gây hại cho một trong hai ứng viên chính, chứ chẳng có mảy mai hy vọng đắc cử gì hết. Thí dụ gần nhất là ông Ross Perot đã nhẩy ra, chiếm một số lớn phiếu của khối bảo thủ khiến đương kim TT Bush cha thua thống đốc Bill Clinton năm 1992.

Thoáng nghe, chuyện ứng viên ngoài hai ứng viên của hai chính đảng có vẻ cũng vớ vẩn như những năm trước thôi. Nhưng nhìn kỹ, lần này có khác biệt.

Mấy lần trước, các ứng viên thứ ba đều ra với tư cách cá nhân, chẳng có hậu thuẫn về tiền bạc, nhân sự hay tổ chức gì hết. Hai ứng viên chính đều không ai bị ghét nặng và đều được hậu thuẫn nội bộ mạnh. Chỉ có tỷ phú Perot, cũng như tỷ phú Trump bây giờ, dư tiền nên tự tài trợ, đạt được tỷ lệ phiếu cao nhất so với mấy ông độc lập trước, gần 20%.

Năm nay, cả một cánh bảo thủ của CH không thể chấp nhận ông Trump, trong khi khối cử tri cấp tiến của ông Sanders nhất định không chấp nhận bà Hillary. Do đó, cả hai chính đảng đều bàn về chuyện đưa một ứng viên khác ra thay thế hai người này, và cả hai ứng viên thay thế đều có thể có hậu thuẫn mạnh hơn các ứng viên thứ ba của mấy lần trước. Và có hy vọng thành công nhiều hơn.

Bài toán của họ rất đơn giản.

Họ không hy vọng một ứng viên mới sẽ có thể hạ được cả hai ông Trump và bà Hillary, nhưng chỉ cần không cho hai người này đạt được số 270 phiếu cử tri đoàn cần thiết (xem ghi chú * ở cuối bài) là coi như đã thành công. Theo Hiến Pháp, trong trường hợp không có ứng viên nào đạt đủ số phiếu mầu nhiệm này thì Hạ Viện sẽ bầu tổng thống và Thượng Viện sẽ bầu phó tổng thống, và họ có quyền bầu bất cứ ai, không bắt buộc phải là một trong những ứng viên đã ra tranh cử trước đó. Trong lịch sử Mỹ, đã có trường hợp này xẩy ra năm 1824. Năm đó, có 4 ứng viên tranh cử, chẳng ai đạt đủ túc số trên 50%, quốc hội phải bầu. Hạ Viện bầu cho ông John Quincy Adams làm tổng thống, cho dù ông không phải là người được nhiều phiếu cử tri đoàn nhất. Tuyệt đối hợp luật pháp và hợp Hiến Pháp, chẳng ai khiếu nại.

Nếu bây giờ đi đến tình trạng quốc hội bầu thì coi như CH tương đối có nhiều hy vọng thắng hơn vì hiện nay CH đang nắm đa số tại cả hai viện quốc hội. Sau cuộc bầu tháng Mười Một, có nhiều hy vọng CH vẫn tiếp tục nắm đa số tại Hạ Viện và như vậy tổng thống sẽ là người của CH. Thượng Viện hy vọng cũng vẫn sẽ nằm trong tay các thượng nghị sĩ CH, do đó phó tổng thống cũng sẽ là CH luôn. Cho dù DC chiếm lại được đa số tại Thượng Viện, thì cùng lắm DC sẽ chỉ bầu được ông Phó thôi.

Đó là nói chuyện lý thuyết. Trên thực tế, giải pháp này có hy vọng thành công không?

Trước tiên phải nhắc lại, bầu tổng thống không phải là bầu trực tiếp và thắng cử không cần phải được đa số phiếu cử tri cả nước đi bầu, mà là do kết quả bầu cử của các tiểu bang. Như cột báo này đã bàn, đại khái, hiện nay có 19 bang theo DC, 22 theo CH, và 9 xôi đậu có thể ngả qua bất cứ bên nào (các con số có thể chênh lệch đôi chút tùy cơ quan thăm dò).

Cả bà Hillary lẫn ông Trump đều cần thắng tại những tiểu bang xôi đậu này mới đắc cử. Từ đó, sách lược thắng cử của một ứng viên độc lập sẽ rất giản dị, thắng tại những tiểu bang xôi đậu, khiến cho cả hai ứng viên chính không đủ túc số, để quốc hội bầu và cả hai nhân vật chính sẽ bị loại. Quốc hội nếu do CH nắm đa số chắc chắn sẽ không bầu cho bà Hillary mà cũng chẳng bầu cho ông Trump luôn, bầu ai cũng đều tốt hơn hai người này.

Một hay hai ứng viên độc lập chỉ cần chia nhau thắng cử tại vài tiểu bang xôi đậu lớn nhất, Ohio, Florida, North Carolina, Wisconsin, và Virginia (thêm được Colorado và Nevada thì càng chắc ăn) là sẽ chẳng có ai đủ 270 phiếu.

Nói cách khác, ứng viên độc lập chỉ cần tập trung tranh cử tại 5-6 tiểu bang xôi đậu nêu trên, không cần dòm ngó tới các tiểu bang khác. Dĩ nhiên nếu có phương tiện tài chánh, nhân sự, tổ chức, và hậu thuẫn cá nhân để thắng thêm vài tiểu bang khác thì càng tốt.

Đi đến chuyện cụ thể, ai có thể là ứng viên thứ ba, thứ tư?

Bên DC thì hiển nhiên chỉ có thể là cụ Sanders. Kịch bản cụ Sanders ra thì bảo đảm đảng DC sẽ tự diệt vì chia phiếu DC, hoặc là ứng viên CH sẽ thắng ngay, hoặc là đưa cho Hạ Viện dưới sự kiểm soát của CH quyền bầu tổng thống. Điều đáng nói là cụ Sanders chẳng sợ gì kịch bản này vì ông thấy bà Hillary và ông Trump đều nguy hại như nhau.

Bên phía CH, các chiến lược gia có nhiều ý kiến:

1. Những bộ mặt mới, sạch sẽ, hấp dẫn có thể là biểu tượng tương lai như nghị sĩ Ben Sasse của Nebraska, hay thống đốc Nikky Haley của South Carolina. Nhưng vấn đề là chẳng ai biết đến họ, và bây giờ quá muộn để cử tri biết và bầu cho họ;

2. Những chính khách uy tín, được biết nhiều rồi, khỏi cần giới thiệu lại, như thống đốc Mitt Romney, chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan. Nhưng cũng có vấn đề vì họ là những người đã thua cuộc trước đây rồi. CH hết người, phải bưng mấy ông đã thi rớt trở ra làm quan sao?

3. Một nhóm có ý định đưa ông David French, một nhà báo bảo thủ ra. Ông này ra bảo đảm sẽ được phiếu của vợ và con, ngoài ra thì không ai biết ông này là ai hết.

Dẫn đến ý kiến đưa ra liên danh thống đốc Ohio John Kasich và nghị sĩ Florida Marco Rubio! Cả hai đều được dân Mỹ biết nhiều qua cuộc tranh cử vừa qua. Họ thua thật, nhưng là thua cái ông mỵ dân Trump mà mọi người muốn loại. Liên danh hai ông này sẽ có rất nhiều lợi điểm:

hai ông này có thể dành được thắng lợi tại hai tiểu bang xôi đậu lớn nhất là Ohio và Florida; có nhiều hy vọng sẽ thắng tại Virginia, và gặm nhấm bớt vài tiểu bang kỹ nghệ hàng xóm của Ohio như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania;

ông Rubio với chủ trương cởi mở trong vấn đề di dân lậu, có thể thành công tại Colorado và Nevada là nơi có nhiều cử tri di dân gốc La-tinh như ông Rubio, cho dù ông Rubio gốc Cuba trong khi di dân đa số là gốc Mễ, và hai bên không ưa gì nhau;

liên danh cứu nguy này có nhiều hy vọng được hậu thuẫn tài chánh mạnh của các tài phiệt bảo thủ chống bà Hillary mà lại không tin tưởng ông Trump.

Chỉ cần thắng bấy nhiêu đó cũng đủ cản đường cả hai ứng viên chính, để quốc hội do CH kiểm soát bầu. Và điểm quan trọng là hai ông Kasich và Rubio đều được nhiều hậu thuẫn trong quốc hội, có nhiều hy vọng hai người sẽ thắng cử tại đây, và CH sẽ đi vào thời "huy hoàng", cả nước tránh được tai họa Hillary và Trump.

Nghe thì có vẻ hấp dẫn, nhưng thực hiện được hay không và với những hậu quả như thế nào thì là chuyện khác.

Giải pháp này bảo đảm cả hai người, bà Hillary cũng như ông Trump, sẽ không ngồi yên chống mắt nhìn và đợi ngày bị đuổi về vườn. Họ sẽ quậy tung trời, nhất là ông Trump, sẽ tố cáo lãnh đạo CH "ăn cướp cơm chim", bầu bán có thể hợp lệ nhưng chắc chắn không chính danh, phản dân chủ vì tiếng nói của người dân không được tôn trọng, mánh mung hậu trường giữa các trưởng lão bẩy tám túi của CH mà thiên hạ đang quá chán ngán,...

Nói tóm lại, giải pháp người hùng Zorro Kasich -hay một vị bảo thủ nào khác- bay ra cứu nguy đảng CH, thậm chí đưa đến thắng lợi cuối cùng cho CH, trên nguyên tắc và lý thuyết, có thể là giải pháp hoàn hảo nhất, có lợi cho đất nước nhất vì tránh được hai mối hoạ lớn là Hillary và Trump, nhưng chỉ sợ trên thực tế chính trị, có thể sẽ tạo ra đại loạn, dân chúng xuống đường biểu tình chống đối, các chính khách đánh đấm nhau túi bụi, không có chuyện hợp tác gì với ai nữa, và cả nước đi vào bế tắc.

Quý độc giả có thể nhận thấy giải pháp này có tính cách giả tưởng, chỉ để ta có thể hiểu rõ chính trị Mỹ hơn thôi, chứ thực tế khó thực hiện tuy không ai biết gì hết trong tình trạng hiện hữu. Chưa kể đến việc giải pháp này hao hao giống mô thức XHCN, đảng cử rồi đảng bầu luôn cho tiện.

Ngoài ra, còn kịch bản khác nữa. Biết đâu chừng cái bản đồ cổ điển 19 tiểu bang theo DC, 22 theo CH và 9 xôi đậu sẽ bị ông Trump xé nát, vẽ lại toàn diện? Có thể thái độ kỳ thị của ông sẽ khiến CH mất những tiểu bang lớn miền nam như South Carolina, Georgia, nơi có dân thiểu số da đen rất đông? Có thể những tiểu bang xôi đậu miền tây như Nevada và Colorado sẽ chạy tuốt luốt qua DC nhờ số dân gốc La-tinh rất lớn chống ông Trump?

Ngược lại, cũng có thể ông Trump sẽ lôi cuốn được giới thợ thuyền của các tiểu bang kỹ nghệ lớn quanh Đại Hồ về phía CH? Thăm dò mới nhất cho thấy ông Trump dễ dàng thắng bà Hillary tại Ohio và ngang ngửa với bà tại Pennsylvania. Trả lời những câu hỏi về nhu cầu đoàn kết đảng CH, ông Trump nói thẳng thừng ông không thấy cần thiết vì ông sẽ đủ khả năng thu hút hàng triệu cử tri DC thay thế số phiếu CH ông có thể mất, ý ông muốn nói nhờ khối thợ thuyền này.

Nếu ông chuyển được khối lao động qua phía CH, thì quả là ông đã vẽ lại bản đồ chính trị Mỹ và ông sẽ hiên ngang bước vào Toà Bạch Ốc đầu năm tới. Ai buồn có quyền ôm gối khóc.

Còn một kịch bản khác mà ít ai nói tới: bà Hillary bị FBI truy tố, phải rút lui. Cựu chủ tịch Hạ Viện John Boehner cho biết "ông sẽ không ngạc nhiên nếu bà Hillary phải rút lui". Có khi nào ông này đã biết tin gì từ trong hậu trường? Nếu FBI kết luận là bà Hillary phạm tội thì hiển nhiên, công bố kết quả càng muộn thì DC càng khó đỡ. Cấp lãnh đạo DC không thể nào chấp nhận cụ xã nghiã Sanders ra đại diện, do đó nhiều triển vọng đảng DC sẽ phải hấp tấp bưng cụ Phó Joe Biden hay bà thượng nghị sĩ cấp tiến Elizabeth Warren của Massachusetts, hay cả hai, ra thay thế. Đây cũng chính là kịch bản nhiều ông bà DC đang kín đáo mơ ước.

Cuộc bầu tổng thống năm nay đúng là quái lạ. Cử tri cả hai đảng đều đưa ra ứng viên đáng ghét nhất và lãnh đạo cả hai đảng đều công khai (CH) hay âm thầm (DC) cầu mong có thể thay được hai ứng viên đó. Và cuối cùng chưa chắc sẽ là ông Trump đối đầu bà Hillary, mà biết đâu sẽ là... ông Kasich đấu với ông Biden? Hay ông Ryan với bà Warren? Hay hai người nào khác, ai biết được? Thế mới vui! (05-06-16)

(*) Bài viết trước đây ghi sai là phải cần 271 phiếu mới đắc cử, đã được một độc giả sửa sai. Xin đa tạ vị độc giả đó và cáo lỗi quý độc giả khác. TT và PTT do cử tri đoàn bầu trong tháng Chạp rồi kết quả phải được Thượng Viện chính thức biểu quyết xác nhận đầu tháng Giêng. Đương kim phó tổng thống sẽ ra trước Thượng Viện tuyên đọc kết quả chính thức.

Xác nhận cho rõ:

Tuần qua, có một độc giả bình luận: "VL nói VL vhi la dich gia, co nghia la chi lam cong viec phien dich bai cua nguoi khac viet, song trong hau het cac bai viet, duong nhu deu la y' cua VL", rồi khuyên tác giả "dau cho VL thich dang CH, thi cung dung da kich dang DC mot cach qua dang" (nguyên văn không dấu).

Tôi chưa hề "nói VL chỉ là dịch giả". Tôi lấy tin tức của truyền thông Mỹ, nhưng không phiên dịch, mà bình luận, chia sẻ với độc giả ý kiến chủ quan cá nhân, không có bài nào là "dịch bài của người khác viết". Tất cả mọi bài đều phản ảnh ý kiến chủ quan cá nhân, quý độc giả dĩ nhiên tự do đồng ý hay không đồng ý.

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
16/06/201620:43:49
Khách
Cám ơn Vũ Linh rất nhiều vì đọc qua bài tham luận của ông tụi tôi đã hiểu thêm một điều : trong kỳ bầu cử TT Mỹ nếu các ứng cử viên kg hội đủ số phiếu cử tri đoàn thì Hạ Viện sẽ bầu TT và Thượng Viện bầu phó TT ...vấn đề này mỗi khi tụi tôi mỗi khi họp mặt nhậu nêu giả thiết trên nhưng không thằng nào trả lời được...hi hì ( toàn dân cu ly nên kg vhiju đọc sách.) Những bài viết của ông thật là tuyệt vời đọc nó mở mang thêm kiến thức và hiểu biết thêm phần nào về nền chính trị U S A . Điều thích nhất ở các bài viết của ông là khộng có những văn từ ngớ ngẩn của tụi "răng hô mã tấu "
08/06/201618:45:08
Khách
Ông NGUYỄN HUNG US ơi!!!! Sao ông "THÔNG MINH" quá vậy. Bài tham luận trên ông VL chỉ nêu lên sự kiện trên thực tế và một giả thiết trong tương lai nếu nó sẽ xãy ra mà thôi. Mong ông vận dụng tối đa bộ óc u- minh để cố đọc nhiều lần bài tham luận trước khi phê bình.
08/06/201617:33:02
Khách
"Cuộc bầu tổng thống năm nay đúng là quái lạ. Cử tri cả hai đảng đều đưa ra ứng viên đáng ghét nhất và lãnh đạo cả hai đảng đều công khai (CH) hay âm thầm (DC) cầu mong có thể thay được hai ứng viên đó."(trích)

"Bắt được tại trận" là ông Vũ Linh trước sau không ...như một nhé! hehhe!

Nếu dàn lãnh đạo đảng Dân Chủ âm thầm hay cầu mong thay thế được bà Clinton thì tại sao ông Sander phải phản đối ...Đảng và "thề" tiếp tục cuộc chiến"? Và nếu dàn lãnh đạo DC mong cho con mẹ Clinton "đi chết đi" thì sao cái bà gì ấy, chủ tịch Đảng(?) đang nằm trong cơn bão và bị khá nhiều người trong Đảng đòi thay thế vì...thiên vị bà Clinton?
Nữa nhé : "một bên, ứng viên được lãnh đạo ủng hộ, nhưng cử tri hạ tầng...chống ..." ( trích ở phần đầu cuả bài).
08/06/201612:00:15
Khách
cam on BAC LINH that nhieu ...doc bai BAC viet moi tuan that la thich vi hieu biet them ra..noi nho BAC nghe nhe (LAM DAU TRAM HO KHO LAM )..
chuc BAC AN MANH...mong duoc doc bai cua BAC moi tuan
07/06/201622:20:00
Khách
Tác giả là một nhà bình luận gia về thời cuộc liên quan đến Chính Trị và đề tài này luôn luôn chia ra làm hai phe: Chống Đối hoặc Đồng Tình tùy theo quan điểm của độc giả. Vậy khi đọc những bài viết về Chính Trị, hãy sửa soạn tinh thần để có một cái nhìn cởi mở giúp chấp nhận dễ dàng cho những sự khác biệt để khỏi tức, bực mình, Giận Cá Chém Thớt, etc.

P.S: HK có một câu để làm giảm sự cau mày, nhăn mặt khi nghe hoặc đọc là: "Take It With A Grain Of Salt".
07/06/201621:57:53
Khách
Viết không bỏ dấu đọc mệt quá. Giống tiếng Thượng. Lại bình luận dài dòng nữa. Xin bỏ dấu dùm cho đúng ý tiếng Việt. Ông VL nói ý ông trong bài có sao đâu. Tự do phát biểu mà. Miễn ngôn ngữ lịch sự là được. Đừng bóp cổ anh em chớ.
07/06/201621:34:04
Khách
Làm ơn nếu có viết bình luận, cũng nên viết có dấu. Tiếng Việt có dấu mà. Viết không dấu, đọc khó quá. Viết thì cũng phải cho người ta đọc để chia sẻ, để bình luận nữa chứ. Người ta đã dặn viết có dấu rồi mà cứ thích theo ý mình. Đã vậy còn tự tiện viết hoa, viết thường lung tung. Tiếng Việt không rành rồi, còn tính chuyện bình luận nữa chăng?!
Thứ nữa, tôi đồng ý với ý kiến của một người bình luận ở trên. Những lãnh đạo của đảng Dân Chủ không hề ngu, trái lại rất khôn lanh và thậm chí quỷ quyệt nữa. Họ biết rằng bà Clinton tính cách xấu xa, gian xảo. Nhưng họ vẫn cho rằng bà có khả năng thắng cử tháng 11 tới vì bà nhận được nhiều tiền tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả các quốc gia tham nhũng, các đại công ty muốn bà thắng để có lợi cho việc kinh doanh của họ, vì bà là người dễ bị mua chuộc bằng tiền. Và đối với lãnh đạo đảng Dân Chủ, ưu tiên là thắng cử bằng mọi giá, nên họ dẹp sang bên những tiêu chuẩn về chính trực, đạo đức. Cũng xin nói thêm là ông Trump bên đảng Cộng Hòa cũng tệ không kém. Nói chung, kỳ này cả 2 nhân vật này đều đáng chán.
07/06/201621:28:08
Khách
Nếu là người tự trọng, nếu không biết bỏ dấu tiếng Việt thì đừng góp ý kiến nữa, đừng làm phiền người khác vì một vấn đề đã được nêu lên nhiều lần rồi.
07/06/201617:01:14
Khách
Ngay 6/6/2016 Ba Clinton da du so phieu 2383 va duoc dang Dan chu de cu lam đại dien Ra tranh cu tổng thong 2016. Chua tinh phieu cua 6 tieu bang se bau so bo vao ngay 6/7/2016 dau co nghệ noi dang Dan Chu Tim Nguoi Khác Ra Dai dien dau. Tac Gia Viet bai nay that vo van qua. Thieu thong tin.
07/06/201611:18:14
Khách
Toi khong biet ngai doc tin tuc o dau ma phan rang ca 2 dang Tim cach dua Nguoi Khác Ra trang cu tổng thong 2016.
Chi co Dang Công Hoa la trong cac lanh dao cua dang kg bang long voi tu cach cua ong Trump nen moi nghi Ra cach Tim 1 Nguoi Não tot hon ong trump de Ra trang cu TT.
Con Ben phia dang Dan Chu Thi da so lanh dao cua dang da dung Sau lung Ba Clinton roi. Vay ngai doc o Bao Não ma phan rang dang Dan Chu tính dua 1 ung cu viên Khác Ra trang cu vay.
Chi co ong Gia theo Dan Chu xa hoi la con ngang va buong kg chap nhan chiu thua .
Ngai phan rang Ba Clinton co du thu tinh cach xau xa gian xao. Vay Thi suy Ra tat ca Vu Tri ung ho cho Ba va ca lanh dao cao cấp cua dang Dan Chu ung ho Ba la Nhung Nguoi NGU Sao.
Co Le ong Gia kg chiu thua muon quay la học duoc o dau Cau thang lam vua ma thua Thi muon lam giac Thoi.
Noi gi Thi Noi. Nguoi Dan My se Tra loi Cau hoi trong thang 11 nay Ái Xinh dang lam Tổng thong My. Lam nha Bao Binh luan van de gi Phai sang suot suy luan cho Khach Quan. Can doc Nhung to Bao Noi tieng co it tin. Ngai chi toi ngay nghe tin tuc cua Dai Fox News cua Dang Công Hoa khong Thi dau Oc cang ngay cang te tua toi ta do ngai Vu Linh.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.