Hôm nay,  

“Dân Cần Minh Bạch” Qua Kinh Nghiệm Mông Cổ

21/05/201600:00:00(Xem: 5453)
Cách mạng dân chủ từ Âu sang Á đều phát xuất từ sức mạnh của các tầng lớp nhân dân chọn dứt khoát với quá khứ, đồng hành về phía tương lai tự do dân chủ của dân tộc và thời đại. Trong lịch sử hiện đại chưa có sự thay đổi căn bản của một xã hội từ độc tài CS sang dân chủ tự do bằng những lời van xin, những thư thỉnh nguyện.

Người viết đã trình bày khá nhiều về các cuộc cách mạng Liên Xô, Đông Âu, các nước Bắc Phi và gần đây là Miến Điện, nơi đó các lãnh tụ cách mạng là những nhân vật được thế giới quan tâm theo dõi và độc tài lo ngại khi phải nặng tay với họ. Lần này, xin giới thiệu với bạn đọc một lãnh tụ dân chủ còn khá xa lạ với chúng ta.

Tsakhiagiin Elbegdorj và cách mạng dân chủ Mông Cổ

Anh tên là Tsakhiagiin Elbegdorj, sinh năm 1963, lãnh tụ của phong trào dân chủ Mông Cổ. Năm 1989, Elbegdorj, người được ca ngợi như là Thomas Jefferson của Mông Cổ còn là một thanh niên 26 tuổi mới từ Liên Xô trở lại quê hương sau khi hoàn tất chương trình đại học báo chí và triết học Mác Lê.

Trên đường từ Moscow về lại Ulaanbaatar, hành trang của Elbegdorj không phải là sách vở về chủ nghĩa CS mà anh học ở trường đảng nhưng là những đổi thay từ chính sách Glasnost (Cởi mở) của Mikhail Gorbachev. Anh đã suy nghĩ rất nhiều khi nhìn những hạt mưa dân chủ đang bắt đầu nhỏ giọt xuống vùng đất bảy mươi bốn năm hạn hán trong độc tài CS và mơ ước những đổi thay sẽ đến cho dân tộc anh.

Mông Cổ có một vị trí địa lý chính trị rất khó khăn. Quốc gia vùng trái độn này nằm giữa hai siêu cường CS Liên Xô và Trung Quốc, phía tây là một nhóm các quốc gia Trung Á độc tài và xa hơn phía Đông là một Bắc Hàn cô lập. Trung Cộng có thể sẽ áp lực chính trị và ngay cả có khả năng can thiệp bằng quân sự để ngăn chận phong trào dân chủ như vết dầu loang.

Trong các giáo trình kinh tế chính trị của các trường đảng CS trung ương, Mông Cổ thường được dùng làm ví dụ để chứng minh cho quan điểm “đột biến cách mạng” của Lenin khi ông ta cho rằng một nước lạc hậu, phong kiến có thể nhảy vọt lên xã hội chủ nghĩa không phải qua giai đoạn tư bản. Điều đó cho thấy, ngay cả các nước CS cũng thừa nhận Mông Cổ còn trong vòng lạc hậu.

Tuy nhiên, nỗi lo lắng lớn nhất của Elbegdorj là hơn suốt 71 năm, quê hương của Đại Đế Thành Cát Tư Hãn chưa hề nghe đến hai chữ “tự do”, “dân chủ”. Ngoại trừ nền độc lập ngắn ngủi năm 1911, chiều dài lịch sử của Mông Cổ hiện đại bị che phủ trong bóng đen của tư tưởng độc tài CS. Nhưng anh cũng tin rằng nếu nhân dân Mông Cổ đoàn kết vì tương lai dân chủ, Mông Cổ sẽ vượt qua được những khiếm khuyết bên trong cũng như đe dọa từ bên ngoài.

Những “đổi mới” tại Liên Xô hay một số nước CS Đông Âu chỉ là những biện pháp vá víu tạm thời. Theo Elbegdorj chỉ có dân chủ mới cứu được Mông Cổ. Dân chủ là đôi cánh đưa Mông Cổ ra khỏi vòng nghèo đói, độc tài, bế tắc của một quốc gia vùng độn. Trong diễn văn ngày 28 tháng 11, 1989, Elbegdorj phát biểu “Mông Cổ cần dân chủ và minh bạch” và kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ mụch đích này.

Từ quan điểm đó, thay vì viết thư thỉnh nguyện lãnh đạo CS Mông Cổ thực hiện các chính sách tương tự như Glasnost của Mikhail Gorbachev, Elbegdorj và các bạn chủ trương Mông Cổ phải dứt khoát thay đổi từ CS sang dân chủ bằng một cuộc cách mạng bất bạo động. Tờ báo Elbegdorj phát hành đầu tiên năm 1989 được anh đặt tên là Dân Chủ.

Nhóm bạn của Elbegdorj tổ chức các cuộc biểu tình, các buổi tuyệt thực đòi dân chủ và minh bạch. Cuộc biểu tình tuyệt thực đầu tiên ngày 10 tháng 12 năm 1989 chỉ vỏn vẹn 13 người. Ngày nay lịch sử Mông Cổ gọi họ một cách kính trọng là “13 nhà dân chủ Mông Cổ đầu tiên” nhưng dĩ nhiên trong năm 1989, bộ máy tuyên truyền CS Mông Cổ gọi họ là “mười ba tên phản động”.

Nhưng những nhà dân chủ Mông Cổ đầu tiên đó không phải là những người làm nên lịch sử. Cuộc cách mạng dân chủ không làm rơi một giọt máu nào ở Mông Cổ là do đại đa số trong số 31 triệu dân Mông Cổ chọn đứng về phía tương lai, chọn dứt khoát với quá khứ, chọn đi trên con đường thời đại, trong số đó có cả Tổng Bí Thư CS thức thời Jambyn Batmưnkh.

Sau cách mạng dân chủ thành công, năm 1998, Elbegdorj được bầu vào chức vụ Thủ Tướng Cộng Hòa Mông Cổ và lần nữa nhiệm kỳ 2004-2006, và năm 2009, ông được bầu làm Tổng thống Cộng Hòa Mông Cổ.


Có một Elbegdorj Việt Nam?

Việt Nam chẳng những có một mà rất nhiều Elbegdorj đang sống khắp nơi, một số đang ở trong tù, một số vừa ra khỏi tù, một số đang đấu tranh tích cực dù chưa bị tù.

Hành trang nhận thức cũng thế. Không giống như Elbegdorj sau cách mạng dân chủ thành công mới sang Mỹ học về lãnh đạo, Việt Nam có rất nhiều nhà dân chủ trẻ đã được trang bị những kiến thức sâu rộng về kinh tế, tài chánh, khoa học, luật pháp và lãnh đạo chính phủ. Đó là chưa tính khối chuyên viên khổng lồ về mọi lãnh vực đang chờ cơ hội để cùng phục hưng và phát triển Việt Nam.

Chỉ riêng Trần Huỳnh Duy Thức, trẻ hơn Elbegdorj và Lưu Hiểu Ba nhưng về kiến thức khoa học, nhận thức chính trị, lý luận dân chủ, đức tính can đảm và lòng yêu nước đều không thua kém Lưu Hiểu Ba hay Elbegdorj nếu không muốn nói vượt qua. Trần Huỳnh Duy Thức đã gác qua nhiều cơ hội để thành một người giàu có và gác qua cơ hội để có tự do cho bản thân mình, bởi vì không có gì quan trọng hơn là đất nước. Một con người, một cuộc sống không thể đặt trên sự lầm than khốn khó của chín chục triệu đồng bào. Nếu có cơ hội Trần Huỳnh Duy Thức và các bạn chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng và tích cực trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Việt Nam đang thiếu ai?

Không được như Mông Cổ, Việt Nam đang thiếu thành phần những người dứt khoát với quá khứ để cùng đi với dân tộc và thời đại. Họ chiếm một số khá đông và đa số đều có học. Đặc điểm của thành phần chưa dứt khoát này là chỉ tập trung phê bình hiện tượng nhưng tránh nhắc đến bản chất, chỉ trích hậu quả nhưng cố tình bỏ qua nguyên nhân.

Nhan nhản trong các bài viết, họ tập trung vào các mặt xấu trong xã hội để chứng tỏ họ cũng biết đau cái đau của ngư dân, đồng bào, đồng loại nhưng chỉ dừng lại ở chỗ nỗi đau mà thôi. Đừng quên, nỗi đau không bao giờ dứt nếu không biết tại sao đau.

Một người có hiểu biết căn bản nào cũng phải hiểu chính cơ chế độc tài đảng trị CS đã biến con người Việt Nam vốn hiền hòa, chơn chất, yêu thương trong tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng” thành những kẻ tham lam, hẹp hòi, kiếm tiền bằng cách đầu độc đồng bào cùng máu mủ với mình.

Không ít trong số những người không dứt khoát này là sản phẩm của nền giáo dục CS. Họ sẽ không thừa nhận nhưng chính những cây đinh tuyên truyền đóng vào nhận thức sâu đến mức làm họ hoài nghi tất cả những đổi thay không đến từ chủ trương của đảng.

Họ đồng ý rằng đảng CS đang có nhiều khiếm khuyết nhưng trong đường dài đảng có thể thay đổi. Sau bao nhiêu năm bị trui rèn, lòng tin đó đã nở to thành một thói quen lệ thuộc vào đảng CS, trông chờ nơi đảng. Thành phần đó đang là vật cản đường cho cách mạng dân chủ tại Việt Nam.

Niềm hy vọng Elbegdorj

Học bài học đấu tranh dân chủ của Elbegdorj và nhân dân Mông Cổ để củng cố niềm tin và hy vọng cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Anh Elbegdorj đã không cô đơn khi ngồi tuyệt thực đòi minh bạch giữa mùa đông Mông Cổ và rồi người Việt cũng sẽ không cô đơn khi xuống đường đòi minh bạch trên khắp nẻo đường Việt Nam.

Elbegdorj không phải là con của khai quốc công thần như Aung San Suu Kyi, không phải là luật sư nổi tiếng như Nelson Mandela, không phải là lãnh tụ của phong trào Solidarity Ba Lan được cả Đức Giáo Hoàng và TT Reagan ủng hộ như Lech Wałęsa, không phải là người được trao giải Nobel Hòa Bình như cả ba người được nhắc trên đây. Trước 1989 không ai biết gì về Elbegdorj vì anh ta chỉ là một người thợ mõ, con trai của một người dân du mục chăn cừu trên thảo nguyên Mông Cổ.

Nhưng Elbegdorj có tình yêu sâu đậm dành cho đất nước và khát vọng tự do cho quê hương. Tình yêu nước và lương tri thời đại đã là ngọn đuốc thắp sáng quê hương anh và sáng cả tâm hồn người Việt cùng khát vọng như anh.

Trong buổi phỏng vấn dành cho báo New York Times năm 2004, Thủ tướng Elbegdorj nhắc lại kỷ niệm buổi tuyệt thực đầu tiên “Chúng tôi muốn cho thế giới thấy rằng các giá trị thường được gọi là giá trị Tây phương không phải thuộc về Mỹ, châu Âu, Nam Hàn và Nhật Bản thôi nhưng còn thuộc về Mông Cổ”. Và hôm nay, các thế hệ trẻ Việt Nam đang tiếp lời Elbegdorj, “Giá trị tự do dân chủ không phải không phải thuộc về Mỹ, châu Âu, Nam Hàn và Nhật Bản hay Mông Cổ mà còn là của Việt Nam nữa.”

Trần Trung Đạo

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.