Hôm nay,  

Bà Hillary Đối Đầu Với Ông Trump

10/05/201600:00:00(Xem: 9608)

...dù ông Trump thắng hay thua, đảng CH sẽ lột xác...

Sau cuộc bầu sơ bộ tại Indiana, nội chiến Cộng Hòa chấm dứt. Trong cuộc chiến này, 17 sứ quân đánh nhau túi bụi trong gần một năm, sứ quân Donald Trump đại thắng, tiêu diệt hết 16 đối thủ. Hai đối thủ ngoan cường cuối cùng đã đầu hàng vô điều kiện sau khi thảm bại trên chiến trường Indiana.

Bên Dân Chủ, nội chiến tuy kết quả đã rõ nét, nhưng phe bại trận vẫn kiên cường không bỏ cuộc, nhất định đi tới Đại Hội Đảng để có tiếng nói.

Bức tranh cuối cùng: nước Mỹ đến tháng Mười Một tới, sẽ lựa chọn tổng thống giữa hai đại diện, bên CH là tỷ phú Donald Trump, bên DC là cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, với điều kiện không có biến cố đặc biệt gì xẩy ra, như bà Hillary bị FBI truy tố chẳng hạn, hay ông Trump bị “đảo chánh” tại đại hội đảng CH.

Việc bà Hillary đại diện cho DC là chuyện ai cũng biết trước từ ngày bà chưa bắt đầu chạy đua. Nhưng việc ông Trump đắc cử bên CH đã là một biến cố tuyệt đối bất ngờ khi cuộc đua mới bắt đầu. Cách đây 10 tháng, ông Trump có tỷ lệ hậu thuẫn đâu 2%, xếp hạng 15-16 gì đó trong số 17 ứng viên, trong đó có cả nửa tá thống đốc và thượng nghị sĩ hàng đầu.

Ngay sau khi kết quả bầu sơ bộ tại Indiana được công bố thì bức tranh cuối cùng đã hiện rõ nét, khiến hai ứng viên Ted Cruz và John Kasich bên CH phải mau mắn rút lui. Và truyền thông đã không chậm trễ một giây phút nào, nhẩy vào bàn luận ông Trump so với bà Hillary, ai sẽ đắc cử tổng thống. Hầu hết các cơ quan truyền thông lớn đều đã đưa ra hàng loạt kịch bản để phân tích hy vọng thắng cử của mỗi bên.

Đại để trong 10 kịch bản thì đã có tới 9 kịch bản bà Hillary thắng cử. Thăm dò dư luận đầu tiên cho thấy bà Hillary dẫn đầu tỷ lệ hậu thuẫn với 54% trong khi ông Trump lẹt đẹt theo sau với 41%. Khoảng cách 13%, tức là xấp xỉ 40 triệu dân Mỹ, có nghiã là ông Trump muốn thắng, phải xoay chuyển quan điểm của ít nhất hai chục triệu người trong vòng chưa tới sáu tháng nữa. Đáng quan tâm hơn là việc bà Hillary dẫn đầu trong hầu hết các khối cử tri, đặc biệt là khối trí thức, phụ nữ, giới trẻ, và dân da đen, nâu, vàng. Ông Trump chỉ dẫn đầu trong khối các ông da trắng già hay ít học.

Trong lịch sử cận đại, chỉ có một lần duy nhất là Thống Đốc Reagan mấy tháng trước bầu cử thua đương kim TT Carter cả chục điểm, nhưng rồi cuối cùng thắng tới 10 điểm. Không ai nghĩ ông Trump có thể được hậu thuẫn mạnh như TĐ Reagan mà cả đảng CH tôn thờ, trong khi cả khối lãnh đạo CH đã tìm đủ cách để ngăn chặn ông Trump, chưa kể một số không nhỏ chính khách, nhà báo, chuyên gia CH thề sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump. Ngay bây giờ một số chính khách lớn của CH như TĐ Jeb Bush, TNS John McCain, TNS Lindsey Graham, TĐ Mitt Romney,… đã thông báo sẽ không tham dự đại hội đảng CH rồi. Hai cựu tổng thống Bush cha và con, cũng như Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan, đều đã từ chối không hậu thuẫn ông Trump. Đảng CH đoàn kết cũng đã khó thắng đảng DC, bây giờ chia rẽ nặng, càng ít hy vọng hơn.

Trên thực tế, các thăm dò dư luận không có ý nghiã gì nhiều, nhất là còn cách quá xa ngày bầu bán. Tổng thống được bầu cũng không phải dựa trên tỷ lệ dân số tổng quát, mà theo kết quả đầu phiếu từng tiểu bang. Đây là cách bầu gián tiếp mà nhiều người không hiểu và chỉ trích, nhất là mấy ông bà theo DC sau khi thấy PTT Al Gore thua TĐ Bush con. Bầu gián tiếp là hình thức tôn trọng quy chế của một liên bang, bảo đảm các tiểu bang nhỏ, ít dân, vẫn có tiếng nói tương xứng. Nếu chỉ bầu dựa theo tỷ lệ phiếu cử tri thì tiếng nói của các tiểu bang ven biển đông dân như Cali và Nữu Ước sẽ lấn át trọn vẹn tiếng nói của các tiểu bang như Wyoming, Idaho, Delaware,... có thể đưa đến tình trạng bất mãn và rút ra khỏi liên bang.

Trên căn bản, mỗi tiểu bang có một số phiếu cử tri đoàn hay đại biểu tương đương với tổng số dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang. Tổng số có 535 dân biểu và nghị sĩ, cộng 5 đại biểu cho vài vùng không có đại diện quốc hội như Guam, Puerto Rico, tổng cộng 540 đại biểu, tức là phải cần có 271 phiếu (50% + 1) thì mới đắc cử tổng thống. Những đại biểu này được đề cử theo kết quả bầu tháng Mười Một, rồi họ sẽ là những người bầu tổng thống thực thụ vào tháng Mười Hai trong một đại hội cử tri đoàn tổ chức tại thủ đô Washington DC.

Quá trình bầu tổng thống từ hơn hai chục năm qua đã giúp các chuyên gia đoán trước khá chính xác tiểu bang nào theo CH hay DC. Trên căn bản, có:

- 19 tiểu bang với tổng cộng 237 phiếu chắc chắn sẽ bầu cho DC, bất kể mưa nắng, phần lớn ở hai vùng biển đông và tây nước Mỹ cũng như vùng trung bắc quanh đại hồ, trong đó có những tiểu bang đông dân như New Jersey, New York, Massachusetts, Illinois, Cali,… Tại Cali và New York chẳng hạn, cho dù bà Hillary mời Cậu Ấm Ủn đứng chung liên danh, bà vẫn thắng cử như thường. Hay bà có bị FBI truy tố, cử tri vẫn bầu cho bà. Tất cả dân tỵ nạn Việt tại San Jose và Little Saigon đi bầu cho ông Trump, bà Hillary vẫn thắng.

- 22 tiểu bang với 198 phiếu đã bầu cho CH, phần lớn là các tiểu bang vùng núi tây bắc và miền nam, trong đó đáng kể là Texas, Georgia,… Tất cả dân tỵ nạn ở Houston đi bầu cho bà Hillary, ông Trump vẫn thắng.

- 9 tiểu bang xôi đậu bất định tổng cộng 110 phiếu có thể bầu cho bất cứ bên nào. Đây mới chính là chiến trường thực sự giữa hai phe. Gồm có các tiểu bang Florida, Ohio, North Carolina, New Hampshire, Iowa, Colorado, Virginia, Nevada, và Wisconsin. Thắng hay thua là do kết quả tại các tiểu bang này, nhất là ba tiểu bang lớn nhất Florida, Ohio và North Carolina. Quý độc giả theo dõi cuộc bầu cử tổng thống chỉ cần xem tin tại những tiểu bang này. Phần lớn các kịch bản dự đoán đều dựa trên các kết quả tại những nơi này, kiểu như nếu thắng tại Ohio mà thua tại Florida, hay nếu thắng tại Colorado và New Hampshire mà thua tại Virginia và Iowa thì sao?

Nhìn vào các con số trên, tóm lại như sau: ví dụ bà Hillary thắng tại tất cả các tiểu bang theo DC và ông Trump thắng tại tất cả các tiểu bang CH, bà Hillary chỉ cần thắng thêm 2 tiểu bang xôi đậu, trong khi ông Trump cần tới 7-8 tiểu bang xôi đậu lớn nhất. Trong số những tiểu bang này, có Colorado và Nevada với số dân gốc Nam Mỹ rất lớn, ông Trump khó có thể thắng được. Con đường của ông Trump khó gấp trăm lần con đường của bà Hillary. Nhưng nếu ông Trump thắng được tại Nevada thì coi như ông đại thắng tại tất cả những nơi khác và sẽ trở thành tổng thống thứ 45.

Cũng có một trường hợp nữa ông Trump có thể đắc cử: nếu tỷ lệ hậu thuẫn chung của ông hiện đang ở mức 41%, bất thình lình tăng vọt lên 52%. Một chuyện dễ hơn trường hợp vừa nêu, nhưng rất hy hữu. Trong suốt mùa tranh cử qua, tỷ lệ hậu thuẫn của ông Trump chưa bao giờ lên đến 45%, bây giờ muốn leo lên tới 52% không phải là chuyện dễ.

Đó là chưa nói tới truyền thông dòng chính sẽ tìm đủ cách hạ ông Trump, như khui từng hột cát trong quá khứ của ông để giúp bà Hillary. Không ai có thể coi nhẹ ảnh hưởng của truyền thông trên đất Mỹ này. Họ cũng chính là yếu tố lớn đã giúp ông Trump chiến thắng qua việc liên tục đưa hình ảnh và mọi chuyện về ông này lên trang nhất, một cách gián tiếp quảng cáo miễn phí cho ông trong suốt thời gian qua. Người ta có cảm tưởng truyền thông cố tình giúp ông Trump đắc cử bên CH vì cho rằng ông này sẽ là mồi ngon nhất cho bà Hillary. Bây giờ truyền thông sẽ quay mũi dùi lại để đánh ông.

Nói cách khác, ông Trump coi như tuyệt đối vô vọng. Không những vậy, mà có nhiều triển vọng ông Trump sẽ là một Goldwater thứ hai, tức là sẽ thua đậm, may ra thắng được từ 5 đến 10 tiểu bang bảo thủ cực đoan phiá nam thôi. Nhiều người ủng hộ ông Trump và căm ghét bà Hillary sẽ buồn hơn năm phút.

Tuy nhiên, phải nói ngay là lập luận và tính toán kiểu này chính là lập luận và tính toán theo mô thức cổ điển. Cái mô thức đã khiến nhiều người coi thường ông Trump ngay từ đầu khi mới nghe tên ông, cho đến bây giờ ngã ngửa, trợn mắt ra nhìn ông hạ tất cả 16 đối thủ.

Trong suốt mùa tranh cử sơ bộ, truyền thông và chuyên gia đã khai tử ông Trump không biết bao nhiêu lần, dựa trên những lập luận và tính toán cổ điển. Và tất cả hiển nhiên đã chẩn đoán sai bét hết.

Khó ai có thể giải thích một cách thoả đáng hiện tượng Trump và sự thành công của ông được. Mỗi lần ông phát ngôn bừa bãi, xóc họng thì hậu thuẫn của ông lại tăng vọt. Trong khi bất cứ người nào khác phát ngôn tương tự là tiêu đời ngay. Có lẽ cả nước, không ai nắm vững tâm lý quần chúng qua truyền thông đại chúng bằng ông Trump. Ta không nên quên ông đã có nhiều show trên TV, do đó, có kinh nghiệm biết cách thu hút khán thính giả hơn ai hết. Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với ông Trump, nhưng bảo đảm không ai ngủ gật khi nghe ông nói chuyện. Chiến lược tranh cử của ông Trump không phải là dựa trên những chương trình hay kế hoạch vĩ đại nào, mà chỉ là dựa trên khả năng khai thác và thao túng truyền thông như ông đã làm một cách thật suất sắc trong thời gian qua. Chính trị đã thành một tuồng hát tiêu khiển lớn và chính khách đều đã biến thành diễn viên hết. Chỉ cần biết nghệ thuật đóng tuồng là ăn khách, không cần thắc mắc chuyện chính sách kinh bang tế thế gì cho nhức đầu.

Cuộc chiến chống bà Hillary ai cũng đoán biết trước có thể sẽ là cuộc vận động tranh cử dĩ nhiên hấp dẫn nhất thế kỷ, nhưng đặc biệt cũng... dơ bẩn nhất. Được hỏi về việc ông có dám đánh bà Hillary dưới giây lưng quần kiểu hạ đẳng nhất không thì ông trả lời ngay “bà Hillary đánh đâu tôi sẽ đánh đó, không chịu thua một ly nào, cho dù bà là phụ nữ”. Nhiều người nghĩ ông Trump sẽ là người ra đòn hạ đẳng trước. Với cái kho xì-căng-đan khổng lồ của bà Hillary và ông chồng, ông Trump chắc chắn sẽ không thiếu đề tài và vũ khí. Đây cũng là cách có lẽ duy nhất mà ông Trump có thể chống đỡ bà Hillary khi bị bà chiả mũi dùi vào chuyện ông Trump không có một chút kinh nghiệm chính trị nào mà lại có vẻ thiếu tư cách tổng thống và vô trách nhiệm. Phản ứng đầu tiên của bà Hillary khi nghe tin ông Trump đại thắng: gọi ông này là “loose cannon”, nghiã là loại đại bác bắn bừa bãi không ai điều khiển được.

Cử tri Mỹ rất khoái nghe các chính khách bôi bác nhau, mặc dù bề mặt ai cũng than phiền những chuyện đấu đá dơ bẩn. Mà nếu nói về đánh mạnh, không ai có thể đánh mạnh và hiệu quả bằng ông Thiên Lôi Trump. Trong khi đó, bà Hillary lại không phải là một đối thủ nhanh nhẹn né đòn giỏi như ông chồng của bà.

Đã vậy, ngoài những xì-căng-đan mà ông Trump sẽ khui và quậy cho nát bấy, sự kiện bà Hillary trước đây coi như chỉ chờ ngày đăng quang mà bất ngờ bị ông vô danh Obama đánh vong mạng, cũng như hiện nay đang gặp khó khăn vô vàn từ ông già xã nghiã Sanders, chứng tỏ bà không phải là một ứng viên xuất sắc lắm trong nghệ thuật vận động tranh cử.

Ngoài xì-căng-đan ra, bà Hillary thế nào cũng bị hỏi giấy về vụ sử dụng hộp thư email cá nhân, và nhất là những quan hệ của bà với giới tài phiệt Wall Street. Cái mâu thuẫn một mặt nhận bạc triệu từ các ngân hàng và mặt khác sỉ vả tài phiệt sẽ bị ông Trump mổ xẻ kỹ.

Bà Hillary nổi tiếng là làm chuyện gì cũng tính toán rất kỹ, từ cái cười đến cách chỉ tay, nháy mắt, hay nói gì cũng phải uốn lưỡi bẩy lần trước. Chỉ khiến nhiều người tưởng tượng đến những cuộc tranh luận tay đôi giữa ông Trump và bà Hillary mà lo ngại cho bà sẽ bị dập mặt, không đỡ nổi những đòn cương ẩu của ông Trump.

Trong cuộc chạy đua này, có hai yếu tố chưa ai thẩm định đúng mức được: đó là hậu thuẩn của các ông da trắng bảo thủ, cũng như hậu thuẫn của giới thợ thuyền.

Ông Trump cho đến nay đã thành công lớn vì được hậu thuẫn của khối các ông da trắng bảo thủ, chán ngấy những chuyện phải đạo chính trị, cũng như lo sợ cho các giá trị tôn giáo, văn hoá cũng như mạng sống của họ. Mấy ông này bình thường không để ý đến chính trị, rất lười đi bầu, do đó đã khiến cho các ông McCain và Romney đại bại. Như cột báo này đã bàn qua, chỉ cần tỷ lệ dân da trắng đi bầu trong khối cử tri tăng 10 điểm, lên đến khoảng 70% là ông Trump sẽ có triển vọng tuyên thệ đầu năm tới.

Mấy ông già da trắng bảo thủ này đang sống khá nhiều tại vài tiểu bang xôi đậu như Florida, Colorado, và Nevada, sẽ có thể mang những tiểu bang này về phe ông Trump. Vấn đề là phải kéo họ ra khỏi nhà để đi bầu, và ông Trump đã chứng tỏ rất giỏi trong việc này.

Bằng chứng? Kết quả bầu cử tại Indiana cho thấy có hơn một triệu người đã đi bầu sơ bộ bên CH, trong khi chỉ có khoảng hơn nửa triệu người đi bầu bên DC. Tình trạng này tiếp tục, bà Hillary sẽ thua nặng, cho dù huy động được dân da đen, da nâu, da vàng đi bầu đủ 100%.

Ngoài ra còn giới thợ thuyền đang bất mãn nặng vì thất nghiệp lâu ngày hay bị lãnh lương thấp hơn trước. Họ bực mình vì chính sách kinh tế của TT Obama, nhất là việc đảng DC từ TT Clinton đến TT Obama suốt ngày lo cổ võ cho những hiệp ước thương mại quốc tế, mà họ cho là thủ phạm gây khó khăn cho cuộc sống của họ, qua những cạnh tranh của các nước như Trung Cộng, Ấn Độ, Mễ,... Họ cũng lo ngại việc chính quyền DC bất lực không cản được các đại công ty đóng cửa hãng xưởng tại Mỹ, mang việc làm qua các nước khác. Ngay cả việc chính quyền Obama dung túng cho di dân lậu gốc La-tinh cũng bị coi như hành động đe dọa đến việc làm và mức lương của họ.

Dĩ nhiên bà Hillary không phải là TT Obama, nhưng việc bà là chính khách cột trụ của chính quyền Obama, là một trong những người đã giúp vẽ ra hiệp ước thương mại Liên Thái Bình Dương TPP, hay là bà vợ đã tiếp tay cho ông chồng TT Clinton ban hành hiệp ước bắc Mỹ NAFTA, đã là những chuyện mà giới thợ thuyền không ưa lắm. Trái lại quan điểm chống các hiệp ước, nhất là chống Trung Cộng của ông Trump nghe bùi tai hơn nhiều.

Nếu khối này nhất loạt chạy qua phiá ông Trump như trước đây họ đã chạy theo TT Reagan, thì bà Hillary sẽ bị nguy cơ mất hàng loạt các tiểu bang kỹ nghệ lớn vùng đại hồ như Pennsylvania, Ohio, Michigan, Indiana, và Wisconsin. Như vậy dĩ nhiên sẽ mất luôn cơ hội vào Nhà Trắng. Hay cho dù họ không đi bầu cho ông Trump, mà chỉ nằm nhà ngủ thì bà Hillary cũng bị nguy to.

Một câu hỏi lớn khác nữa là khối cử tri trí thức trẻ, cấp tiến cực đoan của cụ xã nghiã Sanders. Đây chính là khối cử tri cột trụ đã đưa ông Obama vào Nhà Trắng năm 2008. Có thể phần lớn họ sẽ vuốt ngực đi bầu cho bà Hillary vì dù sao thì bà cũng cấp tiến hơn ông Trump. Nhưng cũng rất có thể một số lớn sẽ bất mãn, không đi bầu thì cũng phiền lớn cho bà Hillary.

Ông Sanders vẫn nhất định không bỏ cuộc và dọa sẽ tranh đấu đến cùng tại đại hội. Ai cũng biết ông không có chút hy vọng nào để thắng bà Hillary, nhưng mọi người đều nghĩ ông sẽ dùng khối cử tri khá cuồng tín của mình để đổi chác tại đại hội, ép bà Hillary phải chấp nhận một số chính sách hay chương trình cấp tiến nặng đổi lấy phiếu của họ. Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho bà Hillary khi mà ai cũng biết trong cuộc bầu cử cuối cùng, lá phiếu ôn hòa của khối độc lập không đảng nào cực kỳ quan trọng. Bà Hillary rẽ qua phiá tả quá nhiều sẽ khó ăn nói với khối này.

Yếu tố cuối cùng chưa rõ ràng là việc đề cử phó tổng thống đứng chung liên danh. Ai được lựa sẽ mang nhiều ý nghiã, nhất là phiá ông Trump, may ra sẽ giúp có thêm dữ kiện để đoán mò tiếp.

Ở đây hiển nhiên ta chưa bàn đến vài yếu tố rất tai hại có thể bất ngờ xẩy ra cho bà Hillary, chẳng hạn như một cuộc tấn công lớn của khủng bố, kết quả cuộc điều tra vụ Benghazi, bà Hillary bị đau ốm bất ngờ,...

Hầu như đại đa số thiên hạ cũng vẫn chẳng ai tin ông Trump sẽ hạ nổi bà Hillary, nhưng có ai dám mang căn nhà mình ra cá độ không? Chuyện gì xẩy ra trong những năm tháng tới, chẳng ai làm gì khác được ngoài việc tiếp tục … đoán mò. Một điều chắc chắn sẽ xẩy ra: dù ông Trump thắng hay thua, đảng CH sẽ lột xác và sẽ không còn như đảng CH mà ta đã biết từ lâu nay. Sẽ tốt hơn hay xấu hơn chỉ có trời biết. (08-05-16)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
16/05/201611:56:01
Khách
Phân tích độc đáo, hài hoà, hấp dẫn.
Cảm ơn VL
Đúng vậy, nhiều người nhôn nhao võ đóan thậm chí không tiếc lời mạ lỵ cho rằng ông Trump chỉ là chằng hề, không biết gì, thiếu tư cách... trước khi nhìn thật kỹ với cặp mắt và nhận định khách quan. Ông là người thành công trong kinh doanh, dày kinh nghiệm tạo dựng cơ cấu điều hành và lãnh đạo, nhạy bén với tình huống hơn bà Clinton và hơn hẳn cả Obama khi bắt đầu vào ghế TT. Ông có một gia đình khá đẹp có đàn con cháu có nề nếp cho dù ông có ly dị nhiều lần. Những lời nói thẳng của ông những nhác búa tạ đập bể nền tảng đạo lý chính trị (political correctness) mà dân Mỹ đã ngán tới cổ do sự lạm dụng thái quá đến mức xem thường dân chúng sau mấy năm gần đây. Trump quả thật là hiện tượng chính trị đã nẩy mầm không phải từ nơi xa lạ nào mang đến mà trong môi trường chính trị hiện tại và chưa từng thấy trong lịch sử. Một chi tiết thú vị nữa là những ai rành về tử vi Á Đông tin rằng ông Trump sẽ thắng lớn. Ông càng bị tấn công hay gặp đột biến thì càng thắng còn bà Clinton sẽ bị chính một đùm hậu quả mà chính cả ông lẫn bà đã tự tác như những sợidây trói buộc; năm hạn rơi vào Thiên la - Địa võng ngay ở cung phu với những sao lèm nhèm dính líu tới tình ái và pháp luật. Cho dù truyền thông thiên vị đến cỡ nào, miệng lưỡi dẽo đến cỡ nào cũng khó mà thoát khỏi sự tấn công của ông Thiên Lôi Trump. Chơi dao có ngày đứt tay ấy mà. Còn năm hạn của ông Trump thì ngược lại, rơi vào thế náo động thiên cung vô địch thủ, càng bị tấn công càng tự nhiên thắng thế... Cuộc đua sắp chấm dứt và người ta đang chờ xem cuộc ĐẤU. Bà Clinton không khỏi lo rằng ông Thiên Lôi Trump sẽ đánh gục tức khắc bằng cách đập ngay vào cái túi xì-căng-đan tổ bố bên mình và e rằng những thứ khác tồi tệ hơn mà chỉ có Trump biết sẽ được lôi ra trên sàn luôn vì chính Trump cũng đã từng chi tiền ủng hộ gia đình Clinton!
Không ít người đoán ông Trump sẽ thắng và không ngại khả năng lèo lái của ông bỡi thứ nhất ít ra ông cũng đã có kinh nghiệm lãnh đạo mặc dù chỉ trong kinh tế và thứ hai, quanh TT là cả một dàn nội cát, cố vấn và TT không phải là người độc tài.
14/05/201606:12:57
Khách
Cuộc bầu cử TT và phó TT Mỹ lần nầy có nhiều vấn đề rất đặc biệt, mà càng gần đến ngày bỏ phiếu bao nhiêu thì các vấn đề đó lại càng trở nên gây cấn và phức tạp bấy nhiêu.
Thể thức bầu cử TT và phó TT Mỹ rắc rối và khó hiểu, có lẽ vì nước Mỹ là một quốc gia liên bang, không thuần nhất như các quốc gia khác.
Lâu nay tôi chỉ hiểu đại khái, vì không có động cơ thúc đẩy tôi phải tìm hiểu kỹ càng. Nay có cuộc bầu cử nầy. Tôi muốn tìm coi ong Trump có đánh bại được bà Hillary Clinton không?
Đọc qua báo chí và coi truyền hình, xem tin tức trên mạng điện tử, thấy ai cũng chống ông Trump, ai cũng chê ông Trump không tốt, mà tôi không thấy ông Trump đã làm gì hại dân, hại nước. Trong khi đó không thấy ai phê bình bà Hillary Clinton trong các vụ bà đã nhúng tay vào nhiều tội lỗi, làm hại dân, hại nước.
Chẳng hạn, bà không chu toàn bổn phận bảo vệ sứ quán và nhân viên ngoại giao bên ngoài nước Mỹ, để quan khủng bố đánh phá cơ sở và giết hại nhân viên, làm mất bốn mạng người , một vị đại sứ và ba cận vệ. Đâu phải là chuyện " xe cán chó" mà không có một lời xin lỏi với nhân dân Mỹ. Báo chí truyền thông cấp tiến DC bịt mắt, che tai, ngậm miệng cùng nhau chia sẽ vô liêm sỹ của bà Ngoại trường Mỹ.
Họ hẩy nhìn qua xứ Bỉ, bà Bộ trưởng Bộ Giao Thong Jacqueline Galant đã nhận trách nhiệm và xin từ chức vì vụ khủng bố phi trường Quốc tế Brussells ngày 3/22/16 vừa qua.
Trở lại vấn đề thể thức bầu cử TT và Phó TT Mỹ:
1) Một TT Mỹ muốn đắc cử phải cần có 271 phiếu(50%+1) hay 270(269+1)?
2) Kết quả TT và Phó TT chính thức đắc cử được tuyên bố vào ngày mùng 9 tháng 11, 2016 hay ngày nào?
Có lẽ tôi chậm hiểu, nên chưa nắm vững được vấn đề, xin tác giả VL và quý bạn đọc giúp cho. Xin đa tạ.
13/05/201606:09:46
Khách
Cuộc bầu cử TT Mỹ lần nầy có những vấn đề rất đặc biệt, mà càng gần đến ngày bỏ phiếu bao nhiêu, thì các vấn đề đó lại càng trở nên gây cấn và hấp
10/05/201622:49:19
Khách
Có tất cả 538 cử tri đoàn để bầu President and Vice President. 535 từ 50 tiểu bang và 3 từ Washington D.C (Phụ Chỉnh 23 cũa Hiến Pháp giao cho thủ đô Washington có ba cử tri đoàn trong việc bầu TT and Phó TT mặc dầu D.C. không phải là một tiểu bang). Ứng cử viên nào giành được 270 cử tri đoàn thì xem như thắng. Guam, Puerto Rico không có đại diện bầu TT và phó TT mặc dầu các đảng chính trị có thể cho những vùng này có một số đại diện trong cuộc bầu cử sơ bộ. Các cử tri đoàn (Electors) sẽ họp tại mỗi tiểu bang riêng của mình vào tháng 12 (Monday after the second Wednesday in December after the general presidential election) để bầu TT và phó TT theo hai lá phiếu riêng rẽ. Sau đó gởi kết quả về Quốc Hội ở D.C. Qúoc Hội liên bang sẽ công bố kết qua kiem phiếu và người thắng cuộc vào ngày 6 tháng giêng.
10/05/201613:57:38
Khách
Cám ơn ô. Vũ Linh cho 1 bài phân tích rất hay và vui nhộn.
Tôi thích lối văn phong vui đọc không chán.
Thân mến.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.