Hôm nay,  

Đọc Tuyển Tập Huy Phương: Quê Hương Khuất Bóng

27/04/201600:00:00(Xem: 6949)

blank
Bìa sách Quê Hương Khuất Bóng.

Nhà văn Huy Phương vừa xuất bản tuyển tập mới, tựa đề "Quê Hương Khuất Bóng" (QHKB).

Đó là một nhan đề sách rất là buồn, cực kỳ buồn… vì hình ảnh "khuất bóng" là một cách dùng chữ vừa tượng hình, vừa ẩn dụ. Và rồi, như tất cả những người đã say mê đọc Huy Phương, tôi lần này xác tín thêm một bậc rằng: có một con số không rời nổi tâm hồn anh. Đúng là nhà văn Huy Phương đã hít thở, đã ăn ngủ, đã vật vã với con số này: 1975.

Đúng vậy. Tôi tin rằng, thẻ ngân hàng của Huy Phương chắc chắn dùng mã số 4 mẫu tự "1975"… Không những thế, password dùng trên các email của Huy Phương chắc chắn cũng có con số này lồng vào bên trong. Nếu bạn tình cờ nhặt được những gì gọi là bí ẩn của Huy Phương và cần bẻ khóa, xin hãy thử bằng con số "1975" trước nhất.

Chính nhà văn Huy Phương cũng tự nhìn nhận về nỗi đau đớn 1975 như thế, qua bài "Nhớ nhớ, quên quên!" in trong tập QHKB, trang 90-93, trích:

"...từ khi bỏ nước ra đi, chúng ta có bao nhiêu truyện ký, viết về chuyện nước non, chuyện đời mình, cũng có những chuyện được phổ biến rộng rãi, nhưng cũng có những tác phẩm được xếp kín trong tủ sách của riêng mình, như một tâm sự giấu kín, ấp ủ cho hết một đời người. Người mất trí nhớ không còn cảm thấy khổ đau nhưng bất hạnh thay cho những kẻ muốn quên mà không quên được.

Chuyện khó quên nhất là chuyện quê hương đất nước. Có tắt TV, không vào Internet, không mở radio, cũng nghe chuyện bên nhà. Nói như Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, gặp nhau nơi quê người, những người xa xứ 20 năm, 40 năm, không lẽ chỉ có một chuyện khoe nhà, khoe con, trong khi quê hương có bao nhiêu chuyện nặng lòng. Có câu chuyện, đọc một lần, có những bản tin chỉ mới nghe qua, đã hằn sâu trong tâm khảm, như vết chém xuống, không tài nào trở thành vết sẹo trong chốc lát. Có những hình ảnh in đậm trong trí nhớ, mỗi đêm trở giấc, không tài nào ngủ lại được.

Đó không phải là những chuyện qua đường, hay câu chuyện thị phi nhà hàng xóm mà chính là chuyện của chính chúng ta, là đau đớn, trăn trở xót xa từ tận đáy lòng, muốn xua đuổi, muốn quên đi mà quên không được." (ngưng trích)

Vâng, nỗi nhớ, nỗi đau đớn, nỗi trăn trở… khởi đi từ năm 1975, khi Miền Nam thua trận. Nhà văn Huy Phương, trong cương vị của một kẻ sĩ bên thua trận, đã nhìn lại quê nhà sau 4 thập niên – với bản thân ông cũng là sau nhiều năm tù cải tạo và rồi nhiều năm lưu vong tới bây giờ, qua bài tựa đề "Tháng Tư, thắng và thua" (QHKB, trang 216-219), trích:

"...Chúng ta giải thích thế nào về sự thắng bại khi đã để cho hàng nghìn đồng bào ruột thịt của mình vì quá sợ hãi cộng sản đã bỏ mình khi trốn chạy chế độ này từ cuối Tháng Ba 1975 cho đến ngày tàn cuộc, và còn mãi mãi sau đó trong rừng sâu, ngoài biển cả, mà miền Nam, không có gia đình nào không âm thầm vấn những mảnh khăn tang, nuốt những dòng lệ vào lòng, xóa gạch tên người thân trong tờ hộ khẩu với hàng chữ: "Vắng mặt không lý do!" Những người lính luận về thắng bại thế nào khi đã không bảo vệ được cho đồng bào ruột thịt mình lúc giặc vào nhà, để cho chiến hữu, đồng đội của mình bị trả thù, tàn sát; bị lùa vào các trại tập trung, lao động khổ sai, bỏ mình nơi chốn rừng thiêng, nước độc. Những người có trách nhiệm luận thế nào về chuyện thắng thua, khi để lại một miền Nam cho những kẻ gian tà, độc ác khiến cho ngày nay, nhân tâm ly tán, đạo lý suy đồi.

Trong binh lược, thắng là kẻ làm chủ trận đánh cuối cùng. Ban Mê Thuột có được xem là trận đánh cuối cùng không hay trận đánh cuối này đã được quyết định ở Bắc Kinh hay Hoa Thịnh Đốn, và sau đó không còn trận đánh nào nữa, mà chỉ là những kế hoạch lui binh, nhường đất.

Từ 1973 miền Nam bị Quốc Hội Mỹ cắt giảm viện trợ mỗi năm 50%, từ Tháng Tư 1974 hỏa lực giảm 70%, Tháng 2/1975 đạn trong kho chỉ còn đủ đánh 30 ngày, Tháng 4/1975 chỉ còn đủ đạn đánh 2 tuần, trong khi đó miền Bắc vẫn được Nga và Trung Quốc viện trợ dồi dào, khoảng 660 ngàn tấn vũ khí, đạn dược. Riêng chi viện của Nga cho Bắc Việt từ Tháng Mười Hai 1974 đã tăng gấp bốn lần..."(ngưng trích)

Không chỉ đặt vấn đề về thời điểm nhiều thập niên trước, nhà văn Huy Phương khi nhìn vê Hà Nội hiện nay đã không dằn được nỗi giận khi viết bài "Trí thức thời đốn mạt" (QHKB, trang 234-237):

"...Trong chế độ nào kẻ sĩ cũng được coi là khuôn mặt sáng giá tiêu biểu cho trình độ văn hóa và đạo đức. Đến lúc kẻ sĩ đánh mất đạo đức, chối bỏ danh dự và vai trò cao cả của mình, thì xã hội đó tất phải băng hoại, tha hóa.

Buồn cười cho kẻ sĩ Việt Nam, trong khi Bộ Ngoại Giao Việt Nam "hoan nghênh Nghị Quyết 412 của Thượng Viện Hoa Kỳ, kẻ thù cũ, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981, nhưng bản thân mình, 500 đại biểu quốc hội "đảng cử dân bầu," trong đó có toàn bộ Bộ Chính Trị thì ngậm hột thị, và tuyên bố "đang tìm thời điểm thích hợp để kiện Trung Quốc ra Tòa Án Quốc Tế!"

Một kẻ vô học, thất phu làm điều càn rỡ, vô đạo còn có thể chấp nhận, tha thứ, nhưng những người có học mà hành động như đứa thất phu hẳn không thể tha thứ. Một chế độ đầy dẫy những kẻ trí thức hành động như đám hạ cấp, côn đồ, hẳn là một chế độ bất nhân."(ngưng trích)

Sau khi nhìn xuyên suốt mấy thập niên về quê nhà, sau khi suy ngẫm thời vận thắng với thua, sau khi bày tỏ phẫn nộ với đám triều đình Hà Nội, nhà văn Huy Phương nói về kỹ thuật tuyên truyền tinh vi của Ba Đình qua bài "Quảng Cáo" (QHKB, trang 312-316), trích:

"...Quảng cáo cho chuyện giải phóng, miền Bắc vẽ ra hình ảnh dân chúng miền Nam bị bóc lột tận xương tủy, không có được cái bát ăn cơm, sau ngày "giải phóng," để đem vào một chục cái chén "ngang" rồi mang về một chiếc honda, vài cái "đài" lẫn "đổng."

Miệng lưỡi ngành tuyên huấn Cộng Sản cũng chẳng khác gì người khua chiêng gióng trống Sơn Đông ngoài chợ, chính vì miệng lưỡi này mà hàng vạn vạn thanh niên miền Bắc phải nát thân vì bom đạn,"đánh là đánh cho Liên Xô-Trung Quốc."…"(ngưng trích)

Và khi nhìn về những thiếu nữ Miền Tây lũ lượt tìm đường lên tỉnh, lên thành và rồi tìm đường để đi Đài Loan, Nam Hàn, nhà văn Huy Phương kể qua bài "Bước đường cùng" (QHKB, trang 55-60):

"...Cũng không nghe ai nói, trước Tháng Tư, 1975, con gái miền Tây toàn là dân đi bán bar, làm sở Mỹ hay làm điếm hay đi lấy chồng Đài Loan. Điều gì đã biến đổi đất nước nói chung và con gái miền Tây lâm thảm cảnh này.

Có quý vị trí thức nào bỏ ra chút thời giờ để nghiên cứu xem xứ nào đàn ông Việt Nam đầu quân đi bán sức lao động xứ người, và vì sao Nghệ Tĩnh và Quảng Bình lại lắm người bỏ ruộng bỏ vườn "đăng ký" đi làm thuê để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Không lẽ quý vị lại đổ tội cho chây lười, ít học hay chối bỏ quê hương nghèo khổ, truyền thống của mảnh đất này là thích đi làm "bồi," hay sợ phạm đến mảnh đất "thiêng" mà không dám nói."(ngưng trích)

Và rồi nhìn thấy từ lớn tới nhỏ đều xoay vần trong nghiệp "chôm chỉa," nhà văn Huy Phương ghi lại qua bài viết "Bán danh...ba đồng!" (QHKB, trang 70-73), trích:

"...Thằng nhỏ làm công nhân, buổi sáng đem một lon nhôm đựng cơm trưa, buổi chiều về nhét đầy một lon xi măng, đinh sắt. Thằng lớn tổng giám đốc ăn theo chức tổng, thằng thủ kho kiếm chác theo thủ kho, thằng bảo vệ sống nhờ mánh mung bảo vệ. Ăn cắp để bảo vệ chức vụ và nghề nghiệp của mình và trong xã hội ấy nhân phẩm được cân đo bằng tiền. Cán bộ làm giàu nhờ ăn cắp của công, toa rập với bọn tài phiệt nước ngoài cướp đất của dân, từ trên xuống dưới, phủ bênh huyện, huyện bênh phủ, tạo nên một mạng lưới ăn cắp từ trên xuống dưới. Mấy năm gần đây, cán bộ, viên chức nhà nước dính líu đến các vụ buôn lậu, bán visa, ăn cắp hàng trong các siêu thị, có đường dây tổ chức trong nước càng ngày càng nhiều, đến nỗi khuôn mặt Việt Nam trở nên lem luốc. Tình trạng người Việt ăn cắp không một nơi nào mà không có: trong công ty, ở công sở, nơi công cộng, siêu thị, chợ búa, địa điểm du lịch... không những trong nước mà còn ra nước ngoài để bêu riếu thanh danh Việt Nam đến đỗi ở nơi đông người, các quốc gia Nhật, Thái lan, Hàn phải trưng bảng thông báo đề phòng và cảnh cáo dân Việt...ăn cắp.

Có lúc nào mà dưới mắt thế giới, người Việt bị sỉ nhục đến như thế!..."(ngưng trích)

Tuyển tập Quê Hương Khuất Bóng của Huy Phương dày 332 trang, gồm 68 bài viết về nhiều đề tài, từ trong nước ra tới hải ngoại… Giọng văn Huy Phương trầm tĩnh, nhưng độc giả vẫn có thể nhận ra như ghìm giữa nhữnng hàng chũ là nỗi đau khi thấy quê nhà tan tác…

Huy Phương là một trong rất ít nhà văn giữ được lực viết mạnh, viết liên tục, và vẫn viết hay trong tác phẩm thứ 12 hay nhiều hơn này của ông.

Nhà văn Huy Phương cũng là một trong rất ít người được văn giới ca ngợi.

Nhà bình luận Nguyễn Xuân Nghĩa khi giới thiệu tập "Quê Nhà, Quê Người" của Huy Phương trong năm 2011 đã ghi nhận, trích:

"…Ông viết như người gánh vác nỗi trầm luân của người khác. Không phải là đứa con trai duy nhất của Đức Hùng Vương, mà có lẽ cũng chẳng bị Tổ Quốc đòi nợ, ông viết trong tinh thần làm tròn bổn phận của con dân và để duy trì được cái Việt tính cao quý mà thật ra rất mơ hồ của dân tộc.

Chúng ta có thể gọi đất là cái nghiệp. Chúng tôi xin gọi đây là cái duyên, cho chúng ta.

Chỉ vì giữa trăm ngàn câu hỏi lớn nhỏ hàng ngày về cách sống và suy nghĩ trong một môi trường hết còn là Việt Nam, Huy Phương vẫn điềm đạm, bền bỉ và duyên dáng nói về cách hành xử ông cho là thích hợp nhất, suy từ chuyện xưa qua chuyện nay, chuyện quê nhà và quê người."(ngưng trích)

Trong khi đó, nhà báo Triều Giang năm 2009 đã nhận định sau khi đọc "Nhìn Xuống Cuộc Đời" của nhà văn Huy Phương, trích:

"…Có thể nói nhân chứng lịch sử Huy Phương là một trong những nhân chứng trải qua nhiều thăng trầm nhất và ông lại là một trong những người coi trọng ân nghiã và ân tình nhất. Ông ghi khắc vào lòng những ơn nghiã dù nhỏ nhoi như việc ông đã nhận tán đường từ người bạn trong tù, ông còn nhớ và trân trọng nhắc tới đến hôm nay…

…Thay mặt cho con cháu của chúng tôi và cho thế hệ mai sau, xin cám ơn nhà văn Huy Phương, một nhân chứng trung thực của thời đại; ông đã sống và viết với tấm lòng chân thành và trái tim rộng mở, và chính vì lý do này, ông là nhà văn viết tạp ghi chiếm được nhiều trái tim của độc giả nhất hiện nay." (ngưng trích)

Về phương diện đời thường, nhà văn Huy Phương khi được kể qua lời bạn thâm niên cũng là một khuôn mẫu hiếm có. Nhà văn Tam Giang Hoàng Đình Báu qua bài viết "Thăm Bạn Huy Phương" đã kể về người bạn thân này, trích:

"…Chúng tôi là bạn tù từ sau ngày 30-4-1975. Đầu tiên gặp nhau ở trại tù Suối Máu (Biên Hòa), một năm sau đó tàu Sông Hương đưa chúng tôi ra miền Bắc. Tàu cập bến Hải Phòng và Huy Phương và người bạn tù Hoàng Liên Sơn Trần Hữu Khánh chúng tôi được tống lên xe motolova đến trại tù Hoàng Liên Sơn sát biên giới Trung Cộng. Đây là trại tù đầu tiên của miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa đón nhận các Quân Cán Chính VNCH đi "cải tạo" giống như ở Liên Sô thời Stalin đưa các nạn nhân của chế độ lên vùng Tây Bá Lợi Á. Trại Hoàng Liên Sơn là Địa Ngục mà cộng sản Việt Nam dành để lưu đầy, trả thù những những Quân, Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa yêu đồng bào, bảo vệ tổ quốc. Chúng tôi bị đẩy vào con đường lao động khổ sai để rồi đói, lạnh, bệnh tật và chết nơi đây.

Nhưng ngày 17-2-1979 Trung Cộng tràn xuống 5 tỉnh phía Bắc để dạy cho cộng sản Việt Nam một bài học theo lệnh của Đặng Tiểu Bình thì trại tù Hoàng Liên Sơn di tản xuống các trại tù phía Nam. Từ đó chúng tôi mỗi người đi mỗi ngã cho đến năm 1980 chúng tôi lại gặp nhau ở trại 3 Nghệ Tĩnh. Huy Phương và Trần Hữu Khánh ở chung một đội nông nghiệp còn tôi ở một đội khác. Vài năm sau chúng tôi được đưa về Nam ở trại tù Hàm Tân rồi từ đó chúng tôi được trả tự do và lần lượt qua Mỹ theo diện HO.

Huy Phương sinh năm 1937 tại Huế, tên thật là Lê Nghiêm Kính, nguyên giáo sư Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, tốt nghiệp khóa 16 SQTB Thủ Đức và khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí tại Hoa Kỳ. Biên tập viên báo chí, phát thanh Quân Đội. Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến và Chỉnh Huấn TTHL Quang Trung. Huy Phương định cư tại Mỹ năm 1990 sau 7 năm tù tập trung dưới chế độ cộng sản…

Tôi cũng đã qua thời trung học với Huy Phương hồi còn ở Huế, sau nầy qua Mỹ thỉnh thoảng mới gặp nhau.Tôi thấy dáng dấp và cách ăn mặc của Huy Phương từ đó đến giờ vẫn không thay đổi mấy, vẫn áo quần chỉnh tề, mái tóc hai bên luôn chải láng vuốt ra sau. Dù xa Huế đã lâu nhưng giọng nói, cách đi đứng, cách ăn uống của Huy Phương còn nguyên không lai mà chúng tôi thường gọi là "Huế rặt." Người cũng là văn, nhờ những nghịch cảnh của cuôc đời, cuộc chiến giữa quốc cộng và cuộc di cư vĩ đại của người Việt Nam khắp thế giới sau năm 1975 đã cho Huy Phương có một cái nhìn đầy đủ, cả tốt lẫn xấu, tích cực lẫn tiêu cực. Cái mà nhiều người thích đọc văn của Huy Phương là cái dám nói…"(ngưng trích)

Tuyển tập Quê Hương Khuất Bóng đề giá 22 USD. Tìm mua, xin email về tác giả: huyphuong37@gmail.com (xin nói nhỏ, có thể đoán là password cũng sẽ có con số 1975 trong chuỗi chữ và số). Ngoài ra, độc giả cũng có thể mua qua mạng Amazon.com, xin gõ "que huong khuat bong"…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Quan niệm đầu tiên là không thể không viết quyển “Từ Điển Chiến Tranh Việt Nam”. Chúng ta là một trong 4 lực lượng quân sự tham chiến, 3 lực lượng kia
Sau 5 ngày im lặng, kể từ khi bắt giữ 3 đảng viên Việt Tân và một số người Việt Nam khác vào cuối tuần trước, Hà Nội mới lên tiếng xác nhận việc bắt giam
Người dân Việt Nam không chỉ sẵn sàng phá bỏ công trình nhà Quốc Hội, một di tích lịch sử đặc biệt quan trọng, là công trình kiến trúc tiêu biểu
Cuộc tranh cử tổng thống Mỹ ngày càng hấp dẫn qua các màn tố khổ lẫn nhau ngày càng nặng nề giữa các ứng viên cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa.
Bản Tin Tiếp Theo Về Trường Hợp Nhà Báo Đối Lập Nguyễn Khắc Toàn Đang Bị Công An CSVN Bao Vây Ngặt Nghèo Tại Hà Nội.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Dòng đời nhiều khi chỉ thấy như một dòng thác loạn, với những nhịp xung đột, làm thâm gan
Đôi lời của tác giả: Sau khi loạt bài về trại A-20 Xuân Phước được phổ biến, nhiều độc giả đã gửi thư về yêu cầu viết thành một tập hồi ký từ ngày đầu
Thứ Ba hàng tuần là ngày họp của hội đồng thành phố San Jose và tối ngày 20.11.2007
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.