Hôm nay,  

Cộng Đồng Việt và Chính Trị Mỹ

05/04/201600:00:00(Xem: 8662)

...chẳng ai gửi Thủy quân lục chiến đến VN nếu xe tăng TC tràn qua Ải Nam Quan...

Gần đây, có một vị có viết bài về cộng đồng tỵ nạn nên bầu cho ai làm tổng thống, và kết luận dân tỵ nạn chúng ta nên bầu cho bà Hillary Clinton. Kẻ viết này chưa có hân hạnh quen biết vị đó, nhưng hoan nghênh ý định khuyến khích cộng đồng tỵ nạn chúng ta nên tích cực tham gia nhiều hơn vào chính trường Mỹ bằng cách đi bầu, tiếc là không nhất thiết đồng ý với kết luận của vị đó.

Phải nói cho ngay, cộng đồng tỵ nạn chúng ta dường như chẳng mấy hứng thú với chuyện chính trị Mỹ. Người Việt bắt đầu chạy qua Mỹ sau biến cố đổi đời 4/75, rồi sau đó ào ạt qua tiếp trong những đợt vượt biển hay đoàn tụ hay HO trong những năm 77-78.

Tuyệt đại đa số qua đây với hai bàn tay trắng. Để rồi trong tinh thần tự trọng tiêu biểu của dân ta, xăn tay áo đi cầy cuốc ngay, chứ không muốn ngồi chờ Nhà Nước ban phát trợ cấp mãn đời. Dĩ nhiên hầu như tất cả chúng đều có lãnh trợ cấp dưới hình thức này hay khác, nhiều ít tùy hoàn cảnh, nhưng nếu có cách tự lực cánh sinh thoát ra thì dân tỵ nạn ta là những người cố gắng nhiều nhất.

Mưu sinh là ưu tiên số một. Ưu tiên số hai là lo cho con cái. Không một ông bố bà mẹ tỵ nạn nào muốn con cái sống khổ sở hay nghèo túng như mình. Họ đều nhìn thấy rất rõ xứ này là xứ của cơ hội, ai cũng có cơ hội leo lên cao nhất, chỉ cần có ăn học tối thiểu và có chí. Do đó dốc toàn lực vào việc lo cho con cái “nên người, thành tài”, cho chúng mớ hành trang tối thiểu để chúng tự lên đường.

Ngoài hai ưu tiên này, tất cả đều là chuyện phụ, chuyện “giải trí”, kể cả việc tham gia sinh hoạt cộng đồng hay tham gia sinh hoạt chính trị Mỹ.

Chính vì cái bận rộn lo mưu sinh và con cái đó, cũng như vì khác ngôn ngữ, khác văn hoá, mà cộng đồng ta ít chú ý đến chính trị Mỹ, càng ít tham gia vào các sinh hoạt chính trị, dù địa phương. Nhìn vào con số các chính trị gia Mỹ gốc Việt, như dân biểu địa phương, thị trưởng, hội đồng tỉnh, v.v..., ta chỉ cần một bàn tay để đếm.

Dân Cuba tràn qua Mỹ từ đầu thập niên 1960, trước ta chừng 15 năm, cũng tỵ nạn cộng sản như ta, nhưng ít hơn ta nhiều. Vậy mà bây giờ nhìn vào họ, ta thấy họ đã có thị trưởng, dân biểu và nghị sĩ tiểu bang và liên bang, thống đốc, từ cả 20-30 năm nay. Và bây giờ thì đã có tới hai ứng viên tranh cử tổng thống, gây sóng gió lớn, có thể có một người đắc cử làm tổng thống luôn, có cơ thay đổi cả xã hội Mỹ. Trong khi dân tỵ nạn ta chưa có tới một dân biểu hay nghị sĩ liên bang, không kể ông Cao Quang Ánh, làm 2 năm dân biểu liên bang trong may mắn giờ chót vì ông đối thủ bị đi tù.

Trên căn bản, dù muốn hay không, chính trị cũng vẫn là cái gì chi phối đời sống hàng ngày của chúng ta. Nội việc chúng ta bỏ nước ra đi đã là một bằng chứng rõ ràng chính trị chi phối đồi sống chúng ta như thế nào.

Tích cực tham gia vào chính trị, nhìn một cách cụ thể và thực tế, có nghiã là tham gia vào việc sắp đặt điều kiện cho cuộc sống của chúng ta, từ những việc lớn như ai sẽ lãnh đạo ta, đến những việc cụ thể ta sẽ phải đóng bao nhiêu tiền thuế, nhận bao nhiêu tiền Medicaid,...., đến những chuyện khác như con cháu chúng ta có phải đi đánh nhau bên Iraq hay không. Đó là những quyết định của các chính trị gia chuyên nghiệp, không phải quyết định của chúng ta thật, nhưng chính ta là những người bầu chính trị gia, cho họ cái quyền lấy những quyết định đó.

Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta cũng chỉ là một cá nhân, chỉ có một phiếu, nhưng nhìn cho kỹ, ông xếp Mỹ trắng, hay bà hàng xóm Mỹ đen cũng vậy thôi, hay ngay cả ông Bill Gates cũng thế, mỗi người cũng chỉ có một phiếu như mỗi người trong chúng ta thôi. Chúng ta chẳng thua gì ai trên phương diện này.

Một cách hết sức thực tế, cộng đồng tỵ nạn chúng ta chưa có tiếng nói chính trị tương xứng với số lượng dân tỵ nạn, với những đóng góp kinh tế của chúng ta, và với vai trò ngày càng quan trọng của dân tỵ nạn thế hệ hai và ba trong xã hội Mỹ.

Nhu cầu tham gia mạnh hơn là điều hiển nhiên mà những nhà lãnh đạo cộng đồng cần chú tâm đặc biệt và tìm cách khuyến khích. Và đó là điểm kẻ viết này đồng ý với vị học giả như đã viết trong đoạn mở đầu bài này. Rất tiếc là đi đến kết luận là phải đi bầu cho bà Hillary thì kẻ viết này... không còn đồng ý nữa. Không phải vì không đồng ý hậu thuẫn cho bà Hillary, mà không đồng ý với kết luận đơn giản như vậy.

Dù muốn hay không, cộng đồng tỵ nạn chúng ta là một cộng đồng lớn và nhất là rất da đạng, không phải là một cộng đồng thuần nhất, cùng một hoàn cảnh sống, một bực thang xã hội, một thế hệ, một cách suy nghĩ, một nhu cầu,... Do đó khó có thể nói có duy nhất một ứng viên thích hợp cho tất cả mọi người.

Một cựu quân nhân già qua đây dưới dạng HO hiển nhiên không cùng suy tư với cháu nội của ông bây giờ là bác sĩ y khoa mới ra trường. Ông nội có thể hoan nghênh việc tăng thuế nhà giàu để ông có thêm trợ cấp, nhưng cháu nội có thể không vui khi bị đóng thuế nhiều hơn. Ông nội có thể vẫn kiên cường căm thù cộng sản bắt ông gánh phân cả mấy năm trời, trong khi cháu nội đi Việt Nam du lịch cảm thấy không có gì “ghê gớm” lắm, hoan nghênh các chính quyền Mỹ tích cực giúp CSVN hội nhập vào thế giới.

Đọc báo Việt ngữ, thiên hạ hay thấy một tình trạng vơ đũa cả nắm, theo cả hai chiều, tốt cũng như xấu, nhưng xấu nhiều hơn. Đại khái một người tỵ nạn thành công, vội vã khoe là cả cộng đồng thành công, nở mặt. Tuy không chính xác lắm nhưng cũng tốt thôi. Ngược lại, và đây mới là điều phiền toái, nhìn vào vài chuyện không tốt rồi xỉa tay chỉ trích cả cộng đồng. Một bác sĩ gian lận Medicare, thế là hết cả các bác sĩ gốc Việt bị rủa.

Gần đây, kẻ viết này có đọc một bài báo của một vị tỵ nạn than phiền, cảm thấy “nhục” vì bị vài ba anh chị Mỹ sỉ vả là cộng đồng chúng ta giả dối, một mặt suốt ngày xuống đường đả đảo CSVN, đòi hỏi chính quyền Mỹ từ thời Carter đến giờ không được giao hảo hay giúp đỡ kinh tế gì cho chế độ CSVN, mặt khác mỗi năm gửi bạc tỷ về “giúp” chế độ đó, “hợp tác khắng khít với chế độ CS”. Thậm chí vài anh chị Mỹ đó còn chê dân Việt trong nước là “ươn hèn” không dám chống đối chính quyền CS, ngoài nước thì “lạm dụng”, đòi hỏi chính phủ Mỹ phải chống CS, yêu sách này đòi hỏi nọ, xin xỏ đủ chuyện. Rồi cái ông tỵ nạn viết bài báo đó hưởng ứng, vội cho là những anh chị Mỹ này nói lên “sự thật mất lòng”, cảm thấy “nhục” rồi ngồi khóc ròng.

Thật ra, cả mấy anh chị Mỹ sỉ vả ta cũng như cái ông tỵ nạn cảm thấy “nhục” đều vô lý. Cộng đồng nào cũng vậy, có người này người nọ. Cả ngàn người gửi tiền về VN nhưng cũng có cả ngàn người không gửi. Cả ngàn người về “du lịch” nhưng cũng có cả ngàn người không về. Vơ đữa cả nắm là hồ đồ. Chẳng những hồ đồ mà còn nhận định sai vấn đề.

Cả tỷ bạc đã được gửi về nước thật, nhưng có một điều cần nhìn cho rõ. Mấy ông bà tỵ nạn không có cách nào có khả năng gửi cả chục tỷ đô về VN, dù nhìn dưới góc độ nào hay tính toán kiểu gì cũng vậy. Cả chục tỷ đó hầu hết là tiền của các đại doanh gia có “quan hệ” như con rể ông thủ tướng gửi về đầu tư vào các cơ sở kinh doanh lớn của họ, hay tiền tham nhũng các quan đỏ chuyển lậu ra ngoài nước, để “rửa” cho sạch rồi chuyển về nước lại.

Nhìn cho kỹ, dân tỵ nạn chỉ đủ khả năng gửi ít tiền về giúp gia đình, giúp mua thuốc men, chữa trị bố mẹ già hay anh em hay bạn bè kẹt lại, xây nhà nhỏ cho bố mẹ, trùng tu mồ mả ông bà, góp mở tiệm buôn nhỏ cho gia đình sinh sống. Đó là tiền giúp VC sao? Bố mẹ, anh em, ông bà của họ đã trở thành VC từ hồi nào? Chỉ vì vài ba tên chóp bu CS kềm kẹp cả nước bằng súng ống và công an mà gần 100 triệu dân ta thành CS hết sao?

Chẳng ai muốn gửi tiền về giúp chế độ CS hết, cũng như chẳng ai muốn đấm mõm bất cứ tên cán ngố nào cả, chỉ là chuyện bất đắc dĩ, chẳng đặng đừng vì muốn giúp gia đình, phải gửi tiền về nước thôi.

Gửi tiền về giúp gia đình không thể gọi đó là “hợp tác khắng khít với chế độ CS”. Tình người, nhất là tình ruột thịt máu mủ, chính là cái gì phân định ai là “quốc gia”, ai là thành phần gọi là “vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc”, cũng là cái lý do tại sao ta “chống cộng”. Người cộng sản đấu tố bố mẹ được, chúng ta không làm được chuyện đó, bởi vậy chúng ta mới chống cộng. (Nói cho rõ: song thân kẻ viết đều là dân tỵ nạn, qua đời lâu rồi, chưa bao giờ gửi một xu nào về VN)

Thành thử muốn chỉ trích thì cần chỉ trích những tay “doanh gia” hoạt đầu “làm ăn” với VC hay làm đầu mối chuyển tiền tham nhũng của VC. Với những loại này, khỏi cần bàn thêm cho mệt, chỉ cần vạch mặt chỉ tên chúng ra. Nhưng xin đừng chỉ trích những đứa con gửi vài trăm, vài ngàn về cho bố mẹ, hay gửi vài lô thuốc, vài bịch quần áo mua “on sale” cho anh chị em, và nhất là đừng vơ đũa cả nắm, chửi hết cả cộng đồng.

Nhiều người lớn tiếng chỉ trích những người tỵ nạn về nước “du lịch”. Phải nói ngay cả triệu người tỵ nạn bỏ nước ra đi không phải vì họ chán ngấy cái xứ VN hay ớn phở mì đến cổ. Chẳng qua họ chỉ trốn chạy một chế độ cầm quyền thôi. Bây giờ có dịp về nước nhìn lại quê hương, nhìn lại sông Hương núi Ngự, hay Đồng Tháp, Cà Mau, nhớ lại nơi chôn nhau cắt rốn, hay về thắp nhang trên mộ ông bà, hay thậm chí ra bắc để có dịp thấy Hồ Hoàn Kiếm hay Vịnh Hạ Long, hay tìm gặp những họ hàng, anh em chưa từng biết mặt nhau,... tất cả đều phản ảnh tình yêu nước thương dân tộc, nhớ gốc của dân tỵ nạn, là những chuyện không thể xuyên tạc biến thành những “hoạt động ủng hộ chế độ CS”. Chỉ vì vài ba tên chóp bu là CS không có nghiã là sông Hương là sông cộng sản, hồ Hoàn Kiếm là hồ cộng sản.

Nói về việc dân trong nước “ươn hèn” không dám chống chính quyền và dân ngoài nước “lạm dụng”, suốt ngày xin xỏ, kẻ viết này cho rằng không ai –Mỹ hay tỵ nạn- ngồi ăn hăm-bơ-ghơ trong phòng lạnh ở Mỹ có quyền dám chê dân VN ươn hèn. Nếu muốn, họ có thể đi VN ở thử ít lâu nếm mùi công an trị ở VN trước rồi muốn mở miệng nói gì thì nói sau. Còn nói về việc dân tỵ nạn lạm dụng xin xỏ, không ai có thể phủ nhận cộng đồng chúng ta đã và đang đóng góp rất nhiều cho cái xứ này. Không nhìn thấy những đóng góp của các doanh gia, khoa học gia, giáo sư, và quân nhân gốc Việt là chỉ nhìn chung quanh bằng một con mắt. Phải mở cả hai mắt ra mà nhìn thì mới muốn nói gì thì nói. Những người Mỹ chấp nhận những đóng góp của cộng đồng tỵ nạn, chấp nhận những phát minh khoa học của bà Dương Nguyệt Ánh hay bà Lê Duy Loan, chấp nhận trợ cấp của Nhà Nước Mỹ trong đó có tiền thuế của chúng ta đóng, chấp nhận cho thanh niên gốc Việt chết tại Iraq hay Afghanistan, mà không cho chúng ta có tiếng nói, có quyền thỉnh cầu, có quyền lợi tương xứng, đó mới đúng là lạm dụng.

Nói như vậy để nhấn mạnh không có cộng đồng nào thuần nhất tuyệt đối, luôn luôn có người này người khác.

Cũng vậy, cũng không thể nói trong việc bầu cử tổng thống Mỹ chẳng hạn, sẽ có một ứng viên đáp ứng được mọi đòi hỏi của cả cộng đồng và tất cả chúng ta phải dồn phiếu vào đúng một người đó. Tất cả tùy thuộc hoàn cảnh, nhu cầu cá nhân của mỗi người.

Một cách cụ thể, một người với mức lợi tức thấp, không đóng thuế lợi tức mà trông cậy vào trợ cấp dĩ nhiên sẽ có khuynh hướng chấp nhận Nhà Nước tăng thuế để tăng trợ cấp cho mình. Ngược lại, một gia đình trung lưu không có nhu cầu trợ cấp gì mà cứ bị đe dọa tăng thuế để nuôi người khác dĩ nhiên sẽ phải có một lựa chọn khác. Một gia đình có con ở tuổi đi lính tất nhiên sẽ có cái nhìn về cuộc chiến tại Trung Đông với con mắt dè dặt hơn một gia đình trẻ, con chỉ mới học tiểu học.

Ở đây, mỗi người sẽ phải cân nhắc hoàn cảnh cá nhân của mình, tìm hiểu đâu là quyền lợi của mình và gia đình, ứng viên nào đáp ứng nhu cầu và quyền lợi đó. Yếu tố ưu tiên trên hết hiển nhiên là quyền lợi và nhu cầu cá nhân và gia đình.

Nhiều người đi xa hơn sẽ nghĩ đến quyền lợi của đất nước VN, đặc biệt là những vấn đề như nhân quyền, Biển Đông,..., để rồi thắc mắc không biết đảng nào hay ứng viên nào lo cho VN hơn.

Trong vấn đề này, có lẽ những người này nên nhìn thế giới chung quanh với con mắt thực tế hơn. Những tranh cãi CH chống cộng hơn hay DC lo bảo vệ nhân quyền ở VN hơn đều là những tranh cãi vớ vẩn. Sự thật là khi các chính quyền Mỹ bất kể thuộc đảng DC hay CH, quyết định chính sách của họ đối với VN, bất kể dưới chế độ quốc gia hay cộng sản, thì họ chỉ nhìn vào quyền lợi chung của cả nước Mỹ, chẳng nhìn thấy anh chị An Nam nào hết.

Chẳng hạn như ông Trump. Chỉ cần TC bảo đảm tự do hải lưu trong khu vực thì đừng ai nghĩ đến chuyện ông Trump mang hàng không mẫu hạm qua đó bảo vệ Hoàng Sa hay Trường Sa gì hết cho tốn tiền. Ông Trump hay TT Obama có mang chiến hạm vào Cam Ranh cũng chỉ để canh chừng TC, bảo đảm tự do thông thương trên Biển Đông, không phải để bảo vệ lãnh thổ VN chống xâm lăng của TC.

Hay bà Hillary cũng vậy thôi. Cùng lắm sẽ làm như TT Obama, lâu lâu nhận một anh chị đối kháng VN nào đó qua Mỹ là hết, vừa mang tiếng nhân đạo, vừa giúp nhà cầm quyền CSVN bớt một chuyện nhức đầu. Qua đến Mỹ, những tiếng nói chống đối ồn ào đó bị lạc vào rừng tự do dân chủ, không còn ai nghe thấy họ nói gì nữa.

Cả ông Trump lẫn bà Hillary, hay bất cứ ai khác làm tổng thống Mỹ, sẽ chẳng có ai gân cổ ra “tranh đấu” cho nhân quyền hay dân quyền ở VN hết, cũng chẳng ai gửi thủy quân lục chiến đến VN nếu xe tăng TC tràn qua Ải Nam Quan, đừng ai mơ tưởng chuyện hão huyền.

Muốn cho chính quyền Mỹ chú ý đến chúng ta thì chúng ta sẽ phải làm như dân Cuba: tích cực tham gia trực tiếp vào chính trị Mỹ, có tiếng nói trong quốc hội, trong chính quyền, trong cả hai đảng. Chính trị Mỹ, dù muốn hay không, cũng chỉ là thứ chính trị phần lớn bị chi phối bởi lá phiếu của cử tri. Ngày nào chúng ta không cầm lá phiếu trên tay, ngày đó coi như ta không có tiếng nói. Chúng ta chưa làm được như người Cuba, một phần quan trọng như đã viết ngay từ đầu, là vì chúng ta có những ưu tiên khác. Nhưng rồi cũng sẽ đến ngày chúng ta phải hội nhập đầy đủ hơn, phải tham gia tích cực hơn vào việc chọn lựa chính trị, chọn lựa lãnh đạo, để bảo vệ quyền lợi thực tế hiện hữu của chúng ta.

Cái quyền lựa chọn đảng hay ứng viên là cái quyền cơ bản trong chế độ dân chủ thực sự. Việc tôn trọng cái quyền khác biệt ý kiến, khác biệt quan điểm, khác biệt lựa chọn cũng là những viên gạch làm nền tảng cho chế độ dân chủ này. Ta cần phải hiểu cho rõ, ai cũng có quyền khác ý ta, và ta cũng có quyền khác ý với bất cứ ai khác. Và sự khác ý đó có thể hoàn toàn chân thật vì trên thực tế, không ai độc quyền nắm giữ chân lý hết, chẳng ai biết ai đúng ai sai. Đồng tiền có hai mặt, hai người đứng hai phiá sẽ thấy hai hình ảnh khác nhau, chẳng ai sai cả, chỉ là tùy đứng ở góc độ nào.

Nhiều người tỵ nạn, cho dù qua đây cả mấy chục năm, vẫn chưa hiểu được thế nào là tự do, dân chủ. Hễ thấy người khác ý là dùng thậm từ miệt thị hay sỉ vả ngay, không gọi họ là “ngu dốt” thì cũng kết tội họ là “bất lương, gian trá”,... Cách suy nghĩ rất đơn giản: chỉ có ta là đúng, cái đúng của ta nó quá hiển nhiên, không nhìn nhận thì tất nhiên chỉ có thể là ngu hay gian thôi. Kẻ viết này là nhân chứng cho thái độ đó khi không thiếu gì độc giả đã email sỉ vả, hoặc chửi là ngu, hoặc tố là bất lương, hay hỏi đã nhận bao nhiêu tiền để làm “cái loa” cho đảng này, người nọ.

Mùa vận động tranh cử hiện nay là cơ hội tuyệt hảo để dân tỵ nạn chúng ta làm quen nhiều hơn với chế độ tự do dân chủ đích thực, chấp nhận khác biệt chính kiến và tập lấy quyết định, thử tích cực tham gia vào việc xây dựng tương lai của chính mình bằng cách tham gia vào các sinh hoạt chính trị địa phương. Một nhu cầu thực tế cho dân tỵ nạn, dù ở Mỹ hay Pháp, Úc, Canada,...

Không phải trên thế giới, dân xứ nào cũng có cái may mắn được học và hành dân chủ như ở Mỹ đâu.

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
16/04/201602:10:32
Khách
Ông Nguyen Hung ơi! Ông có nghe chăng?
Biết bao nhiêu đọc giả la lên: Úy Trời!
Căn cứ vào những gì ông viết, ông chỉ có vài câu mà nghe chẳng được! Thế mà lên giọng khen, chê nào là tiến bộ, biết sai đã sửa mới nên người !!! Học sinh lớp ba nghe ông nói có lẽ chúng cưới nức mũi. Cũng may là chữ không có dấu, nếu có thì không biết mấy lỗi chính tả? Cũng đúng bỡi thé nên ông mới bạo miệng chửi người!
Trời đất bao la muôn màu muôn sắc. Khổ nỗi ông chỉ thích có một màu xanh và tưởng rằng chỉ có màu đó là tuyệt và còn muốn người khác cùng đồng ý với ông. Chả trách gì cộng sản dùng chữ "ta" như trong chữ "đảng ta, nhà nước ta, nhân dân ta" cho tất cả về một mối! Không biết ông dang ở HK hay ở bên kia bờ đại dương mà khác với công ân HK quá nhỉ?
07/04/201622:47:10
Khách
KO LE THEM 4 NAM NUA TIEP TUC 8 NAM CUA UBAMA?????
THOI DANG DAN CHU KO CO MAY MAN NUA DAU MR. NGUYEN HUNG.
07/04/201600:34:01
Khách
Khi nào dân việt nòi được nói được tiếng Mể. Hay là Ông Bill Gate nói được tiếng Việt thì dân Việt mính có nhiều Dân Biêu và Nghị sỹ có như vậy mà cũng không biết . Ngôn ngữ tiếng Mễ chính quyền Mỹ có khấp nơi từ công sỡ đến các công ty tư nhân. Khi dân Mễ gọi phone muốn nói tếng Mễ nhấn số 2, còn dân Việt gọi phone nhấn số náo? Come on Mr . Vũ Linh
06/04/201619:30:55
Khách
Cách đây khoảng 35 năm khi tôi được quốc tịch Mỹ (nên được thành cử tri, có quyền đi bầu)
tôi luôn luôn đi bầu, với lý luận đơn giản như sau:
Giả sử mình đã bầu cho 1 ứng viên được 1,000,1234 phiếu, và thua ứng viên được 2,000,1234
thì tôi cũng vẫn có thể ngôn là nhờ tôi có đi bầu kết quả mới thành như vậy,
chứ nếu không con số nhìn thấy trên màn ảnh TV sẽ khác,
thành: 1,000,1233/2,000,1234 - Lá phiếu của tôi có làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử.

Bây giờ đọc bài của tác giả Vũ Linh thì tôi thấy lý lẽ & lợi ích mình phải đi bầu
thành mạnh & lớn hơn.

Cám ơn những nhận định rất xúc tích của tác giả.
Cứ mỗi lần đọc 1 bài viết mới của ông Vũ Linh
tôi lại thấy hiểu biết của mình về nước Mỹ được mở rộng ra,
cho nên giúp hành xử đúng & hay hơn.

San Diego, Hoa Kỳ
06/04/201606:53:55
Khách
Rat thich doc bai cua Vu Linh Viet
06/04/201606:15:21
Khách
Hai người nầy có thành kiến nặng rồi, ai cũng biết TT Mỹ cho dù CH hay DC họ cũng nghĩ đến quyền lợi của dân Mỹ và vô hình chung trong đó có dân VN có quốc-tịch.... Cái quá khứ của Hillary ai cũng đã biết và Trump cũng vậy thôi nhưng mà ông nầy thì ta chưa thấy rõ lắm, người nào làm TT cũng còn có các cơ chế khác canh chừng nhưng bà Hillary thì quả tình đã thật sự gian hùng khi dám sữ dụng email... chắc điều nầy hai vị cũng khen luôn sao. Đừng làm cái kiểu khuyên người nầy, bầu cho ai hay đừng bỏ cho ai vì như vậy hai vị chẳng hiểu thế nào là tự do dân chủ
06/04/201602:45:48
Khách
Tôi đồng quan điễm với ông Vũ Linh, nhiều người VN dân tị nạn rất thờ ơ với chính trị Mỹ ”...Ờ chiện của Mẽo để nó lo...” mà chính họ là công dân Mỹ. Đó cũng là nhực điễm của dân tộc VN, cá nhân cao hơn quyền lợi chung.
Chống CS hửu hiệu nhất là chúng ta cần gia nhập vào chính trị Mỹ càng nhiều càng tốt. Nếu có nhiều Thượng/Hạ nghị sĩ VN ở Mỹ thì CSVN sẽ khó xâm nhập. CH hay DC đều có lợi, vừa là công dân Mỹ tốt, vừa dùng quyền hạn của mình để bảo vệ cộng đồng ti nạn VN và ngăn chặn những xâm nhập lan tràn càng nhiều của CSVN ở Mỹ. CSVN bỏ bao nhiêu tiền để giao hảo với chính phủ Mỹ hy vọng triệt bỏ tất cả những gì có hại cho CSVN ở Mỹ. Sự thành công của Mỹ đối với thế giới là “team work” làm những có lợi ích chung cho Mỹ (thí dụ thành công Do Thái ở xứ Mỹ). Chúng ta không có những tiện nghi như Do Thái(tiền), thì cần rất nhiều người VN tị nạn gia nhập vào chính trị Mỹ để có tiếng nói mạnh bảo vệ quyền lợi của dân tị nạn VN. Những ký kết giửa Mỹ và CSVN về kinh tế, giáo dục hay nhiều vấn đề nào khác, chính trị gia Mỹ sẽ đồng ý nếu có lợi cho họ. Nếu có một ông Thống Đốc tiểu bang (gốc VN) đang đều đình với CSVN thì bạn nghĩ sao? ông sẽ quyết định làm có lợi nhỏ cho kinh tế Mỹ hay hại người đồng hương?. Phận sự của công đồng tị nạn là giám sát Nghị Viên “phản pháo”. Tôi rất mừng là 50 tiểu bang Mỹ thấy rất ít lá cờ đỏ sao vàng bay. Cám ơn những vị đã vát ngà voi làm không công cho cộng đồng.
Sửa đỗi CHXHCN VN rất xa vời, hảy bảo vệ con cháu mình ngay trên xứ Mỹ mình đang sống trước, thì CHXHCN VN chết cũng sẽ đến... nếu mỗi tiểu bang của Mỹ đều có Thượng/Hạ nghị sĩ gốc VN.
Nếu con cháu mình có ý tưởng gia nhập chính trị Mỹ, nên khuyến khích nó làm hơn là đi học kỹ sư, bác sĩ...cái nghề nó không thích?
05/04/201621:24:45
Khách
Hay. "Muốn chỉ trích thì cần chỉ trích những tay “doanh gia” hoạt đầu “làm ăn” với VC hay làm đầu mối chuyển tiền tham nhũng của VC. Với những loại này, khỏi cần bàn thêm cho mệt, chỉ cần vạch mặt chỉ tên chúng ra. Nhưng đừng chỉ trích những đứa con gửi vài trăm, vài ngàn về cho bố mẹ, hay gửi vài lô thuốc, vài bịch quần áo mua “on sale” cho anh chị em". Nhieu nguoi chi biet chui bay ma cha lam duoc cai gi.
05/04/201614:54:18
Khách
Theo ý tác giả bài viết không ý định nói về bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016. Nói theo kiểu nói là nói hùa về phúc lợi và chống cộng. Chúng ta đã chống cộng sản từ năm 1945, bao nhiêu cách ạng dã hy sinh rồi và tiếp tục hy sinh cho tương lai. Chắc tác giả ăn cơm xôi thịt xình bụng rồi, ngồi đó nhạo báng những chiến sĩ yêu nước trong phong trào đấu tranh dưới mọi hình thức chóng cộng sản trong nước, vài người Mỹ thiếu hiểu biết khinh khi phong trào đấu tranh của người Việt Nam. Tuy nhiên mổi người chúng ta có quyền quyết định cho chính mình tùy theo nhu cầu đấu tranh đó mà.. Tác giả nên thận trọng khi mang vào vài ba ten Mỹ thối nát khinh chê người Việt k biết đấu tranh. Tự do là gì khi chúng ta cần phải trả cái giá bao nhieu chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống cộng sản, giữ gìn từng tắc đất cho miền Nam Tự Do, tới giờ cuối cùng vẫn phải chiến đấu tới giọt máu cuối cùng là hàng triệu người Việt Nam có cơ hội trốn thoát ra khỏi ngục tù cộng sản vô thần trong đó có cả tác giả. Hãy viết về Tự do kiêu hùng của dân tộc Việt nam nhé..
05/04/201611:18:49
Khách
Bai Viet cua Tac Gia nam nay co tien bo hon nam 2008 va 2012 . Nam nay Thị ong Vu Linh het dam chac la dang Công Hoa thang dang Dan Chu Roi. Biet Sài ma Sữa chua vay moi nen Nguoi.
Nguoi ta kg so Nguoi Nguoi lam loi
Chi so Nguoi biet loi ma kg Sua.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đảng CSVN đang rối beng lên về tình trạng cán bộ tham nhũng quyền lực, nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khiến dân te tua. Tình trạng này được báo của Trung ương đảng “vạch áo cho người xem lưng” cả trong hai lĩnh vực...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.