Hôm nay,  

Quả Báo Nghiệp Chung: Lời Tiên Tri Của Một Danh Tướng

16/02/201600:00:00(Xem: 9105)

Danh từ "nghiệp chung" (đồng nghiệp) và danh từ "nghiệp riêng"

(biệt nghiệp) được bàn đến trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Chương I, Mục V, Đoạn III:

CHỈ RA HAI THỨ NHẬN THỨC SAI LẦM

(Nhận thức nghiệp riêng &Nhận thức nghiệp chung )

(bản Việt dịch của Cư Sĩ Tâm Minh, xuất bản năm 1961 tại Hà Nội )

Kinh Thủ Lăng Nghiêm là một tác phẩm ghi lại cuộc vấn đáp giữa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và đệ tử là Tôn Giả A Nan nhân việc Tôn Giả suýt bị sa vào lưới tình của một mỹ nhân tên là Ma Đăng Già. Trong đời thường, một nam nhân độc thân sa vào lưới tình của một nữ nhân là một sự thường, nhưng một nam nhân có gia đình mà sa vào lưới tình mới thì đã là một sự bất thường, đưa đến những hệ quả bất ưng-- một bi kịch hay một thảm kịch sẽ xảy ra. Huống hồ một thanh niên tự nguyện đi tu, hứa giữ năm giới căn bản và cả trăm giới tỉ mỉ khác thì sự sa vào lưới tình, chủ động hay thụ động, là phạm giới lớn rồi. Trầm trọng hơn nữa, Tôn Giả lại là thị giả của Đức Phật, một thị giả nổi tiếng về trí nhớ uyên bác, có khả năng nói lại hầu như hoàn toàn những bài thuyết pháp của Đức Phật. (Về mặt này, Việt Nam có một thiên tài là ông Lê Quý Đôn ( 1726-1784), theo truyền thuyết chỉ đọc một lần sổ ghi thuế mà có thể đọc lại từ đầu chí cuối khi cuốn này bị cháy).

Khi đi khất thực môt mình, Tôn Giả A Nan đến trước cửa nhà mỹ nhân Ma Đăng Già, bị nàng dùng bùa chú mê hoặc,dẫn dụ vào trong nhà, sắp bị phá giới thể thì Đức Phật từ xa biết được, phái Bồ Tát Văn Thù đem thần chú Thủ Lăng Nghiêm đến đối trị, giải được nạn tai cho Tôn Giả, rồi đem cả hai về trình diện Đức Phật.

Như vậy, cả trong lúc gặp nạn cũng như lúc thoát nạn, Tôn Giả hoàn toàn thụ động, không làm chủ chính mình mà bị ngoại lực điều động. Khi trở về,

"Ông A Nan thấy Phật, đảnh lễ khóc lóc, giận mình từ vô thỉ đến nay, một bề học rộng, nhớ nhiều, chưa toàn đạo lực, tha thiết xin Phật dạy cho những phép Samatha ( Chỉ ), Samadhi(Định), Jhana (Thiền ), là những phương tiện tu hành đầu tiên để thành đạo Bồ Đề của thập phương Như Lai". (Phần thứ nhất--Phần Tựa--Chương II--Tựa Riêng)

Đức Phật muốn ông A Nan tự mình phản tỉnh về lỗi của mình nên đặt những câu hỏi để ông tự tìm câu trả lời, dần dần đưa đến chỗ nhận ra những sai lầm trong nhận thức và hành động. Đức Phật hỏi ông lý do nào khiến ông từ bỏ đời sống vương giả của một hoàng tử để trở thành một tu sĩ khổ hạnh ngày ngày mang bình đi xin ăn. "Ông A Nan bạch Phật:" Tôi thấy 32 tướng của Như Lai tốt đẹp lạ thường, hình thể sáng suốt như ngọc lưu ly, thường tự suy nghĩ: Tướng ấy không thể do dục ái sinh ra. Vì sao? Giống dâm dục nhơ nhớp tanh hôi kết cấu, máu mủ xen lộn,làm sao sinh được thân vàng thắm chói trong sạch sáng suốt như vậy, nên tôi ước mong cắt tóc theo Phật tu học".(Phần Thứ Hai--Phần Chính Tông--Chương I--Mục I--Đoạn I)

Câu trả lời của ông A Nan cho thấy tâm ông bị lôi cuốn bởi sắc trần ngoại cảnh là hảo tướng của Đức Phật. Ông dùng lý luận để biện hộ cho hành động cắt tóc đi tu. Sắc trần ngoại cảnh là tướng giả dối, biến đổi vô thường. Tâm phan duyên vào cái vô thường chỉ là vọng tưởng điên đảo đưa thân vào dòng đời chìm nổi lênh đênh. Đức Phật nói ngay:"Hay thay A Nan, các ông nên biết hết thảy chúng sinh từ vô thỉ đến nay sống chết nối luôn đều do không biết thể tính trong sạch sáng suốt của thường trụ chân tâm mà lại chỉ dùng các vọng tưởng, vì vọng tưởng đó không chân thật nên mới có luân hồi".

Lời nói này của Đức Phật có thể được coi là định đề cho toàn bộ hệ thống lý luận của Kinh Thủ Lăng Nghiêm: Thể tính trong sạch sáng suốt của thường trụ chân tâm đối nghịch với tướng trạng nhơ nhớp mờ tối của vọng tâm biến dịch.

Cái tài năng học rộng nhớ nhiều của ông A Nan không đủ đạo lực ngăn cản tâm ông bị cuốn hút bởi sắc dẹp của nàng Ma Đăng Già. Mỹ nhân chẳng cần dùng bùa chú huyền bí gì, vì sắc đẹp của nàng chính là bùa chú làm bản năng tình ái của ông A Nan nổi lên như sóng thần cuốn phăng tài năng chữ nghĩa. Trước sắc đẹp của nàng, ông A Nan lâm vào một tình cảnh hiện sinh như lướt tay trên lưỡi dao cạo, như đứng chênh vênh trên mỏm đá vực thẳm, như con thuyền bị dâng lên đầu ngọn sóng.

Trong khoảnh khắc sắp sa ngã, thì ông được giải cứu bởi Bồ Tát Văn Thù mang Chú Thủ Lăng Nghiêm đến hàng phục mỹ nhân. Bồ Tát Văn Thù tượng trưng cho Đại Trí Tuệ, Chú Thủ Lăng Nghiêm là Đại Định vốn sẵn có của Tâm Tính. Câu kinh này ngầm ý rằng trong ông A Nan vốn sẵn có Tính Giác vi diệu có huyền lực làm ông bừng tỉnh khỏi cơn mê, nhưng cũng phải nhờ vào tha lực mạnh mẽ của Đức Phật hỗ trợ.

Đức Phật diễn giải cho ông A Nan dần dần hiểu ra rằng cái thấy của ông và của loài người nói chung về vũ trụ ngoại cảnh qua sáu căn--mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý --là nhận thức sai lầm xét về hai mặt:

- Cái thấy, chẳng hạn nhìn thấy màu xanh, mầu đỏ, nghe thấy tiếng bổng tiếng trầm....không phải là Tính Thấy mà chỉ là công dụng của Tính Thấy vốn bao trùm khắp chốn và mọi thời chung cho cả mọi người, mọi vật. Tính Thấy có nơi con cua, con cá, con thỏ, con rắn...tùy theo xác thân mà công dụng thay đổi. Thí dụ Tính Thấy ứng dụng vào xác thân loài cá sẽ khiến loài cá thấy nước khác với loài người. Cấu tạo mắt của loài người khác với loài cú khiến loài cú nhìn ban đêm rõ hơn ban ngày...Như vậy cùng một đối tượng mà muôn loài với báo thân khác nhau sẽ "thấy" khác nhau. Cái thấy nào là đúng nhất ? Không thể trả lời

- Cái thấy, chẳng hạn của mắt, chỉ có thể xảy ra khi có chủ thể nhìn và đối tượng bị nhìn. Với riêng một loài thôi, thí dụ với mắt loài người, nếu không có ánh sáng thì đối tượng không thể thấy được, mà nếu có thấy thì chẳng phải đối tượng thực, chỉ là cái bóng. '

Để làm sáng tỏ hơn ý tưởng "Tính Thấy không phải là cái thấy", Đức Phật phân biệt nhận thức sai lầm nghiệp riêng và nhận thức sai lầm nghiệp chung.

- Nhận thức sai lầm nghiệp riêng: Thí dụ hai người cùng nhìn một bóng đèn sáng. Một người bị bệnh lòa nhìn thấy quanh bóng đèn một vòng tròn ngũ sắc bao phủ, còn người không bệnh thì không thấy như thế. Nếu người bệnh không biết mình bệnh sẽ cãi nhau với người kia, nhất định cho rằng vòng tròn ngũ sắc có thực. Trừ khi có người thứ ba làm chứng. Như thế bệnh lòa làm cho người bệnh thấy sai về đối tượng, đó là nhận thức sai lầm nghiệp riêng.

- Nhận thức sai lầm nghiệp chung: Nếu cả một nước đều bị bệnh lòa thì gọi là sai lầm đồng nghiệp. Cả một nhóm người bị lòa thì cả nhóm có nhận thức sai lầm đưa đến hành động tập thể sai lầm

"So sánh với hiện nay, ông dùng con mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng sinh, đều là do bệnh thấy vô thỉ tạo thành"

"Cái thấy và cái bị thấy duyên nhau, hình như hiện ra tiền cảnh, thực chất vốn là bệnh lòa, năng kiến sở kiến của tâm tính mà thôi"

"Giác ngộ rằng thấy như thế là bệnh lòa, thì cái tâm giác ngộ đó nhận thức không lòa". Đó là Tính Thấy làm cho tâm giác ngộ mình bị lòa, mà ở ngoài phạm vi bệnh lòa, cho nên Tính Thấy không phải là cái thấy.

Khái niệm "nghiệp riêng", "nghiệp chung" là những khái niệm cốt yếu của nhà Phật, về mặt lý thuyết dùng để lý giải nhiều cảnh đời "dường như khó hiểu" mà không tôn giáo nào khác giải nghĩa được, về mặt thực hành dùng để quán chiếu tu thân.

Nghiệp riêng và nghiệp chung có ảnh hưởng hỗ tương biện chứng với nhau. Thí dụ trong một gia đình bố mẹ khỏe mạnh sanh ra bốn người con đầu lành mạnh, nhưng đến người con thứ năm tật nguyền. Bản thân người con thứ năm có nghiệp riêng phải chịu khổ đau, nhưng cả gia đình phiền não, như vậy cả gia đình gánh nghiệp chung. Lãnh tụ một đoàn thể hay một dân tộc có nghiệp riêng là tài năng lãnh đạo,nhưng nhận thức sai lầm của ông ta sẽ tạo nên nhận thức sai lầm chung cho cả đoàn thể đó, dân tộc đó. Một cá nhân có nghiệp báo cá nhân, một tập thể có nghiệp báo tập thể. Nhưng trong nghiệp riêng có nghiệp chung, và ngược lại. Tục ngữ dân gian Việt Nam có câu: "Đời cha ăn mặn đời con khát nước". Chẳng phải ai làm người ấy chịu, mà người khác phải gánh luôn. Trong lịch sử loài người, rất nhiều thí dụ về nghiệp chung cho một dân tộc.


Dân tộc Nhật Bản sau khi hiện đại hóa theo văn minh kỹ thuật Tây Phương kể từ năm 1868, đại thắng đế quốc Nga năm 1905, đã ôm mộng đế quốc giống như các nước Tây phương.Năm 1910 Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên cho tới khi bại trận Thế Chiến Thứ Hai năm 1945. Trước và trong thế chiến, người Nhật đã bắt phụ nữ Triều Tiên làm nô lệ tình dục cho binh lính Nhật. Một thế kỷ sau, con cháu của lớp binh lính đó phải bồi thường 8 triệu mỹ Kim cho những nạn nhân được gọi là "comfort women" đó. Rõ ràng cha ông hưởng lạc,làm lỗi, con cháu gánh trách nhiệm.

Nhiều năm qua trong xã hội Mỹ thường xảy ra những thảm kịch do những cá nhân bất bình thường gây ra, xả súng bắn vào các trường học, nhà thờ, nơi giải trí là nhưng nơi không có hàng rào an ninh bảo vệ thường xuyên như các trại lính. Ở trường tiểu học Sandyhook, thị xã Newtown,tiểu bang Connecticut ngày 14 tháng 12 năm 2012 lúc 9:30 sáng khi trường đã vào học, đã có tới hai mươi em học sinh mới 6 hay 7 tuổi bị bắn chết ngay trong lớp học bởi một thanh niên 20 tuồi tên Adam Lanza. Tên này đã giết mẹ ruột ở nhà rồi bất ngờ đến trường còn bắn chết 6 nhân viên nữa rồi tự sát.

Nghiệp riêng của tên sát nhân đã taọ nên nghiệp chung của các em bé ngây thơ. Không thể nói khẩu súng trong tay hắn là thủ phạm, bởi vì cả ngàn người đều sở hữu những khẩu súng giống như thế. Chính cái tâm thù hận chất chứa bao đời trong hắn là thủ phạm. Tâm thù hận trái ngược với nhân tính nên tiêu diệt

đối tượng là chính mẹ ruột và những em bé thơ ngây chưa hề quen biệt. Nếu không dùng khái niệm "nghiệp riêng-nghiệp chung" thì không thể nào lý giải được nguyên nhân của thảm kịch. Tâm thù hận là một thứ bệnh lòa che mờ tính thấy hay tính giác bổn nguyên vốn trong sáng, vốn lành thiện. Tục ngữ dân gian Việt Nam có câu:"Tham mờ mắt, giận mất khôn, si quá hóa cuồng".

Chúng tôi xin thuật lại một câu chuyện cổ trong lịch sử thế giới trong đó một danh tướng đã tiên tri về quả báo nghiệp chung giáng lên dân tộc ông: Đế Quốc La Mã.

Bán đảo Ý Đại Lợi trên bản đồ trông giống một chiếc giày ống, gót giày ở về phía đông, mũi giày hướng về phía tây dường như sắp đá vào đảo Sicily trên Địa Trung Hải. Bán đảo Ý ở vào trung tuyến chia Địa Trung Hải làm hai phần, phần phía tây và phần phía đông. Đô thị La Mã lại nằm ở trung điểm của bán đảo.

Từ năm 1200 BC đến năm 800BC, bộ tộc Etruscans từ vùng Tiểu Á đến định cư ở phía bắc bán đảo. Từ năm 1000BC bộ tộc La Tinh từ rặng núi Alps xuống đinh cư ở Trung bộ bán đảo, bên bờ sông Tiber. Từ năm 750BC đến 600BC, người Hy Lạp chiếm miền Nam bán đảo lập ra 50 thuộc địa.

Thần thoại La Tinh kể rằng vào năm 753BC, Romulus, cha là thần chiến tranh Mars và mẹ là một công chúa La Tinh, đã khởi công xây dựng một đô thị lấy ngọn đồi Palatine Hill bên bờ sông Tiber làm trung tâm và xây tường thành để bảo vệ. Đô thị đó được đặt tên theo Romulus, gọi là thành Rome (La Mã). Từ lúc khởi đầu định cư, đó chỉ là một thôn làng nghèo nàn với những túp lều vách gỗ.

Rồi dần dần các vua La Mã cho xây dựng lâu đài nhà cửa đường xá. Các vua La Mã cai trị dô thị cho tới năm 509BC, thì các tướng lãnh quí tộc giết vua để lập nên nền Cộng Hòa cùng thệ nguyện rằng bất cứ ai có manh tâm làm vua đều sẽ bị giết không xét sử. Tầng lớp quí tộc tự cho là giòng dõi của Romulus nắm giữ hết chức vụ then chốt cao cấp trong nền cộng hòa gồm có chức Tổng Tài và một Thượng Viện, còn tầng lớp thứ dân tranh đấu suốt từ năm 494BC đến 287BC mới được tham dự chính quyền trong Hạ Viện. Tinh thần kỷ luật tôn trọng luật pháp của người La Mã, cùng khuynh hướng chiến đấu đã làm cho thành La Mã tổ chức được một quân đội hùng mạnh. Từ 509BC đến 275BC thành La Mã đem quân chinh phục hết bán đảo Ý.

Năm 282BC La Mã gây chiến với các thuộc địa Hy Lạp ở miền Nam, đánh bại danh tướng Hy Lạp Pyrrhus năm 275BC. Thế là La Mã làm chủ toàn bán đảo, trừ ra đảo Sicily đang tranh chấp với đô thị Carthage trên bờ biển Phi Châu đối diện và chỉ cách Sicily 80 dặm.

Cuộc chiến tranh La Mã-Carthage kéo dài từ năm 264BC cho tới năm 146BC mới chấm dứt với sự thắng lợi hoàn toàn của La Mã khiến La Mã trở thành thủ đô của một đế quốc rộng lớn kiểm soát toàn bộ Đia Trung Hải từ tây sang đông. Nhưng cũng chính thắng lợi này lại gieo cái mầm thảm bại sụp đổ của La Mã hơn 500 năm sau.

Cuộc chiến dai dẳng cả thế kỷ đó chia làm bốn thời kỳ.

1/ Thời kỳ thứ nhất: 264BC-241BC: La Mã đánh bại Carthage và làm chủ hòn đảo màu mỡ Sicily

2/ Thời kỳ thứ hai: 241BC-218BC: Hưu chiến giữa hai đô thị

3/ Thời kỳ thứ ba: 218BC-202BC: Danh tướng Hannibal của Carthage phục thù, kéo quân từ Tây Ban Nha, qua xứ Gaul, vượt qua rặng núi Alps đánh xuống, làm chủ toàn bộ bán đảo Ý nhưng không thể nào hạ được thành La Mã vì tường phòng thủ quá kiên cố. Năm 202BC danh tướng La Mã Scipio mang quân đánh thẳng vào Carthage khiến Hannibal không kịp về chống cự, đại bại trong trận chiến Zama. La Mã làm chủ Carhage nhưng vẫn cho Carthage tự trị dưới quyền kiểm soát của La Mã.

Sau trận chiến Zama, La Mã trở thành bá chủ Địa Trung Hải ở phía tây. Trong 70 năm tiếp sau đó La Mã chinh phục phần phía đông Đia Trung Hải thay thế đế q  uốc Hy Lạp đã suy tàn và làm chủ hoàn toàn phương đông vào năm 146BC.

Kể từ sau trận Zama, Carthage không còn là mối đe dọa về quân sự đối với La Mã, nhưng đô thị này vẫn thịnh vượng về mặt kinh tế, khiến cho một số lãnh tụ La Mã sinh lòng ghen ghét. Một trong số họ là thượng nghị sĩ Cato tỏ ra hận thù nhất, luôn luôn hô hào: "Phải tận diệt Carthage".

4/ Năm 149BC, La Mã tuyên chiến với Carthage lấy cớ đô thị này không xin phép La Mã khi gây chiến với láng giềng Numidia. Quân La Mã vây thành trong ba năm cho tới khi một danh tướng La Mã tên Scipio Aemilianus, cháu nội của danh tướng Scipio trong trận Zama trước kia, chỉ huy và phá được thành.

Quân La Mã vào thành và nổi lửa đốt tan hoang suốt 6 ngày mới tắt.

Nhìn cảnh điêu tàn của một đô thị trong bao năm sầm uất thịnh vượng, tướng Scipio khóc và nói với một người bạn: "Đây là giây phút vinh quang, nhưng tôi sợ rằng một ngày nào đó số phận này sẽ giáng lên xứ sở tôi"

(Xem sách WORLD HIOSTORY, Perspective on the Past, nhà xuất bản D.C. Heath and Company, 1992 USA&CANADA, Chương 6, trang 140)

Lời tiên tri của tướng Scipio đã được chứng thực đối với thành La Mã

trong 3 lần bị tàn phá

1/ Năm 410AD: bộ tộc Visigoths, vốn bị người La Mã gọi là rợ Germanic,do vua Alaric chỉ huy tiến quân từ rặng núi Alps xuống vây hãm. Một kẻ phản bội mở cửa thành và quân Visigoths tràn vào tàn phá cướp bóc trong 3 ngày.

2/ Năm 455AD: bộ tộc Vandals tiến quân từ Bắc Phi Châu theo đường biển vào cướp phá La Mã, bắt đi cả ngàn cư dân làm nô lệ.

3/ Năm 476AD: Hoàng Đế trẻ thơ 14 tuổi cuối cùng của La Mã là Romulus

Augustulus bị vua của bộ tộc Ostrogoths là Odoacer chiếm đóng La Mã truất ngôi bắt đi đày. Phần phía tây của đế quốc coi như xóa sổ.

Nghiệp riêng có quả báo của nghiệp riêng, nghiệp chung có quả báo của nghiệp chung. Trong sách WORLD HISTORY các tác giả nhận định rằng cuộc chiến tranh La Mã- Carthage vào giai đoạn cuối cùng 149BC-146BC không cần thiết, vì Carthage không còn là một đe dọa quân sự. Giả sử không có chính trị gia đầy lòng ghen ghét sân hận như Cato thì người dân La Mã sẽ không phải đi lính, mà dân Carthage cũng không chết thảm. Nếu La Mã cứ để cho Carthage tự trị dưới quyền kiểm soát của mình thì chưa chắc La Mã đã bị quả báo tàn phá nhiều lần sau này. Người dân Carthage không còn sống để trả thù, nhưng có người khác thay họ. Hay có khi họ đầu thai thành các rợ Visigoths...về trả thù chăng?

Các nhà lãnh đạo của La Mã bị bệnh lòa làm cho "mờ mắt,mất khôn,hóa cuồng" đã đưa đến tai họa cho dân tộc mình. Lịch sử dân tộc Việt Nam cũng không ở ngoài sự chi phối của định luật "nghiệp riêng-nghiệp chung".

Đào Ngọc Phong

Westminster, CA 12 tháng 2 năm 2016

Ý kiến bạn đọc
17/02/201602:50:59
Khách
<cũng phải nhờ vào tha lực mạnh mẽ của Đức Phật hỗ trợ.>
Phật đã nói không giúp ai , không phù hộ cho ai , không giáng họa ai...kia mà
Chữ phật trong Phật giáo có mghĩa là không.
16/02/201616:12:34
Khách
Bài viết tản mác kể lung tung nên không nhấn mạnh duợc trọng tâm vấn đề.
Chơn tâm và vọng tâm là 1 chuyện, còn Cọng nghiệp và Biệt nghiệp là 1 vấn đề khác.
Tạo Nghiệp vì chạy theo vọng tâm,theo cảnh sắc cám dỗ bên ngoài, quên mất chơn tâm vốn tịch lặng bất biến.
Còn cọng Nghiệp là như sau 75, 99% toàn dân Vn bị CS cai trị hành hạ,đói khổ,nhưng lại có 1 số may mắn vuợt biên lọt , hay đi HO thoat ra nước ngoài ăn nên làm ra, tự do hạnh phúc.. Hay như cả ghe vuợt biên chìm chết (cọng nghiệp),chỉ có một hai người sông sót (biệt nghiệp) được đưa qua Mỹ.
16/02/201615:17:17
Khách
Nếu nói như Ông / Bà Kỳ Nghĩa, thì giải thích làm sao trường hợp của Nước Syria. Chỉ vì Ông Bashar Al- Assad tham quyền cố vị mà đất nước Syria bị tàn phá vì bom đạn. Các Cường Quốc xúm nhau, thi đua dội bom. Nếu và Nếu như Ông Assad và những người chống đối không có "Biệt Nghiệp" và "Cộng Nghiệp" thì người Dân Syria không phải chịu cảnh chiến tranh tang tóc.
16/02/201614:39:30
Khách
Thực ra không có thể biết được cái nghiệp trước khi lảnh quả báo của nó, ngoại trừ các Đấng giác ngộ. Người ta chỉ có thể giải thích hay chứng minh cái nghiệp khi quả báo đã được trả. Nhưng sự chứng minh đó dù sao cũng bị chi phối bởi chấp kiến của người thường . Chỉ có một điều chắc chắn rằng Nhân tốt thì sẽ cho Nghiệp tốt.
16/02/201613:21:24
Khách
Chỉ có mỗi một chuyện của một ông tướng nào đó, làm sao chứng minh có nghiệp riêng nghiệp chung? Trong khi trên thế gian có vô số sự việc đã và đang diễn ra, đâu thấy theo qui luật nào đâu?
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập hôm 17 vừa qua không được dư luận Hoa Kỳ chú ý, nên dư luận ít thấy sự hình thành của một "trật tự mới
Sở dĩ có tên "Thứ Ba Đen"&nbsp; vì&nbsp; ngày Thứ Ba, 20 Tháng 11, 2007 Hội Đồng Thành Phố San Jose đã họp
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2008 là một cuộc bầu cử đầy màu sắc . Cho đến hạ tuần tháng 2/2008 nghĩa là còn 9 tháng nữa
Sáng ngày 20 tháng 1 năm 2008 tức ngày 14 tháng 2 năm Mậu Tí vừa qua, một buổi lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, toàn vẹn lãnh thổ
Cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ (ĐDC) đang tiến tới một tình trạng chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ.&nbsp; Trong các cuộc bầu cử sơ bộ trước kia
Đề tài tôi nói hôm nay rất bình dân. Người đời việc ít quan trọng dồn hết tâm lực lo, việc tối quan trọng lại lơ là.&nbsp; Tất cả chúng ta có mặt trên thế gian này
Đầu năm 2001, sau khi thôi việc tại Tạp chí Cộng sản, tôi có dịp gặp gỡ làm quen với các nhà đấu tranh Dân chủ, trong đó có Cụ Hoàng Minh Chính
Sau đây là toàn văn Tâm Thư Đạo Tình Của Hòa Thượng Thích Tâm Châu. Bản văn ký ngaỳ 15-2-2008, gửi từ Tổ Đình Từ Quang, Canada
Năm 1973, Hiệp Định Paris được bốn phe ký kết, chấm dứt sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam, mặc dù cuộc chiến vẫn tiếp tục thêm hai năm nữa
Ngày hôm nay, 16-2-2008, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã chính thức gởi một văn thư đến Ông Thẩm Phán Michael Chertoff
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.