Hôm nay,  

Tết Nguyên Đán (tiếp theo)

12/02/201600:01:00(Xem: 5762)
(Lời tâm tình: Trang Sử Việt đăng trên Vietbao Online thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần. Tuy nhiên hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán Bính Thân, xin mời Độc giả xem bài “Tết Nguyên Đán (Tiếp theo)”. Thứ Ba tuần tới sẽ tiếp tục đăng “Trang Sử Việt” như thường lệ - NLY)
______________ 
 
Tết Nguyên Đán (tiếp theo) 
 .
III- Tết làng quê, tết thị thành.
1- Tết làng quê người Việt: Tết là mốc thời gian thay cũ đổi mới, ai ai cũng nao nức lẫn lộn lo lắng để chuẩn bị tết. Những người đi làm lụng xa quê luôn nôn nao “về quê ăn tết”. Về quê ăn tết là dịp được gặp lại gia đình, họ hàng, làng xóm đã xa vắng mấy tháng, mấy năm. Mọi người sửa sang nhà cửa, chuẩn bị rim mứt, không thể thiếu bánh chưng hay bánh tét vào ngày tết và muối một vại dưa hành cho đúng điệu:
   Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
   Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
 .
2- Chợ tết: Phong tục đón xuân đã trở thành truyền thống, nên chợ tết vào cuối tháng chạp hàng hoá rất dồi dào, người mua kẻ bán luôn tấp nập, nói cười rộn rã nên có câu “vui như chợ tết”. Khu bán hoa vào ngày cận tết luôn đủ các loại hoa, màu sắc rực rỡ cả một góc trời. 
 .
3- Bàn thờ gia tiên: Kể từ rằm tháng chạp, bàn thờ bắt đầu sửa sang, lau chùi tỉ mỉ, đồ đồng nơi bàn thờ đem đánh bóng sáng loáng như mới. Chính giữa hương án là một bình hương để cắm hương. Hai cây đèn đối xứng nhau ở hai bên bình hương. Nhà nào có người làm quan văn thì có cờ, biển, chiêng, trống và có giá để bộ bát bửu (8 thứ quí): Túi thơ, quạt, bầu rượu... Nhà nào có người quan võ thì bày bộ “chấp kích” gồm 8 thứ: Phủ việt, dùi đồng, truỳ, đại côn...những thứ này bằng đồng hoặc bằng gỗ được sơn son thếp vàng. 
 .
 4- Tết Hà Nội: Hà nội là đất ngàn năm văn vật, nên truyền thống ngày tết có nhiều phong tục đặc biệt. Kể từ đầu tháng chạp, họ đã chuẩn bị tiền bạc để mua sắm tết, nhà cửa sửa sang, từng gia đình không quên vại dưa hành, hũ trứng muối và vài bì lạp xưởng. Ngày tết dù giàu hay nghèo đều có xôi gấc vì gấc màu đỏ tươi nhìn sáng sủa còn có hy vọng đem lại may mắn. Đĩa hạt dưa rang màu đỏ, ảnh hưởng từ miền Nam cũng không thể thiếu, sau hiệp định Genève 1954, hai miền Nam Bắc chia cắt, miền Bắc phải dùng hạt bí để thay thế. 
.
     Những loại cây, hoa được người Hà Nội ưa thích vào dịp tết là đào, quất, nếu gia đình khá giả thì thêm giò thuỷ tiên. 
     Chiều 30 tháng chạp làm cỗ cúng tất niên, tiễn năm cũ và khấn mời Cha mẹ, Ông bà, Tổ tiên đã khuất về cùng ăn tết với con cháu. Ngày tết bàn thờ hương trầm khói nghi ngút, mọi người trong gia đình từ già đến trẻ đều ăn mặc chỉnh tề; con cháu tuần tự đến chúc mừng cha mẹ ông bà; kế đến người lớn lì xì (mừng tuổi) bằng phong bì đỏ, bên trong là tiền mới để con cháu lấy hên và người lớn cũng dặn dò con cháu ngoan, chăm chỉ học hành và siêng sắn làm việc.
     Người Hà Nội thường dùng các loại trà có tiếng là thơm ngon: Chè ướp sen, chè Ninh Thái, chè Thiết Quan Âm... Món ăn Hà Nội thường được nấu nướng đúng cách, mùi vị thơm tho, cỗ bàn phải đủ lệ đủ món. Mâm cỗ tết thường có 4 bát, 6 đĩa. Khá giả hơn thì 8 bát, 8 đĩa. Bát thì có: Bát miến nấu lòng gà, bát bóng su hào nấu với thịt heo nạt... Đĩa thì có: Đĩa gà luộc, đĩa cá kho riềng, thịt bò kho khô...
 .
 5- Tết Huế: Huế là cố đô của Việt Nam ở miền Trung. Năm 1788, vua Quan Trung chọn Phú Xuân (Huế) làm kinh đô. Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi vẫn dùng Huế làm thủ đô của nhà Nguyễn. Đất Huế nổi tiếng cảnh đẹp thơ mộng, có núi Ngự sông Hương và nhiều lăng tẩm nguy nga cổ kính. 
.
     Người Huế phần lớn là người gốc Bắc. Năm 1558, họ đã theo Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên, chúa Nguyễn đầu tiên) vào trấn thủ Thuận Hóa và dần dà người Bắc vào đất Thuận Hoá đông hơn. Mỗi nhà ở Huế thường có một cái vườn rộng, thường trồng hoa quả để thu nhập thêm cho kinh tế gia đình, hàng rào cắt tỉa đẹp đẽ, hòn non bộ, cây kiểng trông rất ngoạn mục, đẹp nhất là vào dịp xuân về.      Ngày 23 tháng chạp tiễn ông Táo về trời, tổ chức lễ cúng rất long trọng, khi đã cúng xong là lễ rước ông Táo mới vào bếp và 3 ông Táo cũ đặt trên một cái khay có lót giấy vàng mã và thắp nhang, đưa đến một gốc cây cổ thụ hoặc để cạnh các am miếu, vái ba cái rồi ra về. Nhưng ngày nay, nhiều gia đình không còn dùng bếp củi nên tục này đã giảm. 
     Sau ngày tiễn ông Táo, dân Huế rộn ràng lo việc chạp mộ (tảo mộ), thắp hương khấn mời ông bà hoặc người thân đã khuất, cùng về chung vui trong ngày tết với con cháu.
.
     Người nội trợ Huế rất khéo léo khi làm các món ăn, nhất là vào ngày tết. Ngoài bánh chưng bánh tét thơm dẻo, còn có: Bánh phu thê gói lá dừa hấp cách thuỷ. Bánh dừa mận được làm bằng nếp giã nhuyễn gào với dừa và đường, bên ngoài là vừng (mè) rang, sau khi làm xong được gói giấy bóng trông thanh lịch... Món mặn có chả tôm, nem bò lụi... mùi vị thơm tho. Rượu ở Huế có rượu nếp và rượu thuốc, đã được hạ thổ lâu ngày, hương vị ngọt ngào. Người Huế theo đạo Phật khá đông, nên ngày mùng một tết thường cúng chay bằng bánh trái, hoa quả. Cũng có gia đình làm mâm cỗ chay, với bàn tay khéo léo của người phụ nữ Huế, biến chế từ đậu hủ, đậu phộng, hạt sen, nấm... thành những món ăn trông đẹp mắt, mùi vị thơm tho. Sáng mùng một người khách đến nhà đầu tiên gọi là “đạp đất” giống như “xông đất” ở miền Bắc. 
.
     Sáng mùng một, lần đầu tiên ra khỏi nhà, người ta thường chọn giờ tốt để xuất hành và đa số đến các chùa lễ Phật. 
     Trong những ngày tết, người Huế có tục “bói tuồng” bằng cách đi xem hát bội lựa đoạn trình diễn vui, có kết quả tốt. Dân chúng còn đến các vùng lân cận để xem các trò chơi truyền thống như: Hội đấu vật ở Lại Ân, hội bơi trải ở Thuận An, xem hát hò và xem chơi đu ở Phò Trạch... Đến ngày mùng bảy, đồng bào Huế làm lễ hạ nêu kết thúc tết Nguyên đán.
 .
 6- Tết Sài Gòn: Thành phố Sài Gòn thành lập đến nay hơn 300 năm. Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, theo lệnh của chúa Nguyễn, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Năm 1859, Pháp đánh chiếm Nam Bộ, cảng Sài Gòn được thành lập, tàu buôn Tây phương và Châu Á tới lui tấp nập.       
Ngày 15-3-1874, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh lập thành phố Sài Gòn. Sài Gòn trở thành đô thị, và bắt đầu kiến trúc trung tâm thương mại, các công sở, đường sá... theo kiểu Tây phương. 
.
Đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn sáp nhập vào thành phố Sài Gòn. Sài Gòn trở thành đô thị lớn nhất Đông Dương. Ngày 26-10-1956, Sài Gòn được dùng làm thủ đô của Việt Nam Cộng Hoà. Sài Gòn sắp đến tết có nhiều khu bán hoa, hoa từ Đà Lạt, Hóc Môn, Bà Điểm đưa về thành phố nhộn nhịp, người Sài Gòn vào ngày tết rất quí hoa mai vàng.       
.
Đất đai miền Nam màu mỡ nên hoa quả sởn sơ, nhiều nhất là trái dưa hấu, ruột dưa đỏ tươi, cũng có một số trái ruột vàng óng ánh. Dưa từ Trảng Bàng, Trà Vinh, Cao Lãnh, gần tết tấp nập chở về Sài Gòn. Dưa còn dùng để lấy hột, loại này trồng nhiều ở tỉnh Bình Thuận, dưa chín bổ ra lấy hột phơi khô, nhuộm đỏ, rồi đem bán cho người tiêu dùng. 
.
     Sau ngày 23 tháng chạp, người miền Nam lo việc tảo mộ. Mâm cỗ ở Sài Gòn vào ngày tết thường thấy bánh tét, thịt kho, dưa giá, kiệu muối, nem bì... Vào mùa xuân ở Sài Gòn én bay liệng xập xòe, chim tu hú kêu rộn rã, cu gáy nghe âm thanh nhịp nhàng. Nên người miền Nam có câu: 
       “Cu kêu ba tiếng cu kêu
         Cho mau đến tết dựng nêu ăn chè”.
     Ngày 30 tháng chạp, ngoài việc trồng nêu còn trang trí bàn thờ và có mâm ngũ quả sởn sơ, trong mâm ngũ quả thường không thể thiếu: cầu (mãng cầu); đủ (đu đủ), xài (xoài)... Mứt Sài Gòn dồi dào hơn ở Hà Nội, vì miền Nam có nhiều hoa quả; đặc biệt mứt dừa rất nhiều và thơm ngon hơn các nơi khác.
.
     Đêm 30 tháng chạp, mọi nhà đón giao thừa, tiếng pháo nổ rầm rộ khắp nơi, trong không khí hân hoan “tống cựu nghinh tân”. Sáng mồng một tết cúng năm mới. Cúng xong, trẻ con mặc quần áo mới đến chúc tết ông bà, cha mẹ để được “lì xì” (mừng tuổi) phong bao đỏ tiền mới. 
Ngày tết Sài Gòn cũng có một số nhà hàng bán đồ ăn uống và múa lân không thể thiếu, khu phố nào cũng có một đội lân do người có thế lực bảo trợ. Những nhà buôn bán giàu có thường treo giải thưởng rất cao, trong khi lân múa chúc mừng gia chủ, người trong đội lân đứng lên vai nhau làm thang để lân trèo lên lấy thưởng giữa tiếng hoan hô náo nhiệt, tiếng pháo nổ ròn rã. Sau ngày mồng bốn tết, bắt đầu trở lại ngày thường.
 .
IV- Tết trong cung đình Việt Nam:
 1- Tết Nguyên đán trong cung đình nhà Trần (1225-1400):       
Các vua nhà Trần cho tổ chức tết thời gian dài như cả mùa xuân. Ngày 30 tết, vua ngự ở Đoan cung, trăm quan đến làm lễ, rồi xem ca nhi múa hát, buổi chiều vua đến cung Động Nhân bái yết Thái thượng hoàng. Đến đêm chư tăng vào Đại nội tụng kinh và làm lễ “Khu na” (lễ đuổi quỷ ma). Sáng sớm mùng một tết vua ngự điện Vĩnh Thọ, các hoàng tử, công chúa và các quan cận thần làm lễ bái hạ; sau đó vua đến cung Trường Xuân hướng về lăng Tiên tổ, lăng phát tích nhà Trần, lăng Thái Tông, Thánh Tông ở huyện Hưng Nhân, làm lễ vọng bái, Hoàng hậu và các phi tần đã chờ đợi ở đấy. Nhạc công tấu nhạc trước sân rồng, mọi người cùng nhau hành lễ và dâng 3 tuần rượu. 
Lễ xong các Hoàng tử lên điện, các quan nội thần ngồi bên tiểu điện phía tây, các quan ngoại thần ngồi hai bên tả hữu. Vua cùng mọi người dự yến đến trưa. Trước điện có dựng một cái đài gọi là đài Chúng tiên cao hai tầng, trang trí vàng bạc lấp la lánh. Vua ngự trên đài, các quan quỳ lạy dâng 9 tuần rượu, rồi ra về.
.
    Ngày mồng hai các quan ăn tết tại nhà riêng,
    Ngày mồng ba, vua ngự trên lầu Đại Hưng, xem các Hoàng tử và con các quan cùng nội giám đánh cầu. Đêm Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), vua cho dựng một cây đèn to, cao ở trong cung gọi là đèn Quảng chiếu, trên đèn thắp hàng vạn đèn nhỏ khác, sáng rực một vùng rộng lớn. Chư tăng đi quanh đèn Quảng chiếu tụng kinh, trăm quan làm lễ bái gọi là lễ “Triều tăng”. 
Cho tới tháng 2, dựng “xuân đài” trong cung, để các ca nhi múa hát, vua ngự trên đài xem biểu diễn ở dưới sân: Đánh vật, đánh cầu, chơi cờ.... trong không khí vui xuân rộn rã. Sau ngày hôm ấy, mới chấm dứt vui xuân.
 .
2- Tết Nguyên đán nơi cung vua Lê chúa Trịnh (1599-1786):       
Nhà hậu Lê chịu ảnh hưởng Nho giáo, nên tổ chức tết nặng phần nghi lễ hơn vui xuân. Ngày 30 tháng chạp, Thượng thiết ty đặt ngự toạ ở điện kính thiên; bày hương án và cắm cờ hai bên rực rỡ; phía đông tây sân rồng đặt Thiều nhạc và Đại nhạc. Thủ vệ ty dàn cờ quạt theo nghi thức đã định. Lễ nghi chế ty lo việc biểu sớ sẵn sàng trên một chiếc án. 
Các quan Bộ lễ và Thừa ty túc trực ở cổng đường, chờ đến canh 5, các quan cùng rước án biểu vào cung. Cờ trống và nhạc đi trước các quan văn võ theo sau. Thừa dụ cục khiêng án biểu đến cửa Đoan môn ở phía sân rồng. 
.
Sáng mồng một tết, Tiết chế phủ (con trai lớn chúa Trịnh), vâng lệnh chúa dẫn các quan mặc lễ phục vào chầu vua Lê và làm lễ chúc mừng năm mới. Hồi trống thứ nhất, các quan xếp hàng thứ tự ngoài cửa Đoan môn. Hồi trống thứ hai, viên Đạo lễ đưa Tiết chế phủ vào sân rồng chờ. Hồi trống thứ ba, các viên chấp sự vào viện Vạn Thọ lạy 5 lạy và 3 vái, rồi rước vua ra điện Kinh Thiên. Các quan văn võ vào đứng hai bên đông tây sân rồng, các quan Thừa ty, Triều yết đứng ngoài cửa Đoan môn.
     Vua lên ngự trên điện, Giáo phường tẩu nhạc. Quan tuyên biểu quỳ tâu và dâng biểu chúc mừng. Quan Đại trí đọc lời chúc mừng của Tiết chế phủ và các quan văn võ. Quan Truyền chế đọc lời đáp của vua. Nhạc nổi lên, Tiết chế phủ cùng các quan lạy 4 lạy, lễ xong vua hồi cung.
.
     Mồng một tết, chúa Trịnh chọn ngày giờ tốt đi lễ Thái miếu, cung miếu, quan Cẩm vệ theo hầu và tuần gác xung quanh. Hiệu Thiên thái hùng bắn súng lệnh đầu năm, Hiệu Thị trung đánh trống khai xuân. Khi Chúa lễ xong, phiên binh đi ban thưởng tiền xuân cho các quan. Tiết chế phủ dẫn các quan tuần tự vào lạy mừng chúa. Chúa ban yến tiệc, tiệc xong các quan lạy tạ ơn chúa; kế đến các quan sang phủ Tiết chế chúc mừng năm mới rồi về ăn tết tại gia.
 .
3- Tết Nguyên đán trong cung đình nhà Nguyễn (1802-1945):         
Tết Nguyên đán, triều đình nhà Nguyễn có những tục lệ:
 - Ngày 20 tháng chạp, làm lễ Phát thức (lễ rửa ấn), các quan chờ ở điện Cần chính; vua đến chứng giám, ấn được rửa bằng nước thơm rồi để ấn vào tủ niêm phong cẩn thận, vì không dùng trong ngày tết. Ngày 22 tháng chạp, làm lễ Hạp hương (lễ mời các Tiên đế về ăn tết) ở điện Thái miếu. Ngày 30 tháng chạp, làm lễ Thượng tiên (lễ dựng nêu), vua ra điện Thái hoà chứng kiến nêu dựng lên. Và kể từ thời gian dựng nêu xong, dân chúng mới được dựng nêu ở gia đình. 
.
     Tại điện Thái hoà có 2 Hoàng án, một Hoàng án để tờ biểu của các quan trong triều; Hoàng án kia để tờ biểu của các quan lại ở các địa phương, về nội dung trong biểu là năm mới chúc mừng nhà vua. Giữa điện trải chiếu cho các hoàng tử, hoàng thân quỳ làm lễ. Hai bên là chỗ bái của các quan văn võ từ tam phẩm trở lên, các quan từ tứ phẩm trở xuống thì đứng dưới sân rồng. Hai phía đông tây có 8 hàng lính đứng hầu và đội nhạc cung đình đứng chờ sẵn sàng tấu nhạc.
.
   Sáng mồng một tết, đầu canh 5; hồi trống thứ nhất, viên Quản vệ dàn bày cờ quạt, nghi trượng... Hồi trống thứ hai, các quan mặc lễ phục đứng sẵn sàng trên sân điện Thái hoà. Hồi trống thứ ba, trên kỳ đài kéo đại kỳ và các sắc cờ khánh hỷ. 
Quan Khâm thiên giám báo giờ, vua mặc hoàng bào đội mũ cửu long đến điện Cần chính, được kiệu rước đến điện Thái hoà. Nhạc tấu, trên thành bắn 9 phát súng lệnh, viên Thái giám đốt hương trầm, quan Nội các tiến lên hoàng án lấy biểu chúc mừng trao cho quan tuyên đọc. Đọc xong, các quan lạy tạ, quan Phụng chỉ đọc lời đáp của vua. Nhạc tấu êm dịu, vua đến điện Cần chính; các hoàng tử, hoàng thân và các quan từ tứ phẩm trở lên thứ tự đứng hầu. Thái giám dắt các hoàng tử, hoàng đệ còn nhỏ tuổi đến lạy mừng 5 lạy. Sau đấy vua ban yến và thưởng tiền xuân cho mọi người.       
Mồng hai tết, vua ban yến cho hoàng tộc và các quan. Mồng bốn tết, cử hành lễ Triều minh, vua ngự đến Thái miếu, Thế miếu, Hưng miếu... để lễ bái. 
.
Trong dịp đầu xuân, còn tổ chức lễ “tịch điền”. Lễ “Tiến xuân, nghênh xuân” có từ thời Minh Mạng (1829), cúng tế Mang thần (thần coi mùa xuân, cây cối) và Trâu đất tượng trưng cho mùa màng. Nhà Nguyễn còn có “Lễ xuất binh” (lễ tế cờ đạo). Thời vua Đồng Khánh, thêm lễ “Du xuân”, vua được quân lính cáng đi vòng quanh kinh thành và những nơi vua muốn xem, để ngắm xuân và xem dân tình sinh sống ra sao.
 
Nguyễn Lộc Yên

.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tuần qua, kinh tế Việt Nam bỗng gây hốt hoảng vì một số biến động liên tiếp về thời tiết, dịch bệnh và cả chính sách đối phó với áp lực lạm phát
Việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập hôm 17 vừa qua không được dư luận Hoa Kỳ chú ý, nên dư luận ít thấy sự hình thành của một "trật tự mới
Sở dĩ có tên "Thứ Ba Đen"  vì  ngày Thứ Ba, 20 Tháng 11, 2007 Hội Đồng Thành Phố San Jose đã họp
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2008 là một cuộc bầu cử đầy màu sắc . Cho đến hạ tuần tháng 2/2008 nghĩa là còn 9 tháng nữa
Sáng ngày 20 tháng 1 năm 2008 tức ngày 14 tháng 2 năm Mậu Tí vừa qua, một buổi lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, toàn vẹn lãnh thổ
Cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ (ĐDC) đang tiến tới một tình trạng chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ.  Trong các cuộc bầu cử sơ bộ trước kia
Đề tài tôi nói hôm nay rất bình dân. Người đời việc ít quan trọng dồn hết tâm lực lo, việc tối quan trọng lại lơ là.  Tất cả chúng ta có mặt trên thế gian này
Đầu năm 2001, sau khi thôi việc tại Tạp chí Cộng sản, tôi có dịp gặp gỡ làm quen với các nhà đấu tranh Dân chủ, trong đó có Cụ Hoàng Minh Chính
Sau đây là toàn văn Tâm Thư Đạo Tình Của Hòa Thượng Thích Tâm Châu. Bản văn ký ngaỳ 15-2-2008, gửi từ Tổ Đình Từ Quang, Canada
Năm 1973, Hiệp Định Paris được bốn phe ký kết, chấm dứt sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam, mặc dù cuộc chiến vẫn tiếp tục thêm hai năm nữa
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.