Hôm nay,  

Khai Bút Đầu Năm: Từ Thời Tiết Đến Thời Sự: Cuối Năm Dỡ Cười, Qua Năm Dỡ Khóc

17/01/201600:01:00(Xem: 4958)

2016-01-15

Khai Bút Đầu Năm: Từ Thời Tiết Đến Thời Sự:

Noël Au Balcon, Pâques Au Tison

 Giáng Sanh Tắm Nắng Bao Lơn,
Phục Sanh Lò Sưởi Ôm Mền Ngồi Quanh.

Cuối Năm Dỡ Cười, Qua Năm Dỡ Khóc –

 Jean Qui Rit À Noël, Pleurera À Pâques.

Phan Văn Song

Sáng nay, mồng một Tết tây, dậy sớm đón năm mới, ngày mới, ra nhà kiếng sau vườn để uống cà phê, ngắm vườn, chợt thấy cây mimosa trổ bông vàng rộ. Hưởng Tết năm nay với bông mimosa vàng đẹp. Thật đại phước! Nhớ Tết ta ở quê nhà với cây mai vàng truyền thống! Nỗi nhớ dâng trào, da diết! Thật thú vị! Cám ơn Chúa cho cuối đời con món quà quý giá!  
.

Lần đầu tiên, trên nửa đời người trên đất Pháp, mới được thấy hoa mimosa nở giữa mùa đông, và trong vườn nhà. Quý hóa thay! Lạy Chúa, mong trời đừng trở lạnh đột ngột, vì chỉ cần một sáng sương gíá xuống là tiêu tùng đời hoa lá! Đúng là được hưởng «Noël au balcon - Ngồi bao lơn hưởng Giáng Sanh!”. Nhìn Mimosa rộ hoa giữa mùa đông, nhớ câu thơ cổ Việt:

“Thuợng Uyển nhứt chi hoa- Thượng Uyển một cành hoa” (Mạc Đĩnh Chi 1286-1350)

(Mà nhà tôi, thượng uyển thật, vì vườn cao hơn nhà đến sáu nất thang, chúng tôi phải “leo” lên vườn) Mong rằng không có câu thán: «Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết”!
.

1/ Mimosa Nở Giữa Đông, Giáng Sanh Ngồi Bao Lơn:

2015 đã qua, một năm đầy bất hạnh, đầy chết chóc và nước mắt cho xứ Pháp! Đầu năm, tháng giêng khủng bố giết các nhà báo, giết cảnh sát, giết dân Do Thái. Cuối năm, tháng mười một, khủng bố bắn giết người bừa bãi giữa Paris. Nước Pháp hai lần gặp nạn. Suốt cả năm 2015 sống trong không khí lo âu, phòng bị, hết vô tư, hết phóng túng, sống thả, yêu đời.  

2015 đã qua. Suốt cả năm, dân chúng Pháp, dân chúng thành phố Paris, quê hương của Tình Yêu, quê hương của Hồn Nhiên, quê hương của Yêu Đời không còn nữa. Kể từ nay, dân Paris, dân Pháp, dòm trước ngó sau. Như phe ta dạo nào, thời chinh chiến, sống với nỗi lo Việt Cộng pháo kích bừa bãi,  sống trong lo âu, sống trong cẩn thận, khi ra đường, lúc họp hành, khi nhóm chợ, lúc hội họp, khi ca hát ngoài đường, ngoài phố, không còn thoải mái nữa. Đi du lịch, đến nhà ga, sân bay, phải khám, phải xét, đi cinê, coi hát, đi siêu thị, nhà hàng, cũng lắm vất vã, phải sắp hàng, dơ tay cao hơn đầu cho nhơn viên an ninh khám xét, nâng, rờ, bóp, nắn, hay đi qua máy rà điện tử. Những hình ảnh ấy, của những năm tháng ở Việt Nam, ở Sài Gòn, thời chiến tranh vương vấn trong ký ức suốt ngày đầu năm nay.

2016 đến với mùa Đông ấm áp, lôi tôi trở về quá khứ Việt Nam. Đó là do thời tiết!

2016 đến với không khí chiến tranh lôi tôi trở về quê hương. Đó là do thời sự!

2016 sáng đầu năm, thời tiết của mùa Đông ấm áp đang ru hồn tôi, đưa tôi trở về thời niên thiếu, với cái thoan thoản hơi lạnh dễ thương của Đà Lạt thuở ấy. Mimosa vàng rộ giữa trong vườn nhà, nơi xứ tây, gợi nhớ hàng cây Anh Đào đỏ hồng, rực rở, dọc con đường từ cây cầu vượt hồ Xuân Hương dẫn đến chợ Hòa Bình cũ, năm nào. Mimosa vàng, vàng như mai rừng nở rộ, của Rừng Ái Ân, của những buổi chiều Chúa Nhựt, được “sortie”, vào rừng hái trái mát mát để ăn - sau nầy qua Pháp mới biết tên tây trái ấy là Fruit de la Passion, rất được ưa chuộng ở âu tây dưới dạng nước uống.     

Mùa Đông 2015 nầy, thời tiết xứ Pháp đúng thật là đăc biệt. Suốt Mùa Vọng, cả tháng 12, tuy đang tiết đông mà trời vẫn ấm. Dĩ nhiên, khi kể chuyện thời tiết nghịch lý  ấy với bạn bè “phe ta”, dù với người đà chục năm xa nhà, do cái gốc, cái gác, do cái vốn liếng của dân xứ nóng, nên ai cũng gất gù khoái, dẫu là trái mùa. Riêng dân Pháp thật sự bản địa, mới thất vọng với cái mùa Đông “không có tuyết rơi”!
.

Sao cái thời tiết kỳ dị của mùa Đông nầy làm thằng tui nhớ nhà quá ? Chưa lúc nào nhớ nhà bằng lúc nầy! Cả một khung trời, bao nhớ nhung, bao vương vấn, đặc biệt do nơi cái lạnh sơ sơ, đầy tình cảm của những buổi sáng Đà Lạt mờ sương giá của thuở nhỏ. Thời ấy, những năm 1952, 53, của cái thuở ban đầu đầy thiếu thốn, của những năm tháng  đầu, thuở mới nhập cư Đà Lạt, “mồ côi địa dư”, “bị” cha mẹ gởi nội trú Trường Thiếu Sanh Quân. Nhớ mãi những buổi dậy sớm với kèn báo thức, rửa mặt đánh răng chải đầu bằng nước lạnh – sau nầy, sống 7 năm với nội trú ở Lycée Yersin cũng thế, cũng vệ sanh sáng, chỉ với nước lạnh. Chỉ khi tắm, một tuần một lần, mới có nước nóng thôi. Vệ sanh xong, quân phục chỉnh tề, giường chiếu ngăn ngắn, draps kéo thẳng nếp, mền nén kỹ, bốn góc vuốt nếp thẳng thắng, couvre-lit vuốt không một nếp nhăn. Xong! Sẳn sàng, đứng chờ ở hành lang cuối giường! Sắp hàng, “Nghiêm, bước đều, bước – Fixe, en avant, marche, ọt đơ, ọt đơ - un deux, un deux”, xuống lầu (đếm bước, một hai, một hai, là cách đếm quân hành theo quân kỷ Pháp ; về sau – năm 1956 ? Quân đội VNCH đếm một, hai, ba, bốn).  Xuống lầu, vẫn bước đều, diễn hành qua sân trường còn đầy hạt sương trong ánh đèn vàng vọc, để vào phòng học – salle d’étude, ôn bài và sửa soạn hành trang đi học, trước khi vào réfectoire - nhà bàn, ăn sáng. Ăn sáng xong, lại sắp hàng, lại ọt xê rê – en ordre serré, lên xe mười bánh, chở đến Trường Yersin để học chữ. Một xe hướng tiểu học Petit Lycée nằm cạnh đường đi đến Thác Cam Ly, một xe hướng Grand Lycée, nằm trên đường đi Saint Benoît, cạnh Nha Địa Dư và Ga Đà Lạt. Hai anh em chúng tôi đi Petit Lycée, năm 52/53 Song học 8ème, Toàn học 11ème. Sáng nào cũng như vậy, nửa giờ ngồi học, chưa tỉnh ngủ hẳn, vật vưởng, co ro trong bộ quân phục Thiếu Sanh Quân không đủ ấm. Quần sọt, vớ cao, giầy bố cổ cao, sơ mi cụt tay, mũ bê rê, tất cả mầu kaki vàng. Nhờ ở Đà Lạt nên được khoát thêm áo ngoài bằng một cái blouson ngắn bằng nỉ mầu cức ngựa và một cái khăn choàng cổ cũng bằng vãi mầu kaki. Đó là quân phục mặc suốt cả năm. Đà Lạt không có hai mùa nóng lạnh, chỉ sáng lạnh trưa nóng, quanh năm. Đà Lạt chỉ hai mùa, Tết nắng khô, Hè mưa lũ thế thôi!
.

Tiện đây, cũng xin nhắc đến cái tục trang phục kỳ cục của thời ấy, thời tuối nhỏ của chúng tôi (các bạn cùng thế hệ ?). Dù ở ngoài đời dân sự, và đặc biệt, với chúng tôi, Thiếu Sanh Quân cũng vậy. Phải lên trung học mới được mặc quần dài, còn khi tuổi nhỏ, còn ở tiểu học là chỉ mặc quần cụt, thời ấy, gọi tiếng Tây là quần sọt (short - ngắn, cụt), nắng mưa, lạnh nóng gì cũng vậy. Chỉ lên Trung học mới được quần dài. Bây giờ chẳng còn mấy ai mặc quần sọt đi làm hay đi học đâu ? Cái quần jean, thế mà hay. Ngày nay từ con trẻ đến lão già đều bận quần jean cả! Như Tây nói “de 7 à 77 ans - từ 7 tuổi đến 77 tuổi”! Hoan hô quần jean - người việt ta bên nhà nay gọi là quần bò, tại sao bò ? Đồng phục, giàu nghèo già cả, ai cũng mặc jean.

Việt Cộng hơn ta chổ đó. Từ thời Cộng Sản cổ hủ, họ đã biết đồng phục rồi, từ nông dân đến cán bộ họ đồng gọi nhau là đồng chí và họ đồng phục áo quần vãi Nam định, quần cao trên mắc cá, áo sơ mi bỏ ngoài, dép lốp, mũ cối thuộc địa tất cả mầu xanh “cứt ngựa”.
.

Trở về thời tiết bên Pháp tháng chạp 2015 nầy. Sáng se se lạnh, trưa chiều nắng nóng. Noël cái gì mà không có tuyết, và trời trong nắng ? Đêm 24, Réveillon, đi lễ đêm về, trời trong sao sáng, được cả  trăng 14 tròn, soi sáng dẫn đường. Quả giống bầu trời Trung Đông đêm Chúa Ra Đời, như kể trong Kinh Thánh, đầy ánh sáng, của xứ Palestine ngày xưa - đất Do Thái ngày nay. Đêm Chúa Giáng Sanh ở Bê lê em, với bầu trời đầy ánh sao sáng, với trăng tròn, với ngôi tinh cầu dẫn lộ Ba Vua và các mục đồng đến hầu hang đá.
.

Riêng nói đến mặt kinh tế, mặc ai than ai khóc, mặc gạo châu, củi quế, dân Pháp vẫn ào ào đi chợ mua sắm quà Noël.  Nô-ên đối dân tây, giống như  Tết đối với phe ta, người Việt vậy. Tây với quà Nô-ên, như chúng ta với quà Tết, với lì xì vậy! Nghèo giàu, mặc!  Tết nhứt, là phải mua vui, ăn chơi, đánh bạc, thỏa thích!  Ăn uống của Tây cũng lắm trò đặc biệt. Ta, người Việt, bánh chưng, bánh tét, dưa món, dưa chua, mứt, rượu đế, rượu tây, báng quy, bánh ngọt …thì Tây cũng rứa, gan ngổng, gan vịt, hải sản, sò, tôm, ăn chơi bốn món. Ngoài ngổng, vịt còn thêm gà sống thiến, gà tây nướng, tôm càng, không thiếu món nào… đấy là món mặn! Còn nói về món ngọt, ngoài rượu ngọt, rượu trắng, rượu đỏ, champagne! Còn chocolat, bánh bûche đầy kem béo… Và cứ thế, tối thiểu gì, giàu nghèo gì, cũng phải, ít nhứt, cũng phải… hai bửa tiệc to ngon lành cho hai buổi giao thừa. Một tiệc cho đêm Noël, thánh thiện, gia đình ; phải là một buổi tiệc ấm cúng, đoàn tụ, gia đình với nhau một năm một lần, chờ Ông Già Nô ên phát quà, tặng quà! Lúc xưa quay quần ngồi bên lỏ sưởi, ngày nay ngồi xô pha nhưng duới chơn Cây Thông Nô ên kết hoa đèn đủ mầu đủ sắc. Và môt bửa tiệc vào đêm giao thừa cuối năm, ăn Tết tây, tiệc tùng xum tụ, nhảy đầm, vui vẽ, xã láng, xã giao cùng bạn bè, hàng xóm chào Năm Mới, Chúc Lành với nhau! Bonne Année và hát theo điệu “Ò e Con Ma đánh đu, Tạc dăn nhảy dù, Dô Rô bắn súng!” để tiển Năm Cũ Đón Năm mới! Ce n’est qu’un au revoir.

Giữa năm, nửa Xuân, Phục  Sanh đến. Nhưng năm nay, e rằng nếu theo tục ngữ tây: «Noël au balcon”, thì sợ rằng sẽ gặp  “Pâques au tison- Phục Sanh ngồi lò sưởi»! Xuân nầy e lạnh đấy!
.

2/ 2016, Năm Bất Ổn Cho Âu Châu,Thường Trực Báo Động:

Suốt 2015, thời sự âu châu đã bất thường. Tình trạng an ninh được đặt cao, quan trọng hơn tình trạng kinh tế. Lễ cuối năm Noël, Tết tây, tuy ngồi bao lơn, nhưng Noël và Tết đến trong bầu không khí lo âu, sợ hãi. Trời đẹp khuyến khích ra đường đấy! Ra đường thì cũng có đó, tuy có vẻ ty tý “ăn chơi” đó, nhưng bớt thoải mái nhiều, bớt đi nhiều tụm năm, tụm ba la cà bát phố.
.

Vương Quốc Bỉ, bãi bỏ truyền thống đốt pháo bông của thủ đô Bruxelles mừng năm mới. Nhiều tỉnh, nhiều làng ở Pháp cũng bỏ thông lệ ấy. Hồi tưởng Việt Nam năm xưa trước 1975 ta, cũng có những ngày Tết bị cấm đốt pháo vậy. Quên sao Tết năm nào ? Cũng Năm Con Khỉ ấy ? Cách đây 48 năm ? Tiếng súng AK đầy giết chóc, máu lửa, hận thù rùng rợn, trà trộn lẫn cùng tiếng pháo vui mừng, hân hoan đón Tết, của đêm mồng 2 ấy, của năm Mậu Thân, của năm 1968 ấy ? Việt Cộng lừa lọc, bài thơ “Tết năm nay hơn hẳn Tết năm xưa…” của Hồ Chí Minh xua quân vào Nam, bịp dân miền Nam, lợi dụng hưu chiến ba ngày Tết, lợi dụng quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, đang tròn bổn phận, được phép về nhà, đang trước trả hiếu với non sông, với tổ tiên, cha mẹ lạy cúng bà thờ ông bà, sau trả nghĩa với gia đình, vợ con, vui chơi cùng làng xóm,… quân Cộng Sản đã lợi dụng, nhơn cơ hội, dân quân miền Nam đang đi phép, an lành, thăm gia đình, lộng giả thành chơn, thay pháo bằng súng AK, đồng loạt tổng tấn công các thành phố của miền Nam Tự Do. Tết năm Con Khỉ ấy là một cái Tết đầy tang tóc đau thương cho cả triệu đồng bào miền Nam Việt Nam. Tết năm ấy đáng lý sum họp, đành phải ly tan, đáng lý gia đình, đành phải di tản, chay lanh nan. Tết năm ấy, toàn dân Việt Nam Tự Do của Miền Nam Việt Nam đã đành phải ăn Tết trong máu lửa, trong khói súng, trong chết chóc, trong hãi hùng, trong chạy giặc, lánh nạn! Sài Gòn Đẹp lắm, biến thành Sài Gòn Khói lửa! Thành phố Huế cổ kính an lành, quê hương gốc gác dòng họ Phan chúng tôi biến thành thành phố Huế, đổ nát, điêu tàn. “Cầu Trường Tiền sáu vài,…”: sụp đổ, “sông An Cựu, nắng đục…”: đầy máu và xác chết. Huế, đất Thần Kinh biến thành đất Kinh Hoàng, với 5000 ngàn người dân vô tội bị thủ tiêu, giết hại, mổ bụng hay bị đập đầu, chôn sống.Thấm thoát sắp tròn 48 năm, thấm thoát đã sắp tròn là Bốn Vận hội Con Khỉ, sắp tròn 4 chu kỳ tuổi Thân. Thế nhưng, những giải khăn tang vẫn còn đó, không phai, trong ký ức người dân Huế, người trong nước hay người hải ngoại.


.

Oán ấy chưa đền, hận ấy chưa giải, chưa nói được chuyện hòa giải, xin lỗi, phải trái, làm sao nói được hòa hợp ? Ai đã tạo ra cái từ hòa hợp ấy vậy ? Chính cũng vì cái quan niệm hòa hợp, cái tư tưởng sai trái ấy, mà ngày nay, đã tạo bao mối họa cho thế giới. Thế nào là Hòa Hợp ? Có phải là phải hòa tan tất cả vào nhau, xóa bỏ tất cả những dị biệt, những đặc biệt, tất cả gom lại một, hợp là một, là thống nhứt. Tất cả là một ? Thật là một quan điểm hoàn toàn sai trái
.

Phải chấp nhận quan niệm đa chủng, đa tộc của xứ Mỹ. Những quan niệm “assimilation”, “hoà nhập”, “hôi nhập” là những khó khăn. Ví như nước Pháp đây, vì với cái chánh sách phải cố gắng “hội nhập”  để  “sống chung” nên cố ép người ngoại sanh, ngoại tộc, ngoại tôn giáo bản xứ, phải “ép mình” vào “cung cách” gia đình Pháp, với cái miệng “lý thuyết” thì nói “thế tục – laïc”, nhưng “thực sự” phải ép mình vào, hội nhập vào cái mẫu chung của  tập quán, tập tục, giáo dục xã hôi, “da trắng thiên chúa giáo La Hy”!  Ngày nay, do đó  nhiều hiểu lầm, nên nhiều tai họa mới. Ngày hôm nay, nước Pháp đang tận dụng “quan niệm Cộng Hòa”, “quan niệm Thế Tục” để tạo một nước Pháp républicain - cộng hoà, và laïc - thế tục, để tạo một không gian sanh hoạt xã hội, một không gian “sống chung”, được tạo dựng một cách độc lập, dung hòa, ngoài các khác biệt của các khung văn hóa, ngoài những khác biệt của các tôn giáo và tập tục truyền thống! Đầy khó khăn, do đó, người viết e rằng Mùa Phục Sanh năm nay, 2016 sẽ gặp nhiều cơn bảo tố. Bảo tố do thời tiết ? Có thể! Do kinh tế ? Cũng có thể! Nhưng do chánh trị và hỗn loạn xã hội chắc chắn sẽ gặp phải. Trung Đông sẽ rực lửa, Âu Châu sẽ báo động, hỗn loạn. Chiến tranh chắc chưa đến, nhưng hỗn loạn sẽ đầy rẫy!

Đó là tình hình Âu Châu, nhưng cũng, đó là tình hình Mỹ Châu. Xứ Huê Kỳ tuy đầy may mắn được hai Đại Dương che chở, xa Trung Đông, xa những lò lửa chiến tranh. Nhưng không phải như vậy mà Huê Kỳ tránh được nạn Hồi Giáo quá khích với những khủng bố!
.

3/ Và Việt Nam, và Đông Nam Á ?:

Trở về Việt Nam, 40 năm đã qua, sau ngày miền Nam thất thủ, người Cộng Sản xâm lăng thắng trận vẫn tiếp tục cầm quyền, vẫn áp đặt một chế độ chánh trị lai căng mất gốc với một lý thuyết ngoại xâm vừa của ba ông tổ râu xồm da trắng - Các Mác Lê Nin và Xít Ta lin, và một ông tổ Ba Tàu ở dơ không tắm, không đánh răng súc miệng Mao Xề Đông - vẫn quản trị đất nước với một cái nhìn kinh tế cổ lổ sỉ, lạc hậu, lỗi thời. Bắt chước Tàu, cũng cố vai trò độc quyền quốc doanh, để làm giàu cá nhơn và Đảng, nhưng khác với Tàu, là Tàu đưa xứ Tàu lên, Việt Cộng lại bán nước,  bán biển…cho Tàu. Chế độ thì vẫn cứ tiếp tục Đảng trị, vẫn cứ tiếp tục độc tài, vẫn cứ tiếp tục đối nội, trị dân thì bằng dùi cui cảnh sát, đàn áp, còn đối ngoại, giao tế người ngoài, nhứt là với anh láng giềng to đùng, khổng lồ lưu manh Tàu, thì ngoại giao bằng “lưng cong lưỡi dẽo” “bán hết đất nầy, nhường thêm đảo nọ”, nhượng bộ “hán thuộc hoàn toàn Cộng Sản Tàu”. Và do đó, tuy có một bài toán được đặt ra từ từng bao năm nay, của tất cả những người Việt yêu nước, đầy tâm huyết, đầy thiện chí, cả trong lẫn ngoài nước, là làm sao tạo cho những nhóm người Việt ấy, trong và ngoài đất nước, gặp gở được nhau, hòa giải, kết hợp, để xây dựng lại non sông ? Và câu trả lời rõ ràng và phủ phàng, là người Việt Tự Do ngoài nước cùng người Việt Dân Chủ trong nước không thể làm việc với nhau được chỉ vì đương quyền Cộng Sản không tạo điều kiện để hòa giải được với tất cả những người thiện chí, yêu nước. Vì Chủ nghĩa Cộng Sản quốc tế tạo những con người Cộng Sản quốc tế, nên người Cộng Sản không còn tánh Việt, chất Việt nữa. Thật vậy, được đào tạo, huấn luyện bởi một lý thuyết ngoại lai, nên từ người lãnh đạo đến người cán bộ hay đến cả người đảng viên bình thường, người Việt Cộng đã mất hẳn hoàn toàn chất Việt.
.

4/ Đồng Hương Có Thể, Nhưng Không Đồng Tổ Quốc

Đã ngay từ ngày đầu, đã ngay từ cái ngày cuối cùng của tháng tư đen tối năm 1975, người công dân “bị mất nước của Việt Nam Cộng Hòa thương yêu thua trận”, đã không nhìn được nơi người lính của Quân đội Cộng sản Bắc Việt, những đức tánh, những nhơn tánh của “một người cùng quê hương xứ sở, cùng gốc gác người Việt mình”.

Chúng tôi dịch từ “compatriote” thành  “người đồng tổ quốc”. Chúng tôi không dịch thành đồng hương. Chúng ta người Việt Tự Do ở Hải ngoại có thể đồng hương với người Việt công dân Việt Nam Cộng Sản, nhưng chúng ta không thể compatriote, đồng Tổ quốc với họ. Họ, người Việt Cộng, nói theo đề nghị của anh bạn Giáo sư Stephen Young là những Hán Ngụy. Tổ Quốc Họ không có nữa, vì họ đã Bán nước cho Tàu. Họ phục vụ cho Tổ quốc Tàu!
.

Phải! Đúng vậy, ngay vào dạo ấy, chúng tôi người viết, còn ở Sài Gòn, chúng tôi nhơn chứng, đã chứng kiến và cảm nhận tâm trạng ấy của toàn người miền Nam thất trận, là không nhận thấy nơi người miền Bắc thắng trận một chất liệu gì gọi là compatriote cả! Mà ngay cả người lính của quân đội Cộng Sản miền Bắc xâm lược cũng vậy, họ đã tự xem họ  như những người lạ, đứng ngồi lớ ngớ giữa đất người. Người Sài Gòn, người miền Nam không tìm được nhơn tánh Việt nơi người miền Bắc, mà cả người miền Bắc cũng không nhìn được tánh gia đình họ hàng nơi người miền Nam.  Họ không có thái độ thân thiện gia đình, vì vậy họ không cảm hóa được với người miền Nam.
.

Hệ thống từ ngữ sử dụng đều là từ ngữ của người lạ thống trị, chế độ của người lạ xâm lăng, xâm chiếm: thí dụ: chế độ quân quản, sung công, tịch thu,… Từ ngữ sử dụng cho những chánh sách hay hành động   đều là những từ ngữ của kẻ thắng đi đày đọa dân, đuổi nhà dân, cướp của dân, cộng với cái giọng “kẻ cả” “ huấn luyện, mô phạm, dạy đời” và chưa kể miệng lưởi “chưởi cha mắng mẹ”, và với một từ ngữ ngoại lai đầy miệt thị khinh khi để chỉ, để định nghĩa người miền Nam: “Ngụy”. Phải, “ngụy” là một từ ngắn gọn tóm tắc tất cả. Gọi chúng ta là Ngụy, họ đã đưa chúng ta ra khỏi quê hương xứ sở, chúng ta không còn người Việt nữa. Chúng ta là Ngụy, là rác rến, cặn bả, vứt bỏ tận cùng của một cái xã hội do chính họ tổ chức. 

Xin kể thêm những từ ngữ ngoại quốc như đăng ký, khẩn trương, và tốt! Từ ngữ “Tốt” Bắc Việt, Việt Cộng  thay thế từ ngữ “Ô Kê” Huê kỳ, quốc tế của phe ta thường dùng thế thôi! Đều là mượn tiếng nước ngoài cả! Lúc ấy họ cấm chúng ta Ô Kê, có nhiều bạn tù bị còng vì chỉ gất gù lẩm bẩm Ô Kê thôi! Phải dùng từ Tốt!
.

Ngày hôm nay, đã 40 năm qua rồi, quý bạn có tò mò hỏi thử xem có bao giờ người Cộng sản cầm quyền, có một lúc nào đó, trong suốt thời gian qua, đã chìa tay chào, bắt “rua”,  người đồng hương thua trận không ? Có bao giờ họ dám xem người đồng hương hải ngoại hay người đồng hương miền Nam là người đồng tổ quốc không ?
.

Hay họ chỉ xem chúng ta là người đồng hương, chứ không xem chúng ta là người đồng tổ quốc! Và chúng ta cũng thế! Quê hương của chúng ta mãi mãi là Việt Nam, nhưng Tổ quốc chúng ta chắc chắn là không phải là cái Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quái đản không giống ai kia đâu. Vì  quê hương Việt Nam đã bị Hán Thuộc, Cộng sản Thuộc rồi! Và Truyền thống Tổ quốc chúng ta luôn luôn chống ngoại xâm. Ngày hôm nay, những người đang cầm quyền quê hương chúng ta có gìn giữ Tổ quốc chúng ta không ? Không! Vì vậy Cái Việt Nam Hán hóa đang bị Tàu xâm chiếm không còn là Tổ quốc của người Việt Nam đương quyền nữa.

Nếu Việt Nam Thực Sự Là Tổ Quốc Của Họ ? Họ đã và phải đánh Tàu để bảo vệ Tổ quốc.

Vậy từ nay, với tôi, chúng ta không nhìn nhận họ là “compatriote” của chúng ta nữa.
.

Kết Luận:

Phục Sanh nầy đến, Đại hội Đảng đã xong. Tứ trụ đã bầu xong. Nhưng Ai cầm quyền đây ?

Hai con đường đi: 1/ Nô lệ và tiếp tục nô lệ với Bốn Tứ Trụ Cặp Rằng. Những ai sẽ tiếp tục làm anh Cả của bọn Cặp Rằng cai quản cái đồn điền Việt Nam ?

2/ Hay ai đây ? Tứ Trụ nào đây ? Sẽ là người mở cửa đón Dân chủ, mở cửa đón nhơn tài phục vụ đất nước. Với tiềm lực, tài năng, hải ngoại đầy rẩy. Với tiềm lực, tài năng tuổi trẻ đất nước năng động sẳn sàng. Với ngoại quốc sẳn sàng ngoại viện, trong trường hợp thứ hai nầy, xây dựng lại Việt Nam, cũng cố lại Việt Nam sẽ không khó khăn gì. Và

Dù nhóm nào, dù phe nào, dù nhơn vật nào đi nữa. Ván bài Xập Xám Chướng cho tương lai Việt Nam chỉ có hai đường binh thôi:
.

1/ hoặc binh y chang Tàu, chỉ biết có Tàu, mọi chuyện đều rập khuôn, nhờ Tàu. Tàu sống, ta sống. Tàu chết, ta chết. Hãy nhìn thằng Tàu đang là số hai kinh tế thế giới, với những dự án khổng lồ, đồ sộ, trong một không gian kinh tế, môi trường khổng lồ, chớ tưởng bở. Tàu to đấy, nhưng hiện nay đầy gian nan, đồng Yuan nguyên tệ đang xập tiệm, thị trường chứng khóa đang bị hai lần phải đóng cửa để cứu mạng, môi trường đầy bụi bặm, ô nhiểm, kinh tế xuất cảng đang ế ẩm …thì binh theo Tàu chỉ có chết tới bị thương.
.

2/ Đại Hội Đảng nếu khôn ngoan, biết làm Cách Mạng, biết Cải Cách biết Canh Tân, mở điều kiện hợp tác với những người Dân Chủ trong nước, nói chuyện hợp tác với người Tự Do hải ngoại, vứt đi tất cả những rào cản lý thuyết lỗi thời Mác Xít, Mao Ít, Hồ Ít…

Dẹp Điều 4, Dẹp Đảng Cộng Sản. Thừa cơ hội ngàn năm một thuở Tàu -Tập đang bị khủng hoảng kinh tế tái chánh nội địa tiền bạc của cải, vứt bỏ hắn đi.

Mở cảng cho Âu Mỹ đầu tư. Mở vòng tay tiếp đón bạn bè ASEAN, mở cửa hàng buôn bán với thế giới. Nay đã vào TPP, chần chờ gì nữa … Nếu làm được vậy, Việt Nam chẳng chốc sẽ tìm lại tự hào dân tộc, tạo niềm tin cho công dân, và… tìm lại được Tổ Quốc, Dân Tộc  và Truyền Thống Đại Việt! Mong Thay!  

Hồi Nhơn Sơn, Khai Bút Tết Tây 2016

Phan Văn Song    

 


.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.