Hôm nay,  

Trung Quốc Đang Vươn Lên Thế Siêu Cường: Hoa Kỳ Có Cần Tránh Chiến Tranh Với Trung Quốc Không?

02/01/201600:00:00(Xem: 7696)
Trần Bình Nam (lược dịch)

Lời giới thiệu: Ông John Glaser là nhà nghiên cứu về an ninh thế giới tại đại học George Mason. Các bài nghiên cứu của ông thường được đăng tải trên tuần báo Newsweek, và các nhật báo Guardian, Washington Times. Đài CNN cũng thường dùng tài liệu của ông.

Trong bài nghiên cứu đăng trên tờ National Interest, ngày 28/12/2015, link:
http://nationalinterest.org/feature/the-ugly-truth-about-avoiding-war-china-14740?page=show

Tôi trích thuật sau đây, ông Glaser, trích dẫn nhiều nguồn nghiên cứu của nhiều học giả khác như Graham Allison (giáo sư môn khoa học chính trị trường John F. Kennedy of Government tại đại học Harvard); John Mearsheimer (nhà nghiên cứu về bang giao quốc tế); Lyle Goldstein (gíáo sư phụ giảng về Trung quốc và Hải quân tại trường US Naval War College); Robert Jervis (Giáo sư trường Bang giao Quốc tế Adlai Stevenson, đại học Columbia); và nhiều nhà nghiên cứu khác trong nhiều lĩnh vực như giáo sư Charles Glaser, giáo sư Daniel Drezner, Joseph M. Parent (Trường Mỹ nghệ, đại học Miami), Paul K. MacDonald (Khoa học chính trị, đại học Wellesley) và giáo sư Barry Posen (Khoa học chính trị, đại học MIT) để đi đến kết luận rằng:

Hoa Kỳ không cần phải giành thế thượng phong tại Á châu Thái bình dương, vì chính sách này có thể tạo ra chiến tranh một cách không cần thiết với Trung quốc.

Bình luận về ý kiến của ông John Glaser, ông Nguyễn Thế Cường thuộc nhóm Họp Mặt Dân Chủ (HMDC) cho rằng nếu Hoa Kỳ theo đường lối của ông John Glaser thì cũng phải thôi, nhưng “Chỉ tội cho Việt Nam. Việt Nam sẽ là nước bị thua thiệt nhất trong vùng”. Tôi đồng ý một nửa với ông Nguyễn Thế Cường. Nửa sau ông quá lo xa. Nếu những người lãnh đạo tại Việt Nam biết dân chủ hóa đất nước, áp dụng một chính sách đoàn kết dân tộc để huy động nội lực của toàn dân thì Việt Nam cũng có cái thế của một nước mạnh như Nhật Bản, Ấn độ có thể tự lo cho mình để không bị Trung quốc chèn ép mà không cần cái khiên chắn của Hoa Kỳ.

blank
Chiến hạm.

Sau đây là nội dung bài viết:

The Ugly Truth About Avoiding War With China (by John Glaser)

Thế giới đang lên cơn sốt với nạn ISIS (Islamic State of Iraq & Syria), nhưng việc Trung quốc đang chuyển mình để trở thành một siêu cường cũng là chuyện làm cho các lý thuyết gia về chiến tranh và hòa bình nhức đầu. Nhà nghiên cứu Graham Allison lập luận rằng thế quốc tế hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung quốc giống như cái thế giữa hai thành phố Athens và Sparta thuộc Hy Lạp vào thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch và trận chiến tranh giành thế độc tôn của Sparta kéo dài 30 năm làm cho hai nước đều kiệt quệ mà nhà sử học Thucydides sau này đã dẫn ra như một bằng chứng lịch sử bi đát về sự tranh hùng để giành quyền bá chủ.

Về phần giáo sư Graham Allison, ông sưu tập lịch sử chiến tranh trong 500 năm qua và thấy rằng trong 16 trường hợp lớn nhỏ có một nước đang mạnh và một nước đang lên thì có 12 trường hợp nước mạnh đánh phủ đầu nước đang lên để duy trì thế bá chủ của mình. Nghiên cứu về Trung quốc hiện nay, ông John Mearsheimer, một chuyên viên về bang giao quốc tế quả quyết rằng Trung quốc không thể trở thành siêu cường trong hòa bình được. Thế nào cũng có một cuộc chiến ác liệt làm cho cuộc chiến tranh chống ISIS Nhưng có một thực tế là Trung quốc chỉ thật sự là mối đe doạ của Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ nhất định duy trì thế mạnh của mình trên sân cỏ nhà Trung quốc. Đối với Trung quốc sân cỏ vườn nhà là Tây Thái bình dương. Nếu Hoa Kỳ không đòi thế thượng phong tại Tây Thái bình dương thì có thể tránh được chiến tranh. Trái lại nếu Hoa Kỳ quyết chận cửa ra biển của Trung quốc thì chiến tranh khó tránh.

Hiện nay Hoa Kỳ đang áp dụng chính sách 3 gọng để kềm chế Trung quốc:

Duy trì và củng cố thế liên minh đang có với các nước Nhật, Nam Hàn, Úc châu, Phi Luật Tân và Thái Lan.

Tăng cường phân bố lực lượng quân sự trong vùng Tây Thái bình dương để có thể đáp ứng mọi tình huống quân sự.

Hội nhập sâu xa vào sinh hoạt kinh tế trong vùng để giảm thiểu hay gạt ra ngoài ảnh hưởng kinh tế của Trung quốc.

Ông John Glaser viết, nếu tin rằng các biện pháp kềm chế Trung quốc sẽ làm cho Trung quốc dễ bảo hơn thì không có gì sai lầm bằng. Chính sách này chỉ làm cho tình hình an ninh trong vùng căng thẳng hơn.

Tại sao ? Vì Trung quốc vốn cảnh giác đối với Hoa Kỳ, cho rằng Hoa Kỳ luôn tìm cách tạo bất ổn cho Trung quốc như: Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Đài Loan, Hoa Kỳ dàn trải một lực lượng Hải quân hùng hậu tại Biển Đông Trung quốc và Tây Thái bình dương và là nước có cam kết vừa chính thức vừa bán chính thức với tất cả các nước lân bang của Trung quốc. Trung quốc tin rằng Hoa Kỳ là một quốc gia bất thân thiện sẵn sàng làm bất cứ gì để giảm ảnh hưởng chính trị của Trung quốc trên thế giới.

Theo John Glaser, sự lo lắng của Trung quốc không phải không có căn cứ. Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ chung quanh bờ biển Trung quốc có tính đe dọa. Hạm đội Thái bình dương của Hoa Kỳ luôn luôn thao diễn quân sự với các nước trong vùng. Hoa Kỳ còn một lực lượng quân sự mấy sư đoàn tại Nam Hàn và một lực lượng hùng hậu khác tại các hải đảo phía nam Nhật Bản không xa bờ biển Trung quốc bao nhiêu. Trong khi đó 40% dầu thô cung ứng cho nền kinh tế Trung quốc đều phải đi qua vùng biển mà trên nguyên tắc Trung quốc chưa đủ khả năng bảo vệ nếu có chiến tranh!

Theo giáo sư Lyle Goldstein, hiện Trung quốc theo chính sách phòng vệ. Nhưng nếu Trung quốc cảm thấy bị đe dọa hơn Trung quốc sẽ chuyển qua thế đối ứng và tình hình có thể trở nên xấu đe dọa hòa bình thế giới. (TBN: chính sách này đang được thử thách khi Hoa Kỳ thỉnh thoảng cho chiến hạm và máy bay thám thính bay vào vùng 12 hải lý chung quanh các hòn đảo Trung quốc đang xây đắp trong vùng biển Trường sa)

Nhưng nếu Hoa Kỳ biết cách chọn lựa, ổn định thế giới có thể được duy trì, trong khi Hoa Kỳ không mất mát gì. Nhiều nhà phân tích nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể bỏ chính sách khống chế vùng Tây Thái bình dương mà không làm thiệt hại những quyền lợi cốt lõi của mình.

Hiện nay không có một chỉ dẫn gì Trung quốc sẽ đánh phủ đầu các lực lượng của Hoa Kỳ tại Tây Thái bình dương, cũng như không có ý định xâm lăng các nước trong vùng. Và mặc dù Trung quốc đang xây dựng một lực lượng Hải quân hùng hậu, Trung quốc cũng chưa có khả năng cũng như có ý định cắt đường biển quốc tế xuyên qua Biển Đông.             Hãy nhìn vị trí của Hoa Kỳ trên bản đồ thế giới. Hoa kỳ nằm giữa lục địa Mỹ châu, phía Bắc (Canada), và phía Nam (Mexico) là hai đồng minh vừa yếu về quân sự vừa không có tham vọng. Hai bên sườn là hai đại đương. Trên đất nhà Hoa Kỳ có một kho võ khí nguyên tử lớn nhất thê giới. Trong khung cảnh đó duy trì một lực lượng quân sự lớn tại Đông Á không làm cho Hoa Kỳ an toàn hơn, chỉ tốn tiền và phung phí nhân lực.

Một nguyên tắc bất di dịch là muốn làm anh cả phải trả giá. Nếu Hoa Kỳ hứa bảo vệ các nước trong vùng không muốn bị Trung quốc ép, và duy trì hàng chục ngàn quân và hơn một nửa hạm đội tại Tây Thái bình dương thì nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng. Và sự triển khai một lực lượng như vậy làm cho Hoa Kỳ có nhiều rủi ro dính vào một cuộc chiến cục bộ, mà trên nguyên tắc chỉ lợi cho quốc gia được Hoa Kỳ bảo vệ hơn là có lợi cho Hoa Kỳ.

Nắm thế thượng phong chỉ hữu ích khi nó mang lợi lộc về cho quốc gia. Nếu tính sổ thật kỹ thì trong trường hợp “Tây Thái bình dương” lợi bất cập hại. Giáo sư Robert Jervis từng viết rằng, “chiếm thế thượng phong để tung hoành một cõi đã trở thành chuyện quá khứ”. Trong thời đại nguyên tử, không có nước nào muốn làm cho đất bằng nổi sóng để tự diệt, và khuynh hướng hợp tác giữa các nước lớn là khuynh hướng thời thượng. Giáo sư Charles Glaser cũng lý luận tương tự như vậy. Ông nói: “Thời đại đơn cực đã quá mùa. Hoa Kỳ không nên theo đuổi một chính sách tốn kém nói là để bảo vệ quyền lơi cốt tử của quốc gia mà quên rằng mình đã có sự an toàn cần thiết.” Về phương diện kinh tế, giáo sư Daniel Drezner lý luận: “Người ta thường phóng đại rằng kẻ mạnh nhất sẽ thu được nhiều quyền lợi kinh tế nhất. Không có gì chứng tỏ điều đó là chân lý.” Trên thực tế, một chính sách đối ngọai dựa vào sức mạnh để “làm giàu” là một chính sách sai lầm (TBN: chính sách này chỉ đúng một thời khi các nước u châu tranh nhau đi chiếm thuộc địa vào thế kỷ thứ 19).

Nghĩ cho cùng, chính sách giành sức mạnh tại Đông Á của Hoa Kỳ hiện nay trên căn bản không phải vì an ninh quốc gia, cũng không phải vì quyền lợi kinh tế mà chính yếu vì tự ái.    

Theo dòng lịch sử, học giả William Wohlgorth chỉ ra rằng: “Quốc gia nào đang vươn lên hàng siêu cường thường tìm cách thích ứng với khuôn mẫu có sẵn chứ không tìm cách phá bỏ để vươn lên.” Sử gia Thucydides viết rằng, nguyên nhân cuộc chiến tranh Peloponesian giữa Athens và Sparta không phải do “sự vươn lên của Athens vì Athens không đe dọa quá đáng cho nền an ninh và thịnh vượng của Sparta, nhưng Sparta phải hành động (kéo hạm đội sang đánh Athens) vì sự vươn lên của Athens đe dọa thế lãnh đạo thế giới Hy Lạp của Sparta.” Cũng vậy sự vươn lên của Đức bên cạnh siêu cường Anh quốc đưa đến Thế chiến I do một tình cờ lịch sử hơn là vì Anh quốc sợ bị Đức chèn ép quyền lợi. Hoa Kỳ bị ám ảnh bởi sự vươn lên của Trung quốc rõ ràng không phải vì an ninh của Hoa Kỳ bị đe dọa hay vì mất quyền lợi kinh tế mà chính vì tự ái nước lớn. Nhưng nếu đi đến chiến tranh vì tự ái thì không phải là khôn ngoan.

Hai nhà nghiên cứu Joseph M. Parent và Paul K. MacDonald nghĩ rằng: Hoa Kỳ nên thay thế chính sách đối ngoại hiện nay là duy trì sự hiện diện quân sự khắp nơi trên thế giới và ưa can thiệp vào những chuyện chỉ liên hệ bên lề đến quyền lợi của mình, bằng sự xác định lại cái gì thật sự là quyền lợi sinh tử của mình để giảm thiểu chi tiêu quốc phòng và rút dần quân đóng ở nước ngoài về. Hai ông Parent và MacDonald lập luận rằng duy trì các tiền đồn xa là sách lược phòng chống của chiến tranh lạnh theo thuyết dominos khi kẻ thù (Xô viết) là một đối tượng nguy hiểm công khai tuyên bố quyết diệt Hoa Kỳ để thiết lập một thế giới đại đồng ảo tưởng. Thuyết “tiền đồn và ngăn chận” này không còn ăn khách nữa.

Ông Barry Posen tại đại học MIT (Boston, Hoa Kỳ) chủ trương Hoa Kỳ nên giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Á châu Thái bình dương. Ông nói các nước có khả năng trong vùng sẽ tự đảm trách công việc bảo vệ mình trước đe dọa của Trung quốc. Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ có thể làm cho Hoa Kỳ dính líu vào những cuộc tranh chấp địa phương có thể trở thành chuyện lớn.

Thật ra Hoa Kỳ có chính sách “làm đàn anh” tại Đông á trước khi Trung quốc bước vào sân chơi siêu cường, cho nên nếu (Hoa Kỳ) nói cần duy trì sự hiện diện vì Trung quốc đang lên là một lập luận thiếu căn bản. Trên thực tế dù cho kinh tế (và đi theo là sức mạnh quân sự) của Trung quốc càng ngày càng lớn mạnh, viễn ảnh Trung quốc làm chủ Á châu Thái bình dương cũng còn rất xa vời.

Muốn làm chủ Á châu -Thái bình dương,Trung quốc phải chứng tỏ vượt trội hơn các quốc gia trong vùng về mọi phương diện. Điều này không dễ vì Ấn Độ cũng có mộng siêu cường, có vũ khí nguyên tử và được bảo vệ bởi dãy núi Hy Mã Lạp Sơn. Nhật Bản là một quốc gia kiên cường và có khả năng trở thành một lực lượng quân sự, kể cả vũ khí nguyên tử trong một thời gian ngắn nếu cảm thấy bị đe dọa. Liên bang Nga cũng có thể kềm chế ảnh hưởng của Trung quốc trong vùng Trung Á và sự hiện diện của Hải quân Liên bang Nga vùng Bắc Thái Bình Dương cũng không cho phép Trung quốc đầu tư tất cả sức mạnh của hạm đội về phía nam. Trung quốc có vấn đề dân số và tình hình luôn luôn bất ổn tại Tân Cương và Tây tạng. Trong bối cảnh đó Hoa Kỳ có thể rút ra khỏi Tây Thái bình dương và vẫn đủ thì giờ trở lại nếu cần.

Nếu (1) kinh tế lệ thuộc lẫn nhau, (2) gây chiến tranh để giành thế siêu cường độc nhất trong thời đại toàn cầu hóa đã lỗi thời, thì không có căn bản nào để kết luận chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung quốc là điều không thể tránh được. Tuy nhiện lịch sử thế giới chứng tỏ rằng khi có một quốc gia vươn lên thế siêu cường, thế giới sẽ trải qua một thời kỳ tế nhị và nguy hiểm. Nếu không có chiến tranh thì tranh chấp ngấm ngầm cũng làm cho thế giới trải qua những ngày ăn ngủ không yên.

Nếu Hoa Kỳ nhất quyết duy trì thế thượng phong của mình tại Đông Á để chận sự bành trướng của Trung quốc thì có nhiều rủi ro chiến tranh. Và dù tránh được chiến tranh Hoa Kỳ cũng trở nên mệt mỏi một cách không cần thiết.         

Tác giả John Glaser kết luận: Đó là điều Hoa Kỳ không cần làm mà vẫn vững như bàn thạch./.

John Glaser
Trần Bình Nam (lược dịch)
Jan. 1, 2016
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.