Hôm nay,  

Cuối Năm, Tưởng Nhớ Đến Các Bạn Học Đã Ra Đi

19/12/201500:00:00(Xem: 5620)
Ở vào tuổi bát tuần như tôi lúc này, thì con số bà con trong thân tộc cũng như bạn bè thân thiết ra đi khỏi cõi đời này đã mỗi ngày một chồng chất lên thêm khá nhiều rồi. Tôi thật không thể nào mà liệt kê ra cho đày đủ hết danh tính của những vị đó trong bất kỳ một tài liệu nào được. Vì thế trong bài viết ngắn này, tôi xin chỉ ghi ra đây một số trường hợp tiêu biểu về sự ra đi của những người bạn đã từng sát cánh gắn bó với mình nơi học đường từ cấp trung học ở quê nhà miền Bắc đến cấp đại học ở miền Nam.

I – Các bạn học cùng thời ở miền Bắc từ 1950 đến 1954.

Dưới chế độ của chính quyền quốc gia, trong hai năm 1950-52, tôi bắt đầu theo học mấy lớp trung học trong huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định gần với gia đình – đầu tiên tại một lớp ở tư gia của Thày Đặng Vũ Tiển trong làng Hành Thiện, rồi sau lên học lớp Đệ Tam tại trường công lập Hồ Ngọc Cẩn ở làng Trung Linh gần với Tòa Giám Mục Bùi Chu.

Rồi từ năm 1952-54, thì tôi được gia đình cho ra Hà nội để theo học tại Trường Chu Văn An. Tại trường này, trong hai năm ấy, tôi đã thi xong văn bằng Tú Tài 1 và 2. Sau đó, thì di cư vào miền Nam vào tháng 8/1954 và tiếp tục học lên cấp đại học.

Ở vào cái tuổi thiếu niên vô tư hồn nhiên thời đó, các bạn học rất đông cùng ở miền đồng quê chúng tôi đều rất thân thiết gắn bó với nhau. Mà nay sau trên 60 năm rồi, thì đã có rất nhiều bạn đã lìa xa cõi thế, bỏ lại anh em, từ giã bạn bè. Xin liệt kê danh tính của một số bạn ấy như sau

11 – Những bạn cùng theo học tại quê nhà ở Xuân Trường, Nam Định.

Xin ghi mấy trường hợp đáng ghi nhớ nhất của các bạn Trần Tuấn Nhậm, Vũ Lục Thủy, Vũ Văn Giai và Đặng Công Tọai.

A/ Bạn Trần Tuấn Nhậm mất vào năm 1981 tại nhà tù trong rừng U Minh, Rạch Giá. Trước năm 1975, Nhậm làm giáo sư dạy học ờ Sài gòn. Và có thời gian bị bắt giam vì họat động chính trị tích cực theo nhóm “đối lập thuộc thành phần thứ ba”. Thế mà sau này, vào cuối thập niên 1970, Nhậm lại bị cộng sản bắt vì lý do “móc nối tổ chức vượt biên” cho mấy em cháu trong gia đình. Và cuối cùng Nhậm đã qua đời trong nhà tù ở vào tuổi 45.

B/ Bạn Vũ Lục Thủy tên thật là Vũ Năng Phương. Nhưng hầu hết bà con ở hải ngọai thì chỉ biết đến nhà biên khảo nổi danh có tên là Vũ Lục Thủy. Anh bạn lấy tên làng Lục Thủy quê hương mình làm bút hiệu luôn, kể từ khi qua Mỹ năm 1975. Anh có sức làm việc bền bỉ say mê, ít người sánh kịp. Công trình sưu khảo nghiên cứu của anh được các bậc thức giả đàn anh như Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Đình Hòa đánh giá cao. Rất tiếc anh đã qua đời vì bệnh tim ở San Diego năm 2001 lúc mới có 65 tuổi.

C/ Vũ Văn Giai là một sĩ quan cấp tướng duy nhất trong số các bạn học chung với tôi tại trường Hồ Ngọc Cẩn ở Xuân Trường trước năm 1954. Vào miền Nam, Giai theo binh nghiệp và suốt bao năm tháng rong ruổi với những cuộc hành quân liên miên ở vùng giới tuyến sát sông Bến Hải. Không may sau vụ Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Giai bị đưa ra xử trước Tòa Án Quân Sự và bị giam giữ vì chuyện rút quân sai trái sao đó. Rồi đến năm 1975, lại còn bị đi tù ra ngòai Bắc nữa. Giai vừa mất cách nay không lâu ở California ở vào tuổi chưa đến 80.

D/ Đặng Công Tọai ở lại miền Bắc sau năm 1954. Mãi đến sau 1975, chúng tôi lại mới có dịp gặp nhau và nhờ Tọai mà anh em chúng tôi mới biết rõ hơn về những chuyện tàn bạo của chính quyền cộng sản ở miền Bắc vào thời kỳ sắt máu đen tối kinh hoàng ghê gớm đó. Người hay liên hệ với Tọai là Chu Văn Hồ hiện định cư ở New Jersey và qua anh Hồ, chúng tôi được biết Tọai cũng đã qua đời ba năm trước đây thôi ở vào tuổi gần 80.

12 – Những bạn cùng theo học tại Hà nội trong các năm 1952-54.

Rất nhiều bạn đã ra đi, xin ghi ra một số trường hợp mà tôi biết rất rõ về những bạn này: Nguyễn Bá Khánh, Nguyễn Ngọc Đĩnh, Nguyễn Ngọc Phan, Vũ Ngô Luyện.

A/ Nguyễn Bá Khánh vào Nam đậu cử nhân Toán và đi dạy ở trường Chu Văn An. Bà xã của Khánh là chị Quỳnh hồi năm 1960 lại làm việc chung với tôi tại văn phòng Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Nhưng do bệnh bao tử, Khánh đã mất rất sớm vào năm 1967 lúc mới ngoài 30 tuổi.

B/ Nguyễn Ngọc Đĩnh trọ học chung với tôi năm 1954, anh rất giỏi về sinh ngữ và là người bạn thân thiết với tôi trong nhiều năm ở Việt nam cũng như ở Mỹ. Tôi rất gắn bó với gia đình cha mẹ chị em của Đĩnh từ ngày còn ở miền Bắc cho đến sau này ở miền Nam. Về công việc chuyên môn, Đĩnh từng được chính quyền thời Đệ Nhất Cộng Hòa cử đi làm việc ở Lào, Thái Lan. Sau này tham gia viết báo và sau 1975 bị bắt đi tù khá lâu. Qua Mỹ được chừng trên 10 năm, thì Đĩnh lìa đời tại California vì bệnh vào năm 2005 ở vào tuổi trên 70.

C/ Nguyễn Ngọc Phan có tài viết văn, năm 1953 anh được giải thưởng khuyến khích văn chương toàn quốc của giới học sinh. Nhưng vào Nam, Phan lại theo học Quốc gia Hành chánh và đi làm công chức. Qua Mỹ từ năm 1975, Phan định cư ở San Diego và gia đình anh lại là suôi gia với gia đình anh chị Vũ Lục Thủy. Phan người thể tạng yếu và đã qua đời vào năm 2008 ở tuổi 75.

D/ Vũ Ngô Luyện là trưởng nam của Thày Hiệu Trưởng Vũ Ngô Xán. Vào Nam, Luyện đi du học ở Mỹ chuyên về kinh tế. Trước 1975, anh được cử đi làm chuyên viên đại diện Việt Nam tại Ngân Hàng Phát triển Á Châu (ADB = Asian Development Bank). Rồi lại tiếp tục làm việc ở cơ sở đó như là đại diện của Pháp. Do bệnh ngặt nghèo anh đã qua đời ở California vào năm 2006 lúc mới có ngoài 70 tuổi.

E/ Một số bạn mất ở Việt nam gần đây như bác sĩ Phạm Xuân Nhàn (hồi còn đi học với bọn tôi anh đã có tiếng là một võ sĩ quyền Anh - boxeur), giáo sư Đặng Mộng Lân, giáo sư Nguyễn Hữu Đạo.

F/ Một số bạn mất ở California Mỹ gần đây như các giáo sư Nguyễn Hữu Tuệ, Nguyễn Duy Hy.

G/ Một số bạn mất tại Pháp như các giáo sư Phạm Huy Ngà, Phạm Xuân Trường (anh của Phạm Xuân Yêm).

II – Những bạn cùng theo học tại Đại học ở Sài gòn sau năm 1954.

Có đến 7 – 800 sinh viên từ miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954 và trong số này thì ước chừng 250 sinh viên cư ngụ tại Đại học xá Minh Mạng bắt đầu vào năm 1955. Còn lại, thì phần đông ở với gia đình hoặc tại cư xá tư nhân khác. Xin ghi chi tiết về một số trường hợp của các bạn đã ra đi.

21- Anh Nguyễn Đức Nhuần sinh viên Dược khoa mất năm 1957.

Anh Nhuần học cùng thời với tôi ở Hà nội trước năm 1954. Di cư vào Nam anh học ở Dươc khoa và từ năm 1956 tôi lại có dịp chung sống với anh nơi cư xá sinh viên Phuc Hưng trên đường Nguyễn Thông Sài gòn. Ngòai chuyện học, Nhuần lại họat động hăng say trong tổ chức Thanh Niên Lao Động Công Giáo (viết ngắn là Thanh Lao Công) để giúp đỡ giới công nhân giữ vững tinh thần đạo hạnh theo lý tưởng công bằng bác ái trong môi trường lao động thường ngày. Có vài lần, anh nhờ tôi dịch một số bài từ tiếng Pháp để làm tài liệu học tập cho các đòan viên Thanh Lao Công.

Không may, Nhuần bị bệnh nặng về phổi và qua đời vào đầu năm 1957 lúc mới ở tuổi ngòai 20 trước sự thương tiếc ngậm ngùi của số đông bạn hữu.

22 – Các anh Đoàn Mạnh Hoạch, Đỗ Vinh trong số các bác sĩ quân y tử trận.

Anh Hoạch là người cùng quê với tôi trong tỉnh Nam Định. Anh học lớp trên, nhưng chúng tôi gặp nhau khi cùng cư ngụ tại trường Gia Long là trại tiếp cư dành riêng cho các sinh viên di cư từ Hà nội vào Sài gòn năm 1954. Hồi đó anh Hoạch là một trong những sinh viên rất năng nổ họat động trong sinh họat văn nghệ báo chí. Đặc biệt là nhờ người em của anh là Đoàn Trọng Cảo có tài kéo accordéon đệm đàn giúp cho bọn sinh viên chúng tôi ca hát trong các buổi trình diễn văn nghệ thật là lôi cuốn sôi nổi.

Còn Đỗ Vinh và người em song sinh Đỗ Kỳ đều là bạn học chung với tôi tại trường Trung học Chu Văn An Hà nội. Rồi vào Nam, Vinh và tôi cũng thường gặp nhau trong những sinh họat của giới sinh viên di cư. Đỗ Vỹ em của Vinh du học ỏ Canada về, thì chẳng bao lâu bị chết vì tai nạn xe cộ ở xa lộ Biên Hòa.

Cả hai anh Hoạch và Vinh đều là bác sĩ quân y mà bị tử thương tại mặt trận vào đầu thập niên 1960, vào lúc mới có ngoài 30 tuổi. Vì thế mà tên của các anh được đặt cho bệnh viện của quân đội như Quân y viện Đòan Mạnh Hoạch ở Ban Mê Thuật, Bệnh viện Đỗ Vinh thuộc Sư Đoàn Dù ở Sài gòn.

23 – Hai người bạn sinh viên di cư cùng ở chung trong lều trên khu đất xưa là Khám Lớn Sài gòn: Nguyễn Xuân Nghiên, Nguyễn Văn Thiệu.

Vào cuối năm 1954, sinh viên di cư chúng tôi được chuyển từ trường Gia Long đến sinh sống trong những lều vải một thời gian chừng 4 tháng trước khi dọn vào khu Đại học xá Minh Mạng ở Chợ Lớn. Tôi được ở trong một lều với 7 anh bạn khác nữa, mà tôi vẫn nhớ chuyện vào mùa nắng nhiệt độ buổi trưa trong căn lều thật là oi bức.

Anh Nghiên quê tại làng Hành Thiện rất gần với làng Cát Xuyên của tôi cùng thuộc huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định, thành ra tình cảm gắn bó giữa hai chúng tôi càng thêm chặt chẽ vì nghĩa đồng hương với nhau. Sau này, anh Nghiên là một giáo sư dạy môn Lý Hóa rất nổi tiếng ở Sài gòn. Vào năm 1977, Nghiên bị thiệt mạng vì tai nạn xe ở xa lộ Biên Hòa lúc mới ngoài 40 tuổi. Hồi đó, vì tình hình cực kỳ xáo trộn, nên rất ít bạn bè được thông tin để đến nhà viếng thăm linh cữu và tiễn đưa anh.

Còn anh Thiệu hồi đó được bạn bè tặng cho cái danh hiệu là Thiệu Cốp vì trông anh rất giống với ông Malenkov là một lãnh tụ của Liên Xô thời kỳ hậu Stalin. Sau này anh đã tốt nghiệp là một bác sĩ y khoa. Có thời anh Thiệu đã giữ chức vụ Tổng Quản Trị Chương Trình Diệt Trừ Sốt Rét. Qua Mỹ năm 1975, gia đình anh Thiệu định cư ở California và tôi cũng đã gặp lại anh chị mấy lần trước khi anh qua đời vì bệnh vào năm 2004.

Hiện tôi chỉ gặp lại hai người trong số 7 bạn ở cùng căn lều nói trên; đó là các anh bác sĩ Chu Bá Bằng và Phạm Ngọc Tùng. Cả hai gia đình các bạn này hiện đều định cư tại thành phố Houston, Texas.

24 - Các bạn học chung tại Trường Luật Sài gòn cuối thập niên 1950.

Các bạn cùng theo học khóa đầu tiên tại Trường Luật Sài gòn do người Pháp chuyển cho chính phủ Việt nam năm 1955, thì vào năm đầu khá đông, nhưng sau 3 năm đến khi tốt nghiệp văn bằng Cử nhân vào năm 1958 chỉ còn lại chừng 70 – 80 người. Và trong số các bạn đồng môn đó, thì đã có rất nhiều người đã lìa xa cõi thế này rồi. Xin ghi ngắn gọn một số trường hợp của các bạn đó như sau xếp theo theo nghề nghiệp của mỗi người.

A/ Các bạn làm luật sư: Trần Tiễn Tự (mất ở Sài gòn năm 1988), Đoàn Văn Lượng (mất ở Pháp năm 1988, có thời anh còn là Nghị sĩ nữa), Nguyễn Phượng Yêm (mất ở Canada năm 1996, cựu Nghị sĩ)

B/ Các bạn làm giáo sư Đại học: Nguyễn Hữu Trụ (mất ở Thụy Sĩ năm 2014), Lê Quế Chi (mất ở Pháp).

III – Để tóm lược lại.

Thời còn đi học ở ngoài Bắc cũng như trong Nam, chúng tôi đều còn độc thân son trẻ chưa phải lo gánh năng gia đình, nên có nhiều thời giờ sát cánh gắn bó thân thiết với nhau. Do đó mà tình bạn mỗi ngày thêm sâu đậm, anh em kết nghĩa quy tụ vui đùa thoải mái với nhau và còn giúp đỡ tương trợ lẫn nhau mỗi khi có ai gặp chuyện khó khăn.

Riêng đối với tôi, trong những năm tháng theo học ở trung học và đại học, thì tôi quen biết gắn bó thân thương được ước tính tổng cộng đến tới khoảng 500 bạn. Sau này, khi ra trường thì lại còn gặp nhau nơi sở làm, nơi những tổ chức văn hóa xã hội, nơi quân ngũ và sau 1975 lại còn ở trong tù chung với nhau nữa. Và ra đến hải ngoại, thì lại càng dễ dàng gặp nhau vì có nhiều thời gian rảnh rỗi ở vào cái tuổi hưu trí nữa.

Mà nay sau trên 50 – 60 năm, phải có ít nhất 50% trong số các bạn học thuở ấy đã ra người thiên cổ mất rồi. Nhưng trên đây, tôi chỉ có thể ghi ra danh tính của chừng 30 bạn mà thôi. Đó chỉ là một con số điển hình tiêu biểu cho thế hệ tuổi trẻ chúng tôi - mà đã phải sống vào cái thời đất nước chia đôi với cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và sau này lại là vụ di tản ty nạn phân tán ở khắp nơi trong các xứ người.

Vào dịp cuối năm Ất Mùi 2015 sắp tới đây, tôi muốn gợi lại chút ít kỷ niệm vui buồn thân thương với tập thể các bạn cùng theo học sát cánh với nhau ở vào cái tuổi hoa niên thơ mộng ấy. Dù đã có nhiều bạn lìa xa cõi đời, nhưng cái tình cảm chân thật - giữa những người “cùng một lứa bên trời lận đận” với nhau - thì vẫn còn tươi đẹp mãi mãi nơi tâm khảm của mỗi người hiện còn sống sót để mà tiếp tục cái nghiệp duyên của mình trong cõi nhân sinh trên dương thế này.

Và chắc chắn là chẳng bao lâu nữa, chúng ta tất cả rồi cũng sẽ cùng quây quần quy tụ lại bên nhau nơi cõi Vĩnh Hằng đấy thôi./

Costa Mesa, California cuối năm Ất Mùi 2015

Đoàn Thanh Liêm

Ý kiến bạn đọc
19/12/201519:57:26
Khách
Theo một vài chi tiết đọc được từ bài viết về ông Trần tuấn Nhậm, có thể nào ông là giáo sư dạy ở trường Võ Trường Toản trước năm 75 ? Dáng người hơi thấp, nước da ngăm đen, đeo kính, thường hay hút píp . Cám ơn tác giả .
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.