Hôm nay,  

Anh Bằng: Nỗi Lòng Qua Từng Ca Khúc

19/12/201500:00:00(Xem: 6813)
Ngày 12 tháng 11 vừa qua, nền âm nhạc Việt Nam của chúng ta đã mất đi một cây đại thụ, đó chính là nhạc sĩ tài hoa Anh Bằng, với hơn 600 nhạc phẩm ông đã để lại trong suốt chiều dài sáng tác của ông. Riêng đối với Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, Nhạc sĩ Anh Bằng còn là vị Sáng Lập Viên, vị Niên Trưởng, người Thầy đã hướng dẫn và dìu dắt các anh chị em, đặc biệt là các anh chị em trong Ban Văn Nghệ trong suốt gần 6 năm qua. Sự ra đi của Ông đã để lại một niềm tiếc thương vô hạn cho những người yêu mến ông và dòng nhạc của ông. Riêng đối với CLB Tình Nghệ Sĩ, chúng tôi mất đi một người luôn khích lệ tinh thần cho các anh chị em cũng như đã cùng chúng tôi sáng tác để Ban Hợp Ca CLB Tình Nghệ Sĩ có thêm những bản nhạc hùng ca góp mặt trong các chương trình văn nghệ đấu tranh cho quê hương Việt Nam.

Đêm thứ Sáu, ngày 11 tháng 12, CLB Tình Nghệ Sĩ đã cùng một số ca sĩ thân hữu tổ chức "Đêm Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Anh Bằng - Người Nhạc Sĩ của Dân Tộc Việt Nam" qua dòng nhac bất hủ của ông.

Trời cuối Thu ở miền Nam Cali đã bắt đầu trở lạnh với những cơn gió nhẹ. Mặc dầu trong thư mời ghi chương trình bắt đầu từ 6:30 pm, nhưng khi hội trường VNCR vừa mở cửa lúc 5:00 pm cho Ban Tổ Chức vào chuẩn bị, đã có hơn 20 đồng hương Việt Nam có mặt. Thật cảm động khi có một vài đồng hương phụ giúp chúng tôi mang ghế và nước vào hội trường vì có lẽ họ biết các anh chị em tổ chức chương trình hoàn toàn từ tấm lòng tự nguyện cho chương trình vào cửa tự do này.

Trước khi chương trình bắt đầu, hội trường VNCR với sức chứa khoảng 200 người đã không còn ghế trống. Một số khán giả tham dự phải đứng dọc theo các bức tường phía sau và hai bên hội trường.

Sau nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam và Hoa Kỳ là giây phút mặc niệm Nhạc sĩ Anh Bằng, người đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho quê hương, dân tộc qua dòng nhạc thắm đượm tình quê hương, những bản tình ca đầy tình tự dân tộc, cho thân phận của con người và đặc biệt là những bản hùng ca bất khuất đấu tranh cho quê hương Việt Nam. Cả hội trường dường như lắng đọng, chỉ có những ngọn nến lung linh theo tiếng nhạc khi ban nhạc The Family Band hòa tấu một đoạn trong bài "Mai Tôi Đi" của Nhạc Sĩ Anh Bằng.

MC Lisa Trần đã nhắc lại mục đích ra đời của CLB Tình Nghệ Sĩ từ hoài bão của nhạc sĩ Anh Bằng. Ông mong ước thành lập một tổ chức để đoàn kết các anh chị em văn nghệ sĩ sinh hoạt trong mục đích bảo tồn và phát huy nền văn hoá Việt Nam ở hải ngoại, khuyến khích và nâng đỡ những tài năng mới và đấu tranh cho quê hương Việt Nam qua các sáng tác đấu tranh. Để hỗ trợ cho mục đích này, Ban Hợp Ca của CLB Tình Nghệ Sĩ đã ra đời và đã có mặt trong nhiều sinh hoạt văn hoá, xã hội và đặc biệt là các chương trình văn nghệ đấu tranh của cộng đồng trong nhiều năm qua.

Sau đó, MC Phiến Đan đã giới thiệu nhạc phẩm "Tình Nghệ Sĩ Hành Khúc", một sáng tác của Nhạc sĩ Anh Bằng và Cao Minh Hưng, cũng là những người Sáng Lập Viên của CLB Tình Nghệ Sĩ. Đây là một bản nhạc hiệu dùng để mở màn trong những chương trình của CLB Tình Nghệ Sĩ, trên các chương trình talk show, với mục đích là mang tiếng hát lời ca để bảo tồn nền văn hoá và đấu tranh cho quê hương Việt Nam sớm có ngày được "tự do, nhân quyền". Mặc dầu đã trình bày bài hát này nhiều lần trước đây, nhưng trong "Đêm Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Anh Bằng", các anh chị em trong Ban Hợp Ca CLB Tình Nghệ Sĩ dường như ai cũng mang trong lòng nỗi xúc động khi hát lại bài hát vì biết rằng người Nhạc Sĩ kính yêu đã không còn ngồi dưới hàng ghế khán giả như trong các chương trình trước đây.

Sau phần phát biểu của GS Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục VNCH và cũng là vị Cố vấn về Văn Hóa cho CLB Tình Nghệ Sĩ, vinh danh những đóng góp của Nhạc sĩ Anh Bằng cho nền âm nhạc Việt Nam cũng như trong vai trò sáng lập viên và cố vấn của ông cho CLB Tình Nghệ Sĩ, chương trình văn nghệ với dòng nhạc của Nhạc sĩ Anh Bằng được bắt đầu.

Với hơn 600 nhạc phẩm mà Nhạc sĩ Anh Bằng đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam, thật khó mà có thể chọn lựa và trình diễn hết những nhạc phẩm đã đi vào lòng người nghe trong một chương trình chỉ có vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng chọn những bài hát tiêu biểu của ông và sắp xếp trong chương trình theo thứ tự những bài hát ông đã sáng tác trước năm 1975 và sau đó là dòng nhạc lưu vong sáng tác sau năm 1975.

Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin ghi lại những cảm nghĩ qua những nhạc phẩm được trình bày trong chương trình tưởng niệm để chúng ta biết thêm về nỗi lòng của người nhạc sĩ tài ba chất chứa trong những nhạc phẩm này: Nỗi lòng của Người Nhạc Sĩ của Dân Tộc Việt Nam với trái tim luôn dành cho quê hương và dân tộc Việt Nam.

Khi nhắc đến một trong những nhạc phẩm đầu tay của NS Anh Bằng, chúng ta không thể không nhắc đến nhạc phẩm "Nỗi Lòng Người Đi". Đây là một ca khúc được ông sáng tác trong bối cảnh quê hương Việt Nam với 2 miền Nam Bắc phân ly vào năm 1954 sau hiệp định Geneve, với hơn một triệu người miền Bắc di cư vào Nam để lánh nạn cộng sản. Nhạc sĩ Anh Bằng đã gửi gắm nỗi lòng của chính mình khi phải lìa xa Hà Nội, xa người yêu để vào Sài Gòn. Nỗi lòng của ông cũng chính là nỗi lòng của nhiều người có cùng hoàn cảnh trong lúc đó. Trong Đêm Tưởng Niệm, ca sĩ Trung Chỉnh, cũng là người được vinh hạnh là ca sĩ đầu tiên thâu bản nhạc này trong băng nhựa, đã trình bày lại nhạc phẩm này.

Nỗi lòng của Nhạc sĩ Anh Bằng được thể hiện qua một số nhạc phẩm của ông cũng là tiếng nói chia sẻ những niềm đau, những mảnh đời bất hạnh của những trẻ em mồ côi, lạc loài không nơi nương tựa. Một nhạc phẩm của Nhạc sĩ Anh Bằng với một tựa đề rất ngắn ngủi nhưng nội dung lại chất chứa tình người rất bao la, sâu lắng mang tính chất nhân bản này. Đó chính là nhạc phẩm: "Nó", một nhạc phẩm mà ông đã sáng tác cùng với Nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ trong nhóm Lê Minh Bằng. Trong chương trình đêm tưởng niệm, tiếng hát của ca sĩ Lâm Dung đã làm cho khán giả một lần nữa cảm nhận được tấm lòng của Nhạc sĩ Anh Bằng với những thân phận mồ côi và bất hạnh trong xã hội.

"Quê hương non nước tôi ai gây hận thù tội tình.
Nhà Việt Nam yêu dấu ơi bao giờ thanh bình?"

Dường như đây là một câu hỏi luôn luôn ray rứt trong lòng của Nhạc sĩ Anh Bằng, một tấm lòng của người Nhạc Sĩ luôn dành cho quê hương với những tình cảm sâu đậm, không những trước đây, mà mãi mãi đến sau này khi ông đã định cư ở Hoa Kỳ. "Đêm Nguyện Cầu" cũng là một sáng tác của Nhạc sĩ Anh Bằng cùng với hai người bạn đồng sáng tác với ông trong nhóm Lê Minh Bằng đã cho chúng ta thấy sự trăn trở của ông cho vận mệnh của dân tộc và luôn mong ước cho quê hương Việt Nam sớm có ngày thanh bình. Ca sĩ Mạnh Hùng đã trình bày với tất cả cảm xúc của anh và đã nhận những tràng vỗ tay khen ngợi của khán giả.

Ngoài khả năng sáng tác rất tài tình, Nhạc sĩ Anh Bằng còn mở lớp nhạc với mong ước của ông là truyền lại kiến thức, đào tạo nhiều học trò mà sau này một số học trò từ lớp nhạc Lê Minh Bằng đã trở thành những ca sĩ thành danh như ca sĩ Ngọc Đan Thanh, ca sĩ Trang Mỹ Dung,v.v... để góp tiếng hát trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam. Trong đêm tưởng niệm nhạc sĩ Anh Bằng, một học trò từ lớp nhạc Lê Minh Bằng ngày nào là ca sĩ Minh Tâm đã gửi đến khán giả nhạc phẩm nổi tiếng "Sài Gòn Thứ Bảy" như một dịp chị tưởng nhớ đến công lao dạy dỗ của người Thầy của mình khi xưa.

Nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ nhạc từ thơ của rất nhiều thi sĩ. Với tài phổ nhạc tài tình của ông, những vần thơ như được chắp cánh bay cao. Ví dụ như bài thơ "Cần Thiết" của Thi sĩ Nguyên Sa, được giới thưởng ngoạn biết đến nhiều hơn khi Nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc và đặt tên của bài hát là "Nếu Vắng Anh". Đó là tấm lòng của ông muốn dành cho những người bạn thi sĩ của mình cơ hội để mang những đứa con tinh thần của mình đến với công chúng. Ca sĩ Michelle Thanh Mai đã trình bày rất xuất sắc nhạc phẩm này trong chương trình tưởng niệm.

Cũng trong dòng nhạc được sáng tác trước năm 1975, nhiều bài hát của Nhạc sĩ Anh Bằng viết thay cho nỗi lòng, cho tâm sự của những người trai trẻ gác bút nghiêng, hy sinh những tình cảm riêng tư trong lứa tuổi thanh niên thật đẹp để lên đường ra chiến tuyến phục vụ quê hương. Đó là điểm son trong nét nhạc của Nhạc sĩ Anh Bằng vì chúng ta không hề nghe những bi lụy, chán nản, than trách về cuộc chiến như một số nhạc sĩ sáng tác cùng thời, mà trái lại, nhạc của ông toát lên niềm tự hào về trách nhiệm của người thanh niên lên đường phục vụ cho Tổ Quốc, có lẽ một phần nào vì ảnh hưởng từ quãng đời quân nhân của ông. Những tâm tình của chàng trai trẻ khi nghĩ đến cảnh người yêu đến thăm mình trên căn gác vắng vì anh đã lên đường ra chiến trận được Nhạc sĩ Anh Bằng viết trong ca khúc "Gõ Cửa" và ca sĩ Huỳnh Anh đã chuyên chở thật trọn vẹn những tâm tình lạc quan này:

"Tôi tin rằng người ấy thêm thương
Vui lòng cho kẻ phong sương
Dấn thân ngoài súng đạn sa trường..."

Dòng nhạc của Nhạc sĩ Anh Bằng rất đa dạng vì ông đã sống qua những thăng trầm với vận mệnh của quê hương, cũng như ông đã từng đặt chân đến nhiều nẻo đường của quê hương. Chúng ta hãy nghe chàng trai đất Bắc mô tả hình ảnh của một "Huế Xưa", với sông Hương núi Ngự, với Thôn Vỹ, cầu Tràng Tiền, chùa Thiên Mụ như thế nào qua điệu múa thướt tha của các chị em trong nhóm múa của CLB Tình Nghệ Sĩ với tiếng hát "rất Huế" của ca sĩ Mỹ Dung cùng múa chung với các chị Thùy Châu, Sandy, Tuyết Hoa, Thanh Vân và Ngọc Bích.

"Cho dù dâu biển chia phôi
Chiều nao nhìn áng mây trôi
Người ơi còn nhớ nhung này
Tôi yêu người còn hơn yêu tôi..."

Nghe những câu hát này, chúng ta có thể hình dung được trái tim dạt dào với một tình yêu bao la, trải rộng của người nhạc sĩ sáng tác. Và người đó không ai khác hơn, chính là Nhạc sĩ Anh Bằng, tác giả của nhạc phẩm "Biển Dâu". Trong chương trình tưởng niệm, ca sĩ Mai Ngọc Khánh đã vinh danh và ca ngợi tài năng sáng tác của Nhạc sĩ Anh Bằng trước khi trình bày nhạc phẩm tình ca bất hủ này.

Bên cạnh những sáng tác chất chứa những tình cảm sâu lắng với những thể điệu nhẹ nhàng mà chúng ta đã có dịp nghe qua những nhạc phẩm của Nhạc sĩ Anh Bằng, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp những bài hát với những điệu nhạc vui tươi trong những sáng tác của Nhạc sĩ Anh Bằng. Theo ông cho biết, mục đích của những nhạc phẩm này là giúp mang lại tinh thần lạc quan, nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu của những người chiến sĩ trẻ đang chiến đấu để bảo vệ cho lý tưởng Dân Chủ, Tự Do cho quê hương. Thật là một tấm lòng vì quê hương, vì dân tộc rất đáng ngưỡng mộ. Đối với những người đã từng có dịp gặp gỡ nhạc sĩ Anh Bằng, ai cũng đều quý mến ông ở tinh thần rất lạc quan, yêu đời cho đến những năm tháng cuối khi phải chống chọi với những cơn bệnh tật. Ông luôn muốn mọi người chúng ta ai cũng vui vẻ và sống lạc quan. Với tâm tư này, nữ hoàng nhạc kích động Mai Lệ Huyền đã mang lại chút không khí vui tươi cho khán giả trong đêm tưởng niệm với nhạc phẩm "Đám Cưới Nhà Binh", mà theo như chị cho biết, đây là một nhạc phẩm đã giúp chị và ca sĩ Hùng Cường được giới khán giả yêu mến nhiều hơn.

Sau một số nhạc phẩm tiêu biểu trong dòng nhạc của Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác trước năm 1975, khán giả được tiếp tục thưởng thức một số các ca khúc được sáng tác sau năm 1975. Một trong những sáng tác của Nhạc sĩ Anh Bằng sau năm 1975 đã được nhiều ca sĩ chọn để trình bày là nhạc phẩm "Mưa Chiều", một bản tình ca rất đặc sắc đã được ca sĩ Hương Thơ trình bày rất trọn vẹn trong đêm tưởng niệm.

Một trong những nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Anh Bằng trong số những nhạc phẩm được ông phổ nhạc sau này là ca khúc "Anh Còn Nợ Em". Như Nhạc sĩ Anh Bằng tâm sự, khi tuổi đời đã cao, ông thường tìm những rung động tình cảm qua những bài thơ mà ông tình cờ đọc được. Có những bài thơ khi phổ nhạc, chính Nhạc sĩ Anh Bằng cũng chưa bao giờ biết nhà thơ là ai. Bài thơ "Anh Còn Nợ Em" của thi sĩ Phạm Thành Tài cũng là một trong những trường hợp này. Khán giả trong hội trường dường như đã để tâm hồn thật lắng đọng theo hơi thở của thời gian, để cùng với những nốt nhạc lời ca của bản nhạc "Anh Còn Nợ Em" qua tiếng hát của ca sĩ Trần Hào Hiệp để trở về với những những kỷ niệm tình yêu thật đam mê, chất ngất, với những ghế đá, công viên, dòng xưa, bến cũ, con sông êm đềm, v.v... Càng nghe nhạc phẩm này, chúng ta càng cảm nhận được nỗi lòng của nhạc sĩ Anh Bằng qua ca khúc bất hủ "Anh Còn Nợ Em".

Có những ca khúc mà chúng ta đã từng hát nghêu ngao từ thuở bé, đến nỗi nó đi vào lòng từ lúc nào không hay, nhưng đôi khi chúng ta lại không biết tác giả là ai vì nó đã trở nên rất gần gũi, mộc mạc, như một phần đời sống của chúng ta. Chắc hẵn trong số chúng ta đã từng có lúc nghêu ngao hát "Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp một chuyện tình cay đắng...", hay lớn lên một chút, ở lứa tưổi mộng mơ với những câu hát như "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn..." trong bài "Bướm Trắng". Tuy nhiên, đôi khi có nhiều người không biết đó chính là những ca khúc do Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác. Ôi, những bài hát thật gần gũi và quen thuộc làm sao. Nhạc phẩm "Bướm Trắng" do Nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ bài thơ "Người Hàng Xóm" của thi sĩ Nguyễn Bính đã được ca sĩ Ngọc Hà trình bày rất hay trong đêm tưởng niệm.


Một bài hát nổi tiếng khác theo thể điệu vui cũng lột tả được quan niệm sống rất lạc quan của Nhạc sĩ Anh Bằng, dù cho có những lúc đau khổ, xa cách trong cuộc tình. Ví dụ như những lời ca trong bài hát "Tình Là Sợi Tơ" như sau:

"Nếu lỡ mai sau mình không còn bên nhau
Nếu lỡ mai sau tình trôi vào đớn đau
Đừng buồn nghe em, đừng sầu nghe em
Tình yêu là những ngôi sao bay vèo trong đêm..."

Khán giả đã dành những tràng pháo tay không ngớt sau phần trình bày của ca sĩ Mỹ Lan với nhạc phẩm "Tình Là Sợi Tơ".

Những người có dịp gần gũi với Nhạc sĩ Anh Bằng, càng thêm hiểu tấm lòng thương mến của ông luôn dành cho mọi người. Bằng một giọng nói pha đầy nước mắt, ca sĩ Thúy Anh đã làm cho khán giả nghẹn ngào, rơi lệ khi Thúy Anh kể lại kỷ niệm về sự ra đời của nhạc phẩm "Mình Ơi! Em Chẳng Cho Về". Theo như Thúy Anh cho biết, có lẽ vì thương mến hình dáng nho nhỏ của "cô Bắc Kỳ" Thúy Anh, mà nhạc sĩ Anh Bằng đã sáng tác ca khúc này để tặng cho ca sĩ Thúy Anh. Trong tiếng đàn của nhạc sĩ Nguyên Vũ, Thúy Anh đã trình bày ca khúc trong niềm xúc động và có lúc Thúy Anh đã bước xuống phía dưới khán giả để mời mọi người hát chung với mình.

Một trong những ca khúc có thể nói đã gây xúc động và được rất nhiều ca sĩ chọn để trình bày cũng như được thính giả yêu mến ngay sau khi ra đời là nhạc phẩm "Khúc Thụy Du". "Khúc Thụy Du" được thi sĩ Du Tử Lê viết vào tháng 3, 1968. Bài thơ như một bài kinh ru buồn, một nỗi ám ảnh về thân phận con người trước chia ly, mất mát trong chiến tranh. "Khúc Thụy Du" với chữ "Thụy" lấy từ tên của cô gái tên Thụy Châu và chữ "Du" từ tên của thi sĩ Du Tử Lê. Định mệnh đưa đẩy, mãi đến năm 1985, bài thơ này mới đến tay của Nhạc sĩ Anh Bằng. Nếu như bài thơ "Khúc Thụy Du" của Du Tử Lê nguyên thuỷ miêu tả những nỗi ám ảnh của sự sống chết, những tiếng kêu đau thương cho thân phận con người thì qua đôi tay phổ nhạc phù phép của Nhạc sĩ Anh Bằng, Khúc Thuy Du biến thành một giai điệu êm ái, da diết mang nặng dấu ấn về thân phận tình yêu với những câu hỏi tha thiết bắt đầu bằng 2 chữ "Vì sao...?". MC kiêm ca sĩ Lisa Trần đã trình bày rất xuất sắc nhạc phẩm này trong đêm tưởng niệm Nhạc sĩ Anh Bằng.

Khi nói đến những nhạc phẩm viết về "Mẹ" nổi tiếng trong âm nhạc Việt Nam, chúng ta có những ca khúc như "Lòng Mẹ" của Nhạc sĩ Y Vân, "Bà Mẹ Gio Linh" của Nhạc sĩ Phạm Duy, v.v... Riêng đối với Nhạc sĩ Anh Bằng, ông cũng có một số sáng tác về người Mẹ, như bài "Chuyện Một Đêm" mà ông đã sáng tác vào năm 1968, nói về nỗi đau của người mẹ trong chiến tranh, khi đứng trước cái chết của con mình. Tuy nhiên, một trong những nhạc phẩm về Mẹ mà ông sáng tác sau này và được nhắc đến nhiều nhất là bài "Khóc Mẹ Đêm Mưa". Nhạc phẩm "Khóc Mẹ Đêm Mưa" được nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác vào năm 2005 và đã mau chóng đi vào lòng người nghe. Có lẽ vì ngoài melody rất hay, lời của bài hát cũng đã gây nhiều cảm xúc cho những người có cùng chung niềm tâm sự, nhất là những người Việt tị nạn ở hải ngoại, như những lời hát sau đây trong nhạc phẩm nổi tiếng này:

"Còn quê mẹ xa nửa vòng thế giới
Con không về từ ngày mẹ ra đi..."

Ca sĩ Ngọc Diệp đã chọn ca khúc này để trình bày trong đêm tưởng niệm và đã được sự khen ngợi của khán giả.

Nhà thơ Đặng Hiền, một thi sĩ của đất Quảng Nam là người cũng có nhiều ca khúc được phổ nhạc. Từ một câu chuyện tình trong bài thơ "Từ Độ Ánh Trăng Tan" của anh, qua những nốt nhạc tài tình của Nhạc sĩ Anh Bằng, đã làm người nghe biết đến và như cùng tác giả dạo bước trên bờ "Half Moon Bay" mà người Việt chúng ta gọi là vịnh Bán Nguyệt ở miền Bắc Cali. Nhạc phẩm này đã được trình bày qua tiếng hát của Bác sĩ kiêm ca sĩ Ngô Bá Định trong đêm tưởng niệm.

Như có đề cập trong một bài viết trước đây, chúng tôi hân hạnh được sáng tác chung một vài ca khúc với Nhạc sĩ Anh Bằng và bài hát cuối cùng mà chúng tôi có dịp sáng tác chung với ông, đó là bài "Việt Nam Ơi! Việt Nam Ơi!". Bản nhạc chỉ mới được hoàn thành vào tháng 9 vừa qua, trước khi Nhạc sĩ Anh Bằng vĩnh viễn ra đi. Qua bản nhạc này, chúng tôi muốn nêu cao niềm tự hào về truyền thống hào hùng bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, về những nét đẹp lịch sử của 3 miền quê hương với những địa danh như Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Với lòng tự hào này, chúng ta càng quyết tâm đấu tranh gìn giữ quê hương Việt Nam mến yêu.

Trong dòng nhạc sáng tác mới sau này, nhạc phẩm "Mùa Trăng" là một sáng tác mà Nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ nhạc từ bài thơ của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, người mà ông đã kết nghĩa anh em và gọi là "Sư Đệ", cũng như phu nhân của ông là chị Phiến Đan được ông gọi là "Hiền Muội". Bài thơ "Mùa Trăng" của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh ghi lại một mối tình rất nên thơ của chàng trai "của gió sông hồ kết hợp", trong một đêm trăng sáng về thăm quê ngoại và đã tình cờ gặp một cô bé với đôi mắt đen e ấp nấp sau lưng mẹ. Để rồi sau 10 năm du học, chàng mới có dịp trở về gặp lại cô bé ngày xưa nay đã lớn. Khán giả trong đêm tưởng niệm đã được nghe hết câu chuyện tình này qua tiếng hát của ca sĩ Ngọc Quỳnh.

Một nhạc phẩm có thể nói rất tiêu biểu trong dòng nhạc lưu vong của NS Anh Bằng: Đó chính là nhạc phẩm "Cõi Buồn". Nếu chúng ta để tâm hồn mình thật lắng đọng để nghe những lời ca trong bài hát này, chúng ta mới càng thấy thấm thía nỗi lòng của người nhạc sĩ xa quê hương nhưng luôn mang canh cánh trong lòng hình ảnh của quê nhà qua những ước mơ chỉ có thể xuất phát từ tấm lòng của một người yêu quê hương đất nước rất thiết tha như ông, mới có thể nghĩ tới:

"Ta muốn kéo mặt trời lặn đằng Đông, mọc đằng Tây
Ta muốn iam thời gian trong khám tù đày..."

Những tâm tình này đã được diễn tả thật trọn vẹn qua tiếng hát của ca sĩ Nghiêm Bảo Toản trong đêm tưởng niệm Nhạc sĩ Anh Bằng.

Nói về nghệ thuật phổ nhạc của Nhạc sĩ Anh Bằng, chúng tôi được ông cho biết một số bài thơ của các thi sĩ là nguồn cảm hứng giúp cho ông tiếp tục sáng tác. Khi tuổi đời đã cao mà nếu sáng tác về đề tài tình yêu thì ông cho là không thích hợp. Tuy nhiên, đức tính khiêm nhượng đáng quý ở ông mà khi có dịp tâm sự, chúng tôi được ông cho biết trong phần lớn nhạc phẩm mà ông đã phổ nhạc, ông chỉ lấy ý tưởng của bài thơ và sau đó thì sửa lại, dùng nhiều từ ngữ của ông cho bài hát. Tuy nhiên, khi nhạc phẩm được hoàn thành, trong phần lời nhạc, ông không ghi tên của mình chung với thi sĩ mà dành cho tác giả bài thơ như là người đã sáng tác lời cho toàn bộ bài hát. Trúc Đào, một bản nhạc nổi tiếng mà Nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của một của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, tuy ý tưởng của bài thơ và bài hát có hơi khác nhau, nhưng cả bài thơ lẫn bản nhạc đều vẫn giữ được những nét đẹp và có cái hay riêng của nó. Nhạc phẩm Trúc Đào đã được nhiều ca sĩ chọn để trình diễn và trong đêm tưởng niệm, chúng tôi chọn tiếng hát của ca sĩ Lily, một ca sĩ khi rời Việt Nam còn rất trẻ, nhưng có tấm lòng luôn muốn tìm hiểu về cội nguồn, như ý nguyện của Nhạc sĩ Anh Bằng khi thành lập CLB Tình Nghệ Sĩ là mong muốn nâng đỡ những tài năng trẻ ở hải ngoại.

Nhạc sĩ Anh Bằng đã sáng tác rất nhiều nhạc phẩm về người lính Việt Nam Cộng Hoà từ những năm tháng chiến chinh trên quê hương Việt Nam trước năm 1975. Ra đến hải ngoại, sau bao thập niên cuộc chiến đã đi qua, nhưng điều làm mọi người ngạc nhiên là tâm sự của người lính chiến lại một lần nữa được ông diễn tả rất thành công qua nhạc phẩm "Chuyện Giàn Thiên Lý", được trình bày tiếng hát của ca sĩ Mạnh Đình trong những thập niên 90. Cũng ca khúc này, trong đêm tưởng niệm Nhạc sĩ Anh Bằng, được trình bày bởi một người lính VNCH đã từng trải qua hơn 20 năm trong lao tù cộng sản, đó chính là ca sĩ Nguyễn Nhân.

"Anh rót cho khéo nhé, kẻo lầm vào nhà tôi
Nhà tôi ở cuối chân đồi,
có giàn thiên lý, có người tôi thương..."

Khi nói đến đến cùng một bài thơ, nhưng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, chúng ta phải nói đến bài thơ "Màu Tím Hoa Sim" của thi sĩ Hữu Loan. Đây là một câu chuyện tình rất bi thương trong thời chiến của một anh lính chiến có người vợ qua đời khi tuổi đời nàng còn rất trẻ trong lúc anh ra chiến trường. Khi anh trở về và đau đớn khi hay tin người vợ trẻ đã qua đời, anh mang chiếc bình hoa, món quà duy nhất anh đã tặng cho nàng trong ngày cưới, để mang ra đặt trên mộ nàng. Câu chuyện tình đau thương trong thời chinh chiến qua bài thơ của thi sĩ Hữu Loan đã được 2 nhạc sĩ phổ nhạc rất thành công là Nhạc sĩ Dũng Chinh và Nhạc sĩ Phạm Duy. Tuy nhiên, khi Nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc lại bài thơ này với lời bài hát có sự thay đổi so với bài thơ nguyên thủy, nhưng bản nhạc "Chuyện Hoa Sim" ngay lập tức đã gây được tiếng vang với tiếng hát của ca sĩ Như Quỳnh và tạo sự thành công về tài chính cho trung tâm Asia mà nhạc sĩ Anh Bằng đã bỏ nhiều tâm huyết để gây dựng. Điều này một lần nữa nói lên thiên tài sáng tác của Nhạc sĩ Anh Bằng. Bài hát "Chuyện Hoa Sim" đã được gửi đến khán giả tham dự đêm tưởng niệm qua tiếng hát của ca sĩ Thùy Châu.

Kết thúc phần văn nghệ trong dòng nhạc của Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác sau năm 1975 là bài "Mai Tôi Đi" được ca sĩ Kim Yến trình bày. Không phải là một điều ngẫu nhiên khi chúng tôi chọn nhạc phẩm "Mai Tôi Đi" do ban nhạc The Family Band hoà tấu trong giây phút tưởng niệm Nhạc sĩ Anh Bằng trong phần đầu của chương trình. Nhạc phẩm "Mai Tôi Đi" dường như một lời nhắn nhủ mà Nhạc sĩ Anh Bằng muốn mượn những lời thơ của thi sĩ Nguyên Sa để gửi gắm những tâm tình của mình trước khi vĩnh viễn ra đi.

"Mai tôi đi, chắc trời giăng mưa lũ
Mưa thì mưa, chắc tôi không bước vội
Nhưng chẳng thế nào,
Thì cũng sẽ xa nhau,
Mình cũng sẽ xa nhau..."

Cho dù thế nào, rồi cũng sẽ xa nhau. Tuy nhiên, với một người có tâm lòng nhân hậu, một thiên tài về âm nhạc, một người luôn có trái tim khắc khoải với những nỗi đau của vận nước như Nhạc sĩ Anh Bằng, chúng ta không ai muốn xa ông và không muốn thấy ông đi xa. Nhưng dù thế nào, thì ông cũng đã vĩnh viễn lìa xa chúng ta. Tuy nhiên, những bản nhạc của ông chắc chắn sẽ còn ở lại mãi với chúng ta với những tâm tình từ nỗi lòng của ông trải bày qua những ca khúc mà chúng tôi đã lựa chọn để trình bày trong đêm tưởng niệm.

Phần cuối của chương trình là phần nhạc tưởng niệm từ một số sáng tác của các thi nhạc sĩ để tưởng niệm Nhạc sĩ Anh Bằng. Nhạc phẩm "Chào Vĩnh Biệt Anh", một sáng tác của ca sĩ Hạnh Cư do chính anh trình bày đã làm rơi lệ nhiều khán giả trong hội trường qua giọng ca trầm ấm của anh. "Chào Vĩnh Biệt Anh" như một lời vinh vanh đến Nhạc sĩ Anh Bằng cũng như cảm thông với những trăn trở, những âu lo và nguyện ước của ông cho quê hương Việt Nam sớm có ngày được dân chủ, nhân quyền. Tiếc rằng, ước mơ đó chưa được thực hiện thì ông đã ra đi.

"Anh một ngôi sao sáng đã lịm tắt trên bầu trời cao.
Anh ra đi mang theo nỗi ngậm ngùi, tức tưởi vì những dòng nhạc đấu tranh còn đầy ắp trong tim anh."

Bài hát "Cánh Chim Bằng Đã Bay Xa", một sáng tác của Luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa, được chính anh và Ban Hợp Ca của Phong Trào Hưng Ca Việt Nam trình diễn đêm tưởng niệm Nhạc sĩ Anh Bằng để vinh danh một người nghệ sĩ luôn đấu tranh cho quê hương Việt Nam qua những dòng nhạc hùng ca của ông sáng tác sau này, khi quê hương Việt Nam đứng trước hiểm họa xâm lăng của Trung cộng. Luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa đã nhắc đến một số tên bài hát của Nhạc sĩ Anh Bằng trong sáng tác mới của mình.

"Nụ Cười Hiền Hoà-Trái Tim Nhân Hậu" là một bài thơ của thi sĩ Phi Loan. Chị đã ngậm ngùi đọc bài thơ này trước linh cữu của Nhạc sĩ Anh Bằng và trong đêm tưởng niệm, chị đã đọc lại bài thơ này để mọi người cùng nhau nhớ đến người nghệ sĩ có nụ cười hiền hòa, tấm lòng nhân ái và cầu nguyện cho linh hồn của Nhạc sĩ Anh Bằng sớm về cõi vĩnh hằng cũng như cầu mong cho những ước mơ của ông cho một quê hương Việt Nam được tự do, dân chủ, nhân quyền sẽ sớm thành sự thật.

Kết thúc chương trình, Ban Hợp Ca của CLB Tình Nghệ Sĩ với những ngọn đuốc thắp sáng trên tay đã trình bày bài hát "Thắp Sáng Việt Nam", một sáng tác của Nhạc sĩ Anh Bằng và Cao Minh Hưng, để hy vọng thắp sáng lên niềm ước vọng cho quê hương Việt Nam sớm có ngày được tự do, dân chủ, nhân quyền. Mong rằng những ngọn lửa đấu tranh từ nơi đây sẽ được tiếp tục chuyển tiếp về đến quê hương Việt Nam để chúng ta cùng nhau:

"Đốt nến lên! Đốt nến lên thắp sáng niềm tin hướng đi công bình..."
Đốt nến lên! Đốt nến lên thắp sáng Việt Nam tiến theo nhân quyền..."

Những lá cờ Việt Nam Cộng Hòa đã rợp cánh tung bay trong hội trường VNCH khi các vị quan khách, các anh chị trong Phong Trào Hưng Ca, cùng hát vang ca khúc "Cả Nước Đấu Tranh" với Ban Hợp Ca của CLB Tình Nghệ Sĩ. Mong rằng những âm thanh này qua những video, youtube, v.v. sẽ bay thật cao, thật xa về đến quê hương Việt Nam để mong ngày cả nước cùng vùng lên đấu tranh cho quyền sống con người như ý nguyện của Nhạc sĩ Anh Bằng qua nhạc phẩm này của ông.

Giờ đây, Nhạc sĩ Anh Bằng đã vĩnh viễn rời xa Hà Nội, rời xa Sài Gòn yêu dấu và rời xa mảnh đất mà ông gọi là "Cõi Buồn", nhưng tâm tình của ông, nỗi lòng của ông trải dài qua từng ca khúc mãi mãi vẫn ở lại với chúng ta. Chúng ta cầu mong sao nỗi lòng của ông dành cho quê hương với ước mơ "nhà Việt Nam yêu dấu ơi, bao giờ thanh bình" sẽ sớm trở thành hiện thực.

Anthony Cao

12/2015

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.