Hôm nay,  

Văn Kim Trọng tế Thúy Kiều…

21/08/201500:01:00(Xem: 6217)
Một bài Văn tế của một nhân vật tiểu thuyết
cho một nhân vật tiểu thuyết:
Văn Kim Trọng tế Thúy Kiều…
 
Nguyễn Văn Sâm
(Phiên âm và giới thiệu 2015)

 .
Thúy Kiều, dầu là nhân vật thiệt sự ngoài đời, được Thanh Tâm Tài Nhân cấu tạo thành nhân vật tiểu thuyết, đối với người Việt Nam nói chung hay đối với người đọc Đoạn Trường Tân Thanh nói riêng cũng chỉ là một nhân vật tiểu thuyết. Do đó những gì người ta viết thêm về Kiều - hay những nhân vật trong Đoạn Trường Tân Thanh - đều chỉ là hình thức bày tỏ lòng cảm phục Nguyễn Du qua sự lân mẫn hay oán ghét nhân vật của ông mà thôi… (Thúy Kiều Án chẳng hạn)

Đọc Văn Tế Vợ của Bùi Hữu Nghĩa, Văn Tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, Văn Tế Bá Đa Lộc, Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc… Người đọc cảm xúc và có thể để lòng mình nổi lên tràn đầy tình cảm bi thương cho người được tế khi nghĩ đến số phận không may của họ. Đọc Văn Tế Kiều những tình cảm nầy chắc chắn sẽ được ngăn chặn lại không cho tràn đầy vì trong thâm tâm người đọc nổi lên một sự ngăn chận vô hình: Đó chỉ là nhân vật tiểu thuyết và người đứng tế cũng chỉ là một nhân vật tiểu thuyết chẳng qua một người nào đó viết giùm. Sự ngăn chặn nầy tuy vậy không làm mất giá trị thiệt sự của ĐTTT về phương diện văn học, đó chỉ là sự báo hiệu của tâm thức để phân biệt đời sống thực tế và đời sống do tác phẩm văn nghệ tạo ra trong trí độc giả mà thôi.

Tôi được người bạn chuyển bài Văn Tế Kiều anh lấy xuống từ trang mạng Nom Foundation, nhưng không thấy nói lấy từ tác phẩm A, B nào, đã lâu lắm rồi, 10 năm có lẽ, bây giờ ngồi lại phiên âm. (Nhân đây cũng xin cám ơn học giả Nôm Nguyễn Hiền Tâm đã góp ý sắc sảo trong một vài chữ đọc.) Bài văn tuyệt vời  ở chỗ đã dùng phương pháp lẫy Kiều để tạo nên gần như toàn bài. Lẫy Kiều theo thể phú - thể thường có của văn tế - là chuyện cần nhiều tài hoa, cũng như lẫy Kiều đem chữ câu trên xuống câu dưới của thi sĩ Vũ Hoàng Chương là một sự tài hoa khác.  Bài văn đáng đọc, đáng ghi thêm vào danh sách những phó phẩm của Đoạn Trường Tân Thanh cùng với những bài vịnh Kiều hay những phó phẩm dài hơi chuyển ĐTTT sang Hán văn bằng những thể thơ nầy nọ mà tôi nghĩ rằng học giới không phải ai cũng may mắn được biết. Những thước đo sự đi vào lòng người của tác phẩm là phó phẩm, là những bản in, là những bình luận, nghiên cứu suốt thời gian dài. Ba thứ nầy thì ĐTTT đã dẫn đầu.  

Sau khi bản thảo được đưa đến Suối Nguồn thì được nhắc rằng Nam Phong tạp chí số 92 năm 1925 đã có đăng bài phiên âm rồi (trang 179-80), tác giả bài văn tế là tiến sĩ Phạm Liệu, người Quảng Nam, người sao lục (phiên âm) là ông Lê Viết Lượng nên xin ghi thêm những chi tiết nầy vào đây. Cũng được chỉ rằng bản Nôm mà lâu nay tôi không biết nằm trong sách nào là lấy từ  sách Hán-Nôm Đại Gia Di Cảo. Bản phiên âm nầy (NVS) có vài sai biệt nho nhỏ với bản phiên âm trước đó chín mươi năm của người xưa (1925-2015) nhưng không mấy quan trọng. Chữ quan trọng nhứt là gắn vó 哏𨀒 chúng tôi theo tự điển Huình Tịnh Của (1895) và Taberd (1838) nên không viết gắn bó như thường thấy gần đây. Nhân việc nầy chợt nghĩ rằng Nam Phong Tạp Chí có nhiều bài phiên âm những tác phẩm Nôm xưa rất có giá trị mà không đưa ra nguyên bản Nôm, nay chuyện tìm nguyên bản trở nên dễ dàng hơn, sao ta, những người yêu văn chương Việt Nam, không ngồi xuống cùng nhau làm việc đối chiếu để tác phẩm xưa được hiểu chính xác hơn… (NVS, CA, 4 tháng 8, 2015)

.

blank 
(t1) Hỡi nàng nàng ôi!

.

Trâm gảy gương tan,

Bèo trôi sóng phủ.

Đất khách giang hồ tủi phận, chúa Xuân sao khéo vô tình?

Cơ trời dâu bể đa đoan, ông Tơ cớ chi ghét bỏ?

Người đời đến thế thời thôi, tâm sự biết đâu giãi tỏ.

.

Nhớ nàng xưa:

.

Sắc nước tư dung,

Hương trời phong độ.

Tuyết nhường da, mây thua tóc, đua bề tài sắc phần hơn.

Hoa phong nhụy, trăng tròn gương, vừa điệu ca ngâm mùi đủ.

Lá thắm thâm nghiêm kín cổng, đoan trang ngọc nói hoa cười.

Xuân xanh xấp xỉ cập kê, êm đềm màn che trướng rũ.

Phong phỉ thói nhà băng tuyết, tường đông ong bướm mặc ai,

Phong lưu rất mực hồng quần, ngoài cửa yến oanh hiếm có.

Hương lân vẫn nghe thơm nức, hội đạp thanh âu hẵn nhân duyên,

Nước non cách mấy buồng đào, tuần đố lá may thay giải cấu.

Rũ trướng đào còn treo giá ngọc, biết bao ân trọng nghĩa dầy.

Khóa buồng Xuân còn đợi gió đông, những mòng chốc thầm yêu (t2) trộm dấu.

Đòi lúc câu thơ nét vẽ, ngàn xưa âu Ban, Tạ tài danh.

Tình dầu khi lá thắm chỉ hồng, đôi lứa gẫm Thôi, Trương kỳ ngộ.

Đêm chén thề, ngày quạt ước, trăm năm tính cuộc vuông tròn.

Lời vạn phúc, nỗi hàn huyên, hai mặt giáp nhìn tỏ rõ.

Kẻ thiên tài người quốc sắc, tóc tơ một ước, quả mai ba bảy đương vừa,

Trai anh hùng gái thiền quyên, hương lửa ba sinh, dây nguyệt một hai gắn vó.

Vừa đâu bỗng thấy gia đồng đưa tin thúc phụ.

Nỗi nhà tang tóc, đất Liêu đành cách trở sơn khê.

Tủi phận bèo mây, nệm thúy chưa dựa kề kinh bố.

.

Uẫy thôi rồi!

.

Sá phận mưa tan,

Gặp cơn gió tố,

Nước non hỡi còn mang nặng, trăm chiều riêng để tội cho hoa,

Tóc tơ chưa chút đền bồi, ba sinh quyết liều đem tấc cỏ.

.

Hỡi nàng nàng ôi!

.

Lưu lạc quê người,

Đoạn trường trong sổ.

Duyên hội ngộ mặt mơ tưởng mặt, vì ai rụng cải rơi kim.

Mảnh tương tư ngày nặng (t3) một ngày, xót kẻ nằm mưa ăn gió.

Tủi phận trắng ngần trong giá, năm chờ tháng đợi, xa xôi ai có thấu tình chăng.

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng, rày ước mai ao, vẹn vẽ khôn đền chưng nghĩa hậu.

Nghĩ phong cảnh [cũ]: Có cổ thụ, có san hô, có bông bốn mùa, có cây trăm thước, trước sau nào thấy bóng người.

Nhớ nguyền ước xưa: Khi tựa gối, khi cúi đầu, khi vò chín khúc, khi chau đôi mày, sụt xùi ngắn dài lệ rỏ.

Đàn còn đây hương còn đó, keo loan đành tơ chấp mối kia.

Hương càng đượm lửa càng nồng, khúc phượng nỡ phím rời dây nọ.

Những ước: loan chung phượng chạ, phu vinh phụ quí, muôn chung nghìn tứ cũng có nhau.

Hay đâu:  thúy rẻ loan bay, tử biệt sinh ly, kim mã ngọc đường giờ ai đó!

.

Hỡi nàng nàng ôi!

.

Vật đổi sao dời,

Sương che tuyết ủ.

Đèn hạnh sớm khuya, bông đào mới cũ, tấm đá xem chung còn tạc, ai quạt sầu đắp thảm được cho vơi!

(t4) Khối tình mang xuống chưa tan, lời thề bể chỉ non thôi đã phụ.

Non Thúy Lĩnh mây bay phới phới, nhìn chơn mây thêm mỏi mắt xanh.

Sông Tiền Đường nước gợn xanh xanh, thấy mặt nước như hình má đỏ.

Muôn ngàn kể nguồn ân bể ái, thấy người thấy cảnh, khóc than không xiết sự tình,

Mười lăm năm liễu yếu đào tơ, càng nghĩ càng đau, buồn bã giận trong căn số.

Trong khuê các đau lòng tiếc kẻ, đốt lò hương một niệm dạ sầu cam tệ với tri âm,

Dưới tuyền đài cách mặt khuất lời, kính dâng chén cúc ba tuần, tình thương biết bao nhiêu đoạn khổ. (Hết)

.

Nguyễn Văn Sâm, CA, 30-07-2015

 .

 RA MẮT TỈNH MÊ MỘT CÕI
GHI CHÚ: Nhà văn Nguyễn Văn Sâm cũng sẽ ra mắt tác phẩm “Tỉnh Mê Một Cõi” (tức: Hứa Sử Truyện) cối tháng này. Mời đồng hương dự buổi ra mắt sách “Tỉnh Mê Một Cõi” vào Chủ Nhật 30-8-2015, từ 2:00PM-5:00PM, tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St #222, Westminster, CA 92683. Sẽ có 3 diễn giả: GS Trần Ngọc Ninh, GS Nguyễn Văn Sâm, và Cư sĩ Nguyên Giác. Tác phẩm “Tỉnh Mê Một Cõi” (Hứa Sử Truyện) là một tác phẩm độc đáo, cả về phương diện văn học và Phật học, và tự thân truyện này đã là một sử liệu quan trọng để tìm hiểu về Phật Học thế kỷ 18 ở vùng Nam Bộ VN

 

 

 

 



.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
Tại sao lại gọi đó là “cái gọi là Hiến Pháp” " Bởi vì đây không phải là một bản hiến pháp hiểu theo quan niệm phổ quát – một văn kiện pháp lý có gía trị tối ca
Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “DDOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.