Hôm nay,  

So Sánh Obama – Hillary

18/08/201500:00:00(Xem: 8346)

...chính sách của đảng Dân Chủ, chủ trương “hoà hợp hòa giải” tối đa với chính quyền CSVN...

Ứng viên đảng Dân Chủ hiện nay có hy vọng đắc cử bầu sơ bộ trong nội bộ là bà Hillary Clinton, cho dù đã có 4-5 ứng viên hay chuẩn ứng viên khác. Tất cả dường như chỉ đóng vai trò làm cảnh, tạo hứng thú chút đỉnh cho cuộc bầu bán bên đảng Dân Chủ mà kết quả cả thế giới đã biết. Không ai nghĩ bất cứ ứng viên nào có một mảy mai hy vọng hạ được bà vô địch Hillary. Sự kiện chẳng ai buồn tổ chức tranh luận trong đảng Dân Chủ cho tới tháng 10 hay 11 (cho có lệ) nói lên rõ ràng vị thế của bà Hillary.

Những tỳ vết trong các vụ lem nhem tiền bạc và email sẽ không có nhiều tác dụng ngăn cản bà. Những mánh mung của bà, cử tri Dân Chủ đã chấp nhận từ lâu rồi. Thời buổi truy tố Nixon là chuyện cách đây gần nửa thế kỷ. TT Nixon phải từ chức vì ngay cả các ông Cộng Hoà cũng công bằng chấp nhận Nixon có tội phải bị nghiêm trị. TT Clinton bị đàn hạch nhưng không phải từ chức vì tất cả các ông bà Dân Chủ đứng sau lưng Clinton, cho dù nhiều người xấu hổ vì hành động của TT Clinton. Chính trị Mỹ càng ngày càng bị tinh thần phe phái chi phối, phân hoá rõ nét giữa phe ta và phe địch, đưa đến tình trạng không chấp nhận những cái sai của phe ta và những cái đúng của phe địch. Bây giờ bất chấp bà Hillary phạm tội tầy trời cỡ nào thì đảng Dân Chủ cũng vẫn nhắm mắt ủng hộ bà. Chẳng những vậy, nhiều người sẽ còn tìm cách ca tụng bà, phục tính kiên trì, quyết tâm vào Nhà Trắng bằng mọi giá của bà.

Cụ Bernie Sanders đang lên như diều, với thăm dò mới nhất cho thấy ông này thắng bà Hillary tới 7 điểm tại tiểu bang then chốt New Hampshire, một chuyện khó tưởng tượng nổi. Nhưng ông Sanders lại là ứng viên cực tả, khó được hậu thuẫn ngoài vùng đông bắc Mỹ. Quan trọng hơn nữa, đảng Dân Chủ không có ai khác. Bất cứ ai trong mấy ứng viên còn lại đều sẽ bị Cộng Hòa nuốt chửng ngay. Bà Hillary là hy vọng duy nhất của đảng Dân Chủ.

Một điều miả mai đáng chú ý: đảng Dân Chủ tự cho là đảng của tương lai, nhưng hai ứng viên hàng đầu cũng là hai cụ ứng viên già nhất lịch sử Mỹ!

Bây giờ, ta hãy xem thử bà Hillary khác TT Obama chỗ nào để có thể mường tượng nếu bà Hillary đắc cử tổng thống luôn thì ta sẽ có một vị tổng thống như thế nào.

KINH NGHIỆM

Nếu nói về quá trình và kinh nghiệm thì hiển nhiên thượng nghị sĩ Obama khi ra tranh cử năm 2008 chỉ đủ đứng hầu quạt cho bà Hillary, tuy khả năng mồm mép của bà Hillary lại thuộc hạng học trò của Obama. Bà Hillary vừa đậu luật sư tại Yale xong đã lăn lộn trong chính trường Mỹ ngay lập tức khi bà tham gia vào nhóm luật sư của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện truy tố TT Nixon về xì-căng-đan Watergate, cuối cùng đưa đến việc TT Nixon phải từ chức. Đó là đầu thập niên 1970, cách đây hơn 40 năm.

Sau đó, bà trở thành Đệ Nhất Phu Nhân Arkansas, tích cực tiếp tay chồng, cho đến độ có thể nói là thực sự đã “tham chính” luôn. Sau vài nhiệm kỳ, thì ông thống đốc trẻ măng đầy tham vọng bắt đầu chạy đua vào Nhà Trắng, và trong bất ngờ của cả thế giới, ông... ngáp phải ruồi, đắc cử tổng thống.

Bà Hillary thành Đệ Nhất Phu Nhân cả nước, và đóng vai này trong 8 năm. Trong những năm đó, ai cũng biết bà là một “đồng tổng thống” chia sẻ quyền hành với ông chồng, tích cực tham gia việc “triều chính” một cách công khai, không có chuyện ngồi sau rèm như bà Từ Hy Thái Hậu.

Ngay từ đầu, bà đã được ông chồng trao cho trách nhiệm thực hiện cải tổ y tế, dự tính tung ra Hillarycare trong năm đầu của hai ông bà tân tổng thống. Bà thất bại, nhưng học được nhiều bài học về bảo hiểm y tế, và quan trọng hơn nữa, hiểu được những khó khăn làm việc với quốc hội, cho dù quốc hội do phe ta kiểm soát.

Sau khi mãn nhiệm kỳ chung, bà nhẩy ra làm thượng nghị sĩ, rồi sau đó tranh cử tổng thống luôn. Một lần nữa thất bại, nhưng bà lại học được thêm nhiều bài học đáng giá về chính trị Mỹ, trong khi vẫn còn là tiếng nói lớn trong chính trường. Lớn đến độ TT Obama, để tránh hậu hoạn phải đối phó với ứng viên Hillary năm 2012, đã dâng cho bà chức ngoại trưởng. Bà cũng nhìn thấy ngay đây là bàn đạp tốt nhất để duy trì tiếng nói cụ thể hơn việc nói bá láp suốt ngày ở Thượng Viện cùng với 99 ông bà đồng nghiệp. Đây cũng là cơ hội mang tên tuổi ra cho cả thế giới biết.

Khi ra tranh cử tổng thống, thượng nghị sĩ Obama có vỏn vẹn 2 năm kinh nghiệm tại Thượng Viện, vẫn còn bận đi xem phòng nào ở đâu, và bắt tay làm quen với các đồng nghiệp, chưa kịp làm gì khác. Trước đó ông đã làm nghị sĩ tại quốc hội tiểu bang Illinois được hơn 6 năm, nổi tiếng ở điểm chuyên môn biểu quyết “có mặt” cho đỡ nhức đầu. Trước khi có dịp biểu quyết “có mặt”, ông Obama chỉ là một anh tổ chức cộng đồng. Thực tế mà nói, cái kinh nghiệm này chỉ đáng cho ông Obama ra tranh cử... hội đồng tỉnh Riverside. Nhưng dĩ nhiên, nhờ tài mồm mép hơn người, và nói cho ngay cũng nhờ màu da, ông đã được công kênh vào Nhà Trắng.

Sau lần thử lửa với ông “nói nhiều làm ít”, thiên hạ bây giờ lạnh cẳng và muốn trở về với người có kinh nghiệm. Và với kinh nghiệm nhiều như vậy, người ta có thể tin bà tổng thống Hillary sẽ gặp ít khủng hoảng, ít thất bại hơn TT Obama.

THÀNH QUẢ

Nói cho ngắn gọn cả bà Hillary lẫn ông Obama đều chẳng có thành quả gì ghê gớm để trình làng hết.

Trong thời gian 8 năm bà Hillary làm nghị sĩ, đã không có một luật nào ra đời mang tên của bà hết. Biểu quyết đáng ghi nhớ nhất của bà là chấp nhận cho TT Bush đánh Afghanistan, rồi sau đó đánh Iraq. Quyết định về Iraq đã là một vết đen lớn của bà trong mắt các cử tri cấp tiến của đảng Dân Chủ, mà cho đến bây giờ, bà vẫn loay hoay biện minh.

Rồi bà qua làm ngoại trưởng. Cho đến nay, đố ai nêu ra được một thành quả cụ thể nào. Bà khoe đã bay hơn một triệu dặm, chỉ khiến bà Carly Fiorina, ứng viên TT Cộng Hoà nhắc nhở bay nhiều không phải là một thành quả mà chỉ là một hoạt động. Thành quả đối ngoại, trong thời bà trách nhiệm, thật ra là một chuỗi thắng lợi của... những đối thủ của Mỹ: từ Putin chiếm Crimea, tới Trung Cộng lộng hành Biển Đông, ISIS chiếm nửa Iraq và Syria, Libya đại loạn hơn Somalia, Syria giết hơn 200.000 dân, cậu Ấm Ủn tiếp tục khai triển hoả tiễn nguyên tử, Iran vẫn bình chân như vại, đồng minh bực mình vì bị nghe lén, … Như vậy thành quả của chính sách đối ngoại của bà Hillary là gì?

Tám năm thượng nghị sĩ là tám năm làm quen, thiết lập “quan hệ” với các chính khách Mỹ. Tám năm ngoại trưởng là tám năm làm quen, thiết lập “quan hệ” với các chính khách quốc tế. Cả cuộc đời chính trị của bà Hillary cho đến nay chỉ là xây dựng nền tảng “quan hệ” cho cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.

QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ

Năm 2008, ứng viên Obama chỉ trích kế hoạch bảo hiểm y tế của ứng viên Hillary là thiên tả cực đoan khi bà Hillary chủ trương tất cả những ai không mua bảo hiểm sẽ bị phạt. Ông Obama cho là quá cực đoan, và kêu gọi bảo hiểm y tế chỉ bắt buộc cho trẻ em thôi. Hiển nhiên bà Hillary khi đó thiên tả hơn ông Obama.

Cũng khi đó, ông Obama kịch liệt chỉ trích bà Hillary đã biểu quyết cho TT Bush đánh Iraq. Rõ ràng là bà Hillary bảo thủ hơn ông Obama.

Thế thì tóm lại ai cấp tiến hay bảo thủ hơn ai?

Muốn biết rõ, ta cần gạt qua những cú đánh võ miệng trong cuộc tranh cử, mà phải nhìn vào thực tế. Qua mấy năm cầm quyền của TT Obama và mấy năm làm ngoại trưởng của bà Hillary, người ta có thể thấy ông Obama rõ ràng là thiên tả hơn.

Về y tế, ông Obama chỉ trích bà Hillary thiên tả, nhưng thật ra chỉ là cái mánh tranh cử vì sau đó ông đã mang tất cả những ý kiến của bà Hillary vào Obamacare. Ông Obama cũng là người đi trước bà Hillary trong những vấn đề như cổ võ hôn nhân đồng tính, ân xá trọn vẹn di dân lậu, ban phát trợ cấp đủ loại, đánh thuế tối đa những “nhà giàu”. Đây cũng là những quan điểm của bà Hillary, nhưng trong tất cả mọi vấn đề, bà đều lên tiếng sau TT Obama. Một phần có lẽ vì “tôn ti trật tự” để tổng thống nói trước, một phần vì bà không dám hung hăng đi quá xa quá sớm. Bà Hillary là người thận trọng hơn bất cứ chính khách nào, đặc biệt là so với ông chồng vô trật tự, vô kỷ luật.


Thời gian gần đây, để chống đỡ những tấn công của ông già Bernie Sanders, bà Hillary đã ngả mạnh về phiá tả, nhưng tinh mắt một chút thì thấy ngay đây chỉ là trò thời cơ lấy phiếu thôi. Trên căn bản, bà Hillary gần với ông chồng hơn, tức là ôn hòa, không cấp tiến quá mức như TT Obama. Dù vậy, bà cũng vẫn không phải là người hùng tranh đấu cho giới trung lưu như bà đang hứa đâu.

Trong vấn đề quốc phòng, an ninh, bà Hillary đã chứng tỏ rõ ràng diều hâu hơn TT Obama rất nhiều. Trong hồi ký của bà, bà đã thẳng tay chỉ trích TT Obama yếu đuối, lửng lơ cá vàng vì không biết phải làm gì tại Iraq cũng như tại Syria. Bà Hillary cũng gián tiếp đổ trách nhiệm ISIS bành trướng lên đầu TT Obama vì cái bệnh yếu đuối, gãi đầu gãi tai, không dám có hành động dứt khoát. Bà diều hâu hơn vì hai lý do. Thứ nhất là bản tính bà cứng rắn hơn ông Nobel Hoà Bình vừa đánh vừa run. Thứ nhì, bà bị mặc cảm là phụ nữ, sợ bị thiên hạ có thành kiến cho là yếu đuối, nên sẽ cố gắng phá bỏ thành kiến đó bằng thái độ cứng rắn hơn. Do đó, ta có thể mường tượng một người lãnh đạo cứng rắn, có bản lãnh hơn xa ông tổ chức cộng đồng, xa hơn cả ông chồng chỉ lo chạy theo mấy em... chân ngắn ngực nở.

CHÍNH SÁCH TRỊ QUỐC

Bà Hillary sẽ không tiếp tục chính sách của Obama, ít nhất là trên phương diện đối ngoại.

Trong chính sách đối nội, bà Hillary là một chính khách thính mũi và thời cơ, đã nhìn thấy khuynh hướng cấp tiến mỵ dân đang trong thế thời thượng nên sẽ đi xa hơn TT Obama ít nhất là trong nhiệm kỳ đầu, để bảo đảm việc tái đắc cử năm 2020.

Bà Hillary chắc chắn sẽ có dịp bổ nhiệm một hay hai thẩm phán TCPV. Bà sẽ lựa người theo khuynh hướng cấp tiến và TCPV sẽ chuyển hướng mạnh hơn nữa qua phiá cấp tiến. Đây là một vấn đề ít người để ý, nhưng vai trò của tổng thống hết sức quan trọng vì tổng thống là người bổ nhiệm thẩm phán TCPV, và những vị này có thể thay đổi hướng đi của cả xã hội về lâu về dài. Biết đâu bà Hillary sẽ bổ nhiệm cựu TT Obama vào TCPV?

Obamacare thực sự đã lấy ý kiến từ Hillarycare. Do đó, bà Hillary sẽ xúc tiến mạnh việc áp đặt Obamacare.

Trong vấn đề lao động, bà Hillary sẽ chủ trương đẩy mạnh việc tăng lương tối thiểu lên 15 đô để lấy điểm với cử tri lao động cũng như để được nghiệp đoàn ủng hộ. Bà Hillary rất chú ý đến các nghiệp đoàn, do đó đã công khai chống lại TT Obama trong vụ TPP (hiệp ước thương mại liên Thái Bình Dương) để đứng về phiá các nghiệp đoàn.

Bà cũng sẽ tiếp tục “cuộc chiến” đòi tăng thuế mấy ông nhà giàu, sẽ tiếp tục sỉ vả nhà giàu, bài bác tài phiệt Wall Street nhưng sẵn sàng nhận bạc triệu yểm trợ của họ. Cá nhân bà và cả ông chồng sẽ “từ chức” khỏi Quỹ Clinton Foundation, không dính dáng đến các hoạt động gây quỹ hay chi tiêu của quỹ, nhưng ai cũng hiểu thực tế như thế nào. Dù sao thì ông chồng cũng phải kéo thắng tay, bớt đi đọc diễn văn lãnh cả trăm triệu.

Nhưng rồi cũng vẫn còn nhiều vấn đề mà bà Hillary khó làm được gì nên chuyện. Chẳng hạn như mâu thuẫn trắng đen, hay vấn đề kiểm soát súng đạn, di dân lậu. Đây là những khúc xương lớn của Mỹ mà tất cả các tổng thống, bất kể Dân Chủ hay Cộng Hoà, đều mắc nghẹn mà không có được giải pháp gì.

Trong chính sách đối ngoại, bà Hillary sẽ đối phó một cách mạnh tay hơn những ý đồ bành trướng của Putin, Tập Cận Bình, ISIS và khủng bố nói chung, Syria, và ngay cả Bắc Hàn. Có thể đoán chừng bà Hillary sẽ mạnh miệng hơn với TC trong việc bênh vực các quốc gia vùng Biển Đông.

Nghe có vẻ chéo cẳng ngỗng, nhưng tóm lại, so với TT Obama, đối nội bà sẽ thiên tả hơn trong khi đối ngoại bà sẽ thiên hữu hơn.

Nói chung, trên nhiều khiá cạnh, bà sẽ là một người lãnh đạo hữu hiệu, ít sai lầm hơn TT Obama nhiều. Cử tri Dân Chủ đã làm một sai lầm lớn khi lựa Obama thay vì lựa bà Hillary năm 2008. Qua năm 2012, cử tri lại một lần nữa bầu cho TT Obama, chẳng qua vì bản tính con người, ít khi chịu nhìn nhận sai lầm, đã phóng lao bầu cho Obama năm 2008 thì bây giờ phải theo lao bầu nữa thôi. Đưa nước Mỹ đến tình trạng khá bết bát hiện nay.

TÍNH TÌNH CÁ NHÂN

Ở đây, sự khác biệt giữa hai người khá rõ nét. Dù đồng quan điểm hay không với TT Obama, thiên hạ cũng phải nhìn nhận ông không mánh mung, lươn lẹo như bà Hillary. Có thể ông là người đến từ bãi chính trường Chicago nên cũng ma đầu không thua ai, nhưng dù sao, ông cũng khéo léo hơn, không trắng trợn như bà Hillary. TT Obama không nói dối quanh, thẳng tay kiếm tiền thô bạo trong khi miệng vẫn than “gần phá sản”, “tranh đấu cho dân nghèo”. Qua những nói dối quanh liên quan đến emails và quỹ Clinton Foundation, ta thấy bà Hillary mánh mung, dối trá hơn TT Obama nhiều. Bà cũng giả dối mỵ dân hạng nặng khi một mặt thì hô hào giúp sinh viên, bỏ học phí đại học, một mặt thì chém các đại học hơn hai triệu đô tiền đọc vài bài diễn văn.

TT Obama là vua hứa cuội, hứa một trăm việc không làm được hai, nhưng dù sao thì hứa cuội cũng là mô thức hoạt động chung của tất cả chính trị gia, khác với “nói láo bẩm sinh” của bà Hillary.

Việc bà Hillary sẵn sàng chấp nhận những lem nhem thật xấu hổ của ông chồng chỉ vì bằng mọi giá muốn vào Tòa Bạch Ốc chứng tỏ bản lãnh cao của một người đầy tham vọng. Ông Obama hiển nhiên cũng rất nhiều tham vọng, nhưng ông chưa làm gì quá đáng đến mức của bà Hillary. TT Obama cũng chứng tỏ là một người chồng và cha gương mẫu, trong khi bà Hillary hiển nhiên là người mẹ gương mẫu nhưng đã đóng vai trò người vợ một cách...đáng thắc mắc. Trong khi ông chồng lem nhem lung tung thì thay vì trách chồng, lại ủng hộ chồng, cho chồng là nạn nhân đáng thương của mấy cô gái háo danh và quay qua sỉ vả họ, nhưng lại vẫn tự vỗ ngực là tiếng nói bảo vệ nữ quyền.

Nếu muốn so sánh trên toàn diện, ta có thể nói bà Hillary gần với TT Nixon, trong khi TT Obama gần với TT Carter hơn.

VIỆT NAM

Chính sách mở cửa, thân thiện tối đa với CSVN của TT Obama sẽ được thúc đẩy mạnh hơn với bà Hillary nếu bà đắc cử tổng thống. TT Clinton có thể nói là tổng thống Mỹ thân thiện với CSVN nhất và bù lại, được CSVN hoan nghênh nhất. Ông đã đi thăm VN 5 lần.

Chính sách thân thiện này sẽ không giúp cải tiến dân chủ hay nhân quyền tại VN nói chung, mà chỉ giúp cứu được một vài cá nhân chống đối CS quá nổi tiếng như bà Trần Khải Thanh Thủy hay ông Điếu Cầy thôi. Cho những người này qua Mỹ có lợi cho cả... ba bên. Ông Điếu Cầy được tự do, Mỹ được tiếng tranh đấu cho nhân quyền tại VN, CSVN bớt được một người chống đối ồn ào để rồi họ qua Mỹ vài ba tháng sau là đi vào quên lãng. Hiệu quả hơn là bắt nhốt họ để họ biến thành những người hùng được cả thế giới nhắc nhở.

Chính sách thân thiện với CSVN phục vụ quyền lợi cũng như chiến lược Á Châu của Mỹ. Tuy nhiên chính sách này đã và sẽ tiếp tục khiến cho những dân tỵ nạn đang ủng hộ đảng Dân Chủ bối rối không ít, loay hoay tìm cách biện giải. Họ sẽ tiếp tục trực diện một mâu thuẫn lớn, một mặt là chính sách của đảng Dân Chủ, chủ trương “hoà hợp hòa giải” tối đa với chính quyền CSVN sau khi đã bức tử VNCH và chống việc nhận dân tỵ nạn, và mặt khác là với tư cách một người tỵ nạn, làm sao ủng hộ chính sách thân thiện, HHHG tối đa với CSVN được?

Dù sao đi nữa thì cho dù bà Hillary hay bất cứ ông hay bà Cộng Hòa nào làm tổng thống thì dân tỵ nạn cũng đừng nên hy vọng gì nhiều. Tổng thống Mỹ phục vụ quyền lợi nước Mỹ và dân Mỹ, không phục vụ quyền lợi dân tỵ nạn VN. Đối với họ, khối dân tỵ nạn Việt chỉ là một nhóm cử tri Mỹ rất ư là nhỏ, chẳng có tiếng nói gì trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong khi CSVN với gần 100 triệu dân nằm sát nách Trung Cộng, là một con chốt đáng kể trong thế cờ chiến lược của họ. (28-06-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
20/08/201523:11:25
Khách
Theo tui biết thì đến bây giờ hillary vẫn còn lập lờ chưa công khai ủng hộ hay phản đối TPP. Hẳn là đang đợi xem bên nào chung chi đậm hơn đây mà.
20/08/201516:12:11
Khách
Không đọc các comment thì tiếc vì muốn nhận thức lời hay,ý đẹp mà mỗi người muốn diễn đạt khi viết lên đây,tuy nhiên rất khó đọc khi gõ tiếng Việt không có dấu và cũng chẵng có dấu chấm,dấu phẩy gí cả. Mong quý bằng hữu vui lòng theo đúng quy định của Việt báo. (Nếu cần quý vị có thể gõ bằng Anh ngữ cũng đọc được). Cám ơn.
19/08/201522:39:08
Khách
nuoc my da dai dot bau cho tong thong obama 1 nguoi noi nhieu ma lam it chu yeu tong thong obama chi gioi noi ma lam thi qua te lam cho nuoc my di xuong dong minh nuoc my thi khong con tin tuong va ke thu nuoc my thi coi nuoc my khong ra gi gi tong thong obama chi nhuong bo voi ke thu ma lam kho voi cac dong minh cua my nay ma bau cho ba hillary thi nuoc my co khac gi voi tong thong obama va nuoc my chi co nuoc xuong cap nhieu hon nua
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.