Hôm nay,  

Du Tử Lê Viết Về 40 Năm Văn Học Nghệ Thuật 1975-2015

23/06/201500:00:00(Xem: 5123)

Nói chính xác, nhà thơ Du Tử Lê chỉ viết sơ lược thôi, vì trước cả khối thông tin tràn ngập của thời sau 1975 với cuộc cách mạng Internet, không ai có thể viết đầy đủ hoặc chi tiết về các sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt từ 1975 tới 2015.

Nhưng 40 năm là một dấu mốc tốt, dấu mốc quan trọng, vì Du Tử Lê đã trải qua dài hơn 40 năm cầm bút, nơi đây ông ngắt khoảng ra để nói về những người sinh hoạt văn nghệ ông quan sát, trong và ngoàì nước -- những người có tác phẩm mà ông đã đọc, có sáng tác âm nhạc mà ông đã nghe, có phim hoặc biên đaọ vũ mà ông đã thưởng thức, có triển lãm tranh mà ông đã xem, có những thành công khi hòa nhập vào dòng chính văn học tiếng Anh hay tiếng Pháp mà ông chứng kiến, có thơ và truyện mà ông đã trân trọng theo dõi.

Cho dù gom trọn 40 năm vào một công trình lớn như thế, ông vẫn bày tỏ cảm nhận về tính bất toàn.

Du Tử Lê tự trình bày về tác phẩm biên khảo của ông có tựa đề “Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật (1975-2015)” rằng, trích:

“Cách đây nhiều năm, khi khởi sự viết tập sách này, vì không hề có tham vọng làm công việc giống như “tổng kết” hay “tổng quan” một giai đoạn VĂN HỌC NGHỆ THUẬT quá rộng lớn nên, chúng tôi đã giới hạn nội dung bằng cách minh thị ngay nơi tựa sách là: “Sơ lược 40 năm VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT (1975- 2015)”.

Chúng tôi cũng không hề có tham vọng đóng vai nhà phê bình văn học mà, chỉ là người thu thập, ghi nhận một số những tác giả hiện diện trong sinh hoạt VĂN HỌC NGHỆ THUẬT giai đoạn vừa kể, không phân biệt hải ngoại hay trong nước.

Việc phê bình, lượng định giá trị tác phẩm của giai đoạn này, tôi trộm nghĩ, là công việc của các nhà phê bình văn học.

blank
Bìa sách.

Chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh, những tác giả không có tên trong cuốn sách này, không phải vì đóng góp của họ không đáng kể (đôi khi trái lại) - Tuy nhiên vì những lý do chủ quan hay khách quan, như:

- Thiếu tư liệu. (Hoặc)

- Chúng tôi đã viết xuống, nhưng vì giới hạn số trang do công ty Amazon quy định, nên chúng tôi buộc lòng phải để dành cho một lần in khác.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm cho rõ:

- Có những tác giả khởi nghiệp tự trước thời điểm tháng 4- 1975, như các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tường Giang, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Thánh Thư...; các nhà báo như Đỗ Ngọc Yến, Lê Thiệp, Vũ Ánh, Lê Đình Điểu...; hoặc các nhạc sĩ như Đăng Khánh, Trần Duy Đức, Trần Quảng Nam... Nhưng họ chỉ được quần chúng biết đến nhiều kể từ ngày định cư tại hải ngoại...

Do đấy, chúng tôi chọn ghi tên họ trong giai đoạn VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT 1975- 2015.

- Cũng có những tác giả hiện diện ở nhiều hơn một lãnh vực, thí dụ từ văn xuôi, thi ca tới phát thanh, báo chí như Trần Trung Đạo, Phạm Quốc Bảo, Việt Dzũng... thì, chúng tôi chọn ghi tên họ nơi chương mục mà, dư luận chung cho rằng họ nổi bật nhất.

- Chúng tôi chọn viết, giới thiệu một số tác giả, có thể còn xa lạ với đám đông. Nhưng trong ghi nhận của tôi, họ đã vượt được chính họ về nội dung hay hình thức... Hoặc ở nơi họ, có đôi nét đặc biệt nào đó mà, tôi không thấy ở các tác giả khác.

- Vì hoàn ảnh địa lý / chính trị đặc biệt của đất nước, trong cuốn sách này, chúng tôi cũng thêm một chương tạm gọi là “Những văn, nghệ sĩ vào được dòng chính”, như các nhà văn Lan Cao, Thuận, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, hay biên đạo múa Thắng Đào...

- Lại nữa, tên tác giả được sắp xếp theo alphabetic, căn cứ vào chữ đầu, mà không y cứ theo thời gian bài viết được phổ biến.

Ngoài ra, mọi khiếm khuyết khác không thể tránh khỏi, thuộc trách nhiệm của cá nhân chúng tôi.

Dám mong bạn đọc rộng lòng lượng thứ.”(hết trích)

Chỗ này xin nói thẳng với nhà thơ Du Tử Lê và nơi đây là nhà biên khảo văn học:

-- Ông nói rằng ông “không hề có tham vọng” nhưng công việc của ông đã rất mực công phu, chưa ai vượt qua được khi nói về thời kỳ 40 năm văn học nghệ thuật này;

-- Ông nói rằng ông không đóng vai nhà phê bình văn học, nhưng ngay việc ông lựa chon tác giả để đưa vào bộ sách văn học nghệ thuật – thí dụ, chọn người làm thơ để đưa vào sách, không chọn người làm vè – cũng là một tiến trình sàng lọc cuả nhà phê bình;

-- Việc chọn người đưa vào sách cũng không dựa theo đám đông, mà chọn vì, theo ông, “họ đã vượt được chính họ về nội dung hay hình thức” cũng là một phê bình công phu rồi vậy.

Sự khiêm tốn của Du Tử Lê thực sự chỉ để dè dặt nói về những thiếu sót có thể có. Và dĩ nhiên, ai cùng có thể có thiếu sót.

Phải chăng, Du Tử Lê muốn để giành các thiếu sót trong sách này cho các nhà nghiên cứu khác?

Thí dụ, trong Chương Một về Âm Nhạc,” Du Tử Lê không bàn về cổ nhạc, không nói về vọng cổ hay đàn tranh, đàn bầu… Một phần có thể hiểu, vì riêng chương này đã nói về 12 nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn trong thời kỳ 1975-2015. Nếu chọn theo tiêu chuẩn “ảnh hưởng” sẽ thấy rằng chỉ có sáng tác tân nhạc là sức mạnh lớn và có những dấu mốc lịch sử thấy rõ.

Đó là lý do, Du Tử Lê viết về các ca nhạc sĩ: Đăng Khánh, Đào Nguyên, Trọng Nghĩa và Mộng Lan, Nguyên Bích, Phạm Anh Dũng, Trần Duy Đức, Trần Quảng Nam, Trúc Hồ, Tuấn Anh, Việt Dzũng…

Vâng, đúng là có nhiều nơi Du Tử Lê không phải là nhà phê bình văn học. Thí dụ, khi viết về một dòng nhạc rất riêng, Du Tử Lê nhìn bằng cặp mắt ngó suốt một cõi thâm sâu, để thấy nhạc và thơ đã trở thành thịt xương trộn lẫn mang tên Trần Duy Đức, trích:

“Họ Trần muốn đi tới những chân trời mà, điểm gặp cũng là chỗ giao thoa giữa thơ và nhạc. Họ Trần muốn đi tới phần ngọn nguồn tinh ròng hay, thẳm cùng đáy sâu thử thách. Nơi những rung động cảm thức không chia hai. Chỉ là một. Sự là-một, rốt ráo của thi-ca vốn chưa từng phân, ly. Chưa từng ngăn cách.

Hôm nay, giữa quê người, ở tuổi ngoài sáu mươi, với hơn hai mươi năm ăn ở thủy chung với thi-ca, chân dung âm nhạc của họ Trần, là chân dung Thi-Ca. Diện mạo đó, không phải là diện mạo song sinh của hai giọt nước, hai cõi đời văn chương và nghệ thuật - - (Mà,) nó đã là một. Một định hình, duy nhất. Một thịt xương, trộn lẫn, duy nhất.

Chính tính bất khả phân kia, nơi đời kiếp âm nhạc mang tên Trần Duy Đức, đã làm thành một Trần Duy Đức, riêng. Rất riêng.”(trang 59)

Trong Chương 2 về Xuất Bản, Du Tử Lê viết về Đỗ Ngọc Yến, Lê Đình Điểu, Lê Thiệp, Ngụy Vũ, Phạm Quốc Bảo, Vũ Ánh, Vũ Quang Ninh.

Dĩ nhiên là thiếu sót, có thể hiểu được. Tất cả các nhân vật ngành xuất bản này (duy Vũ Quang Ninh có đỉnh cao riêng về sự nghiệp phát thanh) đều là người hải ngoại, không ai trong nước.

Trong đó, có người cựu tù cải tạo nổi tiếng là Vũ Ánh, người khi còn trong trại tù cộng sản đã cùng một số bạn tù làm báo chui, lấy tên báo Hợp Đoàn, và khi bị lộ, riêng Vũ Ánh bị thêm 6 năm cùm và biệt giam. Tới khi sang Hoa Kỳ, Vũ Anh lao vào một say mê mới: tìm đọc hồ sơ mật về chiến tranh Việt Nam do Bộ Ngoaị Giao Mỹ và Ngũ Giác Đài giảỉ mật. Đọc như thế, vừa phải giỏi tiếng Anh, vừa phảỉ có kiến thức rộng để đối chiếu các hồ sơ mật.

Do vậy, Vũ Anh cũng là một hiện tượng làm Du Tử Lê khâm phục, và đã viết trong bài “Kẻ sĩ thời nhiễu nhương / Vũ Ánh/ không còn nữa” nơi Chương 2, trích:

“…Ngồi với nhau chung một ghế salon nơi phòng khách nhà Khánh Hòa, tôi nói với bạn tôi về tài liệu bí mật chiến tranh VN, Ngũ giác đài mới giải mật mà, bạn tôi đang dịch từng kỳ cho báo Sống. Tôi cũng nói với bạn tôi rằng, tôi có theo dõi loạt hồi ký 13 năm tù cải tạo của bạn, hàng tuần... Trước khi có nhiều khách tới, tôi còn kịp nói với ông, lòng khâm phục của cá nhân tôi và, lập trường bất thối chuyển của ông về các vấn đề lớn của đất nước..." (trang 158-159)

Nơi Chương 3 là “Điện Ảnh, Sân Khấu”… Dĩ nhiên, Du Tử Lê không viết đầy đủ về lĩnh vực này. Ông không viết về các vở cải lương. Nhưng chỉ riêng về những người ông đưa vào tuyển tập, hẳn là cũng đủ cho quan tâm nhiều thành phần trong công chúng.

Trong chương này, Du Tử Lê viết về đạo diễn Đinh Anh Dũng, về Lê Đình Ysa người dựng rạp VAALA cho các đạọ diễn gốc Việt chiếu phim trong các dịp đaị hội điện ảnh hàng năm, về Thắng Đào người biên đạo vũ Ballet trên sân khấu Mỹ, và về “những đạo diễn trẻ và Trần Anh Hùng trên màn ảnh thế giới.”

Du Tử Lê trong chương này đã viết về Lê Đình Ysa, trích:

“…Nhưng, những gì Ysa đã làm, theo tôi, nó còn bắt nguồn từ một trái tim lớn. Trái tim của một người trẻ ở quê người, muốn nâng hai chữ Việt Nam lên tầm cao hơn, xa hơn nữa, giữa quảng trường Văn Học Nghệ Thuật thế giới, (từ đôi vai nhỏ bé, gầy guộc của mình!).


Chính điều này, khiến tôi thấy, đóng góp của Ysa cho Việt Nam, đáng trân trọng như bất cứ một đóng góp to lớn nào ở các lãnh vực khác, của những người trẻ Việt khác, nơi quê người, 40 năm qua.

Tôi tin, những đóng góp đó, của Ysa, sẽ còn ở lại với Việt Nam nhiều lần 40 năm, không chỉ nơi quê người mà, luôn cả ở quê nhà, nữa.”(trang 192)

Trong Chương Bốn về Hội Họa, Du Tử Lê viết về các họa sĩ Khánh Trường, Lê Tài Điển, Lê Thánh Thư, Lê Thiết Cương, Vũ Hối. Như thế, nếu nói về điạ lý, các họa sĩ này ở nhiều quốc độ khác nhau ở toàn cầu và có nét vẽ ở các trường phái dị biệt nhau.

Trong bài tựa đề "Khánh Trường, ám ảnh bất toàn trong văn chương và đời sống" nơi Chương 4, Du Tử Lê đã viết, trích:

"Nếu phải chọn một nhà văn tiêu biểu cho trường hợp hay, hiện tượng phức tạp, mâu thuẫn, trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại hơn một phần tư thế kỷ qua, tôi sẽ chọn Khánh Trường. Nguyễn Khánh Trường.

Tôi chọn Khánh Trường/Nguyễn Khánh Trường không phải vì ông là họa sĩ, cùng lúc nhà văn, cùng lúc nhà thơ và cùng lúc nhà báo.

Nơi quảng trường sinh hoạt văn nghệ của chúng ta trong nước, cũng như hải ngoại, không chỉ có một Khánh Trường vừa vẽ, vừa làm thơ, viết văn, lại còn làm báo nữa. Chúng ta có khá nhiều nghệ sĩ, ở trường hợp này. Đó là những lãnh vực, tự nó, có những mối tương quan liền lạc hữu cơ.

Tôi chọn Khánh Trường có dễ bởi Khánh Trường/Nguyễn Khánh Trường tiêu biểu cho ý niệm khá buồn thảm: Người là con vật bị ngộ nhận.”(trang 209-210)

Nơi Chương 5 về “Những Tác Giả Nhập Được Vào Dòng Chính,” Du Tử Lê viết về:

- Lan Cao, cây bút Việt vào được dòng chính văn chương Hoa Kỳ;

- Nguyễn Mạnh Cường, thành công với nỗ lực đem nhạc tới với th1nh giả Hoa Kỳ;

- Tính nhất thể nghệ thuật nơi tranh Nguyễn Việt Hùng;

- Thuận (Paris), nhà văn thận trọng từng dấu phẩy, dấu chấm.

Trong bài “Tính nhất-thể-nghệ-thuật nơi tranh Nguyễn Việt Hùng” Du Tử Lê viết, trích:

“…Tuy nhiên, ở vị trí người thưởng ngoạn, tôi cho căn bản, cõi giới tranh Nguyễn Việt Hùng vốn là một cõi giới mang tính biểu cảm mạnh mẽ, dữ dội - - Không chỉ qua màu sắc mà, nó còn lung linh nơi những hình tượng, những họa tiết vi tế, tỉ mỉ, công phu… Như những nỗ lực xuyên thấu độ sâu cảm thức. Ông thường dùng nhiều màu nóng, cho những bức tranh sôi động nhiệt hứng của mình. Nhưng ngay cả khi ông dùng màu lạnh để dẫn dắt người xem chìm vào cõi tĩnh lặng thì, độ “nóng” nơi những game màu này của Nguyễn Việt Hùng, cũng vẫn hất ngược người xem vào những địa giới vô thức, nhục cảm.

Lại nữa, với tôi, dường như tương quan giữa thiên nhiên và nhục cảm trong hội họa Nguyễn Việt Hùng cũng đã trộn lẫn, cũng đã hòa tan, để trở thành nhất-thể.

Nói cách khác, cuối cùng, thiên nhiên hay bất cứ tâm thái nào khác, một khi đã đi vào cõi giới hội họa Nguyễn Việt Hùng, cũng đều trở thành nhất thể. Đó là nhất-thể-nghệ-thuật mang tên Nguyễn Việt Hùng, vậy.”(trang 267-268)

Trong Chương Sáu về Thi Ca, Du Tử Lê đã viết về: Nguyễn Tuyết Lộc, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Thanh Văn, Bùi Vĩnh Hưng, Cao Đông Khánh, Đa Mi, Đặng Hiền, Đỗ Hồng Ngọc, Đỗ Tấn Đạt, Đoàn Minh Châu, Hà Duy Phương, Hồ Minh Tâm, Hoàng Thượng Dung, Lê Nguyên Tịnh, Lê Phương Châu, Miên Di, Ngô Tịnh Yên, Ngọc Hoài Phương, Ngưng Thu, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Nguyễn Lâm Thắng, Nguyễn Phương Thúy, Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phạm Chu Sa, Phan Tấn Hải, Phương Uy, Trần Kiêm Thêm, Trần Mộng Tú, Trần Thi Ca, Xuyên Trà.

Chúng ta thử lật ra một trang bất ngờ, thí dụ, bài “Vai trò thi-nhãn trong thơ Ngô Tịnh Yên,” trong này Du Tử Lê nhận định:

“Đúng như ghi nhận của nhà thơ Luân Hoán, “Lục bát năm 2000” của Ngô Tịnh Yên, xuất bản năm 2002, đã đem họ Ngô ra khỏi hàng ngũ những người nữ làm thơ cùng thời. Lục bát Ngô Tịnh Yên qua thi phẩm này, cũng đem lại cho họ Ngô một vị trí riêng. Một chỗ ngồi khác.” (trang 391)

Và nơi đây, chúng ta có thể trích thơ Ngô Tịnh Yên:

“Gió đem sợi tóc chẻ hai
Mưa chẻ những giọt ngắn dài vấn vương
Tình yêu chẻ những vết thương
Biệt ly chẻ những con đường lá bay
Hoa hồng chẻ mấy nhánh gai
Đường ngôi chẻ một, bàn tay chẻ mười
Con sông chẻ sóng bồi hồi
Nỗi buồn chẻ nhỏ, nỗi vui chẻ ngàn
Củi ngo còn dóm bếp than
Lòng tôi ai chẻ những tàn tro bay?”(trang 393)

Và thử mớ ra một trang bất kỳ khác, thí dụ, bài "Khi văn chương Nguyễn Thị Khánh Minh hắt bóng trên dặm trường nhân thế" Du Tử Lê nhìn về nhà thơ nữ họ Nguyễn:

“Nhưng điều tôi biết được, cho đến ngày hôm nay thì, Thi Ca và Nguyễn Thị Khánh Minh chính là một hôn phối lý tưởng. Mỗi phía đã tìm được nửa phần trái tim thất lạc của mình.

Tôi gọi đó là một hôn phối lý tưởng vì, khởi tự cuộc phối ngẫu này, những con chữ đằm đằm chân, thiết ra đời.

Những con chữ được sinh thành từ tình yêu Thi Ca / Nguyễn thị Khánh Minh, khoác nơi tay nó những hình tượng mới mẻ, hắt bóng trên dặm trường nhân thế, những chiếc bóng lấp lánh thương yêu và, những nhịp chuyển, dịch mới, tách, thoát hôm qua.

Dù cho đôi lúc, nghỉ chân nơi dọc đường gập ghềnh trí tuệ cam go, Nguyễn Thị Khánh Minh chợt thấy: “Thương niềm đau từng mặt chữ long lanh…”…”(trang 454)

Cũng nơi đây, xin mời đọc mấy dòng thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh:

“Thơ,

Có khi Nó cõng tôi qua một cơn phiền muộn
Có khi Nó cho tôi một giấc mơ bình yên
Với những lãng quên cần thiết
Đôi khi Nó khiến tôi thành con bé
Nhìn mọi điều với con mắt mơ mộng cả tin
...
Cho tôi bay cao
Chỉ riêng nỗi đau từ chính Nó gây ra
Nó lại không làm gì cả
Chỉ thản nhiên bóc ra từ tôi những hạt lệ..."(trang 456-457)

Nơi Chương Bảy về “Văn Xuôi” Du Tử Lê viết về các nhà văn, nhà phê bình, với: Cao Xuân Huy, Đặng Phú Phong, Đặng Thơ Thơ, Đào Hiếu, Đỗ Vẫn Trọn, Hà Quang Minh, Kha Thị Thường, Lê Đình Đại, Lê Lạc Giao, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Tường Thiết, Phạm Xuân Đài, Trần Hoàng Trúc, Trần Thu Miên, Trần Trung Đaọ, Trần Yên Hòa.

Trong bài “Cao Xuân Huy, tính lương thiện của một nhà văn,” tác giả Du Tử Lê ghi lại suy nghĩ về nhà văn họ Cao:

“Nếu có những người dành cả một đời để viết văn, xuất bản hàng chục tác phẩm chỉ với mục đích mong muốn được đời nhìn nhận là nhà văn mà, thực chất không đạt được thì, Cao Xuân Huy, ngược lại. Ông được văn giới nhìn như một nhà văn đúng nghĩa với tác phẩm “Tháng Ba Gẫy Súng,” ấn hành lần thứ nhất năm 1985....

... Tôi cũng không biết có phải định mệnh đã chọn Cao Xuân Huy làm một (trong vài) nhân chứng chiến tranh ở phía khác của chiến tranh? Phía của những sự thật trần truồng và, những vinh quang tự thân không cần thêm son phấn?” (trang 527-582)

Đặc biệt, trong bài viết “Lê Lạc Giao, tính điềm tĩnh trong cõi-giới truyện ngắn,” Du Tử Lê đã nhận ra một văn phong lạ ở họ Lê, trích:

“Tôi thấy, tôi cần phải nói ngay rằng, tôi thích lắm cái phong thái điềm tĩnh của họ Lê, trong truyện “Nụ cười buồn mùa hè” và, “Bên này ước vọng”.

Tôi hằng nghĩ, thước đo chuẩn xác nhất tài năng một nhà văn, ở lãnh vực truyện kể là, tính điềm tĩnh.

Vẫn theo tôi, nhà văn chỉ làm chủ được ngòi bút (những xung động) của mình, khi y có được cái phong thái điềm tĩnh. Để không bị lôi tuột, cuốn trôi theo cường lực thủy triều của những đột biến tình cảm lúc sáng tác.

Nếu cần phải cho điềm tĩnh một tên gọi thì, tôi muốn gọi đó là những dấu lặng, cần thiết. (Như những dấu lặng trong âm nhạc).

Chúng cho nhà văn cơ hội nhìn ra, ghi xuống nhiều chi tiết. Những chi tiết giúp Truyện có được sự giầu có. Thậm chí, chiều sâu.

Đọc truyện ngắn Lê Lạc Giao hôm nay, tôi lại trộm nghĩ, có dễ cũng từ phong thái điềm tĩnh kia mà, Lê Lạc Giao đã làm mới được những mô tả, trong cõi-giới truyện ngắn của mình.”(trang 618-619)

Nhìn tổng quan, hơn 700 trang sách nhìn về 40 năm văn học nghệ thuật 1975-2015, nhà thơ Du Tử Lê đã làm một việc rất là cực nhọc, công phu, hy hữu.

Hoàn toàn không dễ để ghi lại như thế, công việc vừa là của nhà biên khảo văn học sử, vừa là giữ vai trò của người thưởng thức nghệ thuật, đánh giá và phê bình.

Trong 4 thập niên qua, đây là tác phẩm công phu nhất để giữ vị trí gần như một Tự Điển Bách Khoa về Các Tác Giả Văn Học Nghệ Thuật.

Độc giả muốn tìm mua sách có chữ ký của tác giả, xin liên lạc với: phanhanhtuyen@gmail.com / Tel: (714) 383.4937

Độc giả cũng có thể đọc một số trang, tìm mua qua Amazon.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.