Hôm nay,  

Nhật Ký Biển Đông: Việt Nam: Trọng Tâm Của Kế Hoạch Xoay Trục?

02/06/201500:00:00(Xem: 4560)

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Năm ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:

- VnTimes ngày 15/5/2015: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và phu nhân thăm Việt Nam từ ngày 22 đến 23/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình thông báo hôm qua. Dự kiến, ông Ban Ki-moon sẽ chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dự lễ khánh thành Ngôi nhà chung của LHQ, gặp gỡ các cơ quan của LHQ tại Việt Nam và nói chuyện tại Quốc Hội.” Theo tin AP gửi đi từ Hà Nội ngày 22/5/2015, “Trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông mà sự khăng khăng của Trung Quốc đã khiến các quốc gia láng giềng nhỏ bé lo sợ. Ô. Ban Ki-moon cũng nói với báo chí rằng Chủ Tịch Trương Tấn Sang của Việt Nam cũng đã trình bày với ông những lo lắng về an ninh khu vực và Biển Đông. Ô. Ban Ki-moon cũng có cuộc nói chuyện tại Quốc Hội Việt Nam.”

- VOA tiếng Việt ngày 16/5/2015: Ông David Shear, Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ nói, “Chúng ta khẳng định quyền tự do đi lại tại những khu vực như thế và chúng ta hành xử quyền này thường xuyên tại Biển Đông cũng như trên toàn thế giới, và chúng ta sẽ tiếp tục hành xử quyền này trên mặt biển cũng như trên không.” Còn Ô. Daniel Russel Phụ Tá Ngoại Trưởng nói, “Chúng ta phải ngăn chặn thái độ thách thức như thế.”

- Reuters ngày 17/5/2015: “Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, quyết định cấm đánh cá ở Biển Đông từ ngày 16 Tháng 5 tới ngày 1 Tháng 8 của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế và thẩm quyền tài phán của Việt Nam và phía Việt Nam kiên quyết phản đối quyết định này.”

- Sputnik News ngày 18/5/2015: “Ông Lý Khắc Cường- Thủ Tướng Trung Quốc lần đầu tiên đến Mỹ La-tinh với tư cách người đứng đầu chính phủ. Ông mang tới Brazil 50 tỷ USD dưới dạng vốn đầu tư và khoản vay ưu đãi. Cụ thể là cấp kinh phí cho tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng từ bờ biển Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương thông qua Brazil và Peru. Thỏa thuận về việc này là phần then chốt của chuyến công cán.” Còn theo VnExpress ngày 23/5/2015, “Trung Quốc và Peru đồng ý nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng đường sắt xuyên lục địa dài 5.300 km, nối bờ Thái Bình Dương của Peru với bờ Đại Tây Dương của Brazil. Thỏa thuận về dự án đường sắt được đưa ra khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Peru, chặng dừng chân thứ ba trong chuyến công du Nam Mỹ..”

- VnExpress ngày 19/5/2015: “Trung Quốc và Thái Lan ký biên bản ghi nhớ xây dựng Kênh Đào Kra Isthmus, được mệnh danh là ”Kênh Đào Panama của Châu Á” ở miền nam Thái Lan, nhằm rút ngắn hải trình của tàu bè Trung Quốc từ Trung Đông về Quảng Châu khoảng 1200 km và không cần thông quá Eo Biển Malacca.”

Nếu kênh đào hoàn tất và đưa vào xử dụng, thế giới sẽ chứng kiến một sự thay đổi ngoạn mục về địa lý chính trị. Vị trí của Thái Lan sẽ vô cùng quan trọng vì là quốc gia quản trị kênh đào. Nhưng người hưởng lợi rất nhiều là Phú Quốc. Kiên Giang sẽ thay thế vị trí của Singapore vì sẽ là nơi nghỉ ngơi của thủy thủ, tiếp liệu hoặc sửa chữa cho các thương thuyền sau chuyến đường dài phát xuất tử Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc và Nga (từ Vladivostok). Đó là lý do tại sao Tân Gia Ba kịch liệt phản đối và tìm cách ngăn chặn dự án này. Nhưng việc hình thành hải lộ chiến lược mới cũng đặt ra vấn đề an ninh cho Việt Nam. Phú Quốc sẽ trở thành một căn cứ hải quân lớn để bảo vệ an ninh trên biển.

Thế mới hay sự đời không ai lường hết được. Nhưng chính sự cạnh tranh quyền bá chủ thế giới hoặc khuynh hướng sinh tồn và phát triển đã làm thay đổi hoặc phá hủy hành tinh này.

- VOA tiếng Việt ngày 21/5/2015: “Ông Hans Kristensen là giám đốc của Dự án Thông tin Hạt nhân của Liên đoàn Khoa học Mỹ nói: Một phúc trình của Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đang nâng cấp khả năng phi đạn của mình bằng cách đặt nhiều đầu đạn hạt nhân thu nhỏ trên các phi đạn đạn đạo. Trung Quốc đã có khả năng làm việc này từ thập niên 1990, nhưng các động thái gần đây nhằm hiện đại hóa lực lượng phi đạn đã khơi ra những quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trạng khu vực ở Châu Á.”

- CNS News ngày 22/5/2015: “Theo Nha Thống Kê, năm 2014, Hoa Kỳ đã chịu một khiếm ngạch ngoại thương là $24,858,700,000 với Việt Nam. Hoa Kỳ bán $5,724,900,000 hàng hóa cho Việt Nam, trong khi Việt Nam bán cho Hoa Kỳ $30,583,600,000.” Cũng theo bản tin này,Ô. Obama đang thương thảo về Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam và 11 quốc gia khác, nhằm loại bỏ thuế nhập cảng và những rào cản không phải là thuế nhập cảng giữa các quốc gia.”

- Báo Đất Việt ngày 22/5/2015: “Hãng trực thăng AgustaWestland của liên doanh Anh - Italia tiết lộ rằng, công ty này đang đàm phán sơ bộ với Hải quân Việt Nam để cung cấp máy bay trực thăng săn tàu ngầm theo nhu cầu.”

- VnPlus ngày 23/5/2015: “Nhận lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ từ ngày 23-26/5. Tháp tùng còn có chín vị tướng bao gồm hầu hết các quân-binh chủng. Chuyến thăm lần này của đoàn nhằm trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh quốc tế, khu vực của mỗi nước, đồng thời bàn các biện pháp nhằm đưa quan hệ quốc phòng song phương thời gian tới lên bước phát triển mới, toàn diện và hiệu quả hơn. Hai bên đã ký “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2015-2020”

- Sputnix News ngày 24/5/2015: “Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Thái Lan yêu cầu Lầu Năm Góc/Ngũ Giác Đài trong vòng năm ngày phải rút khỏi Đảo Phuket các máy bay không quân và lực lượng Mỹ tham gia cuộc tập trận chống hạm Guardian Sea kết thúc từ hôm 20 tháng 5. Theo báo Bangkok Post đưa tin, trích dẫn một nguồn từ Bộ Quốc phòng Thái Lan. Washington đã nhiều lần đề nghị Thái Lan cho phép sử dụng sân bay Phuket phục vụ hoạt động cứu hộ người Rohindja trên biển - những người theo Hồi giáo ở Myanmar bỏ chạy khỏi đất nước do xung đột với cộng đồng Phật giáo.” Đây có thể là phản ứng của giới quân nhân lãnh đạo Thái Lan trước việc Hoa Kỳ cứ can thiệp vào công việc nội bộ của nước họ.

- BBC tiếng Việt ngày 26/5/2015: Trung Quốc vừa công bố Bạch Thư Quốc Phòng mà theo VOA,

“Trung Quốc sẽ tập trung vào tăng cường sự hiện diện quân sự bên ngoài lãnh hải, theo một văn bản chiến lược mới công bố. Chiến lược quân sự của Trung Quốc cũng nói lực lượng không quân sẽ chuyển ưu tiên từ phòng vệ không phận lãnh thổ thành tấn công và phòng vệ với khả năng quân sự rộng lớn hơn.”

Theo Bạch Thư này thì chiến lược quân sự của Trung Quốc chuyển từ phòng ngự sang tấn công, mở rộng chu vi phòng thủ, tiến ra biển lớn để tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ và đưa chiến tranh ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc giống như quan niệm của Mỹ là “phòng thủ từ xa”. Muốn thế thì hải quân phải thật mạnh và có nhiều căn cứ quân sự đóng ở nước ngoài. Nếu Trung Quốc làm được thế thì chu vi phòng thủ từ xa của Mỹ co cụm lại và chiến tranh có thể nổ ra trên đất Mỹ chứ không còn ở xa như trước nữa.

- AP ngày 27/5/2015: “Lính hải quân Việt Nam và Phi Luật Tân đá bóng và vui chơi trên Đảo Song Tử Đông (Northeast Cay) là hòn đảo hiện do Phi Luật Tân chiếm đóng để bày tỏ sự thân thiện giống như cuôc gặp gỡ, vui chơi, uống bia giữa hai bên trên Đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) thuộc chủ quyền của Việt Nam vào Tháng Sáu năm ngoái.”

Rõ ràng đây là hành động liên kết để chống lại sự lấn chiếm và bắt nạt của Trung Quốc. Hai bên Việt-Phi không chính thức công bố nhưng ngầm công nhận chủ quyền của nhau trên các hòn đảo này, đống thời chấp nhận thông qua thương thảo và luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo trong khu vực Trường Sa.

- Blooberg News ngày 27/5/2015: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ nhất về những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, đòi hỏi phải ngưng ngay sự biến cải những bãi đá ngầm và cam kết rằng Hoa Kỳ vẫn duy trì sức mạnh hàng đầu tại Á Châu trong những thập niên tới. Hoa Kỳ sẽ bay, dong tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép và chúng tôi sẽ làm như vậy khắp thế giới. “

- AFP ngày 27/5/2015: “Tại Hạ Uy Di (Hawaii), Ô. Carter- Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đã nói với người đồng cấp Phi Luật Tân rằng cam kết bảo vệ các quốc gia trong Thái Bình Dương của Hoa Thinh Đốn vẫn son sắt và kêu gọi chấm dứt việc biến cải các bãi đã ngầm ở Biển Đông.”

- BBC tiếng Việt ngày 29/5/2015: “Chiều tối (ngày) 29/5, tại Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng thủ tướng các nước thành viên bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã dự lễ ký Hiệp Định Thương Mại Tự Do giữa Việt Nam và Liên Minh Kinh tế Á-Âu. Việt Nam ca ngợi đây là hiệp định “Có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu”.

Hiệp định bao gồm các Chương chính về Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và thể chế. Hàng thủy sản Việt Nam sẽ được mức thuế suất 0%.

- VOV ngày 29/5/2015: “Đối Thoại Shangri La vừa khai mạc cách đây vài tiếng đồng hồ tại Singapore với sự tham dự của khoảng 30 đoàn Bộ Quốc phòng các nước, trong đó đoàn Trung Quốc lần đầu tiên có một Đô đốc Hải quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Tôn Kiên Quốc đến dự và đoàn Mỹ cũng hùng hậu không kém khi có mặt cả Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter lẫn Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện John McCai. Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu.”


- Reuters ngày 29/5/2015: “TNS John McCain đề nghị một dự luật cung cấp khoảng 425 triệu đô-la trong vòng năm năm cho những quốc gia như Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan và Việt Nam để trang bị, tiếp liệu, huấn luyện và xây dựng quân sự trên quy mô nhỏ để đối phó với những thách thức về chủ quyền trên biển của Trung Quốc.” Cũng theo Reuters, trong một cuộc họp báo tại HCM City, Ô. John McCain nói rằng,

“Hoa Kỳ sẽ thi hành một số biện pháp làmTrung Quốc chùn bước/nản chí để không cón có những hành động như vậy.” Còn trong cuộc họp báo bên lề Đối Thoại Shangri-la, TNS John McCain cho biết trong tuần tới ông và các thượng nghị sĩ sẽ đề nghị nới lỏng thêm lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

- Sputnik News ngày 30/5/2015: Về việc Trung Quốc vừa cho bố trí hệ thống pháo binh di động trên các đảo nhân tạo, Tướng Nguyễn Chí Vịnh tuyên bố, “Nếu điều đó thực sự xảy ra, thì sẽ là một dấu hiệu xấu trong tình hình vốn đã không đơn giản ở Biển Đông," Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters bên lề Diễn đàn an ninh ở Singapore. Ông cũng bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế có biện pháp nhằm ngăn chặn các hành động khiêu khích của Trung Quốc.”

Nhận Định

Kể từ khi Mỹ công bố kế hoạch “Xoay Trục” năm 2009 nhằm hướng toàn bộ sức mạnh quân sự của Mỹ về Á Châu để đối phó với sự “trỗi dậy” - nay gọi là bành trướng- của Trung Quốc làm cả thế giới giật mình và người ta liên tưởng tới viễn ảnh như sau:

- Có thể vài ba hàng không mẫu hạm tối tân cỡ như Washington và vài chục chiến hạm cỡ như Fort Worth sẽ ào ào tiến vào Biển Đông, khiến Trung Quốc nghẹt thở và không dám ho he gĩ nữa. Thế nhưng sau sáu năm “Xoay Trục”, Trung Quốc - từ việc công bố thành lập cái gọi là “Thành Phố Tam Sa” để xác định chủ quyền trên Quần Đảo Hoàng Xa cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974, tiến tới việc ban hành lệnh đánh cá, cho tàu hải giám, tàu ngư chính nghênh ngang ngăn chặn hay đâm húc tàu đánh cá, giết hại ngư dân Việt Nam, đâm húc tàu chiến Mỹ khiến tàu chiến Mỹ phải né tránh, tiến chiếm Bãi Cạn Scaborough (Hoàng Nham) (*) của Phi Luật Tân, phong tỏa tàu mắc cạn BRP Sierra Madre không cho tàu Phi Luật Tân tiếp tế cho binh sĩ tại đây- dù tàu Sierra Madre nắm trong lãnh hải của Phi Luật Tân, đem giàn khoan Haiyang 981 tới thăm dò dầu khí trong Khu Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam và biến cải sáu bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo trên đó xây dựng các căn cứ quân sự, cho xây hai ngọn hải đăng trên Đảo Gạc Ma và Châu Viên nằm trong Quần Đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nói tóm lại, Mỹ càng cảnh cáo, càng “Xoay Trục” thì Trung Quốc càng làm mạnh hơn cho dù máy bay thám thính, tàu chiến và tầu ngầm Mỹ đã hiện diện và tuần tra trong vùng.

- Lúc đó các nhà quan sát đểu nghĩ rằng, trước mắt và về lâu về dài, Úc Châu, Tân Gia Ba sẽ là trọng tâm của kế hoạch “Xoay Trục” bởi vì sau khi công bố kế hoạch mới, Ô. Obama hối hả đưa thủy quân lục chiến vào căn cứ Darwin, Úc Châu và chiến hạm tối tân tới Tân Gia Ba. Thế nhưng sau sáu năm thử nghiệm, từ “Xoay Trục” biến thành “Tái Cân Bằng Lực Lượng” dường như các chiến lược gia Hoa Kỳ đã thay đổi chiến thuật. Nước Mỹ có “thói quen” hay “quan niệm” là nếu một chiến lược, một kế hoạch không thành công thì lập tức họ thay đổi chứ không ù lì để chịu chết. Giờ đây, có thể không phải Úc Châu hay Tân Gia Ba mà Việt Nam mới là trung tâm điểm của kế hoạch “Xoay Trục”. Tại sao thế? Có ba yếu tố gần như quyết định:

1) Úc Châu và Tân Gia Ba chỉ là căn cứ phòng thủ từ xa. Hơn thế nữa Úc Châu và Tân Gia Ba không có tranh chấp biển đảo cho nên khó lôi kéo họ trực diện với Trung Quốc khi một cuộc xung đột quân sự nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Ấy là chưa kể khi đụng độ với Trung Quốc nền kinh tế của hai quốc gia này sẽ xụp đổ - điều Úc Châu và Tân Gia Ba luôn tìm cách né tránh.

2) Trong vòng năm hay mười năm nữa, khi Kênh Đào Kra hoàn tất, Eo Biển Malacca trở nên thứ yếu và vai trò của Úc Châu trở nên vô dụng. Lúc đó lại nổi bật lên vai trò của Thái Lan và Việt Nam là quốc gia chủ nhà và quốc gia nằm trên cửa ngõ ra vào của kênh đào chiến lược do Trung Quốc đầu tư.

3) Nếu mạnh thêm về hải quân, Việt Nam có thể đương đầu với Trung Quốc tại Biển Đông và gây cho Trung Quốc những thiệt hại nặng nề với những giàn hỏa tiễn phòng thủ bờ biển di động, tàu ngầm Kilo Hố Đen, khu trục hạm tàng hình Gepard, điều mà Phi Luật Tân, Singapore và Úc Châu không làm được, dù về hải quân Úc Châu mạnh hơn Việt Nam rất nhiều nhưng vì “viễn chinh” tức chiến đấu ở xa nên Úc mất uy thế. Hơn thế nữa, Úc Châu hay Tân Gia Ba không thể chiến đấu đơn độc mà phải có Mỹ đi kèm. Theo tờ Tuổi Trẻ ngày 31/7/2014, Đô Đốc Hải Quân Việt Nam Nguyễn Văn Hiến tuyên bố “Hải Quân Việt Nam đủ sức đánh bại mọi cuộc tấn công trên biển”. Chắc chắn đây không phải là lời khích lệ tinh thần binh sĩ hoặc cưởng điệu trước một đối thủ khổng lồ Trung Quốc có sức mạnh hải quân nhì, ba thế giới.

Cứ nhìn vào những chuyến thăm Việt Nam dồn dập của những nhân vật hàng đầu Hoa Kỳ trong tuần lễ vừa qua chúng ta thấy tầm mức quan trọng của Việt Nam và có thể đó là sự chuyển đổi trong sách lược “Xoay Trục” của Mỹ.

- Ngày 24/5/2015, AP cho biết, “TNS McCain thuộc Đảng Cộng Hòa, cựu tù binh trong chiến tranh Việt Nam – Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện còn TNS Reed của Tiểu Bang Rhode Island thuộc Đảng Dân Chủ sẽ viếng thăm Việt Nam và Tân Gia Ba. Văn phòng của TNS Reed cho hay, phái đoàn sẽ gặp gỡ các giới chức lãnh đạo tại Hà Nội và HCM City để thảo luận về các vấn đề an ninh, kinh tế trong vùng Châu Á Thái Bình Dương.” Theo BBC tiếng Việt ngày 29/5/2015, Ô. John McCain đã gặp TBT Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh và Bộ Trướng Công An Trần Đại Quang và tiếp xúc với một số nhà hoạt động xã hội dân sự trong nước. Rồi BBC tiếng Việt ngày 25/5/2015 cho hay, “Ô. Carter- Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ tới Việt Nam vào ngày 31/5 từ Singapore, nơi ông tham dự diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La. Chi tiết chuyến thăm còn được giữ kín, nhưng ông được tin sẽ ở thăm Việt Nam hai ngày.” Theo tin Reuters gửi đi từ Hải Phòng ngày 31/5/2015: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Carter cam kết viện trợ 18 triệu Mỹ Kim để Việt Nam mua tàu tuần tra ngay sau khi đi đi xem một tầu tuần duyên của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm húc trong cuộc đụng độ tại giàn khoan Haiyang 981. “ Tại Hải Phòng, Ô. Carter tuyên bố, “Chúng ta cần canh tân/hiện đại hóa quan hệ hợp tác. Sau 20 năm, có rất nhiều việc chúng ta có thể làm chung.” (We need to modernize our partnership. Carter told reporters during a visit to the northern city of Hai Phong. After 20 years, there is more we could do together.)

Rồi vào ngày 27/5/2015, VOA tiếng Việt loan tin Phụ Tá Bộ Trưởng Đặc Trách Kinh Tế và Thương Mại Mỹ Charles Rivkin thăm Hà Nội và thành phố HCM trong 4 ngày, từ 26 tháng 5 tới ngày 30 tháng 5, để củng cố các quan hệ kinh tế, để làm nền tảng cho các quan hệ vững mạnh nói chung của Mỹ với các nền kinh tế này của Châu Á.”

Cộng thêm với những biến chuyển ngoại giao dồn dập, theo Blooberg News ngày 21/5/2015, “Trong một cuộc phỏng vấn tại Hà Nội hôm Thứ Năm 21/5/2015, Đại Sứ Ted Osius nói rằng, “Chính những thủ đoạn chiếm đoạt lãnh thổ của Trung Quốc tại những vùng còn đang tranh chấp ở Biển Đông đã làm cho người láng giềng cộng sản Việt Nam xích lại gần hơn với Hoa Kỳ.” Ô. Osius còn nói thêm, “ Sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sâu rộng thêm từng tuần, nếu không muốn nói là từng ngày.”

Qua lời cảnh báo mạnh mẽ của Bộ Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter ngày 27/5/2015 chúng ta thấy nếu Trung Quốc không dừng tay lại thì một cuộc đụng độ quân sự chắc chắn sẽ xảy ra. Lúc đó Mỹ rất cần một đồng minh quân sự nằm ngay trên chiến trường. Đó là Việt Nam.

Đây có thể là toan tính mới của các chiến lược gia Hoa Kỳ sau sáu năm thử thách kế hoạch “Xoay Trục” không đi đến đâu, mà một số nhà bình luận cho rằng Ô. Obama đã làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Về vấn đề Trung Quốc biến cải các bãi đá ngầm thành căn cứ quân sự, trong cuộc gặp gỡ riêng với Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Ngoại Trưởng Vương Nghị không tỏ dấu hiệu nhượng bộ nào cho dù Ô. John Kerry đã thúc giục Trung Quốc giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông. Ô. Vương Nghị nói rằng quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc không gì lay chuyển được. Bằng cớ là vào ngày 29/5/2015 báo chí Mỹ loan tin Hoa Lục đã cho đặt các hệ thống pháo binh di động trên các hòn đảo nhân tạo này.

Tình hình rõ ràng là khẩn cấp, nước Mỹ bình luận và báo động loạn cả lên trong khi Trung Quốc đe dọa nếu Hoa Kỳ còn can dự vào chuyện Biển Đông thì Thế Chiến III sẽ không tránh khỏi. Vào ngày 30/5/2015, tạp chí Forbes loan tin, Tuần Dương Hạm Shiloh của Mỹ trang bị hỏa tiễn hành trình đang thấy tiến vào Quân Cảng Subic Bay nằm ở đông bắc Manila.

Đúng vậy, thế chiến đang ở vào tình huống có thể nổ ra bất cứ lúc nào, nhưng chưa biết Việt Nam - dù về phần minh đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng - sẽ can dự trong liên minh quân sự với Mỹ tới mức độ nào. Chúng ta chờ xem.

Đào Văn Bình

(California ngày 1/6/2015)

(*) Chính Mỹ đã làm mất bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân năm 2012 khi đứng ra làm trung gian để hai bên cùng rút quân. Phi Luật Tân nghe lời Mỹ rút quân, nhưng quân Trung Quốc vẫn ở lại. Nguyên do cũng chỉ vì lúc đó, dù đã “Xoay Trục” nhưng Mỹ lại không muốn đối đầu với Trung Quốc nhưng nay lại phải đối đầu với nguy cơ lớn hơn. Đúng là “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Lịch sử thế giới cho thấy nhiều đại cường dù binh hùng tướng mạnh nhưng thất bại cũng chỉ vì do dự, không quyết đoán. Đánh thì không đánh, lùi thì không lùi là đại kỵ trong binh pháp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thế kỷ hiện nay có nhiều biến động. Qua các yếu tố, chính yếu là vật chất, thế giới chúng ta đang sống, ngày càng thu nhỏ lại
Mấy năm trước đây, khi Tổng-Thống Bush lên tiếng kêu gọi toàn cầu tiếp tay chống khủng-bố thì Việt-Nam
Mỗi sáng chủ nhật trong tháng 9, thiền sư sẽ thuyết pháp và tu viện mở cưa" để đại chúng có thể tới nghe
Loạt bài ký sự tham luận về Phong thủy, tử vi số và huyền học của PTTVG Song Lộc (626) 289-8467.
Gần đây thế giới ghi nhận nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Sự tăng trưởng đã làm cho Thái Lan lo ngại
Khi doanh nhân người Mỹ tên Hoan Nguyễn đến Việt Nam cách đây 1 thập niên với những dự án xây dựng một ngôi trường quốc tế
Ngược lại, một cơn chấn động nhỏ ở xứ này lại có thể đảo lộn trật tự xứ khác và gây khủng hoảng toàn cầu trong nhiều năm liền.
Sau các đợt đàn áp những người đấu tranh đòi dân chủ, tự do và đòi đất, đòi nhà, đòi lương bổng công bằng từ đầu năm đến giờ
Cờ bạc và lễ hội là một trong những đặc thù của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam. Xã hội cổ Việt Nam xây dựng trên căn bản nông nghiệp
Chỉ còn hơn một tuần nữa là Đại-hội lần thứ 21 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ sẽ diễn ra từ ngày thứ Sáu 24 đến ngày Chủ-nhật 26/8
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.