Hôm nay,  

Góp Ý Về Vấn Đề Nghi Lễ, Chào Cờ Và Trang Phục

02/04/201500:00:00(Xem: 10306)

1-Về treo cờ: Luôn luôn cờ Hoa Kỳ phải được dựng ở bên phải của sân khấu, nhìn ra khán giả, hay ở bên trái của khán giả khi nhìn lên sân khấu. (The flag of the United States of America, when it is displayed with another flag against a wall from crossed staffs, should be on the right, the flags own right, and its staff should be in front of the staff of the other flag.) Nghĩa là nếu có nhiều lá cờ khác nhau dàn trải theo một hàng ngang, thì lá cờ Hoa Kỳ phải được dựng trước tất cả mọi lá cờ khác.

2-Về hát quốc ca: Quốc Ca Việt Nam phải được hát trước Quốc Ca Hoa Kỳ, vì người Mỹ tôn trọng khách nước ngoài. Khi hát Quốc Ca Việt Nam, tất cả đứng nghiêm, nhưng khi hát Quốc Ca Hoa Kỳ, thì những ai đã có quốc tịch, xin để tay lên ngực trái. Vấn đề chào tay chỉ dành riêng cho quân nhân mặc quân phục mà thôi, trừ Tổng Thống là Tư Lệnh Tối Cao, thường không mặc quân phục, nhưng vẫn chào tay. Riêng với toán hát Quốc Ca trên sân khấu, nên làm giống nhau, nếu đã muốn để tay lên ngực trái khi nghe hát Quốc Ca Hoa Kỳ thì cùng để một lượt, không nên loạc choạc, người để, người không!

3-Về tiếng hô chào kính: Nhiều cuộc nghi lễ trang trọng có mời chính khách quốc gia bạn đến chào cờ, cộng đồng Việt Nam có toán Quốc Kỳ Mỹ-Việt diễn hành đi trước hàng quân và đứng ở khoảng cách đều giữa hai cạnh của sân khấu. Khi di chuyển, đứng nghiêm hay chào kính, một số người điều khiển thường hô “Phắc!” để ra lệnh bỏ tay xuống! Từ khi đi lính cho đến khi rời khỏi Việt Nam năm 1975, các quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn quen hô chào kính theo kiểu Pháp như thế này, nhưng sau khi đến Mỹ, hô kiểu này làm cho người Mỹ ngạc nhiên và có thể mất cảm tình với chúng ta. Xin đề nghị đổi lại, thay vì hô “Phắc”, thì hô: “Bỏ Tay! Xuống!” nghe thoải mái hơn và không gây hiểu nhầm cho người ngoại quốc. Có vị né tiếng “Phắc” thì đổi thành tiếng “Phúc” cũng thay đổi gì mấy.

4-Về việc mặc quân phục: Thời gian sau này, có rất nhiều vị nữ lưu thích mặc quân phục để đi diễn hành, hay để lên chào cờ. Việc này cũng không ảnh hưởng chi lắm đến nghi lễ, nhưng xin lưu ý là nếu mặc quân phục, phải học các kiểu chào kính và di chuyển, không thể chào tay mà mở cả bàn tay ra ngoài trước, cũng không cong cánh tay chào. Tuyệt đối không cười, dù cười mỉm. Một số nữ lưu có vẻ thích thú với việc mặc quân phục nên vừa chào vừa cười làm mất giá trị bộ quân phục, và biến nghi lễ thành ra trò vui. Ngoài ra, nếu không có huy chương thì đừng mang huy chương. Có vị bịa ra hàng dẫy huy chương để cho đẹp, như thế không công bình với những người có huy chương thật mà tự trọng không muốn đeo vì đeo càng nhiều, càng ái ngại với việc để cho mất nước, tuy trách nhiệm làm mất nước là do cấp lãnh đạo tối cao cùng với việc phản bội của Đồng Minh. Và đã mặc quân phục thì phải theo đúng Huấn Lệnh, huy hiệu binh chủng phải đeo đúng chỗ, không thể tự tiện thêm thắt linh tinh. Nếu mặc đồ dân sự mà muốn có huy hiệu binh chủng thì có thể dùng những huy hiệu nhỏ bé gài lên áo Vest và gài nhiều lắm là 2 cái, không nên gài tùm lum. Có vị gài cả cái huy hiệu Sĩ Quan trên mũ Cát-két có hàng chữ “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm” to đùng vào ngực áo và thêm 2,3 lá cờ VNCH, cờ Hoa Kỳ nữa, nhìn vào hoa cả mắt! Một số vị thích có khăn quàng cổ có hai lá cờ đính vào nhau: Cờ VNCH và cờ Hoa Kỳ, thấy có vẻ nịnh hót lộ liễu quá! Cờ nào ra cờ nấy, không có việc đính hai lá cờ với nhau như huy hiệu của Viện trợ Mỹ ngày xưa! Áo dài cũng thế! Nếu may áo dài có cả cờ Mỹ và cờ Việt thì chỉ nên mặc trong các lễ nghi của người Mỹ mà thôi, (thí dụ như ở Camp Pendelton) còn với lễ riêng của mình, như lễ giỗ Tổ, giỗ Quang Trung… cần chi phải mặc áo có hai mầu cờ?

5-Về ngôn ngữ: Không hiểu sao, về sau này rất nhiều người điểu khiển chương trình (MC) hay sử dụng nhóm chữ “dựng nước và giữ nước”. Nhóm chữ này cũng không có chi là sai, nhưng vì là nhóm chữ mà Hồ tặc hay dùng trong các bài thơ, bài nói của hắn, khiến cho nhiều người dị ứng. (Hồ tặc đã nói hai lần: Bác có công dựng nước, tôi có công giữ nước! Sau này bọn theo đuôi cứ nhóm chữ đó xài hoài!) Cón chúng ta, ngôn ngữ của chúng ta mênh mông, phong phú, đâu cần phải xài nhóm chữ có tính cách ngớ ngẩn đó. Dựng nước (A) và giữ nước (B) là hai nhiệm vụ bắt buộc phải luôn đi song song với nhau. Có A mà không có B là thất bại, có B mà không có A thì là vớ vẩn! Nên bỏ hai nhóm chữ đó đi.

6-Về trang phục cổ xưa: Trong nhiều lễ tế như lễ giỗ Quang Trung, lễ giỗ Tổ, lễ Hai Bà Trưng… nhiều vị mặc trang phục đại thần, võ quan, lính.. trông rất hấp dẫn. Nhưng xin lưu ý, phải theo đúng trang phục ngày xưa, ít nhất là theo trang phục Triều Nguyễn, không nên bắt chước Tuồng Cổ mà mặc trông rất kỳ quái, biến một nghi lễ cổ truyền thành buổi hát bộ! Mũ quan ngày xưa làm gì có mấy cái cục bông gòn xanh xanh đỏ đỏ, có đính lò xo rung rinh, rung rinh? Thời Quang Trung lấy đâu ra dây kẽm mà làm lò xo? Cho dù trong triều đại nào, mầu vàng vẫn là mầu hạn chế với các quan văn, võ. Chỉ có vua mới mặc toàn vàng. Quan mà dám mặc “hoàng bào” là bị chém đầu! Chỉ những đại quan được mặc áo có điểm mầu vàng, nhiều hay ít tùy theo chức vụ. Trong nhiều “đám rước” văn hóa giỗ Hai Bà, giỗ Tổ, các người đóng vai quan đi đầu mặc áo vàng chóe, có đính kim tuyến lóng lánh, có vị đội mũ lông công, tay cầm phất trần, y hệt diễn viên Hồ Quảng! Cách đi đứng cũng tức cười, vừa vuốt râu, vừa nhắc lên lên, đặt chân xuống theo đúng tiếng nhạc lách cách, loong coong…Có vị không học cách cầm kiếm cứ chĩa mũi kiếm về phía trước như sắp Xung Phong! Nên xem những hình ảnh cũ, để thấy các quan văn vừa đi vừa xỏ tay vào trong tay áo chứ không ai dám vuốt râu..hùm! Triều Nguyễn, mũ các quan cũng đơn giản, có phần phồng lên bọc vào đầu và phía sau có nhô lên một chút mà thôi, hai cánh chuồn ngắn hay dài tùy quan. Mũ các quan to có khảm ngọc quý, quan thường có gắn mấy miếng thiếc khắc chạm nho nhỏ.

7-Về cách đọc văn tế, sớ, các động tác bái quỳ, rút kiếm hay tra kiếm vào vỏ, đánh trống, bước lên bàn thờ, đi xuống bậc cấp… cũng nên tham khảo tài liệu cũ, không nên sáng tác bừa bãi làm mất giá trị văn hóa Việt. Có tổ chức thì hô “Hưng, Bái”, có tổ chức lại hô “Hưng, quỵ”. Cách đọc sớ cũng thay đổi tùy chỗ, có lúc đứng bên bàn thờ, lúc vừa quỳ vừa đọc, có lễ sử dụng tới 8, 10 người, có lễ chỉ có ba, bốn…Rồi trống, phèng la..loạn xạ, tùy hứng, không có một thể thống nhất định nào cả. Một trường hợp phủ cờ do một nhóm “Quân Nhân Trừ bị Tình Nguyện” tổ chức, làm cho những người tham dự cười ồ thay vì than khóc. Ông “Đại Tá” chủ trì không biết hô lệnh, nên ra lệnh cho nhóm người mang súng (giả) chạy tới chạy lui. Không biết cuốn cờ, nên cuốn đại vào tay! Toán hầu kỳ vác súng như vác búa, mũi súng lúc chĩa lên trời, lúc chọc về phía sau, y hệt Charlot! Cũng ông Đại Tá đó vừa đi vừa chĩa mũi kiếm về phía trước, như muốn đâm ai! (Hành động này mà gặp Quân Cảnh thì lãnh 8 ngày trọng cấm vì gây nguy hiểm cho người khác!). Một ông thổi kèn (dỏm) mà mở băng, khi băng hết rồi, mà không biết cứ chúm môi thổi mãi! Những hành động kỳ quái này làm cho tang gia dở khóc dở cười. Người tham dự thì “hích, hích” cười liên tục.

Tóm lại, để duy trì văn hóa, bảo vệ những lễ nghi truyền thống, hay lễ nghi hiện đại khi có sự hiện diện của người ngoại quốc, các vị trong ban tổ chức nên suy nghĩ kỹ và đặt ra một chương trình theo đúng quy tắc ứng xử của dân tộc cũng như theo đúng nghi thức ngoại giao của người ngoại quốc. Được như thế, thì thế hệ kế tiếp mới hãnh diện mà tiếp tục công việc của cha ông, làm rạng danh cho người Việt trên xứ người.

Ý kiến bạn đọc
12/06/201615:39:06
Khách
Tại sao QLVNCH là của quân đội của VN mà lại hô theo tiếng Pháp: Phắc!
Tại vì: Pháp đẻ ra quân đội quốc gia, khi Pháp rút, Mỹ vào thay chân Pháp thì quân đội quốc gia cải danh thành QLVNCH. Như thế có nghĩa Pháp là cha mẹ đẻ của QLVNCH, còn Mỹ chỉ là cha mẹ nuôi. Vì thế nên QLVNCH dùng rất nhiều khẩu lệnh của cha mẹ đẻ (tiếng Pháp) là tất nhiên thôi.
Về cờ: Hiện nay, toàn thế giới không còn bất cứ nước nào hoặc tổ chức quốc tế nào coi cờ vàng ba sọc đỏ là quốc kỳ của Việt Nam. Vì vậy, cờ vàng ba sọc đỏ chỉ là lá cờ đại diện cho cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản ở hải ngoại. Treo cờ của một cộng đồng ngang với quốc kỳ của Mỹ là một sự khinh rẻ quốc kỳ Mỹ và vi phạm luật pháp của Hoa Kỳ.
04/04/201515:59:22
Khách
Phat la do chu fixe thoi Quan Doi Phap va cac can bo quan su Phap day cho quan doi Viet Nam . De nghi bo chu ay di la dung.
I cuu si quan da duoc huan luyen thoi co can bo si quan Phap day hoc quan su
03/04/201515:24:24
Khách
Cám ơn ông Quyền Nguyễn đã góp ý về chữ "Phất". Tôi tình nguyện đi Thủ Đức khóa 25 Thủ Đức dù đã được miễn dịch vĩnh viễn vì gia cảnh: gia đình 3 anh em trai, đã có 2 anh ngoài mặt trận. Khi biết tin có lớp huấn luyện tại trường O.C.S Lục Quân Hoa Kỳ, tôi lại tình nguyện ghi tên đi thi. Sau 3 lần thi Anh ngữ và 1 tháng huấn nhục đặc biệt của Hoa Kỳ, tôi đã được đi Mỹ học 1 năm và ra trường với cấp bậc Thiếu Úy Bộ Binh Hoa Kỳ. Về nước, tôi phục vụ tại Trường Sĩ Quan Thủ Đức với nhiều cấp bậc: Cán Bộ Trung Đội Trưởng, Quyền Đại Đội Trưởng. Trong thời gian này, tôi đã nhiều lần hướng dẫn cho SVSQ về Cơ Bản Thao Diễn với súng. Sau đó, tôi lại tình nguyện đi học Chiến Tranh Chính Trị, và đạt điểm Thủ Khoa khóa 12 Sĩ Quan Căn Bản CTCT. Trở lại Trường Mẹ, tôi được cử làm Trưởng Ban 5 kiêm Trưởng Ban 2, kiêm quản lý Hội Quán Sinh Viên Sĩ Quan. Có 1 thời gian ngắn, tôi được Đại Tá Liên đoàn Trưởng cử làm Trưởng Ban Nghi Lễ của Liên Đoàn SVSQ. Tôi viết diễn văn cho Trung Tướng Chỉ Huy Trưởng Phạm Quốc Thuần, cho Đại Tá Liên Đoàn Trưởng trong rất nhiều dịp các vị chỉ huy của tôi phải đọc tại các buổi lễ, các buổi họp Chỉ Huy Trưởng tại Tổng Tham Mưu....Như thế, tôi bắt buộc phải rành các mệnh lệnh của Quân Đội, không lầm đâu! Thực tế, trong đời lính, tôi chưa nghe ai hô: "PHẤT" cả. Tôi là người coi trọng tinh thần nghi lễ của quân đội VNCH. Cho nên, khi một ông Cố Vấn Mỹ cho Liên đoàn Sinh Viên, nghĩ ra cách huấn luyện tất cả các Sĩ Quan của Liên đoàn SVSQ về thao tác cơ bản thao diễn của Mỹ, tôi là người đã đứng lên, cực lực phản đối công khai trong các buổi tập đó, và cho rằng "VN có truyền thống VN, Mỹ có truyền thống Mỹ, không thể bắt VN phải theo truyền thống Mỹ như một đàn em được!" khiến cho ông cố vấn Mỹ phải bỏ chương trình này. Xin hỏi quý vị Sĩ Quan thuộc Liên Đoàn SVSQ phục vụ những năm 1968-1971 để kiểm chứng vấn đề này: Các buổi tập được thực hiện tại Vũ Trường Diên Hồng. (Thiếu Úy Chu Tất Tiến, Cán bộ Trung Đội Trưởng các khóa 5/68, 9/68, 4/69, 4/70, 3/71 - Trung Úy Chu Tất Tiến, Trưởng Ban 5/Ban 2/Quản Lý Hội Quán Sinh Viên từ 1971-1973 trước khi biệt phái về Quốc Gia Hành Chánh).
Một lần nữa, cám ơn ông và kính chúc ông và gia đình vạn sự Như Ý và An Khang.
02/04/201520:11:43
Khách
Xin góp lời với ông Chu Tất Tiến,
Rất có thể ông Tiến không có ở trong quân đội nên ông phân biệt chữ "phất" và "phắc". Khi một toán quân có bổn phận chào tay và khi xong lễ thì ông trưởng toán hô to "Phất" có nghĩa tất cả toán quân phất mạnh tay rồi để tay vào vị trí của người đứng nghiêm. Còn chữ "Phắc" thường theo sau tiếng hô: dự lệnh và động lệnh "Vào hàng...Phắc" có nghĩa là đứng nghiêm thế thôi, chỉ có ông trưởng toán đại diện chào tay thượng cấp. Chữ "phắc" trong quân đội phát âm khác hoắc với chữ "F...k" English trừ phi ông ngọng nghệu hay cố tình đùa vô ý thưc với tập thể quân đội VNCH ngày xưa. QN.
02/04/201520:02:15
Khách
Cảm ơn tác giả đã viết một bài có ý phe binh` xây dựng rất hay. Tôi đọc mà cũng cười hích hích mai.
Riêng nhóm chữ dựng nước, giữ nước, xin mạn phép đề nghị thay bằng " Tổ tiên ta đã có công gây dựng và bảo vệ giang sơn gấm vóc" , nghe vừa êm tai lại không đụng hàng với chữ nghĩa của nhà nước cộng sản.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước khi vào bài chuyển ngữ: Lịch sử là những sự thật và thường liên hệ đến tương lai. Những nhân vật đóng vai trong lịch sử, dù muốn dù không
Hàng ngày! Chúng ta thường thấy trong các bản tin thời sự quốc tế được đăng tải trên các báo tronng nước, người ta thường đặc biệt nhấn mạnh
Chiều thứ sáu ngày 29, 2008 gần 200 giáo chức, nhân viên điều hành thuộc các học khu Anaheim, Garden Grove và Santa Ana
Nhà thương tâm bệnh DePaul ở New Orleans bảo trợ một cuộc hội thảo do bác sĩ Patrick Carnes điều khiển, về đề tài: Lành Mạnh Tính Dục và Tinh Thần.
Tôi du hành đến nhiều nơi vòng quanh thế giới và khi thuyết giảng trước quần chúng, tôi có cảm nghĩ rằng tôi là một người bà con trong gia đình của họ
Vào đúng hai giờ chiều, ngày 1, tháng 10, 2007; một phái đoàn gồm 30 quan khách đã được long trọng
Một xã hội được quản lý bởi lực lượng quân đội, gọi tắt là quân quản, là dấu hiệu của một thời kỳ đặc biệt của lịch sử, hay là thời kỳ chuyển tiếp
Qua các cuộc đấu tranh cách mạng từ cổ chí kim, vai trò của tuyên truyền (truyền thông) đã được khẳng định luôn đóng một vai trò cốt yếu
Suốt ba tháng qua ở San Jose, thành phố với gần 100 nghìn người Việt sinh sống và chiếm 10% số cư dân
Ngày 29 tháng Hai, 2008- Shiseido, nhà tiên phong trong lĩnh vực làm sáng da từ năm 1916, giới thiệu sản phẩm mới White Lucent Brightening Eye Treatment
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.