Hôm nay,  

Hàng Xóm Thông Gia, Truyền Kiếp Oan Gia

17/03/201500:00:00(Xem: 5409)

LGT: Mùa xuân đang ở đầu ngõ. Mỗi lần xuân đến lại mang theo kỷ niệm 30 tháng 4 trở lại. Sống ở hải ngoại nhưng nửa hồn chúng ta vẫn hướng về quê hương đất nước... Hoa xuân mang hy vọng và niềm vui đến mọi nhà nhưng cũng nhắc nhở thêm một lần nữa cảnh tang thương ngày cuối tháng Tư... đã 40 lần mà vẫn chưa ai quên!

Quên sao được khi chưa bao giờ trong đời nhìn người thân chết trên đường di tản, trên thuyền vượt biển Đông nhiều như thế! Đơn vị gia đình tan hoang, đất nước để tang nhưng nghịch lý là vẫn có nhóm người mở rượu săm banh ăn mừng! Kinh nghiệm đau thương bao giờ cũng là những bài học quý trong đời và tâm sự của tôi được viết trong một buổi chiều nhìn nắng Cali phai dần... Tôi nhớ đến những buổi chiều vàng trên quê hương thời còn đi học nhưng sao đất nước hòa bình đã lâu mà chiều ngày 30 tháng 4 năm ấy vẫn dài đến tận hôm nay. Ôi những buổi chiều còn lê thê trên quê hương nên bầu trời phương Đông xám xịt. Chưa thấy bình minh... Chúng ta vẫn kiên nhẫn chờ những hạt nắng mới sắp lên! Câu hỏi "bao giờ" xin dành cho lịch sử. Câu hỏi "chắc chắn" dành cho chân lý. Câu hỏi "nhanh hay chậm" sẽ còn tùy vào sự suy xét thâm thúy hay hời hợt của người con dân nước Việt hôm nay. Xin kính mời Quý vị đọc: "Hàng Xóm Thông Gia, Trường Kỳ Oan Gia". CĐV.

* * *

blank
Cửa Bắc...

Những buổi chiều vàng trên quê hương, từ miền thôn quê đến chốn kinh kỳ nơi nào cũng ảm đạm, héo hắt một mầu thê lương! Tiễn ngày đi, màn đêm buông tới, phút giao thời gợi vào lòng người một nỗi buồn chơi vơi như đang đứng trước cảnh tử biệt sinh ly...

Ông Việt tuổi đã bát tuần, bà Năm vợ ông trẻ hơn gần con giáp. Chiều nay vợ chồng già ngồi bên nhau, nhìn nắng hoàng hôn phai dần trên nóc những ngôi nhà hàng xóm ngói đỏ... Cầm tay vợ, lần đầu tiên ông ngỏ ý, muốn tâm sự với bà da diết. Mặt ông đăm chiêu, chẳng giấu được cảm xúc ấp ủ từ bấy lâu nay nhất là suốt đêm qua trăn trở không sao chợp mắt! Ông biết thân phận “gần đất xa trời” nên cảnh vật dễ kích thích để mọi nỗi buồn tự bung ra giống như giọt nước tràn ly.

“Lấy em từ thuở mười ba, đến năm mười tám thiếp đà năm con” câu ca dao ấy ngẫu nhiên hợp với chuyện tình ngày xưa của gia đình ông. Chồng Bắc vợ Nam, chồng tên Việt, vợ tên Năm, bạn bè hay gọi là “ông bà Việt Nam” cho dễ vì vần với tên nước nhà. Người Bắc bản chất kiêu kỳ, lấy gốc đặt tên con như một lời chỉ non thề biển, người Nam mộc mạc, chất phác gọi tên theo thứ tự... anh Hai rồi đến chị Năm tựa như hết mưa rồi đến nắng, hai mùa giản dị của miền đồng bằng phì nhiêu.

Ông Việt cưới bà Năm từ thời son trẻ, sinh được bốn trai và một gái. Chiến tranh quốc - cộng giết chết hai người con cả. Khi nước mất nhà tan, lại một đứa chìm dưới lòng biển sâu trên đường tìm tự do, còn một đứa lưu lạc bặt tin nơi quê người nên bây giờ, chỉ còn cô út sống gần cha mẹ. Liên, con gái rượu của ông ngây thơ trinh trắng ngày nào thế mà nay tuổi đã hơn ngũ tuần!

Suốt một đời “chồng cầy vợ cấy” làm ăn cực nhọc theo vận nước nổi trôi, có lúc nghèo khó phải chắt chiu thời “gạo châu củi quế”, vợ chồng ông phấn đấu nuôi đàn con khôn lớn rồi chiến tranh khởi đi từ “giấc mộng đại Á”... Lãnh tụ nước ta chỉ vì vị kỷ, ít học, thiển cận không nhìn ra nước cờ thủ đoạn ấy nên cốt nhục tương tàn rồi loạn lạc đã cướp đi tất cả các con ông và những chàng trai ưu tú nước Việt. Ngày nay, gia tài cuối đời còn lại mảnh đất linh thiêng này! Diện tích tuy nhỏ hẹp giữa vùng địa võng sô bồ nhưng kỷ niệm sắt son đầy chất thơ và mộng với ông bà tổ tiên nên không ai có thể tách rời, bỏ đi hay nhượng lại. Chuyện nhà với chuyện nước, chuyện nước nhà đôi khi chỉ là một...

Đầu ngõ vào nhà ông, ở ngay hàng dậu sát vách, từ lâu đã có gia đình người Hoa, gốc bần nông, đi nhặt ve trai mà “tích tiểu thành đại”, “phi thương bất phú” xây nên những biệt thự nguy nga trên nhiều mẫu đất lớn nhất vùng. Ông bà Zhang Wei và Lin đông con, tư duy hủ hóa “trọng nam khinh nữ” nên cả dòng hoạn nạn trước cảnh trai thừa gái thiếu! Họ Zhang làm ăn khấm khá bắt đầu từ năm 1993 khi chủ tịch Giang Trạch Dân thay đổi chính sách, đến Hồ Cẩm Đào 2003 rồi thời nay với Tập Cận Bình 2013 thì lộ rõ “giấc mơ đại Hán”.

Lớn lên, những đứa con họ Zhang ế vợ. Gốc nhà buôn, chúng nhớ câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” nên tân lang dùng tiền dẫn đường đến nhà tân giai nhân như lời cổ nhân “có tiền mua tiên cũng được”. Chúng chọn gái Việt thật tò mò, tỉ mỉ như đi mua hàng... Cô nào cũng đẹp giống hoa xuân vừa hé nụ, ở tuổi mới lớn đầy sinh lực để yêu đương và sinh nở.

Trai gái lớn lên cùng lối xóm vào lứa tuổi cặp kê, “nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn”, Zhang An đứa con trai út của ông hàng xóm tán tỉnh rồi lọt mắt xanh, chiếm được trái tim cô Liên. Hôn lễ xong xuôi, An qua ở rể vì Liên muốn sống chung với cha mẹ già. Vợ chồng Liên An sinh được hai trai Zhang Liang và Zhang Qiang. Ông bà Việt đặt tên chúng là thằng Lương với thằng Quang cho dễ gọi mặc dù khác nghĩa với hai chữ tiếng Hán Liang và Qiang là thông minh và tráng kiện.

“Tre già măng mọc” các bô lão tuần tự theo tổ tiên đi vào lòng đất nên bạn bè và người thân mỗi năm mỗi vắng. Nhìn từ phía ngoài, người ta bảo ông bà Việt Nam có phước vì tuổi già sống chung với con cháu bớt hiu quạnh nhưng ông Việt lại không nghĩ thế bởi những măng non mọc vườn nhà ông có sẵn thành tích không mấy vẻ vang... Tâm tư này biết tỏ cùng ai?

Cầm tay vợ hồi lâu, cảm xúc làm mồ hôi ông toát ra ướt hết bàn tay hai người. Nhìn xa xa, nắng quái đã đổi mầu, chạnh lòng ông mới lên tiếng bắt đầu câu chuyện...

- Này bà, khi tôi đi rồi thì đất và nhà này bà sẽ để lại cho ai?

- Rõ chán! Ông thiệt là lẩn thẩn... Nay chỉ còn con Liên chứ có ai đâu? Thằng anh nó vượt biên từ ngày đó biệt tăm tích, nếu sống thì cũng như chết rồi! Ông nghĩ gì mà hỏi vớ vẩn làm tui cũng thành ngớ ngẩn... chẳng biết trả lời sao cho gọn!

- Không vớ vẩn đâu bà... Bởi vì nếu bà sang tên cho con Liên tức là chuyển miếng đất tổ tiên này cho gia đình ông Zhang hàng xóm. Con mình là phận gái có chồng người Hoa... Nhà đất này chẳng cần phải giành, phải giựt, chẳng cần xin xỏ mà ngang nhiên cái ông hàng xóm thông gia với mình thu về một mối... hưởng cả!

- Ừ nhỉ! Chính trị, chính “em” ông giỏi tính... thế sao không bàn trước mà đợi đến bây giờ mới nói?

- Bà vừa hỏi một câu thật ngớ ngẩn! Nếu biết trước liệu bà có đẻ thêm đứa nào không mà nói oai. Chưa tắt kinh bà đã lo tắt lửa rồi lụi than dẹp bếp... bà nhớ không? Bà than đẻ nhiều không nuôi xuể làm tôi cũng chán cái cảnh “chợ chiều” nên thu dẹp “đồ nghề” nghỉ sớm!

- Ông bao giờ cũng đúng hết trơn hết trụi à! Cãi với ông thì chín phần thua may ra một phần thắng nghĩa là tuy cặp đôi nhưng chỉ mình tui có lỗi? Ông giỏi sao lúc đó không “mần” thử xem tui chịu trận được mấy “hiệp” chứ chờ “tắt lửa lòng” rồi “anh hùng xạ điêu” kể xấu thì hay ho chi hè? Nhưng thôi, bỏ qua chuyện tui dzới ông đi... Ở đây, mình còn những đứa cháu ngoại, chúng mang trong người nửa dòng máu của ông và tui mà...

- Thì bà cứ nghĩ thế đi cho vui chứ tôi chẳng mấy lạc quan mà ngược lại còn nhìn thấy cảnh “nuôi ong tay áo” trước mắt.

- Sao dzậy! Chèn đéc... Làm ơn cắt nghĩa rõ hơn cho tui được hôn?

- Bà ơi! Chúng ta ngu muội lầm đường rồi... Nhớ câu “Bắc Môn Tỏa Thược” khắc ở cửa Bắc đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng thuộc vùng non nước Tràng An không? UNESCO năm ngoái vừa công nhận nơi này là di sản văn hóa thế giới đấy! Nôm na đây là lời khuyên của tiền nhân từ ngàn năm trước: “Cửa Bắc Phải Luôn Khóa Chặt”. Chữ “thược” tiếng Hán là “chìa khóa”, hậu sinh chúng ta đã cố tình quên lời dặn nên thời nay mới khốn khổ. Bà thử nghĩ xem... tôi với bà còn là thông gia, có mấy đứa cháu ngoại gốc Tàu khác gì đưa chìa khóa cho họ vào nhà.

- Dzậy “nuôi ong tay áo” mắc mớ chỗ nào? Ông không tin họ tốt bụng à? Dạo rầy, tui thấy họ hay về Tàu rồi quà bánh tặng gia đình mình cà phê, trái cây, thịt thà, rau cỏ tươi rói... ông thấy hôn?

- Tôi thấy bà hỏi những câu nếu không vớ vẩn thì cũng ngớ ngẩn. Trong hai người phải có một người “mát giây”! Khỏi cần biết ông hàng xóm tình ngay hay ý gian, cứ nhìn việc họ làm... Bà chớ có đụng vô mấy cái đồ cà phê, thịt thà, rau trái... tẩm hóa chất độc đó, nhìn đẹp mã mà ăn vào ung thư thấy ngay! Cả thế giới biết chỉ bà là không biết.

- Xí... ai “mát giây”? Còn ai trồng khoai xứ này! Nè... Tui chỉ hỏi ông cắt nghĩa cái chuyện “con ong” mà sao ông xài xể tui dữ dzậy hè?

- Ông Tập Cận Bình vừa tuyên bố hùng hồn ở Pháp: “Người Trung Quốc không có gen xâm lược”. Tôi tin ông ta thật lòng bởi xưa nay, họ vẫn tự coi là nước lớn, có bổn phận đối với các láng giềng nhỏ bé, man rợ... Dùng quân đội để tiếp thu toàn thế giới Âu Á về một mối... sao lại bảo là xâm lược với bá quyền? Bà có nghĩ thế không?

- Ông tính hỏi cắc cớ tui nghen? Lịch sử Tàu xâm lăng ngàn năm đã rõ như ban ngày, đúng là ăn nói tào lao! Tui chưa khùng nên chưa tin.

- Bà nhớ lịch sử nhưng quên sự tích Trọng Thủy Mỵ Nương nên chưa hiểu câu “nuôi ong tay áo” của tôi. Nói bà nghe... thằng Zhang An ở rể hiền lành, tôi gọi nó là Ân, tiếng Hán nghĩa là “hòa bình” nhưng khi có quốc biến thì nó là “chiến tranh”, nội gián y như Trọng Thủy ngày xưa. Tôi dặn bà... chúng mình phải suy tính lại hoàn cảnh nguy kịch, tuy chậm trễ nhưng cương quyết giữ yên nhà đất này để không bị rơi vào cái bẫy “giấc mơ đại Hán” của chúng nó.

- Nói thiệt nghen... Ông nói tắc kè cũng phải bò ra tặc lưỡi khen hay nhưng làm tới đâu ráng cho tui theo dzới hè... Tổ tiên đã xây dựng mấy ngàn năm lẽ nào...

- Đầu tiên, tôi với bà phải đoàn kết và dân chủ. Quên hẳn tự ái để đồng tâm hiệp lực cho quyền lợi chung. Làm không nên việc mà “cố đấm ăn sôi” sẽ chết hết cả bè cả lũ... Phải biết ăn năn, cải thiện lỗi lầm và đừng cản trở việc làm chính nghĩa dù có trái ý mình.

- Chuyện này, tui sẽ mần được... cho ông vui.

- Cảm ơn bà... Tiếp theo ta tìm cách đoạn giao ôn hòa tình hàng xóm nghĩa thông gia. Con Liên khéo léo chia tay thằng Ân rồi dốc lòng dậy dỗ hai đứa con theo lịch sử và văn hóa Việt. Chúng là cháu ngoại nhưng ai cấm mẹ Liên với ông bà cư xử như cháu nội? Đổi tên Zhang Liang và Zhang Qiang thành Trương Lương, Trương Quang vì chúng nó sinh trưởng ở đất nước ta. Khi lớn sẽ là những chàng trai nước Việt yêu xứ sở này tỉ dụ như anh hùng Hải quân Ngụy Văn Thà (1943 - 1974)... Văn hóa hôm nay sẽ là chính trị ngày mai. Phạm Quỳnh, quan đại thần triều Nguyễn đã nói một câu đầy ý nghĩa: “Tiếng Ta còn, Nước Ta còn”.

- Tui cũng có ý kiến... Đề nghị ở cửa Nam đền thờ vua Đinh trong khu di tích lịch sử Hoa Lư đắp nổi thêm dòng chữ “Hàng Xóm Thông Gia, Truyền Kiếp Oan Gia” để đời sau ghi nhớ bốn câu chữ Hán “Bắc Môn Tỏa Thược” ở cửa Bắc?

Trời chiều đã tối, ông Việt dìu bà Năm vào nhà... Bữa cơm chiều theo thường lệ vỏn vẹn vài bông dưa cải trồng ở miếng đất ngoài vườn. Đêm nay, bà cảm thấy yên lòng với những dự định mà ông vừa toan tính và vì lòng ái quốc bị kích động nên giữa canh khuya, miệng bà cứ lắp bắp “Việt Nam Muôn Năm”. Ông hỏi thì bà trả lời:

- Tui gọi tên ông dzới tên tui đó mà... hổng có chi. Tên “Việt” ở đầu, tên “Năm” ở cuối, dzậy thôi! Ông ráng ngủ khỏe nghen.

03/15/2015

Ý kiến bạn đọc
17/03/201520:24:14
Khách
Đọc xong bài này, sao thấy buồn quá. Một tương lai tối thui, đang đợi chờ người dân Việt nơi quê nhà. Nếu họ không vùng dậy Thoát Trung, thì ai sẽ làm cho họ đây ?
17/03/201517:04:33
Khách
Bài viết rất hay . Cám ơn tác giả đã có cái nhìn sâu sắc ý đồ thâm độc của TQ. Mong mọi người cùng suy ngẫm cái mưu đồ của TQ đến hiện tình của đất nước . Đúng là như vậy...
17/03/201514:37:50
Khách
Truyện quá dở
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên cấp cao nhất trong hệ thống phân cấp ngoại giao trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, người ta thấy Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới mới nhất tăng cường quan hệ với Việt Nam với chuyến thăm Hà Nội trong tuần này...
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.