Hôm nay,  

Tổng Thống Bush Đệ Tam?

10/03/201500:00:00(Xem: 9831)

...Rất nhiều hy vọng ta sẽ được may mắn lựa chọn giữa Bush Đệ Tam và Clinton Đệ Nhị...

Các tân dân biểu và nghị sĩ đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa tuyên thệ nhậm chức xong, chưa về đến nhà thì họ đã bị đi vào quên lãng rồi. Ít người nhớ tên những chính khách mới này. Bây giờ là lúc mọi người nhẩy qua bàn chuyện bầu cử tổng thống tháng 11 năm 2016, gần hai năm nữa thôi! Vì cuộc chạy đua đã bắt đầu. Ít nhất là bên phiá Cộng Hòa.

Tại sao sớm vậy?

Lý do đầu tiên là các cuộc bầu trong nội bộ của hai chính đảng bắt đầu từ gần một năm trước ngày bầu chính thức toàn quốc, với các cuộc bầu gọi là sơ bộ tại Iowa và New Hampshire vào tháng Giêng năm 2016 trong khi bầu cử toàn quốc là tháng 11.

Do đó phải chuẩn bị tranh cử nội bộ ít nhất một năm trước. Càng ra sớm càng tốt vì tạo được sự chú ý sớm của truyền thông và của cử tri. Nhưng quan trọng hơn nữa là ra sớm có nghiã là “dành dân chiếm đất” sớm, thu hút sớm nhân sự (các chuyên gia tranh cử, cố vấn, vận động viên tình nguyện, …) và tiền bạc (mạnh thường quân). Cũng như đưa ý kiến ra trước các đồng chí trong nội bộ đảng để anh nào nói sau sẽ trở thành … người nói lại, ít ai để ý nữa.

Phát súng khai hỏa đã được ông Jeb Bush bắn ra đầu tháng Chạp khi ông công bố thành lập một “ủy ban điều nghiên” việc ông ra tranh cử. Chỉ mới là “thăm dò” phản ứng của dư luận chứ chưa phải là đã chính thức ra tranh cử. Nhưng không ai tin ông Jeb này rảnh rang tung ra đòn thăm dò khơi khơi như vậy.

Ông Jeb Bush này là cựu thống đốc tiểu bang Florida, là em của TT Bush 43 và con của TT Bush 41. Nếu ông đắc cử, sẽ là TT Bush Đệ Tam!

Mừng rỡ là những đảng viên Cộng Hoà có khuynh hướng bảo thủ nhưng không quá khích, đã quá chán ngán chính sách cấp tiến cực đoan của TT Obama và đảng Dân Chủ. Khá đông. Nhưng đông hơn nữa là những người lắc đầu lia lịa. Đó là những đảng viên Cộng Hoà bảo thủ cực đoan, Tea Party, là những người nghĩ ông Bush này chưa đủ bảo thủ. Vẫn chỉ là bảo thủ giả mạo như mấy ông McCain và Romney, để rồi sẽ bị phe cấp tiến đè bẹp thôi.

Đảng Dân Chủ thì xoa tay vui mừng vì họ nghĩ đây là miếng mồi quá ngon cho bà sư tử Hà Đông Hillary nhấm nháp.

Ngoài hai chính đảng ra thì cả nước giật mình khi nghe đến tên “Bush”. Lại một Bush nữa? Hai rồi chưa đủ sao? Nước Mỹ theo gương Bắc Hàn hay sao? Thế giới nhìn vào Mỹ thấy dường như cái thành trì của dân chủ này hết nhân tài rồi. Hết Bush lại Clinton, hết Clinton lại Bush, trong tương lai có thể còn Chelsea Clinton (con gái Bill và Hillary Clinton) và George Prescott Bush (con trai Jeb Bush).

Căn bản thì nghe vui tai và giản dị như vậy, nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều.

Trước hết, nói về “gia đình trị”.

Cái nước Cờ Hoa này mang tiếng dân chủ tự do nhất thế giới, đã từng bầu cho những nhân vật xuất thân cùng đinh nhất như Nixon hay vô danh nhất như Obama làm tổng thống, cũng không ngại gì chuyện gia đình trị hay hoàng tộc. Hai cha con ông John và Quincy Adams đã là những tổng thống đầu tiên thời lập quốc. Cuối thế kỷ 19 là hai ông cháu William và Benjamin Harrison. Đầu thế kỷ 20 thì hai anh em họ Teddy và Franklin Roosevelt, thay nhau nắm quyền trong 20 năm. Cách đây nửa thế kỷ là gia đình Kennedy. Nếu Robert Kennedy không bị ám sát chết, hay Teddy Kennedy không dính dáng vào chuyện lén chở đào nhí đi chơi say xỉn đâm xe xuống sông làm chết đào nhí thì chắc chắn ta đã có hai hay ba anh em Kennedy làm tổng thống. Gần đây nhất, dĩ nhiên là chuyện hai cha con ông Bush.

Bây giờ chế độ gia đình trị đó có triển vọng đi xa hơn một bước lớn nữa trong cuộc bầu tới. Rất nhiều hy vọng ta sẽ được “may mắn” lựa chọn giữa Bush Đệ Tam và Clinton Đệ Nhị. Nếu Bush là một cái tên cũ mèm thì Clinton cũng không có gì mới lạ. Ít ra thì Jeb cũng là một bộ mặt mới, trong khi Hillary thì lại là bộ mặt quá nhàm chán từ gần 20 năm nay rồi.

Việc ông Jeb ra tranh cử sẽ khiến phe Cộng Hoà mất một lý do đả kích một Clinton Đệ Nhị, và ngược lại, phe Dân Chủ đưa bà Hillary ra cũng há miệng mắc quai khi bôi bác Bush Đệ Tam. Việc hai đại gia đình chính trị đối đầu nhau là chuyện hy hữu, nhưng lại rất có thể xẩy ra.

Bên phiá Dân Chủ, bà Hillary coi như nắm chắc phần thắng tới 90%. Bà có một quá trình dầy cộm hơn bất cứ các chuẩn ứng viên Dân Chủ nào khác. Chỉ thua có PTT Biden. Nhưng ông Biden này thì lại là vua tếu, chẳng ai coi ra gì, không có một chút hy vọng nào để làm tổng thống. Có người đã nghi ngờ ông Obama cố tình chọn ông Biden làm phó để bảo đảm ông không bị đàn hạch vì truất phế ông chánh Obama đi để thay thế bằng ông phó Biden thì không ai dám nghĩ tới, kể cả mấy ông bảo thủ thù ghét Obama nhất. Không ai nghĩ ông Biden có thể hạ bà Hillary.

Ngoài quá trình, bà Hillary còn nhiều yếu tố thuận lợi khác.

Đảng Dân Chủ đã đi vào lịch sử với một tổng thống da đen đầu tiên (bỏ qua chuyện có thể cũng là tổng thống tệ nhất lịch sử cận đại Mỹ), bây giờ nhất quyết muốn làm lịch sử lần thứ hai với một phụ nữ đầu tiên làm tổng thống.

Ở đây, ta lại thấy một mâu thuẫn khổng lồ. Khi ông Obama ra tranh cử thì người ta hô hào bầu cho ông da đen này để chứng tỏ Mỹ không còn phân biệt trắng đen nữa. Quý độc giả nghe vậy mà không thấy mâu thuẫn sao? Bầu cho ông đen tức là đã phân biệt trắng đen rồi, làm sao hành động đó có thể mang ý nghiã chấm dứt tình trạng phân hoá màu da?

Bây giờ tới bà Hillary cũng vậy. Người ta hô hào bầu cho bà để chấm dứt tình trạng phân biệt nam nữ, mà không nhìn thấy nội chuyện bầu cho bà vì bà là phụ nữ, tự nó đã là hành động kỳ thị rồi. Chấm dứt kỳ thị bằng một hành động kỳ thị? Không mâu thuẫn sao?

Bỏ qua cái mâu thuẫn này, rất nhiều người phe Dân Chủ đã mang mặc cảm tội lỗi với bà Hillary khi cả đám bỏ bà để chạy theo công kênh ông Obama vào Tòa Bạch Ốc năm 2008. Bây giờ muốn chuộc lỗi, mang phiếu dồn qua bà Hillary. Nhất là các chính khách da đen và da nâu. Coi như bà Hillary lần này có hy vọng thu gọn hết phiếu của hai khối cử tri nồng cốt này của đảng Dân Chủ. Chưa kể dĩ nhiên khối phụ nữ, từ mấy bà từ xồn xồn có cảm tình với bà già sáu bó đến các cô trẻ ham vui muốn phá thai tùy hỷ.

Truyền thông phe ta gần đây bắt đầu vun đắp, lo tưới nước cho bông hoa mới nở Elizabeth Warren. Như cột báo này đã bàn, bầu cử độc diễn là chuyện truyền thông sợ nhất. Nhàm chán, không ai chú ý hay theo dõi, không bán báo hay bán quảng cáo truyền hình được, nên phải cố xây dựng lên một đối thủ cho bà Hillary. Và bà Hillary cũng hoan nghênh chuyện này vì bà Warren là hạng cấp tiến thiên tả cực đoan còn hơn cả TT Obama, nên bà Warren ra tranh cử sẽ mang lại cho bà Hillary một hình ảnh ôn hòa chững chạc mà cử tri sẽ dễ chấp nhận hơn nữa.

Dù bà Warren ít hy vọng thắng được bà Hillary lần này, ta cần lưu ý vì bà đó sẽ là ngôi sao sáng tương lai của Dân Chủ. Bà Hillary mà không ra lần này, hay thất bại, thì bà Warren sẽ là ngọn cờ tập hợp của Dân Chủ trong tương lai.

Ngoài ra, bên Dân Chủ không còn ai khác. May lắm thì ông cựu nghị sĩ Jim Webb sẽ leo lên được tới chức Phó cho bà Hillary, và dân tỵ nạn ta sẽ thấy một bà đồng hương làm Đệ Nhị Phu Nhân Hoa Kỳ.

Về phiá Cộng Hoà bức tranh rối bù chẳng ai nhìn thấy gì hết. Ít nhất là đã có hơn một tá chuẩn ứng viên, từ bảo thủ cực đoan nhất cho đến bảo thủ ôn hoà, gần như cấp tiến “nằm vùng”.

Hai ngôi sao nổi nhất cũng là đại diện cho hai thái cực. Một bên là Thượng Nghị Sĩ Rand Paul của Kentucky, thuộc khối cực hữu Tea Party (cũng là một chính khách tiếp nối sự nghiệp trường kỳ tranh cử tổng thống của ông bố, Ron Paul), và một bên là Thống Đốc Chris Christie của New Jersey, người đã từng nhiều lần ôm hôn và ca tụng TT Obama, một cái tội đáng chu di tam tộc trong khối bảo thủ. Giữa hai ông này thì hàng hà sa số chính khách mà có ghi tên ra cũng chẳng ai nhớ nổi. Dù sao, cuộc chạy đua bên CH cũng hứa hẹn rất sống động.


Bây giờ ta thử nhìn ông Jeb Bush kỹ hơn.

Điều đáng nói là bỏ qua cái tên Bush, thì ông này có lẽ là ứng viên Cộng Hoà sáng giá nhất và có nhiều hy vọng hạ bà Hillary nhất trong cuộc đấu chung kết.

Trong gia đình, ông Jeb này từ ngày còn trẻ, đã được coi như trí thức và có khả năng chính trị nhất trong các anh em Bush, được ông tổng thống bố Bush 41 ngắm nghé truyền ngôi. Ông Bush anh, tức là tổng thống 43 là anh playboy tếu trong nhà, nhưng vì có số vương tử nên bất ngờ đắc cử tổng thống trước.

Khi ông Bush anh làm thống đốc Texas thì ông Bush em làm thống đốc Florida. Ông Jeb Bush để lại một gia tài khá vững chắc trên ba vấn đề quan trọng của các tiểu bang: phát triển công ăn việc làm, bài trừ bạo lực và ma túy, và khai triển ngành giáo dục. Ở đây, quan điểm chung là ông Jeb đã thành công lớn trong hai nhiệm kỳ thống đốc Florida và đã được hậu thuẫn rất mạnh của dân Florida, kể cả khối Dân Chủ và độc lập. Đó là lá bài quan trọng nhất của ông Jeb Bush.

Ông Jeb cũng có những quan điểm đúng sách vở bảo thủ: ủng hộ việc sỡ hữu súng, chống phá thai, diệt khủng bố bằng sức mạnh, chủ trương kỷ luật chi tiêu và cân bằng ngân sách, giảm thuế, phát triển kinh tế để chiếc bánh lớn ra thay vì lo chia chiếc bánh nhỏ cho đồng đều, không ủng hộ Obamacare.

Dù vậy, cái khó khăn lớn nhất của ông Jeb này sẽ là thắng được trong cuộc chạy đua nội bộ trong đảng Cộng Hoà. Cho dù có thành tích bảo thủ khá rõ nét, nhưng ông Jeb này có hai cái tội tầy trời khó tha thứ được trong mắt của khối bảo thủ cực đoan: đó là quan điểm của ông về hai vấn đề giáo dục và di dân bất hợp pháp.

Ai cũng biết tình trạng giáo dục tiểu và trung học ở Mỹ có rất nhiều vấn đề. Học sinh Mỹ thua xa học sinh thế giới, Á Châu cũng như Âu Châu. TT Bush con 43 ra tranh cử với chương trình cải tổ giáo dục quy mô, rồi thực hiện ngay được luật No Child Left Behind –Không Có Trẻ Em Nào Bị Bỏ Lại-.

Nền tảng chính sách giáo dục của TT Bush 43 dựa trên Common Core.

Với Common Core, Bộ Giáo Dục liên bang ấn định phẩm chất tối thiểu cho mỗi trường trung và tiểu học công lập. Đại khái nhà trường phải có tối thiểu bao nhiêu học sinh thi đậu với bao nhiêu điểm trung bình, … thì mới được liên bang yểm trợ tài chánh. Khối bảo thủ chống lại kịch liệt vì họ cho rằng chuyện giáo dục thuộc phạm vi tiểu bang, không cần liên bang áp đặt tiêu chuẩn gì hết, đồng thời việc áp đặt chỉ tiêu tối thiểu chỉ đưa đến tình trạng sa sút phẩm chất khi các thầy cô và các trường bị áp lực tài chánh phải cho điểm cao, dạy những môn dễ, thấp hơn mức bình thường.

Ông Jeb Bush ủng hộ Common Core. Đó là tội thứ nhất.

Về vấn đề di dân bất hợp pháp, ông Jeb cũng chia sẻ quan điểm với ông anh, là muốn dễ dãi hoá việc hợp thức hóa họ, tuy chưa đến mức ân xá dễ dàng như TT Obama chủ trương. Đó là tội thứ nhì.

Cái khó của ông Jeb là phải thắng trong các cuộc bầu sơ bộ trong nội bộ đảng. Thông thường thì những cuộc bầu sơ bộ là những cuộc bầu chỉ có những thành phần tích cực nhất, hay có thể nói là khá cực đoan mới tham gia. Không tích cực thì ít hứng thú lội tuyết đi bầu sơ bộ tại những tiểu bang then chốt như Iowa và New Hampshire. Có nghĩa là bên Dân Chủ, phải là cấp tiến nặng mới hy vọng thắng, trong khi phải là bảo thủ mạnh mới thắng được bên Cộng Hoà.

Nếu nói bảo thủ mạnh thì ông Jeb gần như đứng hạng bét trong cả lố chuẩn ứng viên Cộng Hoà, may ra chỉ hơn ông Chris Christie. Nhưng điểm mạnh lớn nhất của ông Jeb là được các đại gia bảo thủ Cộng Hòa triệt để ủng hộ vì họ có quan hệ mật thiết với hai ông tổng thống Bush trước, và họ cũng cho ông Jeb là lá bài sáng giá, có nhiều hy vọng thắng nhất, và ông Jeb sẽ có nhiều tiền tranh cử nhất.

Nếu thắng sơ bộ, và đụng với bà Hillary thì bà Hillary hy vọng thắng nhiều hơn ông Jeb. Nhưng không phải là bà Hillary có quyền về ngủ, đợi người ta đến đánh thức ra nhậm chức đâu.

Cả hai đều được coi như tương đối ôn hoà: ông Jeb bị khối bảo thủ cực đoan nghi ngờ trong khi bà Hillary thì bị khối cấp tiến cực đoan đặt câu hỏi. Điểm mạnh lớn của cả hai người là thiên hạ ai cũng biết họ và họ đều kinh nghiệm cùng mình. Sau khi vỡ mộng với “hy vọng” cùng một Obama vô danh và vô quá trình, dân Mỹ muốn trở về với kinh nghiệm cụ thể hơn.

Hai cái đại tội của ông Jeb vừa nêu trên, trong cuộc chạy đua trước toàn dân, sẽ biến thành hai lợi điểm lớn nhất của ông Jeb. Chứng tỏ ông là một người bảo thủ, nói chung, gần với đại đa số dân Mỹ hơn, nhưng cũng rất thực tế và ôn hoà, không thuộc loại quá khích cực đoan như các chính khách Tea Party. Yếu tố này sẽ giúp ông Jeb thu phiếu của khối độc lập hay khối Dân Chủ không ưa bà Hillary. Cái khối “không ưa” bà Hillary không phải nhỏ. Bằng chứng là một ông vô danh như Barack Obama đã khai thác được khối đó và đánh bại bà Hillary năm 2008.

Còn những thành quả “tai hại” của TT Bush 43 thì nhờ những thất bại của TT Obama, dân Mỹ càng ngày càng thấy TT Bush coi vậy mà vẫn không tệ lắm. Những thăm dò mới nhất cho thấy tỷ lệ hậu thuẫn của hai ông ngang ngửa nhau.

Nếu ông Jeb sẽ phải khổ sở tránh né ông anh thì chắc bà Hillary cũng sẽ khổ sở phải chạy cho xa khỏi TT Obama là người đã đoạt chức quán quân “tổng thống tệ nhất lịch sử cận đại Mỹ từ sau Thế Chiến Thứ Hai” theo Gallup.

Ông Jeb lại còn một ưu điểm nữa. Bà Hillary muốn tấn công về chuyện di dân lậu hơi khó. Chẳng những ông chủ trương ân xá di dân bất hợp pháp, mà bà vợ Columba, lại là dân gốc Mễ, và chính ông cũng nói tiếng Tây Ban Nha như gió. Bảo đảm bà vợ sẽ suốt ngày lặn lội vào những khu dân gốc Nam Mỹ đi vận động, việc mà bà Clinton sẽ không đấu lại. Dù sao thì bà Hillary sẽ không còn nắm trong tay khối cử tri này nữa.

Ông Jeb cũng là một thống đốc được hậu thuẫn rất mạnh tại Florida. Tiểu bang then chốt này sẽ không còn là đất xôi đậu nữa mà sẽ nằm trong túi ông Jeb. Đến năm 2016, tiểu bang Florida sẽ là tiểu bang đông dân thứ ba của Mỹ, tức là nhiều phiếu cử tri đoàn thứ ba. Nói rõ ra, trong bốn tiểu bang lớn nhất Mỹ, bà Hillary sẽ giữ Cali và Nữu Ước, ông Jeb sẽ nắm trong tay Florida và Texas. Ông Jeb có hy vọng chiếm được tất cả miền nam từ các tiểu bang biên giới Nevada, Arizona và New Mexico, bọc qua miền nam lên tới hai tiểu bang Bắc và Nam Carolina. Tất cả miền Tây ngoại trừ các tiểu bang ven biển, vẫn là thành trì của Cộng Hoà. Vùng xôi đậu sẽ là vùng ven Đại Hồ, lãnh điạ của giới lao động thợ thuyền Mỹ trắng. Đây sẽ là chiến trường đẫm máu, nhất là tại Ohio. Đưa đến tin đồn Thượng Nghị Sĩ CH Rob Portman của Ohio đang được hậu thuẫn rất mạnh, có nhiều triển vọng đứng cùng liên danh với ông Jeb. Liên danh này nắm được thêm Ohio thì bà Hillary sẽ phiền to.

Đa số các ông Mỹ trắng sẽ bỏ phiếu cho ông Jeb, nhưng vấn đề là mấy ông Mỹ trắng, tuy là đa số tuyệt đối trong số cử tri Mỹ, nhưng lại là khối lười đi bầu nhất, luôn luôn chỉ có hơn một phần ba đi bầu. Chỉ cần ông Jeb vận động được 50% mấy ông Mỹ trắng đi bầu thì dân Mỹ sẽ phải chờ đến bà Warren may ra mới có được bà tổng thống đầu tiên.

Kết luận: trong tất cả các ứng viên CH, ông Jeb sẽ là người nguy hiểm nhất đối với bà Hillary. Nhưng ông cũng là người ít hy vọng thắng cử trong nội bộ Cộng Hoà nhất vì khối bảo thủ cực đoan sẽ chống đến cùng. Đưa đến câu tuyên bố oái ăm nhưng thâm thúy của ông Jeb: “cần phải thua trong bầu sơ bộ thì mới thắng trận cuối vào Tòa Bạch Ốc được”. (08-03-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng mỗi Thứ Ba trên Việt Báo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.