Hôm nay,  

Chúc Mừng Năm Mới

19/02/201511:22:00(Xem: 3605)

 

Vĩnh Hảo

Vào dịp cuối năm, đầu năm, dương lịch hay âm lịch, có lẽ không có nhóm từ nào được mọi người dùng đến nhiều như là mấy chữ "Chúc mừng năm mới." Ngôn ngữ nước nào rồi cũng chỉ ngần ấy chữ, ngần ấy ý. Chúc vui, chúc mừng đến với bạn và gia đình trong năm mới...

Chính vì nhóm chữ ấy được dùng nhiều quá, bằng thư/thiệp viết tay, gửi bưu điện hay thư/thiệp điện tử gửi qua email, facebook, v.v..., hoặc bằng lời nói trực tiếp khi gặp nhau, lặp đi lặp lại trong nhiều thập niên, thậm chí nhiều thế kỷ, nhiều thiên kỷ, cho nên, một lúc nào đó, có người sẽ thấy sao mà... có vẻ gì đó, rất là sáo, dù rằng lòng mình rất thực, không sáo. Luôn luôn ước nguyện mọi người, mọi nhà (và dĩ nhiên là ưu tiên nghĩ đến những người thương yêu nhất, kính quý nhất, gần gũi nhất, hoặc xa mà lại thân và chia sẻ với mình nhiều nhất...) được an vui, hạnh phúc, thịnh vượng (chẳng phải chỉ trong năm mới, mà trong cả đời); nhưng lời chúc, bằng thư hay bằng đối thoại trực tiếp, đã không còn đủ sức để chuyên chở chân tình của mình.

Ngoài ra, việc gửi thiệp qua bưu điện hay qua các địa chỉ vi thư, cũng đã đến lúc không còn kiểm soát được nữa. Đã lâu rồi không dùng đến cây bút (dù rằng ai cũng xem mình là người sống với ngòi bút, làm nghề cầm bút), vì chẳng còn nhớ địa chỉ của nhà nào (ngoại trừ ngôi nhà mà từ đó mình sinh ra, lớn lên) thì làm sao mà gửi thiệp bưu điện! Còn vi thư thì trong hộp địa chỉ đến mấy trăm cái (hay cả ngàn cái chẳng biết chừng--vì chưa đếm nên không xác định được), làm sao phân loại địa chỉ để gửi thiệp một loạt bằng một vài lời, kèm một tấm hình gì đó mà ai xem hay đọc cũng được, từ những bậc thầy, bậc trưởng thượng, người tôn quý, cho đến người yêu, người thương, tri âm, tri kỷ, bạn vong niên, người thân, văn thi hữu, bằng hữu, thân hữu, độc giả gần-xa...! Chỉ chọn lọc để gửi một số người thôi thì quá thiếu sót và lòng không thấy an. Vì không gửi thì thôi, gửi thì phải gửi đủ. Không lẽ trong hộp thư của mình lại có những người không tốt, không đẹp, không thân! Tất cả đều tốt, và trong số ấy, có những người mình phải mang ân cả đời dù có gửi thiệp hay không.

Là như thế. Ngày cuối năm, trong nhà ngoài sân đã được quét dọn, bánh trái hoa quả trên bàn thờ cũng đã chưng; ngồi trước máy, mở hộp thư ra, dự tính tìm một thiệp điện tử để gửi cho một số người... nhưng nhìn qua danh sách địa chỉ, thấy ai cũng là người đáng quý, thân, thương... Đóng hộp thư lại. Nhìn sâu nơi màn ảnh, thấy cả thế giới, loài người, loài vật, thiên nhiên. Thấy chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, thống khổ. Thấy những người thanh cao, đáng kính. Thấy những kẻ tham tàn, cố chấp. Thấy những người khoe khoang, sống dối. Thấy những kẻ khiêm cung, hiền lành, bình dị... Ôi cuộc đời, ôi con người! Dù thế nào, cũng thương quá!

Một tấm thiệp với lời chúc dù ngắn hay dài, cũng không đủ, không thể nào đủ để nói hết tấm lòng, ưu tư và niềm tri ân của mình. Rồi lại cố gắng tìm một bài thơ, một câu thơ, hay một nhóm chữ nào đó thật ý nghĩa, thật đầy đủ, để cùng lúc gửi đến mọi người... một phút, hai phút, ba phút... mười phút... vẫn không tìm ra.

Nhưng chính nơi chỗ bế tắc ấy, lại bật ra mấy chữ thân thuộc, mấy chữ của ngàn xưa gửi đến ngàn sau, thôi thì cũng trân trọng đón nhận để gửi đến mọi người, từ người thân đến kẻ sơ, từ bậc minh triết đến kẻ hiểm ác, từ người hạnh phúc đến kẻ khổ đau, cùng một lúc, khắp nơi nơi:

CHÚC MỪNG NĂM MỚI!

California, ngày 18/02/2015

(nhằm ngày 30 tháng 12 năm Giáp Ngọ)

Vĩnh Hảo

 

+++++

 

Một Đế Quốc Xuất Hiện

 

Nguyễn-Xuân Nghĩa

 

Từ Quốc Nhục Đến Phục Hưng, Giấc Mơ Của Trung Quốc

 

Cứ vào Xuân mới, chúng ta lại nói đến một vận hội mới, có khi còn đi xin xâm hay đọc sấm để đoán về chuyện cáy hung. Nhưng hãy thử nhìn vào "vận hội mới" của gã láng giềng xem sao.

Sau đó thì ta hãy tính...

Dân Á Châu thường nhìn thời gian theo hình tròn. Cứ hết một chu kỳ lại quay về chốn cũ. Lãnh đạo Trung Quốc cũng vậy. Với họ vòng thời gian đó khởi đi từ nỗi thảm nhục khi xã hội sâu xé, quốc gia bị xâm lược và mất trăm năm mới đến ngày phục hưng.

Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh điểm ra và giảng lại bốn chu kỳ ấy như sau, mỗi chữ được coi là mật hiệu sáng trưng – cách bảo vệ bí mật hay nhất là bầy ra giữa chợ:

1) Thời Quốc nhục kéo dài 110 năm, từ khi Trung Quốc bị liệt cường tấn công năm 1839 và chỉ chấm dứt vào năm 1949 khi đảng Cộng sản giành chính quyền và thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 2) Thời Tái thiết kéo dài mất 62 năm, từ cuối 1949 cho đến Đại hội 18 vào cuối năm 2012. 3) Nhưng nhờ có đảng mà thời gian bỗng thành gia tốc, đến năm 2020 thì hoàn tất Thời Thịnh vượng. Sau cùng, 4) Thời Phục hưng sẽ trở lại vào năm 2049, đúng trăm năm sau khi Cộng hoà Nhân dân xuất hiện.

Đấy là quẻ "Quang diện Trung Hoa", quẻ thứ 14 của Mã Tiền khóa!

Trở lại chuyện hiện tại và hiện đại, ngần ấy cách đếm của gã láng giềng thu gọn vào một mục tiêu cho thế hệ ngày nay là: Phục hưng.

Muốn tiến tới đó thì đảng và toàn dân phải xây dựng được một xã hội tương đối thịnh vượng vào năm 2020 - trong năm năm tới. Để từ đấy, Trung Quốc sẽ thành phú cường, giàu và mạnh, vào năm 1949. Và đứng ngang tầm Hoa Kỳ để giải quyết thiên hạ sự. Lãnh đạo mới nổi của Bắc Kinh là Tập Cận Bình tóm lược ngần ấy giấc mơ vào một chữ: Trung Quốc Mộng". Ở nhà bên cạnh, chúng ta gọi đó là sự xuất hiện của một Đế quốc.

Chuyện mới mà cũ đối với những người Việt còn nhớ lịch sử của quan hệ Việt-Hoa, Ta-Tầu.

*** 

Chúng ta không quên một số từ có vẻ như là khẩu hiệu kể trên khi nghe lãnh đạo Bắc Kinh phát ngôn. Đấy là cẩm nang hay thần chú - hoặc nghị quyết - tùy theo tầm nhìn của từng người.

Sau đây là lộ trình mà Tập Cận Bình đã đề ra.

Sau thời Quốc nhục, trong giai đoạn Tái thiết, Trung Quốc phải nuốt nhục tỏ vẻ ôn nhu với thiên hạ - để còn lừa thiên hạ. Đấy là chủ trương "thao quang - dưỡng hối" của Đặng Tiểu Bình, nhằm lặng lẽ xây dựng nội lực dưới cái vẻ quang minh ở trên, với bên ngoài. Ngày nay, khi tiến lên Thời Thịnh vượng kể từ năm 2012 thì Trung Quốc bắt đầu phương pháp ngoại giao "hữu vi": từng bước can thiệp vào thiên hạ sự với tư thế cường quốc.

Gã láng giềng này can thiệp theo hai hướng âm dương hay vương bá.

Phần tích cực và tử tế là "phóng tài hóa thu nhân tâm", cụ thể là đầu tư và giao thương để tranh thủ bạn hàng và đồng minh trong tinh thần "vương đạo", nhằm xây dựng một thế giới ổn định, thịnh vượng và hòa bình.

Phần âm nhu mờ ám đầy chất bá đạo là sử dụng sức mạnh kinh tế lẫn quân sự, để cái gì Trung Quốc chưa có thì Bắc Kinh đàm phán thương thảo. Cái gì đã lấy được - ăn cắp hay cướp được – thì sẽ không trả. Trong từng bước chinh phục ấy, quy tắc hành xử là "mềm nắn, rắn buông".

Một cách rất phàm tục là nếu bị thiên hạ phản đối thì gã láng giềng cười cười rút về đánh câu xính xái.

 

***

 

Bây giờ, ta hãy kiểm điểm cách vận trù phương pháp hữu vi ấy của gã tập sự bá quyền, trước khi gã chiếm lại tư thế Đế quốc.

Trong 10 năm tới, Bắc Kinh trù tính tuôn ra một ngàn 250 tỷ đô la để quang minh chính đại thu phục nhân tâm bằng cái bao tử. Hai vòi bơm chính thức là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập cảng Exim Bank. Bơm vào các dự án phát triển hạ tầng hoặc khai thác nguyên nhiên vật liệu để bảo đảm nguồn cung cấp cho kinh tế ở nhà, và tranh thủ các chế độ hữu nghị theo kiểu "bốn tốt". Tứ hảo là biểu hiện của "tứ hải giai huynh đệ" mà!

Không chỉ dùng vòi bơm của mình, gã láng giềng còn muốn tung tiền vào các định chế tài chánh quốc tế để nâng ảnh hưởng. Khi thấy Hoa Kỳ và Nhật Bản chòm chõm nhìn vào âm mưu đó, gã bèn rủ rê mấy xứ khác lập ra Ngân hàng Phát triển mới, New Development Bank, có trụ sở tại Thượng Hải. Để tranh hùng và tranh khách với Ngân hàng Thế giới, cái định chế đã công kênh gã lên bằng những dự án phát triển ban đầu, từ 30 năm về trước.

Ngân hàng Thế giới đáng được tuyên dương vì giúp gã láng giềng này thực hiện kế "thuận thủ khiên dương" trong "Tam Thập Lục Kế". Tiện tay dắt dê về nhà! Năm Mùi mà quên chuyện đó là vẫn chưa tường!

Tài hóa là như vậy, tài vật lại còn tinh vi hơn vậy. Đấy là kế hoạch tái xây dựng và phát triển Con Đường Tơ Lụa, trên đất và ngoài biển. Ti Đạo không phải là ăn cắp ti tiện đâu!

Mạng lưới "ti đạo" ấy bao trùm lên toàn cõi Trung Á để vươn tới Trung Đông và Âu Châu. Từ các tỉnh miền Nam bị khóa trong lục địa, mạng lưới đan tới Nam Á, Ấn Độ dương và Đông Nam Á, phủ lên mặt biển Đông Nam Á đến tận quần đảo Nam Dương và Úc Châu. Và nối liền với cái lưỡi bò chín khúc ngoài Đông hải.

Một học sinh biết đọc bản đồ cũng thấy ra tầm cỡ vĩ đại của Trung Quốc Mộng. Người tò mò thì tìm hiểu xem cái lưới trời lồng lộng ấy được bảo vệ ra sao, bằng quân sự....

 

***

 

Chuyện thiết thực là bảo vệ thế nào về kinh tế, với hậu quả ra sao?

Gã láng giềng đã có xu hào rủng rỉnh thì nghĩ đến việc bảo vệ bằng đồng tiền. Đồng Nguyên của Trung Quốc phải có giá trị giao hoán, ổn định và khả tín, để trở thành ngoại tệ quốc tế cho đến ngày truất phế Mỹ kim. Xứ nào bắt đầu dùng đồng Nhân dân tệ làm ngoại tệ thanh toán các nghiệp vụ mua bán với Bắc Kinh là bắt đầu trôi vào vòng thắm thiết. Sắt đỏ. Hà Nội ơi, sao đội kim cô lên đầu như vậy?

Gã láng giềng đã phóng tài hóa thì chỉ cần nhân tâm chứ khỏi lo về lời lỗ kinh doanh. Lỗ về kinh doanh mà lời về chính trị thì vẫn là xứng đáng. Nhờ vậy mà làm ăn với gã là dễ thở hơn với Mỹ. Nhờ vậy mà cả vùng Á Phi đã có những dự án rất quái. Bauxite tại Việt Nam chỉ là thí dụ nhỏ mà người khờ thì cứ tưởng là to. Vì không nhìn ra thâm thực ý của Đế quốc.

Hậu quả?

Trung Quốc đang vươn thành đệ nhất cường quốc Á Châu, đòi nói chuyện ngang hàng với Hoa Kỳ và sau khi "rạch đôi sơn hà" thì sẽ mời Mỹ đi chơi chỗ khác. Đây là lãnh địa của ta, sau này Thiên hạ cũng là của ta.

Sau giấc mơ "kết hợp Trung Quốc" để nhờ kinh tế thị trường cảm hóa chế độ chính trị, Hoa Kỳ đang nhìn ra một cái hố đen thăm thẳm. Khi ấy, sau thời mơ mòng cải tạo của Barack Obama, nước Mỹ sẽ làm gì? Đẩy ra hay kéo vào? Be bờ hay cộng tác?

Còn các nước kia? Làm ăn với Trung Quốc để cùng chia sẻ sự thịnh vượng chung, mà vẫn mua bảo hiểm của Hoa Kỳ để bảo vệ an ninh cho két bạc và sự vẹn toàn của lãnh thổ? Những tính toán ấy sẽ là thời sự cho năm Mùi.

Ngày Tết mà bói quẻ thời sự như vậy, ta lại thấy có một cái que thổ tả văng khỏi ống: "Định hướng Xã hội Chủ nghĩa" của đảng ta, hay đảng nó. Cực xấu!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
Nếu Donald Trump giành lại được Nhà Trắng vào tháng 11, năm nay có thể đánh dấu một bước ngoặt đối với quyền lực của Mỹ. Cuối cùng, nỗi sợ hãi về tình trạng suy tàn đã khiến cho người Mỹ bận tâm kể từ thời thuộc địa sẽ được biện minh. Hầu hết người Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ trong tình trạng suy tàn, Donald Trump tuyên bố rằng ông có thể “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhưng tiền đề của Trump đơn giản là sai, và các biện pháp trị liệu được ông đề xuất đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ.
Đảng CSVN hay nói “Trí thức là “nguyên khí của quốc gia”, làm hưng thịnh đất nước, rạng rỡ dân tộc*; “Trí thức là vốn liếng quý báu của Dân tộc”; hay “Thanh niên là rường cột của nước nhà” , nhưng tại sao nhiều người vẫn ngại đứng vào hàng ngũ đảng? Lý do vì đảng chỉ muốn gom Trí thức và Thanh niên “vào chung một rọ để nắm tóc”...
Tây Bắc hay Tây Nguyên thì cũng chừng đó vấn đề thôi: đất đai, tôn giáo, chủng tộc… Cả ba đều bị nhũng nhiễu, lũng đoạn tới cùng, và bị áp chế dã man tàn bạo. Ở đâu giới quan chức cũng đều được dung dưỡng, bao che để tiếp tục lộng quyền (thay vì xét sử) nên bi kịch của Tây Nguyên (nói riêng) và Cao Nguyên (nói chung) e sẽ còn dài, nếu chế độ toàn trị hiện hành vẫn còn tồn tại...
Bữa rồi, nhà thơ Inra Sara tâm sự: “Non 30 năm sống đất Sài Gòn, tôi gặp vô số người được cho là thành công, thuộc nhiều ngành nghề, đủ lứa tuổi, thành phần. Lạ, nhìn sâu vào mắt họ, cứ ẩn hiện sự bất an, lo âu.” “Bất an” có lẽ không chỉ là tâm trạng của người Sài Gòn mà dường như là tâm cảm chung của toàn dân Việt – không phân biệt chủng tộc, giới tính hay giai cấp nào ráo trọi – nhất là những kẻ sắp từ giã cõi trần. Di Cảo của Chế Lan Viên và di bút (Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của Nguyễn Khải, theo nhận xét của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, chỉ là những tác phẩm “cốt để xếp hàng cả hai cửa. Cửa cũ, các ông chẳng bao giờ từ. Còn nếu tình hình khác đi, có sự đánh giá khác đi, các ông đã có sẵn cục gạch của mình ở bên cửa mới (bạn đọc có sống ở Hà Nội thời bao cấp hẳn nhớ tâm trạng mỗi lần đi xếp hàng và không sao quên được những cục gạch mà có lần nào đó mình đã sử dụng).”
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.