Hôm nay,  

Valentine Trong Di Sản Chiến Tranh

2/15/201507:41:00(View: 9844)

Valentine Trong Di Sản Chiến Tranh

Giao chỉ San Jose

.
Quả thực Hiệp Chủng Quốc là đất nước Phú quý sinh lễ nghĩa. Tháng Hai hàng năm là tháng của Tình yêu, bày tỏ tấm lòng của con người với con người. Tháng Hai, nhà văn gọi là tháng Tình yêu thăng hoa, tháng làm đẹp lại lòng thương yêu đã tàn lụi, làm mới lại mối tơ duyên đã phai màu.


Bây giờ nhập gia tùy tục, người Việt Nam tại Mỹ cũng Happy Valentine, và nhà viết bình luận cũng phải có đề tài về ngày tháng của tình yêu.


Tại sao lại có Valentine vào tháng Hai mỗi năm. Nhiều câu chuyện lịch sử rất mơ hồ truyền tụng từ cả ngàn năm pha trộn giữa nguồn gốc tôn giáo và xã hội. Sau cùng hầu hết các nước Tây phương và Mỹ châu đều mừng lễ hội Valentine. Mời nhau bữa tiệc. Tặng hoa, trao thiệp viết lời yêu thương và giá trị nhất là những lá thư, những lời bày tỏ bằng chử viết gởi cho nhau.


Trong nhiều chuyện Valentine từ thưở xa xưa, người ta có ghi lại một huyền thoại cảm động. Có chàng trai trẻ ở tù đã đem lòng yêu thương cô con gái của viên chúa ngục. Anh chàng tên là Valentine đã tự viết ra một tấm thiệp đầu tiên cho chính mình và ghi hàng chữ FROM YOUR VALENTINE. Thành ngữ này vẫn còn dùng trên các thiệp in bán ra hàng triệu tấm mỗi năm. Trong tấm thiệp còn có bức thư gởi người yêu thầm kín mà người tử tù để lại sau khi chết. Đó là năm 269 trước khi Thiên Chúa ra đời. Từ đó lá thư tình bất diệt của người tù Valentine mở đường cho lời bầy tỏ tình yêu vĩnh cửu tháng Hai, của mùa lễ hội Valentine. Đối với quý vị, câu chuyện đã gợi ra được những kỷ niệm gì?

Trong thế giới về cuộc sống của chúng ta, mỗi người một cảnh, mỗi người mang một mảng đời khác biệt. Những cánh thiệp hồng, những lá thư tình thời học sinh, những bài ca tình thơ của lính. Bài Phượng Hồng tuyệt tác thi sĩ đã viết về cậu học trò có lá thư Valentine ngập ngừng đem tới lại đem về. Rồi những cậu bé lớn lên giữa thời binh lửa. Thư chiến trường đầy vơi nước mắt kéo dài 20 năm với những ngày hạnh phúc quấn khăn tang. Sau cùng, oan nghiệt nhất là thư từ trại tù cải tạo tràn đầy cay đắng trong những kỷ niệm vừa đau thương vừa huy hoàng của một thời đã qua.
Đó là câu chuyện Valentine trong di sản chiến tranh.


Về câu chuyện những cánh thư Valentine của chiến trường Việt Nam thì Asia đã có cảm hứng làm ra một tác phẩm DVD phát hành năm trước.
Tuy nhiên, những câu chuyện mà chúng tôi kể ra sau đây sẽ không bao giờ còn có dịp giới thiệu với bà con Việt Nam.

Cách đây đã lâu vào ngày 6 tháng Hai năm 2005, một cô gái Sài Gòn tên là Hoàng Hoa từ Việt Nam phổ biến cho người Việt hải ngoại qua diễn đàn Thủ Đức một tài liệu làm người đọc vô cùng xúc động. Đó là lá thư tình cảm 20 trang viết tay của chuẩn úy Trần Văn Quý.


Lá thư của anh sĩ quan trẻ tuổi từ chiến trường Kontum chưa hề có nửa mối tình đầu viết cho cha mẹ và cho người chị gái tại Sài Gòn. Thư chưa bao giờ được gởi đi vì người ta chỉ tìm được trong túi quân phục của tử sĩ chết đúng vào ngày 6 tháng Hai năm 1974.
Cô em gái nhỏ của gia đình đã cất giử kỷ vật suốt bao năm để phổ biến vào tháng hai đầy tình cảm.


Tuy nhiên phải là người trong quân ngũ mới thực sự rung động vì những lời ghi lại trong lá thư hồi ký chiến trường của một chàng trai trẻ đi trả nợ binh đao. Chuẩn úy Quý ra trường Thủ Đức vào tháng 10 năm 1973, đã chọn đơn vị về tiểu khu Kontum.
blank
 Ngày 11 tháng 11 năm 1973, được giao chức vụ Trung đội trưởng trung đội 3 đại đội 2 thuộc tiểu đoàn Địa phương Quân Kontum, đóng bên bờ sông Đap La.


Chỉ vừa nhận đơn vị 3 giờ đồng hồ thì đơn vị giải tán, quân số chuyển qua đơn vị khác và anh chàng chuẩn úy Thủ Đức còn ngơ ngác với đầu óc học trò đã trở thành sĩ quan thặng số đi theo tiểu đoàn hành quân, nhưng không có một người lính trong tay.

 

Và cuộc đời binh nghiệp bắt đầu với những diễn tiến đau thương cười ra nước mắt. Tuy là sĩ quan nhưng vẫn còn lãnh lương trung sĩ theo quy chế sinh viên. Được chia gạo nhưng không có thực phẩm. Chuẩn úy Quý hết sức nhẫn nại, lóc chóc vác súng theo đơn vị như một tân binh thặng số. Từ quan đến lính, chẳng ai quan tâm. Chưa hề có kinh nghiệm nên cũng không chuẩn bị quân trang đi tác chiến trong rừng.

 

Những lời anh viết trong thư rất chừng mực và bình thản. Anh kể chuyện xảy ra hàng ngày không hề có một lời than van. Anh không viết một chữ tuyên truyền ồn ào giữa ta và địch. Hết sức từ tốn và đơn giản, anh sĩ quan trẻ viết về những ngày tháng đầu đời quân ngũ để gởi cho chính mình, gởi cho cha mẹ và anh chị. Tác giả không bao giờ nghĩ rằng câu chuyện kể ra sẽ được chúng ta đọc lại hơn 30 năm sau. Tập bút ký dưới hình thức thư nhà tràn đầy yêu thương mà ngày nay chúng ta có thể gọi là Valentine của tình người.

Định mệnh đã đưa những người trai xa lạ đến sống bên nhau và cùng chết bên nhau trong một đơn vị rất tầm thường ở miền núi rừng xa thẳm gọi là Tân Cảnh, Kontum. Họ không phải là thiên thần Mũ Đỏ hay cọp biển Mũ Xanh. Tuyệt đối không có một chút gì là lãng mạn oai hùng.


Từ tháng 10 năm 1973, mặt trận Kontum đã được giải tỏa. Khói lửa trận mùa Hè đỏ lửa 72 đã tạm thời lắng dịu. Các đơn vị tổng trừ bị đã rút về. Chỉ còn lại địa phương quân cấp chi khu ngày đêm chống lại quân du kích và cộng sản địa phương.

Sau một thời gian đeo lon chuẩn úy mà sống như binh nhì, anh sỹ quan Thủ Đức nhận được lính để đóng vai trung đội trưởng. Trung đội của anh sau cùng có được 8 lính, trong đó có 2 lính thượng và 6 lính lao công đào binh vừa được thả từ quân lao Gò Vấp ra. Một ông trung sĩ già làm trung đội phó.

Đó là hoàn cảnh của anh s ĩ quan Sài gòn 20 tuổi chưa hề ra trận, sẽ cầm trung đội 10 người để chiến đấu ở tuyến đầu Kontum, chặn đường Nam tiến của binh đoàn cộng sản.


Chuẩn úy Quý tả cảnh phải chiến đấu với núi rừng, đèo cao dốc thẳm và đói khát giá lạnh. Từ đỉnh đồi 945 thước cao, anh lính học trò chỉ huy lính đào binh ngó về thành phố Kontum mà nhớ Sài gòn. Nơi chân trời xa thẳm có cha mẹ, bạn bè và các cô gái hậu phương anh chưa hề tỏ tình.


Xin đọc một đoạn trong lá thư của chuẩn úy Trần văn Quý “ ... trên đỉnh đồi 949 m nhìn về thành phố Kontum con thấy nhớ nhà làm sao ấy. Ở đây mỗi ngày chỉ viết một trang vừa làm nhật ký vừa làm thư, và cũng là lúc đang suy tư về gia đình. Bây giờ chỉ có cách chờ ngày về dưỡng quân mới bỏ thư được. Chắc sau gần một tháng trời bặt tin ở nhà cũng trông thư con lắm. Nhưng vì chiến cuộc con cũng chẳng biết làm sao hơn, nếu thư liên lạc thường xuyên không được, thì sau ngày hành quân con sẽ gởi về nhà một lá thư dài thế này để bù lại những ngày gởi thư lẻ tẻ”...

Cho đến cuối năm 1973, trung đội 10 người của chuẩn úy Quý chạm súng lần đầu tiên lại là một trận đánh ngắn ngủi và đau thương hết sức. Đại đội cho lệnh chia trung đội làm hai, một nửa tung quân ra tiền thám và một nửa giữ vị trí. Giữa rừng già núi đồi cây cối chằng chịt, ông trung sĩ phó nằm cố thủ với 3 anh lính ba gai. Cậu chuẩn úy với 5 anh lính du côn và lính thượng đi mở đường.

 

Bỗng nhiên có tiếng súng ầm ì phía trước, một anh lính của trung đội trúng đạn bị thương. Chuẩn úy Quý đứng xững như mơ ngủ. Anh lính thượng đeo máy lao vào bụi rậm. Tay lính xuất thân từ quân lao Gò Vấp la lên, thiếu úy nằm xuống. Rồi chợt nghe xa xa có tiếng của trung sĩ trung đội phó “ Chết rồi, bắn nhầm lính của ta rồi” Chuẩn úy Quý dẫn lính đi một vòng rồi lại về chỗ cũ nên quân ta tưởng chạm địch rồi bắn nhầm. Bút ký kể lại chân thật không hề che dấu và cường điệu. Đây là những tài liệu chính xác nhất của chiến trường.

Cho đến trận sau cùng, theo lời thuật của cô em gái ghi lại như sau:

Name: Hoang Hoa. City: Saigon , Viet Nam / Sent: Sun. February 06/2005/21:02

Anh tôi là cựu sinh viên trường sỹ quan trừ bị Thủ Đức. Anh đã hy sinh tại Kontum ngày 6 tháng 2 năm 1974. Kỷ vật còn lại tấm thẻ bài, vài tấm hình và một bức thư dài chưa kịp gởi, vì suốt thời gian hành quân không thể gửi thư về nhà được, kể cả kỳ tiếp tế vì máy bay có đáp xuống được đâu mà chuyển thư.
Bức thư đó đã được tìm thấy trong túi áo của anh. Chiến hữu cùng đơn vị kể rằng quanh xác anh nằm vương vãi nhiều đôi dép râu. Tay anh còn nắm chốt lựu đạn. Một viên đạn xuyên đùi, nhưng viên xuyên sọ đã cướp đi mạng sống của anh khi tuổi đời chưa đầy 21. Suối Non Nước và đồi Tân Cảnh đã ghi lại dấu chân sau cùng của cố Thiếu Úy Trần Văn Quý.
Anh tôi đã hy sinh cho non sông, xứng đáng là trai nước Việt hào hùng, đem mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh. Xin cho tôi gởi hình ảnh và bức thư lên trang web Thủ Đức hải ngoại để linh hồn anh được ấm áp bên bạn bè chiến hữu.


Như vậy chuẩn úy Trần Văn Quý sau khi chết đã được truy thăng cố thiếu úy. Gia đình được lãnh lương chuẩn úy suốt 4 tháng từ khi ra trường đến khi tử trận, và thêm tiền tử tuất bằng 12 tháng lương cấp thiếu úy.

 

Từ khi rời bỏ gia đình Saigon và quân trường Thủ Đức ra đi, anh Quý cứ mong ước và hứa hẹn nhưng chưa hề gởi được 1 đồng bạc tiền lương cho cha mẹ mua quà như đã viết trong thư. Và lá thư Valentine của tình thương gia đình chỉ được trao về cho thân nhân vào tháng 2 năm 1974 cùng với di hài tử sĩ khi anh đã chết sau hai lần nổ súng. Trận đầu tiên đánh nhầm quân ta. Trận thứ hai mới thực sự chạm địch tại chiến trường. Đó là trận cuối cùng gói trọn tình thương trong tấm thiệp Valentine thứ nhất. Lá thư Valentine bi thảm từ chiến trường năm 1974.

Bây giờ xin kể đến chuyện những lá thư Valentine có hậu của Happy Ending.

Từ hơn 20 năm nay chúng ta vẫn nghe nói về chuyện tù cải tạo nhận thư nhà và gởi thư đi từ những miền thượng du Bắc việt. Những lá thư Valentine hết sức cay đắng đó bây giờ ở đâu. Ai là người nhận và ai là người gởi.

blank
Thêm vào đó, khi tù được giải lao từ nơi này đến nơi khác, mỗi khi chuyển trại các anh ném những lá thư xuống bên đường, rơi vào đám dân và hy vọng có người nhặt được gởi về cho gia đình. Khi chuyển trại từ Bắc vào Nam đi ngang qua vùng Saigon , tù cải tạo đã ném xuống cho dân những lá thư hy vọng. Ai là người nhặt được. Ai người tìm đến nhà trao lại. Ngày nay ai còn lưu giữ được những lá thư như thế.

Cuối năm 2008 tôi đã có may mắn gặp được một người con của cựu tù cải tạo đem đến món quà vô giá dành cho viện bảo tàng. Những lá thư từ trại tù miền Bắc gởi về cho gia đình trong Nam , những lá thư từ Sai Gon gởi vào trại tù Yên Bái. Và một lá thư ném xuống đường để nhờ người dân miền Nam vô danh đã đem đến nhà và bây giờ còn lưu lại. Đó là những di vật Valentine huyền diệu nhất của cuộc đời và chúng ta không thể có kỷ vật nào so sánh đươc.

Ông bạn chiến binh cựu tù cải tạo đã gấp và xếp những lá thư hết sức cẩn thận dành cho chúng tôi giữ làm di sản tình yêu trong chiến tranh. Những hàng chữ rất nhỏ trên tờ giấy xám như bầu trời của chế độ tù đày.

Lời lẽ thương yêu của chồng của cha gởi về nhắn nhủ vợ con. Viết sao cho gia đình hiểu được những ẩn ý dưới hàng chữ thân yêu.

Thư con trai 16 tuổi lớn lên trong chế độ cộng sản mang lý lịch ngụy quân đã hứa với người cha tù tội sẽ thay cha lo cho tương lai gia đình.

Thư rơi bỏ trên đường được sản xuất rất nhiều với ghi chú rõ ràng dành cho tấm lòng vô danh nhặt được sẽ đem giao tại nhà. Một trong những thông điệp tình yêu huyền diệu đến tay người nhận.

Tất cả những kỷ vật chúng tôi nhận được do trung tá tù cải tạo gửi đến gồm có chiếc áo tù rách vá nhiều chỗ gấp lại hết sức cẩn thận. Chiếc áo đã sống với người tù Vương Đình Viên Hồng trên 30 năm. Kèm theo là 7 lá thư trao đổi trong gia đình có cả lá thư do ân nhân nhặt được trao về địa chỉ tại Sàigon. Có lá thư đứa con trai của ông, 16 tuổi, Vương Bá Quốc Hùng viết cho cha từ Phú Nhuận ngày 6 tháng 3 năm 1981 với gói quà đầu tiên. Thư gửi cho K 9 HT:AH.118-NT.

blank

Cháu báo tin một vài thân nhân ở nhà ta đã di chuyển về Hà Nội, đến nơi bình yên, con cũng muốn đi nhưng chưa có điều kiện. Đọc thư biết ngay là báo cáo vượt biên thành công.

 

Đặc biệt lại có 2 sợi giây dù Việt Cộng đã dùng để trói anh bạn tù Lê Đức Thịnh khi xử bắn tại Long Giao 1976. Hai sợi giây này đã được ông Viên Hồng đem theo suốt những năm cải tạo từ Nam ra Bắc và trở về. Tài liệu này sẽ được lưu giữ dưới tiêu đề Valentine từ Yên Bái đến Sàigòn

Những con người Việt Nam trong chiến tranh đã gởi thông điệp Valentine yêu thương cho nhau bằng cả mạng sống, bằng cả cuộc đời tù tội. Cách gởi đã nhiệm màu mà lời thương yêu chân thành còn mầu nhiệm hơn biết bao nhiêu. Đó là chuyện những lá thư tình Valentine của quá khứ.

Còn chúng ta ở đây, bây giờ, trong mùa Valentine ở xứ sở của thiên đường Mỹ quốc. Xin hãy viết cho nhau những thông điệp đẹp đẽ một lần. Để khỏi phụ lòng con người sáng tạo mở đường viết thiệp tình thương như anh chàng tử tù tên Valentine hơn hai ngàn năm trước. Như thiếu úy Thủ Đức Trần Văn Quý 40 năm xưa trong rừng núi Kontum và như người tù lao cải Vương Đình Viên Hồng viết từ trại tù Yên Bái trong những năm đầu thập niên 80.

Hãy viết lời yêu thương ngay từ San Jose, California cho những người ngồi bên cạnh ta. Một lần. Và xin đừng gửi thông báo cho tôi những lời mắng chửi qua lại giữa anh em làm hư hỏng cả chữ nghĩa tổ tiên ông bà để lại từ ngàn xưa.

Hôm nay, nhân ngày Valentine với ý nghĩa rộng hơn tình yêu đôi lứa, nhân danh tình thương của con người với con người, tác giả xin gửi hoa hồng cho cháu Trần Hoàng Hoa, em gái của cố thiếu úy Thủ Đức Trần Văn Quý, hiện còn ở Sàigòn.

 

Xin gửi hoa hồng cho người tù cải tạo Vương Đình Viên Hồng ở Virginia và xin gửi hoa hồng cho cháu Vương Bá Quốc Hùng ở San Jose . Cậu bé 16 tuổi ngày xưa ở Phú Nhuận, cũng muốn đi nhưng không có điều kiện. Phải chờ đến khi bố về mới có vé HO bơi thuyền đến bến tự do.   

Happy Valentine cho mọi người.  

Giao Chỉ, San Jose phổ biến qua đêm tình yêu tại Mỹ                       

[email protected]

 


.
,

Reader's Comment
2/15/201523:08:51
Guest
Quân đội VNCH chỉ có các quan to ,Tướng và Tá là phè phỡn thôi ! Các quan nhỏ mới ra trường , các Hạ sĩ quan và anh em binh sĩ chịu rất nhiều thiệt thòi ,,,thì làm sao có tinh thần chống Cộng !
_ Năm 1974, tai Suối Cát , tiểu khu Long Khánh , lính đóng đồn cấp trung đội chỉ còn có bốn người ,,, lính đảo ngũ hết ,,, Tỉnh trưởng kiem Tiểu khu Trường vui chơi bốn mùa !?
Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Một người không có trí nhớ, hoặc mất trí nhớ, cuộc đời người ấy sẽ ra sao? Giả thiết người ấy là ta, cuộc đời ta sẽ như thế nào? Ai cũng có thể tự đặt câu hỏi như vậy và tự cảm nghiệm về ý nghĩa của câu hỏi ấy. Sinh hoạt của một người, trong từng giây phút, không thể không có trí nhớ. Cho đến một sinh vật hạ đẳng mà chúng ta có thể biết, cũng không thể tồn tại nếu nó không có trí nhớ. Trí nhớ, Sanskrit nói là smṛti, Pāli nói là sati, và từ Hán tương đương là niệm, cũng gọi là ức niệm, tùy niệm. Nói theo ngôn ngữ thường dùng hiện đại, niệm là ký ức. Đó là khả năng ghi nhớ những gì đã xảy ra, thậm chí trong thời gian ngắn nhất, một sát-na, mà ý thức thô phù của ta không thể đo được.
Ba mươi năm trước tôi là thành viên hội đồng quản trị của một cơ quan xã hội giúp người tị nạn trong khu vực phía đông Vịnh San Francisco (East Bay) nên khi đó đã có dịp tiếp xúc với người tị nạn Afghan. Nhiều người Afghan đã đến Mỹ theo diện tị nạn cộng sản sau khi Hồng quân Liên Xô xâm chiếm đất nước của họ và cũng có người tị nạn vì bị chính quyền Taliban đàn áp. Người Afghan là nạn nhân của hai chế độ khác nhau trên quê hương, chế độ cộng sản và chế độ Hồi giáo cực đoan.
Bà Merkel là một người đàn bà giản dị và khiêm tốn, nhưng nhiều đối thủ chính trị lại rất nể trọng bà, họ đã truyền cho nhau một kinh nghiệm quý báu là “Không bao giờ được đánh giá thấp bà Merkel”.
Hai cụm từ trọng cung (supply-side) và trọng cầu (demand-side) thường dùng cho chính sách kinh tế trong nước Mỹ (đảng Cộng Hòa trọng cung, Dân Chủ trọng cầu) nhưng đồng thời cũng thể hiện hai mô hình phát triển của Hoa Kỳ (trọng cầu) và Trung Quốc (trọng cung). Bài viết này sẽ tìm hiểu cả hai trường hợp. Trọng cung là chủ trương kinh tế của đảng Cộng Hoà từ thời Tổng Thống Ronald Reagan nhằm cắt giảm thuế má để khuyến khích người có tiền tăng gia đầu tư sản xuất. Mức cung tăng (sản xuất tăng) vừa hạ thấp giá cả hàng hóa và dịch vụ lại tạo thêm công ăn việc làm mới. Nhờ vậy mức cầu theo đó cũng tăng giúp cho kinh tế phát triển để mang lại lợi ích cho mọi thành phần trong xã hội. Giảm thuế lại thêm đồng nghĩa với hạn chế vai trò của nhà nước, tức là thu nhỏ khu vực công mà phát huy khu vực tư.
Gần đây, chỉ một tấm ảnh của nữ trung sĩ TQLC Hoa Kỳ – Nicole Gee – ôm em bé người Afghan với thái độ đầy thương cảm thì nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đều phổ biến và ca ngợi! Nhân loại chỉ tôn trọng sự thật, trân quý những tâm hồn cao thượng và những trái tim biết rung động vì tình người – như nữ trung sĩ TQLC Hoa Kỳ, Nicole Gee – chứ nhân loại không bao giờ thán phục hoặc ca ngợi sự tàn ác, dã man, như những gì người csVN đã và đang áp đặt lên thân phận người Việt Nam!
Tôi vừa mới nghe ông Trần Văn Chánh phàn nàn: “Cũng như các hội nghề nghiệp khác, chưa từng thấy Hội nhà giáo Việt Nam, giới giáo chức đại học có một lời tuyên bố hay kiến nghị tập thể gì liên quan những vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng; thậm chí nhiều lần Trung Quốc lấn hiếp Việt Nam ở Biển Đông trong khoảng chục năm gần đây cũng thấy họ im phăng phắc, thủ khẩu như bình…”
Thế giới chưa an toàn và sẽ không an toàn chừng nào các lực lượng khủng bố trên thế giới vẫn còn tồn tại, một nhà báo, cựu phóng viên đài VOA từ Washington D.C. nói với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm. Sự kiện nước Mỹ bị tấn công vào ngày 11 tháng 09 năm 2001 đã thức tỉnh thế giới về một chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đang tồn tại trong lòng các nước Trung Đông. Giờ đây, sau 20 năm, liệu người Mỹ có cảm thấy an toàn hơn hay họ vẫn lo sợ về một cuộc tấn công khủng bố khác trên đất nước Hoa Kỳ hay nhằm vào công dân Mỹ ở nước ngoài.
Vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, những kẻ khủng bố Hồi giáo thuộc tổ chức mạng lưới Al-Qaida đã dùng bốn phi cơ dân sự làm thành một loại vũ khí quân sự để tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và Lầu Năm Góc ở Washington D.C. Các sự kiện không tặc loại này là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh của nhân loại và đã có hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử cận đại.
Thứ Bảy, ngày 11/09/2021, nước Mỹ tưởng niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố thảm khốc nhắm vào tòa tháp đôi World Trade Center ở New York, bộ Quốc Phòng Mỹ ở gần Washington và ở Shanksville tại Pennsylvania. Gần 3.000 người chết, hơn 6.000 người bị thương. Hai mươi năm đã trôi qua, vẫn còn hơn 1.000 người chết đã không thể nhận dạng. Chấn thương tinh thần vẫn còn đó. Mối họa khủng bố vẫn đeo dai dẳng. Lễ tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố gây chấn động thế giới diễn ra như thế nào, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ triệt thoái toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan sau đúng 20 năm tham chiến ? Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn với nhà báo Phạm Trần từ Washington.
Những em bé tò mò, lần đầu tiên ngước mắt lên trời, thấy trăng sao, lập tức nảy sinh ước muốn thám hiểm cõi mênh mông ở cuối, ở xa hơn tầm mắt mình. Lớn lên, ý thức được kích thước Vũ Trụ và giới hạn của đời người, biết đường dài dẫn tới một tinh cầu có thể đòi hỏi sự nối tiếp của muôn triệu kiếp người. Tỉnh ra và thất vọng. Ước muốn chỉ còn là ước mơ vương vấn nơi những truyện khoa học giả tưởng huyền hoặc vẽ ra hình ảnh một con tàu kỳ diệu: một ngày kia khoa học tiến bộ, hành khách đáp phi thuyền du lịch tối tân sẽ lọt vào cõi thời gian ngừng trôi, có cuộc đời dài vô tận, tha hồ chu du khắp cùng vũ trụ.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.