Hôm nay,  

Về Một Tản Văn Dị Thường

06/02/201500:00:00(Xem: 5702)

Tôi có nhiều kỷ niệm với văn học từ trung học, thời của những lớp đệ thất (lớp 6) trở lên. Văn học với tôi là hình ảnh một cô giáo đứng trước lớp, tay cầm một cuốn truyện, có lúc một cuốn thơ, và có lúc một sách giáo khoa... Thời đó Việt văn chia ra làm đôi, gọi là cổ văn và tân văn. Và giờ văn nào cũng chắp cánh cho tôi bay bổng, nơi một thế giới được dựng lên từ những lượn sóng muôn trùng của chữ.

Cô giáo đọc dịu dàng, các âm vang được cô nói lên bay lơ lửng trước mặt bọn học trò, làm chúng tôi như bị hớp hồn, và rồi các chữ đó biến mất như những chiếc lá mùa thu trong trí nhớ về ngày đầu tới trường của một cậu bé.

Có những lúc giọng cô giáo đọc trầm bổng, đọc kinh ngạc, đọc thổn thức khi tới đoạn Ngọc giựt vạt áo chú tiểu Lan nơi sân Chùa Long Giáng và sững sờ thấy lộ ra một bầu ngực.

Và có lúc giọng cô giáo trầm lại, đọc từng chữ trong những câu “đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen” khi Vua Quang Trung dẫn quân ra trận...
Những giờ được nghe, được đọc văn như thế đã làm cho tôi ngây ngất, cả khi bọn học trò chúng tôi đã phóng ra khỏi lớp và lên xe đạp về nhà. Không bao giờ tôi quên những buổi chiều tắm gội trong mùi hương văn học như thế. Nhiều thập niên sau, cảm giác này tôi đã gặp lại khi đọc một cuốn tản  văn rất mực dị thường.

blank
Bìa sách “Bóng Bay Gió Ơi.”


Đó là khi tôi mở ra đọc từng trang bản thảo Tản Văn Nguyễn Thị Khánh Minh. Có những lúc tôi ngưng đọc, tôi đứng dậy và tôi lùi xa bàn một chút... để nhìn về các trang giấy, xem có thật những chữ của Nguyễn Thị Khánh Minh đang bay lơ lửng trước mắt mình như tôi vừa thoáng thấy. Những lúc đó, tôi tự hỏi, làm thế nào nữ sĩ họ Nguyễn có thể viết được như thế: hơi thở nào đã làm những dòng chữ đã nằm chết trên trang giấy hốt nhiên bay lên, rời ra hỗn loạn như nghịch phá, và rồi cũng hốt nhiên các dòng chữ chui trở lại ngay ngắn như cũ trên bản thảo tập Tản Văn.

Viết được như thế, như Nguyễn Thị Khánh Minh, không phải là viết bằng giấy và mực. Cô không viết bằng giấy mực; cô viết bằng tất cả những gì cô tiện tay nhặt được, cô viết bằng tất cả những gì cô thò tay quơ được – đó là sông, là suối, là trí nhớ những năm thơ ấu, là tiếng cười và nỗi lo của những bạn văn từ VN và bên này, là những cảm xúc về hình ảnh tuổi trẻ Hồng Kông dựng lều giữa phố -- thế đấy, cô ép tất cả vào chữ. Và do vậy các chữ này cuồn cuộn sức sống. Trên trang giấy của nữ sĩ họ Nguyễn, đó là những âm vang sóng biển Nha Trang, là tiếng còi tàu xe lửa khi ngườì cha của cô từ giã cả nhà để đi dạy học xa, là những giọt nước mắt lo sợ của gia đình khi người cha bị bắt dẫn đi, và tận cùng là chất thơ của văn học Việt. Nơi đó, giữa những dòng chữ cũng là nỗi giận khi dò lại án oan của Nguyễn Thị Lộ...

Tôi đọc Tản Văn Nguyễn Thị Khánh Minh và kinh ngạc về chất thơ, về tính thuần Việt trong ngôn ngữ nơi đây. Chữ trong tản văn của nữ sĩ họ Nguyễn dùng thuần Việt, hay rất ít dùng chữ Hán-Việt, và độc giả có thể nhìn thấy hình ảnh cô gái nhỏ bước ra khỏi trang giấy, và cô ngẩn ngơ nhìn mọi thứ chạy lùi...

Như trích  đoạn sau từ bài “Theo Cảm Xúc Mà Đi”:
“...Nhắm mắt lại. Phút này đây.

… như nghe được hương trâm trâm bên vệ đường rầy xe lửa về quê nội, ai biết được mầu lấm tấm ngũ sắc kia đã cấy trong tôi mùi quyến luyến quê nhà đến vậy. Hễ chìm vào là nghe tiếng xe lửa xập xình, ánh nhìn cô gái nhỏ chạy lùi theo những hình ảnh vụt qua, bụi cây, ngọn núi, chiếc cầu nhỏ, những ô lúa xanh và con mương ốm chạy ngoằn ngoèo theo bờ ruộng. Lại như nghe được cả mùi thơm của đất bùn, đất ải quyện lẫn mùi phân trâu bò, mùi rơm rạ trong nắng trưa. Nếu không có một tuổi thơ gắn bó với mùi hương ấy thì chắc tôi không thể nào cảm được trọn vẹn cái êm ả, bình yên, mộc mạc của một làng quê, không chia được với ai kia nỗi nhớ nhà, không xẻ được với ai kia niềm hạnh phúc có một “nhà quê” để gậm nhấm lúc chia xa...”(hết trích)

Hay như trong bài “Bồng Bềnh Quê Nhà,” khi nữ sĩ họ Nguyễn nói về một lựa chọn:

“... Nhưng nếu, để đổi lấy văn minh mà mất hết trơn cái nhịp, cái mùi gần gũi ruột thịt như thế, tôi chọn, thà đi về trên con đê bên đường rầy xe lửa ngắt một nụ trâm trâm mà hút mật ngọt, thà trở lại quê nhà, tắm trong đêm dưới ánh trăng bên cái giếng gạch đóng đầy rêu, cười khúc khích với người chị đang tuổi dậy thì, chị Bích ơi, em biết sẽ có ngày chị em mình lại về nhà nội và tắm khuya bên bờ giếng ấy, phải là đêm có trăng để em thấy được những mảnh sáng bắn tung tóe từ người chị, hẹn thế nhé, nhưng đừng dọa em, dưới giếng có con rắn thật to nghe, mà cho dù thế cũng không cưỡng được em cái thích tắm dưới trăng khuya bên giếng gạch cũ của bà nội đâu, chị Bích à.” (hết trích)

Đoạn văn trên dùng chữ thuần Việt. Người đọc thấy hình ảnh hai cô bé tắm khuya bên giếng, kể lại qua ánh sáng mùa trăng và tiếng khua nước nhẹ nhàng như dòng chảy ca dao. Cảnh hiện lên trước mắt người đọc, với tiếng cười khúc khích lẩn khuất sau các dòng chữ trên giấy – nơi đó, giữa chữ vẫn còn hơi mát của giếng khuya. Làm sao viết được như thế...

Bây giờ, xin mời bạn đọc những dòng chữ sau, từ bài “Mưa Nắng Thềm Nhà.”  Nơi đây, nữ sĩ họ Nguyễn kể về những trận mưa quê nhà, và các dòng chữ đã bật lên tiếng tí tách, làm trang giấy phảng phất vị mặn của nước mưa vùng biển (mà có mặn không?), và chữ cũng bật lên một tiếng nói chở theo một nửa của cát trắng biển xanh (cũng lạ, làm sao đo nổi một nửa):

“...Bởi từ bé, tôi rất thích mưa. Cho đến giờ, vào những đêm có mưa, cuộn mình trong chăn, tôi vẫn mường tượng tiếng mưa rơi trên mái ngói ngôi nhà ba mẹ ở đường Đống Đa tuổi nhỏ. Mưa Nha Trang, ai biết không, có mùi biển, đến nỗi tôi đã thử uống nước mưa xem nó có tí mặn nào của biển không, chẳng chút mặn, mà sao nó lại ngọt đến thế, tôi nhớ như in cảm khoái trong lành thấm xuống cổ mình lúc ấy, nó rất khác nước uống mà bà ngoại đã đun sôi, thế là từ ấy, khư khư ý nghĩ chỉ có nước mưa ở Nha Trang là ngọt như thế, vì nó được cất từ hơi biển mặn ư? Nơi đó cái gì cũng mang mùi biển, vị biển, hương biển, nắng, gió, đất, cát, khí trời ban đêm, cả mái tóc bay và làn da rám nắng của các cô gái nhỏ nữa, giọng nói thì đương nhiên là của biển rồi, mặn mòi, thực thà, hồn nhiên. Giọng tôi chỉ được một nửa của cát trắng biển xanh thôi...” (hết trích)

*

Văn cũa nữ sĩ họ Nguyễn lúc nào cũng đẹp và thơ mộng, cũng xao động với những âm vang và hình ảnh, cũng lấp lánh tiếng khua động và màu sắc.
Bạn văn... Nguyễn Thị Khánh Minh viết rất trân trọng về hai bạn văn -- Nguyễn Lương Vỵ và Nguyễn Tôn Nhan. Nói bạn văn, vì là bạn của chữ. Cũng là bạn trong đời thực, dù có khi đã đọc từ khi mới lớn và rồi nhiều thập niên sau mới gặp – như khi cô ghi về Nguyễn Lương Vỵ, người nữ sĩ gọi là “Một Người Thơ hát âm giữa đôi bờ sinh tử chữ”, trích:

“Hồi 17 tuổi, tôi đã chép vào cuốn sổ ghi chép của mình, những câu thơ của Nguyễn Lương Vỵ  từ một tạp chí, nó làm tôi quá thích, chẳng hiểu sao mà hình ảnh và những chuyển động trong 4 câu thơ hòa quyện vào cùng một không gian một cách nhịp nhàng đến thế:

Biển đắp một toà sương
Lạnh đôi bờ vú nhỏ
Nàng tắm trong tịch dương
Núi gầm lên khóc nhớ…

Giữa cái cô liêu của tịch dương và tiếng gầm vô thanh hạt lệ núi cùng đôi bờ lạnh, nhỏ, khói sương kia có một nhịp tương giao rất đỗi quạnh hiu, và cũng quá thơ mộng trong 20 âm, ẩn hiện bóng chiều tàn.

Mãi đến 40 năm sau, tôi mới gặp được người viết, NLV, (viết bài thơ nầy vào năm 16 tuổi.) Gặp được, là nhờ cái cười vô vi, cái vẫy gọi hý lộng cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan...”(hết trích)

Tôi đã khựng lại, đọc lại những dòng chữ trên trang giấy mới in nhưng như đã úa vàng theo ký ức: Mọi chuyện như dường không có thực, chữ của Nguyễn Thị Khánh Minh phả lên những sương khói khi kể về 40 năm cách quãng của bốn dòng thơ Nguyễn Lương Vỵ, và về “cái cười vô vi, cái vẫy gọi hý lộng của đời” của Nguyễn Tôn Nhan. Nữ sĩ trân trọng với thơ như thế -- thật hy hữu vậy.

Hay như khi viết về nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, nữ sĩ đã ghi xuống giấy: “Với trữ tình NXT, hình ảnh và chữ mang hồn phách của Đẹp, không, tôi muốn dùng chữ diễm lệ, đẹp, buồn và thơ... Muốn đọc thơ NXT dường như phải giống như người xưa chơi đàn cầm, nghe nói muốn gảy đàn cổ này, tâm phải thật lặng tiếng đàn mới tỏ...”

Trân trọng với bạn văn, không chỉ với người đương thời. Chữ của Nguyễn Thị Khánh Minh trở nên buồn và phẫn nộ, khi viết về một bạn văn đã xa nhiều thế kỷ trước: Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ, người tình của Nguyễn Trãi và là người có chiếc trâm cài tóc được các nhà khảo cổ Hà Nội đào thấy từ một chiếc cũi giam tù khai quật khi tìm hiểu về thảm án Lệ Chi Viên, mà báo Người Cao Tuổi kể lại: “…người ta đào ao, vật đất lên làm trại chăn nuôi dê, rồi đã phát hiện thấy một khối gỗ xếp theo hình cũi lợn, mộng rất khít không tra đinh, kích thước 4m x 4m, các thanh gỗ kích thước không giống nhau: 4m x 0,20m x 0,40m. Lúc mới đào gỗ mềm như bún, để một lúc thì khô cứng như đá. Anh Nguyễn Văn Hải*, cháu cụ Nguyễn Đăng Nông, nhặt được một chiếc trâm cài búi tóc phụ nữ dài 15cm ở trong cũi. Dư luận người ta cho đấy là trâm của bà Lộ, sau khi bị chém, tử thi chôn cùng cũi… Vậy mà những di vật cực quý ấy nay cũng không còn…”

Và bây giờ, Nguyễn Thị Khánh Minh ghi lại cảm xúc về Nguyễn Thị Lộ:

“Đọc thấy ngùi, giận. Một tài nữ, là Lễ Nghi Học Sĩ đầu tiên trong nền giáo dục Việt Nam, bị kết tội oan và chết thảm, để lại một dấu vết quá là thơ mộng, mong manh, một cây trâm cài tóc trong cũi tử tội, thế mà định mệnh khắt khe còn theo đuổi để nó mất dấu...

Nghe như trong nắng gió miền Nam Calif. lung linh những trang sử bi thương từ cái chết ai oán kia, có phải là hương tóc theo về từ chiếc trâm lay động màn bụi phủ hơn 5 thế kỷ? Và trong gió trời tự do, tôi sẽ lần theo hương tóc ấy để tìm dấu chiếc trâm cài, thưa Người.”(hết trích)

Nơi tản văn khác, Nguyễn Thị Khánh Minh đã gọi Du Tử Lê là “dòng sông hẹn hò biển cả.” Nữ sĩ viết:

“...Hình ảnh trở về và tìm thấy mình trong dòng sông, tôi thấy thấp thoáng khi đọc thơ Du Tử Lê.

Bước thư sinh khởi đi, đến mấp mé hoàng hôn. Một dòng sông dài. Một chặng tâm thức riêng người. Cất bước bắt đầu hay chợt dừng, cũng chỉ vì một lời hẹn, với mênh mông. Gần 60 năm đong đưa với nhịp chẩy dòng sông thơ. Trong đó có những gập ghềnh, đương nhiên, của cuộc kiếm tìm.”

Bạn văn. Nguyễn Thị Khánh Minh cũng viết về một nhà thơ, người nữ sĩ gọi là “thi sĩ đi trong thời gian của mình những bước thao thức của giấc mơ, người thơ Lữ Quỳnh.”  

Nữ sĩ cũng viết một họa sĩ, “hơi cọ đầy lửa, lửa xanh khơi từ trái tim phết lên tranh sắc mầu của hy vọng, hoạ sĩ Đinh Cường.”

Hay khi viết về những bạn trẻ ở Hồng Kông, đang ngồi biểu tình giữa phố gió sương với “Mùa thu, những chiếc ô và dải nơ vàng.” Nơi đó, nữ sĩ họ Nguyễn viết:

“...hình ảnh những chiếc ô, những dải nơ vàng. Nó như tiếng phong linh trong trẻo vang lên, đánh thức người ngủ gật bên hiên. Nó như vạt óng ả phết lên mùa thu hiu hắt của mọi tâm trạng này. Nó mang chất lãng mạn. Nó là cái gì như sinh khí... ai cũng cầm theo dù, để che mưa nắng, nhưng khi bị vòi rồng xịt nước và hơi cay thì nó trở thành một thứ bảo vệ, họ nằm xuống để tránh vỡ hàng ngũ và phủ lên nhau những chiếc dù. Như hàng ngàn cây nấm nhỏ đủ mầu mọc lên sau trận mưa của nghìn tấm lòng trẻ trung đang sống cho lý tưởng của mình...”

Nguyễn Thị Khánh Minh trầm láng xuống, khi viết về cha:

“...Không hiểu sao cuộc đời cha cứ đong đưa tù ngục, của cả hai phía. Tôi nghĩ cha tôi thật sự là người mơ mộng. Tại vậy, mà ông đúng là cây cô độc, như ông viết trong một vở kịch dở dang. Dang dở như sự nghiệp và hoài bão của ông...

…Hồi đó, tiễn cha đi dạy học xa, tôi vừa đủ tuổi để biết chia tay là rất buồn. Cha ôm mẹ, ôm tôi, và tôi luôn được nghe, lúc cha bước lên mấy bực toa xe lửa, quay đầu lại, ba sẽ về sớm thôi mà, tôi đã là một đứa con hạnh phúc khi luôn được đón bước cha về...

…Dạo ở tù về, cha lặng lẽ. Mỗi sáng cha qua làm vườn bên sân chùa, bữa cơm nhà có thêm rau cải non, trái khổ qua… Sáng dắt xe đạp ra cổng, tôi nhìn theo dáng áo nâu với cuốc trên vai khấp khểnh trên con đường hai bên không phải là ruộng xanh mà là những căn nhà phố, tôi tự hỏi lúc ấy cha nghĩ gì. Tối thì cha thường xuyên thức khuya, nhìn qua cửa sổ, tôi cảm thấy một nỗi cô quạnh xót xa với cảnh ánh đèn vàng yếu và mái đầu cha cúi trên trang giấy...”(hết trích)

Cúi đầu trên trang giấy. Lẻ loi. Hình ảnh người cha trong trí nhớ nữ sĩ như thế, trở thành những vệt chữ trên trang giấy tản văn và tôi đang thấy nét mực in như nhòe đi khi cô viết: “Hình cha mờ như có hơi nước, dường như vừa sóng sánh trên vô chung thời gian...”

Và nữ sĩ bùi ngùi khi viết về Sài Gòn, nơi đã hòa lẫn vào giấc mơ của cô:

“...A, tôi biết rồi, chính sợi tơ hẹn ước lênh đênh trên đường mộng ảo này dẫn tôi về, thành phố mang tên Sài Gòn, nơi tôi đã lớn lên, chỉ nơi này tôi mới lọt được vào nếp gấp xô lệch của thời gian, trở lại mọi thứ, như cũ, thời hai mươi vàng mười, lời tình tự mưa đêm thơm mùi hoa sứ, mùa hạ ướt những cơn mưa mà cho dù bao nhiêu lần được làm người nữa, nếu còn là mình, tôi còn nghe tiếng rất trong của nó rơi trước hiên nhà che chắn cho tôi một giấc mơ. Một nhịp chẩy diễm ảo đang đồng hóa tôi, tôi có đang trôi đi hay mãi mộng mơ đứng bên cổng cổ tích nhìn cánh bồ câu ngậm thư đưa tin yêu về...

...Một thời sinh viên chúi đầu vào sách vở, cho đến một ngày, đến trường bỗng ngỡ ngàng, bọn con gái chúng tôi hỏi nhau với giọng thảng thốt, sao lớp vắng thế này, bọn con trai đâu cả? ra năm đó nếu tôi nhớ đúng,1972, vừa có một luật động viên đôn quân, tôi lúc đó như bị va đầu vào tường, cú đập choáng người...

...Tôi thấy qua nắng muộn ánh mắt của những cô gái hai mươi, Châu Tỷ, Liêm, Liên, Gấm, Hoa, Xuân…và tôi, nhìn nhau, biết rằng, từ hôm ấy, tin chiến sự là vết mực đen phết trên từng trang sách học.” (hết trích)

Nguyễn Khánh Minh viết về 16 năm thời thơ ấu ở Nha Trang:

“Nếu tôi là họa sĩ, có lẽ những giọt nước mắt xa Nha Trang sẽ được vẽ bằng một mầu sắc nào đó rất lung linh trong một bức tranh nắng, có đôi mắt to của một cô bé 16 tuổi đựng suốt năm tháng ấu thơ dạt dào tiếng sóng, một ngày con sóng bật ra khỏi khóe mắt thành những hạt lệ, nên nó sẽ là một mầu rất mặn biển, để người xem tranh biết được nỗi chia lìa đó đã cứa xót lòng tôi đến thế nào.

Tôi không là họa sĩ, chỉ mong ký ức dẫn lời để có thể phác hoạ được cùng người một cách diễm lệ hình ảnh 16 mùa nắng Nha Trang, Nha Trang nhi đồng, Nha Trang dậy thì, và, Nha Trang lớn lên xa vợi, giật lùi sau chuyến xe lửa đang chở tia nhìn nuối buồn đau ngày tôi bị gỡ đi cái núm gió nắng mặn mòi ấy. Thế nên tôi cứ khắc khoải khi đêm về thốt nghe như có tiếng tầu lửa vang bên ngoài cửa sổ.”(hết trích)

Và ký ức Nguyễn Thị Khánh Minh ghi về nhà sư Tuệ Sỹ:

“Rồi, chúng tôi được nghe và thấy Sư Ngồi Đàn, một Sư Nhà Thơ gõ trên phím những nốt nhạc của tâm hồn. Tôi tặng Sư tập thơ Bùa Hương, và dĩ nhiên tôi không để lỡ cơ hội có được chữ của Sư trong bản duy nhất của riêng kia. Và thủ bút của Sư, bằng chữ Hán lẫn Việt câu thơ: Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn/ Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về.

(Phải chi ngày xưa cứ giữ cái hiệu Tuệ Minh, thì bây giờ thấy sang bắt quàng làm họ, với cố nữ sĩ Tuệ Mai và ngọn núi vời vợi Tuệ Sỹ này rồi. Là tôi nghĩ thầm thế)

Giở xem lại những chữ ký ấy lòng run như đang mở xem viên ngọc quí.”(hết trích)

Nữ sĩ cũng ghi lại kỷ niệm với nhà thơ Bùi Giáng:

“...thấy ông ngồi nơi góc vườn, trên chiếc võng dưới bóng mát gốc cây to treo đủ thứ lỉnh kỉnh. Mầu áo xám, khăn gì quàng cổ không biết, gầy guộc, khuôn mặt ông, nụ cười móm trẻ con, nhưng ánh mắt cực sáng sau cặp kiếng... Tôi ngồi nửa quỳ bên cạnh võng đưa ông chén rượu nhỏ. Ông cầm tập thơ TTCB của tôi dứ dứ lên xuống, qua có tập thơ của cô ở một cái gánh de chai à nhen. Rồi biết thêm, mới đầu nó có một cái giá còn rẻ hơn bèo, nhưng sau đó thì bà ve chai lại cho không. Không giá, nhưng với tôi lúc ấy, tập thơ nhỏ của tôi lại vô giá từ lời khen của ông...”(hết trích)

Cũng có lúc Nguyễn Thị Khánh Minh ngang ngược, cãi với thời gian khi gặp tiểu thư Lưu Na, và rồi dịu giọng khi viết về Nguyễn Đình Thuần, Lê Giang Trần, Trịnh Y Thư, Tô Đăng Khoa và Phạm Quốc Bảo:

“...Vòng tròn tiếp đến một cô bé, mà tôi đã không cho cô chào tôi bằng cô, chị đi, cho tôi hưởng chút thanh xuân của cô, nhé, Lưu Na. Có ai đọc những tuỳ bút của cô rồi gặp, hẳn là phải ngạc nhiên, như tôi lúc ấy, cái trẻ trung tươi măng lại ẩn dấu suy tư tre già đến thế, ra trong ánh mắt ấy có riêng cái nhìn cùng chữ, để tin cậy trao gửi thẳm sâu của suy tưởng và tâm hồn.

Còn mái tóc trắng mây kia nữa, giọng Huế, âm thấp như nốt nhạc trầm rơi xuống chiều, hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần, người vẽ những giấc mơ và con gái màu xanh...

...Có sáng Gypsy ngồi nhìn trời đầy xanh đất đầy nắng, có chàng nhà thơ hay buồn trĩu như mây sắp mưa, Lê Giang Trần, ở đời này hưởng biết bao buồn vui nhưng vẫn là trạm để bạn quá bước thôi sao...

...Sáng đó nói chuyện được nhiều với nhà văn, nhà thơ TYT mới thấy được vẻ trầm tĩnh và những nhận xét sắc nét của anh về cuộc sống cũng như văn chương nghệ thuật...

...tôi cũng được biết một khuôn mặt trẻ mà tôi rất cung kính về sự thông hiểu Phật pháp, Tô Đăng Khoa.

Nắng ký ức loé lên một bức tranh sắc màu buổi xế Santa Ana. Có tiếng cười rất bằng hữu của một người anh cả, Nhà Văn Phạm Quốc Bảo, người sở hữu một văn phong điềm đạm, và những nhận xét tinh tế....”(hết trích)

Nữ sĩ cũng hiển lộ nét trân trọng khi viết về sáng tác văn học mà cô gọi là “gói mở nỗi niềm,” và về cảm xúc ngưỡng mộ các nhà văn nữ:
“...Tôi có duyên gần gụi với việc viết, và lần hồi biết lấy từ mớ bòng bong cuộc sống những dây tơ thời gian để gói mở nỗi niềm. Với riêng tôi, đó là những sợi tơ tim óc chứ không phải là món đồ xa xỉ, để tôi biết quí trọng, dùng, và hưởng, một cách nâng niu, như ơn phước. Đó không phải là một ghé chân dự một cuộc vui, bữa tiệc, rồi về. Chí cốt với chữ, đối với một phụ nữ, bạn hỏi tôi có gặp khó khăn nào không. Tôi nghĩ những điều ảnh hưởng tương đối vào việc viết lách, không xem là khó khăn, đó là công việc hằng ngày mình sống, có trách nhiệm và phải chu toàn bổn phận của mình. Tôi không nói đến những thứ mà người ta đặt để cho phụ nữ gọi là thiên chức. Tôi đảm nhận những việc tôi ý thức là của tôi, càng viết tôi càng nhận thấy điều đó thật cảm động.

Và, bất cứ lúc nào trái bóng ấy đến rủ rê, tôi bay. Cho nên, tôi rất ngưỡng mộ các nhà thơ như Lê Thị Huệ, như TrangĐài Glassey Trầnguyễn,… vừa viết (mà viết hay nữa mới chết người ta chớ!) vừa chuyện nhà, chuyện con, lại gánh vác công việc một cách rất đáng nể ngoài xã hội nữa.”(hết trích)

*

Tôi đọc Tản Văn Nguyễn Thị Khánh Minh và đã nhìn thấy gió biển Nha Trang đang lật sang từng trang giấy, và đã nghe rì rào xao động từ những dòng chữ mê hoặc, những chữ ướp tẩm mùi hương như quen mà rất lạ, rất thuần Việt. Vâng, một mùi hương văn học, mà nữ sĩ có nơi gọi là Bùa Hương.

Khi trang cuối bản thảo Tản Văn khép lại, tôi vẫn còn ngửi thâý mùi hương này phảng phất chưa ngưng.

GHI CHÚ: Tác phẩm "Bóng Bay Gió Ơi: Tản Văn Nguyễn Thị Khánh Minh" đã  bắt đầu bán trên Amazon.

Xin mời vào:
http://www.amazon.com/
Gõ chữ: “nguyen thi khanh minh”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
Tại sao lại gọi đó là “cái gọi là Hiến Pháp” " Bởi vì đây không phải là một bản hiến pháp hiểu theo quan niệm phổ quát – một văn kiện pháp lý có gía trị tối ca
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.