Hôm nay,  

Những Thông Điệp Của Last Days in Vietnam

29/01/201500:00:00(Xem: 5966)

Giới thiệu: Phim “Last Days in Vietnam”- Những ngày cuối cùng ở Việt Nam

Đạo Diễn: Rory Kennedy; kịch bản/ câu chuyện: Mark Bailey và Keven McAlester; Giám đốc hình ảnh: Joan Churchill; biên tập: Don Kleszy; Giám đốc âm nhạc: Gary Lionelli; Giám đốc sản xuất: Rory Kennedy và McAlester; Phát hành: American Experience Films/PBS. Phim dài: 98 phút.

Nữ Đạo diễn Rory Elizabeth Katherine Kennedy của phim “The Last Days in Vietnam” được biết tiếng qua nhiều phim tài liệu như Ethel (2012), nói về cuộc đời của bà Ethel Kennedy, mẹ của nữ đạo diễn Rory, phim Ghosts of Abu Ghraib – Bóng ma của Nhà tù Abu Ghraib (2007) và American Hollow (1999). Bà đã đạo diễn hơn 30 bộ phim tài liệu và từng đoạt giải Emmy.

Bà lập gia đình với ông Mark Bailey năm 1999 và hiện có 3 người con. Chồng bà là tác giả kịch bản của cuốn phim này.

Rory là ái nữ của cố Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, gọi cố Tổng Thống John F. Kennedy là bác ruột. Là con gái út của TNS Robert Fitzgerald Kennedy và bà Ethel Kennedy, Rory Kennedy ra đời 6 tháng sau khi cha bị ám sát vào tháng Sáu năm 1968. Thượng nghị sĩ Robert Kennedy lúc bấy giờ mới 42 tuổi, được coi là ứng cử viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ, có triển vọng chiếm được chiếc ghế tại Tòa Bạch Ốc trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thời ấy.

Một chi tiết khác có liên quan tới nữ đạo diễn Rory là John Kennedy Junior, con trai duy nhất của cố Tổng Thống Kennedy và Đệ Nhất Phu nhân Jackie Bouvier Kennedy, đã thiệt mạng cùng với vợ Carolyn Bessette-Kennedy, và chị vợ Lauren Bessette, khi John lái máy bay đến Martha Vineyards dự lễ cưới của cô em họ, giờ là nữ đạo diễn Rory Kennedy.

Phim “Last Days in VN” kể lại một cách hấp dẫn, hồi hộp từng thời điểm xung quanh cuộc di tản quân sự trong năm 1975 tại Sài Gòn. Vào những giờ phút cuối cùng hỗn loạn của chiến tranh Việt Nam, quân đội Bắc Việt áp sát vào Sài Gòn, giữa lúc dân chúng miền Nam Việt Nam hoảng hốt ra sức tìm cách trốn thoát, các sĩ quan, binh sĩ và các nhà ngoại giao Hoa Kỳ phải đối diện với một tình thế khó xử về mặt đạo đức: một là tuân lệnh của Tòa Bạch Ốc đòi chỉ di tản các công dân Mỹ mà thôi, nếu không thì gặp phải nguy cơ bị buộc tội phản quốc; hai là cứu sống nhiều công dân Việt Nam Cộng Hòa theo khả năng của họ. Với thời gian quá gấp rút, và thành phố nằm dưới hỏa lực của địch quân xâm lược, một nhóm anh hùng bất ngờ xuất hiện khi những người Mỹ và những người miền Nam Việt Nam tự tay giải quyết các vấn đề sinh tử của mình trong tình nhân bản, cưu mang giữa con người với con người, bất chấp lệnh trên và có thể bị mất việc, bị truy tố vì những nghĩa cử này, thậm chí còn có thể bị nguy hiểm tới tính mạng.

---------------

Nhận xét:

Phim tài liệu “Last Day In Vietnam” mang một số thông điệp của người Mỹ nhìn về ngày 30 tháng 4 của 40 năm về trước. Có thể nó khác với cách nhìn của một số người Việt Nam, nhưng điểm chính rất tuyệt vời của cuốn phim mà ai cũng phải nhìn nhận là nói lên TÌNH NGƯỜI trong giai đoạn khó khăn, cấp bách, nguy hiểm nhất – những ngày cuối cùng của cuộc chiến Quốc-Cộng tang thương kéo dài 20 năm trên đất nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, cảm nhận của tôi về cuốn phim rất xúc động mà hầu hết ai xem phim cũng nhỏ lệ là:

Chính nghĩa của dân tộc, của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã được phục hồi khi nói lên cái ác và bất tín của cộng sản Việt Nam (CSVN). Đồng thời, phơi bày sự thật về lý do tại sao VNCH thất trận, đó là sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ chứ không phải do VNCH hèn nhát, tháo chạy như dư luận tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới đã từng hiểu lầm do bị ảnh hưởng của phong trào phản chiến.

Can đảm đưa ra nhận thức là chính Hoa Kỳ đã bỏ rơi VNCH để đưa đến tình trạng kết thúc tang thương tại Việt Nam mà hệ quả còn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Phê phán Hiệp Định Paris là một “kiệt tác của hỏa mù” và nói lên những trí trá của phía CSVN cũng như những ký kết vô trách nhiệm của Hoa Kỳ.

Tinh thần trách nhiệm, bác ái, can trường của nhiều người Mỹ cũng như Việt trong cuộc di tản, sẵn sàng hy sinh cá nhân mình vì người khác.

Bài học lịch sử cho Hoa Kỳ - như lời chia sẻ của Đạo diễn Rory Kennedy: Trước khi mình dấn thân vào một cuộc chiến, phải nghĩ tới sách lược thoát ra các cuộc chiến đó như thế nào để là một kết thúc có hậu.

Bài học lịch sử cho Việt Nam: Luôn lấy sức mình/sức mạnh dân tộc làm chính. Quốc gia nào cũng đặt ưu tiên quyền lợi dân tộc họ; do đó họ chỉ hợp tác khi có tương quan quyền lợi và sẵn sàng bỏ rơi chúng ta khi cần. Cần thực tế hóa và không lý tưởng hóa tương quan với các quốc gia bạn; vận động sự hợp tác quốc tế trên căn bản “tương quan quyền lợi”.

Cuốn phim không cho phía cộng sản Việt Nam có tiếng nói. Ngược lại, nói lên được cái ác của CSVN và sự cảm thông với người dân miền Nam Việt Nam qua lời chia sẻ của một vị đại tá Mỹ: “Người dân miền Nam có đủ lý do để khiếp sợ Cộng Sản Việt Nam. Hành vi của Cộng sản trong suốt cuộc chiến là bạo lực và không hề khoan nhượng. Thí dụ khi thành phố Huế bị Bắc Việt chiếm, nhiều ngàn người có tên trong sổ đen dày cộm của họ đã bị triệu tập, thầy giáo, công chức, những người mang danh chống cộng đã bị xử tử, thậm chí trong một số trường hợp họ bị chôn sống.”

Ngay cả hình ảnh mà đạo diễn Rory Kennedy đã tài tình lồng vào:

hình ảnh nhuộm đỏ Việt Nam như một dòng suối máu lan theo bước chân thôn tính của CSVN – cũng nói lên được nguy cơ vào giai đoạn chót, và sự đe dọa kinh hoàng của một chế độ độc ác.

Ghi nhận những phi công, sĩ quan Việt Nam can đảm, tài giỏi, yêu nước qua hình ảnh tiêu biểu của một số vị. Nói lên được sự thông cảm và thương cảm đối với người dân miền Nam Việt Nam.

Đoạn cuối, cuốn phim đã ghi chú về chính sách tù “cải tạo” tàn bạo của CSVN: “Đối với những người bị bỏ rơi, hàng trăm ngàn người bị đưa vô trại học tập cải tạo. Nhiều người đã bỏ mạng vì bệnh tật và đói khát. Một số không rõ bao nhiêu người bị xử tử.”

Chính vì những ưu điểm này mà cuốn phim đã được đồng bào chúng ta đón nhận nhiệt liệt, dù vẫn có những ấm ức là cuốn phim chưa nói lên được hết những đau thương mà đồng bào chúng ta phải gánh chịu kể từ sau cái ngày tan đàn xẻ nghé 30-4-1975, chưa nói lên được đầy đủ những gương anh hùng của quân cán chính VNCH, những hình ảnh tuẫn tiết của các vị tướng VNCH, và chưa lột hết được sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ.

Nhưng có cuốn phim nào mà nói lên hết được tất cả những u uất, thống khổ, thương tâm của cuộc chiến Quốc-Cộng mà dân tộc chúng ta đã phải gánh chịu, và ngay cả giai đoạn đau thương sau khi chiến tranh chấm dứt 40 năm qua?

Dẫu sao, cuốn phim đã nói lên được phần nào những điểm son để phục hồi sự thật, để rút tỉa kinh nghiệm, để vinh danh giá trị nhân bản và tình người trong một trang sử cận đại mà hệ lụy vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay.

Điểm đáng khen và bổ túc cho cuốn phim là nỗ lực của đài PBS trong dự án “First Days in America” để dư luận được lắng nghe tiếng nói của chính nạn nhân cuộc chiến, những người Việt Nam đã di tản sang Hoa Kỳ chia sẻ về những kinh nghiệm phấn đấu của mình và gia đình cùng tâm tư qua đoạn đường đã trải.

Với hầu hết những chia sẻ về “Last Days...” là những lời khen, từ các nhà bình luận/điểm phim chuyên nghiệp Mỹ - Việt, cho tới đồng bào chúng ta sau khi xem phim, chúng tôi xin trích lại đây một số những bình phẩm tiêu biểu để giới thiệu cuộn phim tới đồng bào.(xem bản đính kèm)

Chính vì những giá trị của cuốn phim mà tôi đã nhận lời nằm trong ban dịch thuật để PBS có thể phụ đề tiếng Việt cuốn phim gởi tới cho đồng bào Việt Nam ở khắp nơi (ngay cả trong nước hy vọng đồng bào chúng ta cũng có thể xem qua mạng Internet hay DVD).

Đài PBS (Public Broadcasting Service) sẽ trình chiếu phim “Last Days in Vietnam” vào ngày 28-4-2015 nhân dịp tưởng niệm 40 năm biến cố 30-4-1975 trên toàn bộ hệ thống khắp Hoa Kỳ; và những ngày trước đó, cũng có những chia sẻ của đồng bào chúng ta trong loạt tâm tình “First Days in America”. Những tâm tình này cũng được lưu trữ trong Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Library Congress). Phim “Last Days in VN” cũng sẽ ra DVD vào cuối tháng 4, 2015. Bà Kennedy cho biết phim “Last Days in VN” đã gửi đến một số dân cử quốc hội, và năm 2015 niệm 40 năm cuộc di tản, lúc đó chính giới sẽ chú ý đến phim nhiều hơn.

“Last Days in VN” đã được Academy Awards đề nghị giải Oscar cho phim tài liệu hay nhất năm 2015. Không biết phim có nhận được giải Oscar vào tháng 2 này hay không, nhưng tôi nghĩ “Last Days in Vietnam” đã thắng giải Oscar trong trái tim của nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi.

Trần Diệu Chân

22 tháng 1, 2015

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Xưa, Trần Quốc Toản, một thiếu niên đời Trần, đã bóp nát trái cam lúc nào không biết vì căm phẫn trước tình trạng đất nước bị giặc Nguyên xâm lăng
Đó là ý chí quật khởi, không xu hướng mà phải “chủ hướng.” Tức không buông xuôi theo dòng thời gian mà phải nắm bắt và chủ trì thời gian
Phần chính bài này đã được trình bày trong cuộc phỏng vấn của nhà báo Việt Hùng, đài RFA, với tác giả  và đã được phát thanh sáng 6.9 giờ VN.
Nhìn lại chuyện đúng sai của quá khứ để rút tỉa bài học cho tương lai là quá trình bình thường. Tiếc thay, con đường kiến tạo tương lai
Thế nào là những “người bạn dân”, có phải gắn lên mình hai chữ nhân dân thì là bạn dân" Thế nào là nhà nước của dân, do dân và vì dân
Hoa Thịnh Đốn.- “Rối rắm, lung tung beng” là những chữ rất chính xác để mô tả về nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, sau 20 năm  đổi mới.
Hồ Chí Minh từng viết báo và tham gia sáng lập nhiều tờ báo cách mạng ở Pháp. Các bài viết của ông chủ yếu là các bài chính luận nảy lửa
Sở trường của người cộng sản xưa nay vẫn là "chia để trị", một chính sách hết sức nham hiểm. Mục đích" Thứ nhứt là phân loại thành phần
Qua thông tin hằng ngày trên báo chí, truyền thanh, truyền hình chúng ta có cảm tưởng đảng Dân chủ muốn quân đội Hoa Kỳ rút lui
Đây cũng là một nhạc phẩm nỗi tiếng từ gần 4 thập niên qua mà tôi đã hân hạnh được giới thiệu nhiều lần
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.