Hôm nay,  

Tìm hiểu về viện Khổng Tử - Kỳ I

22/01/201500:00:00(Xem: 4049)

Trần Văn Minh
(Nguồn: The Nation (29/10/2013); Tác giả: Mashall Sahlins)

LGT: Viện Khổng Tử, như tác giả, Giáo sư Marshall Sahlins chỉ ra, là con ngựa gỗ Trojan, sẽ biến giới trẻ sinh viên Việt Nam thành những kẻ ngoan ngoãn tôn thờ Thiên Triều trong tương lai. Đây cũng là một "mặt trận" của chiến lược xâm lăng mềm. Người Việt Nam chúng ta cần phải cảnh giác, tìm hiểu mọi ý đồ của viện Khổng Tử để tìm cách ngăn chặn.

* * *

Viện Khổng Tử kiểm duyệt các cuộc thảo luận chính trị và hạn chế sự tự do trao đổi tư tưởng. Tại sao, sau đó, các trường đại học Mỹ bảo trợ cho họ?

Chúng tôi đang ngồi trong văn phòng của anh ta, Ted Foss và tôi, ở tầng thứ ba của sảnh đường Judd Hall tại Đại học Chicago. Foss là phó giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, một chương trình nghiên cứu khu vực cổ điển bao gồm các chuyên gia trong các ngành khác nhau, làm việc về Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Bên trên chúng tôi, ở tầng thứ tư, là văn phòng và giảng đường của viện Khổng Tử của đại học, được khai trương vào năm 2010. Viện Khổng Tử là một đơn vị học thuật, cung cấp các khóa học có tín chỉ về ngôn ngữ và văn hóa Trung Hoa và tài trợ cho một loạt các hoạt động ngoại khóa, bao gồm triển lãm nghệ thuật, buổi giảng thuyết, hội thảo, buổi chiếu phim và việc cử hành các lễ hội Trung Hoa; tại Chicago và một số trường khác, viện Khổng Tử cũng tài trợ cho các dự án nghiên cứu của giảng viên trong trường về các chủ đề Trung Quốc. Tôi hỏi Foss có bao giờ viện Khổng Tử ở đại học Chicago tổ chức các buổi thuyết giảng hay hội thảo về các vấn đề gây tranh cãi ở Trung Quốc, chẳng hạn như sự độc lập của Tây Tạng hoặc hoàn cảnh chính trị của Đài Loan. Hướng mắt tới một bức tường phía xa, ông nói, "Tôi có thể treo một bức hình của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong văn phòng này. Nhưng trên tầng thứ tư, chúng tôi không thể làm điều đó".

Lý do là các viện Khổng Tử tại Đại học Chicago và các nơi khác được trợ cấp và chỉ đạo của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Chương trình viện Khổng Tử được phát động vào năm 2004, và hiện nay có khoảng 400 viện nghiên cứu trên toàn thế giới cũng như một chương trình tiếp cận cộng đồng bao gồm gần 600 "lớp học Khổng Tử" trong các trường trung học và tiểu học. Ở khía cạnh nào đó, một sáng kiến về giáo dục và văn hóa do chính phủ tài trợ như thế không có gì mới. Trong hơn sáu mươi năm, nước Đức đã dựa trên viện Goethe để thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Đức trên toàn cầu. Nhưng trong khi viện Goethe, giống như Hội đồng Anh và Liên hiệp Pháp, là một tổ chức độc lập nằm bên ngoài khuôn viên trường đại học, viện Khổng Tử ngự trị như một đơn vị hầu như tự trị trong chương trình giáo dục thường xuyên của nhà trường, ví dụ như cung cấp các lớp học có tín chỉ về tiếng Hoa tại Khoa ngôn ngữ và Văn minh Đông Á tại Đại học Chicago.

Có một sự khác biệt lớn khác: Viện Khổng Tử được một chính phủ nước ngoài quản lý, và do đó đáp ứng yêu cầu chính trị của nước đó. Các điều luật của viện Khổng Tử, cùng với thỏa thuận thiết lập với các trường đại học sở tại, đặt các hoạt động giảng huấn của viện Khổng Tử dưới sự giám sát của Trung tâm Hội đồng Ngôn ngữ Quốc tế đặt tại Bắc Kinh, thường được gọi là Hanban. Mặc dù các văn bản chính thức mô tả Hanban như "có liên hệ với Bộ Giáo dục", Han ban thực sự bị chi phối bởi một hội đồng các viên chức cao cấp nhà nước và đảng từ các cơ cấu chính trị khác nhau và do một thành viên của Bộ Chính trị, bà Phó Thủ tướng Lưu Diên Đông chủ tọa. Hội đồng quản trị do bà Lưu chủ tọa hiện nay bao gồm các thành viên từ mười hai bộ và ủy ban nhà nước, bao gồm Ngoại giao, Giáo dục, Tài chánh, Văn hóa, Văn phòng Hội đồng Thông tin Nhà nước, ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia, và Cơ quan Báo chí và Xuất bản Nhà nước. Một cách ngắn gọn, Hanban là một công cụ của nhà nước độc đảng hoạt động như một tổ chức sư phạm quốc tế.

Trong số các trường đại học lớn hơn chấp nhận viện Khổng Tử, Hanban đảm nhận trách nhiệm một phần trong tổng số chương trình đào tạo của Trung Quốc. Ở số nhiều hơn bao gồm các đại học nhỏ, hầu hết hoặc tất cả các giáo trình về ngôn ngữ và văn hóa được đặt dưới sự kiểm soát của Hanban. Hanban có quyền cung cấp các giáo viên, sách giáo khoa và chương trình giảng dạy của các khóa học do họ phụ trách; Hanban cũng đề cử đồng giám đốc người Trung Quốc của viện Khổng Tử địa phương. Các dự án nghiên cứu về Trung Quốc được các học giả với quỹ Hanban đảm nhận phải được Bắc Kinh chấp thuận. Các giáo viên được Hanban bổ nhiệm, cùng với các chương trình học nội khóa và ngoại khóa của viện Khổng Tử, được thẩm định theo định kỳ và được Bắc Kinh phê duyệt, và các trường đại học sở tại phải chấp nhận cho Bắc Kinh giám sát và thẩm định hoạt động của viện Khổng Tử. Hanban dành quyền có hành động pháp lý để trừng phạt bất kỳ hoạt động nào được tiến hành dưới tên của viện Khổng Tử mà không có sự cho phép hoặc ủy quyền của họ. Hanban đã từng ký kết những thỏa thuận ngoại trừ những vấn đề này, nhưng thường chỉ khi nào họ muốn tranh thủ một trường đại học có uy tín, như Stanford hay Chicago, trong dự án viện Khổng Tử trên toàn thế giới.

Đối với tất cả sự chú ý mà các Viện Khổng Tử đã thu hút tại Hoa Kỳ và các nơi khác, hầu như chưa có cuộc điều tra báo chí hay dân tộc học nghiêm túc nào về các vấn đề cụ thể của họ, chẳng hạn như làm thế nào các giáo viên Trung Quốc được đào tạo hoặc làm thế nào nội dung của khóa học và sách giáo khoa được chọn. Một khó khăn là viện Khổng Tử là một mục tiêu di động. Không những viên chức Trung Quốc muốn có sự linh hoạt trong các cuộc thương thuyết của họ với các học viện ưu tú, mà chiến lược tổng quát của Hanban cũng thay đổi trong những năm gần đây. Mặc dù phổ biến toàn cầu, chương trình viện Khổng Tử dường như không đạt được các mục tiêu chính trị để đánh bóng hình ảnh và gia tăng ảnh hưởng của nước Cộng hòa Nhân dân. Không giống như cuốn Sách Đỏ của Mao trong thời đại giải phóng Thế giới thứ ba, hình ảnh của chính quyền Trung Quốc hiện nay là một chủ đề khó bán. Có dáng vẻ của một hệ thống chính trị hấp dẫn là một điều kiện cần thiết để "quyền lực mềm" thành công, như Joseph Nye, người đã đặt ra những cụm từ, đã viết. Các sáng kiến được cải tổ của viện Khổng Tử quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa ít hơn chương trình giảng dạy và nghiên cứu cốt lõi của các trường đại học sở tại. Tuy vậy, nguyên tắc làm việc của chương trình viện Khổng Tử vẫn nằm trong các điều luật của họ, cùng với nguyên tắc thỏa thuận với các trường đại học liên quan. Một cách thường trực và kiên trì, Hanban muốn các viện Khổng Tử tổ chức các sự kiện và khóa học dưới sự bảo trợ của các trường đại học sở tại nào đặt Trung Quốc dưới ánh hào quang, như thế xác nhận câu nói từ cửa miệng của thành viên Bộ Chính trị Lý Trường Xuân rằng các viện Khổng Tử là "một phần quan trọng trong kế hoạch tuyên truyền của Trung Quốc ở nước ngoài ".

Một bài báo năm 2011 trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố như sau: (tờ báo) tự hào về sự lan rộng của các Viện Khổng Tử (331 vào thời điểm đó) cùng với các chỉ số khác về sự thăng tiến của Trung Quốc trong vai trò cường quốc của thế giới chính trị, chẳng hạn như tỷ lệ tăng trưởng 8 phần trăm hàng năm, những thành tựu công nghệ và quân sự, và vị thế mới đạt được như nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. "Tại sao hiện nay Trung Quốc nhận được rất nhiều sự chú ý? Đó là bởi vì sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc... Hôm nay chúng ta có một mối quan hệ khác xưa với thế giới và phương Tây: chúng ta không còn nằm dưới sự thương xót của họ. Thay vào đó, chúng ta đã dần dần sống lại và đang trở nên bình đẳng với họ".

Một trở ngại cho việc tìm hiểu về hoạt động của các Viện Khổng Tử là mô hình thỏa thuận thành lập, được một hoặc hai đại diện của trường đại học sở tại phê chuẩn, là bí mật. Thỏa thuận này bao gồm một điều khoản không tiết lộ, được viết như sau (được dịch từ một văn bản song ngữ của phía Trung Quốc): "Hai bên đồng ý sẽ coi thỏa thuận này là một tài liệu bí mật, và nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản của bên kia thì không có bên nào được phát hành, tiết lộ, hoặc công bố, hoặc cho phép người khác công bố, tiết lộ, hoặc công khai hóa các tài liệu hoặc thông tin liên quan đến bên kia, trừ phi nếu công bố, tiết lộ, hoặc việc làm công khai là cần thiết để một bên thỏa thuận thực hiện nhiệm vụ của mình theo hợp đồng".

Dưới điều kiện không được tiết lộ là những điều luật của thỏa thuận khung, đáng chú ý nhất là Điều 5, trong đó đòi hỏi rằng các hoạt động của viện Khổng Tử phù hợp với phong tục, pháp luật và các quy định của Trung Quốc cũng như của những quốc gia của đại học sở tại. Làm sao chuyện này có thể xảy ra được, tỉ dụ như, tại Hoa Kỳ? Hanban hoạt động dưới luật pháp Trung Quốc, là loại luật trừng phạt hình sự các hình thức phát biểu chính trị, và hệ thống tín ngưỡng được bảo hộ tại Hoa Kỳ bởi Tu chính Hiến pháp thứ Nhất, như thế sẽ giống như nếu tôn trọng Điều 5, các trường đại học Mỹ sẽ đồng lõa trong việc tuyển dụng phân biệt đối xử hoặc hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận. Và bởi vì luật cơ bản của các viện Khổng Tử quy định rằng các điều luật của viện "áp dụng cho tất cả các viện Khổng Tử," các viên chức của các trường đại học sở tại phải chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc trong công việc giảng dạy tại cơ sở của họ và đồng ý giữ thỏa thuận này bí mật. Chuyện này có hợp pháp không?

Mặc dù không thấy tuyên bố nào về các mục tiêu quyền lực mềm cụ thể của chương trình Học viện Khổng Tử trong các văn bản điều hành, có một điều khoản có vẻ như vô hại nhưng hàm ý một con ngựa Trojan (kế hoạch nằm vùng). Trong việc đặt ra một quy tắc bắt buộc nhất định về phương cách giảng dạy ngôn ngữ, viện Khổng Tử quy định rằng sinh viên thu thập kiến thức về Trung Quốc chỉ trong đường lối được nhà nước Trung Quốc chấp nhận. Điều khoản thứ mười và cuối cùng của "các nguyên tắc tổng quát" trong các điều luật (Chương 1) nói rằng: "Viện Khổng Tử hướng dẫn các bài học ngôn ngữ bằng tiếng Phổ Thông với chữ viết dùng Mẫu tự Tiêu chuẩn của Trung Quốc". Cái ở đây được gọi một cách mập mờ là “Mẫu tự Tiêu chuẩn Trung Quốc”, là tài liệu giản lược được Trung Quốc chính thức ban hành như một phương cách học dễ dàng hơn, thay thế cho các mẫu tự truyền thống dùng để viết mọi thứ văn bản ở Trung Quốc hàng ngàn năm, và trong đó nhiều điều không được chế độ ưa thích tiếp tục được viết ở Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia và nhiều cộng đồng Trung Hoa khác ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của Bắc Kinh.

Trong một tường trình thật chi tiết về khía cạnh chính trị của quy tắc ngôn ngữ bắt buộc, Michael Churchman thấy rằng giảng dạy hoàn toàn với Mẫu tự Tiêu chuẩn Trung Quốc sẽ tạo ra một sự lan rộng toàn cầu các học giả chỉ biết một nửa chữ Hoa. Người gốc Trung Hoa với kiến thức về bối cảnh liên quan và từng tiếp xúc với các văn bản truyền thống có thể ít nhiều có khả năng giải mã các văn bản này, nhưng không phải sinh viên nước ngoài học ngôn ngữ ở độ tuổi đại học. Do không thể đọc các tác phẩm kinh điển, ngoại trừ trong các phiên bản dịch và diễn giải tại Trung Quốc, và ngăn cách với văn học bất đồng chính kiến và văn học phổ quát của các cộng đồng người Hoa khác, sinh viên trong các khóa học tại viện Khổng Tử thậm chí không thể truy cập "khối tài liệu lớn và ngày càng tăng về lịch sử Đảng Cộng sản, đấu đá nội bộ, và bè phái được các tác giả ở lục địa viết nhưng được xuất bản độc quyền tại Hồng Kông và Đài Loan”, Churchman lập luận. Thay vào đó, họ phải tuân theo các quy luật của sự tiêu chuẩn hóa ngôn ngữ (tiếng Phổ Thông) và mẫu tự (chữ giản thể), bằng cách này chế độ tìm cách kiểm soát những gì có thể và không thể được thảo luận ở Trung Quốc.

(Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng - Bản tin số 50— Ngày 20 tháng 01 năm 2015)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thời còn đi học, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những truyện lịch sử truyền thống Việt Nam, chỉ quan niệm các vị anh hùng phải là thuộc giai tầng ưu tú xã hội
Tạp chí Cộng sản số 11 đăng bài viết của tác giả Trần Duy Hương vu khống, xuyên tạc cuộc đấu tranh của chúng ta, quy kết những nhà đấu tranh cho Dân chủ
Tất cả chúng ta đều mong ước sống trong một thế giới an lạc và hạnh phúc hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn biến nó trở thành hiện thực
Phương pháp luyện lực gTum-mo của truyền thống Tây Tạng đã được nhóm nghiên cứu ngành y khoa của đại học Harvard khảo sát tận nơi
Cảm ơn trang mạng tuyệt vời của quý vị, luôn cập nhật kịp thời mọi tình huống Phật giáo đang xảy ra khắp nơi trên thế giới.
Benazir Bhutto đã thoát chết trong vụ mưu sát tối 18 tháng 10 tại Karachi của xứ Pakistan. Dư luận được biết như vậy về một đòn khủng bố tự sát
Trước sự kiện các nhà dân chủ Trung quốc, đối lập với chế độ độc đảng hiện hành ở trung Quốc do Mao dựng lên, đang khẩn trương đưa nội dung cuốn sách
Ta phải nhận thức rõ ràng là mọi người mà ta tiếp xúc đều giống như ta trên nguyên tăc căn bản:  họ muốn được hạnh phúc.
Trong Nghị quyết 14-NQ/TW ngày 30/7/2007, Hội nghị V của Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) đã viết về công tác kiểm tra, giám sát
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 đã được Tổng Thống Bush và quý vị Dân Biểu
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.