Hôm nay,  

Tình Hình Biển Đông Và Biển Hoa Đông 2014

01/01/201505:42:00(Xem: 5950)

TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG VÀ BIỂN HOA ĐÔNG 2014

 

 

Lời nói đầu: Vì tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông biến chuyển mạnh mẽ và phức tạp, bài “Tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông 2014” được cập nhật mổi 6 tháng thay vì cho cả năm 2014. Chi tiết của các biến cố xin vào các đề mục liên hệ trong Website:

                                         

www.tranhchapbiendong.com

 

 

*****

Trong năm 2014, những biến cố tại Ukraine, Trung Đông và sự  lớn mạnh của tổ chức Hồi Giáo cực đoan ISIS, 2 tai nạn máy bay của hảng hàng không Malaysia và biểu tình đòi tự do tại Hồng Kông đã làm lu mờ các tin khác trong vùng Đông Á và Đông Nam Á. Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động của mình và gây hấn với 3 quốc gia trong vùng là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Trong năm 2014, có 3 biến cố lớn liên quan đến Biển Đông:

 

  • Tháng 5, Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Hoàng Sa.
  • Tháng 8, báo chí Philippines và quốc tế đồng loạt nêu vấn đề Trung Quốc xây các đảo nhân tạo tại Trường Sa.
  • Tháng 10, Hoa Kỳ tuyên bố tháo gỡ từng phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.

Điều đáng ngạc nhiên là trong buổi họp về An toàn Hạt nhân tại Hòa Lan vào tháng 3, chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Obama về vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông, phía Mỹ nên có thái độ công bằng và khách quan, phân rõ phải trái và cần làm nhiều hơn để tìm ra giải pháp thích hợp và cải thiện tình hình. Điều này có thể ám chỉ vào thế liên minh Mỹ-Nhật và vai trò ngày càng rõ ràng của Nhật Bản trong vấn đề duy trì an ninh trong vùng. Tháng 11/2014, trong hội nghị thượng đỉnh APEC, chủ tịch Tập Cận Bình đã có một loạt các động thái hòa dịu, khi gặp các lãnh đạo Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Tổng thống Mỹ ; Bắc Kinh và Washington đạt được thỏa thuận chống biến đổi khí hậu và giảm rủi ro hiểu lầm trong ứng xử giữa quân đội hai nước. Thêm vào đó, giá cả dầu khí đột nhiên giảm mạnh trong mấy tháng vừa qua làm thay đổi bức tranh kinh tế của các nước liên hệ.

 

TRUNG QUỐC

 

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc thực hiện nhiều bước đi nhằm đẩy mạnh yêu sách chủ quyền ở cả biển Đông lẫn biển Hoa Đông từ việc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam đến đổ cát xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Trung Quốc đang bị áp lực trước những diễn biến gần đây trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia Đông Nam Á. Điều làm cho Bắc Kinh đặc biệt chú trọng là việc Washington gần đây đã từ bỏ quan điểm trung lập lâu nay về yêu sách đường lưỡi bò của họ ở Biển Đông.

 

  • Tin do tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun tiết lộ vào hôm 01/01/2014 cho biết: Bắc Kinh đang xem xét phương án thu gọn các quân khu của mình từ bảy xuống còn năm để có thể đối phó một cách nhanh chóng hơn với một cuộc khủng hoảng. 7 đại quân khu: Thẩm Dương (Shenyang), Bắc Kinh (Beijing), Lan Châu (Lanzhou), Tế Nam (Jinan), Nam Kinh (Nanjing), Quảng Châu (Guangzhou), Thành Đô (Chengdu) sẽ giảm còn 5. Ba quân khu duyên hải Quảng Châu, Nam Kinh, Tế Nam sẽ được giữ lại. Bốn quân khu Thẩm Dương, Bắc Kinh, Lan Châu, Thành Đô sẽ giảm còn hai. Đây là một biện pháp của Trung Quốc nhằm chống lại liên minh quân sự Mỹ-Nhật.

 blank

 

  • Trung Quốc đã ra lệnh cho các tàu đánh bắt cá nước ngoài phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương trước khi đánh bắt cá hoặc khảo sát ở 2/3 khu vực trên Biển Đông, tương đương 1.5 triệu dặm vuông trên Biển Đông, tạo khả năng cho các cuộc đối đầu mới giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng về các tuyên bố chủ quyền trên biển ở các đảo tranh chấp. Lệnh mới đã có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2014 sau khi được các nhà chức trách chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành hồi cuối tháng 11. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam và ngay cả Đài Loan đã mạnh mẽ phản đối quy định mới của Trung Quốc về đánh cá này. Philippines cũng ủng hộ Việt Nam đưa vấn đề ra tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc. Ngày 14/1, các dân biểu Hoa Kỳ tuyên bố nhất thiết không thể để yên nếu Trung Quốc sử dụng biện pháp áp đặt bằng sức mạnh để đòi hỏi chủ quyền trên các vùng biển ở Đông Á.

 

blank

  • Lợi dụng tình hình bất ổn tại Ukraine và Trung Đông, ngày 2-5-2014, với sự hộ tống của hơn 7 tàu quân sự, cùng với khoảng 80 tàu hải giám, hải cảnh, ngư chính, tàu cá, tàu phục vụ khác, tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15029’ vĩ Bắc, 111012’ kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 26.5, tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam. Đặt giàn khoan 981 chỉ là một phần của kế hoạch lớn hơn, và đây không phải hành động khiêu khích mới nhất của Trung Quốc. Trước sự phản ứng quyết liệt của Việt Nam và dư luận quốc tế, ngày 16/07/2014, Bắc Kinh đã quyết định rời giàn khoan Hải Dương 981, được kéo vào hạ đặt trong vùng biển Việt Nam từ đầu tháng Năm, về bờ biển gần đảo Hải Nam.
  • Báo chí Philippines cũng như quốc tế, Việt Nam từ  tháng 8 đã đưa nhiều tin về việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo tại Trường Sa cũng như kéo dài đường băng trên đảo Phú lâm – Hoàng Sa từ 1,500 m lên 2,000 m. Bốn mục đích của Trung Quốc khi xây đảo nhân tạo tại Trường Sa:

-          Chủ quyền

-          Quân sự

-          Kinh tế (Trường Sa – Brunei/Indonesia/Malaysi)

-          Kiểm soát giao thương

 blank

 

 

 

HOA KỲ

Tình hình thế giới xảy ra rất nhiều rối rắm trong năm 2014 ở 3 khu vực chính:

 

  • Ukraine và sự xâm lăng của Nga ở Đông Âu.
  • Tranh chấp giữa 2 bộ tộc Sunni và Shiite và các quốc gia liên hệ Saudi, Iraq, Syria và Iran ở Trung Đông và sự lớn mạnh của tổ chức ISIS.
  • Tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông trong vùng Đông Á.

 

Hoa Kỳ phải vận dụng sự cộng tác của các đồng minh:

 

  • Đức và Liên Âu để đối trọng với Nga .
  • Do Thái, Saudi và một số quốc gia trong vùng để tạo thế cân bằng tại Trung Đông.
  • Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á và có thể cả Hàn Quốc để đối phó với Trung Quốc.

Trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2014, đảng Cộng Hòa đã giành lại cả Thượng và Hạ Viện. Điều này cho thấy cử tri Hoa Kỳ đã không đồng ý với cả hai ông cựu tổng thống Bush và đương kim tổng thống Obama. Cựu Tổng Thống Bush đại diện khối cực hữu, muốn bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ bằng sự can thiệp quân sự trên thế giới thì tổng thống Obama lại đặt trọng tâm về những vấn đề quốc nội, muốn giúp thành phần lợi tức thấp như giới da den, da màu và thành phần trẻ nhưng lại không lấy đâu ra tiền để chi phí cho những ưu tiên trên. Chiến lược xoay trục qua Á Châu-Thái Bình Dương được nêu ra nhưng trên phương diện ngoại giao không được mạnh mẻ như mong muốn. Có lẻ cử tri Hoa Kỳ muốn có một đường lối trung dung mạnh mẽ hơn để giải quyết những vấn đề quốc ngoại cũng như quốc nội. Đường lối mới có  thể là điều tốt cho châu Á vì quan tâm nhiều khu vực này, khuyến khích chính phủ hợp tác sâu hơn với các nước như Việt Nam, giúp chính sách xoay trục về châu Á của Tổng thống Obama tốt hơn, theo phân tích của chuyên gia Trung tâm nghiên cứu an ninh nước Mỹ mới (CNAS) trên báo Wall Street Journal ngày 13.11.2014.

Về tình hình Biển Đông, các giới chức Mỹ, kể cả Tổng thống Obama, nhiều lần khẳng định Washington chẳng những không muốn bao vây hay cô lập Trung Quốc mà còn cần tới sự giúp đỡ của Bắc Kinh để duy trì trật tự quốc tế. Tuy nhiên, các giới chức cấp cao của Hoa Kỳ trong năm 2014 đã có thái độ cứng rắn hơn trước những hành động của Bắc Kinh trong các vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Đông Á. Một số quan chức và học giả Mỹ kêu gọi Washington điều chỉnh chiến lược ngoại giao và mạnh tay hơn đối với Bắc Kinh.

Với sự từ nhiệm của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, chính quyền Obama cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để có sự tin tưởng của các Đông Nam Á trong kế hoạch “xoay trục” của Hoa Kỳ.

  • ·         Trong năm 2014, các viên chức cao cấp Hoa Kỳ từ phía hành chánh cũng như quân sự từ ông John Kerry (Ngoại trưởng Mỹ: 17/2), Philip Goldberg (Đại sứ Mỹ tại Philippines: 24/2), Daniel Russel (Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương: 11/6), Ted Osius (chuẩn chức vụ đại sứ Mỹ tại Việt Nam), Michael Fuchs (Phụ tá Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ: 12/7), Thượng nghị sỹ Bob Corker, John McCain, Sheldon Whitehouse (thành viên cao cấp Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Ủy ban Đối ngoại và Quân vụ và Ủy ban Tư pháp, Ngân sách, Kinh tế, Lao động - Tiền lương, Môi trường và Công chính: 4/8-5/8 và 7/8-10/8), Hagel (Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ: 4/2), Đô đốc Samuel Locklear (Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ: 6/3), Đô Đốc Harry Harris (Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương: 9/4), Trung tướng John Wissler (chỉ huy lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ở Nhật Bản:11/4), tướng Martin Dempsey (Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ:13/8-16/8) đã có những lời tuyên bố mạnh mẽ về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông:

-          Chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Mỹ qua vùng châu Á Thái Bình Dương.

-          Yêu cầu Bắc Kinh làm rõ cơ sở pháp lý cho yêu sách đường lưỡi bò “bành trướng” của mình.

-          Không có quyền “hành động đơn phương để đẩy mạnh các đòi hỏi chủ quyền hay lợi ích của mình”.

-          Mưu toan tạo ra một hiện trạng mới ở vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông của Trung Quốc. Đây là hai nơi mà Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.

  • Thượng viện Hoa Kỳ hôm 10/7 và Hạ Viện hôm 20/11 đã ra nghị quyết lên án Trung Quốc khiêu khích, đe dọa các nước nhỏ phía nam và dùng áp lực quân sự để thay đổi hiện trạng tình hình an ninh khu vực Biển Đông. Thượng viện Mỹ đòi Trung Quốc rút giàn khoan HD981 và các lực lượng bảo vệ và phụ thuộc về nước. Bản nghị quyết cũng tái khẳng định các cam kết của Hoa Kỳ với đồng minh về bảo vệ an ninh và quyền tự do hải hành trên Biển Đông. Ngày 31/7, một dự thảo nghị quyết về an ninh hàng hải tại Châu Á – Thái Bình Dương đã được hai dân biểu Forbes và Hanabusa đệ trình để Hạ viện thông qua. Trong nghị quyết này, đặc biệt có đề nghị chính quyền Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam. Ngày 4-12, Hạ viện Mỹ lại thông qua nghị quyết thứ hai mang mã số H.Res-714 nhấn mạnh sự cần thiết tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết với sự ủng hộ tuyệt đối, cho thấy mối quan tâm ngày càng sâu sắc của các nhà lập pháp Mỹ đối với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp trong khu vực, trong đó có Biển Đông. Quốc hội Mỹ vừa thông qua một điều khoản yêu cầu Bộ Quốc phòng báo cáo thường xuyên về động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều khoản này nằm trong dự luật chi tiêu ngân sách quốc phòng 2015 được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 13/12.
  • Ngày 5/12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố một văn kiện chính thức phân tích cặn kẽ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông trong bản đồ 9 đoạn và nêu bật các tính chất mơ hồ, phi lý và phi pháp của các đòi hỏi. Đây có thể xem như là bước chính thức trong cuộc chiến pháp lý về Biển Đông giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

KINH TẾ VÀ TÀI CHÁNH ÂU CHÂU VÀ HOA KỲ

 

  • Tình hình Âu Châu: Biến cố tại Ukraine đặt các nước Liên Âu, nhất là Đức Quốc vào tình trạng khó xữ. Đức Quốc là nước có nhiều đầu tư nhất vào Nga Sô. Các nước này phải cân bằng quyền lợi kinh tế hiện tại với thế chiến lược dài hạn đối với Nga Sô cũng như liên hệ đối với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là nước ít chịu ảnh hưởng nhất nếu Đồng Minh tăng gia cấm vận đối với Nga Sô. Sự phát triển kinh tế mong manh tại Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
  • Tình hình Hoa Kỳ: Thị trường việc làm và nhà cửa ở Mỹ đang hồi phục, lạm phát ở mức rất khiêm tốn, và nền kinh tế tổng thể có phần chắc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong một vài tháng tới, vào năm sau và năm 2016. Đó là những thông điệp chính từ một loạt những báo cáo kinh tế được công bố hôm thứ Năm 20/11/2014. Nền kinh tế Mỹ phát triển hơn mức dự trù trong quý 3 năm nay, đánh dấu 6 tháng thăng tiến mạnh mẽ nhất trong hơn một thập niên nay, nhờ vào sự gia tăng trong chi tiêu của chính phủ và gia tăng xuất cảng dù rằng số chi tiêu của người dân có phần giảm sút. Các nhà kinh tế tại Đại học Michigan nói rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ đang tăng tốc và sẽ đạt mức 3.1 phần trăm vào năm sau và 3.3 phần trăm vào năm 2016.

v     Tăng trưởng kinh tế: Tổng trị giá sản lượng nội địa Mỹ (GDP) tăng ở mức 3.5% trong ba tháng chấm dứt vào cuối Tháng Chín, sau khi đã tăng 4.6% trong ba tháng trước đó, đánh dấu 6 tháng thăng tiến mạnh mẽ nhất trong hơn một thập niên nay, nhờ vào sự gia tăng trong chi tiêu của chính phủ và gia tăng xuất cảng dù rằng số chi tiêu của người dân có phần giảm sút. Trong khi đó, giá xăng trung bình toàn quốc Hoa Kỳ đã giảm thêm 18.2 cents và đã rớt xuống mức thấp nhất từ 4 năm qua, chỉ cò 3.08 đô la/gallon, theo kết quả do Lunberg Survey Inc. vừa công bố. Giá xăng như thế đã giảm 28.69 cents cho mỗi gallon so với cùng thời kỳ năm 2013, sau khi người ta thu thập tin tức từ khoảng 2,500 cây xăng trên toàn quốc. Như thế giá xăng mới nhất là thấp nhất từ ngày 17 tháng 12 năm 2010 đến nay. Nguyên nhân lớn nhất là là do giá dầu hỏa trên thế giới đã giảm rất mạnh, đến 24% sau khi đã lên đến mức cao nhất vào tháng 6 năm nay. Nhà kinh tế Josh Feinman, thuộc Deutsche Asset & Wealth Management tại New York, nhận định kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong quý 2/2014, với những động lực chủ chốt của nền kinh tế được cải thiện. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4/2014 tăng 0.3%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2013.

v     Tỷ lệ thất nghiệp: Phúc trình do Bộ Lao Động Mỹ công bố trong tháng 12 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 5.8%, mức thấp nhất tính từ 6 năm qua, giảm 1.2 điểm phần trăm trong vòng 12 tháng qua. Kinh tế Mỹ đã tăng thêm 2.6 triệu việc làm trong năm nay, đó là mức gia tăng việc làm nhanh nhất kể từ cuối thập niên 1990.

v     Tình trạng nhà đất: Hiệp hội những Người Môi giới Địa ốc Quốc gia cho biết doanh số bán nhà tại Mỹ tăng 1.5 phần trăm trong tháng 10, tốc độ nhanh nhất trong một năm. Nếu doanh số bán nhà tiếp tục với tốc độ này cả năm, gần 5.3 triệu căn nhà sẽ đổi chủ. Các nhà kinh tế theo dõi chặt chẽ doanh số bán nhà vì những vấn đề nghiêm trọng trong lĩnh vực địa ốc là nguyên nhân chính gây nên cuộc suy thoái vừa rồi.

v     Tình hình xăng dầu: Báo cáo cung cầu của IEA vào đầu tháng 12 đã đẩy giá dầu giảm tới hơn 3% trong phiên giao dịch cuối tuần, tiếp tục phá “đáy” của 5 năm qua khi rơi xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/12, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2015 giảm 2.14 USD (3.6%) xuống 57.81 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009, khi giá dầu này chạm mức 57.34 USD/thùng. Giá xăng dầu xuống thấp làm thay đổi bức tranh kinh tế trên toàn thể thế giới. Các quốc gia như Nga Sô, Iran, Venezuela khốn đốn nhưng các quốc gia nhập cảng dầu khí như Trung Quốc, Nhật Bản v.v.. lại dễ thở hơn. Hoa Kỳ, Saudi, Liên Âu chịu khó khăn nhất thời nhưng hưởng lợi về phương diện chiến lược lâu dài.

 

HOA KỲ THỂ HIỆN VAI TRÒ LÃNH ĐẠO TẠI Á CHÂU – THÁI BÌNH DƯƠNG

Vai trò quan trọng nhất của Mỹ tại Biển Hoa Đông/Biển Đông là kiềm chế, đối trọng và cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf, Hoa Kỳ lại một lần nữa lên tiếng hối thúc Trung Quốc hợp tác với các nước láng giềng để giảm thiểu căng thẳng ở Biển Đông Trung Hoa (Hoa Đông) và Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Lời kêu gọi này được Phó Bộ trưởng Ngoại giao William Burns trình bày với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi ông đến thăm Bắc Kinh từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 1.

  • Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng Kyodo hôm 30/1, ông Evan Medeiros, quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi phản đối Trung Quốc thiết lập một ADIZ ở những khu vực khác, trong đó có Biển Hoa Nam (Biển Đông). Chúng tôi đã làm rõ với phía Trung Quốc rằng chúng tôi sẽ coi đó (việc thiết lập một ADIZ khác) là diễn biến khiêu khích và gây bất ổn, sẽ dẫn đến những thay đổi về sự hiện diện và tình thế quân sự của chúng tôi trong khu vực”.
  • Trong chuyến viếng thăm Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia từ 13/2 đến 17/2, ngoài vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói sự ổn định của châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc vào thành công trong việc đạt được Quy tắ́c ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC). Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đáp lại: "Trung Quốc quyết tâm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông một cách hòa bình" và nói thêm Bắc Kinh mong đợi Washington tôn trọng "quyền chủ quyền" của Trung Quốc và "xem xét vấn đề một cách khách quan và công bằng".
  • Đại sứ Shear đã có văn bản trả lời trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cơ quan đang xem xét việc bổ nhiệm ông vào vị trí Thứ trưởng Quốc phòng Phụ trách An ninh Châu Á và Thái Bình Dương, thông cáo báo chí ngày 25/2 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết. Người được đề cử làm thứ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách châu Á David Shear cho rằng cần theo dõi chặt hơn nữa hoạt động quốc phòng của Trung Quốc. Ông David Shear hiện là đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Obama đã tuyên bố ý định đề cử ông David Shear vào vị trí Thứ trưởng Quốc phòng Phụ trách An ninh Châu Á và Thái Bình Dương.
  • Tổng thống Obama đã viếng thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines từ 23 đến 29/4. Những thành công của chuyến đi:

-          Trước khi đến Nhật để thảo luận về các vấn đề an ninh và kinh tế, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói với một tờ báo Nhật là Washington sẽ bảo vệ Tokyo nếu xảy ra một vụ xung đột về dãy đảo ở Biển Đông Trung Hoa mà Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền.

-          Quyết định nâng cấp quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Malaysia lên hàng Đối tác Toàn diện.

-          Ký một hiệp ước quốc phòng cho phép quân đội Mỹ có sự hiện diện lớn hơn trên lãnh thổ Philippines.

  • Các hãng thông tấn nước ngoài dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki ngày 2/10 cho biết: Ngoại trưởng Mỹ đã thông báo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành các bước nhằm cho phép việc chuyển giao các loại vũ khí phòng thủ liên quan đến an ninh hàng hải cho Việt Nam trong tương lai.

 

MẶT TRẬN KINH TẾ

 

·         Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP): Sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản trong 2 lĩnh vực thị trường nông nghiệp và xe hơi vẫn đang tiếp tục đàm phán. Ngoài ra các thành viên đang phát triển như Malaysia và Việt Nam yêu cầu các nước lớn dành cho thời gian chuyển đổi hợp lý để thực thi hiệp định. Hy vọng rằng Hiệp định này sẽ được hoàn tất trong năm 2015.

·         Ngày 22/2, Tổng thống Barack Obama đã thông qua một thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam và Mỹ đã đạt thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực vừa kể hồi tháng Mười năm ngoái. Quốc hội Mỹ giờ có 90 ngày để xem xét thỏa thuận, và nếu các nhà lập pháp không có ý kiến gì, thỏa thuận sẽ có hiệu lực. Thỏa thuận mở đường cho các công ty Mỹ tham gia thị trường năng lượng hạt nhân dân sự của Việt Nam. Theo thỏa thuận với Mỹ, Việt Nam cam kết dựa vào thị trường nước ngoài cho nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân, thay vì tự làm giàu uranium hoặc tái chế plutonium. Ngày 22/7, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một thỏa thuận này.

 

MẶT TRẬN QUÂN SỰ: Trong năm 2014, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục triễn khai những thay đổi chiến lược đề ra trong các năm trước.

 

VIỆT NAM

Trong năm 2014, 2 phản ứng mạnh mẻ nhất của Việt Nam là sự đối đầu trong vụ giàn khoan 981 và chính thức lên tiếng về vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông do Philippines khởi xướng trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (ITLOS):

  • Ngày 2-5-2014, với sự hộ tống của hơn 80 tàu hải giám, hải cảnh, ngư chính, tàu cá, tàu phục vụ khác, tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15°29’ vĩ Bắc, 111°12’ kinh Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 16/5 Trung Quốc đã nâng số tàu ra bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam lên 126 chiếc. Lần này, Trung Quốc đã gặp phải sự đối đầu quyết liệt của Việt Nam:

-          Gần 30 tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam quyết liệt đối đầu với các tàu Trung Quốc. Các ngư dân Việt Nam từ Đà Nẵng, Lý Sơn vẫn tiếp tục ra khơi bám biển, tiến hành hoạt động khai thác thủy, hải sản, góp phần cùng các lực lượng chức năng của Việt Nam kiên quyết đấu tranh, phản đối hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc.

-          Lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công khai tuyên bố lên án hành động của TQ trước thế giới, nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Myanmar: Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và TBT Nguyễn Phú Trọng cũng có những lời tuyên bố tương tự dù rằng không mạnh mẽ như các bình luận gia quốc tế kỳ vọng.

-          Biểu tình lớn nổ ra sáng Chủ nhật 11/5 và các ngày sau đó tại cả ba miền Bắc,Trung, Nam để phản đối hành động Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam. Tại Bình Dương và Hà Tĩnh, các cuộc xuống đường đã chuyển thành bạo lực, với việc đốt phá nhiều nhà máy. Điều đáng lưu ý là các nhà máy như Foxcomm của Đài Loan đều đặt cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Các cuộc biểu tình dự trù vào ngày 18/5 trên toàn quốc đã bị ngăn cản.

-          Hành động của Trung Quốc đã gặp phản ứng của các nước trên thế giới: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng công khai ủng hộ Việt Nam. Tòa Bạch ốc và Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố xem hành động của Trung Quốc là “gây hấn”. Liên Âu và các quốc gia ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến đang xảy ra trên Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên liên quan "kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình tuân theo những quy định đã được công nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế", Báo chí quốc tế đều lên án hành động của Trung Quốc. Báo chí và các học giả Hoa Kỳ yêu cầu chính phủ tăng gia áp lực với Trung Quốc. “Việt Nam đã nhấn mạnh cam kết của mình giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Nếu Trung Quốc không đáp lại, Mỹ phải sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam bằng việc tăng cường hiện diện hải quân. Nếu Mỹ không chứng minh lời nói bằng hành động, uy tín của Mỹ trong việc hứa hẹn ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ là rỗng không”. Đệ thất Hạm đội đề nghị tăng cường các chuyến thăm viếng Việt Nam.

-          Một giới chức quân sự Việt Nam hàng đầu cho biết Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam đừng đưa vụ tranh chấp Biển Đông ra trước tòa án trọng tài quốc tế. Báo South China Morning Post hôm nay tường thuật rằng hôm qua 1 tháng 6, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh nói rằng Hà Nội vẫn chưa quyết định bao giờ sẽ yêu cầu tòa án trọng tài quốc tế phân xử cuộc tranh chấp, nhưng ông nói quyết định đó còn tùy thuộc vào những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tờ báo dẫn lời ông Nguyễn Chí Vịnh nói rằng: 'Câu trả lời của chúng tôi (trước yêu cầu của Trung Quốc) là mọi sự còn tùy thuộc vào các hoạt động và cách hành sử của Trung Quốc, nếu họ tiếp tục lấn đẩy chúng tôi thì chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác. Giải pháp pháp lý này cũng phù hợp với luật pháp quốc tế'.

blank

  • Trong một động thái mạnh mẻ nhất trong năm 2014, Việt Nam hôm 11/12 cho biết là đã chính thức lên tiếng về vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông do Philippines khởi xướng trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (ITLOS), phản bác tất cả các luận điểm của Bắc Kinh về vụ kiện này. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post số ra hôm nay tiết lộ rằng Việt Nam đã gửi một bản báo cáo đó vào thứ sáu 05/12/2014, trong đó nêu lên ba điểm phản bác rõ rệt các lập trường về vụ kiện Trọng tài Biển Đông mà Trung Quốc công bố ngày 07/12:

 

-          Điểm đầu tiên, là Việt Nam công nhận thẩm quyền của Tòa án trong việc thụ lý đơn kiện của Philippines, đối lập trực tiếp với quan điểm của Trung Quốc theo đó Tòa án Trọng tài không có quyền thụ lý hồ sơ Biển Đông.

-          Điểm thứ hai là Việt Nam yêu cầu Tòa án, khi xem xét đơn kiện Trung Quốc của Philippines, nên "quan tâm thích đáng" đến quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại các vùng Hoàng Sa, Trường Sa, và trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

-          Điểm cuối cùng, là Việt Nam phản bác toàn bộ Đường chín đoạn - cơ sở các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, cho đấy là một điều không có cơ sở pháp lý.

 

CHÍNH TRỊ & NGOẠI GIAO & KINH TẾ & TÀI CHÁNH:

 

Liên hệ Mỹ-Việt cần nhìn vào thực chất. Trong khi Hoa Kỳ tiếp tục chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam thì mặc khác Hoa Kỳ lại gởi gần 30 công ty lớn thăm dò đầu tư tại Việt Nam.

 

  • Lần đầu tiên kể từ 1975, báo chí quốc nội và ngay cả mạng Nguyentandung.org của chính phủ Cộng Sản Việt Nam đã đồng loạt có những bài viết ca tụng sự hy sinh của Hải Quân VNCH trong trận Hải Chiến Hoàng Sa 40 năm về trước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) và cho phép Đà Nẵng tổ chức các buổi hội thảo, triển lãm kể cả buổi lễ thắp nến tri ân hướng tới Hoàng Sa nhưng cuối cùng dự tính tổ chức ngày 18/1 bị hủy vào phút chót cũng như buổi tưởng niệm dưới tượng đài Lý Thái Tổ tại Hà Nội bị ngăn cản và phá quấy. Dù rằng những hành động của chính phủ “vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại” thì hành động mâu thuẩn của chính quyền Việt Nam đã tạo cho đồng bào quốc nội và hải ngoại nhiều phẩn uất và thất vọng.
  • Đầu tư vào Việt Nam trong năm 2014 có nhiều điểm khích lệ: Tập đoàn Walmart muốn thiết lập cơ sở bán lẻ ở Việt Nam, tập đoàn Rose Rock của Rockefeller đầu tư 2.5 tỉ đôla vào dự án thực hiện Tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng ở vịnh Vũng Rô.
  • Ngày 23/01/2014 cơ quan thẩm định tài chính Fitch nâng triển vọng tài chính của Việt Nam từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Theo số liệu của ngân hàng ANZ, trong khoảng một năm qua, xuất khẩu của Việt Nam vượt trội so với các nước trong khu vực khi tăng tới 15%.
  • Hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam là VietJetAir  đang thông qua lần cuối mọi thủ tục hầu tiến tới việc đặt hàng 62 phi cơ  Airbus trị giá 6 tỷ 100 triệu đô la, chưa kể có thể mua thêm 30 chiếc khác nữa. Việc ký kết sẽ diễn ra tháng 2/2014 tại Singapore.
  • Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến viếng thăm cấp nhà nước đến Nhật Bản từ 16 đ ến 19/3/2014. Yếu tố thu hút sự chú ý là sự kiện hai bên chính thức nâng cấp quan hệ song phương từ “Đối tác Chiến lược” đơn thuần lên thành “Đối tác Chiến lược Sâu rộng”. Hai chủ đề chính thảo luận: Tăng cường hệ thống an ninh hàng hải-không, cải thiện tính minh bạch trong hệ thống pháp luật và môi trường đầu tư.
  • Ngày 23/06/2014 Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Tổng thư ký Tòa Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) Hugo Hans Siblesz đã ký kết Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Hà Nội và định chế quốc tế này. Đây có thể là một động thái hướng về việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia thông qua thủ tục trọng tài. 
  • Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5.98%. Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng 5.25% của năm 2012 và mức tăng 5.42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.
  • Ông Evan Medeiros, Cố vấn đặc biệt của tổng thống Hoa Kỳ và đồng thời là Giám đốc cấp cao về Á châu vụ của Hội đồng An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ có chuyến viếng thăm Vi ệt Nam ngày 14 tháng 7, 2014. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cử ông Evan Medeiros đến Việt Nam “nhân một năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước để trao đổi, thúc đẩy quan hệ song phương cũng như hợp tác liên quan đến một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm (trong đó có vấn đề Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và tình hình Biển Đông), đặc biệt là những biện pháp nhằm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.” Chuyến đi Hà Nội của cố vấn Medeiros diễn ra trong bối cảnh các căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 vẫn tiếp diễn từ hơn hai tháng qua.
  • Trong chuyến thăm chính thức ngày 17/7, Chủ tịch WB Jim Yong Kim thông báo WB sẽ cam kết tài trợ cho Việt Nam 3.8 tỷ USD nguồn vốn IDA trong thời gian từ 2014 - 2017. IDA là nguồn vốn cho vay ưu đãi của Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới.
  • Cuối tháng 7, hãng đánh giá tín dụng Moody’s vừa nâng một bậc trong bảng xếp hạng trái phiếu Chính phủ Việt Nam, trái phiếu dài hạn phát hành bằng ngoại tệ của Việt Nam và mức tín nhiệm tối đa với tiền gửi ngoại tệ dài hạn. Moody’s cho rằng kinh tế vĩ mô ổn định sẽ là yếu tố tích cực với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và khả năng trả nợ nước ngoài của Việt Nam.

blank 

  • Ngày 12-19/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam có chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu, Cộng hòa LB Đức, tham dự Hội nghị ASEM 10 và thăm Tòa thánh Vatican. Dưới áp lực của Trung Quốc, một số quốc gia Liên Âu đã chống đối việc đưa vấn đề Biển Đông vào Thông cáo chung.
  • Trong buổi điều trần trước Quốc hội tháng 11/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra phương châm mới “Vừa hợp tác - Vừa đấu tranh” trong mối quan hệ với Trung Quốc. Có lẻ đây là thời điểm tốt nhất để đưa 16 chữ vàng vào quá khứ.

 

QUÂN SỰ & TĂNG CƯỜNG PHÒNG THỦ: Ngân sách mua sắm vũ khí trang bị mới của Việt Nam tiếp tục tăng trong năm 2014. Dựa trên những hợp đồng đã ký kết, tổng giá trị này đạt mức 1.4 tỷ USD trong năm 2014.

 

  • ·         Súng trường tiến công nổi tiếng Galil ACE 31/32 của Do Thái sẽ được đưa vào biên chế trong các đơn vị của quân đội, và dần thay thế cho những "huyền thoại" AK-47 do Liên Xô sản xuất. Sự xuất hiện đã được báo trước của 2 phiên bản Galil ACE 31/32 do hãng Israel Military Industries (IMI) của Israel phát triển và nay đang được chế tạo tại nhà máy sản xuất vũ khí Z111 của Việt Nam.
  • Việt Nam đã nhận thêm 1 tàu ngầm Kilo cuối năm 2014, nâng tổng số tàu ngầm đã bàn giao lên 3 chiếc.
  • Có khả năng cao Việt Nam đã đặt mua thêm của Israel các hệ thống radar 3 chiều tối tân mới.
  • Tại triển lãm diễn ra ở  trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Việt Nam đã giới thiệu một mô hình tàu tuần tra cỡ lớn (KN 781-782) được đóng cho lực lượng Kiểm ngư dựa trên thiết kế tàu DN-2000. Ngày 4/6, trong chuyến viếng thăm Công ty Đóng tàu Hạ Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định sẽ đầu tư để đóng thêm 4 chiếc tàu như tàu KN781, đưa số tàu có lượng giãn nước trên 2,000 tấn của lực lượng kiểm ngư lên 6 chiếc. Thiết kế tàu tuần tra DN-2000 và tàu cứu hộ tàu ngầm  đã được Hải quân Australia chọn mua và đặt đóng tại nhà máy đóng tàu Damen-Việt Nam.
  • Trong chuyến viếng thăm Việt Nam từ ngày 31/7 đến 2/8 của Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida, Nhật cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra cũ trị giá 5 triệu Mỹ kim.
  • Hãng tin ITAR-TASS ngày 15.8 cho biết hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga đã được cho phép xuất khẩu. Ngoài ra tập đoàn Almaz-Antey đang đàm phán mở các trung tâm bảo dưỡng hệ thống phòng không của Nga ở Việt Nam, Algeria, Ấn Độ …

CÁC CƯỜNG QUỐC Á CHÂU – THÁI BÌNH DƯƠNG

 

Trong năm 2014, các cường quốc Á Châu vẫn tiếp tục tăng cường phối hợp với Hoa Kỳ trong thế liên minh nhằm đối lại với những tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực:

NHẬT BẢN: Từ khi quay lại nắm quyền cách đây đúng một năm, ông Abe nỗ lực thiết lập tuần tự những công cụ kinh tế và định chế nhằm củng cố vị trí cường quốc của nước mình. Vào cuối tháng 12/2013, thủ tướng Shinzo Abe đã tới thăm ngôi đền Yasukuni thờ những binh sĩ chết trận của nước này, khiến Trung Quốc ngay lập tức phản đối mạnh mẽ. Điều này chứng tỏ sự đạo đức giả của Trung Quốc. Trung Quốc chưa bao giờ xin lổi Việt Nam về 1,000 năm đô hộ, trận chiến biên giới 1979, xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa.

  • Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, bản Hiến pháp hòa bình do người thắng trận là Hoa Kỳ áp đặt từ sau Đệ nhị Thế chiến, sẽ được sửa đổi từ nay cho đến năm 2020 để có được điều mà ông gọi là “chính sách hòa bình chủ động” trên khắp thế giới.
  • Nhật Bản hôm 1/4 đã quyết định nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí như một phần nỗ lực củng cố quan hệ với các đồng minh và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước. Chính phủ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang tìm cách sửa đổi Điều lệ ODA để mở đường cho chương trình viện trợ quân sự cho nước ngoài.
  • Ngày 16/5, Thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi xem xét lại cách Nhật Bản giải thích hiến pháp hòa bình của mình để cho phép quân đội tham gia vào các cuộc xung đột ngoài biên giới. Nhật Bản có thể can dự vào xung đột ở biển Đông nếu quyết định mở rộng quyền phòng vệ tập thể đối với các nước Đông Nam Á.
  • Ngày 15/12, Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử tại Hạ viện với số phiếu áp đảo. Với chiến thắng này, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có ủng hộ lớn hơn của dân chúng Nhật để cải cách kinh tế cũng như đối đầu với Trung Quốc.

NGA SÔ: Nga Sô có quan hệ khá tốt với Việt Nam, nhất là về lãnh vực mua bán vũ khí cho hải và không quân. Nga Sô muốn tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á nhất là tại hải cảng Cam Ranh nhưng có nhiều chỉ dấu cho thấy Việt Nam muốn cân bằng sự hiện diện của 4 nuớc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga Sô tại hải cảng chiến lược này. Báo chí Việt Nam cho hay là chiều ngày 17 tháng 6, đội tàu của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga gồm có 3 chiếc, đã ghé cảng Cam Ranh trong một chuyến viếng thăm không chính thức, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ quân sự ở Ấn Độ Dương. Thông tấn xã Nga hôm 25/11đưa tin Việt Nam và Nga vừa ký thỏa thuận liên chính phủ giản lược thủ tục cho tàu chiến Nga vào cảng Cam Ranh. Thỏa thuận này được ký tại thành phố biển Sochi trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Nga. Thỏa thuận này có thể là tiền đề cho các thỏa thuận tương tự với Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Về tình hình Ukraine, lúc đầu, Nga có vẻ chiếm thế thượng phong nhưng sau đó với sự cấm vận của Hoa Kỳ và Liên Âu và giá dầu khí đột nhiên giảm mạnh từ hơn $100 xuống còn dưới $60, giá trị đồng Rúp xuống còn một nửa. Với 68% kim ngạch xuất khẩu dựa vào dầu khí, Nga đang phải đối diện với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng kinh tế. Nga có dự trữ vàng và ngoại tệ khoảng 400 tỷ USD đủ mạnh để đối đầu với phương Tây và vượt qua bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế nào nhưng trong vài tháng vừa qua, Nga Sô đã mất gần 140 tỷ USD vì cuộc khủng hoảng này. Hoa Kỳ và Liên Âu cũng chịu sự thiệt hại trong ngắn hạn nhưng điều này sẽ nhẹ nhàng hơn sự khốn đốn của kinh tế Nga.

ẤN ĐỘ: Ấn Độ, trong những năm gần đây, đặc biệt với những vấn đề nóng của thế giới, đang dần để mất ưu thế cường quốc và giá trị địa chính trị chiến lược của mình. Chính phủ tiền nhiệm đã yếu kém và thiếu quyết đoán trong chính sách đối ngoại và an ninh, đặc biệt trong mối quan hệ với Trung Quốc và Pakistan. Với tân chính phủ, chiến lược ngoại giao của Ấn Độ đã thấy rõ ràng hơn trong mối liên hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tân Thủ tướng Narendra Modi đã lựa chọn Nhật Bản là quốc gia đầu tiên cho chuyến thăm nước ngoài.  Trong chuyến công du nước Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, bản thông cáo chung Mỹ-Ấn, công bố hôm 30/09/2014 sau cuộc họp thượng đỉnh Obama-Modi, hai bên đã xác nhận rất nhiều điểm tương đồng chiến lược, trong đó có vấn đề bảo vệ quyền tự do hàng hải, cụ thể là tại Biển Đông. Hai ông đã nhất trí là sẽ nâng cấp cơ chế đối thoại tay ba Mỹ-Ấn-Nhật.

  • Trong năm 2014, bốn chuyến thăm cấp cao đã diễn ra: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Ấn Độ; Bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Ngoại giao, và Tổng thống Pranab Mukerjee đến Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sang thăm và làm việc tại Ấn Độ. Năm trụ cột đã được 2 nước đồng ý: hợp tác chính trị, kinh tế, năng lượng, quốc phòng và an ninh, phát triển văn hóa, du lịch và các mối liên kết xã hội dân sự.

 

HÀN QUỐC: Trong một cuộc thăm dò dư luận được công bố hôm 24/06/2014, khoảng hai phần ba người Hàn Quốc cho rằng sự vươn lên của Trung Quốc đã trở thành một “mối đe dọa quân sự” cho đất nước họ. Hầu hết đã giải thích nhận định của họ bằng việc Trung Quốc tăng cường tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn còn bận bịu đối phó với Bắc Triều Tiên và tranh chấp mang nặng chủ nghĩa dân tộc với Nhật Bản. Trong thời gian vừa qua, Hàn Quốc không có hành động gì đặc biệt ngoại trừ tặng cho Philippines một tàu hộ tống cũ loại Pohang.

  • Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Hàn Quốc 03 và 04/07/2014. Chính quyền Mỹ bày tỏ lo ngại và không muốn Seoul tham gia dự án Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á – AIIB do Trung Quốc chủ động. Giới phân tích nhấn mạnh, Hàn Quốc mắc sai lầm nếu làm suy yếu quan hệ với Mỹ.

 

ÚC ĐẠI LỢI: Trong năm 2014, Úc đã có một chính sách rõ ràng về bang giao thương mãi và chính sách ngoại giao. Úc và Trung Hoa đã ký Hiệp ước tự do mậu dịch nhưng Úc cũng đã phối phợp chặc chẽ với Hoa Kỳ, Nhật Bản trong việc tăng cường liên minh quân sự để đối phó với hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Đông Á. Trong thông cáo chung tại hội nghị Brisbane tháng 11/2014, Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và Thủ tướng Australia Tony Abbott thúc giục tôn trọng và bảo vệ quyền tự do lưu thông đường biển-đường không và biện pháp ôn hòa giải tỏa các tranh cãi chủ quyền hàng hải chiếu theo luật quốc tế. Lãnh đạo ba nước vừa kể bày tỏ cam kết tăng cường hợp tác an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương và cùng làm việc để gia cố an ninh hàng hải cho khu vực giữa bối cảnh Trung Quốc không ngừng các hành động bành trướng khẳng định chủ quyền tại đây. Úc và Nhật đang đặc biệt đề cập đến khả năng chuyển giao công nghệ Nhật về tàu ngầm cho Canberra, vào thời điểm Úc định thay thế toàn bộ hạm đội tàu ngầm với tổng ngân sách ước tích 37 tỷ đô la trong những năm tới. Nhà sản xuất tàu ngầm Đức ThyssenKrupp Marine System đã tuyên bố rằng họ có thể đóng 12 tàu ngầm Type 216 (phiên bản 4,000 tấn so với loại 214 trọng tải 2,000 tấn hiện có) ở Australia đúng thời hạn và với giá thấp hơn 20 tỷ. Kết quả sẽ được công bố vào năm 2015.

CÁC NƯỚC ASEAN

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 (AMM 47) tại thủ đô Miến Điện Naypyidaw (Myanmar) vào ngày 10/08/2014 đã công bố bản Thông cáo chung, trong đó có 8 điểm liên quan đến Biển Đông. Điều được giới quan sát chú ý là các Ngoại trưởng ASEAN đã có lập trường chung kiên quyết hơn về tình hình Biển Đông. Hãng tin Nhật Kyodo đặc biệt ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này. Các nước Đông Nam Á cũng đã tán đồng lời kêu gọi của Washington, thúc giục mọi bên tranh chấp “tự kiềm chế” và “đóng băng” các hành vi khiêu khích tại Biển Đông. Ngày 12/11, Myanmar đã khai mạc các hội nghị thượng đỉnh khu vực, bao gồm Thượng đỉnh ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á ở thủ đô Nay Pyi Taw.  Không có nhiều thay đổi xung quanh vấn đề Biển Đông. Hội nghị lần này cũng chỉ lặp lại, tức là kêu gọi các bên tranh chấp và bên liên quan tuân thủ luật pháp nhằm giải quyết tranh chấp trong hòa bình. Tuyên bố chung của Asean về Biển Đông được soạn nhằm thúc Trung Quốc có nỗ lực cụ thể hơn để đưa ra được bộ quy tắc ứng xử. Trung Quốc chắc chắn muốn kéo dài các cuộc họp càng lâu càng tốt. Một thỏa thuận chung cuộc chắc phải nhiều năm nữa mới có. Hoa Kỳ cũng không có tuyên bố gì mới lạ. Chỉ có lời tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho rằng bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, nhất là việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm, trái với quy định của DOC.

  • Ngày 13/9, báo Wall Street Journal dẫn lời đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, phát biểu tại Quỹ hòa bình quốc tế tại Washington cho biết Malaysia đã đề nghị cho máy bay P-8 của Hoa Kỳ xữ dụng căn cứ không quân Hoàng gia Malaysia đặt trên đảo Labuan phía Bắc đảo Borneo.

PHILIPPINES: Philippines tiếp tục cương trong chính sách ngoại giao của mình. Trong hội nghị ASEAN tháng 11/2014, đã có sự đối thoại Philippines-Trung Quốc về tình hình Biển Đông. Philippines đã có quyết định chi 2 tỷ USD cho quốc phòng từ 2014 đến năm 2017.

 

TRANH CHẤP TRUNG - PHI:

Trong bối cảnh bế tắc giữa Trung Quốc và Philippines về tranh chấp bãi Scarborough, Trung Quốc lại phái tàu hải quân, tàu Hải giám và  tàu cá  xâm nhập và tuần hành bãi cạn Ayungin (tên quốc tế là Second Thomas Shoal, còn gọi là Bãi Cỏ Mây) thuộc chủ quyền của Philippines.

  • Ngày 31/03/2014, tàu tuần duyên Trung Quốc lại tìm cách ngăn chặn tàu tiếp tế Philippines tại khu vực bãi Second Thomas Shoal. Tàu Philippines rốt cuộc đã thoát khỏi sự phong tỏa của Trung Quốc và chuyển hàng tiếp tế cho đơn vị quân đội đồn trú tại đấy. Đây là lần thứ hai mà lực lượng tuần duyên Trung Quốc tìm cách ngăn không cho tàu tiếp tế Philippines đến bãi Second Thomas Shoal. Lần trước là vào ngày 09/03/2014, khi hai chiếc tàu dân sự Philippines bị tàu Trung Quốc đe dọa, bị buộc phải quay về. Điều đặc biệt là ngoài máy bay quân sự Philippines và phi cơ Trung Quốc, còn có một phi cơ Hải quân Mỹ cũng bay trên không theo dõi chiếc tàu Philippines vào những thời điểm khác nhau. Hoa Kỳ ngay lập tức phê phán một hành động “khiêu khích” của Trung Quốc. Đối với Washington, Manila hoàn toàn có quyền tiếp tế cho đơn vị quân đội Philippines đồn trú trong khu vực này.
  • Hôm 30/3 Philippines đã đệ trình bằng chứng lên tòa án quốc tế, kiện Trung Quốc vì đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Ngoại trưởng Albert del Rosario nói tại cuộc họp báo rằng các tài liệu nộp qua mạng cho tòa ở Hague gồm gần 4,000 trang.

 

HỢP TÁC MỸ - PHI:

 

·         Sau khi Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines được ký kết, Manila và Washington đang thương thuyết về những điểm cụ thể. Theo trưởng đoàn đàm phán Philippines vào ngày 02/05/2014, nước này có thể mở cửa ít ra là năm căn cứ quân sự của mình cho phía Mỹ sử dụng trong việc luân chuyển phi cơ, tàu bè, thiết bị và binh lính. Ngoài ra, Manila dự trù cho quân đội Mỹ sử dụng một căn cứ hải quân tại vịnh Oyster (Oyster Bay), trên đảo Palawan nhìn ra Biển Đông, chỉ cách quần đảo Trường Sa khoảng 100 hải lý (160 km). Cơ sở này sẽ cho phép chiến hạm Mỹ hiện diện sát cạnh nơi đang là điểm nóng của các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Căn cứ được đề nghị cho Mỹ sử dụng hiện còn rất thô sơ, hy vọng là với Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines (EDCA) vừa được ký kết, Hoa Kỳ có thể tài trợ cho việc nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở này. Philippines dự trù cho đấu thầu xây dựng căn cứ này vào cuối năm nay.

TĂNG CƯỜNG PHÒNG THỦ:

 

  • Ngày 28/3/2014, Bộ Quốc phòng Philippines đã ký với công ty Hàn Quốc Korea Aerospace Industries (KAI) hợp đồng mua 12 tiêm kích đa nhiệm hạng nhẹ FA-50 trị giá 420 triệu USD.

MIẾN ĐIỆN: Trong vòng ba năm, đất nước này đã chuyển từ chế độ tập đoàn quân sự sang một thể chế gần như lập hiến. Phạm vi tiến bộ rất lớn, các quyền tự do công dân ở Miến Điện còn nhiều hơn cả Việt Nam và báo chí được tự do hơn cả ở Malaysia hay bằng với Singapore”. Tuy nhiên một điều nhận thấy là từ vài tháng qua, sự hưng phấn của đất nước đã bắt đầu lắng xuống phần nào. Làn sóng các nhà đầu tư đổ xô vào Miến Điện đã vấp phải những trở ngại đầu tiên. Đó là lỗ hổng pháp lý rất lớn và hệ thống hạ tầng cơ sở thiếu thốn. Về mặt chính trị, mặc dù lùi lại sau hậu trường nhưng giới quân nhân vẫn nắm quyền chỉ huy. Trong lúc này, đất nước Miến Điện lại càng thêm suy yếu bởi xung đột tôn giáo, giữa người Hồi giáo và người Phật giáo, dường như không thể dập tắt được bởi sự trỗi dậy ngày càng mạnh của những phần từ Phật giáo cực đoan. Tương lai chính trị của bà Aung San Suu Kyi vẫn còn phụ thuộc vào giới quân nhân có thiện ý chấp thuận sửa đổi Hiến pháp hay không. Cho đến giờ, Hiến pháp Miến Điện vẫn cấm một ứng viên tổng thống có chồng và con cái có quốc tịch nước ngoài. Trong khi đó bà Aung San Suu Kyi có chồng là người Anh đã mất năm 1999, các con bà vẫn mang quốc tịch Anh. Chỉ dấu cho thấy chính quyền quân sự vẫn chưa sẵn sàng thay đổi hiến pháp. Theo các nhà quan sát, tiến trình chuyển đổi, cải cách tại Miến Điện rất phức tạp. Hoa Kỳ không có một sự lựa chọn nào khác là phải đi cùng, hỗ trợ tiến trình này.

THÁI LAN: Quân đội Thái Lan hôm 22/05/2014 đã loan báo việc đảo chính sau bảy tháng khủng hoảng chính trị. Trong gần 80 năm qua, tại Thái Lan đã diễn ra 18 vụ đảo chính. Cuộc đảo chính gần đây nhất là vào năm 2006, lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra khiến ông này phải lưu vong. Chính quyền quân sự Thái Lan đã nhận được sự chấp thuận của Nhà Vua, người vốn được dân Thái Lan và giới lãnh đạo chính trị sùng kính. Điều này chứng tỏ Thái Lan khó có thể trở lại một chính quyền dân sự trong thời gian có thể tiên đoán được.

KẾT LUẬN

 

Trong những tháng cuối năm, Trung Quốc đang muốn hạ dọng và thay đổi chiến thuật, nhưng chiến lược của họ là không đổi. Họ vẫn rắp tâm gặm nhấm biển Đông, tiếp tục chủ nghĩa Bá quyền nước lớn. Luận điệu của họ có thể thay đổi, nhưng bản chất mưu đồ của họ thì vẫn như cũ.

Trung Quốc chắc chắn sẽ không thay đổi chiến lược bành trướng lãnh thổ của mình ở biển Đông và Hoa Đông. Với vụ giàn khoan HD-981 và việc xây đảo nhân tạo tại Trường Sa, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế đã mang lại tác dụng tích cực trong khoảng thời gian này. Do vậy, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN liên hệ nhất là Việt Nam và Philippines phải chủ động các biện pháp phòng vệ tích cực trước các toan tính của Trung Quốc.

 

Hồ sơ: ITN-123114-QT-Tinh hinh Bien Dong va Bien Hoa Dong oa D2014.doc

 

 

Nguyễn Mạnh Trí
E-Mail: prototri2012@yahoo.com
www.tranhchapbiendong.com
Tu chỉnh: 31  tháng 12 năm 2014

 

 

 


.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong lịch sử Hoa Kỳ, Tổng thống George W. Bush đạt một thành tích hiếm có, là đụng đáy ở tỷ lệ ủng hộ 22%. Nay tỷ lệ này đã nhích lên một chút
Để vận động 192 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bầu Cộng sản Việt Nam trở thành 1 trong 10 thành viên không thường trực
Vào giữa Tháng Tám vừa rồi nhà văn Bích Huyền có trao cho tôi cuốn sách với nhan đề ngồ ngộ "Viết Từ Hang Đá, nhỏ lệ cùng dân"
Bôi, xoá lịch sử hay bịa ra chuyện  để có lợi cho mình không phải là việc làm bất bình thường  của người Cộng sản Việt Nam,
Nhân dịp ông đến Hoa kỳ để họp Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tôi viết thư này gởi đến ông với tất cả sự chân thành của một công dân Việt Nam
...Những nước không có tự do dân chủ, sự lạm dụng và sai lầm sẽ trầm trọng gấp trăm ngàn lần Mỹ, vì bưng bít và không có cơ hội tự điều chỉnh...
Biến cố quan trọng nhất là Khối 8406 đã được thành lập ngày 8/4/2006, liên kết các cá nhân tranh đấu riêng lẻ thành một lực lượng đông đảo đầy khí thế.
Tu chánh án mang tên của Thượng Nghị Sĩ John McCain và Dân Biểu Tom Davis đã được Thượng Viện Hoa-Kỳ chấp thuận gia hạn thêm hai năm (2008 - 2009).
Tính cho đến nay con số người Việt sống bên ngoài lãnh thổ VN khoảng 4,2 triệu người, 3,2 triệu người đang sống tại Mỹ và Châu Âu và Úc châu
Có lẽ phải xin lỗi em vì tôi chưa đọc hết "Tuyển tập Trần Khải Thanh Thủy" dầy gần 400 trang này. Có lẽ tôi sẽ không đọc tiếp nữa, hoặc nếu đọc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.