Hôm nay,  

Nhật Ký Biển Đông: Một Thế Giới Hận Thù và Chia Rẽ

04/12/201400:00:00(Xem: 4086)

Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng 11 ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:

- BBC tiếng Việt ngày 15/11/2014: Bên lề G-20, trước các sinh viên ở Brisbane Úc, Ô. Obama tuyên bố, "Tôi có mặt ở đây hôm nay để nói rằng sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ luôn luôn là một trọng tâm cơ bản trong chính sách đối ngoại của tôi. Nó sẽ không phải luôn luôn là tiêu đề. Nó sẽ không phải luôn được đo đếm bằng số chuyến thăm tôi thực hiện đến khu vực, mặc dù tôi sẽ tiếp tục trở lại đây.” Lời tuyên bố của Ô. Obama là khẳng định vị thế lãnh đạo thế giới và Châu Á Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nhất định không để cho “con cọp” nào lai vãng vào lãnh địa này. Tuy nhiên ngôi vị “võ lâm chí tôn” có giữ được hay không lại là chuyện khác.

- AP ngày 15/11/2014: “Vào Thứ Bảy, cảnh giác trước sự lớn mạnh hơn về quân sự của Nga và Trung Quốc, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel nói rằng Ngũ Giác Đài sẽ phải thực hiện một nỗ lực mới nhằm thay đổi lối suy nghĩ và đầu óc sáng tạo hầu duy trì và mở rộng sự sức mạnh quân sự siêu việt của Hoa Kỳ cho dù ngân sách eo hẹp và sau 13 năm chiến tranh mệt mỏi, mất mát.”

- BBC tiếng Việt ngày 17/11/2014: ”Trung Quốc và Australia vừa k‎ý thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) sau một thập niên đàm phán.” Như vậy Úc Đại Lợi theo chính sách “Của yêu,người ghét” có nghĩa là liên minh với Hoa Kỳ để chống Trung Quốc nhưng lại làm ăn buôn bán lớn với Trung Quốc để phát triển kinh tế.

- Blooberg News ngày 17/11/2014:” Tổng Thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông sẽ không để quân chính phủ (Kiev) đánh bại lực lượng ly khai của miền đông Ukraine trong lúc Âu Châu đang suy tính áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên phe ly khai.”

- Sydney (AFP) ngày 17/11/2014: Nói chuyện trước quốc hội Úc Châu, Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tuyên bố, “Cam kết sẽ luôn dùng biện pháp hòa bình để theo đuổi mục tiêu của Bắc Kinh, kể cả những tranh chấp chủ quyền biển đảo chỉ một ngày sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ Obama của cảnh cáo về mối nguy hiểm của cuộc xung đột tại Á Châu.”

- Voice of Russia ngày 17/11/2014: “Giới quân sự Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tiềm năng (tiềm ẩn *) với Trung Quốc, và sự phát triển sự kiện như vậy này không phải là bất ngờ, chuyên gia về Trung Quốc Michael Pillsbury khẳng định trên trang báo Foreign Policy.”

- Reuters(MOSCOW) ngày 18/11/2014: Trong buổi gặp gỡ bốn tiếng đồng hồ với Mặt Trận Dân Tộc (the Peoples Front) là lực lượng ủng hộ nòng cốt, vào những giây phút cuối cùng Ô. Putin tuyên bố, “Hoa Kỳ muốn khuất phục Moscow nhưng họ không bao giờ thành công. Họ không muốn xỉ nhục chúng ta, họ muốn khuất phục chúng ta, giải quyết những khó khăn của họ mà chúng ta phải trả giá. Lịch sử chứng tỏ rằng không một ai có thể thành công trong mục đích này đối với Nga.”

- International Business Times ngày 18/11/2014: “Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Đức, Ô. Putin nói rằng Nga có thể đã bị Phương Tây khiêu khích vào cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới. Nga buộc phải phản ứng trước hai đợt bành trướng của NATO về phía đông và trung Âu Châu điều này đã tạo ra sự thay đổi rất lớn về địa lý chính trị.”

- AP (Moscow) ngày 18/11/2104: “Ngoại Trưởng Đức trong sứ mệnh ngoại giao con thoi giữa hai thủ đô Ukraina và Nga vào ngày Thứ Ba kêu gọi mau chóng vẽ một lằn ranh phân chia giữa quân chính phủ và lực lực ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine để cứu thỏa hiệp ngừng bắn đang loạng choạng (muốn xụp đổ*).”

- BCC News Middle East ngày 18/11/2014: Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Tổng Thống Putin nói rằng,

“Nga mong muốn nhận được bảo đảm rằng Ukraina sẽ không gia nhập NATO vì lo sợ các quốc gia liên kết với NATO nằm ở sát biên giới của Nga.”

- BBC tiếng Việt ngày 19/11/2014: “Trả lời tại Quốc hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ra sáu chữ cho quan hệ với Trung Quốc, "vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả với các nước. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình ổn định, có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi cùng phát triển, cùng thịnh vượng.”

- Reuters (Moscow) ngày 19/11/2014: “Một ngày sau khi gặp gỡ sứ thần đặc biệt của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, vào ngày Thứ Tư, Tổng Thống Puitn kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn với Bắc Hàn để cải thiện an ninh khu vực.” Sự hợp tác này khiến Bắc Hàn thêm sức mạnh và tự tin để đối phó với Mỹ, Nam Hàn và Nhật Bản.

- Global Insider ngày 19/11/2014: Trong bài phỏng vấn nhan đề “Việt Nam Hiện Đại Hóa Hải Quân Để Đối Phó Với Sức Mạnh Hải Quân Trung Quốc (Vietnams Modernizing Navy Confronts Chinas Sea Power) Abhijit Shingh – chuyên viên nghiên cứu của Indias Institute for Defence and Analyses cho biết Việt Nam đã hiện đại hóa hải quân bằng cách hợp tác chiến lược với Nga và Ấn Độ. Nga cung cấp cho Việt Nam tàu ngầm Kilo, tuần dương hạm tàng hình Gepard, pháo hạm Molniya và hợp tác với Hà Lan chế tạo tàu khinh tốc Sigma. Còn Ấn Độ giúp đào tạo thủy thủ tàu ngầm và phi công lái tiêm kích Sukhoi là những vũ khí mua của Nga mà Ấn Độ có kinh nghiệm từ những năm 1980.

- AFP ngày 20/11/2014: “Vào ngày Thứ Năm 20/11/2104 Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ Trưởng Quốc Phòng Pakistan Khawaja Asif vừa ký thỏa hiệp hợp tác quốc phòng nền tảng/có tính cách lịch sử nhằm đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực.” Thật lạ lùng, Pakistan là đồng minh và nhận viện trợ quân sự của Mỹ mỗi năm cả tỉ đô-la nay lại ký thỏa hiệp quân sự với Nga- kẻ thù của Mỹ. Thế mới hay, các quốc gia khôn ngoan đểu theo chính sách ngoại giao đa phương, không lệ thuộc vào siêu cường nào vì khi siêu cường, vì quyền lợi của mình bỏ chạy…thì khốn đốn. Ngoài ra, Ấn Độ là kẻ thù truyền kiếp của Pakistan, khi có mối giao hảo với Nga, Pakistan có thể ảnh hưởng tới việc hợp tác Nga-Ấn khiến không nguy hại tới an ninh của Pakistan. Trong khi đó theo Reuters, nhà cầm quyền và ngân hàng Trung Quốc sẽ tiến hành những dự án năng lượng và hạ tầng cơ sở tại Pakistan trong sáu năm trị giá 45.6 tỉ đô la trong chương trình gọi là “Hành Lang Kinh Tế Hồi-Trung” (China-Pak Economic Corridor (CPEC).

- VnPlus ngày 20/11/2014: “Phát biểu tại buổi lễ với sự tham dự của Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz tại thị trấn Krzyzowa, miền Nam Ba Lan, thủ tướng Đức bà Merkel nói: Chúng tôi nhận thức được rằng an ninh của châu Âu chỉ có thể được đảm bảo về trung và dài hạn với sự tham dự của Nga.”

- Reuters ngày 22/11/2014: Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây trên Fiery Cross Reef (Bãi Đá Chữ Thập) một phi đạo dài 3000 mét, rộng 200-300 mét đủ rộng và dài để chứa máy bay và máy bay lên xuống. Đảo còn có một trại lính, bến tàu, súng phòng không, hệ thống chống người nhái, thiết bị thông tin và nhà kính. Washington yêu cầu các bên ngưng các hoạt động xây dựng trên các hòn đảo/bãi đá ngầm còn đang tranh chấp nhưng Bắc Kinh bác bỏ lời kêu gọi “vô trách nhiệm” này và nói rằng Trung Quốc có quyền làm bất cứ điều gì mà Trung Quốc muốn ở Biển Đông. Hình ảnh cũng cho thấy bến tàu đủ lớn để tiếp nhận tàu chở dầu và tàu chiến loại lớn. Biến cải những bãi đá ngầm thành các căn cứ quân sự trên vùng biển ăn cướp của người ta chính là “biện pháp hòa bình” mà Ô. Tập Cận Bình long trọng tuyên bố tại G-20 ngày 17/11/2014 vừa qua. Chỉ Hoa Kỳ mới có khả năng ngăn chặn những hành động phi pháp này, nhưng Hoa Kỳ chỉ phản đối chứ không có hành động cụ thể nào cho nên Hoa Lục cứ thản nhiên tiến tới. Điều này chứng tỏ sách lược “Xoay Trục” chỉ có tác dụng trấn an đồng minh chứ không hữu hiệu trên thực tế, hoặc có sách lược đó nhưng lại né tránh một cuộc đối đầu với Hoa Lục mà hậu quả quá lớn về mặt quân sự cũng như kinh tế cho nên cuối cùng Hoa Kỳ cứ lúng túng, mọi biện pháp chỉ là vá víu.

- AFP ngày 22/11/2014: Tổng Thống Obama sẽ công du Ấn Độ vào Tháng Giêng 2015. Vào ngày 17/9/2014 Chủ Tịch Tập Cận Bình cũng đã thăm Ấn Độ. Đây là chính sách ngoại giao “đánh đu”. Người đánh đu vừa ở bờ bên này, thoắt một cái đã sang bờ bên kia, rồi từ bờ bên kia lại qua bờ bên này, giống như chiếc đồng hồ quả lắc…để giữ thăng bằng. Sau khi thăm viếng Ấn Độ rồi thì Ô. Tập Cận Bình lẫn Ô. Obama đều “hài lòng”. Nếu chỉ mời Ô. Tập Cận Bình mà không mời Ô. Obama là mất “thăng bằng” tức “có chuyện” ngay. Cũng với chính sách ngoại giao “đánh đu” này, rồi đây Ô. Putin cũng sẽ công du Ấn Độ cho “vui vẻ cả làng”.

- Reuters ngày 23/11/2014: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đi Nga, gặp Tổng Thống Putin và Thủ Tướng Medvedev để căng cường mối liên hệ giữa hai bên. Theo Voice of Russia trong khuôn khổ của chuyến viếng thăm, hãng Hàng Không VietJet có kế hoạch phát triển đường bay từ Vladivostok đến Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế và Phú Quốc. Các chuyền bay sẽ được khai thác vào Tháng 5,2015. Trong tương lai, có thể mở các chuyến bay từ các thành phố khác của Nga đến Việt Nam. Tổng Thống Putin cho biết sẽ gia tăng khối lượng nông sản của Việt Nam xuất cảng sang Nga để bù đắp lại lệnh cấm vận nông sản của Nga áp đặt lên Âu Châu. Nhân dịp này Ô. Putin và Ô. Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến lễ ký kết văn kiện Tập đoàn Dầu khí Nga "Gazprom Neft" và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam "Petrovietnam" đã đạt thỏa thuận về thành lập liên doanh để cùng chung khai thác mỏ dầu Dolginsk có trữ lương khoàng 200 triệu tấn. Ngoài ra Tổng Thống Putin còn cho biết Nga và Việt Nam đang tiến hành đàm phán về việc cùng sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GLONASS với 24 vệ tinh bay quanh trái đất và mà trạm quan trắc sẽ đặt ở Việt Nam đồng thời ký hiệp định liên chính phủ về đơn giản hóa thủ tục cho phép tàu chiến Nga vào cảng Cam Ranh. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới có hiệp định như vậy với Nga. Syria đã đơn giản thủ tục cho tàu hải quân Nga vào cảng Tartus. Theo thủ tục mới, tàu Nga khi tới lãnh hải Việt Nam, chỉ cần báo trước cho chính quyền cảng. Lời đáp cho sự thông báo sẽ được coi như giấy phép vào cảng.” Theo BBC tiếng Việt, “Hồi tháng Tám 2013, trong chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, phía Nga đã yêu cầu Việt Nam làm đơn giản để họ có thể vào cảng Cam Ranh để tiếp liệu, sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền và cho quân nhân nghỉ ngơi trong quá trình hành quân.” Voice of Russia trong bài viết “ Nga Trở Lại Cam Ranh?” đã nhận định như sau, “Nếu nói về biển Hoa Nam, hoặc biển Đông theo cách gọi của Việt Nam, thì Trung Quốc thực sự đang có tham vọng khẳng định quyền sở hữu đối với hầu hết toàn bộ lãnh hải này. Nếu trường hợp tình hình trở nên phức tạp, trong khu vực này có thể xuất hiện lực lượng hải quân của Mỹ và các nước đang muốn tuyên bố chủ quyền đối với khu vực giàu tiềm năng dầu khí này. Khi ấy, rất cần nhóm tàu chiến của Nga để duy trì sự cân bằng lực lượng. Trên thực tế, đơn giản hóa thủ tục nhập cảng đối với tàu Nga sẽ cho phép duy trì nhóm tàu này tại Cam Ranh.”

- Voice of Russia ngày 23/11/2014: Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng chống lại việc Ukraine gia nhập NATO và EU. trong một cuộc phỏng vấn với Spiegel ông cho biết, "Tôi nghĩ rằng có thể có quan hệ đối tác giữa Ukraine và NATO, nhưng không phải là chuyện thành viên."

- VnExpress ngày 27/11/2014: “Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-ocha cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Thái Lan đã sang thăm Việt Nam, hội đàm với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ Tịch Trương Tấn Sang. Ô. Prayuth Chan-ocha đã chọn Việt Nam là nước đi thăm chính thức sau khi nhậm chức, là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Thái Lan.“ Tướng Prayuth Chan-ocha - Tư Lệnh Lục Quân Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền của Bà Yingluck vào Tháng 5, 2014 sau đó được bầu làm thủ tướng thứ 29, chấm dứt thời kỳ hỗn loạn chính trị đấu đá giữa phe Áo Đỏ và Áo Vàng làm tê liệt đất nước Thái Lan.

- Voice of Russia 1/12/2014: Tổng Thống Putin thăm Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan để thắt chặt quan hệ giữa hai nước theo đó Nga sẽ giảm 6% giá bán khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ -giá bán cho Đức. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông.

Nhận Định:

Việc các siêu cường tranh giành quyền lực, liên kết đồng minh, lôi kéo các nước nhỏ, triệt hạ nhau, chơi đòn bẩn đã có từ Thời Xuân Thu Chiến Quốc. Ngay trong thời bình cũng thế. Còn khi đã tuyên chiến thì các quốc gia sẽ tận dụng mọi thủ đoạn tàn độc, kể cả chiến tranh nguyên tử để tiêu diệt kẻ thù. Tuy nhiên trong thế giới tạm gọi là “văn minh” như ngày hôm nay, dù có hận thù nhau như thế nào đi nữa, trước diễn đàn quốc tế, ít ra cũng cần phải giữ thái độ hòa nhã, ngoại giao tổi thiểu, không nhục mạ, nặng lời bôi lọ nhau. Thế nhưng ranh giới ngoại giao tối thiểu đó đã bị phá vỡ, thậm chí còn tệ hại hơn cả thời kỳ Chiến Tranh Lạnh mà đỉnh cao của hận thù chia rẽ Đông Tây Nga-Mỹ được thể hiện qua lời tuyên bố của Ô. Obama trong diễn đàn Liên Hiệp Quốc mới đây khi ông xếp Nga vào danh sách nguy hiểm cho thế giới còn hơn cả Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) chỉ sau bệnh dịch Ebola. Còn theo International Business Times của Úc Châu ngày 2/12/2014 Noam Chomsky- một triết gia và nhà bình luận chính trị Hoa Kỳ đã coi “Hoa Kỳ là quốc gia khủng bố hàng đầu của thế giới ngày hôm nay” (Last month, Noam Chomsky said that the U.S. is the "leading terrorist state" in the world today). Cũng trong bài báo nhan đề “Nga Chỉ Trích Mỹ Đã Châm Ngòi Cho Hai-Phần- Ba Cuộc Chiến Trong Vòng 20 Năm Qua” International Business Times đã tường thuật lại việc Ô. Anatoly Antonov- Thứ Trưởng Quốc Phòng Nga đã nói với các đồng nghiệp từ các quốc gia Nam và Đông Nam Á Châu họp tại Colombo, Tích Lan rằng, “Việc mà Hoa Kỳ đang làm là can thiệp quá mức vào chuyện thế giới ở khắp mọi nơi khiến không đem lại hòa bình hay dân chủ. Hoa Kỳ đã lợi dụng những khó khăn về xã hội và kinh tế, điểm bùng nổ (flashpoint) về sắc tộc và tôn giáo để giả bộ phát huy dân chủ ở khắp mọi nơi. Cùng với vài khẩu hiệu, đã đổ thêm dầu vào sự cuồng nộ của quần chúng, sự xáo trộn khiến những chính quyền hợp pháp bị lật đổ trong khi đó thì sự hỗn loạn và vô luật pháp lại lan rộng. Dù người dân có mạng vong, trong một vài trường hợp một chế độ thân Tây Phương lên nắm chính quyền.Nó làm cho quân khủng bố thật sung sướng!”

Đây là những lời chỉ trích vô cùng nặng nề phát xuất từ một giới chức ngoại giao cao cấp của Nga.

Cuộc đối đầu Nga-Mỹ mà thế giới gọi là Cuộc Chiến Tranh Lạnh Mới sẽ ảnh hưởng toàn cầu. Tùy theo yếu tố địa lý, thân Nga hoặc thân Mỹ, mỗi quốc gia sẽ gánh chịu những hệ quả khác nhau.

1) Đối với các quốc gia có chung biên giới hoặc đất liền hoặc biển với Nga như Ukraine, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Hàn… sẽ chịu tác động lớn.

- Nhật Bản vì cần “ô dù” chở che của Mỹ nếu tiếp tục theo Mỹ cấm vận Nga thì sẽ có hai kẻ thù là hai láng giềng khổng lồ…bắt buộc phải chạy đua vũ trang, kinh tế suy thoái và có thể tụt hậu so với thế giới. Do đó Nhật Bản cần phải hòa dịu với Nga mà hòa dịu với Nga lại mất lòng “Anh Hai” Mỹ. Cái khó của Nhật Bản ở chỗ đó.

- Thổ Nhĩ Kỳ vì có chung biên giới biển với Nga tại Hắc Hải hiện cũng đang xích lại gần cả với Nga lẫn Trung Quốc để phát triển kinh tế và tránh trở thành kẻ thù của Nga - chẳng có lợi gì cho Thổ Nhĩ Kỳ cả.

- Bắc Hàn chắc chắn sẽ “mừng hết lớn” khi xích lại gần với Nga. Có thể Bắc Hàn trở thành “con bài tẩy” để Nga chơi với Nhật Bản và Nam Hàn.

- Nam Hàn là đồng minh chí cốt của Mỹ nhưng “ông Nga” lại ở sát bên cạnh và có “con bải tẩy” là Bắc Hàn, chắc chắn cũng không thể hoàn toàn theo Mỹ để chống Nga. Có thể Nam Hàn cũng sẽ phải theo chính sách ngoại giao “đu giây”.

2) Đối với các quốc gia không thích Mỹ hoặc là kẻ thù của Mỹ như Iran, Syria, Cuba, Nicaragua, Venezuela, Argentina, Brasil và một số quốc gia Phi Châu, chắc chắn sẽ ngả theo Nga và hợp tác sâu rộng với Trung Quốc trong mặt trận chống Mỹ.

3) Khó khăn nhất phải kể các quốc gia vừa là đồng minh hay hợp tác toàn diện với Mỹ như Pakistan và Việt Nam. Hiện nay Pakistan là đồng minh của Mỹ nhưng vừa ký thỏa hiệp quốc phòng lịch sử với Nga. Điều này cho thấy Pakistan muốn theo chính sách ngoại giao đa phương, không lệ thuộc vào bất cứ siêu cường nào. Không biết số phận của Pakistan rồi đây ra sao khi vừa nhận tiền Mỹ mà lại “chơi” với Nga. Còn Việt Nam vừa có quan hệ truyền thống và sâu rộng với Nga về các mặt năng lượng nguyên tử, không gian, kỹ nghệ quốc phòng, vũ khí tối tân… vừa hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ và rất cần sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc. Nhưng làm thế nào khi -vừa là đồng minh truyền thống của Nga vừa hợp tác toàn diện với Mỹ… mà không mất lòng Mỹ? Đây là mối lo lớn của Việt Nam. Bài viết mới đây của Tướng Phùng Quang Thanh nói về “tình hình chính trị thế giới có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tạo ra cả thời cơ và thách thức đan xen.” đã phản ảnh mối lo này.

4) Không thể phủ nhận rằng trong khi trai (Mỹ) cò (Nga) mổ nhau thì ngư ông (Trung Quốc) đắc lợi. Hiện nay “sức mạnh mềm” của Trung Quốc lan rộng toàn cầu và không có dấu hiệu lùi bước ở Biển Đông. Lợi dụng cuộc đối đầu Nga-Mỹ, Hoa Lục phát huy sức mạnh của mình mà không một thế lực nào có thể ngăn cản được. Ngoài ra, khi Nga-Mỹ đụng nhau thì Đông Nam Á lo lắng vì sách lược “Xoay Trục” của Mỹ không thể nào thi hành đến nơi đến chốn. Việc các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Nam Dương và Mã Lai nhanh chóng tăng cường quốc phòng cho thấy họ rất cần Hoa Kỳ nhưng biết rõ không thể nương tựa vào Hoa Kỳ trong việc bảo vệ đất nước của mình.

Trong bối cảnh “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” của ngày hôm nay, chắc chắn sẽ gây thảm họa cho một số nước nhỏ. Phải khôn ngoan lắm, phải tỉnh táo lắm và đất nước phải ổn định chính trị mới có thể thoát qua cơn đại nạn này.

Đào Văn Bình
(California ngày 2/12/2014)

(*) Chú thích của tác giả cho rõ nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.