Hôm nay,  

Chết trên tay người yêu

16/11/201407:07:00(Xem: 5380)

Chết trên tay người yêu

 

 

Nguyễn thị Cỏ May

 

 

Ai cũng phải chết. Luật tự nhiên mà. Nhưng chết êm ái, nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ là điều ai cũng mong muốn. Nhiều người chịu khó trì chí tu hành chỉ mong cuối đời được như vậy.

Ông Jacques Vergès, luật sư ở Tòa án Paris, nổi tiếng là " Luật sư của quỉ " (L'avocat du diable) hay "Luật sư của khủng bố " (L'avocat de la terreur), chẳng những ông chết êm ái tại nhà riêng chỉ sau cái cảm giác thoáng chống mặt, mà còn chết trên tay người yêu cuối đời ở tuổi 88 là một Bà Hầu tước.

Suốt cuộc đời, Ông Jacques Vergès không tu hành một ngày nào. Trong nghề Thầy Cãi, ông tình nguyện bênh vực cho những tội phạm tày trời mà Thần Công lý cũng phải lắc đầu như " Khò-me Đỏ Khiêu Samphang ", nhà độc tài khát máu Saddam Hussein, Khadafi, trùm Mật vụ Đức quốc xã ở Lyon Klaus Barbie, trùm khủng bố Carlos, tội chống nhơn loại Slobodan Milosevic (Serbie)...Vì ông nghĩ là tôi phạm phải cần được bênh vực trước công lý. Công lý là của mọi người. Đó là quyền của mọi người trước khi có phản quyết của Tòa án.

Ông đòi thù lao rất cao ở thân chủ đại gia hoặc cãi miển phí cho những người cần được bênh vực mà không tiền. Ông còn cho tiền túi nữa. Khi lấy  nhiều tiền, ông mời bạn bè tham dự vào hồ sơ ông nhận lảnh và chia lại thù lao. Phần ông thường chẳng còn bao nhiêu.

Ông được nhiều người quí trọng, thương yêu vì bản tánh điệu nghệ nhưng cũng không thiếu người khó chịu vì sự ứng xử nhiều lúc " trái chiều " của ông.

Không biết phải vì vậy mà cuối đời ông được chết vô cùng hạnh phúc?

 

Một thời làm sóng gió

Jacques Vergès sanh ở Thái-lan năm 1924. Cha là người Pháp, Bác sĩ và Lãnh sự Pháp ở Thái-lan. Mẹ là Việt nam, Bà Phạm thị Khang, làm giáo viên. Ông mồ cội mẹ năm 3 tuổi. Người em trai của ông mang cùng ngày sanh với ông nên người ta nói là hai anh em sanh đôi. Đây là chuyện riêng của gia đình nên ông giử im lặng. Sau gia đình trở về đảo La Réunion sanh sống. Ông lớn lên ở đây. Và cũng ở đây, đảo La Réunion, một phần gia tiên của ông lập nghiệp từ thế kỳ XVII.

Phải chăng do bẩm sanh mà ông và em trai của ông, Paul Vergès, đã có ý thức chánh trị rất sớm. Năm 12 tuổi, hai người đã tham gia một cuộc diển hành của Mặt Trận Bình dân ở Saint Denis.

Năm 16 tuồi, ông đậu Tú tài và học luật. Năm rưởi sau, ông rời khỏi đảo La Réunion để tham gia Kháng chiến. Năm sau, ông tới Anh tham gia vào Lực Lượng Pháp Tự do. Với cấp bực Hạ Sĩ quan của Kháng Chiến Quân, ông đánh giặc ở Ý, rồi qua Pháp. Nhiều lần, ông được khen thưởng Huân chương Kháng chiến. Ông theo De Gaulle và theo cộng sản. Có lẽ ở ông, theo De Gaulle lúc đó là thể hiện lòng yêu nưóc, chiến đấu giải phóng nước Pháp, theo "cộng sản là để tranh đấu cho công bình xã hội"?

Tới Paris sau Thế chiến, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp.

Năm 1950, Jacques Vergès được bầu vào Ban Bí thư của Liên Hiệp sinh vìên tại Praha, Tiệp, Đại diện cho đảo La Réunion đã làm cho Đảng Cộng sản Pháp quan tâm đặc biệt. Ông gia nhập đảng cộng sản để có thế chống thực dân mạnh hơn .

Trở về Pháp, ông học xong cử nhơn luật. Ông ghi tên vào Luật sư Đoàn ở Paris và dự thi tuyển vào Luật sư Đoàn Paris.

Jacques Vergès nổi tiếng là «thằng nhỏ xách động chống thực dân Khu La-tinh», Quận V Paris. Ông lãnh đạo Hội sinh viên dân đảo Réunion, có dịp kết bạn với Ông Mohamed Masmoudi, kháng chiến Tunisie và những lãnh tụ Khò-me Đỏ sau này như Saloth Sâr được biết dưới tên Pol Pot và Khieu Samphân, … Jacques Vergès vận động Đảng Cộng sản và Xã hội Pháp hảy can thiệp vào tình hình ở Algérie.

Ông chiến đấu cho Mặt trận Quốc gia Giải phóng và bênh vực cho cán binh của Mặt trận. Từ đó ông được dân chúng Algérie gọi ông là «Người Chiến thắng».

Nữ cán bộ Mặt trận Kháng chiến Algérie, Bà Djamila Bouhired, bị lính nhảy dù Pháp bắt và tra tấn vì tội khủng bố đã đặt bom làm thiệt mạng 6 người, gây thương tích 60 người có cả trẻ con. Ra Tòa, bà bị kết án tử hình. Ông lãnh biện hộ làm cho ông bị cấm hành nghề một năm. Vài năm sau, thân chủ của ông trở thành vợ và sanh cho ông hai người con, một gái và một trai. Theo vợ, ông vào Hồi giáo.

Bà Djamila Bouhired lúc bịnh qua Paris chửa trị, ăn ở tại Hotel Georges V, thứ Hotel sang trọng ngoại hạng của Paris, do Chánh phủ Pháp đài thọ chi phí theo qui chế «đối nhơn cao quyền » bị dư luận Pháp phản đối mạnh. Dân chúng Pháp không chấp nhận ưu đải kẻ khủng bố, trong số nạn nhơn có con em nước Pháp.

 

Năm 1957, ông ra khỏi Đảng Cộng sản Pháp vì cho rằng đảng cộng sản không đủ nhiệt tình giúp Mặt trận Quốc gia Giải phóng Algérie.

Algérie độc lập, Jacques Vergès nhập tịch Algérie, làm Đổng lý Văn phòng cho Tổng trưởng Ngoại giao Algérie, xuất bản tập san Đệ Tam Thế giới (Revue Tiers-mondìste) và Tập san Cách mạng phi châu (Revue Révolution africaine). Năm 1963, ông gặp Mao Trạch-đông và nhanh chống, ông theo đường lối của Mao. Ông bị Chánh phủ Algérie giải nhiệm và trở về Pháp. Ông là mao-ít đầu tiên ở Paris.

Rồi ông đình bản tập san Cách mạng, trở qua Algérie làm luật sư ở Alger cho tới năm 1970.

 

Như Công tử Nam  

Những năm sau này, Jacqưes Vergès về ở với Bà Hầu tước (La marquise) Marie-Christine de Solages tại từng 1 căn nhà số 27, Bến Voltaire, nơi Nhà văn Voltaire mất năm 1778. Ông mất vào mùa hè năm rồi, 2013, tại phòng nơi Voltaire chết, không để lại di chúc, cũng không để lại một lời nào về ý muốn đám tang của ông sẽ được tổ chức như thế nào. Ông chỉ để lại 600 000e tiền nợ. Mà nợ chủ nhà và Chánh phủ Pháp. Cái già tới mau quá, ông không hay biết kịp. Trong những tháng cuối đới, ông không có tiền và lại bịnh hoạn. Ông đi khám mắt mà không có tiền trả bác sĩ. Một hôm, ông phải gọi Ông Roland Dumas, bạn thân và đồng nghiệp, Cựu Tổng trưởng Ngoại giao của TT. Mitterrand, cho ông mượn tiền xài tạm. Tang lễ của ông do Luật sư Đoàn đài thọ. Bà vợ người Hồi giáo, mẹ của 2 con của ông, không tới. Hai con của ông và bà bồ, Hầu tước Marie-Christine de Solages, có mặt bên quan tài. Riêng cậu con trai Lies ngủ đêm đầu tiên khi ông mất trong phòng với ông nhưng dưới thảm.

Trước cửa nhà thờ, có đặt một tràng hoa hồng đỏ thắm thật to. Người ta nhìn kỹ mới thấy tràng hoa được gởi từ nhà tù. Trong phòng lễ, ở hàng cuối, là những người phi châu đen và bắc phi âm thầm tới tiển đưa ông vì lòng ngưỡng mộ.

Đầu năm 2013, công chúa á-rặp Alanoud Alfayez, sau khi ly dị với vua Abdallah, sống lưu đày ở Luân-đôn nhờ Jacques Vergès tổ chức một chiến dịch can thiệp với nhà vua để 4 ngưòi con gái của bà bị nhốt trong hoàng cung từ hơn mười năm nay được thả ra. Công chúa ứng trước cho ông 500 000e. Ông chia ngay cho Ông Roland Dumas 170 000e để viết thư gởi ông Đại sứ của Arabie saoudite ở Paris, 100 000e cho luật sư Xavier Magnée, … Đó là nếp sanh hoạt của Jacques Vergès từ xưa nay. Khi có áp-phe, ông kêu bạn bè tới chia việc để có thù lao. Không bao giờ ông giữ áp-phe cho riêng mình ông.

Tang lễ xong, văn phòng của ông được thanh lý. Đồ đạc được bán đấu giá, thu về 170 000e. Trừ thuế xong, số tìền còn lại chưa đủ trả nợ.

 

Hạnh phúc cuối đời

Tuy không tiền nhưng cuối đời, Jacques Vergès rất hạnh phúc. Bà Hầu tước cho chổ ở sang trọng, bên bờ sông Seine. Và cung cấp xi-gà cu-ba, thứ ngon và đắc tiền, cho ông hút. Vì ông ghiền xi-gà. Bà tới với ông và từ đó hai người không thể rời nhau chỉ qua một câu ngắn ngủi «Bà là người phụ nữ của đời tôi». Ông là một luật sư quốc tế nổi tiếng. Thế mà khi tán gái chỉ có mấy lời bình thường. Mà kết quả nhanh như chớp. Chẳng lẽ cái hùng biện lại đơn giản vậy sao?

Bà bồ còn đãi ông 5 tuần bồi dưỡng tại một trung tâm sức khỏe ở Thụy sĩ. Ông là người quan  tâm săn sóc bản thân. Luôn luôn  giữ người cho thơm tho, móng tay phải được thợ móng tay chuyên nghiệp cắt cho. Tóc phải được giữ cho óng mượt như tơ.

Trước đây 4 năm, hai người gặp nhau trong một bữa ăn do người bạn chung của 2 người  đải. Bà Hầu tước kể lại ngay hôm đó bà bị một cú xét ái tình sau 16 năm sống độc thân.

Từ đó, hai người hằng ngày đìện thoại nhau từ 12 tới 15 lần.

 

Duyên tiền định. Ở trong căn nhà này, trước kia, Voltaire, triết gia thời Ánh Sáng, có tên bắt đầu bằng mẫu tự V và có bà Hầu tước Chatelet. Nay Ông Vergès ở, tên cũng bắt đầu bằng V và cũng có bà Hầu tước Maris-Christine de Solages. Hai người chết cùng trong một phòng ở từng I.

Xưa nay chưa biết Venise. Năm 2012, hai người cùng đi Venise cho biết. Họ ở trong một lâu đài trông ra Kênh Lớn, rộng 1000 m2, với cả Maitre d’Hôtel. Chuyến đi này như đi tuần trăng mật tìền hôn nhơn. Vì họ dự định cưới nhau trong vài tuần nữa. Sau đám cưới, Jacques Vergès sẽ đưa bà đi qua Thái-lan, Mìên, nơi ông có nhiều bạn bè. Cái chết quá đột ngột đã làm cho ông không kịp thực hiện những mơ ước đẹp cuối đời.

 

Hôm 15 tháng 8 năm 2013, Ông Jacques Vergès và bà Hầu tước vào bếp cùng sửa soạn bữa ăn tối. Vergès bảo bà De Solages làm cho ông dĩa thịt cừu. Bà rót cho ông ly Talbot đỏ ( giá 1 chai năm 2012 là 45e, năm 2013 là 31e). Tay cầm ly bordeaux đỏ, ông nói với bà «Tôi thấy chóng mặt». Ông ngồi xuống ghế lấy lại sự bình tỉnh. Ông ngã vào tay bà Hầu tước. Ông chết trong sự êm ái, trong tình yêu, trong niềm hạnh phúc, với nụ cười làm dịu nét mặt của ông. Ông chết trong căn nhà của ông. Trong vòng vài mươi giây, tay của ông vẫn còn cầm ly Talbot đỏ.

Dự định hai người sẽ cưới nhau không bao giờ thực hiện được. Bà Hầu tước trở lại sống độc thân.

Thời trẻ, Jacques Vergès dấn thân tranh đấu chống thực dân, giải phóng dân tộc bị áp bức, bất công và theo cộng sản. Khi làm Luật sư, ông dấn thân bênh vực những tội phạm hình sự quốc tế tày trời. Thứ tội chống nhơn loại. Việc làm của ông bị nhiều người cho là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Khi cuối đời chết trên tay một bà Hầu tước, lớp người của Quân chủ phong kiến, nhà ở bên bờ sông Seine, tay cầm ly Talbot đỏ.

Có phải chết trong hạnh phúc không? Vua chúa, có người chết không mồ mã chỉ vì ác ôn!

 

 

Nguyễn thị Cỏ May

 

 

 

 

 

 


.
,

Ý kiến bạn đọc
16/11/201417:06:28
Khách
"Có phải chết trong hạnh phúc không? Vua chúa, có người chết không mồ mã chỉ vì ác ôn!" Câu nói nầy nên xét lại..có những người lính hy sinh mất tích, những người đi học cải tạo chết trong rừng, người đi vựơt biên chết trên biển, mất tích trên biển, bao nhiêu mộ lính VNCH và thường dân bị bóc, san bằng sau 75 thì họ là những "ác ôn" nên không mồ? Còn Hồ chí Minh mồ lớn như lăng, mồ mả các tướng VC to đẹp bởi vì họ không phải "ác ôn"?
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyến thăm Việt Nam hai ngày của Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã để lại nhiều hệ lụy cho nhân dân Việt Nam hơn bao giờ hết. Bằng chứng này được thể hiện trong Tuyên bố chung ngày 13/12/2023 theo đó họ Tập thay quan điểm “cộng đồng chung vận mệnh” bằng “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai” cho hai nước...
Sự ra đi của nhà tư tưởng và thực hành xuất sắc về chính sách đối ngoại của Mỹ đánh dấu một kỷ nguyên kết thúc. Trong suốt sự nghiệp lâu dài và có ảnh hưởng phi thường của mình, Henry Kissinger đã xây dựng một di sản mà người Mỹ sẽ khôn ngoan chú ý trong kỷ nguyên mới của nền chính trị cường quốc và sự xáo trộn trong toàn cầu. Thật khó để tưởng tượng rằng thế giới mà không có Henry Kissinger, không chỉ đơn giản vì ông sống đến 100 tuổi, mà vì ông chiếm một vị trí có ảnh hưởng và đôi khi chế ngự trong chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
“Tham nhũng kinh tế” ở Việt Nam đã trở thành “quốc nạn”, nhưng “tham nhũng quyền lực” do chính đảng viên gây ra để thu tóm quyền cai trị mới khiến Đảng lo sợ. Đó là nội dung đang được phổ biến học tập để đề phòng và bảo vệ chế độ do Ban Nội chính Trung ương công bố...
“Trong năm 2023 còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, gây bất an cho xã hội. Các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội tăng 18%.”
Việt Nam đang thương lượng mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ để tăng cường bảo vệ an ninh trước đe dọa ngày một lên cao của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin này được truyền miệng ở Hoa Thịnh Đốn, tiếp theo sau chuyến thăm Việt Nam 2 ngày 10-11 tháng 9/2023 của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các viên chức thẩm quyền của đôi bên không tiết lộ số lượng F-16 mà Việt Nam có thể mua với giá 30 triệu dollars một chiếc...
Số năm tháng tôi nằm trong tù chắc ít hơn thời gian mà nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ngồi trong nhà mét (W.C) và có lẽ cũng chỉ bằng thời gian ngủ trưa của nhà văn Vũ Thư Hiên, ở trại Bất Bạt, Sơn Tây. Bởi vậy, sau khi đọc tác phẩm Hỏa Lò và Đêm Giữa Ban Ngày của hai ông (rồi đọc thêm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Thung Lũng Tử Thần của Vũ Ánh, và Trại Kiên Giam của Nguyễn Chí Thiệp) thì tôi tự hứa là không bao giờ viết lách gì vể chuyện nhà tù, trại tù hay người tù nào cả.
Càng gần đến Đại hội đảng toàn quốc khóa XIV (2026-2031), đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) càng ra sức kiên định 4 nguyên tắc được coi là “có ý nghĩa sống còn đối với chế độ.”
Trời mưa thì buồn. Trời nắng thì vui. Mưa nhiều quá gây lụt lội, trở thành thảm cảnh. Nắng quá độ gây khô hạn, cháy mùa màng, gây đói khổ. Gọi là thiên tai. Có nghĩa thảm họa do trời gây ra. Hoặc chữ “thiên” đại diện cho thiên nhiên. Nhưng gần đây, vấn nạn khí hậu biến đổi, gây ra nhiều “thiên tai” có thể gọi lại là “thiên nhân tai,” vì con người góp phần lớn tạo ra khốn khổ cho nhau. “Thiên nhân tai,” nghe lạ mà có đúng không? Nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu là hiệu ứng nhà kính. Một số loại khí trong bầu khí quyển bao quanh trái đất hoạt động hơi giống như gương kính trong nhà kính, giữ nhiệt của mặt trời và ngăn nó trở lại không gian, gây ra hiện tượng nóng lên cho toàn cầu. Nhiều loại khí nhà kính này xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đang làm tăng nồng độ của một số loại khí này trong khí quyển, cụ thể là: Cacbon dioxit (CO2), khí mê-tan, nitơ oxit, khí florua
Tuy lịch sử không nói đến, nhưng nếu chịu khó lục lọi đây đó, người ta sẽ tìm ra một giai thoại khá thú vị về việc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trong buổi lễ trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945. Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà trên báo Cứu Quốc của Việt Minh, ông Nguyễn Hữu Đang là người đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Lâm thời cùng chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban Tổ chức Lễ đài, ông chính là người đứng trước micro giới thiệu: “Thưa đồng bào... Đây là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh.” Nói xong, ông lùi lại, nhường micro cho Hồ Chí Minh.
Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.