Hôm nay,  

Cuộc Bầu Cử Giữa Mùa 2014

04/11/201400:00:00(Xem: 5587)

...cứ trong 7 người trước đây bầu cho TT Obama, thì bây giờ có 1 người hối hận...

Ngày quý độc giả đọc bài này lần đầu cũng là ngày dân Mỹ đi bầu. Vì cuộc bầu lần này không có bầu tổng thống nên được gọi là bầu giữa mùa.

Trong cuộc bầu này, cử tri Mỹ sẽ bầu lại toàn thể 435 dân biểu Hạ Viện vì nhiệm kỳ của dân biểu là hai năm, nên cứ hai năm toàn thể Hạ Viện được bầu lại. Họ cũng bầu lại một phần ba Thượng Viện hay 33 (hay 34 tùy năm) thượng nghị sĩ, vì nhiệm kỳ của 100 thượng nghị sĩ là sáu năm, nên cứ hai năm là bầu lại một phần ba. Và 34 trong số 50 thống đốc, con số thay đổi vì nhiệm kỳ thống đốc khác biệt tùy tiểu bang, có nơi hai, có nơi bốn năm. Chưa kể vô số dân biểu, nghị sĩ, cấp tiểu bang, và các viên chức địa phương.

Trên nguyên tắc, đây là cuộc bầu phần lớn được quyết định bởi cá nhân các vị ứng cử viên và các vấn đề địa phương, không trực tiếp liên quan đến Toà Bạch Ốc, nhưng trên thực tế, những cuộc bầu giữa mùa luôn luôn là những cuộc trưng cầu dân ý về thành tích của tổng thống và nội các của ông.

Một điểm đặc biệt nữa là vì không có bầu tổng thống nên ít người quan tâm hơn, ít người đi bầu hơn. Những người thoả mãn với hiện tại, tức là ủng hộ tổng thống đương nhiệm, thường không thấy có nhu cầu xếp hàng đi bầu bán làm chi cho mệt, mà bình thường, chỉ có những người không vui lắm về hiện tình, tức là những người ủng hộ phe đối lập của tổng thống mới hăng hái đi bầu hơn. Kết quả cụ thể là phần lớn các ứng viên của đảng cầm quyền thường thất cử và ứng viên đối lập có nhiều hy vọng thành công hơn.

Cuộc bầu giữa mùa năm nay cũng không ra ngoài thông lệ đó. Mọi người đều tin đảng Dân Chủ (DC) sẽ mất một số ghế, đó là chuyện bình thường. Nhưng mất bao nhiêu mới là chuyện đáng nói.

Dưới thời TT Clinton, cuộc bầu giữa mùa lần thứ nhất, năm 1994, đảng của TT Clinton mất 54 ghế Hạ Viện và 6 ghế Thượng Viện. Năm đó là năm “Cách Mạng Bảo Thủ” giúp Cộng Hòa (CH) lần đầu tiên trong hơn 40 năm kiểm soát được cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Cử tri Mỹ phản đối chính sách cấp tiến của TT Clinton, khiến ông tháo lui, hủy bỏ dự án cải tổ y tế luôn, tự tách mình ra khỏi khối DC cấp tiến, áp dụng chính sách kỷ luật tài chánh, cắt chi phí hàng loạt, tái lập quân bằng ngân sách theo quan niệm bảo thủ. Ở đây cũng phải nói ngay TT Clinton số may rất lớn, làm tổng thống khi kinh tế thế giới đang trong chu kỳ tăng trưởng, lại được tiếp sức bởi cuộc cách mạng tin học, với computer và internet bộc phát mạnh mẽ, trong khi đó nạn khủng bố Hồi giáo chỉ mới manh nha, thế giới còn hòa bình. Do đó, dù thất bại thê thảm giữa mùa, nhưng qua năm 1996 vẫn tái đắc cử.

Lần bầu cử giữa mùa thứ hai, đảng DC không thua, trái lại, thắng 5 ghế Hạ Viện và giữ thế nguyên vị trí tại Thượng Viện. Kết quả này bị coi như là thất bại đối với đảng CH vì trước đó đã đi quá xa trong vụ đàn hạch TT Clinton, bị phản ứng ngược.

Dưới TT Bush, cuộc bầu giữa mùa lần đầu, vào năm 2002, cũng trái với bình thường, đảng cầm quyền thắng, được thêm 8 ghế Hạ Viện và 2 ghế Thượng Viện, phần lớn vì quyết định đánh Afghanistan sau biến cố 9/11 trước đó một năm. Dân Mỹ đoàn kết sau lưng tổng thống trong khủng hoảng 9/11.

Lần bầu giữa mùa thứ hai, năm 2006, đảng cầm quyền CH thua nặng vì cuộc chiến Iraq làm mất lòng dân, mất 31 ghế Hạ Viện và 6 ghế Thượng Viện.

Năm 2008 là năm đại thắng của TT Obama, kéo theo chiến thắng lớn của DC, chiếm được đa số tuyệt đối tại cả hai viện.

Tới cuộc bầu giữa mùa năm 2010 dưới thời TT Obama, nhiều người lo ngại tình trạng thảm bại của TT Clinton năm 1994 sẽ tái diễn. TT Obama bảo đảm không có chuyện đó xẩy ra vì “bây giờ đã có tôi” (“Youve got me now!”). Kết quả, đảng DC thất bại nặng, nặng nhất từ gần 50 năm trước. Mất 63 ghế tại Hạ Viện, một kỷ lục chưa từng thấy từ năm 1948, và mất 6 ghế tại Thượng Viện. Mất đa số tại Hạ Viện tuy vẫn giữ được thế đa số lỏng lẻo tại Thượng Viện. Trên cấp tiểu bang toàn quốc, đảng DC mất tổng cộng 680 ghế dân biểu và nghị sĩ, một kỷ lục lớn nhất lịch sử hơn 200 năm của Mỹ, và mất 6 ghế thống đốc. Cuộc bầu giữa mùa năm đó đã đi vào lịch sử như thảm hoạ lớn nhất của một đảng cầm quyền trong lịch sử Mỹ. Nhờ ơn của TT Obama.

Trong hai năm đầu, TT Obama đã tung ra một chính sách cấp tiến đi xa hơn tất cả mọi dự đoán của thiên hạ, nào là Obamacare, nào là vung tiền như nước để cứu nguy ngân hàng, cứu nguy kỹ nghệ xe hơi, kích hoạt kinh tế, đưa nước Mỹ vào vòng nợ nần tới mức chưa từng thấy. Dân Mỹ hoảng sợ, bầu cho CH nắm đa số tại Hạ Viện, là viện nắm hầu bao chi tiêu của Nhà Nước Mỹ.

Qua cuộc bầu lớn 2012, với sự tái đắc cử của TT Obama, đảng DC vớt vát, lấy lại được thêm 8 ghế Hạ Viện, và 2 ghế Thượng Viện. Thông thường, mỗi lần có bầu tổng thống thì sự đắc cử của tổng thống sẽ kéo theo sự thắng cử của đảng của ông, như năm 2008 chẳng hạn. Nhưng lần này, TT Obama tái đắc cử chỉ kéo theo được một nhúm dân biểu và nghị sĩ theo, tổng cộng cả hai viện, có đúng được thêm 10 người. DC vẫn giữ đa số tại Thượng Viện trong khi CH vẫn giữ đa số tại Hạ Viện. Đưa đến bế tắc trong mọi hoạt động chính trị.

Bây giờ là cuộc bầu giữa mùa lần thứ hai dưới trào Obama.

Nếu đây là cuộc trưng cầu dân ý về thành tích mấy năm qua của TT Obama thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Nếu quý độc giả theo dõi tin tức thời sự từ hơn một năm nay, thì có thể đoán ra.

Từ năm 2010, khi đảng DC mất Hạ Viện, thì TT Obama không còn ra được một luật lớn nào nữa. Chi tiêu cũng bị giới hạn, nợ nần vẫn tăng nhưng chậm lại. Tất cả mọi quyết định lớn đều bị Hạ Viện kéo tay lại.

Phe ta lớn tiếng chỉ trích “The Party of No”, để tố cáo CH chỉ giỏi phá bĩnh, trói tay một nhà lãnh đạo đại tài, không cho ông phục vụ dân. Những người chỉ trích quên mất Hiến Pháp Mỹ đã cố tình đặt ra một phương cách để dân Mỹ có thể trói tay bớt một đảng hay một tổng thống để khỏi đi quá trớn, quá xa với ý dân. Đúng vậy, CH chống đối và trói tay TT Obama thật, nhưng nghĩ lại cho kỹ, CH không phải là một hội đoàn đối lập tự phong, từ đâu nhẩy ra phá đám, mà đó là đảng của một nửa dân Mỹ. Tất cả các dân biểu, nghị sĩ CH biểu quyết chống các chính sách và dự luật của TT Obama đều là những người do dân Mỹ tự do bầu lên. Họ có chiếm được thế đa số tại Hạ Viện thì cũng vì đa số dân Mỹ bầu cho họ. Họ chống TT Obama là họ thi hành nhiệm vụ do cử tri của họ giao phó cho họ. Khi họ tranh cử, họ đã hứa sẽ chống chính sách của TT Obama, và cử tri đã bầu cho họ dựa trên lời hứa đó. Nếu cử tri Mỹ ủng hộ TT Obama và chính sách của ông thì những ông bà CH này đã không được bầu, mà nếu có “lỡ bầu” thì cùng lắm hai năm sau cũng mất chức, chứ không có chuyện được bầu đi bầu lại.

Chẳng những không ra được luật gì mới mẻ, mà ngay cả trong việc chu toàn trách nhiệm “quản lý” đất nước trong 4 năm qua, và nhất là trong một năm vừa qua, đã đi từ khủng hoảng này đến thất bại khác, liền tù tì, không ngừng.

Cột báo này đã viết quá nhiều, không cần viết lại, chỉ tóm lại danh sách để quý độc giả có dịp nhớ lại (danh sách này không theo thứ tự thời gian tính vì những biến cố trùng lập lên nhau):

- Đối nội: Obamacare, sở thuế IRS, wikileak công bố hàng triệu trang tài liệu quốc phòng tối mật; anh Snowden bật mí NSA theo dõi cả triệu người qua điện thoại, internet, v.v…, rồi đào ngũ qua Nga; bộ Cựu Chiến Binh để cả trăm cựu quân nhân mắc bệnh không được chữa trị, chờ đến chết; biên giới với Mễ bị “lủng”.

- Đối ngoại: khủng bố tấn công tòa lãnh sự Mỹ tại Benghazi, giết chết đại sứ Mỹ và ba nhân viên CIA; TT Obama vạch lằn ranh đỏ cho TT Assad của Syria, sau đó núp sau lưng Putin tháo chạy; tham chiến, thả bom, rồi giết TT Khaddafi của Libya, biến xứ này thành một Somalia thứ hai, chìm trong chiến tranh bộ tộc; bất lực ngồi nhìn Putin chiếm bán đảo Crimea và yểm trợ quân ly khai đánh lại chính quyền Ukraine; trao đổi tù, đổi một anh lính đào ngũ lấy 5 lãnh tụ Taliban cao cấp nhất đang bị giam tại Guantanamo; tháo chạy khỏi Afghanistan và Iraq, bất chấp tình hình bất ổn tại cả hai chiến trường, tạo cơ hội cho nhóm khủng bố ISIS bộc phát mạnh, chiếm cả nửa Syria và Iraq, bắt buộc Mỹ phải tham chiến trở lại.


Làm như thể những xì-căng-đan và khủng hoảng này chưa đủ, mới đây và nặng nề hơn cả là việc hai cựu bộ trưởng Quốc Phòng (Robert Gates và Leon Panetta) và một cựu bộ trưởng Ngoại Giao (Hillary Clinton) sau khi từ nhiệm, đã viết hồi ký, nhất loạt chỉ trích chính sách Trung Đông của TT Obama. Đại để cả ba đều quy trách nhiệm ISIS bành trướng lên đầu TT Obama, trên căn bản vì hai quyết định: rút quân quá nhanh tại Iraq, và không dám có quyết định giúp quân nổi loạn ôn hoà tại Syria. Mới đây nhất, đương kim bộ trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel viết thư cho Cố Vấn An Ninh Susan Rice chất vấn chính sách mù mờ của TT Obama đối với Syria. Tóm lại, một nhà lãnh đạo nhút nhát, không dám lãnh đạo.

Cả 4 vị đều không phải là những tay mơ muốn nổi tiếng hay cần tiền bán sách, mà toàn là viên chức cao cấp nhất, kinh nghiệm nhất và uy tín nhất trong guồng máy chính quyền Mỹ. Và họ bình luận về những vấn đề họ đã chịu trách nhiệm dưới quyền trực tiếp của TT Obama.

Kết quả hiển nhiên là tất cả những thăm dò dư luận đều cho thấy hậu thuẫn của TT Obama đã xuống đến những mức thấp kỷ lục, bây giờ còn thấp hơn cả hậu thuẫn của TT Bush, ông cao bồi đáng ghét nhất của khối cấp tiến.

Với những khủng hoảng và xì-căng-đan liên tục, cùng với tỷ lệ hậu thuẫn suy xụp, cuộc bầu sẽ là một đại họa cho các ứng viên DC. Phần lớn vì nhu cầu bảo vệ ghế ngồi của họ, đã phải tránh né TT Obama, cũng như tránh xa các chính sách của TT Obama, nhất là những người ngồi ghế ba chân trong các tiểu bang trước đây đã bầu cho TĐ Romney.

Trong thời gian tranh cử gần đây, TT Obama đã đi vận động gây quỹ cho một số ứng viên, chứ không đến nỗi phải trốn trong Tòa Bạch Ốc. Nhưng ông chỉ đi những nơi mà chiến thắng của đảng DC coi như được bảo đảm 100%, như Nữu Ước, Illinois, Cali,... Những tiểu bang “xôi đậu”, nơi các đương kim nghị sĩ DC bị đe dọa mất ghế thì tuyệt đối không thấy mặt ông như Colorado, Iowa, Louisiana, Georgia, Alaska.

Thành tích để đời của TT Obama, Obamacare, cũng là đề tài ngáo ộp mà không một ứng viên DC nào dám khoe khi đi tranh cử. Im lặng hoàn toàn.

TT Obama không ai biết tại sao, dường như vẫn quá tự tin, vẫn cho mình là Đấng Tiên Tri của những năm 2007-08, lớn tiếng khẳng định “đừng lầm lẫn nhe, tên tôi không có trên những lá phiếu mà quý vị sẽ bầu, nhưng tất cả vẫn là những chính sách của tôi hết”. Nói nôm na ra, có nghiã một lá phiếu cho ứng viên DC là một lá phiếu cho chính sách của TT Obama, hay nói rõ hơn, nếu ủng hộ chính sách cuủa tôi thì hãy bầu cho ứng viên DC. Sự thật là đúng như vậy, nhưng không nên nói ra vì lúc này, cái tên “Obama”, thiên hạ nghe đến là đã thấy không vui. Câu tuyên bố này làm hàng loạt các ứng viên DC mặt mày tái xanh, tìm cách tránh né, giải thích, phân trần. Đến độ cựu quân sư Axelrod, tác giả hai cuộc tranh cử thắng lợi của TT Obama, đã phải nhìn nhận câu tuyên bố này là sai lầm lớn, gây nhiều khó khăn cho đảng DC.

Mới đây, TT Obama đi vận động cho ứng viên thống đốc Maryland trong một hội trường với 90% là dân da đen. Vừa bắt đầu diễn văn thì hàng loạt khán giả đứng lên bỏ về. Việc TT Obama nói chuyện thu hút cả trăm ngàn người là chuyện quá khứ quá xa vời rồi.

Bà Alison Grimes, ứng viên thượng nghị sĩ DC tại Kentucky, công khai tuyên bố “Tôi không phải là Obama!”, rồi từ chối không trả lời câu hỏi bà có bầu cho TT Obama trong hai lần bầu tổng thống vừa qua không.

Báo USA Today làm một thăm dò nhiều ý nghiã. Đi hỏi cử tri tại 6 tiểu bang năm 2012 họ đã có bầu cho TT Obama không. Kết quả, trung bình tại 6 tiểu bang đó, tỷ lệ những người nhận đã bầu cho TT Obama là đâu 46%, trong khi thực tế TT Obama đã thu được 53%. Nói cách khác, sự khác biệt, 7% là số người “khai gian” trước đây bầu cho TT Obama nhưng bây giờ chối không nhận là đã bầu như vậy.

Báo này cũng làm một thăm dò khác và khám phá ra cứ trong 7 người trước đây bầu cho TT Obama, thì bây giờ có 1 người hối hận, phần lớn là giới trẻ, hy vọng quá nhiều bây giờ thất vọng ê chề.

Tất cả các thăm dò dư luận cho thấy lần này, có triển vọng CH sẽ chiếm được thêm ghế và sẽ thống trị Hạ Viện một cách tuyệt đối. Nguy hiểm cho TT Obama hơn nữa, CH cũng có rất nhiều triển vọng dành lại thế đa số tại Thượng Viện luôn.

Thượng Viện hiện nay vẫn còn trong tay DC với thế đa số 55-45. Có nghiã là CH cần thắng 5 ghế thì tạo được thế cân bằng. Các thăm dò mới nhất cho thấy CH có thể sẽ chiếm được tới 10 ghế, và như vậy sẽ trở thành khối đa số. CH ít nhất sẽ dành lại 6 tiểu bang mà thượng nghị sĩ đương nhiệm thuộc DC: Montana, South Dakota, Arkansas, Alaska, Louisiana, và West Virginia. CH cũng có hy vọng chiếm được Iowa, Colorado, North Carolina và New Hampshire. Nếu CH chiếm được 10 ghế thì sẽ lật ngược thế đa số 55-45.

Năm 2008, DC nắm 60 ghế Thượng Viện, nếu bây giờ chỉ còn 45, thì có nghiã TT Obama đã làm 15 thượng nghị sĩ DC (hay một phần tư) mất job trong 6 năm cầm quyền, một kỷ lục mà chắc chắn TT Obama và truyền thông dòng chính sẽ không khua chiêng trống.

Thực tế hơn, cho dù CH chỉ chiếm được thêm 6-7 ghế thì TT Obama cũng vẫn hoàn toàn bị tê liệt trong hai năm cuối nhiệm kỳ.

Đảng DC ý thức được đại họa trước mắt nên đã sáng tạo ra nhiều cách để chống đỡ.

Tiêu biểu là ở Kansas. Đây là tiểu bang bảo thủ nặng, với đương kim TNS Pat Roberts của CH, năm nay 78 tuổi, đã làm nghị sĩ 3 nhiệm kỳ tổng cộng 18 năm. Ngoài ứng viên của đảng DC ra còn một ứng viên độc lập, nhưng có đường lối tương đối cấp tiến, gần với DC hơn. Đảng DC tính toán thấy không có cách nào hạ được ông Roberts, nhưng nếu đấu tay đôi, ông độc lập có hy vọng hạ ông CH, bèn đi đêm với ứng viên độc lập, cho ông DC rút lui ra khỏi cuộc chạy đua. Nói cách khác, DC chấp nhận rủi ro để một ông độc lập thân thiện đắc cử còn hơn là để ông CH thắng.

Cuối cùng thì chịu khó đi bầu vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong các cuộc bầu cử. Bất kể thăm dò dư luận như thế nào, then chốt vẫn là số cử tri đi bầu.

Trên căn bản, TT Obama và đảng Dân Chủ có hai thành phần cử tri chủ lực là phụ nữ và dân da màu, tức là dân da đen, da nâu và da vàng.

Những thăm dò mới nhất cho thấy phụ nữ đã bỏ đảng Dân Chủ hàng loạt, vì lý do quan trọng là TT Obama đã thất bại trong những ưu tư hàng đầu của phụ nữ: sức khoẻ gia đình và an ninh gia đình. Obamacare tuy đã giúp cho cả triệu người có được bảo hiểm, nhưng ngược lại đã gây khó khăn và tăng chi phí y tế cho cả trăm triệu gia đình khác, ảnh hưởng bất lợi cho bảo hiểm y tế và ngân sách gia đình. Chuyện khủng bố ISIS lớn mạnh cũng làm cho mấy bà lo lắng cho an toàn gia đình nhiều hơn, hay ít nhất cũng lo cho con đang đi lính hay có thể sẽ đi lính.

Đây là chưa nói tới chuyện dịch Ebola, chưa ai rõ sẽ ảnh hưởng như thế nào trong cuộc đầu phiếu đầu tháng tới.

Đối với khối cử tri da màu, trong các thăm dò trước bầu cử tổng thống năm 2012, TĐ Romney chỉ thua sát nút TT Obama, nhưng đến ngày bầu cử, dân da đen ùn ùn đi bầu trong khi mấy ông da trắng lè phè nằm nhà hay lo đi làm. Kết quả TT Obama thắng với 7% cách biệt. Cho đến nay, TT Obama vẫn được khối này ủng hộ rất mạnh.

Năm nay, sau những thất bại liên tục của TT Obama, thăm dò cho thấy CH sẽ đại thắng. Nhưng vấn đề vẫn là số cử tri đi bầu. Nếu phe ta DC nản chí, các bà và khối dân da màu ở nhà không đi bầu thì CH sẽ càng thắng lớn hơn. Ngược lại nếu DC vận động được phụ nữ và nhất là khối dân da màu đi bầu mạnh, thì DC vẫn có hy vọng giữ được Thượng Viện, tuy hơi khó. (2-11-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
Cận Tết năm Thìn, Marianne Brown (Guardian Weekly) có bài “Vietnam’s parents want a dragon son.” Trời! Tưởng gì, chớ cả Tầu lẫn Ta ai mà không muốn có con trai tuổi Rồng. Nhâm Thìn, tất nhiên, lại càng bảnh dữ nữa. Nam nhâm nữ quí thì sang mà lị. Theo tuviso.com: “Tuổi Nhâm Thìn có nhiều hy vọng tốt đẹp về vấn đề tình duyên và tương lai về cuộc sống, có phần tốt đẹp về tình cảm và tài lộc, vào trung vận và hậu vận thì được nhiều tốt đẹp về hạnh phúc, công danh có phần lên cao.”
Một quan điểm lạc quan đang dấy lên trong hàng ngũ Lãnh đạo đảng CSVN khi bước vào năm 2024, nhưng thực tế tiềm ẩn những khó khăn chưa lường trước được...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.