Hôm nay,  

Vui Với Ngày Hội Ngộ Quân Y Hải Quân Toàn Thế Giới 2014

28/10/201400:00:00(Xem: 5431)

(Thân tặng độc giả Việt Báo: Quý vị trong gia đình Quân Y Hải Quân* BS Thiếu Tá Nguyễn Tích Lai, Y sĩ trưởng Tàu Bịnh viện HQ400* Thiếu tá Nguyễn Văn Sáu * Ái Nguyễn và gia đình.)

1* Mở bài

Ngày 5-10-2014, buổi Hội Ngộ Quân Y Hải Quân toàn thế giới được tổ chức tại Nam Cali, Hoa Kỳ. Một cuộc hội ngộ đầy xúc động, trang nghiêm nhưng không tẻ nhạt.

Tôi không phài là người của Hải quân nhưng rất có duyên với Hải quân. Nhiều kỷ niệm về Hải quân đã in đậm vào tâm trí tôi. Nhiều bạn bè trong Hải quân, thậm chí khi bịnh nặng tôi cũng được nằm điều trị cả tuần lễ tại Bịnh Viện Hải Quân Bến Bạch Đằng.

Hình ảnh những con tàu Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã in sâu vào tâm trí tôi kể từ những năm 1960.

Lúc đó tôi làm việc ở tỉnh Côn Sơn. Những người trai độc thân ở Côn Đảo chỉ mong tàu ra để được quá giang về Sài Gòn, để nhận thơ, đọc và viết thơ về cho các bạn gái ở đất liền. Toàn thể công chức, quân nhân ở Côn Sơn đều vui mừng mỗi khi tàu đến, vì tàu mang tiếp tế đủ mọi nhu cầu cho người ở hải đảo.

Mỗi khi có bóng dáng con tàu lù lù hiện ra từ Mũi Cá Mập, thì tiếng trống vang lên báo hiệu tàu đến. Mọi người hân hoan khi nghe tiếng trống. Mọi công việc tạm ngưng sau tiếng trống để chuẩn bị đón con tàu.

Chúng tôi đã quen thuộc với những cái tên như Hát Giang, Hàn Giang, Hương Giang, Cam Ranh, Đà Nẵng, Thị Nại, Linh Kiếm, Nỏ Thần…Ngay cả tên và hình dáng của Trung sĩ Cư ở Bộ Tư Lịnh, Bến Bạch Đằng. Ông Cư ghi tên hành khách quá giang và lịch trình tàu đi Côn Sơn.

Tôi không được tham dự ngày Hội Ngộ 5 tháng 10 ở Cali nhưng rất vui lây khi theo dõi tin tức của ngày hội ngộ.

2* Phần phát biểu của quý vị khách mời

Dược sĩ Nguyễn Tất Tiên HQ Trung Tá Nguyễn Văn Pháp

Bác sĩ Phạm Minh Ngọc giới thiệu khách mời gồm quý vị như sau:

HQ Đại Tá Thiện, HQ Đại Tá Nguyễn Bá Trang, HQ Đại Tá Lê Hữu Dõng, HQ Đại Tá Đoàn Danh Tài (Hạm Trưởng Y Tế Hạm HQ400), HQ Trung Tá Nguyễn Văn Pháp (Hạm Trưởng Y Tế Hạm HQ401)

Trong phần phát biểu, Đại Tá Thiện nói lên tình bằng hữu sâu đậm, lâu dài từ thời cấp sách đến trường đến ngày nay, vẫn gắn bó chặt chẽ tình bạn, tình người.

HQ Đại Tá Đoàn Danh Tài nói về lịch sử Y Tế Hạm HQ400 và HQ401. Sau phần trình bày, Đại Tá Hạm Trưởng còn gởi đến anh em Quân Y Hải Quân từng phục vụ trên Y Tế Hạm HQ400, những tấm hình của chiếc tàu tình thương để lưu niệm.

HQ Trung Tá Nguyễn Văn Pháp nhắc lại những kỷ niệm Y Tế Hạm HQ401 và sau đó, ông trình bày bản Hoa Biển của Anh Thi làm sôi động bầu không khí ngày hội ngộ.

blank
Hình ảnh một thời chinh chiến.

3* Lịch sử Quân Y Hải quân

Thiếu Tá HCQY Nguyễn Văn Sáu trình bày về lịch sử Quân Y Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.

3.1. Bước đầu thành lập

Đến năm 1957, Nha Quân Y Quân Lực VNCH chỉ định Y sĩ Thiếu tá Phạm Tấn Tước vào chức vụ Y sĩ Trưởng Hải Quân đầu tiên và kiêm phụ trách phần Quân Y TQLC vì Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến nằm trong trại của BTL/HQ. Cùng thời gian nầy BS Phạm Tấn Tước bổ nhiệm Y sĩ Đại úy Nguyễn Gia Quýnh làm Y sĩ Trưởng Bịnh Xá của Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang.

Các cơ sở QYHQ đầu tiên đều do Hải Quân Pháp giao lại. Cơ sở đầu tiên do Y sĩ Thiếu tá Phạm Tấn Tước đảm nhiệm mang tên Bệnh Xá Bạch Đằng, có tên cũ của Pháp là Infirmerie Francis Garnier, gồm các phòng ngoại chẩn, quang tuyến, thí nghiệm, nha khoa, và kho y dược. Nha sĩ đầu tiên là Đại úy Nguyễn Văn Hiền. Dược sĩ đầu tiên là Đại úy Nguyễn Hữu Đức. Tất cả y sĩ đều tốt nghiệp Trường Y Khoa Bordeaux, Pháp. Các BS Trung úy Quân y từ Pháp về được BS Tước chỉ định nhiệm sở ở Bệnh Xá Bạch Đằng, Bệnh Xá HQ Công Xưởng, căn cứ Cát Lái. Riêng BS Nguyễn Phúc Quế được cử sang làm Y sĩ Trưởng Thủy Quân Lục Chiến. Ông cùng Đại úy Lê Nguyên Khang ra tiếp nhận căn cứ Cam Ranh.

3.2. Bịnh Xá Bạch Đằng dời sang địa điểm mới

Nhận thấy Bịnh Xá Bạch Đằng làm trở ngại cho việc phòng thủ Trại Bạch Đằng nên Bộ Tư Lịnh Hải Quân cho dời về địa điểm mới ở số 9 Cường Để, và trở thành bệnh viện 100 giường, gồm các phòng quang tuyến, phòng nha, sản khoa, phòng mổ được trang bị đầy đủ.

3.3. Thành lập bịnh viện hạm

Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho quân nhân hải quân và gia đình, yểm trợ quân y cho các chiến hạm, giang đoàn, duyên đoàn, y sĩ hải quân còn thực hiện công tác Dân sự vụ tại các đảo và miền duyên hải xa xôi. Bộ Tư Lệnh Hải Quân cho thành lập một tàu bịnh viện.

Quân Y Hải Quân phối hợp với Hải Quân Công Xưởng thiết kế một sơ đồ biến cải hải vận hạm Hát Giang HQ400 thành một bịnh viện lưu động đầy đủ trang bị y khoa.

Năm 1966, một thành phần quân y Hải quân Hoa Kỳ được phái sang làm cố vấn cho Quân Y Hải Quân VNCH.

Y sĩ Thiếu tá Pye là cố vấn đầu tiên của QY/HQ/VNCH. Khi nhận chiến hạm, HQ/VNCH chấp nhận điều kiện là không được biến cải tình trạng của các chiến hạm, vì thế cố vấn Pye dùng những quân xa loại chở hàng thứ lớn của quân đội Mỹ, với tiện nghi như phòng lạnh để làm những phòng khám bịnh, giải phẩu, quang tuyến, phòng thử nghiệm và phòng nha khoa. Những chiếc xe chở hàng đó được ràng buộc chắc chắn vào lòng chiến hạm Hát Giang HQ400.

Hai y sĩ Mỹ về nội thương và giải phẩu cùng với y tá phòng thử nghiệm, phòng giải phẩu cũng được phái đến Y Tế hạm Hát Giang, làm việc bên cạnh y sĩ và y tá Việt Nam.

Công tác Dân sự vụ của Y Tế hạm HQ400 thành công tốt đẹp, đã đem đến cho dân chúng ở các đảo và vùng duyên hải những dịch vụ y tế rất cần thiết, nên một tàu bịnh viện thứ hai được thành lập. Đó là Y Tế hạm Hàn Giang HQ401.

3.4. Những chiếc tàu tình thương

HQ400 và HQ401 đã phục vụ y tế cho đồng bào nghèo từ các hải đảo xa xôi đến vùng đồng bằng sông ngòi chằng chịt miền Tây Nam Bộ, bao gồm việc khám bịnh, phát thuốc, phân phối thực phẩm, văn nghệ giúp vui. Bịnh viện hạm đến đâu cũng được dân chúng đón chào nồng nhiệt, thể hiện trọn vẹn tình thương quân dân trước năm 1975.

Thật ra đồng bào nông thôn ở vùng xa, vùng sâu không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ nhưng lại có thói quen là khi bị bịnh mới đến bác sĩ, bịnh viện. Vì thế bịnh viện hạm đến nơi là đáp ứng như cầu của đồng bào.

Hạm Trưởng Y Tế hạm HQ400 là HQ Đại Tá Đoàn Danh Tài và Hạm Trưởng Y Tế hạm HQ401 là HQ Trung Tá Nguyễn Văn Pháp đến tham dự ngày hội ngộ hôm nay.

Bác sĩ của y tế hạm HQ400 là Nguyễn Tích Lai và BS của HQ401 là Trịnh Quốc Hưng.

3.5. Một số hoạt động của Quân Y Hải Quân như sau:

- Y sĩ khám ngoại chẩn cho 28,253 quân nhân và gia đình. Thử nghiệm 74,428 người. Chụp quang tuyến cho 40,541 trường hợp. Trám nhổ răng 30,412 ca. Điều trị tại bịnh viện cho 14,848 bịnh nhân.

- Về dược phẩm. Kho Y Dược Trung Ương Hải Quân yểm trợ cho các đơn vị quân y trung bình được 85% nhu cầu.

- Hoa Kỳ cũng yểm trợ trong việc huấn luyện tại Mỹ, đặc biệt cho hai tàu bịnh viện HQ400 và HQ401.

- Hoạt động của hai Y Tế Hạm rải đều ra khắp các Vùng Duyên Hải và Sông Ngòi, đến tận các hải đảo xa xôi.

Lịch sử Quân Y HQ/VNCH kết thúc vào ngày 30/4/75. Cố y sĩ Trung Tá Nguyễn Thanh Trước, Y Sĩ Trưởng BVHQ, và cố y sĩ Đại Tá Đặng Tất Khiêm, trưởng khối QY/HQ /VNCH là những chỉ huy cuối cùng của quân chủng nầy..

Hôm nay gia đình Quân Y Hải quân vinh hạnh được tiếp đón hai vị hạm trưởng là Hải quân Đại Tá Đoàn Danh Tài (HQ400) và Hải quân Trung Tá Nguyễn Văn Pháp (HQ401)

blank
Hình ảnh một thời chinh chiến.

4*Nội dung sinh hoạt ngày Hội Ngộ Quân Y Hải Quân 2014

4.1. Ban tổ chức

Ban tổ chức ngày Hội Ngộ Quân Y Hải Quân năm 2014 ngoài người anh cả hiền đức, bác sĩ Phạm Minh Ngọc, còn có giàn kiền ba chân vững chắt là bác sĩ Bùi Hữu Phước, dược sĩ Phạm Xuân Dzũng và dược sĩ Nguyễn Tất Tiên. Kết hợp đặc điểm của từng cá nhân trong ban tổ chức đưa đến thành công của ngày Hội Ngộ Quân Y Hải Quân 2014.

Bác sĩ Bùi Hữu Phước, xông xáo, nhanh nhẹn, tỉ mỉ đã sắp xếp nơi ăn chốn ở và sự di chuyển một cách rất chu đáo.

Chị Phước và chị Quảng trang trí phòng họp, tuy đơn sơ nhưng trang nhã và đầy đủ. Cờ VNCH, cờ Hoa Kỳ, biểu ngữ, bong bóng…

Trong vai trò thủ quỹ, dược sĩ Phạm Xuân Dzũng thực hiện sổ chi tiêu rất tỉ mỉ và chính xác. Anh còn luôn có phần quà cho những bữa tiệc.

Dược sĩ Nguyễn Tất Tiên trong ban tổ chức rất quan tâm đến tình nghĩa cho nên việc tiếp đón luôn thắm đượm tình nồng ấm của gia đình Quân Y HQ.

4.2. Chương trình buổi hội ngộ

Chương trình hội ngộ khai diễn vào lúc 6 giờ chiều ngày 5-10-2014 tại Nam Cali, Hoa Kỳ.

Dược sĩ Phạm Xuân Dzũng giới thiệu bác sĩ Bùi Hữu Phước điều khiển phần chào quốc kỳ Việt-Mỹ và phút mặc niệm.

Bác sĩ Phạm Minh Ngọc chào mừng ngày Hội Ngộ Quân Y Hải Quân toàn thế giới, giới thiệu những vị quan khách được mời và những vị quân y hải quân từ xa đến Cali tham dự.

Sau phần trình bày của niên trưởng Nguyễn Văn Dinh, HQ Đại Tá Nguyễn Văn Thiên phát biểu cảm tưởng.

Nối tiếp, Thiếu Tá HCQY Nguyễn Văn Sáu trình bày lịch sử của Quân Y Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Chương trình văn nghệ hào hứng kết thúc buổi họp mặt vào lúc 10 giờ cùng ngày.

4.3. Thành phần tham dự

1). Những vị khách mời

Những vị khách mời gồm có:

HQ Đại Tá Nguyễn Văn Thiện

HQ Đại Tá Nguyễn Bá Trang

HQ Đại Tá Lê Hữu Dõng cựu chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Nhiệm 99.

HQ Đại Tá Đoàn Danh Tài Hạm Trưởng Y Tế hạm HQ400.

HQ Trung Tá Nguyễn Văn Pháp Hạm Trưởng Y Tế hạm HQ401.

2). Gia đình Quân Y Hải Quân

Dược sĩ Vũ Huy Đạo, người có công tạo ra QYHQ/Yahoo group để anh em trong gia đình QYHQ có nhịp cầu liên lạc với nhau. Diễn đàn nầy là một phương tiện vô cùng thuận lợi để anh em chia xẻ thông tin và giải trí.

Bác sĩ Trịnh Quốc Hưng. Đẹp lão. Cao ráo. Là con chim đầu đàn của QYHQ Bắc California. Anh luôn luôn hào phóng với đàn em mỗi khi có hội ngộ.

4.4. Phần văn nghệ

1). Ca sĩ Thúy Hằng

Linh hồn của chương trình văn nghệ là MC ca sĩ Thúy Hằng. Nhan sắc mặn mà là do mẹ tặng. Cao ráo như người mẫu là của cha cho (Cao Sanh Nhờ), nhưng duyên dáng dễ thương không phải là do bác Sáu Nhỏ cho mượn, mà nghiệm mãi mới biết rõ là do trời cho.

2). Cây nhà lá vườn cũng rậm đám

Mở màn văn nghệ là hai bản kích động nhạc do bác sĩ Trần Văn Nam trình bày. Một trăm phần trăm (100%) và 60 năm cuộc đời. Anh Nam cao hứng sửa lại thành 90 năm cuộc đời. Hai bản nhạc thật sự kích động bầu không khí của đêm hội ngộ, đồng thời đưa người tham dự về một dĩ vãng tuyệt vời của những người lính áo trắng trước kia.

Ca sĩ Đỗ Quỳnh Hương

Chị Võ Xuân Thu

Chị Võ Xuân Thu, phu nhân dược sĩ Đoàn Văn Quảng cho nghe những bản nhạc tình thời chinh chiến gợi nhớ đến một thời xa xưa khi còn ở Việt Nam.

Dược sĩ Hoàng Trọng Bình tạo một bất ngờ, là chưa bao giờ nghe anh hát, thế mà hôm nay vừa cất tiếng thì vang lên những tràng pháo tay hoan hô nhiệt liệt.

Đêm hội ngộ tràn đầy tình cảm nồng ấm khi gặp lại bạn xưa, có người từ trong nước ra, từ quốc gia khác đến, văn nghệ cây nhà lá vườn làm niềm vui trọn vẹn.

Chị Đỗ Quỳnh Hương, phu nhân bác sĩ Trần Việt Cường, vừa cất tiếng thì vang lên những tràng pháo tay và tiếng hoan hô! Hoan hô! Hay quá! Hay quá!

Ca sĩ Thúy Hằng trở ra sân khấu. Cô tặng cô bác một dĩa CD “Tiếng hát Thúy Hằng”, đồng thời trình bày bản nhạc của bác sĩ QYHQ Văn Sơn Trường.

Bác sĩ Trường hay tin muộn nhưng đã kịp thời thu xếp mua vé để cùng chị và người thân từ Virginia đến tham dự.

Nha sĩ Hiệp không hát đêm nay, lập tức nha sĩ Tạ Văn Việt, em ruột nha sĩ Hiệp, đã lôi cuốn người tham dự vào bầu không khí im lặng để lắng nghe, cuốn hút theo dõi những nét trầm bổng, ngọt ngào từ tiếng hát anh. Có nhiều tiếng vang lên. Hoan hô! Hoan hô! Cho xin số phone đi anh Việt!

Dược sĩ Trần Tấn Phát, ngoài tài năng của nghệ thuật nhiếp ảnh, anh còn là một nghệ sĩ tài tử độc tấu tây ban cầm.Tác phong nghệ sĩ được thể hiện qua dáng dấp say sưa đưa tất cả tâm hồn và tình cảm vào từng nốt nhạc.

Cập song ca độc nhất vô nhị của phần văn nghệ là vợ chồng anh Lai, anh Việt và chị Đỗ Mai Lan.

Bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ QYHQ không chỉ là những thầy thuốc, chuyên khoa chữa trị bịnh mà còn đa dạng trong những ngành nghệ thuật và âm nhạc nữa.

Chương trình Hội Ngộ Quân Y Hải Quân 2014 chấm dứt vào lúc 10 giờ đêm cùng ngày.

blank
Hình ảnh một thời chinh chiến.

4.5. Phần hình ảnh lưu niệm

Dược sĩ Trần Tấn Phát

Anh Hạnh và BS Trịnh Quốc Hưng

Hình ảnh lưu niệm rất cần thiết vì những sự kiện xảy ra rồi sẽ tan biến theo thời gian. Không còn gì nữa, nếu không có hình ảnh ghi lại.

Vai trò của các bác phó nhòm luôn luôn được lưu ý. Mỗi khi máy ảnh đưa lên thì bao nhiêu khuôn mặt, bao nhiêu cặp mắt đều hướng về máy ảnh với những nụ cười duyên dáng. Người nào bị máy ảnh quên chiếu cố thì kể như bị thiệt thòi. Người thiệt thòi nhất là người cầm máy, vì ít có hình của chính mình trong tập thể, đám đông.

Những người được theo dõi kỹ là các anh Hạnh, Dư Quốc Trung và đặc biệt là dược sĩ Trần Tấn Phát. Anh đã tận tụy o bế từng tấm hình, từng đoạn phim một cách rất chuyên nghiệp. Đã có 258 tấm hình của anh BS Dư Quốc Trung gói ghém toàn bộ sinh hoạt của đêm hội ngộ.

Nhìn lại hình mình. Cám ơn anh Phát!

4.6. Phần du ngoạn và giải trí

1). Du ngoạn viếng danh lam thắng cảnh Hoa Kỳ

Chương trình du ngoạn giải trí do vợ chồng Sáu Nhỏ phụ trách.

Lúc 8 giờ sáng ngày 7-10-2014 đoàn du ngoạn 24 người trên 3 chiếc xe bus bắt đầu viếng danh lam thắng cảnh Hoa Kỳ trong hai ngày.

Xe bus của công viên chở đoàn khách Quân Y Hải Quân đến viếng cảnh đẹp ở các công viên quốc gia Redwood, công viên Sequoia Park và công viên quốc gia Yosemite. Những công viên nổi tiếng nầy của nước Mỹ thu hút trên 3 triệu du khách mỗi năm.

Những cây Redwood sống lâu nhất hành tinh. Cây cổ thụ Sequoia cao 85m rộng 9m. Hòn đá granite còn nguyên vẹn, lớn nhất hành tinh tại công viên quốc gia Yosemite.

Ngày 9-10-2014 đoàn du ngoạn về San Jose, San Francisco rồi Stockton, CA.

2). Hoạt cảnh vui nhộn “một kỷ niệm vui nhớ đời”

Ở vai hoạt náo viên, Sáu Nhỏ đã tạo ra bầu không khí náo nhiệt, vui nhộn mà những vị cao niên ở tuổi thất thập, tóc điểm sương lại hòa mình với nhau như trở về cái thời niên thiếu thắm đượm tình yêu trong những cuộc hẹn hò.

Những cấp chỉ huy nầy từng được hàng trăm người tôn kính, thi hành nghiêm nhặt những mệnh lệnh ban ra của những ngày xưa ấy, cũng có những vị đã từng hét ra lửa bây giờ lại ôn nhu hòa nhã với các vị phu nhân và bạn bè.

Trong chương trình du ngoạn, quý vị phu nhân, các bà chị cũng hoà mình nhau trong việc bếp núc thực hiện bữa ăn đã được vạch ra.

Các bà chị đã từng đảm đang, gánh vác việc gia đình, nuôi dưỡng, giáo dục con cái trong khi những ông chồng lên đênh trên mặt biển xa nhà dài hạn để làm tròn nhiệm vụ người trai trong việc bảo vệ tự do, dân chủ, an ninh cho dân tộc miền Nam.

Sáu Nhỏ đã thành công trong việc tạo ra “Một kỷ niệm vui nhớ đời”.

Nội dung được Sáu Nhỏ ghi lại một cách độc đáo như sau:

“Kính gởi Anh chị QYHQ,

Đêm đầu tiên tại Bass Lake (7/10/14), 23 Anh Chị Em trong gia đình QYHQ tề tựu tại căn nhà đủ rộng để cùng nhau tâm sự, kể đủ chuyện sau ngót 40 năm xa cách; Anh Chị Đính đến từ Pháp, Anh Chị Ngọc từ San Diago, Anh Hiển đến từ VN thương yêu, Anh Chị Bình từ North Carolina, Anh Chi Vọng từ Louisiana, Anh Chị Hiệp từ Arizona, Anh Chị Nhờ từ Corolado, và các Anh Chị từ Nam California như Anh Chị Đức, Anh Chị Quảng, Anh Chị Giao, Anh Phước, Anh Tiên, Anh Tòng.

Sau buổi cơm chiều do các chị từ lớn đến nhỏ chung sức nấu nướng dọn dẹp.

Thay mặt nhóm mài râu cám ơn các chị em trong gia đình QYHQ. Hoan hô các chị!.

Để thay đổi bầu không khí, kể chuyện vui, Sáu Nhỏ đề nghị: trong suốt đoạn đường dài tình nghĩa Vợ Chồng sâu đậm, các Anh thế nào cũng có dấu diếm nhiều chuyện có lỗi với các chị, dù nghĩ rằng mình lau miệng sạch sẽ sau khi ăn vụng các chị không biết đâu. Hôm nay là cơ hội lớn nhứt nên quỳ xuống chân các chị thú tội. Khai hết, không được dấu diếm và xin các chị nghĩ tình tha thứ.

Đề nghị được Anh Đính xung phong làm gương em út. Với dáng điệu khó khăn, anh từ từ đứng dậy, từng bước, tay chưn run rẩy suýt ngã té, tiến về bên chị, gục đầu trên vai như nứt nở thú tội. Anh em ôm bụng cười không dứt,vỗ tay tán thưởng màn trình diển sống động của một ông già được bà xã xoa đầu tha tội và ôm hôn nhau dài lâu. Anh Ngọc nhứt định không chịu thua, nhào vào lòng chị xưng tội như một tín đồ mộ đạo, thật không ai ngờ một BS đạo mạo xưa nay lại nhập cuộc vui xả láng như vậy.

Anh Chị Đức, cao niên nhứt trong chuyến du ngoạn nầy, anh không chùn chân và biểu diễn không kém phần xuất sắc, cám ơn anh chị hoà mình với anh em. Anh Bình trổ ngón nghề diễn hề tuyệt vời. Anh Bình không có tội mà lại nhiều công, được chị khen ngợi, chỉ có điều ít đi du lịch nhưng hôm nay thì quá nhiệt tình. Anh Quảng ở vào tuổi xấp xỉ thất tuần mà lại ham vui, nhưng chị vừa ca hay và là người "chăn dê" lão luyện nên tội lỗi còn ít, nhưng khi anh lái xe bằng tay thì chị phải lái bằng miệng, nếu không thay vì về nhà thì anh về toà Bạch Ốc. Bội phục trí nhớ của chị, nếu trên xe mà thiếu chị Quảng thì thay vi tới Bass Lake thì xe về tới Westminster.

Anh Giao lại nhìn chai Martel như nhìn người xa lạ, khác hẳn mọi khi, thấy rượu như lân thấy pháo, có lẻ vì tội lỗi nhiều nên bị chị phạt chăng? Kỳ nầy công Anh Giao nhiều, lấy công chuộc tội. Xin lỗi Anh Giao, có lẻ vì lơ đỉnh mà không thấy màng thú tội của Anh. Anh Nhờ gục đầu thú tội lâu nhứt, cũng may chị Nhờ rất rộng lòng từ bi hỉ xả nên được chị vò đầu, bứt tóc, giựt chưn mày tơi bời rồi tặng một nụ hôn dài tha thứ.

Anh Vọng không thể nào là người đầy tội lỗi được, hiền như cục bột, trên gương mặt luôn nở nụ cười dễ dãi rộng lượng, chỉ thấy một lần nụ cười tắt hẳn, mặt mày tái mét, muốn cho chó ăn chè. Chị Vọng tức thời xuất hiện như như một Bà Tiên Giáng trần cứu nhân độ thế, nắm lấy cơ hội bằng vàng. Anh Vọng lập tức úp mặt vào ngực nàng Tiên rồi nức nở, tưởng khóc ai dè cười khúc khích.

Anh Hiệp, trời sanh anh có biệt tài, làm thế nào mà hể mở miệng thì chị Hiệp nói Anh Hiệp, ảnh dễ thương lắm, ảnh dễ thương lắm, Anh Sáu ơi.

Xin sư phụ truyền cho đệ tử vài chiêu cứu mạng. Con vợ tôi nó mắng chửi tôi tối ngày. Bữa nào tới khuya rồi mà nó quên mắng, thì tôi phải nhắc vì nghe mắng xong thì tôi còn ngủ nữa chứ.”

blank
Hình ảnh một thời chinh chiến.

5* Những vị khách đặc biệt của Ngày Hội Ngộ Quân Y Hải Quân 2014

Ba vị khách mời đặc biệt là HQ Đại Tá Lê Hữu Dõng, HQ Đại Tá Đoàn Danh Tài và HQ Trung Tá Nguyễn Văn Pháp.

5.1. Vài nét về HQ Đại Tá Lê Hữu Dõng

Sinh năm 1936, quê ở Long An. Tốt nghiệp khóa 8 HQ Nha Trang. Tháng 4 năm 1964 được ân thưởng Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao đồng. Mang lon Đại tá ngoài 30 tuổi.

Đại Tá Dõng tâm sự, đâu có quân trường nào dạy tác chiến trên sông rạch, đâu có chiến trường nào kinh rạch đầy bùn sình chằng chịt như mạng nhện từ U Minh, Năm Căn, Đồng Tháp, Gò Quao, Tam giác sắt…

Tôi đã học hỏi rất nhiều từ những người lính dưới quyền. Nhiều người đã chỉ cho tôi những cái lắt léo, nguy nan cần phải tránh. Những tấm gương can trường, dũng cảm của họ khiến cho tôi phải kính phục.

Cấp bậc trên vai của tôi là một vinh dự, đồng thời cũng là một ân nghĩa từ tất cả những ai đã cùng tôi chiến đấu.

5.2. Kình ngư nhỏ lệ

– 10 giờ sáng ngày 30-4-1975, Tổng thống Dương văn Minh kêu gọi quân nhân các cấp buông súng.

– 11 giờ, xe tăng Cộng Sản ủi sập cổng chánh Dinh Độc Lập.

– 4 giờ chiều cùng ngày, trên ngả ba sông Vàm Cỏ, Đại Tá Dõng ra một lệnh cuối cùng, tập họp tất cả các sĩ quan, thuyền trưởng lại, trên Soái Đỉnh chỉ huy để nhận chỉ thị.

Bằng một giọng nghẹn ngào, Đại Tá Dõng nói với các cấp thuộc hạ “ Tất cả đã hết, chúng ta đã thua, miền Nam đã mất vào tay CS. Bây giờ là lúc chúng ta phải tan hàng, anh em nào muốn đi theo hạm đội thì theo tôi, anh em nào muốn ở lại với gia đình thì cứ đem tàu về. Trên đường về, cộng quân chận lại cứ xả súng bắn, kiếm một chỗ nào an toàn thay đồ dân sự, rồi về với gia đình. Xin từ giã anh em. Hẹn gặp lại…”

Những khuôn mặt hốc hác vì chiến đấu quên ăn, thiếu ngủ, râu ria tua tủa ấy đang nhìn ông, những cập mắt đỏ ngầu vì xúc động đang nhìn ông, không ai thốt được lời nào.

Giây phút này như kéo dài vô tận….

Đại úy Hải ngập ngừng hỏi:“ Commandant dự tính sẽ đi đâu ? ” Đại Tá Dõng trả lời: “ Có lẽ một hòn đảo nào đó trên Thái Bình Dương, tao cũng không biết nữa, còn mày ?”. Ông vẫn có thói quen gọi cấp dưới bằng “mày, tao” một cách thân mật như anh em thâm tình. Đại úy Hải trả lời: “Chắc tôi về Bến Tre đi tu với mẹ tôi quá.”.

Đại Tá bùi ngùi nói lời từ giã cuối cùng: “Chúc anh em may mắn…. Hẹn gặp lại…”.

Lần đầu tiên trong đời binh nghiệp, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt ông. Sau đó ông lên tàu HQ-402.

Ánh chiều cũng bắt đầu thoi thóp tàn dần trên sông Vàm Cỏ.

Ráng chiều để lại trên mặt sông mênh mông những vệt đỏ như máu.

Đại Tá Dõng cho biết, sau khi cho giải tán Lực Lượng Đặc Nhiệm 99, tôi và Phó Đề Đốc Phú dùng hai chiếc PCF (Patrol Craft Fast-duyên tốc đỉnh) để ra đi.

Và cuối cùng thì Hải Vận Hạm Lam Giang HQ402 đã khập khiễng đi qua. Chúng tôi lên tàu lớn. HQ402 là chiếc tàu hư một máy với trên 2,000 người trên đó.”

Chính Đại Tá Dõng đã nhọc công chỉ huy và lái con tàu ra biển cho đến khi tất cả được đưa lên tàu khác.

Một chiếc tàu Mỹ gần đó cho người đến. Ông ta xem xét máy móc và lắc đầu bỏ đi, không quên mang theo một hành khách Mỹ xuống quá giang lúc tàu còn ở bến Sài Gòn.

Chiếc HQ 402 được bắn chìm.

blank
Hình ảnh một thời chinh chiến.

6* Lực lượng đặc biệt ít người biết đến: Đặc Nhiệm 99

Nói đến HQ Đại Tá Lê Hữu Dõng thì không thể nào quên được đơn vị đặc biệt gắn liền với tên tuổi của ông, đó là Lực Lượng Đặc Nhiệm 99. Một đại đơn vị mang một trách nhiệm vô cùng nặng nề của Hải Quân VNCH trong những ngày khẩn trương sau cùng của miền Nam.

6.1. Thành lập

Ngày 8-4-1975, do tình hình khẩn trương, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang cho thành lập Lực Lượng Đặc Nhiệm 99.

Lực lượng bao gồm: Giang Đoàn 42 Ngăn Chận, Giang Đoàn 59 Tuần Thám, Đại đội Hải Kích, Địa Phương Quân. Một số giang đỉnh, những chiếc tàu Zippo phun lửa. Đó là một đại đơn vị gồm 62 tàu bè, là một mũi nhọn xung kích mạnh nhất của HQ/VNCH thời đó.

6.2. Nhiệm vụ của Lực Lượng Đặc Nhiệm 99

Nhiệm vụ do khẩu lịnh của Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, TL/HQ/VNCH, gồm ba trọng trách như sau:

1. Lực Lượng làm đơn vị hậu vệ nặng, bảo vệ Chính Phủ về miền Tây trong trường hợp cần thiết.

2. Bảo vệ an ninh đường thủy trên sông Soài Rạp và sông Lòng Tào nếu hạm đội phải rời Sài Gòn ra biển.

3. Bảo vệ Bộ Tư Lệnh HQ nếu có đảo chánh xảy ra.

6.3. Những thành tích của Lực Lượng 99

Lực Lượng Đặc Nhiệm 99 cùng với Địa phương quân Long An đã làm chậm trễ đường tiến quân của ba sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt là sư đoàn 5, 7 và 9 từ biên giới Campuchia tràn xuống. Những trận ác liệt khiến cho Cộng quân phải chùng bước như ở quận Thủ Thừa, Long An, Cầu Long An, trên hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Cho đến ngày 29-4-1975 VC chưa chiếm được Thị xã và Cầu Long An.

Trả lời phỏng vấn, HQ Đại Tá Lê Hữu Dõng cho biết: “Ngày 29-4-1975 trong lúc đoàn tàu di tản từ Sài Gòn ra biển thì tôi và Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú còn ngồi trên chiếc PBR (Patrol Boat River-Giang tốc đỉnh) đậu tại bến đò Long An.

7* Hoạt động của hai con tàu tình thương HQ400 và HQ401

7.1. Nguồn gốc của hai chiếc “tàu tình thương”

Trong buổi hội ngộ, sự hiện diện của hai vị Hạm Trưởng HQ400 và HQ401 là HQ Đại Tá Đoàn Danh Tài và HQ Trung Tá Nguyễn Văn Pháp là hai vị đã từng điều khiển hai con tàu phục vụ cho công tác y tế của Hải Quân VNCH. Thiết tưởng cũng cần nhắc lại hoạt động của hai con đã có một thời được gọi là con tàu tình thương.

Hải vận hạm Hát Giang HQ400 mà nguồn gốc của nó là chiếc USS LSM-335 của Hoa Kỳ. Tàu Hàn Giang HQ401 từ USS LSM-110. (LSM=Landing Ship Medium- tên gọi Hải Vận hạm)

Hai chiếc hải vận hạm nầy được sửa đổi chuyển qua Y Tế hạm từ năm 1966.

7.2. Trở lại nhiệm vụ vận tải

Trước tình hình sôi động của Vùng 2 và Vùng 1 chiến thuật, nhu cầu vận tải gia tăng cho nên hai chiếc tàu nầy được tháo gỡ những trang thiết bị y tế để xử dụng trở lại nhiệm vụ vận tải như trước kia.

1). Hoạt động của HQ400

HQ400 nhận lịnh chở đạn pháo binh từ Cam Ranh ra tiếp tế cho Sư Đoàn 22BB đang phòng thủ ở Qui Nhơn.

Tối 20-3-1975 HQ400 ủi bãi Qui Nhơn. Lúc 11 giờ đêm trong khi chờ bốc đạn pháo lên bờ thì có 3 tên người nhái Việt Cộng lặn đến đặt mìn. Nhân viên canh phòng phát hiện kịp thời, ném lựu đạn MK3A2, bắt sống được một tên mới có 16 tuổi.

Tình hình Qui Nhơn căng thẳng, Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh ra lịnh cho HQ400 ủi bãi tại trường Sư Phạm Qui Nhơn để đón một số đơn vị của Sư Đoàn 22BB, nhưng tàu không ủi bãi được vì B-40 bắn ra tới tấp nên các đơn vị phải bơi ra tàu. HQ400 chở quân và cả tướng Phan Đình Niệm, TL/SĐ 22BB, trên đường về Vũng Tàu.

Về đến Vũng Tàu thì thành phố nầy đông nghẹt đồng bào và quân nhân tỵ nạn. Để tránh gây náo động trong lãnh thổ của Vùng 3 Chiến Thuật, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn và Thị trưởng Vũng Tàu không cho phép tàu đổ người lên bờ, vì thế HQ400 và những tàu vận tải khác phải đưa số người tỵ nạn khổng lồ từ Vùng 1, Vùng 2 lên đảo Phú Quốc.

Sau đó HQ400 nhận lịnh chở binh sĩ và gia đình họ từ Bình Tuy về Cát Lỡ, Vũng Tàu.

Ngày 17-4-1975, HQ400 sang Thành Tuy Hạ lãnh đạn đi tiếp tế cho những chiếc WHEC và PCE là những chiếc biệt phái cho Vùng 3 Duyên Hải. (WHEC=White High Endurance Cutter, PCE=Patrol Craft Escort)

Ngày 27-4-1975, HQ400 nhận 600 người ở căn cứ Cát Lỡ. Ngày 29-4-1975 xe tăng VC xuất hiện ở Vũng Tàu. 3 giờ chiều hôm đó VC pháo kích xối xả nên chiến hạm phải nhổ neo để tránh đạn.

Ngày 29-4-1975 các chiến hạm nhận được lịnh “tự do vận chuyển” nên tàu thuyền các loại ra khơi.

HQ400 đang chở người và chở đạn. Hạm Trưởng xin chỉ thị từ HQ Trung Tá Lê Thành Uyển, Chỉ huy trưởng Hải đội 3 Tuần dương, xin được đổ đạn xuống biển nhưng Trung Tá Uyển không giải quyết được.

2). HQ401 góp phần di tản đồng bào miền Trung chạy nạn Cộng Sản

Việc di tản bằng đường thủy từ Vùng 1, Vùng 2 Chiến thuật khơi lại những giờ phút kinh hoàng chung quanh các bãi đổ bộ. Đồng bào nói với nhau một câu chan chứa đầy ân tình: “Nếu không có hải quân ra đón thì số người chết ở Vùng 1, Vùng 2 còn gia tăng bội phần, vì Việt Cộng có chừa ai đâu, dân hay quân gì thì chúng cũng nã pháo tiêu diệt”.

HQ400 và HQ401 trong đoàn tàu 30 chiến hạm đưa 30,000 người từ Côn Sơn đi Philippines. Những chiến hạm nầy được giao lại cho Philippines, gồm có: 1 khu trục hạm (HQ01), 5 tuần dương hạm (HQ2, HQ5, HQ6, HQ16, HQ17). 5 hộ tống hạm (HQ7, HQ8, HQ11, HQ12, HQ14). 5 dương vận hạm (HQ500, HQ502, HQ505, HQ 800, HQ801). 3 hải vận hạm (HQ400, HQ 401 và HQ 404). 1 Cơ xưởng hạm (HQ802). 3 trợ chiến hạm (HQ228, HQ229, HQ231). 3 Giang pháo hạm (HQ329, HQ330, HQ331). 2 Hỏa vận hạm (HQ470, HQ471). 1 Tuần duyên hạm (HQ618).

Khu trục hạm HQ01, Trần Hưng Đạo được dùng làm Soái hạm của Hải quân Phi Luật Tân. Soái hạm (Flag Ship) tàu của chỉ huy trưởng.

Ở Philippines, HQ401 và HQ03 phế thải để lấy cơ phận sửa chữa.

8* Một người Mỹ tốt bụng và vị sĩ quan Hải Quân có tinh thần trách nhiệm cao độ với đồng bào.

8.1. Ông Richard Lee Armitage đến Việt Nam

Richard Lee Armitage (born April 26, 1945) Đại tá Đỗ Kiểm đã rơi nước mắt khi hát Quốc ca Việt Nam Cộng hòa lần cuối

Ngày 24-4-1975, ông Richard Lee Armitage cùng với Phụ tá Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, ông Erich Von Marbod đáp chuyến bay PanAm cuối cùng đến Việt Nam với nhiệm vụ tối mật là tìm cách đưa ra khỏi Việt Nam những chiến cụ chiến lược có liên quan đến hải quân và những gì tàng trữ bí mật còn sót lại.

Ông Von Marbod lo phần Không quân, ông Armitage lo phần Hải quân.

Ông Armitage cho biết, trước đó hồi tháng 3 năm 1975 ông đã đến VN với tư cách riêng vì ông có nhiều quan hệ mật thiết với những sĩ qua Hải quân cao cấp khi ông còn là sĩ quan Hải quân HK đã phục vụ 4 nhiệm kỳ ở Việt Nam.

8.2. Kế hoạch bí mật, không chỉ cứu những con tàu

Một vài tuần lễ trước ngày 30-4-1975, ông Armitage đã có mặt tại văn phòng của người bạn thân là đại tá Đỗ Kiểm, Tham Mưu Phó Hành Quân HQ/VNCH. Hai người lập kế hoạch giải cứu những chiến hạm của Hải Quân. Việc di tản phải được giữ bí mật tối đa.

Để chuẩn bị, các cuộc tuần phòng của Hải quân phải được thu hẹp lại để các chiến hạm có thể được tập trung nhanh hơn. Nhu cầu tu bổ đại kỳ được tạm ngưng, tập trung vào những việc sửa chữa để các chiến hạm có thể ra khơi được.

Ngày 26-4-1975, HQ Đại Tá Nguyễn Xuân Sơn bị cách chức vì tiết lộ bí mật cuộc di tản. (Nhưng biết đâu nhờ tin tức của Đại Tá Sơn mà đồng bào đã tràn ra bến tàu và đã thoát nạn Cộng Sản)

HQ Đại Tá Phạm Mạnh Khuê thay thế Đại Tá Sơn.

Đại tá Kiểm cho ông Armitage biết rằng, muốn đưa những con tàu rời VN, thì phải cần thủy thủ đoàn, nhưng thủy thủ VN sẽ không đi, nếu gia đình của họ không được đi theo. Kế hoạch cứu thoát những con tàu đưa đến việc di tản người lánh nạn Cộng Sản. Ông Armitage không báo cáo với thượng cấp về việc nầy, vì lo ngại chính quyền Mỹ có thể không giải cứu họ.

Cả hai ông, đại tá Kiểm và Armitage không ước lượng được con số người di tản là bao nhiêu, hơn nữa Hoa Kỳ cũng không có kế hoạch chi tiết cụ thể như thế nào.

Ông Richard L. Armitage đúng là một người Mỹ tốt bụng. Ông được các bạn Việt Nam đặt cho cái tên là Trần Văn Phú. Họ Trần là họ của Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo. Văn là chữ lót. Phú có nghĩa là giàu, tiếng Anh là Rich, chữ đầu của tên Richard.

Qua 6 ngày trên biển, trong 30,000 người tỵ nạn, đã có 3 người thiệt mạng và được thủy táng, vì Philippines không cho phép mang xác chết lên nước họ.

Khi đoàn tàu đến gần Philippines thì thuyền trưởng chiếc Kirk, nhận được một tin không tốt lành gì. Đó là chính phủ của Tổng thống Ferdinand Marcos e ngại rằng sự hiện diện của tàu HQ/VNCH có thể gây khó khăn về ngoại giao của họ đối với chính quyền CSVN. Hạm trưởng Jacobs của chiếc Kirk kể lại: “Chính phủ Philippines không cho phép chúng tôi vào cảng Subic và đề nghị những con tàu nên trở về Việt Nam”.

Đại tá Đỗ Kiểm và ông Armitage đưa ra một giải pháp buộc Tổng thống Ferdinand Marcos phải chấp nhận. Đó là cờ VNCH được hạ xuống và trương cờ Mỹ lên, chứng tỏ những con tàu nầy là của Hoa Kỳ.

Mà thật, những con tàu nầy là của HK. Cơ sở lý luận là, trong chiến tranh, tàu HK được trao cho VNCH như là một khoản cho mượn để chống Cộng Sản, nhưng bây giờ chiến tranh kết thúc, HK thu hồi những chiếc tàu nầy trở lại. Thế là một cuộc tìm kiếm khó khăn, làm sao có đủ 30 lá cờ Mỹ trong lúc ở trên mặt biển.

8.3. Lễ hạ cờ đầy xúc động.

Hàng chục ngàn người VN trên các con tàu bắt đầu hát quốc ca. Cờ VNCH hạ xuống trong những tiếng bật khóc. Khóc. Và khóc… Chưa bao giờ có một buổi lễ hạ cờ đầy xúc động đến như thế.

Lãnh thổ VNCH cuối cùng đã mất thật sự. Cái đau gậm nhấm khôn nguôi của người Việt miền Nam là mất nước.

Tóm lại, “Trần Văn Phú” (Richard Lee Armitage) là người Mỹ tốt bụng đi kèm với vị sĩ quan Hải quân có tinh thần trách nhiệm cao độ là HQ Đại Tá Đỗ Kiểm nên trên 30,000 quân dân VNCH được đưa đến bến bờ tự do.

Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn được áp dụng phù hợp với hai vị anh hùng Việt Mỹ nầy.

Đại Tá Đỗ Kiểm cũng không đích thân đưa gia đình vợ con của ông ra đi.

9* Kết luận

Ngày Hội Ngộ Quân Y Hải Quân năm 2014 được diễn tiến tốt đẹp, thành công như ý muốn. Mang nhiều ý nghĩa.

Những thành viên của gia đình Quân Y Hải Quân, dù ở phương trời nào cũng tìm về với nhau. Hàn huyên, tâm sự, nhắc lại những kỷ niệm vui buồn của một thời chinh chiến xa xưa. Những bản nhạc tình thời chinh chiến mà chị Võ Xuân Thu, phu nhân của Dược sĩ Đoàn Văn Quảng gợi nhớ lại thời xa xưa đó ở quê nhà. Việt Nam.

Người từ Pháp đến, người từ trong nước ra gặp lại nhau sau hơn 40 năm xa cách.

Truyền thống tôn ty, kỷ luật của quân đội vẫn còn duy trì nhưng gần gũi hơn, thân tình hơn.

Anh Sáu Nhỏ có sáng kiến tạo ra một hoạt cảnh vui nhộn mà những mái tóc điểm sương của những vị cao niên ở tuổi thất thập lại hòa mình với nhau, cùng nhau trở về cái thời niên thiếu của những chàng thanh niên hẹn hò với người yêu mà bây giờ là những phu nhân tóc cũng điểm sương. Hoạt cảnh của anh Sáu được xem như “một kỷ niệm vui nhớ đời”.

Nhìn lại quảng đời tỵ nạn. Mất nước. Mất quê hương. Mất tất cả, nhưng còn cái may mắn là đuợc sống sót sau cuộc chiến.

Người tỵ nạn ở quê hương thứ hai nầy cũng còn có niềm an ủi, là đa số con cái đã thành công trong xã hội hiện nay ở Hoa Kỳ, một điển hình là gia đình của Thiếu Tá Nguyễn Văn Sáu ở Stockton, CA.

Hợp rồi cũng tan. Cuộc vui nào cũng tàn. Không biết kỳ hợp mặt sắp tới có còn đủ nhưng khuôn mặt tham dự như hôm nay hay không?

Trúc Giang

Minnesota ngày 27-10-2014

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.